Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.151.905
 
Nguyễn Ngọc Thiện với cảm quan nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975
Trần Hoài Anh

 

Trần Hoài Anh -Thiện Mỹ

 

1.Dẫn nhập

 

Có thể nói, sự nghiệp đổi mới đất nước trong thập niên tám mươi của thế kỷ XX như một “phép lạ” nhiệm mầu làm hồi sinh nền văn học dân tộc trên nhiều bình diện, trong đócó việc đổi mới tư duy nghiên cứu, lý luận phê bình, thể hiện ở việc tiếp nhận các trường phái lý thuyết văn học phương Tây và nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học, trong đó cóVăn học miền Nam trước 1975 … mà trước kia vì nhiều lý do, chúng ta chưa nhận thức đúng giá trị. Đối với di sản văn hóa, văn học miền Nam trước 1975, việc tái bản những tác phẩm khảo cứu văn hóa của các tác giả: Kim Định, Nguyễn Duy Cần, Vương Hồng Sển,Toan Ánh, Nguyễn Hiến Lê;Các công trình nghiên cứu văn học của Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Thế Ngũ, Đặng Tiến, Huỳnh Phan Anh, Trần Nhựt Tân… cùng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ: Dương Nghiễm Mậu, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Ngô Kha, Trần Quang Long, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Ngh… đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt cũng là một tín hiệu cho thấy sức sống của bộ phận văn học này trong đời sống văn học hôm nay.

 

Bên cạnh việc tái bản các tác phẩm văn học miền Nam trước 1975 còn có một số công trình nghiên cứu, giới thiệu về văn học miền Nam, trong đó có công trìnhVăn học Việt Nam thế kỷ XX (Lý luận - phê bình 1945 -1975) Quyển Năm – tập XI (2010)màNguyễn Ngọc Thiệnlà chủ biên,giới thiệu 16 nhà lý luận phê bìnhvăn học miền Nam và việcNguyễn Ngọc Thiệndành ưu ái,“chiêu tuyết” cho một số nhà nghiên cứu phê bình văn học miền Nam trước 1975như: Vũ Hạnh; Thanh Lãng; Nguyễn Hiến Lê; Thiếu Sơn; Nguyễn Văn Trungtrong công trìnhThăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017) (2018) được xem là sự tống kết cho một đời nghiên cứu văn học của ông, chứng tỏ cảm quan nghiên cứu văn học miền Nam của Nguyễn Ngọc Thiện là một thực thể hiện hữu góp phần định hình sự nghiệp nghiên cứu văn học của Nguyễn Ngọc Thiện mà khi tìm hiểu về hành trình lao động khoa học của ôngnếu không quan tâm đến sẽ là khiếm khuyết.

 

       2.Các bình diện tiếp nhận văn học miền Nam trước 1975 trong cảm quan nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thiện

 

2.1.Sự vận dụng các công trình nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam trong nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thiện.

 

Trong lời nói đầu công trìnhThăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017) (2018), Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ: “Từ một khởi điểm 1974 đến nay, tôi chuyên chú viết hàng trăm bài nghiên cứu, lý luận phê bình về văn học Việt Nam hiện đại, hầu hết được công bố trong các Hội thảo khoa học hoặc đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành, sau đó lần lượt được tập hợp vào 6 cuốn sách in riêng nối tiếp nhau xuất bản trong 20 năm từ 1995 đến 2015”.(1)Thế nên, trong giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học hiện nay, Nguyễn Ngọc Thiện được biết đến không chỉ là nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực lý luận – phê bình văn họcmà còn biết đến ông như một nhà nghiên cứu, biên khảo đầy đam mê với rất nhiều công trình khảo cứu mà ông làm chủ biên hay trực tiếp biên soạn. Và đây là một lĩnh vực khá thành công, là một thế mạnh của ông trong sự nghiệp nghiên cứu văn học, bởi những đóng góp của các công trình này đối với việc lưu trữ, cung cấp tư liệu văn học, giúp các nhà nghiên cứu có cứ liệu khoa học khi tìm hiểu các hiện tượng văn học. Về phương diện này, có thể nói, các công trình khảo cứu của Nguyễn Ngọc Thiện là những tư liệu đáng tin cậy vì tính chất nghiêm cẩn của người nghiên cứu trong việc đầu tư cho các công trình của mình.

