Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc gồm người Kinh (hay người Việt) là dân tộc đa số và 53 dân tộc thiểu số. Đây là kiến thức phổ thông được giảng dạy trong trường học và thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của xã hội. Trong khi đó, lịch sử nghiên cứu vấn đề này và cơ sở lý thuyết của nó là gì thì ít được bàn đến trong sách báo bên ngoài ngành dân tộc học. Xác định thành phần dân tộc là một vấn đề phức tạp cả về mặt học thuật lẫn những mặt bên ngoài phạm vi học thuật. Trong bài này, những khía cạnh học thuật của vấn đề sẽ được phân tích dựa theo các ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta.
Việc nghiên cứu về thành phần dân tộc tại Việt Nam đã được quan tâm từ những năm đầu thập niên 1960. Một mốc lớn trong công tác xác định thành phần dân tộc là năm 1973, với hai cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Các báo cáo khoa học về chủ đề này được in trong cuốn sách Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền bắc Việt Nam, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 1975. Từ năm 1975 đến nay, nhiều bài viết về vấn đề này đã được in trong các tạp chí chuyên ngành dân tộc học và vào năm 2002, hai cuộc hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh về những tiêu chí xác định lại một số dân tộc ở Việt Nam. Nhiều báo cáo khoa học in trong kỷ yếu của hai cuộc hội thảo mới nhất này bàn về tiêu chí xác định thành phần dân tộc, và một số báo cáo khác trình bày những trường hợp cụ thể cần được nghiên cứu sâu hơn. Theo ý kiến của đa số người tham dự hội thảo, nguyên tắc xác định thành phần dân tộc đề ra trong hai cuộc hội thảo tại Hà Nội năm 1973 cho đến nay vẫn còn có giá trị. Một nhà nghiên cứu dân tộc học ở Hà Nội viết rằng ba tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam "vẫn khoa học, đầy đủ và thích hợp với thực tế …" (Lưu Hùng 2002: 61). Hai nhà nghiên cứu đang giữ những chức vụ lãnh đạo công quyền trong ngành khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh là Phan Xuân Biên và Ngô Văn Lệ cũng phát biểu tại cuộc hội thảo tại Tp. Hồ Chí Minh rằng những tiêu chí này đến nay "vẫn còn nguyên giá trị."
Áp dụng nguyên tắc xác định thành phần dân tộc được đề ra năm 1973, các nhà dân tộc học lúc đó đã xác định cả nước có 59 dân tộc, trong đó miền Bắc có 36 dân tộc và miền Nam có 23 dân tộc (Khổng Diễn 2002: 11). Đến cuối năm 1978, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam cùng với Ủy ban Dân tộc Trung ương trình lên chính phủ một bảng danh mục với số lượng 54 dân tộc trong cả nước (ibid.). Sau đó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ chính thức ban hành Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (sđd.: 1). Dân số các dân tộc theo kết quả của các cuộc tổng điều tra dân số từ năm 1979 đến nay đã được công bố theo thành phần dân tộc ghi trong bảng Danh mục chính thức này.
Một văn bản khác có ý nghĩa quan trọng về mặt học thuật đối với vấn đề thành phần dân tộc ở nước ta được soạn thảo vào năm 1997: đó là bản thảo cuối cùng của Dự thảo Luật Dân tộc. Đây không phải là một văn bản pháp lý nhưng nó có giá trị học thuật vì phản ánh quan điểm ưu thắng của giới khoa học xã hội lúc đó về vấn đề thành phần dân tộc. Bản Dự thảo Luật Dân tộc được bắt đầu chuẩn bị từ năm 1993. Thực hiện nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2 năm đó, Hội đồng Dân tộc đã thành lập Ban Dự thảo Luật Dân tộc "gồm các giáo sư, tiến sĩ về dân tộc học, luật và đại diện của các cơ quan có liên quan" (Đề cương: 1). Bản dự thảo thứ nhất đã được soạn thảo xong vào đầu năm 1994. Từ đó đến khi có bản thảo cuối cùng vào đầu năm 1997, tức bản thảo lần thứ 7, đã có 10 cuộc hội thảo góp ý với "sự tham gia của các Ban của Đảng, các đoàn thể, các ngành ở Trung ương; 15 trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của 15 tỉnh miền núi; ..." (ibid.). Ban dự thảo Luật Dân tộc cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao về nội dung bản Dự thảo (ibid.).
