Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.143.755
 
1913 Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1861 – 1941)
Lê Ký Thương

 

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)


(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

Tập thơ tôn giáo Hiến dâng - Song Offerings (1912) của Tagore là một trong những tác phẩm đã gây sự chú ý đặc biệt của những nhà phê bình khó tính khi nó chào đời. Tác phẩm này đã thuộc về tài sản của nền văn học Anh theo đúng nghĩa, vì chính tác giả, người được giáo dục và rèn luyện là một nhà thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ, đã dành cho những bài thơ một vẻ hoàn hảo tân kỳ về hình thức và độc đáo trong cảm hứng.

 

Người làm vườn, Những bài thơ Trữ tình về Tình yêu và Cuộc sống - The Gardener, Lyrics of Love and Life (1913) tập thơ thứ hai cùng chủ đề cũng được đánh giá như vậy. Tuy nhiên, trong thi phẩm này, như chính tác giả đã cho chúng ta biết, ông đã lập lại nhiều hơn là thăng hoa những cảm hứng ban đầu của mình. Ở đây, chúng ta thấy một giai đoạn khác nữa về tính cách của ông, lúc thì nói về kinh nghiệm hạnh phúc xen lẫn đớn đau của tình yêu thời trẻ, lúc thì day dứt những cảm giác thèm khát và hân hoan mà những thăng trầm của cuộc đời gây ra, tuy nhiên toàn bộ tập thơ thoáng hiện những ý tưởng mơ hồ về một thế giới cao xa hơn.

 

Trong năm 1913, Tagore xuất bản một tập thơ với tên Trăng lưỡi liềm - The Crescent Moon, mang tính tượng trưng, vẽ ra những bức tranh nên thơ của thời thơ ấu và đời sống quê nhà, và một số bài diển thuyết đọc trước cử tọa là sinh viên Anh và Mỹ mà ông đặt tên chung là Nhận thức cuộc đời - Sâdhanâ: The Realisation of Life. Cả hai tác phẩm này biểu hiện quan điểm của ông về những phương thức con người có thể đạt đến một niềm tin mà dưới ánh sáng của nó có thể thực hiện được để sống. Đây là một tìm kiếm riêng của ông về mối quan hệ đích thực giữa niềm tin và ý tưởng, làm cho ông nổi bật lên như một nhà thơ thiên phú, được biểu thị bằng tư tưởng uyên thâm, nhưng hầu hết những kết quả đạt được là do cảm xúc cao độ và do sức gợi cảm của thứ ngôn ngữ văn hoa mà ông sử dụng.

 

Tuy nhiên, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, ông càng xa lánh tất cả những gì mà chúng ta có thói quen chấp nhận được phân phối, và được cung ứng trên những thị trường như thị trường triết học Phương Đông, xa lánh những giấc mơ đau khổ về luân hồi và nghiệp chướng (karma) không dành riêng cho ai, xa lánh thuyết phiếm thần, thực tế là trừu tượng, xa lánh niềm tin luôn luôn được xem như  nét đặc thù của nền văn minh cao ở Ấn Độ. Ngay cả Tagore, cũng không chuẩn bị tư tưởng để thừa nhận rằng niềm tin như đã mô tả, có thể đòi hỏi bất cứ uy quyền nào từ những lời giáo huấn uyên thâm nhất của những nhà thông thái thời quá khứ. Ông nghiên cứu kỹ Kinh Vệ đà, Upanishads và cả giáo lý của Đức Phật, trong đó ông đã phát hiện ra cho mình điều mà ông gọi là chân lý không thể bác bỏ được. Nếu ông tìm kiếm thần linh trong thiên nhiên thì ông thấy ở đó một con người đang tồn tại với những nét đặc trưng của một vị thần có sức mạnh vô hạn, một đấng toàn năng toàn trí, mà sức mạnh tinh thần siêu phàm của họ hiện diện khắp thế gian này, đâu đâu cũng có, nhưng đặc biệt trong linh hồn của con người được vĩnh viễn định trước. Tán dương, cầu nguyện và hiến dâng hết mình là những yếu tố tinh thần lan tỏa khắp tập Thơ Hiến Dâng mà ông đặt dưới chân vị thần linh vô danh của mình. Khổ hạnh và ngay cả khắc khổ về mặt đạo đức có vẻ như xa lạ đối với mẫu thần linh mà ông tôn thờ, mẫu thần linh này có thể được đặc trưng hóa như một chủng loài của thuyết hữu thần hợp với nguyên tắc thẩm mỹ. Lòng ngưỡng mộ trong cách mô tả vị thần linh đó thật phù hợp với toàn bộ thi ca của ông, và nó đã ban cho ông sự bình an. Ông tuyên bố sự bình an đó sẽ đến với những linh hồn mệt mỏi và tiều tụy vì lo lắng ngay cả trong linh hồn của những người theo đạo Cơ đốc.

