Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.211
 
Đỉnh gió ngàn
Đặng Chương Ngạn

 

Bà tôi mất vào một chiều đông lạnh giá, trời lún phún mưa. Đã nửa tháng nay, trời cứ mưa phùn như vậy, cây cối trong vườn ngả màu đỏ ối nhức mắt. Bà tôi được đặt nằm trên chiếc chiếu cói Vạn Hạnh trải giữa nhà, thân thể quắt queo nhỏ bé như đứa bé mới lên mười tuổi, da bợt bạt nhăn nhúm. Người trong họ, trong làng kéo đến đứng chật cả ba gian nhà tranh, mảnh sân con, đứng cả lên đám đất trồng giong riềng trước cửa. Trống đánh thùng thùng, kèn rền rĩ. Một dãy cờ trắng và đen, nhiều nhất cờ màu trắng, kéo dài từ ngõ nhà tôi đến giữa đồng.

Mọi người khóc. Tôi cũng gào khóc. Tôi giãy giụa cố bứt ra khỏi bàn tay người dì đang giữ mình để bươn lại phía bà. Rồi họ đưa bà đi. Trống dồn thôi thúc, kèn rền rĩhơn. Đến chiều, mẹ tôi, các bác, các chú trở về, mắt sưng mọng, cổ khản đặc không khóc nổi nữa. Tôi vẫn khóc ngằn ngặt, chảng ai có thể dỗ tôi nín được.

  • Đừng khóc cháu ! Đừng khóc nữa cháu ơi ! Cháu kiệt sức rồi !... - Người dì ôm lấy tôi nài nỉ.
  • Dì ơi ! - Tôi nói khi đã mệt lả - Thế bà chẳng bao giờ còn sống nữa ư ?
  • Không. Chết rồi là hết cháu ạ. - Dì trầm ngâm, giọng xa vời - Giá lên được Đỉnh Gió Ngàn, trên đấy có dòng suối tiên. Cháu ạ, ai tắm suối tiên sẽ bất tử. Người chết tắm nước suối tiên sẽ sống lại.
  • Sao không lên đấy lấy nước suối tiên về cho bà ?
  • Không thể lên Đỉnh Gió Ngàn được: núi cao, vách núi dựng đứng, chẳng có đường đi.

Vì khóc nhiều, lại nhiễm khí lạnh, tôi ốm một trận thập tử nhất sinh do viêm phế quản. Lành bệnh, ngày ngày, tôi cứ chạy ra đầu làng nhìn lên dãy núi cao vút, chạy dọc phía tây cánh đồng Bãi Ngựa, sau những mỏm đổi cỏ tranh nhấp nhô. Mùa đông, đỉnh núi mù mây.

Dịp ấy, tôi cũng bắt đầu học chữ A, B, C... biết hóng chuyện người lớn. Tôi rất thích nghe chuyện cổ tích. Tôi quên cả ăn, ngồi im như phỗng, há miệng ra nuốt lấy từng lời. Tôi thương chàng Thạch Sanh mổ côi phải đi kiếm củi, không nhà cửa nương thân. Tôi thương cô Tấm cực khổ, hay lam hay làm. Tôi sung sướng khi mụ dì ghẻ độc ác, gã Lý Thông quỷ quyệt bị trừng phạt... Và, hơn tất cả, tôi cứ đắm đi khi nghe kể về Đỉnh Gió Ngàn. Thế giới thần tiên ấy cứ cuốn hút lấy tôi, bao phủ tâm hồn tôi bởi muôn vầng sáng lung linh hư thật, sắc màu rực rỡ. Trên đấy có dòng suối bất tử. Ai tắm nước suối sẽ trẻ mãi không già. Trên đấy, có cánh đồngtình yêu bốn mùa nở rộ một loài hoa cánh nhỏ tim tím, hương thơm tinh khiết. Đôi trai gái nào ngửi hương tỏa ra từ một đóa hoa sẽ yêu thương nhau đến trọn đời. Trên đó, có những động châu báu chứa đầy vàng và ngọc quý. Sắc vàng của vàng, ánh long lanh của ngọc làm sáng rực cả một vùng trời. Ngự trị nơi đây là những vị thần núi hiền từ, công minh và rất đỗi bao dung... Chuyện về Đỉnh Gió Ngàn, người làng kể lại với nhau hàng ngày không biết bao lần. Tôi rất tin, lớn lên vẫn tin. Hình như, người nào đã sinh ra trên mảnh đất làng tôi đều tin, khao khát và mơ tưởng về thế giới thần tiên. Họ cứ nhìn lên đỉnh núi, mắt rực sáng rồi mơ màng...

