Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.156.681
 
Nghề ăn ong trong rừng U Minh
Nguyễn Trọng Tín

Trong xã hội nghề rừng ở U Minh, có một nghề độc đáo mà nhiều chuyên gia lâm nghiệp quốc tế khi đến đây đều nói rằng, họ chưa từng gặp ở đâu trên thế giới. Đó là nghề gác kèo ong. Đặc biệt, những người làm nghề này đều bắt buộc phải gia nhập vào một tổ chức xã hội có lịch sử truyền đời, do chính họ lập ra, đó là đó là Đoàn Phong Ngạn

 

Dựng nhà cho ong…

Mỗi đoàn viên Phong Ngạn chỉ cần những dụng cụ đơn sơ: một cái búa bén, một cái gùi, một cái hộp quẹt, dúm bùi nhùi bằng xơ dừa hay vỏ tràm khô và con dao tre. Dúm bùi nhùi để hun khói xua ong khi lấy mật. Để an toàn trong việc phòng cháy rừng, về sau bùi nhùi được đốt trong hộp thiếc, nắp hộp có cái vòi cho khói thoát ra. Cũng không thể dùng dao sắt, vì sau khi lấy mật, con ong có khuynh hướng sẽ bỏ tổ. Còn lại là những kinh nghiệm truyền đời. Người thợ rừng chặt một đoạn tràm thẳng, to cở bắp chân người lớn, dài chừng hai mét, chẻ đôi thân cây, đụt lỗ ở hai đầu để mắc vào cọc chống, phơi khô đoạn cây trước khi mang vào rừng. Thế rồi người thợ lựa hướng gió, hướng mặt trời, địa thế của cây rừng để gác đoạn gỗ ấy chênh chếch  vào tầm đầu người ở một nơi bất kỳ nào đó trong cánh rừng mênh mong. Đó là công việc gát kèo. Thế là đàn ong lại về đúng đoạn cây đó để làm tổ và cho mật. Những lô rừng có người gác kèo thì không bao giờ ta gặp được ổ ong đóng trên những cành cây tự nhiên, dù có vô số những cây rừng tự nhiên cũng nằm chênh chếch như vậy. Tuy nhiên, không phải kèo nào rồi cũng có ong. Người nào có số kèo được ong về làm tổ trên 90% sẽ được liệt vào hàng lão làng, thường được tôn vào nhóm đại diện, cho dù lúc ấy tuổi đờI của họ còn trẻ hơn nhiều người khác. Nhưng người yếu tay nghề nhất cũng phải đạt trên bảy phần mười số kèo được ong làm tổ mới có “cơ” làm đoàn viên Phong Ngạn.

 

… và dựng tổ cho người

Tôi đã hỏi nhiều lão ông nhà có mấy đời sống bằng nghề gát kèo, rằng vì sao tổ chức của họ lại có cái tên là Đoàn Phong Ngạn và nó đã được hình thành như thế nào? Chẳng một ai rõ nguồn cơn ra sao. Cả cái việc vì sao các thành viên của Đoàn Phong Ngạn đều phải là nam giới, thì cũng không ai giải thích được. Chỉ biết, trong mỗi gia đình, khi người cha mất đi hay không còn đi rừng nổi thì những đầu kèo của người đó trong rừng nghiểm nhiên thuộc về người con trai nào đó được ông rèn cập nghề này từ khi nhỏ. Tuyệt nhiên không có sự tranh chấp từ những người con trai khác. Nếu gia đình không có con trai, các kèo ấy thuộc về một đứa cháu trai, dù là một đứa cháu họ xa cũng được. Bằng không, nghề này trong gia đình ấy xem như thất truyền. Khi đó, những đầu kèo của họ trong rừng sẽ thuộc về Đoàn Phong Ngạn và Đoàn có toàn quyền chia cho các thành viên khác.

Đoàn Phong Ngạn được tổ chức khá chặc chẻ. Người đứng đầu gọi là đại diện, không do bầu ra, nhưng được các thành viên tôn lên một cách tự nguyện, dựa trên các tiêu chuẩn được ngầm ước định là: kinh nghiệm, tuổi cao và đức độ. Đức độ ở đây được xét với hai khía cạnh, là cư xử với người và ứng xử với rừng.