 

Ngoài những vấn đề trên,ta thấy trong các công trình nghiên cứu văn học của mình, Nguyễn Ngọc Thiện đã dành nhiều trang viết cho lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 mà ôngquan tâm. Chẳng hạn nhận định về những giá trị cần được lưu tâm của văn học miền Nam, trong tham luận “Nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận văn học Việt Nam qua tiếp thu lý luận văn học nước ngoài” tại Hội thảo về lý luận phê bình của Hội Nhà văn, tổ chức tại Tam Đảo tháng 6/2013, Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Trên chặng đường dài gần 70 năm (từ 1945 đến nay) có một giai đoạn cần được để tâm là ở đô thị miền Nam, trong vùng Mỹ - chính quyền Sài Gòn tạm thời kiểm soát (1954-1975), đã tồn tại trong dòng chảy đáng lưu ý của lý luận phê bình, mà ở đó tư tưởng lý luận văn học đương đại từ Âu– Mỹ được tiếp nhận, truyền bá trên sách báo, giảng dạy trong nhà trường. Mặc dù không tránh khỏi xô bồ, hỗn độn, phồn tạp, lẫn lộn trắng đen, hay dởnhưng phải nói rằng văn đàn công khai ở đô thị miền Nam trong hơn 20 năm đó đã ít nhiều hé mở cửa sổ nhìn ra thế giới để cố gắng bắt nhịp và hội nhập vào chuyển động của lý luận văn học hiện đại từ Âu - Mỹ, trong đó có những tìm kiếm mang ý nghĩa cách tân về tư duy lý luận và phương pháp nghiên cứu từ các chân trời xa xôi ấy”.(2)Không chỉ khẳng định những giá trị mang tính sáng tạo của lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975 với những khám phá, tìm tòi, cách tân trong tư duy lý luận và phương pháp nghiên cứu để tạo nên một nền lý luận - phê bình đa dạng, đa chiều, đa khuynh hướng trên tinh thần dân chủ, khai phóng, hội nhập và phát triển, Nguyễn Ngọc Thiện còn lưu ý ghi nhận những đóng góp của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975 màông đã đọc và nghiên cứu, từ những công trình văn học, mỹ học, văn hóa qua những tư liệu còn lại trong các thư viện, các trung tâm lưu trữ cũng như các tập sách về lý luận phê bình ông đã cất công tìm kiếm trong những lần “hành phương Nam” công tác, khi ông xác quyết: “cần ghi nhận sự thức thời, nhạy cảm, tư duy lý luận năng động và nhiệt huyết tìm tòi cái mới hữu ích của một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ thiết tha với việc làm phong phú nền văn gọc dân tộc(Nguyễn Văn Trung Thanh Lãng, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh,, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn xung…”.(3)Không những thế, ông còn “cổ súy” cho việc “tái bản có chọn lọc các công trình dịch lý luận văn học phương Tây có chất lượng tốt do các học giả miền Nam từ thời kỳ 1954-1975 thực hiện mà đến hôm nay vẫn được xem là những bước đầu khai phá có ý nghĩa tham khảo đáng tin cậy”.(4)Điều này cho thấy Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu văn học có thái độ cầu thị, biết vượt lên những rào cản của những thiên kiến hẹp hòi, vô lý để vươn đến những giá trị đích thực của khoa học. Bởi, theo Nguyễn Ngọc Thiện: “Ở các vùng đô thị miền Nam, xuất hiện khá đông đảo đội ngũ những nhà lý luận phê bình nghiên cứu thuộc nhiều khuynh hướng. Một số là những người cầm bút theo lập trường Mác xít, yêu nước, hoạt động trên văn đàn công khai, đấu tranh bảo vệ văn hóa văn nghệ dân tộc, hướng về những giá trị nhân bản, nhân văn, cho dù bị chính quyền Sài Gòn đe dọa khủng bố”.(5)Đây là điều cần được ghi nhận trong cảm quan nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thiện đối với văn học miền Nam.Bên cạnh những đánh giá, nhận định về các công trình nghiên cứu của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, trong quá trình nghiên cứu. khảo cứu của mình, Nguyễn Ngọc Thiện còn viện dẫn nhiều tư liệu của các nhà nghiên cứu văn học miền Nam để luận giải những luận điểm khoa học trong nghiên cứu của mình như một sự minh chứng cho những giá trị khoa học ở các công trình mà ông dày công nghiên cứu. Chẳng hạn trong tiểu luận: “Khái quát về tranh luận văn học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Nguyễn Ngọc Thiện đã viện dẫn công trình Phê bình văn học thế hệ 1932 của Thanh Lãng, Giáo sư Đại học Văn Khoa Sài Gòn mà theo ông: “Để nhận diện sinh hoạt phê bình văn học sôi động trong giai đoạn 1932-1945, theo soạn giả (tức Thanh Lãng – THA)có thể xếp các lực lượng phê bình văn học giai đoạn này vào bốn khối xung đột, đối địch nhau về quan điểm, lý lẽ: đó là khối Cựu Học; Khối Cấp Tiến của Tự Lực Văn Đoàn; Khối Tân Dân chống Tự lực Văn đoàn và khối Mác xít duy vật. Và cuộc đấu tranh giữa bốn khối này được thể hiện qua 10 vụ “tranh luận văn học” trên báo chí đương thời – trước đó soạn giả gọi là bút chiến, về sau ông gọi là vụ án (…)theo Thanh Lãng là có cả thảy 12 vụ án văn học cần được chú trọng xem xét bởi nó cho thấy đặc sắc của phê bình văn học nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu là tìm thấy quatranh luận văn học”.