 

Tuổi thơ tôi trôi qua trong bao nỗi bất hạnh, cay đắng, chồng chất những công việc nhọc nhằn. Cha tôi mất khi tôi mới ra đời. Người đi rừng về ngã bệnh, sau một trận sốt nặng đã từ bỏ chúng tôi. Sau khi bà mất, chỉ còn tôi, mẹ, người anh trai lớn hơn tôi bốn tuổi, sống côi cút trong mái tranh gầy. Lên sáu tuổi tôi đã phải chăn trâu, cắt cỏ, thổi cơm. Lên bảy, tôi đã theo người lớn ra đồng cắt rạ, trảy bắp, làm cỏ. Chín tuổi, tôi là thợ cày, thợ cấy, chịu đựng bao nỗi cay cực của con nhà nông. Mùa đông, dầm mình trong giá lạnh, chân ngâm trong nước cóng buốt cắt da, cắt thịt. Mùa hè, chiềng mặt ra trước gió lào khô bỏng như lửa, cuốn theo bụi cát, từng cơn quật vào mặt rát rạt. Nhọc nhằn nhất là làm đất vụ mùa. Tháng năm, tháng sáu, không gian hầm hập như nung, nắng thiêu đốt cháy da cháy thịt. Đất ở các thửa ruộng gần chân núi rắn đanh lại, lưỡi cày chỉ gãi ghẻ, phải cuốc bằng cuốc chim lưỡi nhỏ sắc. Bặm môi, bổ từng nhát, bạy lên từng mảng đất lớn như đá hộc. Sau đó, dùng vổ đập thật lực cho đất vỡ vụn ra. Quần quật cả ngày một người may ra được chục thước đất. Thời vụ gấp gáp, tôi dậy từ lúc gà gáy canh ba, mắt nhắm mắt mở vác cuốc ra đồng đến nhọ mặt mới trở về nhà. Ăn vội qua quít vài lưng bát cơm độn sắn dưới ánh đèn dầu tù mù rồi lăn đùng ra ngủ ngay trước hiên nhà hoặc trên chiếc nong dùng phơi thóc đặt giữa sân. Những giấc mơ cứ ập đến trong giấc ngủ của tôi. Đêm nào tôi cũng mơ. Thật kỳ lạ, tôi không mơ thấy cảnh cuốc đất, đập đất, không mơ thấy những công việc nặng nhọc, cay cực hằng ngày. Tôi cứ mơ thấy Đỉnh Gió Ngàn với vườn hoa tình yêu chung thủy ngan ngát, với suối bất tử lấp lánh dưới nắng trời và độngchâu báu...

Trong mơ tôi mỉmcười, đó có lẽ là những nụ cười tươi sáng nhất của tôi trong thời thơ ấu.

*

* *

Năm tôi lên mười tuổi, làng bị một trận đói ghê gớm. Tháng ba, lúa vừa trổ đòng, một cơn bão trái mùa ập đến. Bão dữ dội. Cây đa cổ thụ đầu làng cũng bị quật ngã, đổ rầm xuống rung chuyển cả một vùng. Làng có ba người chết, hơn chục nóc nhà bay mất, còn lại, bị xô đổ tốc mái, sập vách. Nhà tôi may sao chỉ bị hư hại chút ít. Mùa mất. Đói. Người nào người nấy mặt xanh nanh vàng. Lũ chó khặc khừ trên đường chỉ thấy đầu và xương.

Người làng ăn khoai trừ bữa. Hết khoai, ăn củ chuối, lộc mưng, rồi ăn cả ruột đu đủ. Sau đó, người ta cho vào bụng tất cả những thứ gì vớ được: cóc nhái, ốc sên, cào cào, ăn tất. Những con chó ốm biến mất, chúng đã bị giết thịt. Cuối cùng, mọi người kéo nhau lên những quả đồi cỏ tranh đào bới.

