Cơn mộng mị là tựa đề Tuyển tập thơ của Phạm Viết Thiên, do Nxb Đà Nẵng ấn hành tháng 10/2021. Sách khổ 13,5X20cm, dày 90 trang, gồm 44 bài thơ chon lọc. Bìa: Hoàng Đặng. Phụ bản : Hoàng Đặng, Trần Trung Sáng, Đoàn Chí Khang. Lời giới thiệu: Đynh Trầm Ca, Nguyễn Ngọc Hạnh, Đinh Thị Ca, Trần Trung Sáng.
Ngày ấy, có lần tình cờ tại một quán cà phê, tôi gặp một nhóm thân hữu dăm ba anh em tụ tập vốn là bạn đồng môn, đồng thế hệ… trong đó có Phạm Viết Thiên. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi về Thiên là cái dáng vẻ bên ngoài mộc mạc, hồn hậu, chân chất… Thế mà, anh lại rất say sưa trò chuyện về nghệ thuật, về thi ca, về một mối tình hoa mộng thuở học trò!
Từ sau lần đó, mấy chục năm liền, hầu như tôi chưa một lần gặp lại Thiên.Thỉnh thoảng, có nghe dăm ba tin tức đồn đải, anh gặp số phận bôn ba, có nhiều biến động, dập vùi trong cuộc sống, đang lưu lạc về một tỉnh lẻ phương Nam. Nhưng giờ đây, trước mặt tôi, người đàn ông đứng tuổi, pha lẫn chút nét bụi bặm, phong trần, trong giây lát vẫn không thể khiến tôi nhầm lẫn ký ức: Phạm Viết Thiên – gã trai trẻ của một thời đầy đam mê, khát vọng! Gác qua mọi thứ. Câu chuyện của Thiên từ mấy chục năm trước như vừa mới hôm qua, nay được tiếp tục với tập bản thảo thơ “Cơn mộng mị” trên tay:
Đá dựng nổi sầu cao như núi
Nước trải lòng ta vợi biển khơi
Phải chi ta như là thanh củi
Cháy phức một lần xong quách thôi
Ước chi thân như là cát bụi
Ném cái xòa trước gió tả tơi
(Ở Hải Vân, 1976)
Thơ người bạn cũ khiến tôi giật mình, đầy rung động. Không đợi phải nghe Thiên tự sự dài dòng về chuyện tình, chuyện đời thăng trầm, xuôi ngược mấy chục năm qua. Thơ của anh đã nói lên tất cả. Thơ ấy đã dự báo tự thuở 18, đôi mươi:
Ta cũng mấy phen đời lận đận
Hai bàn tay vỗ chẳng trọn lòng
Cát bụi đường xa vàng màu áo
Ta đi về chiếc bóng hư không
(Với thu xa, 1973)
Dù đã làm gì? Đi những nơi đâu? Gặp gỡ những ai? Thì cái tâm hồn nghệ sĩ của chàng trai năm ấy vẫn đeo bám theo Thiên loay hoay không dứt:
Thuở ấy người có về đây
Trời xanh, áo trắng, vai gầy
Người đi thoảng thoảng như là khói
Nên ký ức giờ cứ bay bay
Thuở ấy người có về đây
Lặng thinh tóc bỏ chẳng cài?
Có phải bấy giờ đường gió rối
Nên bấy giờ tôi lóng cóng loay hoay
( Hồi ức, 197…)
Đọc thơ Phạm Viết Thiên, nếu chỉ chú ý chi tiết trình tự thời gian ghi ở cuối bài, chúng ta dễ nghĩ rằng, thơ của anh chia làm hai giai đoạn: thuở học trò sống ở quê nhà và sau khi đã trưởng thành, lập thân xa xứ đến hiện nay. Tuy nhiên, xuyên suốt tất cả, dù đôi khi có pha lẫn ít nhiều triết lý, sinh tử, hư vô… thơ của Thiên vẫn chủ yếu tập trung ở đề tài Tình yêu vĩnh cửu.
