Trước năm 1972 Trần Thanh Quang học Văn Khoa Sài Gòn cho nên máu văn nghệ luôn luân lưu trong huyết quảng.Ngoài các sách viết về các triết gia Đông Tây Kim Cổ chàng thường cập nhật ,có lẽ Quang mê nhất là cuốn Hoàng Tử Bé( Le petit Prince) của nhà văn người Pháp Antoine de Saint-Exupéry mà dịch giả lại là Bùi tiên Sinh( thi sĩ Bùi Giáng) do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành và chắc chắn Quang phải đọc cuốn Đời Phi Công của nhà văn Toàn Phong.Những hấp lực này, khiến chàng bỏ học để trở thành Pilot( khi theo học khoá hoa tiêu phản lực năm 1972)Mấy năm với những chuyến bay cận kề trời mây và các vì sao ,Quang thoả chí tang bồng.Lúc về phố, với hình dong cao to, đẹp trai, lịch lãm, hào hoa không thiếu gì mỹ nhân theo đuổi hoàng- tử- bé.Nhưng, đời luôn có chữ Nhưng…Mấy ai ngờ chàng hoa tiêu năm xưa bị kéo xuống mặt đất lúc đất nước đổi thay…và trở thành phó thường dân rồi bước lên vùng kinh tế mới…Người ta nói” Lửa thử vàng,gian nan thử sức” nên sốt rét rừng, đất đá lạ lẫm,muông thú rập rình…không nhằm nhò gì với Quang dù thời gian nơi ấy cũng dài đăng đẵng…
Chàng Pilot cũ lại về phố SG nương thân.Không thể là người vô ích bởi Quang đã vượt lên chính mình bằng cách ghi danh học lại khoa Văn.( cùng khoá học với Quang có nhà văn Trần Trung Sáng-Đà Nẵng.) Sau 4 năm, chàng lận lưng tấm bằng cử nhân, bắt đầu lại cuộc sống sáng sủa hơn.Cũng gần 20 năm đi dạy học, viết báo, làm thơ…Ngôi trường cuối cùng chàng dạy là trường PTTH Mạc Đỉnh Chi ở quận 6 với nhiều kỷ niệm trò ngoan, thầy giỏi.
Hiện chàng định cư tại Mỹ
Với Quang, tôi nhớ nhất là những năm của thập niên 90.Chúng tôi thường hay gặp nhau cà phê, trò chuyện.Khi tôi lên nhà Quang ở gần cây xăng Trần Quang Diệu.Lúc Quang chạy xe Mô –Tô( oai thiệt) xuống nhà tôi ở cổng xe lửa số 6.Tiếp Quang trên cái chồng cu( gác lửng ) 12 mét vuông, vợ chồng tôi rất cảm động bởi vì lúc tận cùng đất đen mới biết ai là anh em, bè bạn…Mỗi lần nghe tiếng xe là con tôi biết ngay:” Chú Quang Mô –Tô” tới Ba ơi!” rồi Hướng, rồi Ngọc, rồi Lê Thánh Thư,rồi Cô Láng Giềng, rồi Lương Viết Khiêm,rồi Trần Doãn Do, rồi Sương Biên Thuỳ cũng lần lượt ghé thăm.
Giờ Quang đã sáng như gương bên kia đại dương.Lúc về VN chàng Pilot xưa không quên ghé thăm tôi.Viết cho Quang, tôi lại liên tưởng đến thơ và đời của cụ Nguyễn Công Trứ qua các bài Chí Làm Trai.Chí Nam Nhi để càng nghiêng mình trước cụ.Một tấm gương ngời ngời …
Lan man thế cũng vừa đủ. Tôi xin giới thiệu thơ của chàng.