Một sáng, tôi và người anh cũng vác thuổng vào mỏm đồi tranh lúp xúp đó. Bấy giờ, may ra chỉ còn kiếm được loại củ chèng đẹc, nhưng phải vào thật sầu. Củ chèng đẹc chỉ bằng ngón tay cái, dài khoảng gang tay, đầy u sần, đầy xơ, dính tí bột, nhai đắng nghét. Đói quá, cũng phải cố nuốt mà sống.

Hai anh em đào bưới suốt ngày, mặt mũi lấm đất, da thịt bị gai cào rách rướm máu, chỉ được sáu mẩu chèng đẹc bằng nửa chiếc đũa. Chúng tôi lần ra khỏi quả đổi cuối cùng trời đã nhập nhoạng tối. Cả hai mệt lả, bám lấy nhau lê bước. Khi chúng tôi đến gần Cồn Trẻ, bất ngờ, một đám trẻ con 13, 14 tuổi nấp sau gò mả lao ra đè anh tôi xuống. Chúng giật sạch củ chèng đẹc rổi ù té chạy. Bọn ma đói đó khỏe gớm, chúng chạy nhanh khiếp. Có một thằng bé nhất bọn chạy sau cùng bị sụp chân xuống hố ngã sấp xuống, anh tôi túm được. Bị đấm đá túi bụi, nó không hề chống đỡ. Nó nhét vội củ chèng đẹc vào miệng, trợn mắt cố nuốt. Anh tôi vật nó nằm ngửa, thọc tay vào miệng móc đoạn củ chèng đẹc ra. Đoạn củ đã nhai nham nhở, dây dớt dãi.

Anh tôi suy nghĩ điều gì đó lại nhét đoạn củ chèng đẹcvào mồm thằng bé rồi đứng dậy bỏ đi.

Đêm đó, tôi không ngủ được. Cái dạ dày lép kẹp cứ cào xé. Tôi bò dậy. Dưới ánh trăng dọi qua cửa sổ, tôi thấy anh tôi đang thức, đưa tay đếm những dẻ xươngsườn của mình. Anh đếm xương sườn cho mình xong, quay sang đếm cho tôi. Lẩm nhẩm đủ ba mươi sáu cái, anh tôi thở dài.

  • Nghe nói trên núi có những động châu báu. - Tôi nhớ đến Đỉnh Gió Ngàn lên tiếng thì thầm.
  • Anh cũng nghe nói vậy. Giá chúng mình lên được đấy nhỉ ?
  • Lớn lên, em sẽ lên đấy !

Anh tôi không nói gì nữa. Chúng tôi nằm im nhìn lá cây ngoài vườn rờn rợn ánh trăng. Có một con cú ăn đêm cất tiếng kêu giữa trời khuya thanh vắng. Tiếng kêu ghê sợ, đưa mùi tang tóc. Anh em tôi thao thức mãi. Gần sáng, tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Tôi mơ thấy mình đang ở trên Đỉnh Gió Ngàn. Một tiên ông râu tóc bạc phơ, khuôn mặt rất giống ông ngoại hiền từ ấm áp, cầm lấy taytôi dẫn vào động châu báu. Chao ôi ! Vàng, thật nhiều vàng, cả một núi vàng. Tiên ông cười ha hả truớc vẻ mặt ngác ngơ của tôi. Tôi tham lam vội vàng,vơ lấy nhét đầy chiếc túi mang theo, nhét chật căng túi quần túi áo, lận vào cả lưng quần.

