Tối hôm đó, trời mưa to hạt. Ngoài thềm hiên, nước mưa chảy tràn ướt sân, và ngồi ở trong lán tù nhìn ra cửa sổ có chấn song sắt, mới thấm thía đời tù, thấu hiểu cái giá lạnh, nặng nề của gió mưa vùng trung du Bắc Việt khi mùa Ðông trở về.
Ðã hơn 9 giờ, các tổ đội trong lán vừa mới họp xong, anh em được nghỉ ngơi sinh hoạt tự do. Buổi tối nào cũng vậy, giờ sinh hoạt luôn vui nhộn ồn ào, mà tiếng kêu rít thuốc lào nghe là bồn chồn, háo hức, thích thú vô cùng. Từng nhóm tụ tập quanh chiếu nằm với vài ngọn đèn con, những bóng sáng hiu hắt như là nơi chốn ở một bến đò, chỗ này là nhóm bạn thân quen, chỗ đông kia là rạp hát có chương trình kể truyện phim, truyện chưởng, truyện Tàu, hay nghe bình thơ văn. Nhờ vậy, anh em mới nguôi nhớ chuyện gia đình, vợ con, luôn cảm thấy có nhau, trước kia là chiến hữu, giờ là bạn tù, sống vui trong sự quây quần của tiếng cười, tiếng nói. Trong tiếng nói, dù mỗi người sinh trưởng mỗi miền nhưng nó có được một dấu ấn riêng biệt của miền Nam trước biến cố 30 tháng 4 năm 75. Những năm tháng qua đi, ngày tháng trong tù vẫn hiện hữu, vẫn ánh lên một niềm cảm thông, hy vọng bập bùng như hơi ấm của bếp lửa.
Vừa mới nhận được thư gia đình lúc trưa, nên tối đó, tôi không đi đâu. Chỗ tôi nằm ngay cửa sổ, và mỗi lần mưa đêm, tôi thường ngồi dậy hay nằm ngẩng đầu nhìn ra mưa, cùng lúc lắng nghe âm thanh tiếng mưa. Tiếng mưa là cả một khúc nhạc dạo trong hồn, trong đêm càng khuya khoắt, càng biết mình đi xa đã lạc lối trở về.
Bên cạnh chỗ tôi, là chiếu của anh Phong. Anh Phong đang trò chuyện với người bạn nằm bên cạnh về đời sống vùng quê miền Bắc trước thời di cư, sau đó, lại nhắc đến mấy người bạn ở trên trại tù Lào Kai. Tôi đang nhớ nghĩ tới gia đình, những người thân ở Sài Gòn, ở Huế, ở Quảng Trị, nhưng cũng lắng nghe chuyện của anh đang nói.
Bỗng nhiên tôi vụt ngồi dậy, hỏi:
- Ủa, anh Phong cũng quen ông Thanh Tâm Tuyền.
- Ngoài đời, tôi không quen, nhưng tôi ở chung với ông một đội trên trại Lào Kay.
- Lúc chuyển trại về dưới này, anh biết ông ấy đi đâu không?
- Ông cũng về K2 đây, chứ đâu.
- Ủa, sao cả tháng nay tôi không hay biết.
- Ông ở bên đội hương nhu.
Khi anh Phong cho biết anh Thanh Tâm Tuyền về trại này, tôi thực sự vui mừng. Trước đây, tôi được quen anh qua anh Nguyễn Quốc Trụ và gặp anh cũng khá nhiều lần vào mỗi buổi sáng ở quán cà phê La Pagode. Và, nhất là, tôi rất mê văn anh viết trong hai cuốn tiểu thuyết Bếp Lửa và Ung Thư.
Khi kẻng báo đèn tắt, anh em tù giải tán về chỗ nằm. Mặc dù đói ăn thường trực, nhưng tôi được cái dễ ngủ. Và luôn trong giấc ngủ, tôi được sống hạnh phúc với những kỷ niệm về tình yêu của thời tuổi trẻ mà tôi tìm lại được. Những gương mặt của bao nhiêu thiếu nữ ngoài đời ấy, trong mơ, luôn đến trò chuyện với tôi như từng dòng chữ in tôi đọc trên mỗi trang sách.
