Đạo diễn Trần Đắc - nguyên là phó giám đốc nghệ thuật Xưởng phim truyện VN. Ông xuất thân là giám đốc Sở văn hóa của tỉnh Hưng Yên, sau được cử đi học đạo diễn tại trường VGIK (Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô). Ngoài làm phim, quản lý nghệ thuật, ông còn viết báo, dịch thuật, tham gia giảng dạy tại trường Đại học SKĐẢ Hà Nội- góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh khắp cả nước (như: Trần Quốc Huấn, Phạm Thanh Phong, Lê Xuân Hoàng, Hồ Ngọc Xum, Lê Hữu Lương, Nguyễn Vinh Sơn, M.A Nguyễn Anh Tuấn, Lưu Trọng Ninh, Cao Mạnh, v.v. Ông là đạo diễn (và tác giả kịch bản) của các bộ phim: Ga, Bài ca ra trận, Thời hiện tại, Sao Tháng Tám (Bông Sen vàng LHF VN lần IV năm 1977), v.v. - những phim đã trở thành kinh điển của nền Điện ảnh VN. Ông mất năm 1995 tại Hà Nội.
***
Đã lâu lắm giờ tôi mới có dịp đến khu Chợ trời Hòa Bình. Một kỷ niệm không thể xóa nhòa chợt quay về khiến tôi choáng váng… Thấm thoắt hơn hai mươi năm đã trôi qua - kể từ ngày đạo diễn Trần Đắc, người thầy dạy nghề của tôi đi xa...
Khu Chợ trời chiều 30 Tết ấy vắng tanh. Tôi không phải chen chúc, len lỏi qua khi chợ để tới được nhà của đạo diễn Trần Đắc như mọi lần. Thầy nắm bất động trên chiếc giường quen thuộc, da trắng xanh, duy chỉ ánh mắt vẫn còn tinh nhanh. Thầy hơi ngước cổ lên: “Tuấn đấy em?” Ngồi sát bên giường bệnh, tôi lặng im nghẹn ngào, và cố trả lời một cách ngắn gọn những điều thầy hỏi, sợ thầy mệt. Trong tôi chợt dấy lên tình cảm của một đứa con đi xa lâu ngày trở về bên người cha già đang trong lúc gần đất xa trời…
Dạo còn lớp đạo diễn ĐH Tu nghiệp I, học trò của thầy thường hẹn hò tụ tập để đến thăm thầy vào những ngày lễ, tết. Rồi, nếu có kịch bản mới hoặc có ý tứ gì hay ho lại rủ nhau đến xin ý kiến thầy, nghe thầy nói chuyện về nghề… Sau đó, chúng tôi mỗi người một phương - người về Hãng phim Giải phóng, người về Hãng phim truyện Việt Nam, người gắn bó lăn lộn với nghề, người đã bỏ nghề, có người chết vì tai nạn… Rồi con thuyền Điện ảnh Nước nhà những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước gặp cơn sóng gió hoạn nạn, bị Liên hiệp ĐAVN góp phần phá tan nát, chúng tôi cũng không thoát cảnh phiêu bạt, long đong… Giờ đây, thầy nằm đó, tiết kiệm từng hơi thở, từng lời nói mệt nhọc. Nhưng cứ từ tốn và kiên trì, thầy đã hỏi tôi khá nhiều về công việc vừa qua của tôi, về tình trạng nghề nghiệp của từng người trong Khóa học đạo diễn ấy... Không dám ngồi lâu, tôi chào thầy ra về, sau khi đã báo cáo với thầy về bộ phim truyện nhựa đầu tay sắp hoàn thành. Một bàn tay thầy giơ ra nắm lấy tay tôi. Bàn tay gầy guộc, lạnh buốt, run rẩy ấy như truyền tới cho đứa học trò cũ biết bao trìu mến, xót thương, đồng cảm. Biết rõ đạo diễn Trần Đắc không phải là người đa cảm, ít khi bộc lộ tình cảm riêng - nhất là đối với học trò, sau giây lát hơi ngỡ ngàng, tôi vội quay đi để nuốt một giọt lệ chực trào lăn …
Ngờ đâu, đó là lần cuối cùng tôi được sống bên thầy! Lần cuối cùng tôi được trò chuyện với người thầy dạy nghề đáng kính của tôi. Lần cuối cùng tôi được nghe những lời nói của một con người suốt đời sống thanh bạch, miệt mài lao động cho đến hơi thở chót! Vào giờ phút đó, trong căn buồng hẹp 15m2, bên cạnh người bạn đời chung thủy của thầy vẫn là chiếc bàn làm việc ngổn ngang các bản thảo bài báo dịch thuật, kịch bản phim, phê bình phim, tổng kết nghệ thuật, các bài giảng về điện ảnh… Thầy về nơi thiên cổ, nền điện ảnh dân tộc đã mất đi một đại thụ, một bàn tay dạn dày kinh nghiệm chèo lái giữa sóng cả, còn chúng con mất đã đi một người thầy đáng kính trọng, một người cha giầu lòng thương mến, bao dung, che chở… Đạo diễn Trần Đắc đã ra đi trong lúc còn đang trăn trở với biết bao dự án sáng tác quan trọng, bao ý định vun đắp và gây dựng cho những thế hệ điện ảnh tiếp nối. Mất mát đó thực không có gì bù đắp nổi, và với năm tháng, mỗi lúc tôi càng thêm thấm thía điều này...!
