Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.279
123.156.940
 
Rồng – từ biển Đen tới đất Việt
Đỗ Ngọc Giao

 

1 Giới thiệu

 

Chuyện dân gian của những nhóm nói tiếng Indo-European (viết tắt ‘IE’) có một con vật dữ dằn kêu bằng dragon theo tiếng Anh/Pháp mà ở đây tạm dịch là rồng: nó hay phá hại loài người nên sớm muộn cũng bị người diệt trừ.

Trước khi có những thứ tiếng IE lối 4100 năm trước công nguyên,[1] thì nhóm nói tiếng Proto-IE ở ‘Pontic-Caspian steppe’ kế biển Đen và biển Caspian [2] đã kể chuyện xẻ một con ‘rắn’ để lấy lại những gì thiết yếu của xã hội loài người mà bị nó nuốt, thí dụ nước hoặc bò.[3] Có lẽ đó là cái gốc của chuyện ‘người diệt rồng’ (the dragon slayer), từ vùng biển Đen lan khắp châu Âu, tới bắc châu Phi, Tây Á, Đông nam Á và Đông Á.[4]

Ở bài này, ta sẽ đi tìm ‘người diệt rồng’ trong chuyện dân gian người Việt.

Bài này có lược dịch và lược thuật một số câu chuyện để làm thí dụ, mà không kể lại nguyên văn, vì những lý do dễ hiểu.

 

2 Giải thích thuật ngữ

 

Chuyện dân gian (folktale)

 

‘Chuyện dân gian’ ở đây là tên gọi chung những loại chuyện kể lại bằng lời hoặc chép lại bằng chữ, thí dụ: ‘chuyện đời xưa’ (fairy tale), ‘truyền thuyết địa phương’ (local legend/tradition), ‘huyền thoại’ (myth).[5]

 Chuyện dân gian mọi nơi xài chung một số ‘thành phần’ (element) như sau:

‘Motif’:              thành phần nhỏ nhứt trong câu chuyện: có thể là một vai (actor), một bối cảnh (background) hoặc một biến cố (incident).

‘Type’:              một câu chuyện riêng rẽ, không chuyện nào giống chuyện nào.

‘Function’:         nhiệm vụ của những ‘nhơn vật’ (dramatis personae) trong câu chuyện.

Thompson[6] phân loại 23 nhóm motif trong văn hóa dân gian:

nhóm                                    thí dụ

A     mythological motifs       A420 ‘thần nước’

B     animal motifs              B11 ‘con rồng’

C     motifs of tabu            C41 ‘không được xúc phạm thần nước’

D     magic                    D110 ‘người biến ra thú’

E     the dead               E251 ‘ma cà rồng’ (vampire)

F     marvels               F420 ‘tinh nước’ (water-spirit)

G    ogres                  G303 ‘quỷ’ (devil)

H    tests                    H310 ‘thử tài chàng rể tương lai’

J     the wise and the foolish   J1085 ‘tiền không đem lại hạnh phúc’

K    deceptions                  K150 ‘làm thuê những việc tầm phào’

L    reversals of fortune    L161.1 ‘trai nghèo lấy gái giàu’

M   ordaining the future       M146 ‘thề lấy một cô nào làm vợ’

N   chance and fate      N733.1 ‘anh em không biết nên đánh nhau’

P   society                   P475 ‘kẻ cướp’

Q   rewards and punishments    Q241 ‘bị phạt vì tội ngoại tình’

R   captives and fugitives       R211 ‘thoát khỏi ngục’

S   cruelty                             S110 ‘giết người’ (murder)

T  sex                                   T251 ‘bà vợ cục cằn’

U   the nature of life             U121 ‘cha nào con nấy’

V    religion                               V1.8.6 ‘thờ rắn’

W    traits of character             W10 ‘lòng tốt’

X    humor                      X110 ‘chuyện người điếc’

Z   miscellaneous groups of motifs       những nhóm motif khác

Hệ thống ATU (viết tắt tên của Aarne, Thompson và Uther) phân loại 2399 type như sau.5

chỉ số      nội dung                  thí dụ

1–299      animal tales          ATU 59 Con cáo và chùm nho

300–749   tales of magic       ATU 300 Người diệt rồng

750–849    religious tales       ATU 750A Ba điều ước

850–999     realistic tales (novelle)    ATU 954 Bốn chục tên cướp

1000–1199    tales of the stupid ogre    ATU 1049 Cái rìu nặng

1200–1999     anecdotes and jokes    ATU 1326 Dời chỗ nhà thờ

2000–2399      formula tales          ATU 2015 Con dê không chịu về nhà

Ashliman[7] cải tiến hệ thống AT (viết tắt tên của Aarne và Thompson) như sau:

1–298C                   animal tales                             

300–745A                tales of magic                         

750A–849                religious tales                           

850–992A                romantic tales                         

1000–1965              anecdotes                               

2010–2335              formula tales                            

Berezkin[8] gán cho ‘motif’ hai nghĩa:

  • ‘image’ (ảnh tượng), na ná như motif trong hệ thống Thompson,
  • ‘episode’ (chuỗi biến cố), na ná như type trong hệ thống ATU,

và chia ra hai nhóm motif,[9]

a–i   cosmology and etiology   trời đất và cái gốc của muôn loài

j–m       adventures and tricks       hành động và mánh khóe

Propp thì phân loại 31 function của những nhơn vật trong chuyện dân gian,[10] và cho rằng có thể coi hết thảy những câu chuyện đời xưa ở vùng Âu-Á (Eurasia) đều là ‘variant’ (biến thể) của chuyện ‘người diệt rồng’.[11]

Mỗi type có một nhóm motif đặc trưng; bởi vậy những câu chuyện kể theo cùng type hoặc episode thì ắt đều là từ một gốc mà ra.

Lưu ý rằng hệ thống phân loại của Thompson và Berezkin mới khai thác 9% và 6% nguồn chuyện châu Phi mà thôi, lần lượt.[12] Nghĩa là, hai hệ thống đó chưa có nhiều motif của châu Phi, và cả những nơi khác như Việt Nam chẳng hạn. (Nếu học giả người Việt có thể đưa thêm những motif của xứ mình vô hai hệ thống đó, thì thực là có ích.)

Dưới đây, những ký hiệu như ‘A1’ là ‘chỉ số’ (index) của những motif trong hệ thống Thompson và những ký hiệu như ‘a1’ là chỉ số của những motif trong hệ thống Berezkin.