Liên quan đến vấn đề đang thảo luận là các điều khoản trong Chương II quy định về thành phần dân tộc. Ví dụ, điều 10 quy định thành phần dân tộc của công dân được ghi trong giấy khai sinh hoặc giấy chứng minh nhân dân. Điều 12 quy định những trường hợp công dân có quyền đề nghị thay đổi thành phần dân tộc của mình. Các tác giả bản Dự thảo Luật Dân tộc lúc đó đã đề ra chủ trương là việc thay đổi thành phần dân tộc của mọi người phải do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công nhận!
I. Nguyên tắc xác định thành phần dân tộc
Các tác giả Dự thảo Luật Dân tộc viết, "Thành phần của một dân tộc được xác định theo nguyên tắc có chung ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và ý thức tự giác về dân tộc. Trường hợp không còn tiếng nói riêng, nhưng có truyền thống văn hóa riêng và có ý thức tự giác dân tộc thì cũng có thể được công nhận là một dân tộc" (Điều 8, Chương II, Dự thảo lần thứ 7). Theo nguyên tắc này, hai yếu tố cấu thành dân tộc không thể thiếu là một truyền thống văn hóa riêng và một ý thức tự giác về dân tộc mình. Quy định nguyên tắc xác định thành phần dân tộc như thế, những tác giả của bản Dự thảo đã theo đúng tinh thần của hai cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội vào năm 1973. Những nhà nghiên cứu tham dự các cuộc hội thảo vào năm đó đã nhất trí dùng ba tiêu chí để xác định thành phần dân tộc: ngôn ngữ, đặc điểm văn hóa, và ý thức tự giác dân tộc (Bế V. Đẳng 1975: 77).
Một điều đáng lưu ý là các nhà dân tộc học Việt Nam đã có một quan niệm đúng khi không xem lãnh thổ là một trong những tiêu chí xác định thành phần dân tộc, mặc dù yếu tố lãnh thổ hay còn gọi là địa vực cư trú, cùng với sinh hoạt kinh tế, đã có mặt trong hầu hết các định nghĩa lúc đó về khái niệm dân tộc (ví dụ, xem Bế V. Đẳng 1975: 76; Bế V. Đẳng 1984: 29; hay Đặng N. Vạn kgn: 4). Nhà nghiên cứu Khổng Diễn nhắc lại điều này như sau: "Mặc dù trong những năm đó chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền dân tộc học Xô Viết và Trung Quốc, nhưng chúng ta đã không đưa tiêu chí lãnh thổ vào để xác định thành phần các dân tộc ở nước mình" (2002: 12).
Một điều có thể thấy khá rõ là ảnh hưởng của định nghĩa nổi tiếng của Stalin về dân tộc đối với định nghĩa dân tộc mà các nhà dân tộc học ở nước ta đưa ra trước đây. Stalin minh thị khẳng định rằng để được xem là một dân tộc, một cộng đồng người phải có đủ bốn yếu tố: một ngôn ngữ chung, một lãnh thổ chung, một đời sống kinh tế chung, và một tâm lý chung biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa (Stalin 1953: 307, 313). Nhà nghiên cứu Bế Viết Đẳng đã định nghĩa dân tộc là một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và cơ sở tồn tại của nó là những quan hệ chung về mặt lãnh thổ, hoạt động kinh tế, đặc điểm văn hóa, và ý thức tự giác dân tộc (1975: 76). Tác giả Đặng Nghiêm Vạn cũng đưa ra một định nghĩa tương tự và khẳng định rằng "định nghĩa này là kết quả của những cuộc thảo luận trong thời kỳ 1960-1962 và đã được chứng thực qua một thập niên nghiên cứu điền dã" (Đặng N. Vạn kgn: 4). Hiện nay, theo Lưu Hùng, ở Nga và Trung Quốc người ta đánh giá lại định nghĩa về dân tộc của Stalin và "thấy có những điểm không phù hợp" (2000: 59). Tác giả trích dẫn một nhận xét của Kozlov rằng "định nghĩa này giáo điều, không có giá trị về lý luận và thực tiễn" (ibid.). Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn thấy có những định nghĩa về dân tộc chủ yếu theo nội hàm khái niệm dân tộc của Stalin (Xem Trần Hữu Tiến et al. 2002: 13).