Từ mối tình vụng về của thời thơ dại:
Trước bảng lớp bàn tay ngoan đáo để
Dáng em buồn như cả vạn mùa thu
Ta chợt muốn quỳ bên em kính lễ
Dâng hồn ta trong đôi mắt sa mù
(Tuổi học trò 1972)
Hoặc:
Cây đứng rất buồn, cây ngó cây
Áo mỏng đường về, không khói bay
Gió bỗng lên cao, trời thấp xuống
Thương người, ôi thương người chiều nay”
(Sân ga, 1973)
Và đến ngày nay, sau những lần lăn lóc giữa bụi phù vinh:
Ta bụi phù vinh xem đã nhẹ
Thuở học trò vá víu áo cơm
Thuở học trò cũng si tình lắm
Đôi mắt bằng dịu vợi chiều thơm”
(Gã cùng tử, 1976)
Dù có sự khác biệt về thời gian, không gian, nhưng tình yêu ấy vẫn rất mơ màng:
Hình như ta đã già
Hình như em đã xa
Hình như ai cất tiếng
Gọi nhau từ thu xưa
Hình như ta chẳng có
Hình như em chẳng không
Hình như ta thoáng đó
Hình như em mù sương
( Hình như, 2000)
Trong lời bạt, nhà thơ Đynh Trầm Ca viết : « … Phạm Viết Thiên dùng từ đơn giản trong thủ pháp lặp, điệp rất điêu luyện để tăng kịch tính và trúc trắc cho thơ khá hay. Đơn cử khổ 2 trong bài Tự Truyện: "con đường ta đi, chỉ với con đường/ vừa khóc vừa đi lò dò hụt hịt/ bước thấp bước cao, rách da rách thịt/ cô độc cô đơn, cô độc cô đơn" đủ thấy Phạm Viết Thiên giỏi tạo nhịp điệu và khắc hoạ hình ảnh trong thơ. Câu đầu "con đường ta đi, chỉ với con đường", từ "con đường" điệp ở đầu và cuối câu tạo nên một trạng thái. Trạng thái gì? Chưa rõ ràng. Ta đọc tiếp đến câu thứ 4 "cô độc cô đơn, cô độc cô đơn" thì vỡ lẽ "là trạng thái hoang mang trong cô độc". Sự bắt đầu vô lí đến tầm phào của câu thơ "con đường ta đi, chỉ với con đường" hoá ra là do ta đang thất thần, thất thần đi trong hoang vắng lòng của chính ta ».
Đinh thị Ca, một người bạn học cũ của Thiên chia sẻ : « Một phần hai thế kỷ đã trôi xa, những Hòa Vang, Đông Giang của thời áo trắng sân trường với gió thoảng, mây qua, ngày ươm nắng… vẫn in hằn kỷ niệm trong thơ bạn. Những kỷ niệm ấy đang được gởi về quê nhà trong nhiều cảm xúc được chưng cất bằng thời gian. Chắc chắn, những bạn học của bạn đã năm mươi năm nay vẫn hàm ân không khí quê nhà – sẽ nhiều đồng cảm, mến yêu dành cho tâm tình hồn nhiên tuổi học trò cứ lung linh trong những vần thơ của bạn. Tôi nghĩ, “Trở về Đông Giang” hay “Về lại Hòa Vang chỉ là hành trình của hoài niệm, của ấp ủ “ngày trở về lòng mãi vấn vương”. Thế nhưng, những vần thơ này sẽ đánh thức bao nhiêu kỷ niệm về bạn, về Hòa Vang một thời… trong tâm cảm nhiều đồng môn cùng trang lứa 1967-1974, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm trường Hòa Vang tuổi 60 (1961-1921). Riêng tôi, xin gửi đến bạn lời cảm ơn chân thành về những vần thơ tặng».
Cơn mộng mị. Với hơn 40 bài thơ về chặng đường dài bằng nửa thế kỷ. Phạm Viết Thiên gần giống như đi trên con đường mộng mị của riêng mình. “Con đường ta đi buồn lắm/ Càng đi càng vắng chân người”. Nơi ấy,anh lầm lũi: “Bước thấp bước cao, rách da rách thịt/ Cô độc cô đơn, cô độc cô đơn”. Và đôi khi: “Mấy độ luân hồi sống qua sống lại/ Chứng nào tật ấy ta đi…”(Tự truyện). Nay thật vui mừng, bạn đọc và những người thân quý ở chốn cố hương đã có dịp hội ngộ, chia sẻ cùng anh. Xin chúc mừng và mong Phạm Viết Thiên tiếp tục hành trình trong cơn mộng mị, rong chơi miên viễn, dẫu nhiều xót xa, nhưng cũng đầy hứng khởi và thăng hoa./.