 

Quái (monster)

 

‘Monster’ tiếng Anh gốc ở monstrum tiếng Latin nghĩa là ‘những gì lạ, kỳ, trái với lẽ tự nhiên, coi như điềm chẳng lành, có thể là một người nào, một con gì, một cái gì, mà lạ, kỳ, dị hợm’.[13] Song le, ta cần giải thích để cho mọi người trong một cái cộng đồng nào đó cùng hiểu như nhau rằng ‘lạ’, ‘kỳ’ như thế nào thì mới gọi là quái.

Muốn vậy, theo Swanepoel,[14] trước hết, ta phải có một cái ‘mô hình nhận thức lý tưởng’ (idealized cognitive model, viết tắt ‘ICM’), ở đó mọi người trong một ‘cộng đồng ngôn ngữ’ (speech community) đồng ý tách thế giới ra bao nhiêu loại và gán cho mỗi loại một cái nghĩa ra sao, thí dụ cái ICM kêu bằng ‘Great Chain of Being’ đại khái như sau:

cấu tạo thế giới   phân loại

trời (heaven)      chúa (god),  thần (angels)

đất (earth)    con người         có hồn, không hồn

                    con vật              cá, chim, rắn, sâu, thú

                    cây cối          cây, cỏ

                 ngạ quỷ (hel)    quỷ (devils), yêu (demons)

và rồi những gì không giống với bất cứ loại nào nêu trên thì đều là quái.

Nói cho dễ hiểu, ‘quái’ là những gì không-thể-phân-loại [15] thí dụ:

  • không thể phân loại giữa hai nhóm đã phân loại: thí dụ ‘garuda’ nửa người nửa chim (B56),
  • không thể phân loại bên trong một nhóm đã phân loại: thí dụ cái con ‘nửa bê nửa cừu’ (B14.3),
  • ‘nhiều hơn’ hoặc ‘ít hơn’ một nhóm đã phân loại: thí dụ ‘cọp hai đầu’ (B15.1.2.1.2), ‘chó không đầu’ (B15.1.1.1),
  • vượt khỏi phạm vi tự nhiên của một nhóm đã phân loại: thí dụ ‘ngựa bay’ (B41.2).

Quái vật không thể phân loại nên nó chẳng ở bên trong cõi của người hoặc bất kỳ cõi nào khác đã phân loại, mà ở rìa của những cõi đó, thỉnh thoảng nó sấn vô cõi của người.[16]

Quái vật không tuân theo hệ thống phân loại của người, nên một khi sấn vô cõi của người, nó sẽ làm những chuyện phá hại xã hội loài người mà thôi, để rồi bị loài người tiêu diệt.

3ATU 300 ở châu Âu

Mô tả

ATU 300 Người diệt rồng có 7 mục, với những motif đặc trưng thí dụ như sau.[17]

Hiệp sỹ (the hero)

-đổi đồ lấy những con vật có ích   B312.2

-là người chăn cừu                       P412.1

Cúng người

-cúng người cho rồng [nạn nhơn thường là công chúa]  B11.10

-ai cứu công chúa sẽ được nửa xứ           Q112

-ai cứu công chúa sẽ được lấy cổ              T68.1

Con rồng (the dragon)

-có bảy đầu                 B11.2.3.1

-thở ra lửa                   B11.2.11

Trận đánh

-[hiệp sỹ] đánh rồng                B11.11

-con chó [của hiệp sỹ] giết rồng             B524.1.1

-cứu công chúa / gái tơ thoát khỏi rồng   R111.1.3

Lưỡi rồng

-hiệp sỹ cắt lưỡi rồng để làm chứng cho việc giết rồng   H105.1

-hiệp sỹ bỏ lại công chúa sau khi cứu cổ         R111.6

Tên bợm (the impostor)

-con vật của hiệp sỹ cứu ảnh sống lại [sau khi bị tên bợm giết]    B515

-cấm công chúa nói tên người giết rồng    C422.1

-giành công của hiệp sỹ                 K1932

-công chúa xin dời đám cưới một năm [bị ép gả cho tên bợm]  T151

Xác nhận công trạng

-vật làm tin [của công chúa đưa]               H80

-chứng cớ  đã cứu công chúa                   H83

-vật làm tin là khăn tay của công chúa      H113

Berezkin thì mô tả chuyện ‘người diệt rồng’ với nhóm motif này:

k38f            quái vật bò sát [rắn/rùa/sấu] phá hại loài người (đòi cúng người / bắt gái / chặn nguồn nước), hiệp sỹ giết nó; nạn nhơn không có vai trò gì hết.

k38f1          hiệp sỹ cắt giữ một phần của xác rồng (thường là cái lưỡi), tên bợm không biết vì sao rồng mất lưỡi, hiệp sỹ đưa lưỡi rồng ra.

k38f2          hiệp sỹ được nhận ra nhờ vết máu rồng mà nạn nhơn quệt lên người.

k38f3          hiệp sỹ đào hố núp chờ rồng tới gần hoặc bò ngang hố thì lấy gươm đâm nó chết.

Thí dụ

Hai chuyện dưới đây có đủ 7 mục: hiệp sỹ, cúng người, con rồng, trận đánh, lưỡi rồng, tên bợm, xác nhận công trạng.

  1. Con quái bảy đầu (Pháp).[18]

Xưa có anh kia bị ba má đuổi đi, ảnh đòi cho được một bộ giáp có ba mươi sáu màu và một cây gậy màu trắng mới chịu đi. Ảnh tới trại của nhà vua, xin vô chăn bò.

Ngày nọ, ảnh để một con bê màu đen đi qua ăn cỏ ở đồng kế bên. Một tên khổng lồ hiện ra đòi đánh, ảnh bận vô bộ giáp ba mươi sáu màu, lấy cây gậy trắng đánh chết tên đó, y để lại một con ngựa màu đen. Hôm sau, ảnh cũng để con bê đen qua ăn cỏ đồng đó. Một tên khổng lồ nữa hiện ra đòi đánh, ảnh bận vô bộ giáp ba mươi sáu màu, lấy cây gậy trắng đánh chết tên đó, y để lại một con ngựa màu nâu. Hôm sau nữa, ảnh cũng để con bê đen qua ăn cỏ đồng đó. Một tên khổng lồ nữa hiện ra đòi đánh, ảnh bận vô bộ giáp ba mươi sáu màu, lấy cây gậy trắng đánh chết tên đó, y để lại một con ngựa màu trắng. Từ đó ảnh vừa chăn bò vừa chăn ba con ngựa. Con màu nâu mạnh hơn con màu đen, con màu trắng mạnh hơn con màu nâu.

Bữa nọ, ảnh nghe đồn xứ này có con quái bảy đầu bắt nhà vua mỗi năm nộp cho nó một người gái tơ, mà năm nay tới phiên công chúa.