Buổi sáng sớm, vẫn thường được báo thức bằng hồi kẻng. Khi nhận phần ăn sáng xong tôi vội băng qua khu nhà đối diện tìm lán anh Tâm. Chỗ anh nằm gian phía trong, và khi tôi tìm được chỗ, thấy anh đang ăn chén ngô, đầu đội chiếc mũ cối màu lam ngồi quay mặt vào tường.
- Anh Tâm.
Ðang ăn, nghe tiếng ai gọi, anh vội quay đầu thấy tôi đứng ngay chỗ khoang giường anh.
- Ủa, cậu.
Tôi ngồi xuống chiếu, và chén ngô chỉ còn hai muỗng anh ăn vội cho xong rồi uống nước. Tôi mở nắp túi áo lấy gói thuốc lào nhỏ bọc trong lá chuối ra mời anh. Anh lấy điếu, chùi sơ qua nõ xong đưa cho tôi. Nhưng, tôi nói:
- Anh hút trước đi, em sau.
Còn đến mười lăm phút nữa mới tập họp đi lao động. Trong lúc anh cầm cây đóm châm lửa, tôi nhìn gương mặt anh. Hút xong điếu thuốc, anh hỏi tôi:
- Cậu ở trại nào về đây ?
- Em ở trại Hồng K trên Yên Bái về. Còn anh, ở Lào Kai phải không?
Anh gật đầu. Giữa khói thuốc còn lởn vởn, hai anh em nhìn lại mặt nhau, với bao nhiêu đổi thay, tự dưng có một giây thật yên lặng không biết nói gì. Rồi anh hỏi tôi:
- Thằng Khả ở đâu?
- Anh ở trại Kỳ Sơn, Ðà Nẵng.
Anh Tâm biết đến anh tôi, vì anh tôi đã có thời gian làm việc ở tòa báo Tiền Tuyến. Còn được ít phút, tôi hỏi thăm anh mấy người quen biết trong giới văn nghệ.
Tới hồi kẻng báo giờ tập họp đánh lên, tất cả các đội đều ra sân tập họp đi lao động. Trời lạnh, nhưng khô ráo. Sau khi thi đua báo cáo quân số xong, lần lượt các đội xuất trại. Từ cổng chính tới ngã ba con lộ, những đội trồng lúa, trồng sắn, trồng khoai, hái trà và đi rừng, rẽ trái hướng về những ngọn đồi tiếp cận với bìa rừng, còn những đội trồng hương nhu, bạc hà, rau xanh, làm mật mía thì rẽ phải đi theo con đường suối tới hiện trường. Trại Tân Lập có 5 phân trại, K2 nằm cuối hết bên cạnh con đường lộ bắt đầu từ bến đò Ngọc. Trại nằm giữa hai con suối lớn, có nhiều ngôi làng bao quanh và có một diện tích canh tác lớn bằng cả một nông trường do công lao động hàng ngày của trên một ngàn người tù. Ðây cũng là một phân trại có cảnh trí đẹp với những đồi trà, đồi sắn trải dài, những ruộng mía thẳng tắp, những vườn rau, vườn cải tươi tốt, và quanh những con đường nối liền các thôn bản đều có trồng cây che bóng mát. Ngày nào cũng vậy, tám tiếng lao động có hai buổi nghỉ giải lao mười phút giữa giờ.
Buổi sáng qua mau. Trưa về trại, sau khi cơm nước xong, tôi chạy qua tìm anh Tâm và bọc cho anh một gói nhỏ thuốc lào trong lá chuối. Thuốc lào phải gói vào lá chuối mới giữ được độ mềm.
Thấy tôi qua thăm, anh cười vui. Khi tôi biếu gói thuốc lào, anh nói:
- Thuốc cậu hút ngon.