(6)Và trên cơ sở những tư liệu viện dẫn, với tư cách nhà nghiên cứu,Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giákhái quát về các công trình của Thanh Lãng, đó là: “Trong buổi đầu của việc hình thành một thể tài văn học mới – sự hiện diện của phê bình văn học trên báo chí, qua tranh luận… đã từng bước khẳng định vị trí cần thiết của nó trong đời sống của một nền văn học đang đi vào quỉ đạo hiện đại hóa”. (7)Theo Nguyễn Ngọc Thiệncách làm của Thanh Lãng “là phù hợp với hoàn cảnh đương thời, có bổ ích cho việc học tập của sinh viên và những người gặp khó khăn về tư liệu nghiên cứu, thể hiện tinh thần tôn trọng ý nghĩa khách quan của sự kiện tư liệu khoa học. Tuy nhiên các công trình này cũng có những điểm bất cập: chưa thỏamãn về những nhận định còn ít ỏi và dè dặt, đôi chỗ tư liệu không khỏi vụn vặt,tản mạn bề ngoài…”(8)Hay trong bài viết” Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 -1939”, khi đề cập đến những ý kiến bàn về cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã viện dẫn công trình nghiên cứu của Thạnh Lãng để làm cơ sở xác chứng cho những luận điểm học thuật của mình khi ông cho rằng: “Riêng công trình của Thanh Lãng xuất bản ở miền Nam năm 1972 lại trình bày cuộc tranh luận theo một hướng tiếp cận khác. Tác giả chú trọng thu thập tư liệu sao cho không bỏ sót trình bày diễn biến cuộc tranh luận từ lúc mở đầu đến khi kết thúc qua việc cung cấp nội dung các ý kiến đã phát biểu. Thanh Lãng không kết luận theo hướng phân tuyến đúng/ sai, thắng / bại – ông dành cho người đọc quyền phán xét khách quan, tự mình rút ra những kết luận cần thiết trên cơ sở tiếp xúc với tư liệu trung thực và không bị trích dẫn cắt xén, lược thuật.”(9)Hoặc khi luận về công trìnhBàn về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh (1921), Nguyễn Ngọc Thiện cũng viện dẫn ý kiến của Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển hạ), khi xác quyết Phạm Quỳnh là “người có công nhất đối với lịch sử tiểu thuyết của thế hệ 1913, bởi chính Phạm Quỳnh đã hướng dẫn phong trào tiểu thuyết của thế hệ này”.(10)Còn ở bài viết: “Vũ Ngọc Phan trong nghiên cứu văn học theo đặc trưng thể loại và phong cách của mình,Nguyễn Ngọc Thiện cũng viện dẫn ý kiến của Thanh Lãngtrong Phê bình văn học thế hệ 1932tập II, khi cho rằngbộ sáchNhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan “không cho ta nắm được tất cả các đường lối diễn tiến của sự kiện văn học”, “không cho ta thấy cái tương quan giữa lịch sử văn học nói chung và các nhà văn nói riêng”.(11)Có thể những nhận định, đánh giá của Nguyễn Ngọc Thiện về các công trình nghiên cứu văn học của Thanh Lãng mà ông đã khảo sát để viện dẫn vàonghiên cứu của mìnhchuẩn xác hay chưa, điều đó còn chờ ở sự thẩm định của các nhà nghiên cứu nhưng việcNguyễn Ngọc Thiện nêu chủ kiến của mình về các công trình nghiên cứu của Thạnh Lãng nói riêng và các công trình phê bình văn học miền Nam nói chung cả mặt thành tựu và hạn chế là điều cần thiết vì đã cho thấy tính phản biện của một người làm khoa học mà nếu không có phẩm tính này thì không làm nên “Nhân vị” của một nhà nghiên cứu. Bởi, một nhà nghiên cứu văn học thiếu chủ kiến khoa học chỉ biết “tát nước theo mưa”, sống và viết như một “phóng thể”, tự đánh mất chính mình thì không thể là một nhà phê bình đích thực, đáp ứng nhu cầu của công chúng tiếp nhận.Không chỉ viện dẫn ý kiến của các nhà phê bình văn học, Nguyễn Ngọc Thiện còn viện dẫn ý kiến của các nhà văntrong các tác phẩm được xuất bản ở miền Nam trước 1975 như:Theo giòng của Thạch Lam, Nxb. Đời nay, SG,1962;Khảo về tiểu thuyết, Phạm Văn Tươi xuất bản (SG, 1955) ;Bốn mươi năm nói láo (1969)của Vũ Bằng;Viết và đọc tiểu thuyết của Nhất Linh, (SG, 1961), Đời Bích Khê của Quách Tấn, Văn Thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ (SG,1970) để minh chứng cho những luận giải khoa học của mình trong quá trình nghiên cứu. Như vậy các công trình nghiên cứu phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong hành trình nghiên cứu văn học của Nguyễn Ngọc Thiện, góp phần làm nên những giá trị khoa học ởcác công trình  nghiên cứu của ông trong sự tiếp nhận củacông chúng văn học.