Tới ngày nộp người, ảnh bận bộ giáp ba mươi sáu màu, lận cây gậy trắng, cưỡi con ngựa đen, tới gặp vua, xin cho đi theo để đánh con quái cứu công chúa. Ảnh đánh tới chiều, đập đứt hai đầu nó, cắt hai cái lưỡi nó gói lại trong cái khăn của công chúa, đưa cổ về cung.

Ngày thứ hai, ảnh bận bộ giáp ba mươi sáu màu, cưỡi con ngựa nâu, đưa công chúa tới chỗ hẹn, đánh con quái tới chiều, đập đứt thêm hai đầu nó, cắt hai cái lưỡi nó gói lại trong cái khăn của công chúa, đưa cổ về cung.

Ngày thứ ba, ảnh bận bộ giáp ba mươi sáu màu, cưỡi con ngựa trắng, đưa công chúa tới chỗ hẹn, đánh con quái tới chiều, đập đứt luôn ba đầu nó, cắt ba cái lưỡi nó gói lại trong cái khăn của công chúa, đưa cổ về cung.

Ảnh về trại, chăn bò và ngựa như trước, trong khi đó nhà vua muốn gặp người đã cứu công chúa, mà chẳng ai ra mặt. Một tên trong đội làm vườn của nhà vua đi lượm bảy cái đầu đem về, nói chính y giết con quái, nhưng công chúa nói không phải. Rốt cuộc ảnh tới, đưa ra bảy cái lưỡi ráp vô khít bảy cái đầu thì nhà vua tin và gả công chúa cho.

  1. Hai anh em (Đức).[19]

[ATU 567A]

Xưa có hai anh em tên Đực Lớn và Đực Nhỏ. Đực Lớn làm nghề thợ bạc thì giàu và gian, Đực Nhỏ làm nghề sửa chổi thì nghèo và ngay. Đực Nhỏ có hai con trai sanh đôi tên Bi và Bo, thường qua nhà Đực Lớn xin đồ ăn vặt.

Ngày nọ Đực Nhỏ vô rừng thấy con chim kia, lấy đá chọi làm nó rớt một cái lông bằng vàng. Đực Nhỏ đem về cho Đực Lớn coi và bán lại cho y. Bữa sau Đực Nhỏ tới chỗ gặp con chim hôm qua, kiếm ra cái tổ của nó trong đó có một cái trứng bằng vàng. Đực Nhỏ cũng đem về cho Đực Lớn coi và bán lại cho y. Mấy bữa sau Đực Nhỏ bắt được con chim, cũng đem về cho Đực Lớn coi và bán lại cho y.

Đực Lớn biết ai ăn được tim và gan của con chim này thì mỗi sáng ngủ dậy sẽ ‘đẻ’ ra một thỏi vàng dưới gối. Y nói vợ chiên con chim cho mình ăn, đừng bỏ bộ lòng. Vợ chiên xong để đó. Ai dè Bi và Bo qua nhà Đực Lớn, vô bếp thấy con chim chiên thơm lừng, thì lén bốc trái tim và lá gan của nó chia nhau ăn sạch.

Một hồi sau vợ Đực Lớn vô bếp thấy mất tim gan, liền lấy tim và gan của một con gà thế vô. Đực Lớn ăn nguyên con chim, sáng sau chẳng thấy gì dưới gối hết. Bi và Bo về nhà ngủ, sáng sau thấy dưới gối mỗi đứa là một thỏi vàng. Ngày nào cũng vậy. Đực Nhỏ mừng lắm, qua nói Đực Lớn biết. Đực Lớn hiểu ra, tức cành hông, kiếm cớ nói Đực Nhỏ đem Bi và Bo bỏ ra ngoài rừng [cho chết].

[ATU 303]

May thay, Bi và Bo gặp ông thợ săn đem về nuôi... Hai đứa lớn lên, bỏ nhà ra đi tìm vận may. Dọc đường, có một cặp thỏ, một cặp chồn, một cặp sói, một cặp gấu, một cặp sư tử, đi với Bi và Bo. Hai ảnh và đám thú chia ra hai nhóm đi hai hướng.

[ATU 300]

Bi tới xứ nọ, vô quán trọ nghe nói xứ đó có một con rồng trên núi xuống bắt người ta mỗi năm nộp cho nó một gái tơ, không thôi nó phá. Nhà vua đã hứa gả công chúa cho ai diệt được con rồng, nhưng chưa ai làm được, và ngày mai tới lượt công chúa nộp mạng.

Sáng sớm hôm sau Bi lên núi, tình cờ uống được ba chén thuốc bổ và đào được cây gươm sắc lẻm. Khi công chúa đi lên núi, con rồng bảy đầu trờ tới, thấy Bi nó khạc lửa tính chụp, nhưng, nhờ đám thú giúp sức, ảnh giết được rồng, chặt hết bảy đầu nó.

Công chúa lấy chuỗi ngọc chia cho đám thú, lấy cái khăn của mình đưa cho Bi, trong đó ghi tên ảnh, để sau này hai người nhận nhau. Bi cắt bảy cái lưỡi con rồng, gói vô khăn cất đi, rồi ảnh và đám thú nằm xuống ngủ.

Viên lãnh binh (marshal) đi theo công chúa, nãy giờ ở dưới núi, bây giờ mò lên, thấy vậy hiểu ra mọi chuyện. Y chặt phăng đầu Bi, lấy bảy cái đầu rồng, dọa công chúa khi về cung phải nói là y giết rồng. Vua tin lời, gả công chúa cho y, nhưng cổ xin dời đám cưới một năm.

Trong khi đó, con thỏ đi kiếm lá thuốc dán đầu Bi vô cổ cho ảnh sống lại. Ảnh dắt đám thú đi nữa, một năm sau quay lại xứ đó, vô quán trọ mới biết hôm nay là ngày đám cưới công chúa… Rốt cuộc, khi Bi vô cung đưa cho vua coi cái khăn của công chúa gói bảy cái lưỡi rồng, và chuỗi ngọc mà công chúa đã tặng cho đám thú, thì vua hiểu ra, gả công chúa cho ảnh và trị tội viên lãnh binh.