- Em nhận được quà tuần trước, may quá, có được một bánh 888.
Anh cũng vừa ăn cơm xong, nên bày bàn đèn ra ngay. Chỗ anh nằm gần cửa sổ, nhưng về phía trong góc tối. Sau mấy chuyện về những người quen biết, tôi hỏi anh:
- Anh có viết được gì không?
Người nằm bên cạnh anh đi đâu vắng. Anh không trả lời câu tôi hỏi, nhưng cũng không tỏ ra bất bình. Một lúc sau, anh mở ba lô lấy ra một tập giấy, xem xét lại xong, anh nói:
- Tôi để cho cậu đọc, đừng có nói với ai.
- Dạ.
Tôi hết sức là vui. Trong cuộn giấy anh lấy ra, có đến khoảng hai mươi bài thơ anh cất giữ. Tôi cầm lấy, mắt cúi xuống chăm chú đọc từng bài. Ðọc xong, vẫn còn cầm giữ trên tay, tôi nói:
- Bài thơ Nhớ thi sĩ em rất thích. Tặng già Ung là ai, anh?
- Thi sĩ người Ý.
Tôi đọc lại bài thơ dài này một lần nữa. Sau đó ít lâu, bài thơ được phổ biến cho một số anh em quen, và được nhạc sĩ Hồ Ðăng Tín phổ nhạc.
Tôi chuyển từ trại Hồng K. về dưới này trước anh Tâm bốn tháng. Khi tôi về dưới này, đến cả lúc anh chuyển trại từ Lao Kai đến đây, sự quản chế trong tù ngoài quản giáo ra, ban thi đua vẫn còn thuộc bên đám hình sự. Ðến khi, tù hình sự về hết, thì bắt đầu chuyển qua toàn bộ ban thi đua cho tù chính trị, anh Nguyễn Xuân Tùng được đề cử làm trưởng ban thi đua, hai anh Trần Chánh Trí và Dương Ðình Trung phụ tá, phụ trách về trật tự nội vụ và sinh hoạt của trại. Lúc này, không khí phân trại K2 bắt đầu dễ thở, sinh động, trong đó cũng có một phần là hầu hết anh em được thăm nuôi hay nhận quà nhiều lần hơn.
Ngày Chủ Nhật được nghỉ, anh em tù thường hay ra hội trường chơi cho thoáng mát. Với anh Tâm, rất nhiều người biết và rất thích văn anh, nhưng anh không giao tiếp với ai nhiều, lúc có thì giờ rảnh anh học tiếng Ðức qua sách do một giáo sư người Pháp viết. Và, đặc biệt, anh nghiên cứu thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, sách do Hà Nội xuất bản.
Một buổi chiều Chủ Nhật đó, tôi và anh Tâm ngồi ở bậc thềm nơi hội trường nói chuyện với nhau. Tôi hỏi anh:
- Cuốn Ung Thư anh viết đã xong chưa?
- Xong rồi.
- Sao anh không in sách?
Anh không trả lời, chỉ mỉm cười. Trong các tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền viết, tôi rất mong đợi cuốn này xuất bản để mua, vì khi còn đăng từng kỳ trên báo Văn và Bách Khoa, kể cả trước đó ở hai tạp chí Hiện Ðại và Sáng Tạo, tôi đều có đọc. Không nghe anh trả lời, và thấy anh do dự nên tôi không hỏi thêm. Một lúc, tôi nói với anh:
- Anh viết câu mở trong cuốn Ung Thư thật là tuyệt vời.
Và anh nghe tôi đọc: Giữa vùng nước đục ngầu, thành phố nghiêng chìm dưới đôi cánh phi cơ.