 

2.2.Giới thiệu chân dung các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam

 

        Trong Thăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017) (2018), ngoài phần Tiểu luận -Nghiên cứu vàPhê bình còn có phần Chân dung văn học mà ở đó có sự giao thoa giữachân dung văn học và tiểu sử văn học.trong đó,với cái nhìn riêng của mình Nguyễn Ngọc Thiện đã giới thiệu các nhà lý luận phê bình miền Nam như: Vũ Hạnh, Thanh Lãng, Nguyễn Hiến Lê, Thiếu Sơn và Nguyễn Văn Trung. Và đây cũng là một phương diện thể hiện cảm quan nghiên cứu về văn học miền Nam của Nguyễn Ngọc Thiện.

    Theo trình tự, Vũ Hạnh là nhà văn miền Nam đầu tiên được Nguyễn Ngọc Thiện chọn giới thiệu. Sau khi trình bày về tiểu sử nhà văn, người viết tập trung giới thiệu khái lược về hành trình lao động nghệ thuật của Vũ Hạnh ở phương diện sáng tác với những tác phẩm như: Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại… (tập truyện ngắn); Lửa rừng; Con chó hào hung, Cô gái Xà Niêng, Cú đấm, Tâm sự người ở gái…. (…).Ở lĩnh vực lý luận phê bình văn nghệ, văn hóa – giáo dục là các tập tiểu luận đặc sắc: Đọc lại truyện Kiều. Tìm hiểu văn nghệ; Tuổi trẻ nỗi loạn, Cha mẹ bơ vơ. Người Việt cao quí xuất bản.Trong cảm quan của Nguyễn Ngọc Thiện thì “Truyện và tiểu luận phê bình của Vũ Hạnh được ghi nhận như những văn phẩm cógiá trị, có đóng góp quí báu vào sự phát triển của nền văn học yêu nước, cách mạng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975”.(12)Nhận định này của Nguyễn Ngọc Thiện về Vũ Hạnh, đúng nhưng chưa đủ. Vì những tác phẩm của Vũ Hạnh  về sáng tác cũng như lý luận phê bình không chỉ có giá trị trong “nền văn học yêu nước, cách mạng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975” mà nó đã vượt ra khỏi khung lịch sử của giai đoạn này, trở thành những tác phẩm có giá trị trong nền văn học dân tộc thời hiện đại, nhất là trong thời kỳ hội nhập của xu hướng toàn cầu hóa khi mà nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc bảo vệ “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc mà các tác phẩm: Đọc lại truyện Kiều, Bút máu, Chất ngọc; Người Việt cao quí, Tuổi trẻ nỗi loạn… là một minh chứng.

 

Tiếp theo Vũ Hạnh, Thanh Lãng cùng với những công trình nghiên cứu, khảo cứu của ônglà một trong những tác giả miền Nam được Nguyễn Ngọc Thiện viện dẫn khá nhiều trong các công trình nghiên cứu, khảo cứu của mình. Vì vậy, bên cạnh phần giới thiệu về Thanh Lãng trong vai trò một nhà nghiên cứu với những công trình tiêu biểu như: “Văn chương chữ Nôm;Văn chương bình dân (1953); Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1957) Văn học đối kháng Trung Hoa (1969); Văn học dấn thân yêu đời(1971); Phê bình văn học thế hệ 1932, tập1 -1972, tập 2- 1973; Mười ba năm tranh luận văn học (1932-1945) tập 1,2,3- 1995),Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói đến vai trò của Thanh Lãng với tư cách “là một giáo sư có uy tín trong giảng dạy và nghiên cứu phê bình văn học ở miền Nam Việt Nam, trong hơn 40 năm hoạt động văn học, với sự trân trọng thiết tha yêu mến nền văn chương dân tộc, bằng phương pháp khảo cứu khách quantrung thực và thựcchứng. Các công trình biên khảo được xuất bản của ông có giá trị lâu dài trên các phương diện: tư liệu văn học chân xác, quí hiếm,trình bày và kiến giải khoa học khách quan, dân chủ, đối thoại bình đẳng và cởi mở tranh luận học thuật (…) Chúng là những tài liệu tham khảo bổ ích cho người học và người đọc rộng rãi, gợi mở và kích thích sự trao đổi, bình đẳng trong tìm tòi học thuật. Thanh Lãng là một gương mặt sáng giá của giới nghiên cứu, giảng dạy phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” (13)Những đánh giá của Nguyễn Ngọc Thiện đối với văn nghiệp của Thanh Lãng tuy có thỏa đáng, thể hiện cái tình của những người nghiên cứu văn học nhưngsự đánh giá này chưa đúng tầm với một nhà nghiên cứu có những đóng góp không nhỏ đối với nền văn học dân tộc nên theo tôi, Thanh Lãng “không chỉ làlà một gương mặt sáng giá của giới nghiên cứu, giảng dạy phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” như Nguyễn Ngọc Thiện đã mặc định màThanh Lãng còn là một trong những gương mặt sáng giá của giới nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà thời hiện đại.