[hết ATU 300]

Về sau, Bi và đám thú đi vô rừng, bị bà phù thủy biến ra tượng đá…

Lúc đó, Bo và đám thú cũng đi tới xứ của Bi, bị mọi người kể cả công chúa dòm lộn là Bi…

Rốt cuộc Bo cứu được Bi và kể cho Bi mọi chuyện. Nghe chuyện Bo ngủ chung với công chúa mấy đêm, Bi nổi máu ghen, rút gươm chém đầu Bo, nhưng Bo sống lại nhờ con thỏ đi kiếm lá thuốc dán đầu vô cổ. Hai anh em về cung. Tối đó, công chúa cho Bi biết, mấy đêm trước, khi ngủ chung với mình, Bo đều để cây gươm xen giữa hai người…

Chuyện dưới đây có 5 mục: hiệp sỹ, cúng người, con rồng, trận đánh, xác nhận công trạng.

  1. Hiệp sỹ con nhà cá (Tây Ban Nha).[20]

[ATU 303]

Xưa có ông thợ giày nhà nghèo ra sông bắt được con cá bự, nó nói ổng cứ kho nó lên và rắc muối tiêu rồi ăn, chừa lại hai khứa cho bà vợ và hai khứa chôn trong vườn. Sau đó bà vợ sanh đôi hai con trai và ngoài vườn mọc hai cây lạ. Lớn lên, hai đứa con, tên Sặc và Rô, chia nhau đi hai hướng kiếm vận may.

[ATU 300]

Sặc tới xứ nọ, ở đó có một con rồng bắt người ta mỗi năm nộp cho nó một gái đẹp, năm nay tới phiên công chúa, và cổ đang ở chỗ hẹn nộp mạng cho con rồng, dưới gốc cây kia.

Sặc liền đi kiếm một con ngựa, một cây giáo và một tấm gương thiệt bự, tới chỗ công chúa. Sặc biểu công chúa cho mượn tấm mạng che mặt, rồi phủ lên tấm gương, treo tấm gương lên cành cây, nói cổ đứng sau gương, hễ con rồng tới gần phía trước thì lột tấm mạng ra, mọi chuyện khác ảnh lo.

Công chúa làm theo. Rồng ta thấy bóng trong gương, tưởng là con rồng khác, phóng vô chụp [K1052]. Gương bể cái rầm. Rồng hết hồn đứng sững, bị Sặc nhào vô xỉa cây giáo ngang họng, chết ngắt. Ảnh cưỡi ngựa đưa công chúa về, kéo theo xác con rồng. Vua gả công chúa cho ảnh.

[hết ATU 300]

Gần đó có một cái dinh, nghe đồn ai vô đó sẽ bị nhốt ở trỏng. Sặc mò vô. Ai dè ở trỏng có bà phù thủy (witch) biến ảnh ra tượng đá…

Lúc đó, Rô đi tới xứ của Sặc.

Thấy mọi người chào mình, Rô hỏi mới biết người ta đã dòm lộn mình là Sặc, và Rô đoán rằng Sặc đã gặp nạn trong cái dinh kia. Vậy là Rô theo về cung, làm như mình là Sặc, nhưng chẳng ngủ chung và cũng ít nói chuyện với công chúa.

Hôm sau, Rô vô dinh của bà phù thủy, bả tưởng ảnh là hồn ma của Sặc, bỏ chạy, bị Rô lấy gươm lụi. Ảnh hỏi Sặc đâu, bả biểu ảnh làm thuốc xức cho bả sống thì bả mới nói… Rô làm theo lời bả, rốt cuộc cứu được Sặc và nhiều người khác nữa sống lại.

Hai chuyện dưới đây có 4 mục: hiệp sỹ, cúng người, con rồng, trận đánh.

  1. Anh thợ thuộc da Nikita (Nga).[21]

Gần Kiev có một con rồng, hàng ngày người ta phải nộp một gái tơ cho nó nuốt. Bữa đó tới lượt công chúa. Nó đem công chúa về động nhưng thấy cổ đẹp nên không nuốt mà để lại ép làm vợ.

Công chúa có đem theo một con chó để đưa thơ cho cha mẹ. Bữa nọ nhà vua gởi thơ biểu công chúa tìm cách hỏi con rồng coi ai mạnh hơn nó. Cổ dụ nó, cuối cùng nó nói có một anh thợ thuộc da ở Kiev tên Nikita là mạnh hơn nó mà thôi.

Vua tự mình tới gặp Nikita xin ảnh đi giết rồng cứu dân và công chúa. Ban đầu ảnh không chịu đi. Tới khi vua sai người đi gom năm ngàn đứa nhỏ tới trước mặt Nikita cùng khóc một lượt để năn nỉ thì ảnh mới chịu đi. Ảnh lấy mười hai ngàn ‘pound’ sợi gai (hemp) trét đầy nhựa đường (pitch) quấn khắp người để khỏi bị rồng nuốt, rồi tới động kêu nó ra.

Rồng đóng cửa, không chịu ra. Nikita hăm phá tan động, nó mới ra đánh với Nikita. Đánh mấy trận thua hết, rồng tính chia đôi thế giới với Nikita, mỗi bên một nửa. Ảnh lấy cái cày nặng mười hai ngàn pound, cột rồng vô, cho nó kéo đi thành một cái rãnh để làm ranh giới, từ Kiev tới biển Caspian. Chia đất xong, Nikita nói nó xuống dưới nước chia biển. Khi con rồng ra tới giữa biển, Nikita xáng một cái, nó chết ngắt.

Cái rãnh đó ngày nay còn nguyên, cao mười bốn ‘feet’, chưa ai đụng tới. Nikita làm xong việc, chẳng màng nhận thưởng, quay về với nghề thuộc da.

  1. Con rồng bảy đầu (Hy Lạp).[22]

Xưa có vua xứ kia cùng thuộc hạ giong thuyền đi chơi, lên một hòn đảo thấy có sư tử canh gác liền giết sạch. Họ tới một cái vườn, thấy ba con suối thay vì chảy ra nước thì một suối chảy ra vàng, một suối chảy ra bạc, một suối chảy ra ngọc. Họ nhào vô hốt lia lịa. Rồi họ thấy một cái hồ, tới gần thì nghe cái hồ nói ra tiếng người rằng chúa đảo này là một con rồng bảy đầu, đang ngủ, nó sắp tới đây tắm.

Cái hồ nói họ cởi hết đồ đang bận trên mình ra, lót kín khúc đường từ dinh con rồng tới đây để nó bò cho êm, may ra nó bớt giận. Họ làm theo vậy. Rồi con rồng tới. Nó tha mạng cho về, nhưng bắt nhà vua mỗi năm đem tới đây cúng cho nó mười hai đứa con trai và mười hai đứa con gái, không thôi nó phá tan xứ. Vua đành chịu.

