Tôi được quen thân với anh - qua nhà văn Châu Hồng Thủy lúc còn ở bên Nga - người đã thu hút sự chú ý của tôi từ lâu bởi mái tóc bạc trắng của anh sau cái năm bị thất lạc đứa con gái nhỏ yêu quý…
Đó là tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng, người đã viết và giảng dạy về văn học Nga "thế kỷ bạo tàn" (chữ của thi hào Pushkin), từng có "tuyên ngôn" văn chương được bộc lộ trong nhiều sáng tác thơ đã/ đang lôi cuốn không ít độc giả, trước hết là bởi cái nhiệt tình công dân ảnh hưởng từ các nhà văn- nhà triết học Nga Trecnưsevski, Nêkrasov, Lermontov, Rađisev, v.v.
Khi anh tự khẳng định mình là kẻ "Chịu cô đơn, hơn làm kẻ dối lừa" và lên án "những chúa đất đời nay", anh vô tình đặt mình trong tâm trạng đau xót phẫn nộ của những nhà văn dân chủ Nga thế kỷ XIX. Nếu N. Gogol trong kiệt tác "Những linh hồn chết" mới chỉ nói ở mức độ: "trái đất phải gánh thêm những khối nặng vô ích", thì Nguyễn Huy Hoàng, với bệ phóng của hiện thực sau hai thế kỷ còn đẩy sự thật đi xa hơn, và mạnh mẽ hơn:
“Và tôi bỗng thương vô cùng trái đất/ Phải đối mặt bao hiểm họa khôn lường/ Phải còng lưng trên mình bao gánh nặng/ Thế kỷ này nhan nhản lũ bất lương!” (Trái đất đáng thương)
Nguyễn Huy Hoàng tự nhận xét: "Âm hưởng chủ đạo trong thơ tôi là những cảm xúc trữ tình với âm điệu phảng phất buồn… thấm đẫm chất tính cách có phần u uẩn...". Nhưng, một loạt bài thơ thế sự, thơ khắc họa chân dung của anh còn cho thấy một Nguyễn Huy Hoàng sắc sảo, đốp chát, giận dữ, không biết khoan nhượng - mà ở cái tư thế "viết giữa thanh thiên bạch nhật", trước những kẻ "Máu nguội lạnh trong trái tim xơ cứng" xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội, anh không thể có cách ứng xử khác.
Trong thơ anh, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy được âm hưởng sự chân thành khảng khái, nỗi nhức đau cháy bỏng của những nhà văn Nga trước cảnh rên xiết lầm than của đồng bào họ thời chuyên chế Sa hoàng, và đồng thời, cũng cảm thấy được cả cái phẫn uất trầm lắng của những nhà nho chân chính Việt Nam xưa trước thời thế đảo điên, ngang trái, bất công... Đọc thơ anh, chúng ta chìm ngập trong nỗi lo đời, thương đời của anh. Mang nhiều nỗi đau, tâm hồn đa đoan quá, dường như anh cảm thấy mỗi sự chưa hoàn thiện trên đời này đều là nguyên cớ - thậm chí là cội nguồn của nỗi bất hạnh cho từng cá nhân, cho cả cộng đồng... Lòng nhân hậu khiến anh phẫn uất trước thái độ vô cảm, sự tham lam bạc ác, thói xu thời - nhất là sự vô nhân tính của những kẻ có quyền lực mà tha hóa, nhẫn tâm chà đạp lên quyền sống của đồng bào mình. “Muốn khóc mà không thể khóc/ Hình như lệ đã cạn khô”. Nhưng thực ra nước mắt chưa lúc nào vơi cạn của một thi sĩ nặng lòng với những "số phận bị vùi dập và nỗi lầm than"- như anh tự nhận (Cùng bạn đọc - Giữa thanh thiên bạch nhật) đã khiến anh không mệt mỏi vẽ ra biết bao cảnh thương tâm hoặc đáng lên án trên nước bạn, hay mỗi khi về thăm đất nước. Vệt thơ thế sự của anh tựa những hình ảnh phóng sự, những nét chạm khắc rưng rưng giọt lệ của người tạo ra chúng:
“Bà lão quê ăn mày/ Khoác chăn rách bị gậy /Khô héo bàn chân trần/ Mắt mờ run lẩy bẩy”
Từng biết đến một nông thôn "dở cười dở khóc" trong thơ thế sự của nhà thơ Ngô Văn Phú, trong bút ký của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, giờ tôi lại bắt gặp nó trong thơ Nguyễn Huy Hoàng:
“Nhà lầu ngất ngưởng mọc lên/ Bóng che đổ xuống vách phiên, liếp gầy/ Đồng khô lác đác thợ cày/ Quán bia, chiếu bạc suốt ngày thâu đêm...” (Nỗi niềm quê cũ )
Trong khi đó thì: “Phú ông xe nối hàng đoàn chơi gôn” (Chuyện của người phụ nữ cùng làng). Và "chuyện thường ngày ở huyện":
“Lão nông trót trộm con gà/ Đèn giời nghiêm xét, lĩnh ba tháng tù/ Xe quan cán chết học trò/ Vẫn nguyên tước vị, nhởn nhơ như thường...” ( Chuyện vỉa hè)
“Chẳng từ mưu mô, nhẫn tâm trơ tráo/ Mua như xin, bán như cướp, bất cần/ Một tấc đất tranh giành, sẵn sàng đánh đổi/ Quê hương, xóm làng, họ mạc, tình thân!” (Cơn khát đất)
Trên chuyến tàu đi từ S. Peterbua tới Maxtcơva, đọc cuốn sách kể về một cuộc hành trình cũng trên đoạn đường đó, Nguyễn Huy Hoàng lại có dịp đồng cảm với của nhà văn Nga Rađisev về những tội ác của chế độ chuyên chế tàn bạo mà đáng sợ thay, cho đến tận hôm nay chúng vẫn còn có đất để tồn tại; và anh có thêm một cơ hội để chứng minh: sức mạnh thật sự của thơ ca là nói lên được tâm tình và nguyện vọng của nhân dân:
“Các người hãy thử nhịn ăn một bữa/ Hay ở trong lều chịu rét một đêm/ Hãy bỏ một ngày nai lưng làm việc/ Và thử tra chân vào khóa gông xiềng/ Thì các người mới hiểu thế nào là đói/ Hiểu thế nào là rách rưới lầm than/ Hiểu thế nào là mồ hôi nước mắt/ Và lòng dân sôi tận đáy căm hờn!”
Trên đất nước bạn, chứng kiến những cảnh phân biệt chủng tộc, sự ngóc đầu của chủ nghĩa phát xít mới - hệ quả tất yếu của chủ nghĩa độc tài và sự khủng bố lương tri, nhà thơ như căm phẫn thét lên:
“Và giờ đây, giữa thanh thiên bạch nhật/ Kẻ giết người, thói phát xít vẫn nhơn nhơn!”
Nhưng rồi, sau khi chứng kiến và phanh phui bằng thơ những cảnh "thế thái nhân tình đảo điên", "sự bầm dập tháng năm", "vết mộng mơ sụp đổ", anh chỉ còn biết: "người xa về ngồi xót phố xưa" hoặc cúi mặt xuống thở than: "Thi thư hồn vía để đâu/ Thế gian chẳng lẽ xót đau thế này?"( Chuyện vỉa hè). Giống như tất cả những người trí thức có lương tâm, giàu suy nghĩ, nhiều lòng tự trọng, và có phần cổ điển nữa ( "Hồn vẫn là ngày tháng cũ năm xưa"), anh tự rút ra những bài học nhân thế - cho bản thân mình, cho người thân; và, với tư cách là người cầm bút rất có ý thức về sứ mệnh của thi sĩ, anh tâm sự với người đọc thơ anh:
“Cả khi mình đối diện với mình thôi/ Giữa ranh giới đê hèn và cao thượng/ Giữa trung thực và âm mưu bội phản/ Giữa trắng đen mới thật khó làm người” ( Di huấn của Shuksin)
Trong tâm thế ấy, nếu anh có chìm trong hoài niệm (Có một Hà Nội trong tôi ), thậm chí có lúc mơ ước quê hương được trở lại "Chuyện xưa" như trong cổ tích ngàn đời thì ta cũng có thể hiểu và cảm thông được: “Nghe bà kể chuyện ngày xưa/ Cái thời làng nước như chưa bây giờ...” Ngây thơ làm sao mà cũng chân thật và chua xót làm sao!