 

Đây là chủ nghĩa  thần bí, nếu chúng ta thích gọi như thế, nhưng không phải là chủ nghĩa thần bí chối bỏ nhân cách, tìm kiếm để mải mê trong cái Toàn thể tiếp cận cái Hư vô, mà là thứ chủ nghĩa thần bí, với tất cả tài năng và năng lực của con người được tôi luyện đến mức độ cao nhất, háo hức tiến về phía trước để gặp Đấng Sáng tạo của muôn loài đang tại thế. Nhiều hạng người nhiệt tình theo chủ nghĩa thần bí này không phải hoàn toàn không được biết đến tại Ấn Độ trước thời Tagore, thật vậy trong số những triết gia và những nhà tu khổ hạnh thời xa xưa còn khắc khổ hơn nhiều dưới nhiều hình thức của bhakti (*), lòng sùng đạo của họ mà cốt lõi là tình yêu thâm sâu và tin tưởng vào Thượng đế. Ngay từ thời Trung cổ, những tu sĩ Du già chịu ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó bởi tín đồ Ki-tô giáo và những tôn giáo xa lạ khác, đã tìm kiếm những lý tưởng của niềm tin trong những thời kỳ khác nhau của Ấn giáo, đặc điểm không giống nhau nhưng xét tổng quát đều mang khái niệm của thuyết nhất thần. Tất cả những dạng thức cao hơn của niềm tin này đã biến mất hay bị quá khứ đào thải, bị chết tức tưởi bởi sự phát triển quá sức dồi dào của sự pha trộn thờ cúng, mà đã lôi cuốn tất cả người dân Ấn Độ thiếu khả năng tương xứng, để đối kháng lại những lời tán tỉnh của nó. Ngay cả Tagore cũng phải vay mượn một hay nhiều âm điệu khác từ những dàn nhạc giao hưởng của các bậc tiền bối trên quê hương ông. Thật vậy, ông đã đặt chân lên mặt đất vững chắc hơn trong thời đại này, thời đại mà những cư dân trên trái đất cùng sát cánh bên nhau đi trên con đường hòa bình, mà cũng là con đường tranh chấp, để liên kết và chịu trách nhiệm chung, thơi đại tiêu phí những năng lực riêng của nó để gửi đi lời chúc mừng và thiện ý ra khỏi đất liền và biển cả. Thế nhưng, Tagore, bằng những hình ảnh mang tư tưởng tiên phong, đã cho chúng ta thấy những gì là trần tục bị nuốt chửng như thế nào trong thế giới vĩnh hằng.../

 

 (*) Con đường tu hành bằng từ ái của các Du- già

 

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 691
Ngày đăng: 15.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Ngô Thảo, sống và viết hết mình vì đồng đội - Minh Tứ
1912 Gerhart Hauptmann (Đức, 1862 – 1946) - Lê Ký Thương
1911 Maurice Maeterlinck (Bỉ, 1862 – Pháp, 1949) - Lê Ký Thương
Văn Khoa ngày ấy - Nhớ Thầy Bửu Cầm - Phan Văn Thạnh
1910 Paul Von Heyse (Đức, 1830 –1914) - Lê Ký Thương
1909 Selma Lagerlof (Thụy Điển, 1858 - 1940) - Lê Ký Thương
1908 Rudolf Eucken (Đức, 1846 - 1926) - Lê Ký Thương
1907 Rudyard Kipling (Anh, 1865 – 1936) - Lê Ký Thương
Minh Nguyễn: sống và viết - Trần Dzạ Lữ
NĂM 1906 Giosué Carducci (Ý, 1835-1907) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)