Vua không có con. Bữa kia, hoàng hậu gặp một bà già tới đưa cho trái táo, kêu ăn vô sẽ có con. Hoàng hậu lột vỏ ăn. Ai dè một con ngựa cái trong dinh đi ngang, ăn luôn vỏ táo. Sau đó, hoàng hậu đẻ ra một thằng, ngựa kia đẻ ra một con [B311]. Cả hai lớn lên, chơi với nhau như anh em.

Bữa nọ người anh nhờ ngựa em chở đi gặp bà già hồi xưa đã đưa táo cho hoàng hậu ăn, xin bả bày cách diệt con rồng. Bả dặn ảnh đi theo một lối kín tới dinh con rồng, vô buồng nó ngủ, lấy cây gươm treo bên trên giường nó, gọi nó dậy, dùng gươm đó đánh nhau với nó, nhớ mỗi lần chém nó đứt một đầu thôi để cho gươm đừng gãy, hễ bị đứt hết bảy đầu thì nó chết…

Ảnh làm theo, quả nhiên diệt được con rồng. Xứ ảnh thoát nạn.

Ý nghĩa

Đọc xong 5 câu chuyện kể trên, ta thấy rồng có thể mang dạng của bất cứ con gì; dù vậy nó chẳng phải loài vật mà là một thứ ‘siêu nhiên’ (supernatural) ở giữa ‘yêu’ (demon) và ‘quỷ’ (devil).[23]

Những câu chuyện ‘người diệt rồng’ muốn nói lên điều gì? Có 3 cách hiểu.[24]

1.   Bạn phải diệt được một con rồng thì mới trở thành kẻ giỏi nhứt trong thiên hạ và xứng đáng nhận giải thưởng cao nhứt, thí dụ một cô công chúa.

2.   Rồng là tượng trưng cho lòng tham: nó khư khư giữ một đống của hoặc một bầy gái cho đã, vậy thôi. Nói rộng ra, nó là bất cứ một cái trở ngại nào bên trong hoặc bên ngoài con người của mình mà bạn phải vượt qua thì mới nhận được những gì tốt đẹp trong đời.

3.   Rồng là quái vật. Hiệp sỹ là người, phải diệt quái vật thì cõi người mới yên.

 

 

 

 

4ATU 300 ở Đông nam Á

  1. Hai anh em (Philippines).[25]

[ATU 303]

Xưa có hai anh em sanh đôi tên Pedro và Fortunato, vô rừng kiếm củi lượm được một ổ chim bằng vàng và trứng chim bằng vàng. Dân làng cho là điều xấu, xúi ba má hai đứa đem bỏ chúng vô rừng [cho chết].

May thay, hai đứa được bà kia nuôi, lớn lên chúng đòi đi. Bả dặn chúng đem theo cây kim đặt dưới tảng đá nọ, hễ một trong hai đứa gặp nạn thì cây kim bị rỉ. Hai đứa chia tay.

[ATU 300]

Pedro tới nơi kia, thấy một cái dinh treo vải đen. Hỏi thăm thì được biết đó là dinh vua và canh ba đêm nay sẽ có một con rồng từ chỗ nọ tới dinh ăn thịt công chúa thứ nhứt. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, giết nó, chặt bảy đầu của nó treo lên cây, rồi đưa công chúa về. Cổ cho ảnh cái nhẫn.

Pedro gặp một con sóc và một con sư tử xin đi theo sau khi được ảnh tha mạng. Mấy bữa sau, thấy dinh vua treo vải đen nữa. Hỏi thăm thì được biết canh ba đêm nay sẽ có một con rồng thứ hai từ chỗ khác tới dinh ăn thịt công chúa thứ hai. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, sai con sư tử giết nó, rồi ảnh chặt bảy đầu của nó treo lên cây gần chỗ treo bảy đầu của con rồng hôm trước, đưa công chúa về. Cổ cho ảnh cái nhẫn.

Pedro gặp một con khỉ lùn (tarsier) xin đi theo sau khi được ảnh tha mạng. Mấy bữa sau, thấy dinh vua treo vải đen nữa. Hỏi thăm thì được biết canh ba đêm nay sẽ có một con rồng thứ ba từ chỗ khác tới dinh ăn thịt công chúa thứ ba. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, sai con khỉ lùn giết nó, nhưng rồng khạc lửa làm chết khỉ lùn. Pedro bèn giết rồng, chặt bảy đầu của nó bỏ đó, lấy bảy cái lưỡi của nó treo lên cây, rồi đưa công chúa về. Gặp vua, ảnh kể chuyện giết rồng và xin cưới công chúa thứ ba, vua chịu, chọn ngày làm đám cưới.

Có anh hoàng tử kia mê công chúa thứ ba, tìm cách giết Pedro, chặt đầu quăng đi, rồi lượm bảy đầu của con rồng thứ ba đem về đưa vua coi, nói chính y giết rồng, và xin cưới công chúa thứ ba. Vua tin lời, gả cho y.

 

Trong khi đó con sóc tha cái đầu ráp vô mình Pedro, cho ảnh sống lại. Pedro được biết vua đã gả công chúa thứ ba cho người khác, bèn đi lấy bảy cái lưỡi của con rồng thứ ba, hai cái nhẫn của công chúa thứ nhứt và công chúa thứ hai, đem tới đám cưới đưa vua coi, kể lại mọi chuyện. Vua hiểu ra, cho Pedro làm phò mã, xử tội tên bợm kia.

[hết ATU 300]

Ngày nọ, Pedro lạc vô rừng, bị mụ phù thủy biến thành đá…

Fortunato lúc đó thấy lòng xốn xang, đi coi cây kim thì nó đã bị rỉ. Fortunato tìm tới nơi Pedro ở, bị công chúa thứ ba dòm lộn là chồng của cổ. Fortunato ngồi ngoài cầu thang chớ không vô nhà, nghe nói Pedro đã gặp nạn, liền vô rừng tìm cách cứu anh mình…

Rốt cuộc, cứu được Pedro và nhiều người khác, trong đó có hai cha con mà cô con sau này là vợ của Fortunato.

  1. Công chúa tóc thơm (Cao Miên).[26]

[ATU 303]

Xưa có hai anh em tên Chan và Son, làm biếng, bị ba má đuổi đi. Có ông đạo kia thấy hai đứa tốt tướng, kêu chúng về dạy, được ba ngày chúng cũng xin đi. Ổng cho mỗi đứa một cây gươm phép, hễ chỉ vô ai thì nấy chết, và khi một đứa bị chết thì cây gươm của đứa kia sẽ hiện ra ba đốm rỉ [E761.4.7], đứa còn sống lấy gươm chỉ vô đứa đã chết sẽ sống lại.