***

Trận đói qua đi. Nhờ có gạo cứu tế nên cả làng chẳng có ai chết nhưng người nào người nấy gầy gò rách rưới đến thảm hại. Tôi và anh tôi chỉ còn hai bộ xương biết đi biết nói. Cuộc sống dần dần trở lại bình thường. Chúng tôi lại cày cấy, gặt hái, thời gian cuốn đi trong nhịp điệu đều đều, tẻ nhạt. Rồi tôi biết đến một thứ ánh sáng khác của cuộc sống, làm cho ngày tháng bớt đi sự nặng nề, đó là tình yêu. Không phải tôi yêu mà anh tôi yêu. Anh yêu chị Gái con ông chắt Nguyễn ở xóm giữa, một cô gái 17 tuổi, cân đối, da trắng, đôi má lúc nào cũng ửng hồng. Họ cùng phá đá, đào đất trong một đội thủy lợi. Tôi luôn bắt gặp anh chị đắm đuối nhìn nhau trìu mến, tha thiết. Anh tôi trở nên vui tươi, yêuđời, gươngmặt bừng sáng bởinhững nụ cười. “Kháng này, em biết trên đời này điều gì sẽ tồn tại vĩnh viễn không ?” - “Núi và biển” - “Không đâu, đấy là tình yêu”. Anh tôi khe khẽ huýt gió, mặc bộ quần áo lành lặn nhất, đi như chạy ra khỏi nhà đến nơi hò hẹn. Đó là những tháng năm tươi đẹp, trong lòng tôi tràn ngập bao điều kỳ diệu và tôi tin tình yêu sẽ là điều kỳ diệu nhất, tình yêu sẽ vĩnh viễn. Anh và chị sẽ sánh vai nhau đi đến cùng trên con đường hạnh phúc.

Buồn thay, mọi sự không như vậy. Chớm hè năm ấy, anh tôi không đi xuống xóm giữa, không huýt gió khe khẽ những bài tình ca nữa. Đột ngột, anh xin mẹ tôi được đi lâm trường khai thác gỗ ở Kênh, cách xa nhà hàng trăm cây số. Tôi thế chân anh đi làm thủy lợi. Công việc còn vất vả hơn việc cuốc đất ở chân núi. Sức tôi tưởng không thể nào kham nổi nhưng cuộc sống tập thể vui nhộn đã lôi cuốn tôi.

Một chiều, tôi đi làm về, thằng Tuân cún (một thằng bạn cùng xóm) chận lại giữa đường, thầm thì đầy vẻ bí mật : “Mày biết tại sao anh Hãng lại ra đi không ? Anh ra đi vì bị phản bội đấy !” - “Ai bảo mày ?” - “Tao biết. Chị Gái đã bỏ anh mày theo gã lái lợn. Gã giàu mà, túi lúc nào cũng rủng rẻng tiền” - “Đồ nói láo” - Tôi thét lên uất ức vì bị xúc phạm. Tôi không thể tin chị Gái có thể yêu gã lái lợn thô tục, người ngợm bẩn thỉu, bốn mùa mặc chiếc áo ba đờ suy dài đến đầu gối. Ngày ngày gã đội chiếc mũ phớt, đạp xe qua các làng, bóp chuông kinh coong, miệng rao toáng lên : “Ai lợn... không... lợn... không?”. Đúng là hắn đã bịa đặt ra một cách ác ý vì lòng ghen tị. Lời qua tiếng lại, tôi xông thẳng vào hắn. Hai đứa quấn lấy nhau lăn lộn trên đám đất ven đường. Thường thì tôi trên hắn dưới. Tôi lừa tay, chòi vào sườn hắn những cú đích đáng. Hắn cũng chống đỡ, đánh lại tôi nhưng yếu ớt hơn nhiều. Có hai gã thanh niên đi qua, dừng lại xem chúng tôi đánh nhau. Họ la hét, cổ vũ, bày miếng cho chúng tôi đánh đấm ác hơn. Khi hai đứa chúng tôi đã mệt lử, bọn họ mới kéo mỗi đứa ra một đường. Tuân cún khạc khạc, nhổ một bãi đờm dính máu xuống đất : “Mày khỏe hơn, mày đánh, tao chịu, nhưng sự thật vẫn cứ là sự thật !”. Hai gã thanh niên biết rõ chuyện, xúm lại khích :

  • Cuộc đi chúng mày! Thằng nào thua phải đãi một chầu rượu thịt chó. Chúng tao làm chứng.
  • Cuộc thì cuộc ! – Thằng Tuân hùng hổ - Tối nay, mày hãy ra bãi bắp mé Cổn Trẻ mà coi.