 

     Cùng với Thanh Lãng, Nguyễn Hiến Lê cũng là một trong những nhà nghiên cứu văn học, văn hóa mà Nguyễn Ngọc Thiện quan tâm nghiên cứu không chỉ về cuộc đời và hành trình sống của Nguyễn Hiến Lê, từ Bắc vào Nam, từ khi khởi nghiệp cho đến lúc ông đi “ra ngoài cõi sống” mà còn quan tâm đến văn nghiệp của Nguyễn Hiến Lê.Theo Nguyễn Ngọc Thiện: “Sách của ông (Nguyễn Hiến Lê -THA)bao quát nhiều lĩnh vực phong phú của khoa học xã hội, khoa học nhân văn, tư tưởng- đạo đức; triết học chính trị, kinh tế, sử học, văn học, ngôn ngữ học, đạo đức học, luân lý, cách trí, dịch thuật, biên khảo về danh nhân, luyện đức trí, v… v… Ngoài ra ông còn viết hơn 300 bài khảo luận, điểm sách, nghiên cứu in trên báo chí Sài Gòn đương thời trước 1975 cùng mấy chục bài tựa cho sách của đồng nghiệp, văn hữu”.(14)

 Và trong cái nhìn của Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Hiến Lê: “là một học giả vốn tri thức uyên bác, bách khoa, Nguyễn Hiến Lê nổi bật trong nổ lực không mệt mỏi phổ cập tri thức về lịch sử triết học, văn minh văn học và dịch thuật. Ông xứng đáng là một tập đại thành, người chuyên chở cần mẫn các giá trị tinh hoa của tư tưởng, văn hóa, nhân kiệt thuộc cổ kim đông tây trên thế giới vào Việt Nam. (…) Ông thể hiện một tư duy hiển minh trong một văn phong giản dị, lão thực (…) Đương thời cũng như sau khi ông mất, nhiều trước tác của ông được tái bản lưu hành rộng rãi, vẫn không ngừng lôi cuốn và hấp dẫn công chúng nhiều thế hệ tìm đọc. Nguyễn Hiến Lê có thể xem là nhà khai sáng, một Lê Quí Đôn của thời hiện đại”.(15)

 

Những đánh giá của Nguyễn Ngọc Thiện về văn nghiệp của Nguyễn Hiến Lê có phần đúng và hợp lý, cho thấy sự tâm đắc, sự kính trọng cần thiết và sự ngưỡng vọng của một nhà nghiên cứu thế hệ sau đối với các bậc tiền bối. Song, theo chúng tôi viêc Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Nguyễn Hiến Lê có thể xem là nhà khai sáng, một Lê quí Đôn của thời hiện đại”, liệu có “lãng mạn khoa học” quá chăng? Bởi, Lê Quí Đôn là một tài năng bẩm sinh với những thiên tư mà không phải ai cũng có, còn Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương về quá trình tự học, về sự cần cù, siêng năng trong lao động khoa học như chính ông đã tự nhận và đã viết sách trình bày về quá trình tự học, tự nghiên cứu của mình. Song, dù thế nào thì sự ngưỡng vọng của Nguyễn Ngọc Thiện dành cho Nguyễn Hiến Lê cũng như các nhà nghiên cứu phê bình văn học miền Nam là điều đáng quí. Vì điều này góp phần khẳng định giá trị của văn học miền Nam trước 1975 trong cảm quan của các nhà nghiên cứu hiện nay.

 Sau Nguyễn Hiến Lê, Thiếu Sơn là nhà phê bình văn học miền Nam được Nguyễn Ngọc Thiện nói đến trong phần chân dung văn nghệ sĩ. Thiếu Sơn trong cảm quan của Nguyễn Ngọc Thiện vớiPhê bình và Cảo luậnlà: “nhà phê bình đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Trong buổi đầu hình thành thể loại văn học mới là phê bình văn học, tiếp thu thành tựu từ phương Tây, ông thực thi và thành công trong loạt bài phê bình về tác giả và tác phẩm”.16Nhận định về hành trình sống và viết của Thiếu Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng Thiếu Sơn: “là một trí thức thức thời được giác ngộ chân lý và lẽ phải, các bài viết tác phẩm của ông thể hiện tấm lòng ưu thời mẫn thế, hướng về sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc, gắn bó chan hòa với nhân dân lao động mà phát huy cái sở lược sở đắc của mình. (…) qua bao khúc quanh của lịch sử và trắc trở của số phận vẫn bền lòng giữ vững nhân cách trong sạch, sứ mệnh dấn thân của một người trí thức trong một thời cuộc phức tạp, nhiều thử thách và đầy biến động”.17Đây là những đánh giá sát đúng với văn nghiệp Thiếu Sơn, một nhà phê bình văn học thời tiền chiến còn tiếp tục hoạt động văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975.