Ngoài yếu tố lãnh thổ cư trú, khái niệm hình thái kinh tế xã hội của phạm trù dân tộc cũng không được đưa vào các tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam. Theo Stalin, dân tộc với 4 yếu tố cấu thành nêu trên là một phạm trù lịch sử, hình thành vào thời kỳ xuất hiện của chủ nghĩa tư bản (1953: 313). Từ quan niệm này của Stalin, trong một thời gian dài ở nước ta đã có những tranh luận học thuật về thời điểm hình thành dân tộc Việt. Dưới ảnh hưởng học thuật của Stalin, thậm chí có nhà nghiên cứu trước đây đã không thừa nhận sự tồn tại của người Việt với tính cách là một dân tộc trong các thời kỳ xã hội phong kiến. Nhìn lại các cuộc tranh luận này, nhà nghiên cứu Mạc Đường viết: "Điều tranh cãi tốn nhiều thời giờ nhất vào năm 1960 … là định nghĩa dân tộc của Staline và ở Việt Nam ai là dân tộc và ai chỉ là tộc người. Các cuộc trao đổi này thường không kết luận được gì và vô bổ vì có các đồng chí giận không nhìn mặt nhau một thời gian" (2003: 67).
Ở Liên Xô cũ, để định dạng cho các loại hình cộng đồng tộc người không thuộc thời kỳ phát sinh và phát triển của chủ nghĩa tư bản, và để bổ sung những điều Stalin không nói đến, các nhà dân tộc học Xô Viết đã đề ra một khung lý thuyết theo đó các cộng đồng tộc người được phân chia thành ba loại: bộ lạc, bộ tộc, và dân tộc. Bộ lạc là cộng đồng người tập hợp trên cơ sở quan hệ huyết thống và thuộc hình thái kinh tế xã hội công xã nguyên thủy. Bộ tộc tập hợp trên cơ sở cùng chung lãnh thổ cư trú và thuộc hình thái kinh tế xã hội phong kiến và chiếm hữu nô lệ. Dân tộc là cộng đồng người tập hợp trên cơ sở quan hệ kinh tế và thuộc hình thái tư bản chủ nghĩa. Mỗi loại hình cộng đồng tộc người, theo khung lý thuyết này, tương ứng với một hình thái kinh tế xã hội nhất định mà nhân loại đã trải qua trong lịch sử. Lý thuyết cộng đồng tộc người này đã rất phổ biến trong dân tộc học Xô Viết (Kozlov 1980: 124). Nó cũng rất phổ biến trong ngành dân tộc học ở nước ta trước đây. Ngoài ra, để khoác ý nghĩa cho tồn tại thực tế theo khung lý thuyết đó, một số nhà dân tộc học đặt ra hai khái niệm "bộ tộc xã hội chủ nghĩa" và "dân tộc xã hội chủ nghĩa" để chỉ các cộng đồng tộc người khác nhau ở nước ta (xem Bế V. Đẳng 1975: 75; Phan H. Dật 1975: 138). Tuy vậy, trong việc xác định thành phần dân tộc ở nước ta, khái niệm các hình thái kinh tế xã hội đã không giữ một vai trò nào cả.
Gần đây, tác giả Đặng Nghiêm Vạn nhận xét rằng trong định nghĩa về dân tộc của Stalin, không có sự phân biệt cần thiết giữa dân tộc mà Stalin hiểu theo nghĩa quốc gia dân tộc, một thực thể thường gồm nhiều tộc người, với dân tộc theo nghĩa một tộc người (buổi nói chuyện về vấn đề dân tộc và tôn giáo tại Viện Khoa học Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh, 22-7-2003). Trong công tác xác định thành phần dân tộc, một dân tộc phải được hiểu là một tộc người; do đó, những nội dung trong định nghĩa của Stalin không áp dụng được. Tác giả Mạc Đường đề nghị dùng từ dân tộc trong việc xác định thành phần dân tộc và "không nên mất thì giờ nhiều vào các thắc mắc thế nào là một dân tộc" (2003: 67).
II. Ý kiến của các nhà nghiên cứu về những tiêu chí xác định
thành phần dân tộc
1. Ngôn ngữ
Dù quan niệm rằng ngôn ngữ là yếu tố quan trọng, các nhà nghiên cứu dân tộc học không xem ngôn ngữ là tiêu chí duy nhất. Nói cách khác, cộng đồng ngôn ngữ và cộng đồng tộc người không phải luôn luôn trùng khớp nhau; hai nhóm người nói cùng một thứ tiếng không phải đương nhiên thuộc cùng một dân tộc. Đặng Nghiêm Vạn cho rằng dù đặc điểm ngôn ngữ là một yếu tố gợi ý rất quan trọng đối với công tác xác định thành phần dân tộc, chúng ta "không thể nào chỉ lấy ngôn ngữ để làm cơ sở cho việc xác định thành phần dân tộc" (Đặng N. Vạn kgn: 5). Khổng Diễn viết, "… trong tất cả các đặc trưng tộc người thì ngôn ngữ là quan trọng nhất song, nó không phải là tiêu chí duy nhất, vì hiện nay trên thế giới có những dân tộc nói hai, ba thứ tiếng và ngược lại, nhiều dân tộc lại chỉ nói cùng một thứ tiếng" (2002: 4). Thực tế tình hình dân tộc ở nước ta cũng cho thấy điều đó.