Những giờ giảng về đạo diễn của thầy Trần Đắc tại lớp ĐH Đạo diễn Tu nghiệp I đối với những người từ ngành khác chuyển sang như chúng tôi bao giờ cũng là những thời gian thực sự quý báu - ở đó có những lý thuyết điện ảnh của Thế giới được tổng kết vừa xúc tích vừa cặn kẽ; có những kinh nghiệm xương máu của nhiều năm làm phim; có những trường đoạn phim, chi tiết phim kinh điển được miêu tả lại thông qua lăng kính của một nghệ sĩ bậc thầy và sự phân tích của một nhà sư phạm tài hoa; có sự nghiêm khắc của một người thợ cả - và trên hết, có tấm lòng của một người thầy tận tụy, quyết chí truyền nghề cho lớp hậu sinh với tất cả niềm mê say không vẩn chút vụ lợi…
Nhưng đâu phải chỉ là nghề nghiệp với những quy luật nghiệt ngã của nó! Thầy Trần Đắc - với sự minh mẫn và từng trải, không phải chỉ một lần đã mở mắt cho những “chú ngựa non háu đá” - những đạo diễn trẻ tương lai thấy rằng: ở trong sân nghề, những ngón kỹ thuật thuần túy cùng mọi trò láu cá vụn vặt chỉ có thể nhất thời đánh lừa được đồng nghiệp rồi sau đó là khán giả, nhưng không bao giờ có thể thay thế được cho một trái tim biết rung cảm thật sự, biết và khao khát hướng tới những vấn đề đang làm đau đáu tâm trí hàng triệu người. Ông không phải là nhà duy mỹ, duy cảm, càng không phải là nhà đạo đức học. Song cái thở dài và cái lắc đầu buồn bã của ông trước mỗi điều gì liên quan đến sự tham lam, đố kỵ, hẹp hòi, thiển cận của một ai đó trong ngành (hay ngoài ngành) đã tác động mạnh đến chúng tôi như đứng trước một tấm gương có ánh sáng phản chiếu của đèn vạn Wát trường quay! Xông xáo, năng nổ, quyết đoán và chính xác, ông đã làm cho những học trò được ông đưa theo đoàn phim với tư cách trợ lý hay phó đạo diễn phải toát mồ hôi cũng chưa thực hiện được trọn vẹn yêu cầu của đạo diễn chính! Nhưng ở cương vị nhà sư phạm và học giả, ông lại làm cho chúng tôi ngỡ ngàng, háo hức mê say, trước cánh cửa bí mật dẫn đến ngôi đền thiêng Điện ảnh hoặc trong “căn phòng bếp núc” bừa bộn của nghề nghiệp đạo diễn.
Cái gì đã gắn kết một cách kỳ lạ ở trong ông những điều tưởng chừng trái ngược nhau: uyên bác về tri thức điện ảnh và lòng say đắm trong việc sáng tạo các bộ phim truyện; ôn hòa, tỉnh táo, bình tĩnh nhưng cũng biết đau buồn thậm chí phẫn nộ trước thói đời tiểu nhân bạc ác - nhất là khi nó lại ở trong một kẻ nào đó mang danh “nghệ sĩ” hoặc "quan chức nghệ sĩ"! Tỉ mỉ và khắt khe trong công việc nhưng giản dị xuề xòa trong những mối quan hệ xã giao rắc rối; con người bộc trực, cương nghị, ghét sự xu nịnh và thói khiêm tốn giả vờ ấy lại ưa thích sự tĩnh lặng, cô đơn… Con người nghệ sĩ và nhà sư phạm trong ông là một sự kết hợp hài hòa, tốt đẹp, có lẽ, bởi trước hết ông có một tấm lòng nhân hậu rộng lớn mà chắc phải nhiều năm sau chúng tôi mới thật thấu hiểu. Nhưng chúng tôi đã chợt nhận ra điều ấy ở cặp mắt nghiêm nghị song không giấu được vẻ hiền từ độ lượng của ông trong các giờ giảng, các buổi hướng dẫn thực tập quay phim hoặc trong cái nắng gay gắt của tiến độ sản xuất phim...