 

   Trong các bài viết về chân dung các nhà văn,nhà lý luận phê bình ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Văn Trung là người sau cùng được Nguyễn Ngọc Thiện giới thiệu. Cũng như Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung được Nguyễn Ngọc Thiện nói đến với tư cách vừa là nhà lý luận phê bình, vừa là giáo sư đại học đã “tham gia đều đặn các hoạt động xã hội báo chí, viết sách”.(18)Nhìn nhận về hành trình sống và viết của Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Là một trí thức được đào tạo cơ bản ở nước ngoài về nước tham gia hoạt động giáo dục và báo chí, ông quan tâm viết và phát biểu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đương thời: chính trị, lịch sử, tôn giáo, văn chương – nghệ thuật, giáo dục. (…) Trên lĩnh vực văn chương, Nguyễn Văn Trung có chủ ý vận dụng những kiến thức hiện đại về văn học và triết học của phương Tây những năm giữa thế kỷ XX (phê bình mới, tiểu thuyết mới, chủ nghĩa cấu trúc, triết học hiện sinh, hiện tượng học) vào việc nghiên cứu văn học ở miền Nam Việt Nam đương thời.  Ông tiếp cận văn học trên quan điểm của người lý luận văn học, nhà triết học, nghĩa là suy nghĩ triết lý về văn học và lao động nghệ thuật, chứ không phải của người làm văn học sử, với kỳ vọng góp phần làm mới tư duy sáng tạo và nghiên cứu phê bình của khoa học văn học nước nhà”.(19) Như vậy, trong cảm quan của Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Trung là một trong những nhà lý luận phê bình ở miền Nam chịu ảnh hưởng của các lý thuyết văn học phương Tây và truyền bá các lý thuyết văn học ấy vào miền Nam mà những công trình của ông đã công bố ở miền Nam trước 1975 là một chứng từ đầy thuyết phục. Vì vậy đóng góp của Nguyễn Văn Trung, theo Nguyễn Ngọc Thiện: “là ở chỗ ông thúc đẩy sự vận động của mỹ học sáng tạo đi tới mỹ học tiếp nhận, Vấn đề nội dung của hình thức, cấu trúc tác phẩm, tính đa nghĩa và đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật, quá trình chuyến hóa từ văn bản đến tác phẩm qua hành động đọc của công chúng”.(20)Việc đánh giá về văn nghiệp và hành trình sáng tạo của Nguyễn Ngọc Thiện đối với Nguyễn Văn Trung là một vấn đề còn phải thảo luận. Nhưng dẫu sao những kiến giải của Nguyễn Ngọc Thiện về Nguyễn Văn Trung, một trong những tên tuổi, có ảnh hưởnglớn đối với văn học miền Nam trước 1975 là điều cần được chia sẻ. Bởi, đây là những đánh giá công bằng, khách quan của một nhà nghiên cứu nặng lòng đối với văn học miền Nam, một di sản văn học của dân tộc cần được giữ gìn và phát triển mà không phải nhà nghiên cứu văn học nào cũng có được tâm ý như thế!?.

 

    Những kiến văn về văn học miền Nam trong đó có lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình mà Nguyễn Ngọc Thiện thâu nhận được trong quá trình tiếp cận với tư liệu văn học miền Nam những năm qua mà một nhà nghiên cứu chuyên tâm về khảo cứu tư liệu như ông không thể không tìm hiểu là điều cần được tri nhận. Sự tiếp nhận này đã góp phần không chỉ làm phong phú sản phẩm nghiên cứu văn học củaNguyễn Ngọc Thiện, mà còn làm tăng hàm lượng khoa học trong các công trình nghiên cứu mà những gì đã được ông công bố trong tập sáchThăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017) (2018) là một xác chứng cho cảm quan của ông trong việc nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975.

 

 2.3.Giới thiệu tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam trước 1975

 

      Duyên nợ của Nguyễn Ngọc Thiện đối với việc nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975, không chỉ dừng lại ở việc viện dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu, phê bình văn học như một minh chứng để luận giải cho các luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu của mình hay trình bày chân dung các nhà nghiên cứu ở miền Nam mà ông góp phần giới thiệu 16 gương mặt các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 trong công trìnhVăn học Việt Nam thế kỷ XX (Lý luận - phê bình 1945 -1975) Quyển Năm – tập XI (2010) mà ông là chủ biên.Đây là công trình tuyển chọn các bài nghiên cứu của cácnhà lý luận phê bình văn học mà sáng tác của họ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn học miền Nam. Tuy việc giới thiệu này chỉ mang tính tư liệu, không phải là những bài nghiên cứu chuyên sâu về lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975, nhưng việc xuất hiện công trình này trong điều kiện khan hiếm tài liệu về văn học miền Nam như hiện nay là điều cần thiết, góp phần hoàn thiệndiện mạo văn học của một nước Việt Nam thống nhất, tránh những sự chia cắt không cần có và không nên có.