Tuy ngôn ngữ được xem là một tiêu chí quan trọng trong việc xác định thành phần dân tộc, không ai giải thích rõ ràng về cách vận dụng tiêu chí này như thế nào. Nhận xét về việc áp dụng tiêu chí ngôn ngữ từ trước đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng viết, "tiêu chí này không được áp dụng một cách nghiêm túc, nếu không muốn nói là tùy tiện" (2002: 112). Tác giả Nguyễn Văn Lợi cho biết không có nhà nghiên cứu nào nói rõ tiêu chí ngôn ngữ được vận dụng như thế nào, và trong việc giải quyết những trường hợp cụ thể, "các tác giả tỏ ra không nhất quán và lúng túng" (2002: 26). Ngoài ra, ông nhận xét, "mặc dù ai cũng thừa nhận tầm quan trọng của tiêu chí ngôn ngữ, nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề ngôn ngữ bị bỏ qua khi nhập hoặc tách các nhóm cư dân thành một (hoặc hai) dân tộc" (ibid.).
2. Đặc điểm văn hóa
Theo tác giả Bế Viết Đẳng, chính những đặc điểm văn hóa của một cộng đồng, chứ không phải văn hóa của họ nói chung, là cái làm cho họ khác với những cộng đồng khác (1975: 79). Đặng Nghiêm Vạn cũng chia sẻ quan điểm này và nhận xét rằng với mục đích tự phân biệt mình với các dân tộc khác, mỗi dân tộc có những cách riêng để biểu thị những nét văn hóa riêng của mình. Ông viết:
Người Sedang, Bahnar, Jeh không có họ trong tên gọi, nhưng để phân biệt nam nữ, tên của đàn ông Sedang và Jeh có chữ a đứng trước và tên của phụ nữ có chữ y đứng trước. Ngược lại, ở người Ede, tên nam giới có chữ y đứng trước còn tên nữ giới thì có chữ h đứng trước. Còn trong người Bahnar, tên người dù nam hay nữ đều không có từ nào đứng trước cả (Đặng N. Vạn kgn: 7).
Cách hiểu này về đặc điểm văn hóa đã đón nhận sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học ở nước ta. Quan điểm cho rằng chính đặc điểm văn hóa làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác cũng là một quan điểm được chấp nhận rộng rãi. Chẳng hạn, Nông Quốc Chấn và Huỳnh Khái Vinh nêu lên sự khác nhau giữa "văn hóa của tộc người" (là các yếu tố văn hóa mà một dân tộc nào đó đang có, bao gồm các yếu tố văn hóa truyền thống lẫn các yếu tố văn hóa ngoại lai) với "văn hóa tộc người" là các đặc trưng văn hóa phân biệt dân tộc này với dân tộc khác (2002: 123).
Trong một bản thảo năm 2003, Đặng Nghiêm Vạn khẳng định lại quan điểm này như sau: "… tiêu chí xác định về văn hóa là những đặc trưng trong lối sống văn hóa của tộc người, dân tộc, chứ không hẳn là tổng thể sinh hoạt văn hóa, cũng càng lại không phải là sinh hoạt văn hóa diễn ra thường ngày" (2003: 45, in nghiêng trong nguyên tác). Tuy nhiên, theo ông, những giá trị văn hóa chỉ mang tính tộc người, chỉ trở thành văn hóa đặc trưng "một khi chúng đã trở thành những biểu tượng sâu sắc in đậm trong tình cảm, trong tư tưởng của tộc người hay dân tộc" (2003: 43, in nghiêng trong nguyên tác). Đây là một nhận xét rất tinh tế, nhưng tiếc là tác giả đã không bàn đến việc vận dụng như thế nào tiêu chí đặc điểm văn hóa hiểu theo cách này trong việc xác định thành phần dân tộc. Ví dụ, người ta có thể hỏi: Trong rất nhiều biểu tượng được cảm nhận sâu sắc trong một nền văn hóa, người nghiên cứu biết chọn một hay những biểu tượng nào làm nét văn hóa đặc trưng cho dân tộc sở hữu nền văn hóa đó?