Anh Tâm rất hiểu tôi là người ham mê đọc tiểu thuyết. Anh cũng biết, tôi thích cuốn sách anh đã viết, nên chiều đó, với nguồn cảm hứng trong văn chương, anh rất vui lắng nghe tôi nói về cuốn tiểu thuyết của anh. Lúc này, tôi nhắc đến Thạch, Ðồng, An, Liên, và Nga là những nhân vật trong cuốn Ung Thư. Và, trong Ung Thư có một chi tiết thật cảm động, tôi rất thích đó là bối cảnh Hà Nội trong cơn hấp hối, thành phố sắp tan rã, suốt đêm Thạch đi tìm Liên khắp Hà Nội, nhưng không có nàng, sau đó anh trở về lại con hẻm cũ nơi có nhà nàng ở, đứng đầu hẻm với nỗi nhớ người yêu Thạch bụm tay lên miệng cất tiếng hú gọi tên Liên... Liên... Liên, tiếng hú vang dội đã làm bầy chó rống lên, sủa ran cả một khu phố. Tôi gợi lại chi tiết nhớ được đó, anh Tâm mỉm cười nhìn qua tôi, tôi đọc được ở trong cặp mắt anh một niềm vui rất thơ trẻ.
Có thể nói Ung Thư là tác phẩm Thanh Tâm Tuyền đã dồn hết tài năng và sức lực của mình để viết. Có thể nói Ung Thư là cuốn Bếp Lửa được phóng lớn.
Sau đó, tôi nhắc cuốn Bếp Lửa như là ước mơ đầu tiên của tác giả Ung Thư. Trong cuốn này, có nhiều câu văn anh viết thành những đoạn thơ.
“Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng.
Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa
Mưa rơi sâu vào giấc mơ
Chuyến xe hàng đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó
Thanh cứ hát nhỏ cho mọi người nghe lần cuối
Hàng phố bé dần lại trong đêm khuya, lùi xa như tiếng hát
Trở về mái nhà
Xưa.”
Buổi chiều hôm ấy thật là hạnh phúc cho tôi và anh. Và, sau những câu thơ tôi vừa đọc, anh ngồi im lặng nghe tôi chia sẻ những chi tiết mà tôi còn ghi nhận được trong Bếp Lửa. Tôi nói về ông Chính cha ghẻ của Tâm, về một đêm thao thức nghe tiếng mưa, về một tiếng động khẽ khàng lúc ông trở mình rời giường nằm đứng dậy rót nước uống. Tiếng nước gây nên một âm thanh lọc lõi nỗi hoài nghi. Nhờ vậy, lúc ấy cái khó khăn của lời nói mới vượt qua được, nó vượt qua cũng nhờ vào sự liên tưởng một người mẹ, mà từ lâu hình ảnh đó hai người không dám nhắc đến.
Cô Thanh trong Bếp Lửa là em họ của Tâm. Anh yêu cô ấy, và anh nghĩ hai người có thể lấy nhau, liên hệ ràng buộc thân thích không đáng kể. Trong truyện, hai người chỉ có được hai lần gặp riêng tư bên nhau. Một lần đầu, cô Thanh đi bên cạnh Tâm đến một tiệm trà đầu phố. Một lần khác, từ Bắc Ninh về Hà Nội Tâm hay tin cô Thanh đau, anh đến thăm. Trên vẻ mặt lo âu, vừa khổ đau, cô Thanh mơ ước có một mái ấm gia đình, cho riêng cô và em cô. Thế nhưng, cô rất khó nói, cả Tâm cũng vậy. Lúc gượng ngồi dậy, cô Thanh nhờ Tâm rót cho cô một chén nước. Anh Tâm có hiểu lời tỏ tình đó không, điều tôi cảm thấy một lời như thế nó muốn được nói và được hiểu về tình yêu chứ không có gì là quá đáng.
Hai người tiếp nối câu chuyện. Anh Tâm chợt cảm thấy mình thương hại người em họ của mình. Bỗng tiếng cô nói với anh:
- Anh thở khói vào mặt em.
Tôi nói với anh Tâm ở ngoài đời, vào lúc này đây với sự lặng im, bình thản. Tôi cũng tự nghĩ, có nên anh, có một mối tình như thế thực với anh ngoài đời không? Buổi chiều mau tới, một hồi kẻng báo giờ cơm, anh và tôi đứng dậy trở về lán.