Tập sách mở đầu với nhà văn Vũ Hạnh, gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng lý luận phê bình Mác xít ở miền Nam trước 1975, người  có nhiều đóng góp trong việc đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Tác phẩm của Vũ Hạnh được trích giới thiệu gồm: “Bàn về đứa con của nàng Kiều; Kim Trọng, Thúy Kiều hay là những bóng mờ trong khuôn tình sử; Người Việt cao quý; Tìm hiểu văn nghệ, Khách viễn phương người là ai? Hai nàng Thúy Kiều; Tính chất phi thường trong con người bình thường của Thúy Kiều…”. Tiếp theo là Lữ Phương cũng thuộc khuynh hướng lý luận phê bình Mác xít với những tác phẩm được trích dẫn: “Chu Tử và tác phẩm; Mấy vấn đề văn nghệ; Một vài ý kiến về sự sáng tạo ca dao miền Nam; Ngưởi miền Nam chống cướp nước qua ca dao”. Sau Lữ Phương là Đông Hồ, nhà thơ cũng là người có những bài viết về phê bình văn học được chọn giới thiệu: “Tôi làm thơ; Nghĩ về thệ ước trong “Truyện Kiều”; Xúc cảnh thành thi; Thiền vị, đạo vị; thi vị trong văn chương Việt Nam”. Tiếp nối thi sĩ Đông Hồ cũng là nhà thơ tham gia viết khảo cứu văn học, đó là thi sĩ Quách Tấn, người của “Mùa cổ điển”. Những tác phẩm của Quách Tấn được trích giới thiệu: “Đôi nét về cuộc đời Bích Khê; Kỷ niệm đời thơ; Thơ chữ Hán của Nguyễn Du; Một nghi vấn về văn học”. Sau Quách Tấn là Nhất Linh với “Viết và đọc tiểu thuyết”;  Vũ Hoàng Chương với: “Tâm hồn thi sĩ Nguyễn Du; Nhớ Đinh Hùng…”; Vũ Bằng với: “Tản Đà uống rượu làm cho tôi say đến bây giờ; Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư…”;Nguyễn Hiến Lê với: “Cái thần trong văn; Hương sắc trong vườn văn; Nghề viết văn…”; Phạm Thế Ngũ với: “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên”; Nguyễn Văn Trung với: “Lược khảo văn học tập I, III; Phê bình xã hội”; Thanh Lãng với: “Nguyễn Du như là một huyền thoại; “Đoạn trường tân thanh” hay là cuộc đời kỳ quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt lên trong tác phẩm của ông…”; Nguyễn Đăng Thục với: “Thế giới thi ca của Nguyễn Du”; Nguyễn Ngu Í với “Nguyễn Nhược Pháp(1914-1938), nhà thơ dễ thương; Vài nét về sự nghiệp, cuộc đời và cái chết của nhà văn Lê Văn Trương”. Bùi Giáng với: “Thi ca tư tưởng;Nhân đọc “Rừng phong””; Bằng Giang với: “Cận đại và hiện đại trong lịch sử và trong văn học”. Và kết thúc là Cao Huy Khanh, với những sáng tạo mang tính đột phá trong phê bình văn họclúc bấy giờ với: “Bùi Giáng cải lương ca; Hồ DZếnh, thi sĩ của thời gian; Đọc võ Hồng truyện tình của giới trung lưu;Bình Nguyên Lộc, nhà văn của tâm lý và đời sống hàng ngày; Nhà văn miền Nam: Vấn đề khuynh hưởng riêng vấn đề trào lưu chung”. Đây là một cái kết chấp nhận được cho một tuyển tập lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975. Song, cũng là cái kết để lại trong người tiếp nhận những điều tiếc nuối khi việc tuyển chọn các tác giả, tác phẩm lý luận phê bình văn học ở miền Nam còn quá “khiêm tốn” so với số thực tế. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho người chủ biên, một nhà nghiên cứu có quan tâm đến văn học miền Nam trước 1975 như Nguyễn Ngọc Thiện, nếu ông có mỹ ý tiếp tục làm những tuyển tập tiếp theo.

Hy vọng tuyển tập này không chỉ là duy nhất nhưng là một sự mở đầu cho những tuyển tập tiếp theo về lý luận phê bình văn học nói riêng và văn học miền Nam nói chung trong một tương lai không xa. Chúng ta, những người đọc có quyền mong chờ và kỳ vọng để sớmđược tiếp cận với nhiểu tác phẩm văn học miền Nam, một di sản văn chương dân tộc cần được trao truyền và gìn giữ.

