Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
584
123.366.048
 
Một cuộc đời đầy ẩn số và kỷ niệm
Elena Pucillo Truong

           (Nguyên tác tiếng Ý : una vita piena di incognite e ricordi)


 Bản dịch của Trương Văn Dân

Khi tương lai không có gì chắc chắn ngày xưa người ta thường tìm lại sự  bình an trong quá khứ. Ông bà cha mẹ chúng ta đã từng vượt qua chiến tranh, khốn khó và đói kém, nhưng họ luôn tin rằng bằng trí óc, trái tim và đôi tay thì mọi người đều có thể chung sức dựng xây được  một cuộc sống thanh bình. Những hy sinh của họ được củng cố bằng niềm tin là  sẽ  mang lại sự  bình an cho con cháu.

Tất cả những  hy vọng ấy giờ đây trong cơn đại dịch chỉ có thể là một ảo tưởng tàn nhẫn.

Ngày càng trôi mọi thứ càng khó để có thể lập kế hoạch cho tương lai.

 

 Nhiều lần trong trí tôi hiện lên những khoảnh khắc trong quá khứ, khi chúng ta còn có thể lên kế hoạch cho các chuyến đi  xa hoặc sắp xếp các cuộc gặp gỡ người thân. Tôi có thể sắp xếp "khi nào", "thế nào" và "ở đâu" một cách dễ dàng và đến được với bạn bè và người thân thì cũng  đồng nghĩa với việc ôm nhau, giống như một con thuyền đến bến an toàn giữa cơn bão tố.

Nhưng ở tại thời điểm này chưa ai thấy giải pháp nào cho đại dịch và ngay cả vắc xin cũng không thể mang lại  cho chúng ta sự yên tâm, giữa các biến thể và sự gia tăng số lượng người nhiễm bệnh.

 

Thế cho nên tôi sâu sắc nhận ra rằng, nếu tình hình lây nhiễm  coronavirus xảy ra từ nhiều năm trước thì chắc chắn cuộc đời của tôi đã khác, lúc đó những cuộc gặp gỡ đã bị bỏ lỡ, những cảm xúc chưa được nảy sinh, những niềm vui chưa được trải nghiệm và những giọt nước mắt cũng  chưa được tuôn trào.

 

Như thế, tôi đã không thể gặp lại cha mẹ mình,  tiễn đưa họ trong chuyến đi cuối cùng của đời người hay ôm chầm lấy người thân và bạn bè ở Ý. Tôi đã không thể dự đám cưới của các cháu  ở Việt Nam hay ở Úc. Nếu không thể đi du lịch thì làm sao tôi có thể đến Nha Trang, thăm vợ chồng anh Đặng Châu Long và chị Hạnh, gặp Từ Sâm và em Duyên. Tôi cũng  không thể đi cùng nhà văn Nguyên Minh và tất cả bạn bè của Quán Văn trong những chuyến đi Quy Nhơn và Phú Quốc, tham dự những lần họp mặt tại nhà Nguyên Cẩn và em gái Ngọc Anh,  được ăn xôi, đậu phộng và bắp tại nhà của Dung thị Vân rồi trở về với một giỏ trứng gà so, nhỏ nhỏ, xinh xinh.

            Elena, Đinh Cường, Nguyên Minh, Trương Văn Dân (Maryland 10.2015)

        Kim Mai. Đoàn Văn Khánh, Nguyên Minh, Tràn Hoài Thư, Truong Văn Dân  Elena

 

Nhiều niềm vui đã không thể xảy ra, và cho dù có những kỷ niệm buồn hay đau đớn thì tôi cũng không bao giờ từ bỏ. Tôi sẽ không được đi Mỹ, không được gặp gỡ bạn bè văn nghê sĩ ở San Jose,  vui sống một thời gian  trong gia đình của vợ chồng  Đặng Phú Phong, của Nguyễn Minh Nữu và hơn hết là  đã không thể được gặp họa sĩ Đinh Cường lần cuối, người mà giữa anh và tôi tự nhiên có một mối liên kết và thân tình sâu sắc.

Cũng như thế, nếu không đến New Jersey để gặp nhà văn Trần Hoài Thư và vợ anh là chị Ngọc Yến, tôi sẽ không hiểu làm thế nào có một người yêu sách và văn chương đến thế!

Khi chúng tôi đến mà anh vẫn chưa về, thấy cửa mở, theo Nguyên Minh bước vào căn nhà, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự im lặng trong phòng khách trống rỗng,  tuy có những dấu hiệu là có người đang sống ở đây như một ít trái cây trên đĩa, một cái chăn phủ lên ghế sofa và chiếc máy điều khiển TV trên bàn cà phê. Nó trống vắng như thể đang đợi chủ trở về để sinh hoạt bình thường. Thế nhưng, khi bước xuống cầu thang, lập tức tôi nhận ra ngay sự năng động, cảm được sự cuồng nhiệt và niềm đam mê văn học, chính là sức sống của nhà văn đặc biệt này ...