[ATU 300]

Tới xứ kia hai anh em nghe nói có cặp chằng (yaksa) đòi nhà vua mỗi năm nộp cho chúng một cô công chúa, vua có hai mươi mốt cô thì đã nộp cho chúng hai chục cô, còn lại cô út tên Pou chúng cũng không tha. Chan và Son tới dinh của chằng, dùng gươm phép chỉ vô chúng, cho chúng chết, cứu công chúa. Công chúa đòi theo Chan nhưng hai anh em không chịu, dặn công chúa khi về gặp vua đừng nói chuyện họ giết chằng.

Sau có hai viên quan tới nơi tính hốt xương công chúa về chôn, thấy xác cặp chằng mà chẳng thấy công chúa, bèn về tâu với vua là chính họ đã giết chằng. Vua hứa nếu tìm thấy công chúa sẽ gả cho. Họ tìm thấy Pou và khi nhà vua đưa về thì cổ không nói gì chuyện Chan và Son.

Tới khi nhà vua tính gả Pou cho một viên quan thì cổ mới kể lại chuyện Chan và Son giết chằng. Vua sai bắt giam hai viên quan, cho người tìm Chan và Son. Hai anh em cũng chưa chịu về. Tới khi xác chằng sình thúi, mà nặng quá chẳng ai kéo đi nổi, thì Chan và Son mới về, lấy gươm đẩy xác chúng đi chôn, rồi vô gặp vua. Vua gả công chúa cho Chan, nhường ngôi.

[hết ATU 300]

Son từ giã Chan, đi nữa. Chan cho một nắm hột cây để Son rải trên đường đi, phòng khi cần hai anh em sẽ theo hàng cây mà kiếm ra nhau.

Son tới thành Nokor Thom, vừa lúc có một đàn quái hình chim đang lùng bắt người ăn thịt và ngay cả ông vua ở đó cũng bị chết khi cùng quan binh chống lại chúng. Công chúa, có mái tóc thơm phức, thì trốn trong lòng một cái trống bự. Son giết đàn chim, cứu công chúa ra khỏi cái trống và đưa về cung. Công chúa kể lại chuyện Son giết quái vật, hai người lấy nhau, Son lên làm vua.

Bữa nọ hoàng hậu tóc thơm tắm sông với đứa thị tỳ, nó bị nước cuốn tới xứ của một ông vua bị cùi. Ổng nghe nó nói chuyện, liền dụ nó đưa hoàng hậu tóc thơm qua cho ổng. Nó về, lấy trộm gươm của Son, chỉ vô ảnh cho chết. Hoàng hậu không thiêu Son, mà chôn, theo lời ảnh dặn. Đứa thị tỳ gạt hoàng hậu đưa qua xứ vua cùi, nhưng ông này chẳng dám làm gì hết vì hoàng hậu có đem theo cây gươm phép.

Ở nhà, Chan thấy gươm có ba đốm rỉ, biết Son đang gặp nạn, liền theo hàng cây, qua thành Nokor Thom. Hỏi thăm, Chan biết Son đã chết, bèn tới mộ, lấy gươm chỉ, hòm lộ ra, lấy gươm chỉ, xác lộ ra, lấy gươm chỉ, Son sống lại. Hai anh em giả làm thầy thuốc tới xứ vua cùi xin trị bịnh cho ổng, rồi lừa cho ổng tắm trong nồi nước sôi, bị phỏng chết. Đứa thị tỳ bị đuổi vô rừng cho cọp giảo. Son sau đó làm vua của xứ vua cùi luôn...

5ATU 300 ở Việt Nam

Chuyện kể

  1. Tiêu diệt mãng xà.[27]

Xưa có con mãng xà, đầu bự như cái chum, cái mào đỏ chót, mắt bự như trái quýt, mình dài hơn trượng, ở trong hang. Nhà vua mỗi năm phải nộp cho nó một người gái tơ, không thôi nó phá. Ai giết được nó, vua gả công chúa.

Anh kia [tạm gọi ‘Vô Danh’] ở chùa từ nhỏ, khi xuống núi thầy cho cây gươm quý. Trên đường về làng, trời tối, Vô Danh thấy một cái đền có đèn hắt ra, bèn ghé vô qua đêm. Dè đâu gặp một cô bị trói ngồi khóc ở trỏng. Cổ nói cổ là nạn nhơn của con mãng xà và nhà vua đang cần người diệt nó. Vô Danh cởi trói cho cổ thoát về làng, rồi ảnh nán lại chờ diệt con quái.

Nửa đêm quả nhiên mãng xà bò vô, ảnh lấy gươm đánh nhau với nó, cuối cùng chặt đầu giết nó chết, nhưng gươm bị mẻ một miếng ghim trong đầu nó. Sáng, ảnh về làng. Trưa, có một viên quan tới đền, thấy xác mãng xà. Không gặp ai hết, y mừng húm xách đầu mãng xà đem nộp cho vua, nói chính y giết nó. Vua tin lời, định ngày gả công chúa cho y.

Ngày đám cưới, Vô Danh tới gặp vua xin lại miếng gươm ghim trong đầu con mãng xà. Xẻ đầu nó ra coi thì thấy một miếng thép giống như chỗ bị mẻ trên cây gươm của Vô Danh. Vua cho rằng ảnh mới là người giết mãng xà, chớ không phải viên quan, nên gả công chúa cho ảnh và xử tội viên quan.

  1. Thạch Sanh.[28]

[Hồi 1]

Xưa xứ Mang Khảm [nay là Hà Tiên] có con chằng ở trong hang đá, nhà vua mỗi năm phải cúng cho nó một mạng người, không thôi nó giết. Vua nói ai diệt được nó thì cho làm quan lớn. Năm đó tới phiên Lý Thông, làm nghề nấu rượu, bị bốc thăm nộp mạng cho chằng [S262.3]. Thạch Sanh có sức mạnh hơn người, làm nghề tiều phu, bán củi cho Lý Thông.

Lý Thông muốn kiếm người thế mạng cho mình, nên y làm thân với Thạch Sanh, rồi tới ngày đã định thì lừa anh này tới hang chằng nộp mạng. Ai dè Thạch Sanh chém con chằng đứt đầu, về cho Lý Thông biết.

Một lần nữa, Lý Thông lừa cho Thạch Sanh bỏ đi, rồi báo với vua rằng y đã giết con chằng. Vua tới hang coi, thấy xác chằng, tin lời, cho y làm quan lớn.

[Hồi 2]

Con vua là công chúa Quỳnh Nga, trong ngày hội quăng trái cầu để chọn phò mã, bị một con đại bàng tha đi. Thạch Sanh tình cờ trông thấy, bắn tên trúng đại bàng nhưng nó vẫn bay được về hang, để lại dấu máu.

Vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Ba ngày trôi qua vẫn chưa thấy Lý Thông báo tin gì, nhà vua nóng ruột, nói ai cứu được công chúa sẽ cho làm phò mã.

Lý Thông kiếm Thạch Sanh, nhờ giúp. Thạch Sanh dắt y theo dấu máu đại bàng tới miệng hang, để y giòng dây cho ảnh xuống hang, giết chết đại bàng. Quỳnh Nga đưa Thạch Sanh trái cầu [ngụ ý chọn ảnh làm phò mã]. Lý Thông kéo Quỳnh Nga lên, bỏ mặc Thạch Sanh dưới hang, lấp đá lại, đưa cổ về cung. Thấy Thạch Sanh bị hại, Quỳnh Nga tức mình, câm luôn [F569.3.1]. Vua bèn lo chạy chữa cho cổ…

Trong hang, Thạch Sanh cứu một vị thái tử cũng bị đại bàng bắt nhốt ở đó. Thái tử đưa Thạch Sanh thoát khỏi hang, dẫn qua xứ chơi, khi ảnh về, được vua xứ đó tặng cho cây đờn...

Lý Thông biết Thạch Sanh còn sống, y lập mưu bắt ảnh bỏ ngục [K1931.5]…

Nghe tiếng Thạch Sanh đờn trong ngục, Quỳnh Nga nói được, xin vua cha cho gặp người đánh đờn. Thấy đúng là người đã cứu mình, Quỳnh Nga kể vua cha nghe mọi chuyện. Thạch Sanh lấy trái cầu đưa Quỳnh Nga. Thấy trái cầu, vua hiểu ra, cho gọi Lý Thông. Y nhận tội, nhưng được vua tha vì có Thạch Sanh xin, rốt cuộc y cũng bị sét đánh chết [Q552.1.3]. Vua gả Quỳnh Nga cho Thạch Sanh.

Nhận xét

Tiêu diệt mãng xà

Chuyện này có 6 mục của ATU 300: hiệp sỹ (Vô Danh), cúng gái, con rồng (mãng xà, B11.2.1.1), trận đánh, tên bợm (viên quan), xác nhận công trạng.

Nhưng còn thiếu mục ‘lưỡi rồng’ với motif H105.1 ‘hiệp sỹ cắt lưỡi rồng để làm chứng cho việc giết rồng’ mà đáng lẽ phải có.

Ở đây, chứng cớ của Vô Danh được cho là miếng gươm ghim trong đầu mãng xà.

Song le, lấy lý mà xét, đó chưa phải là chứng cớ hoàn hảo chừng nào chưa kiểm tra cây gươm của viên quan [mà y nói đã dùng để giết mãng xà]. Nếu cây gươm của y còn nguyên, hoặc y không đưa ra cây gươm nào hết, thì cây gươm bị mẻ của Vô Danh mới là chứng cớ hoàn hảo.

Thiếu chi tiết đó, nên mục ‘xác nhận công trạng’ nghe vụng về, không hợp lý.

Bởi vậy, ta ngờ rằng người kể chuyện ‘Tiêu diệt mãng xà’ đã bỏ sót chi tiết.

 

 

 

Thạch Sanh

Hồi 1 chuyện này có 5 mục của ATU 300: hiệp sỹ (Thạch Sanh), cúng người, con rồng (chằng), trận đánh, tên bợm (Lý Thông).

Nhưng còn thiếu 2 mục ‘lưỡi rồng’ và ‘xác nhận công trạng’ mà đáng lẽ phải có. Ngoài ra, cốt chuyện còn bị sửa đổi làm cho:

  • Thạch Sanh vừa là hiệp sỹ vừa là nạn nhơn [ bị cúng cho chằng],
  • Lý Thông vừa là nạn nhơn vừa là tên bợm,
  • Lý Thông vừa là tên bợm vừa là hiệp sỹ [được xác nhận công trạng].

Vậy hồi 1 rõ ràng là chuyện sáng tác, dùng một số motif của ATU 300.

Hồi 2 chuyện này có đủ 6 mục của ATU 301 Ba cô công chúa bị bắt cóc với những motif đặc trưng như sau 17:

Hiệp sỹ (Thạch Sanh)-sức mạnh hơn người                  F610

Xuống cõi dưới

-chuyến đi xuống cõi dưới                F80

-xuống cõi dưới qua miệng hang        F92.6

-xuống cõi dưới bằng dây                   F96

-hiệp sỹ bắn đại bàng và theo nó xuống cõi dưới   F102.1

Công chúa (Quỳnh Nga) bị bắt đi

-[vua sai người] đi kiếm công chúa     H1385.1

-công chúa bị đại bàng bắt đi           R11.1

Công chúa được cứu

-tên bợm (Lý Thông, cùng đi với Thạch Sanh) phản bội    F601.3

-tên bợm đem công chúa đi [sau khi cổ được cứu]           K1935

-công chúa được cứu ra khỏi cõi dưới                R111.2.1

Hiệp sỹ bị phản bội

-hiệp sỹ từ cõi dưới trở về bằng phép lạ (thái tử)      F101.4

-tên bợm bỏ lại hiệp sỹ ở cõi dưới    K1931.2

-tên bợm giành giải thưởng của hiệp sỹ    K1932

 

 

Xác nhận công trạng

-vật làm tin [của công chúa đưa]    H80

-vật làm tin là trái cầu                  -

-tên bợm bị trừng trị             Q262

-hiệp sỹ nghèo hèn lấy công chúa    L161

-ai cứu công chúa sẽ được lấy cổ    T68.1

Vậy hồi 2 là một version của ATU 301.

Ta thấy hai vai ‘hiệp sỹ’ và ‘tên bợm’ ở hồi 1 đã bị bóp méo để trở thành ‘hiệp sỹ’ và ‘tên bợm’ ở hồi 2, lần lượt.

Bởi vậy, tóm lại, ta cho rằng ‘Thạch Sanhkhông phải là chuyện dân gian màlà chuyện sáng tác, dựa theo một số motif của ATU 300 và một version của ATU 301.

Cách nay gần 65 năm, Võ Xuân Phố [29] cũng nêu lên ý na ná như vậy:

Truyện Thạch Sanh là một truyện rất phổ biến trong đồng bào Miên ở Cao Miên cũng như ở các vùng thiểu số ở Việt Nam (như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc)… Các gánh hát ‘dù kê’ của người Miên ở các vùng nói trên… đều lấy  truyện Thạch Sanh xây dựng nên vở ‘dù kê’ của mình… Nhân dân Miên coi Thạch Sanh là vị anh hùng cứu tinh của họ…

Theo tôi, truyện Thạch Sanh nguồn gốc có lẽ ở Cao Miên… Do đó, có thể là người Việt chúng ta đã phóng tác theo một chủ đề dựa trên một chủ đề của người Miên.