 

 3.Thay lời kết

 

     Là một nhà nghiên cứu văn học có hành trình dấn thân hơn 40 năm từ khi có bài báo đầu tiên “được đăng trên Tạp chí Văn học số 4 (tháng 7+8) năm 1974,”, Nguyễn Ngọc Thiện“đã vững lòng bền chí trên chặng đường dài theo đuổi nghiệp viết nghiên cứu lý luận phê bình văn chương” (21)như ông đã chia sẻ trong lời nói đầu của công trìnhThăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017)  (2018).Và như một “nông phu” cần mẫn, chăm chỉ trên “cánh đồng nghiên cứu, văn chương”,Nguyễn Ngọc Thiệnđã có những cống hiến và đóng góp nhất định cho nền lý luận phê bình văn học nước nhà, mà rõ nhất là những công trình nghiên cứu, khảo cứu văn học mà ông đóng vai trò chủ biên hay trực tiếp biên soạn, trong đó, không thể không nói đến việc tiếp cận và nghiên cứu, về những tác giả, tác phẩm của lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975.

 

 Mặc dù việc tiếp cận nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 của Nguyễn Ngọc Thiện chưa nhiều, chưa thường xuyên, và cũng chưa toàn diện nhưng với những gì ông đã làm như đã nói ở trên, chứng tỏ Nguyễn Ngọc Thiện là một trong không nhiều các nhà nghiên cứu văn học có sự quan tâm đặc biệt đến đời sống văn học miền Nam trước 1975. Theo chúng tôi đây là một điểm son cần được ghi nhận như một đóng góp của ông đối với đời sống lý luận phê bình của dân tộc thời hiện đại. Việc làm nầy không chỉ tạo nên một hệ giá trị mới làm phong phú sự nghiệp nghiên cứu phê bình mà ông đã theo đuổi như một duyên nghiệp mà còn cho thấy sự trân quí của ông đối với những giá trị không thể phủ nhận của văn học dân tộc. Bởi, theo Nguyễn Khoa Điềm: “dù đất nước đã mở cửa nhưng việc khai thác thành quả của lý luận hiện đại thế giới cũng như truyền thống lý luận của dân tộc lại chưa được nghiên cứu đầy đủ có hệ thống”.(22)Thế nên, việc làm của Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ đáp ứng yêu cầu Nguyễn Khoa Điềm đặt ra mà còn góp phần thực thitinh thần nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X "về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới", đó là: "Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học Việt Nam hiện đại".(23)mà trong đó, lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975 cũng là một phần tất yếu của lý luận phê bình văn học dân tộc. Đây là một định hướng đúng đắn và quan thiết để đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá nền lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển…

                                                           Xóm Đình An Nhơn – Gò Vấp, 18/8/2020

 

     Chú thích:

(1)2) ( 3) ,(4)(5) (6)(7) (8)(9)(10)(11)(12)(13)(14)(15)(16)(17)(18)(19)20)(21)Nguyễn Ngọc Thiện, Thăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội 2018, tr.5, tr.71, 72, tr.71, 72 , tr.71, 72,tr.132,, tr.175, 176,176, tr. 177, tr.187,tr. 239, tr. 381, tr. 693, tr. 706, tr. 707,tr. 708,, tr. 734, 735,tr. 735, tr. 763,tr. 754, tr. 754, tr.5,

(22)Nguyễn Khoa Điềm, "Phát biểu kết luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc", Tạp chí Nhà văn số 4/2006, tr.62

(23)Trích nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008, tr.23

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Hoài Anh (2009) Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 -1975, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội
  2. Trần Hoài Anh (2017) Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội
  3. Trần Thái Đỉnh (2012) Triết học hiện sinh, Nxb. Văn học Hà Nội,
  4. Nguyễn Ngọc Thiện (2010), (chủ biên)Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Lý luận - phê bình 1945 -1975) Quyển năm – tập XI, Nxb. Văn học, Hà Nội,
  5. Nguyễn Ngọc Thiện,(2018)Thăng hoa sáng tạo thẩm mỹ tiếp nhận văn chương (tuyển tập 1974- 2017), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội,
  6. Nguyễn Đăng Thục (1959) Triết lý văn hóa -Khái luận, Văn Hữu Á Châu Xuất bản

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 998
Ngày đăng: 12.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Hoài Thư và những vết thương không ngừng rướm máu. - Trương Văn Dân
Chúc mừng Thư Quán Bản Thảo Hai Mươi Tuổi - Trần Thị Nguyệt Mai
Nam nữ thụ thụ - Đỗ Nhựt Thư
Câu thơ lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Quang Dũng nhìn từ tâm thức văn hóa Việt* - Trần Hoài Anh
Nguyễn Du với người đẹp Dương Quý Phi - Nguyễn Anh Tuấn
“Công án” Phi Nhung - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng ”Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ”… - Hoàng Kim Oanh
Phạm Duy, bóng hồng và danh tác - Đỗ Nhựt Thư
Có một Phạm Duy như thế - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)