Không bao giờ chúng tôi có thể quên được cặp mắt đỏ hoe rớm lệ của ông trong buổi liên hoan kết thúc bốn năm Khóa học… Lần đầu tiên, trước chúng tôi, ông đã bộc lộ nhiều ý nghĩ riêng tư đến vậy. Ông nói rằng, ông không có con, vì thế, những tác phẩm điện ảnh chính là con ông, và trong thâm tâm, ông muốn đối xử với những học trò của mình như tình cha con… Ông nói về con đường chông gai đầy thử thách khắc nghiệt mà chúng tôi đã lựa chọn, về những phẩm chất cần có của một người nghệ sĩ điện ảnh. Ông cũng đã nhìn thấy trước rằng, hư danh và lợi lộc sẽ đón đường những người đạo diễn trẻ và rất có thể một ai đó không chịu giữ mình, không chịu tu dưỡng nghề nghiệp sẽ bị chúng quật ngã rồi tóm cổ ném ra ngoài… Sự cần thiết phải khiêm tốn trọng thị học hỏi mọi người cũng là một bài học lớn ông đem đến cho chúng tôi.
Khi còn đang là sinh viên thực tập nghề, chúng tôi đã được ông cho đi theo đoàn phim với tư cách phó đạo diễn, trợ lý đạo diễn, và ông lắng nghe chăm chú những ý kiến đóng góp của mỗi học trò trước cũng như sau mỗi cảnh quay. Trong giai đoạn làm phim "Thời hiện tại", khi đã quay xong đoạn kết, ông triệu tập mấy học trò lại và bảo: "Tôi thấy chưa hài lòng lắm với đoạn kết, các cậu thử đề xuất xem nên ra sao- với cách nhìn cách cảm mới mẻ hơn của các cậu? " Riêng tôi, ngay trong đêm đó đã thao thức với cái kết phim để sáng hôm sau trình thầy. Ông trầm ngâm: "Cũng khá độc đáo đấy. Nhưng với cái kết này, tôi phải cho quay lại rất nhiều đoạn trước, thay đổi kết cấu phim, và cũng thay đổi cả chủ đề tư tưởng mà kịch bản đã được duyệt... Cậu hẵng để dành cho một phim nào đó của cậu!" Tuy ông không xử dụng bất cứ cái kết nào của học trò, nhưng chúng tôi hiểu, đó cũng là một cách ông dạy học trò về sự suy nghĩ sáng tạo độc lập trong làm phim, và hơn thế - cách biết chịu khó nghe người khác góp ý, phản biện...
Có một chuyện ít người biết. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tốt nghiệp loại xuất sắc ở trường ĐHSKĐẢ Hà Nội, xin về Hãng phim truyện VN (4 Thụy Khuê - HN), nhưng bị gạt ra để dành suất biên chế cho ba người cùng khóa - con của các bậc "công thần điện ảnh"... Đạo diễn Trần Đắc lúc đó với tư cách là phó giám đốc nghệ thuật Hãng đã tuyên bố: nếu Hãng không nhận Lưu Trọng Ninh về thì không cần nhận thêm một ai nữa! Và sự công bằng của ông đã thắng: Lưu Trọng Ninh đã được "ăn theo" ba đạo diễn kia để về một cơ sở làm phim truyện lớn nhất nước!
Và tôi không thể quên nổi một chuyện... Trong một cuộc họp tổng kết cuối năm của Hãng phim truyện VN), có các quan khách của Bộ Văn hóa-Thông tin và Cục Điện ảnh, trong khi các diễn văn chúc tụng đang diễn ra, chính mắt tôi được chứng kiến một cảnh thoạt tiên khiến tôi ngỡ ngàng: đạo diễn Trần Đắc ngồi ghế bên dưới, điềm nhiên giở tiền thưởng ra đếm - bất chấp phép lịch sự giả dối, như một cách phản ứng lại sự vô bổ của các cuộc họp chỉ mang tính hình thức, hơn thế, chỉ là sự che đậy khéo léo cho những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và lợi lộc... Lúc đó, tôi thấy xót xa thương ông. Còn bây giờ, chi tiết buồn đó chỉ làm tôi thấy chạnh thương mình, song lại có thêm tình mến thương và lòng kính trọng đối với ông - một người nghệ sĩ chân chính và cô độc...
Giờ đây, nơi bên kia Thế giới, ông có được thanh thản hơn?
( Tạp chí Thế giới Điện ảnh)