Còn mục đích của việc sáng tác là gì thì ta không bàn ở đây, nhưng Nguyên Giác [30] cho rằng:

Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào. Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh - Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện…

 

 

6Thảo luận

Ta đã gặp những version của ATU 300 ở Philippines và Cao Miên, có lẽ do người Âu và người Ấn lần lượt đem sang.

Trong chuyện dân gian người Việt, ta gặp một version của ATU 300 (Tiêu diệt mãng xà) mà có lẽ người kể đã bỏ sót chi tiết.

Ta cũng tình cờ nhận ra một chuyện sáng tác dựa theo một số motif của ATU 300 và một version của ATU 301 (Thạch Sanh).

Vậy bằng cách nào ATU 300 Người diệt rồng [và ATU 301 Ba cô công chúa bị bắt cóc] đã được phổ biến trong dân gian người Việt?

Nguyễn Đổng Chi cho rằng chuyện Tiêu diệt mãng xà là ‘tiếp thu’ của người Ấn.27 Song le, Berezkin,8khảo sát dữ liệu phân bố 548 motif trong nhóm ‘hành động và mánh khóe’ (gồm cả ‘người diệt rồng’) ở 309 nền văn hóa dân gian trên cựu thế giới, cho biết rằng Đông nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, thì không có chung motif với hai vùng gần gũi là Đông Á (Trung) và Nam Á (Ấn), mà có chung motif với hai vùng xa xăm là châu Phi bên dưới sa mạc Sahara và nam châu Âu bên Địa Trung Hải.

Vậy phải chăng cả hai type 300 và 301 đều do người Âu đích thân đem sang? hay là do người bổn xứ chép lại tài liệu của người Âu?

Muốn tìm hiểu điều đó, ta phải chờ thêm dữ liệu.

Người viết xin ngừng ở đây, và cám ơn rồng đã cho mượn tên!

   21-Sep-2021

 

 

 

 

 

 

 



[1] Hans J. Holm (2017) Steppe Homeland of Indo-Europeans Favored by a Bayesian Approach with Revised Data and Processing.

[2] A. David and Don Ringe (2015) The Indo-European Homeland from Linguistic and Archaeological Perspectives. Annual Review of Linguistics.

[3] Benjamin Slade (2010) How (exactly) to slay a dragon in Indo-European?

[4] Eugenio Bortolini, Luca Pagani, Enrico R. Crema, Stefania Sarno, Chiara Barbieri, Alessio Boattini, Marco Sazzini, Sara Graça da Silva, Gessica Martini, Mait Metspalu, Davide Pettener, Donata Luiselli, Jamshid J. Tehrani (2017) Inferring patterns of folktale diffusion using genomic data.

[5] Stith Thompson (1946) The Folktale.

[6]Stith Thompson(1955)Motif-Index of Folk Literature.

[7] D. L. Ashliman (1987) A guide to folktales in the English language.

[8] Yuri E. Berezkin. Folklore and Mythology Catalogue: Its Lay-Out and Potential for Research.

[9] Y. E. Berezkin, E. N. Duvakin. World mythology and folklore: thematic classification and areal distribution of motifs.

[10] Sapna Dogra. The thirty-one functions in Vladimir Propp’s morphology of the folktale: An outline and recent trends in the applicability of the Proppian taxonomic model.

[11] Ian Watts (2017) Rain Serpents in Northern Australia and Southern Africa: a Common Ancestry? (proof).

[12] Marc Thuillard, Jean-Loïc Le Quellec, Julien d’Huy, Yuri Berezkin. A large-scale study of world myths.

[13] J. E. Riddle (1843) English-Latin and Latin-English Dictionary, for the use of colleges and schools.

[14] Piet Swanepoel (2010) On defining the category monster – using definitional features, narrative categories and idealized cognitive models (ICM’s).

[15] Yasmine Musharbash. Introduction: monsters, anthropology, and monster studies.

[16] Liane Posthumus (2011) Hybrid monsters in the classical world: the nature and function of hybrid monsters in Greek mythology, literature and art.

[17] Antti Aarne (1973) The types of the folktale, translated and enlarged by Stith Thompson.

[18] The seven-headed monster, Folktales of France, ed Genevieve Massignon, trans Jacqueline Hyland (1968).

[19] The two brothers, German popular tales and household stories, ed Grimm (1853).

[20] The knights of the fishes, The brown fairy book, ed Andrew Lang (1914).

[21] Nikita the tanner, Russian Fairy Tales, ed Aleksandr Afanas’ev, trans Norbert Guterman (1945).

[22] The seven-headed serpent, Andrew Lang’s Fairy Books.

[23] Moncure Daniel Conway (1879) Demonology and Devil-Lore, vol I, p 320.

[24] Lexine Lynner (2018) Dragon slayers: remastering and redefining the enduring struggle.

[25] Donn V. Hart and Harriett C. Hart.A Philippine version of "The two brothers and the dragon slayer" tale.

[26] Lê Quang Hương (1969) Chuyện cổ Cao Miên.

[27]Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ed Nguyễn Đổng Chi (1957).

[28] Trần Anh Tuấn (2011) Đôi nét về Kiên Giang.

[29] Võ Xuân Phố (1957) Góp ý kiến về nguồn gốc truyện Thạch Sanh.

[30] Nguyên Giác (2019) Đọc truyện Thạch Sanh Lý Thông.

 

Đỗ Ngọc Giao
Số lần đọc: 604
Ngày đăng: 22.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quán Văn, mười năm trong một thoáng. - Elena Pucillo Truong
Một nghệ sĩ cô đơn. Một người thầy nhân hậu. - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Ngọc Thiện với cảm quan nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Chất liệu cuộc sống và tư tưởng thẩm mỹ trong truyện ngắn của Nguyễn An Bình - Hoàng Thị Bích Hà
Trần Hoài Thư và những vết thương không ngừng rướm máu. - Trương Văn Dân
Chúc mừng Thư Quán Bản Thảo Hai Mươi Tuổi - Trần Thị Nguyệt Mai
Nam nữ thụ thụ - Đỗ Nhựt Thư
Câu thơ lục bát - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Quang Dũng nhìn từ tâm thức văn hóa Việt* - Trần Hoài Anh
Nguyễn Du với người đẹp Dương Quý Phi - Nguyễn Anh Tuấn