Anh Hân mỗi lần vê quê là đến thăm ba tôi, em qua lỉnh kỉnh quà cáp biếu xén. Không họ hàng gì, nhưng với ba tôi anh mang cái ơn rất nặng, anh thường bảo:
- Cái ơn của bác đối với đời con quan trọng lắm! Nhờ bác bôi đi cái dấu nặng mà đời con nhẹ, nếu không thì…
Số là khi sinh ra anh, Dì Tám dằn dỗi đặt tên con là Hận, bởi lúc dì mang bầu, dượng tám đã bỏ mặc dì, gom hết tài sản, đi theo vợ bé, để lại một đàn con ba đứa nhóc nheo. Gọi là "tài sản" cho nó tăng thêm phần uất hận, chớ thật ra "tài sản" cũng chẳng nhiều nhỏi gì, chắc cũng chỉ đủ để cho cô vợ bé kia may ba bộ quần áo mới mà giữ chân ông chồng vừa rù quến được. Nội ngoại vốn nghèo, hàng xóm không ai khá giả. Mấy mẹ con đói khát, cơm chan nước mắt! Đến ngày sanh mà dì còn phải còng lưng bắt ốc ngoài đìa, mắc đẻ, lết vô không kịp, sanh con bên mép nước cũng như con ốc!
Sinh con một tháng mà chưa rảnh để đặt tên, bởi đứa con trai lớn nhất còn chưa biết nấu cơm, thắp đèn, đóng cửa. Mới đẻ có tám ngày, dì đã quấn khăn ra đồng mót lúa. Bà con lối xóm lắc đầu kêu rêu, nhưng làm sao giúp được gì! Ai cũng nghèo hoi hóp. Hôm đầy tháng, má tôi vét nhúm nếp, trộn thêm gạo, nấu nồi chè cúng Bà mẹ sanh cho đứa nhỏ. Ba tôi thì sửa soạn đi làm giùm cái giấy khai sinh. Ba tôi hỏi:
- Bây tính đặt tên thằng nhỏ là gì? Phải làm cho nó cái khai sanh, để lớn lên nó còn đi học cho biết chữ với người ta.
Dì Tám nhìn đứa con đỏ hỏn, cái cặp chưn mày của nó sao giống bất nhơn là giống, dòm mắc tức! Sanh còn non ngày tháng, mọi giận hờn phải biết gằn xuống để giữ lấy mạng mình - dì đã biết bao lần cắn răng ép mình như thế. Nhưng bây giờ, khi nhắc tới cái chuyện họ tên, giòng giống cái quân phản bội tàn nhẫn, dì cảm thấy không kềm nổi nữa, nói cộc lốc:
- Tên là Hận!
Ba tôi nhẹ nhàng:
- Thôi, bây đặt chi tên vậy! Đã nư bây lúc này nhưng thằng nhỏ mang cái tên đó suốt đời, khó mần ăn khá lắm bây ơi. Đặt tên khác đi.
Máu uất đã tràn qua khỏi cổ, phủ lấp đầu óc, bịt hết mọi nghĩ suy. Dì Tám gào lên:
- Anh cứ ghi tên Hận cho tui, kệ tui! Cho nó tàn mạt ba đời chín kiếp giòng họ nó luôn đi!
Ba tui lẳng lặng ghi vô giấy, đưa dì ký tên. Dì dòm dòm rồi ký tên cái rột. Ba tôi cầm tờ giấy về nhà, lấy cọng dây thun quấn vô đầu cây viết, gò lưng bôi xóa thiệt tỉ mẫn cái dấu nặng, rồi đem lên xã, ngồi sát một bên anh thư ký hộ tịch, coi kỹ anh này vô sổ, đánh máy làm bản sao có đúng không. Anh thư ký làng vốn quen với cái tên Hận nhiều hơn, thấy tên Hân ngồ ngộ, liền hỏi cho chắc:
- Tên Hân hay Hận vậy bác?
- Hân, chú mày đừng có chấm dấu nặng mà trật à nghen - Ba tôi sốt sắng dặn dò.
Nhờ đó mà anh Hân thoát mang cái tên căm thù thường trực. Dượng Tám một năm sau hối hận quay về, cùng nuôi nấng đàn con. Người nhà quê, khi giận lên thì lênh láng vậy, chớ khi qua cơn rồi thì như nước lụt, rút đi rồi còn tặng lại phù sa. Dượng Tám sau đợt đó trở về, lại thành một người cha tốt. Chí cốt làm ăn nuôi con nuôi vợ. Dấu vết năm xưa phai dần theo năm tháng. Cả nhà yên ấm. Dì tám cũng ráng sửa, kêu con bằng cái tên Hân. Hân lớn lên ăn học thành tài, hiện đang làm phó giám đốc một công ty quảng cáo. Cạc-vi-dít in nền trắng chữ xanh, rõ ràng tên Đỗ Văn Hân. Ngồi uống trà với ba tôi, anh cười nói:
- Nếu hồi đó bác không cứu con, chắc bây giờ không ai dám ký hợp đồng làm ăn với bên A khi đọc cái tên nghe mà áy náy: Đỗ Văn Hận!
Ba tôi bao dung cười…