 

Ba điều luật

Đoàn Phong Ngạn ban đầu hình thành theo dòng họ, nhưng sau được tổ chức theo cụm dân cư. Mỗi Đoàn Phong Ngạn “làm chủ” một vùng rừng, ranh giới phân chia rõ ràng. Trong vùng rừng ấy, mỗi đoàn viên được phân chia từng lô cụ thể. Có ba điều qui ước nghiêm ngặt cho mọi thành viên trong Đoàn Phong Ngạn. Thứ nhất là về việc vào rừng: mọi thành viên trong Đoàn khi vào rừng, bất kỳ lý do gì, đều phải báo cho ít nhất một người trong Đòan được biết. Qua đây, người ta kiểm soát chặc chẻ hoạt động của con người trong rừng. Thứ hai, mỗi đoàn viên phải chịu trách nhiệm canh giữ không để lửa cháy trong khu vực lô của mình, dù bất kỳ nguyên nhân do đâu. Thứ ba, cấm ngặt chuyện trộm mật từ kèo ong của người khác. Không giữ được ba điều này, nhất là điều thứ ba, người đoàn viên sẽ bị cấm nghề, phải để lại số đầu kèo trong rừng cho một người thân và người mới này phải được cả Đoàn chấp nhận. Nếu không có một người “kế nghiệp”, số kèo của người này sẽ được chia đều cho các thành viên trong đoàn.

 

Những chủ rừng không có văn tự

Điều lý thú là các khu rừng do Đoàn Phong Ngạn “làm chủ” đều có chủ. Thời Tây, đó là các nhà thầu và các chủ đường củi. Chính quyền thực dân ngày xưa hàng năm mở cúp bán rừng cho các nhà thầu khai thác theo chu kỳ của tuổi cây, thường là 20 năm tuổi trở lên. Người trúng thầu phân lô bán lại cho các chủ đường củi và họ được xem là chủ hợp pháp của rừng. Đã có nhiều chủ đường củi mưu toan đánh thuế hay ăn chia với dân Phong Ngạn nhưng đều thất bại. Dân Phong Ngạn có thứ vũ khí lợi hại, đó là đồng loạt rút kèo. Có nghĩa là họ không vào rừng gát kèo và phá bỏ những chiếc kèo sẵn có. Các chủ đường củi chỉ còn cách liên kết với nhau để chèn ép giá mua mật và sáp ong. Dân Phong Ngạn cũng không vừa, họ mua lu (vại lớn) về trử mật lại, có người trử tới mấy chục lu mật trong nhà.

Thời kinh tế bao cấp, toàn bộ rừng đều được phân chia cho các lâm trường. Các lâm trường không chấp nhận việc người Phong Ngạn tự do vào rừng nên đã có lúc chủ trương biến họ thành nhân viên hợp đồng ăn chia sản phẩm. Nhưng chủ trương này cũng không thành, do dân Phong Ngạn lập lại cái điệp khúc rút kèo. Cuối cùng các lâm trường phải thoả hiệp cho họ được vào rừng như cũ. Bởi cái lợi của việc cho họ vào rừng ngoài thu mua được mật, họ còn là đội quân phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn cả.

Trong một lần tìm hiểu tài liệu về lâm trường Sông Trẹm, tình cờ tôi nhìn thấy con số thật đáng suy nghĩ: năm 1982, bộ phận thu mua của lâm trường đã mua được số lượng mật ong lên đến 400 tấn. Khối tinh hoa này được chắt chiu từ bao nhiều cánh ong và bao nhiêu cánh hoa rừng? Trong đó cũng không thể không kể đến tình yêu thiên nhiên của những người dân Phong Ngạn.

Bây giờ rừng đã cạn kiệt đi nhiều, nên nhiều Đoàn Phong Ngạn cũng teo tóp hay tự biến mất. Song, tôi vẫn còn quen  một kỹ sư lâm sinh, dân gốc U Minh, dù đang là cán bộ Nhà nước có cở ở tỉnh, nhưng anh vẫn còn là thành viên của một Đoàn Phong Ngạn. Anh kỷ sư này vẫn có định kỳ để đi vào rừng với những kèo ong của mình.

 Mới hay, những gì thuộc về truyền thống, thuộc về văn hóa thật khó mất đi. Nhưng cũng nên hiểu rằng, không phải tự nhiên mà chúng còn mãi.

Chút kỹ niệm

Đầu tháng 10/ 2005 vừa qua, nhân chuyến về Cà Mau, tôi có tranh thủ về xã Biển Bạch Tây, nằm bên bờ sông Trẹm thuộc huyện Thới Bình để thăm anh Năm Dễ, một người tôi quen cách nay đã 22 năm.

 

@songcuulong.org

 

Nguyễn Trọng Tín
Số lần đọc: 5081
Ngày đăng: 06.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về một hướng nghiên cứu văn hóa Việt Nam - Hồ Liên
Tâm hồn Việt trong mâm cỗ ngày xuân - Khuyết danh
Bàn thiên Nam bộ - Nguyễn Văn Hoa
Chợ Vàm Cống xưa - Bình Tam Lê
Tính cách con người Nam bộ qua trang văn của các tác giả ĐBSCL - Thu Trang
Văn hóa ẩm thực Nam Bộ - Nguyễn Hữu Hiệp
Ghe xuồng miền Tây Nam Bộ: Nét đẹp văn hoá độc đáo - Khuyết danh
Bắt sấu rừng U Minh hạ - Sơn Nam
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI - Khuyết danh
Chợ Việt Nam - Khuyết danh