Anh Tâm ở phân trại K2 được chừng hơn một năm thì chuyển đến K 5 là trại trung ương. Khi anh đến nơi này thì ông Phan Lạc Phúc đã đi Thanh Hóa rồi. Tuy nhiên, ở đây anh cũng còn gặp mấy người quen, trong đó có nhà văn Văn Quang. Những ngày đầu tiên vắng anh, tự nhiên tôi cảm thấy mình đơn độc. Và, đôi lúc cuốn truyện Bếp Lửa cùng bao nhiêu nhân vật trong đó trở lại với tôi, nó khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Ðời sống trại tù ngày tháng cứ mỏi mòn, tuyệt vọng. Thỉnh thoảng, từ miền Nam có một số thân nhân ra thăm nuôi, và hàng quý chúng tôi nhận được quà gia đình gởi cho để cầm hơi. Có những chuyện buồn, thật buồn, không thể nói được mà chỉ hình dung qua trí tưởng. Tôi được nghe một câu chuyện kể về chị T., từ miền Nam ra thăm chồng, nhưng khi đến nơi, anh lại chuyển đi trại khác, rất xa. Không biết, với bao nhiêu khó nhọc, chị có còn tiếp tục đi tìm thăm anh, tìm một khuôn mặt thân yêu, tìm một nỗi nhớ về gia đình, tìm một sự chờ đợi ấm áp, hay rồi, không đủ sức nữa, cái bóng hình của chị mất hút trên con đường. Nghĩ như vậy tôi có cảm tưởng, ở đất nước này, xứ sở này làm sao tìm ra được một nơi chốn đích thực của quê nhà.
Trong một kỳ quà lần đó, có một bác sĩ ngoại quốc gởi cho anh Tâm một gói quà khoảng 3kg, và ở ngoài thay vì viết tên thật của anh, ông ta ghi bút hiệu Thanh Tam Tuyen (không bỏ dấu tiếng Việt). Cũng may, anh Nguyễn Xuân Tùng cùng một số anh em trong trại biết nên đã giữ lại và chuyển sang K 5 cho anh.
Tôi ở lại trại K 2 hơn bốn năm cho đến ngày được tha về trong số 20 anh em tù của tất cả 5 K. Khi về, vì còn phải ghé K 5 trung ương làm thủ tục nên tôi có được dịp thăm mấy người bạn quen, mấy vị xếp cũ và anh Tâm. Tại lán anh, tôi được gặp nhà văn Văn Quang. Hai anh mừng cho tôi được về, rồi có hỏi thăm anh Khả tôi. Hai ngày ở lại K 5 làm giấy tờ, thủ tục ra trại đến ngày về, buổi sáng ngày Thứ Sáu chúng tôi lên đường. Trước khi đi tôi ghé qua chào anh, lần này, anh mới dặn dò nhờ tôi đến nhà anh ở Sài Gòn để hỏi thăm chị về tin anh Ruy, người về đợt trước. Tôi nghe hiểu, hứa với anh sẽ làm theo lời dặn.
Buổi trưa chúng tôi lên tới ga Ấm Thượng và ngồi đó đợi đến bốn giờ chiều mới có tàu về Hà Nội. Khi xe lửa đến, anh em tù chúng tôi ngồi toa riêng, và khi tàu chạy, ngồi bên cửa toa tôi cứ nhìn ra ngoài để xem cho thỏa mắt quang cảnh miền Bắc, vừa cố ghi nhận từng hình ảnh một của đời sống người dân miền ngoài này với bao nhiêu năm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tàu chạy qua từng ngôi làng, từng huyện lỵ lớn nhỏ, từng thị xã và về tới Hà Nội vào lúc gần hai giờ sáng. Khi xe lửa chạy qua sông Hồng, nghe tiếng sóng nước đập dội vỗ vào chân cầu, lòng tôi cảm thấy nôn nao khó tả. Hà Nội, chỉ có trong tôi bao nhiêu hình ảnh của văn chương, nhiều nhất là ở tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn, giờ, tôi sắp về tới Hà Nội, Hà Nội chỉ còn trong khoảng cách, trong một đoạn đường ngắn nữa thôi, tôi cứ hy vọng, mong chờ. Tàu chạy chậm, vừa cất từng nhịp còi khi qua cầu Long Biên, đứng bên cửa toa, vừa nhìn xuống sông Hồng, bàn tay tôi thò ra ngoài nhẹ lướt chạm qua những thanh sắt trên vai cầu, mỗi lúc, lòng tôi tự nhiên vui vì có cảm giác như mình được tiếp xúc với lịch sử.