Buổi tối, trăng sáng nhờ nhờ, bọn họ kéo đến gọi tôi. Chúngtôi đi ra Cồn Trẻ. Gần đến bãi bắp hai gã thanh niên, thằng Tuân cún đứng lại, một mình tôi đi tiếp. Tôi rón rén men theo con mương người ta đào để ngăn trâu bò đến giữa bãi bắp. Sau đó, tôi bò một cách thận trọng thêm trăm mét nữa thì thấy họ. Tôi nhận ra gã lái lợn bởi đôi vai rộng thô kệch và chiếc áo cứng quèo. Tôinhận ra chị Gái bởi mái tóc dài phủ kín tấm lưng thon thả. Cả làng chỉ mình chị có mái tóc mượt mà như vậy. Gã lái lợn bất đồ cười khừng khục, tiếng cười ngắn ngủn, dung tục, khả ố...

Lòng tôi như có lửa đốt, một cái gì đó dâng lên ứ nghẹn trong cổ, một cái gì đó mằn mặn trên đôi môi khô. Tôi muốn thét lên, gào lên thật to nhưng rồi cắn môi im lặng, lầm lũi bò về. Hai gã thanh niên chộp lấy tôi kéo xuống quán thịt chó cuối làng. Tôi van xin hai gã vì không có tiền nhưng chúng cứ xồng xộc lôi đi. Đến quán, một gã lột áo tôi vứt cho lão chủ : “Nửa lít quốc lủi, bốn đĩa tiết canh, hai đĩa nướng. Mai sẽ có người mang tiền đến chuộc áo về”.. Họ uống, tôi cũng uống. Mùi thịt chó gây gây làm tôi tởm lợm. Tôi không muốn ăn nhưng bọn chúng cứ ép tôi ăn bằng được. Hai gã thanh niên nhai nhồm nhoàm, tiết canh nhem ra cả đôi môi nhờn mỡ đỏ lòm. Chúng vừa nốc rượu, vừa chửi rủa đời, chửi rủa chị Gái, toàn những lời thô tục : “Con đĩ”, “Đồ phản bội”, “Loài ngựa cái”. Hai gã dùng cùi chỏ thúc vào mạng sườn tôi đau điếng : “Chú mày ! Phải trả thù rửa hận đi chứ !”, “Chú mày ! Phải hành động cho đáng mặt đàn ông khi bị xúc phạm, không được hèn như thằng anh...”. Máu nóng bốc lên, tôi khua tay, gào lớn : “Tao sẽ trả thù, trả thù !”. Cuối bữa rượu tôi say khướt. Hai gã thanh niên vác tôi trên vai như một khúc củi về vứt ngay rãnh khoai trước cửa nhà tôi. Gần sáng, tôi nôn thốc nôn tháo thịt chó và rượu, ói ra cả mật xanh, mật vàng. Tôi tỉnh hẳn. Tôi mò tìm nước uống. Sau đó, ngồi một mình trên bậu cửa suy nghĩ. Tôi nhớ ra việc phải làm. Tôi đứng dậy, lấy cây dao mổ ra ang nước ngồi mài cho đến lúc sắc bén rồi loạng choạng bước ra đường làng. Sáng sớm, gã lái lợn sẽ chở lợn ra thị trấn Nhổn. Tôi đợi hắn ở một gò mả bên đường. Máu của hắn phải chảy để rửa cho danh dự của anh tôi, rửa cho vẻ đẹp tình yêu tôi hằng tôn thờ đã bị hắn tàn phá.

Đêm tàn dần, không khí rất lạnh, tôi bước đi bập bõm trên đường làng. Bỗng nhiên, cuối con đường, trong tầm mắt tôi Đỉnh Gió Ngàn hiện ra, sườn núi lấp lánh dưới ánh trăng bàng bạc. ĐỈNH GIÓ NGÀN, tôi đứng sững lại. Những câu chuyện ngày nào ập đến trong tâm hồn tê dại của tôi. Trên đấy là thế giới thần tiên, trên đấy có cánh đồng hoa tình yêu bất tử ư? Tôi đứng lặng im như vậy không biết bao lâu, đứng và nhìn lên đỉnh núi. Sau đó, tôi vứt cây dao vào bụi cây bên đường quay về nhà.

Tôi lấy bộ quần áo lành lặn nhất mặc vào người, tìm chiếc ruột tượng nhét vào đấy mấy nắm khoai khô vét được trong chum, đeo lên vai cây dao găm, cuộn dây thừng và chiếc bình đựng nước rồi ra đi.