Những chiếc máy in, những tờ giấy, những cuốn sách vừa đóng gáy, những tài liệu hay  trang báo nhiều màu sắc được cắt rời… năm trên chiếc bàn khổ rộng  như đang  minh chứng cho sự sống động và đồng thời mang lại hồn vía và sức sống cho tầng hầm đó. Nó cho chúng ta hiểu rằng nhà văn Trần Hoài Thư đã dành rất nhiều thời gian của mình ở đó, giữa hàng đống giấy tờ và sách vở nằm rải rác, chồng chất ngổn ngang.

Sau chừng một giờ, khi chúng tôi đi một vòng thị trấn thì anh ấy  mới trở về nhà. Tôi rất ấn tượng bởi sự nhạy cảm của người đàn ông này, khi anh đi loanh quanh trong nhà tìm một cuốn sách, để giới thiệu cho chúng tôi biết công việc anh đang làm. Ánh mắt có một chút tự hào và thanh thản. Điều quan tâm và lo lắng duy nhất của anh là vợ mình đang sống trong viện điều dưỡng  nơi mỗi ngày anh đều đến để được gần gũi với bà.

 

Anh đưa chúng tôi đi thăm vợ và tôi nhận ra ngay sự dịu dàng trong  mối quan hệ của họ, người này chăm sóc, an ủi người kia và ngược lại, vì họ sống một mình, xa đất nước nên nỗi nhớ và kỷ niệm của người này mang lại hơi ấm và làm hồi sinh  người kia.

Chị Yến chào đón chúng tôi nồng nhiệt, ngạc nhiên và thân tình ngay khi nghe tôi nói  chuyện bằng  tiếng Việt và khi tôi mời chị ăn bánh pía, mắt chị ấy lấp lánh niềm vui như một đứa trẻ háu ăn.

 

Chỉ cần một mẩu bánh có hương vị sầu riêng là  đủ để  mang chị  trở về thời tuổi trẻ, nếm lại mùi vị của tuổi thơ, như thể chị là một  nhân vật  đang cầm chiếc bánh  madeleine trong tiểu thuyết “Đi tìm thơi gian đã mất” (À la recherche du temps perdu) của nhà văn Pháp Marcel Proust.  Đôi tay gầy guộc của chị nắm chặt gói bánh như muốn níu kéo những kỷ niệm, cảm xúc của một thời đã xa. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài chừng hơn một giờ nhưng  chứa đầy cảm xúc và chân tình mà ngày nay trong đại dịch khó thể nào thực hiện.

 

Nếu tôi không gặp nhà văn Trần Hoài Thư và  chị Yến,  nếu không thực hiện chuyến đi đó thì tôi đã không thể nào được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc này. Sống mà không cảm xúc, không có đam mê, không trải qua hạnh phúc và khổ đau thì cũng có nghĩa là không sống. Suy cho cùng, đó là điều mà trong giai đoạn bị cô lập vì covid-19  làm tôi sợ nhất, khi những mối quan hệ và những cuộc gặp gỡ đều bị hạn chế, vì với tôi được trải nghiệm cảm xúc có nghĩa là sống và tôi vẫn muốn có thời gian để sống với trọn niềm đam mê.

Trong những tháng ngày thế giơi bị phong toả tôi thường xem lại những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc ở Việt Nam, những chuyến đi cùng bạn bè, những bữa cà phê điểm tâm vào buổi sáng và tưởng nhớ hương vị, màu sắc và giai điệu trầm  bổng đáng yêu của tiếng Việt. Tôi níu vào tất cả những cảm giác này với một nỗi nhớ nhưng đồng thời cũng  hy vọng là sớm được trở về trên đất nước xa xôi thương mến của mình.

 

Milano 12.8.2021

Mùa đại dịch covid19 t năm thứ hai.

 

 

Elena Pucillo Truong
Số lần đọc: 820
Ngày đăng: 04.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Halloween - Nguyễn Đức Tùng
Những mảng màu cuộc sống qua ngôn ngữ hội họa của La Thanh Hiền - Hoàng Thị Bích Hà
Có những mùa trăng - Trang Thùy
Giới thiệu tác phẩm mới - Nguyễn Đại Duẫn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường - Nguyễn Đức Tùng
Dân ca xứ Huế - ngọt lời tao nôi - Trang Thùy
Lá thư đầu mùa thu - Trần Hạ Vi
Khi mẹ là người bán dừa - Trang Thùy
Lan man về phía cõi mẹ - Phan Văn Thạnh
Tưởng nhớ diễn viên Hồng Sơn ngày xá tội vong nhân - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Mùi thơm buổi sáng (truyện ngắn)
Một phút tự do (truyện ngắn)
Thư viết cho mẹ. (truyện ngắn)
Trị liệu nhóm (truyện ngắn)
Dải ruy băng màu tím (truyện ngắn)
Niềm Vui Sống (tạp văn)
Một chút hạnh phúc (truyện ngắn)
Mèo con lạc lõng (truyện ngắn)
Những trang sách cũ (truyện ngắn)