Hà Nội, tàu về tới và đã ngừng lại ở ga Hàng Cỏ.
Tôi có được một ngày Hà Nội sống bằng hiện thực và tưởng tượng. Tôi được nhìn phố xá Hà Nội qua sự hiện diện đích thực của mắt tôi. Tôi có tìm thăm nhà văn Nhất Linh, trụ sở báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn ở căn nhà số 80 đường Quan Thánh. Tôi có đi trên đường Cổ Ngư đến đê Yên Phụ để nhớ đến hai hình ảnh của Loan trong Ðôi Bạn và Ðoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh. Và trước khi từ biệt Hà Nội để trở lại ga Hàng Cỏ đợi chuyến tàu về Nam, tôi đã ghé lại Hồ Gươm vốc nước rửa mặt giống như nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Cuối Ðường của Thanh Tâm Tuyền.
Tối hôm ấy, một trận mưa khủng khiếp ở ga Hàng Cỏ. Ðứng bên cửa toa, tôi nhìn đường phố tìm hình ảnh Hà Nội qua những mái nhà, những ánh đèn trong đêm mưa. Tôi chợt có ý nghĩ, Hà Nội không ước mong có một ngày tôi trở lại.
Tàu chuyển bánh. Mưa vẫn xối xả, mù mịt. Những người đưa tiễn đứng ở sân ga vẫy tay chào tạm biệt. Tôi chỉ còn giữ lại hình ảnh Hà Nội trong một tiếng nói (người yêu cũ của mình, và bóng dáng ga Hàng Cỏ).
Sau hai ngày đêm, tàu về tới ga Bình Triệu miền Nam. Nỗi mừng vui xiết kể đối với anh em tù vừa mới được tha. Nửa đêm, tôi đi bộ về nhà. Những năm tháng xa gia đình, trở về trong đêm với bao sự bỡ ngỡ lạ lùng, về đến con đường nhà ở tôi đã đi lạc một quãng, sau đó trở lui lại mới tìm được ra nhà.
Sài Gòn, thành phố được đổi tên ngay trong ngày đầu 30 tháng 4 khi Hà Nội chiến thắng miền Nam. Khoảng đầu thập niên 60, tôi từ ngoài miền Trung vào Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Và, thành phố này đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi một nghị lực phi thường để vượt qua được những nỗi khó trong bất hạnh. Tôi cũng không quên được những ngày đầu của Sài Gòn khi những kẻ thắng trận tiến vào để giành lấy quyền làm chủ đất nước. Ðó là những hình ảnh rách nát, tan hoang của một thành phố sau cơn bão chiến tranh. Ðó là những hình ảnh có thể xây dựng thành một cuốn phim lịch sử, trong đó, phía kẻ thắng muốn hủy diệt chứ không tìm cách cứu vãn để xây dựng.