Mười bốn tuổi, trái tim tan nát, nhưng cơ thể tôi vô cùng khỏe mạnh. Tôi quyết định lên bằng được Đỉnh Gió Ngàn. Tâm hồn tôi vẫn đắm đuối với bao ý tưởng đẹp đẽ về thế giới thần tiên. Tôi không còn tin tất cả những lời đồn đại nhưng tôi vẫn tin trên đỉnh núi kia sẽ có những điều kỳ diệu cứu giúp cuộc đời tôi, cuộc đời mọi người, làm bớt đi nỗi đau, nỗi bất hạnh, những điều xấu xa trên cõi đời này.

***

Mờ sáng, băng qua những mỏm đồi cỏ tranh, tôi đến chân núi, bắt đầu leo lên. Đỉnh Gió Ngàn rất cao. Nhưng chiều cao chưa hẳn là điều đáng sợ. Điểu đáng sợ làm cho không người nào dám lên đỉnh núi đó là vách đá dựng đứng hiểm trở. Nhiều khi, cả một vách đá chạy dài sừng sững chắn trước mặt như một bức thành, tưởng không có lối lên. Tôi phải bám chặt vào các gốc cây, phải dùng dao cắm vào khe nứt trên mặt đá để có chỗ bám. Có lúc, chân bị chuồi trên lớp sỏi, cả cơ thể trôi tuồn tuột theo sườn núi. Có lúc, chân đạp phải đám rêu trơn, người bị treo lơ lửng, chút nữa rơi xuống vực tan xác. Tôi cứ nhích từng tý chậm chạp, khó khăn. Nếu không có một nghị lực sắt đá hẳn tôi đã bỏ cuộc ngay khi vượt qua vách núi đầu tiên. Đêm thứ nhất, tôi ngủ lại bên một tảng đá lớn giữa sườn núi. Cả đêm thao thức vì sự lạnh giá của hơi đá. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, tôi ăn mấy vốc khoai khô đựng trong ruột tượng rồi tiếp tục lên đường. Vách núi càng dựng đứng hiểm trở hơn. Vào buổi chiều ngày thứ hai, vượt qua đoạn sườn núi lởm chởm đá tai mèo sắc nhọnĐỉnh Gió Ngàn hiện ra trước mắt tôi dưới ánh nắng vàng vọt. Tôi chết lặng sững sờ. Những khối đá đầu sư nhô lên lì lợm, mốc meo. Gió quật liên hồi, tung cát bụi, lồng lộn, phát ra những tiếng kêu u u ghê rợn. Đá và đá, những đám cỏ khô cháy lụi, rải rác cuội sỏi, cảnh vật trơ tráo ảm đạm. Đỉnh Gió Ngàn đây ư ? Có thật không ? Đâu rồi giấc mơ xưa ? Đâu rồi thế giới thần tiên tôi hằng ấp ủ những ngày thơ bé, nơi lòng tôi vẫn hướng về với bao hy vọng ? Đâu rồi vườn hoa tình yêu, suối bất tử và động châu báu?

Chán nản rã rời, tôi bước đi lững thững trên đỉnh núi, lưng còng xuống, bóng đổ dài, gẫy gập trên các vách đá trông rất dị hợm. Trên một đám cỏ cháy xác xơ phía tây đỉnh núi, có một bộ xương trắng hếu nằm chơ chỏng. Tôi chưa kịp quan sát xem xương của thú hay người thì cái cuộn tròn đen sẫm gần đấy bỗng bung ra cùng tiếng rít phì phì. Trời ơi! Một con trăn gió. Tôi ù chạy, vứt cả bình nước và ruột tượng, hồn vía lên mây. Tôi chạy bán sống bán chết băng qua vách đá tai mèo. Tôi chỉ dừng lại khi đã kiệt sức.

Tôi nằm nghỉ, sau đó, bắt đầu xuống núi. Tôi đã xuống núi như thế nào, giờ đây, tôi cũng không thể hình dung nổi. Đầu tiên, tôi đi khập khiễng. Sau đó, tôi bò dần từng chặng. Áo quẩn bị xé nát, bục dần từng mảng: Đói và khát hành hạ. Tôi liếm sương đọng trên các mỏm đá, ăn những nấm cỏ, lá cây vớ được bên cạnh. Cuối cùng, tôi cũng chẳng còn sức để bò. Tôi lết dần từng tý cho đến lúc lả đi không còn hay biết gì nữa.