THƠ TRẦN THANH QUANG
CHÂN DUNG
Ta thân ngựa một đời rong ruỗi phố
móng khua vang đánh thức mấy con đường
máu luân lạc trong trái tim loang lổ
cõi ta bà sao cứ mãi vấn vương
ta thân ngựa một đời mơ bóng núi
bóng mù xa mà bóng lại gần
chân rời rã lòng còn ôm gối mộng
ở nơi nào ta vét chút tình thân
ta thân ngựa một đời mơ về biển
mộng phù du in dấu cát phiêu bồng
chân nghiệt ngã trước hồn nhiên của sóng
hạt muối nào mặn chát giữa hư không
ta thân ngựa một đời làm thân ngựa
bờm rụng rơi theo gió thốc của đời
cỏ rũ mục trên thảo nguyên xa tít
biết khi nào ta ngã ngựa em ơi !
NGỒI HÁT RU TÌNH XANH XƯA
Ngày theo chồng về nội
đôi mắt ngập nỗi buồn
hoa vàng rơi đầy lối
thênh thang chiều vẫn trôi
vai em gầy như lá
hư hao những ngày chờ
ta bây giờ chim lạ
đậu bên rào ngẫn ngơ
nhớ chăng ngày phố vắng
ta hát lời yêu thương
Văn khoa chiều đầy nắng
chờ ai bên giảng đường
xin một lần ta khóc
cho cuộc tình xanh xưa
ta làm người lỗi hẹn
nên thành kẻ lọc lừa
núi dẫu chờ đời núi
sông cứ trôi đời sông
ta vẫn là chim lạ
nhìn em đi lấy chồng.
MÙA TRINH NGUYÊN
Em từ độ trăng rằm thôi xoả tóc
cây trăm năm lá chết cuộc tình phai
mắt khô đục ôm buổi chiều xám ngắt
tay mênh mông gầy với những ngày dài
Em từ độ ngày đi không biết hẹn
nụ hoàng hôn theo gió rụng sân đầy
hoa vàng úa ngập chân đồi hoang mộng
cuộc tình xanh xưa đọng xuống vũng lầy
Em từ độ lấy chồng bên quê nội
ngày xuân buồn loang tím một nguồn sông
đêm thu khóc thương người xa quá đỗi
con thuyền trôi bến đục xót nao lòng
Em từ độ bỏ ta vời chốn mộng
Mùa Trình Nguyên bạc tóc xám chân đời
thân ngựa chạy rạc rời bao con phố
vẫn mong nằm trong tay nhỏ buông lơi…
VÔ ĐỀ
nếu là một chút hương bay
thì xin đọng mái tóc mây của người
nếu là một chút nắng trời
thì xin rụng xuống mảnh đời của nhau
VÔ CÙNG
ta đi hoang một đêm
em giận ta một kiếp
ta đi hoang một đời
Mẹ vẫn thứ tha
cái nghịch lý vẫn là điều nghịch lý
cái vô cùng muôn thuở vẫn vô cùng!
LỜI RU CUỐI
Ru em
ru một đời tình
ngã nghiêng ta hát với mình ta chơi
ru em
ru tiếng à…ơi…
câu ca khẽ rụng thành lời dấu yêu
ru em
ru sớm
ru chiều
ru điên
ru dại
ru xiêu xát lòng
ru em tịnh cõi hư không
mãn khai thành triệu đóa hồng cho ai ?
ru em
ru suốt đêm dài
hòa âm cùng gió
ru khai tử
tình .
Trần Thanh Quang
TIỂU SỬ
Trần Thanh Quang là tên khai sinh, sinh ra tại Quảng Trị trong ngôi nhà của ngoại. Quê nội ở Quảng Điền - Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ lớn lên ở Huế rồi Quảng Ngãi và Sài Gòn. Năm 1972 , tham gia Quân đội VNCH theo học khoá Hoa Tiêu Phản lực. Một thời gian dài làm ruộng rẫy ở Vùng KTM , gần 20 năm viết báo, dạy kèm và dạy học tại SG. Trường THPT Mạc Đỉnh Chi là ngôi trường dạy sau cùng trước khi đến Mỹ định cư
Tác phẩm đã xuất bản:
-MÙA THU MỞ CỬA(thơ) 1987 NXB Trẻ( in chung)
-TÌNH TA( thơ) 1995 NXB Trẻ
***
Lời cuối: Mong gặp lại TTQ ở Quê Nhà yêu dấu sau đại dịch…
( Xuyên Mộc 19.10.2021)