Dù thế nào, tôi cũng phải tìm cách mưu sinh. Và, chỉ ở thành phố này mới là điểm tựa chắc chắn cho những kẻ từ các vùng kinh tế thất lạc, những người tù cải tạo mới trở về. Vào thời gian này, hình ảnh những người tù cải tạo là cái bóng áo vá rách vai, là những chiếc xe lô mỏi mệt, buồn chán không khác mấy con ngựa già, là những quầy bán vé số, những quầy bán thuốc lá, những chỗ bán xăng trên vỉa hè, hoặc đó là những người đi dạy kèm trong đêm. Mỗi nghề này tôi đều có trải qua, nó đã giúp tôi có được hai bữa cơm mỗi ngày, có được tiền mua cho gia đình ít cân gạo, và mỗi buổi sáng có được ly cà phê bít tất, vài điếu thuốc củi. Tuy vậy, đời sống cũng rất vui.
Vào hai buổi tối Thứ Năm, Thứ Sáu, thường mười một giờ đêm tôi mới về đến nhà. Hai buổi tối đó tôi dạy kèm cho hai đứa con gái con một bà bán hàng vải ở chợ An Ðông. Hai em tên là Uyên và Phương học trường Bùi Thị Xuân. Hai chị em học cùng lớp nên tiện cho tôi trong việc giảng bài. Và, tôi cũng chỉ dạy kèm một môn Toán. Bà mẹ hai cô trả cho tôi ba trăm một tháng, tính mỗi em là trăm rưởi đồng.
Sau thời gian về nhà chừng tuần lễ, bắt đầu kiếm sống, ngày nào tôi đạp xe đi chạy hàng, việc chính là giao báo đến các sạp, phụ là lục tìm các mối hàng sách cũ để mua đi, bán lại.
Tối hôm đó, tôi giải bài toán Hình Học về tứ giác nội tiếp. Phòng khách trong gia đình, vừa làm chỗ cho hai em học. Nhà ở trông ra con đường nhỏ, ban ngày rất ồn ào nhưng đến đêm có phần nào yên lặng.
Hai em Uyên và Phương ngồi cạnh nhau ở chiếc bàn gỗ thấp hình chữ nhật. Tôi luôn đứng bên tấm bảng suốt giờ dạy. Khi giải một bài toán, tôi vẽ hình bên trái, bên phải là ghi từng lời giải trong lúc giảng. Hai em này rất chăm học, luôn chú tâm nghe. Khi hết viên phấn còn một mẫu nhỏ, tôi bỏ xuống lề khung, lấy viên phấn mới khác ở hộp bẻ một nửa để viết tiếp. Vì trước đây học chuyên về ban Toán nên tôi rất tự tin khi giảng bài. Bài toán ra bốn câu, và cứ thứ tự từng câu tôi giải. Luôn luôn tôi nhắc đến một định lý liên hệ với bài toán khi chứng minh. Cứ vậy, tôi và hai cô học trò cùng cảm thấy nhẹ nhàng với buổi học.
Bỗng nhiên, tôi giật mình co một chân lên. Ngay lúc đó tôi bị cảm giác hoảng sợ, tưởng như chân đã đạp lên một quả mìn. Chỉ sau vài giây ảo giác, nhìn xuống nền nhà xi măng tôi mới hay là mình giẫm lên mẩu phấn rớt dưới chân. Thực sự tôi hoàn hồn. Cơn ác mộng đến và đã đi, nhưng dư âm của nó ở trong tôi là một cuộc chiến tranh mà mình tưởng rằng đã qua, đã quên nhưng chưa thoát khỏi.
Nhà văn Mỹ William Faulkner có viết một câu nổi tiếng: Con người là tổng số điều kiện thời tiết và những nỗi bất hạnh.
Những khoảnh khắc mưu sinh trong cuộc sống khó khăn, tôi luôn nghĩ đến một ngày hôm sau cho gia đình tôi. Những ngày đi trên các ngả đường phố Sài Gòn, mắt tôi luôn tìm một bóng dáng ai quen, và trí tưởng lặng yên nghĩ đến những người bạn đã ra đi xa, đã chết trong cuộc chiến, hay còn lại trong các nhà tù. Và, trong niềm nhớ bâng khuâng, tôi bỗng thấy thèm đọc một câu văn hay trong truyện ngắn Ðại Lộ.