***

Tôi tỉnh lại trong trạm y tế xã. Mấy người xóm trên đi bứt cỏ tranh bắt gặp tôi trong trạng thái gần đất xa trời. Tôi nằm bên một đám cây gai, người trần truồng, chỉ còn mấy mẩu vải dính trên cổ áo và lưng quần, thân thể bị cào rách chảy máu (máu quánh lại từng đám), đầu gối, cùi tay, thịt da bị dập nát, lầy nhầy.

Mẹ cứ ôm lấy tôi khóc: “Con ơi ! Con vào đồi cỏ làm gì để đến nông nỗi này? Con đi đâu, con ơi !” Tôi không trả lời mẹ, mắt trối trân nhìn lên trần nhà không muốn nói, không muốn thốt lên một lời nào. Tâm hồn tôi nát tan trướcsự thật phũ phàng trở nên câm lặng.

Rồi tôi khỏe hẳn. Tôi đi làm. Tôi làm quần quật như trâu húc mả từ sáng sớm đến tối mịt. Xong việc, tôi đi lang thang trên đường làng, đi mãi từ xóm này sang xóm khác. Lũ chó cứ chạy theo tôi sủa ắng lên. Tôi cứ đi như vậy, áo vắt vai, lầm lũi một mình, mắt đờ đi ngây dại. Người lớn lánh xa tôi. Trẻ con thấy tôi thì ù té chạy.

Người bảo tôi bị ma ám. Người bảo tôi bị điên.

Một đêm trăng sáng nhờ nhờ, tôi đang lầm lũi bước đi như vậy thì có ai đó đặt tay lên vai, níu lại…Tôi nhận ra ông giáo Phước. Nghe nói, hồi trai trẻ, có lần ông giáo cũng dở ngây, dở dại.

Ông giáo nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn thiêu cháy :

“Có phải cháu đã lên Đỉnh Gió Ngàn không ?”

Tôi im lặng.

Ông giáo nói tiếp :

“Cháu không nói nhưng ông biết cháu đã lên đấy. Cháu đang thất vọng, thất vọng ghê gớm phải không? Đừng đau khổ mãi vậy cháu ạ. Khi giấc mộng tuổi thơ tan đi chính là lúc chúng ta đã trở thành người lớn. Khi nhận ra một sự thật chính là lúc chúng ta đã lớn lên.”

Ôngnắm lấy bàn tay tôi, vuốt ve nó hồi lâu, giọng trầm hẳn xuống :

“Trong những năm tháng tuổi thơ ta thường mơ những giấc mơ đẹp về tiên bụt. Ta từng nuôi hy vọng ông tiên, ông bụt sẽ cứu giúp đời mình. Hy vọng chỉ hão huyền. Lớn lên, ta mới biết rằng chẳng có phép màu, chẳng có tiên bụt nào cả, mỗi chúng ta phải đi tìm lấy hạnh phúc bằng đôi chân của chính mình. Đừng buồn, đừng đau khổ nữa cháu ạ. Mộng tưởng tan đi cháu sẽ biết sống thực hơn.”

Ngày hôm sau, tôi trở lại nói năng bình thường.

Mùa thu năm ấy, tôi rời làng ra đi. Tôi quyết định đến thị trấn Nhổn, ở trọ nhà dì, theo học hết chương trình trung học.

 

       Mùa thu 1988

 

Đặng Chương Ngạn
Số lần đọc: 671
Ngày đăng: 17.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vài chuyện về comment trên facebook - Đặng Xuân Xuyến
Một người cùng chuyến đi - Nguyễn Chí Kham
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Biết nhau trên đường cũ - Nguyễn Chí Kham
Thủy thủ về nhà - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Nước Mỹ của Ai - Mỹ Ca
Sài Gòn vừa đi qua “Cơn bão” đang từng bước hồi sinh - Hoàng Thị Bích Hà
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh ... - Bùi Hoàng Linh
Mưa buồn rơi xuống phía hoàng hôn (Tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Quán về khuya - Phan Tấn Uẩn