Anh - một người cha tuyệt vọng lê bước khắp các chân trời để tìm đứa con gái nhỏ, một thi sĩ ưa lang thang và cũng thỏa chí bình sinh, vậy mà vẫn còn nuối tiếc: “Chưa gặp nắng của bao miền xa lạ/ Tóc hãy còn thiếu gió những đại dương”. Là người “Thành thật đến dại khờ”, nhưng khi “Đã chấp nhận kiếp một đời gieo chữ”, khi đã “Mòn chân đời lưu lạc/ Sờn vai áo lương dân”, anh hiểu ra rằng, tuy mình vô nghĩa khôn cùng, song cái nghiệp phải gánh là không thể thay đổi, “Vẫn lê chân đếm bước cuộc hành trình” - không hẳn chỉ là việc "tự nguyện vác cây thánh giá thi ca" - mà hơn thế, khao khát một cái gì hoàn thiện trong đời sống tinh thần con người: “Em có biết lòng anh như đất khát/ Cổ tích nào cho một giọt mưa đau?”
Sau không ít những hoang mang bởi “Số phận trớ trêu”, anh không chỉ một lần ao ước: “Giá có ai nói với tôi rằng...” - hứa hẹn với anh những điều tốt đẹp và giải thoát anh khỏi bao trăn trở; nhưng sau rốt, anh tự hiểu ngoài bản thân mình ra, không ai có thể gánh thay cái gánh nặng tinh thần mà mình đã trót mang theo: “Phố vắng lặng, chỉ trời xa trống rỗng/ Làm thế nào đi hết được mùa thu...”
Có một hình ảnh thật đẹp nhưng cũng thật buồn về thiên nhiên nước Nga có thể dùng để miêu tả chính con người anh: “Chiều khoác áo giã từ/ Nghiêng mái đầu bạc trắng”
Nhiều năm qua, chàng thi sĩ nước Việt với mái đầu bạc trắng ấy từng đặt chân lên nhiều vùng đất xa lạ, thành ngọn gió lang thang, “Vẫn làm thơ, lay lắt sống xứ người,/ Mang theo mình chỉ sách, bút và thơ” để thương xót, để cảm thông, để nghĩ ngợi về thân phận người, để “Thấy người dân bé nhỏ/ Nhớ hồn nước Nga xưa”…
Hẳn đã nhiều lần anh “Úp mặt vào kỷ niệm/ Nghe năm tháng khóc thầm”... Nhưng điều đáng trân trọng là: ngay trong những giây phút tuyệt vọng cùng cực, anh vẫn để hồn thơ hướng tới cuộc đời rộng lớn, hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp. Nguồn cảm hứng viết “Giữa thanh thiên bạch nhật” về tất cả những gì giúp cho Con người xứng đáng là Con người hơn chưa lúc nào vơi cạn trong anh, dù chúng đang bị lãng quên, bị khinh rẻ, thậm chí bị bị săn đuổi, hay đúng hơn là, chính vì chúng lâm cảnh ngộ đau lòng ấy càng thôi thúc anh cầm bút ...
Tháng trước, tôi có dịp về công tác tại Hà Tĩnh quê hương anh...Trên bến Giang Đình của dòng sông Lam soi bóng dải Hồng Lĩnh xa mờ, tôi đã nhớ lại bài thơ "Giang Đình hữu cảm" của đại thi hào Nguyễn Du, có câu thực ngậm ngùi: "Cuộc đời trăm năm biết bao chuyện thương tâm" (Bách niên đa thiểu thương tâm sự). Tôi bỗng nhớ đến anh - nhà giáo nhà thơ sống ở nước Nga có mái đầu sớm bạc trắng, và chợt nghĩ: cái nỗi buồn trĩu nặng của Nguyễn Huy Hoàng phải chăng cũng bắt nguồn từ bến Giang Đình này, từ nước sông Lam núi Hồng này?...