Còn gì sung sướng bằng khi đi bên cạnh một người bạn thân mà biết người yêu đang nhớ đến mình.
Qua đầu năm 82, tôi hay tin anh Thanh Tâm Tuyền được tha về. Vào thời kỳ này, tôi chạy buôn bán hàng sách cũ và bán báo. Một buổi sáng, tôi đến thăm nhà anh ở khu Bà Chiểu và gặp anh ở nhà. Tôi hỏi thăm sức khỏe anh, rồi vui chuyện tôi kể lại cho anh những gì ở Hà Nội một ngày về tôi được nhìn thấy.
Sau những năm tù trở về, anh Tâm hầu như không tiếp xúc ai nhiều. Những người anh gặp, phải là thân thiết với anh lắm. Thỉnh thoảng, tôi có gặp anh ngoài phố một vài lần hoặc trong mấy hiệu sách. Và khi hay biết tôi sống bằng nghề buôn bán sách cũ, anh nhờ tìm kiếm cho anh mấy cuốn thơ Pháp mà giờ tôi không còn nhớ tên tác giả. Anh Thanh Tâm Tuyền song toàn cả hai lãnh vực sáng tác thơ và văn xuôi, nhưng tôi để ý thấy anh tha thiết với thơ nhiều hơn. Riêng tôi, tôi thích đọc văn anh hơn là thơ. Tôi tìm thấy, văn anh có những câu thật chông chênh nhưng không bị ngã, vì nó nhờ có ý tưởng bám theo làm điểm tựa.
Sau những ngày tháng trôi giạt trong cuộc mưu sinh ở Sài Gòn rồi Huế, đầu tháng 11/93 tôi được cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện HO. Ðến đây, gần một năm sau tôi mới liên lạc được với anh, nhờ anh Nguyễn Quốc Trụ ở Canada cho số điện thoại.
Khi nghe tiếng của tôi nói, anh cười hỏi:
- Ai cho số điện thoại của tôi cho cậu vậy ?
Tôi liền đáp ngay cho anh biết là anh Trụ. Qua cuộc nói chuyện, tôi hỏi thăm anh về công việc làm và anh cũng có hỏi thăm gia đình tôi và anh Khả.
Ra hải ngoại, họa hoằn lắm tôi mới được đọc một đôi bài anh Thanh Tâm Tuyền viết trên tạp chí Thơ. Dù viết ít, nhưng văn thơ anh vẫn sắc bén như thời xưa.
Ðã lâu, tôi không biết được tin tức gì về anh Tâm. Bất ngờ, buổi sáng Thứ Hai gặp anh Nguyễn Ðình Toàn được tin anh đau vào nhà thương. Tôi cũng nghĩ anh vào dưỡng bệnh rồi trở ra. Ðâu ngờ, mới hay tin đó, anh đã mất. Anh mất vì bệnh Ung Thư phổi. Anh đã viết cuốn Ung Thư, nhưng không xuất bản nó, và rồi mang nó theo trong cái chết của căn bệnh này. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, những nhân vật của Thanh Tâm trong Ung Thư và Bếp Lửa đều cất giấu một thứ nostalgie. Ðó là một thứ tình cảm nhớ quê hương để mang nặng thành một căn bệnh ung thư trong văn chương. Nostalgie là một chất ung thư, nó luôn hiện hữu trong tâm cảm mỗi nhà văn.
Những người đã chết đều có thực. Câu thơ đó, sau cùng anh cũng báo tin cho mọi người hay anh đã chết. Những giọt nước mắt dành cho anh, cho mỗi tác phẩm anh viết , nó làm ẩm mùi vị điếu thuốc, làm mờ đục màn sương, nhưng rồi cũng sẽ khô ráo. Và, riêng tôi dù muốn đợi chờ chăng nữa, tôi vẫn nghĩ rằng cuốn Ung Thư sẽ không bao giờ được xuất bản, vì những nhân vật trong cuốn sách này đã đi theo tác giả về một nơi yên nghỉ cuối cùng.