Đồng thời, một số tác giả lại nêu lên hiện tượng thực tế là qua quá trình giao lưu, tiếp xúc, nhiều dân tộc không còn giữ những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Tác giả Hoàng Lương lập luận rằng nếu căn cứ vào tiêu chí đặc điểm văn hóa thì "nhiều khi sẽ không còn đặc trưng nào để mà xem xét, nếu có cũng chỉ là sự hồi cố, phục chế lại" (2002: 70). Từ quan sát này, tác giả cho rằng "chúng ta không thể chỉ dựa vào các đặc trưng sinh hoạt văn hóa mà xác định các dân tộc" (sđd.: 71). Phan Hữu Dật cũng có một nhận xét tương tự và đặt câu hỏi, "Trong trường hợp văn hóa dân tộc đang trong quá trình bị mai một như người Xinh Mun hay người Ơ Đu, thì các dân tộc đó có còn là dân tộc nữa không?" (2002: 43). Nguyễn Khắc Tụng thì nhận xét rằng tuy các nhà nghiên cứu đồng ý lấy sinh hoạt văn hóa làm một tiêu chí xác định thành phần dân tộc nhưng họ lại không cho biết nên căn cứ vào văn hóa cổ truyền hay đương đại. Ông nói tiếp rằng nếu dùng văn hóa đương đại để so sánh thì "người Việt sẽ là người châu Âu, vì rằng họ mặc đồ Tây, ở nhà Tây còn có cả ngày 'sinh nhật', ngày 'tình yêu', đồ tang màu đen, tết Tây, Noel .…" Còn nếu đi tìm những yếu tố văn hóa cổ truyền của một dân tộc thì đó "là việc làm rất khó, nhất là hiện nay" (2002: 112-3).
3. Ý thức tự giác dân tộc
Quan điểm chung của hai cuộc hội thảo về vấn đề xác định thành phần dân tộc năm 1973 tại Hà Nội đặt yếu tố tự giác dân tộc lên trên đặc điểm văn hóa với hai lý do: 1/ Tại nước ta có những dân tộc đã "đồng hóa tự nhiên" vào các dân tộc khác về mặt văn hóa nhưng vẫn còn có ý thức mình là một dân tộc riêng; 2/ Bất cứ một đề nghị xác định thành phần dân tộc nào cũng cần phải được sự chấp thuận của cộng đồng người có liên quan (Bế V. Đẳng 1975: 81-82). Nhà nghiên cứu Phan Hữu Dật, chẳng hạn, đã phát biểu rằng khi nào một cộng đồng người còn có ý thức về mình là một dân tộc riêng thì cộng đồng đó vẫn tồn tại với tư cách là một dân tộc và chúng ta phải tôn trọng (1975: 146). Đặng Nghiêm Vạn đã viết rằng trong số các yếu tố ngôn ngữ, phong tục, hay những truyền thống văn hóa khác, "không có yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong công tác xác định thành phần dân tộc: vai trò quyết định được dành cho ý thức tự giác dân tộc …" (Đặng N. Vạn kgn: 7, in nghiêng trong nguyên tác). Tác giả nêu ra hai lý do: 1/ Chúng ta phải tôn trọng ước nguyện của dân tộc có liên quan; 2/ Trong một số trường hợp, ý thức tự giác dân tộc là tiêu chí duy nhất có thể dùng để xác định thành phần dân tộc của một cộng đồng dân cư (sđd.: 7, 19).
Quan điểm này cho đến gần đây vẫn còn được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Phan Hữu Dật khẳng định lại rằng trong ba tiêu chí xác định thành phần dân tộc, "tiêu chí quan trọng nhất, có tính chất cốt lõi, có ý nghĩa quyết định là ý thức tự giác dân tộc" (2002: 44). Khổng Diễn cho đây là tiêu chí "cực kỳ quan trọng, suy cho cùng lại là cái quyết định để xác định thành phần dân tộc" (2002: 4). Hoàng Lương viết, "So với tất cả các tiêu chí khác, ý thức tự giác tộc người là tiêu chí đáng tin cậy nhất …" (2002: 71). Ông còn lập luận rằng ngày nay ý thức tự giác dân tộc càng trở nên quan trọng hơn để phân biệt dân tộc mình với dân tộc khác trong xu thế chung các dân tộc xích lại gần nhau (sđd.: 72).
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, lời tự báo về thành phần dân tộc của một cộng đồng dân cư đều được mặc nhiên thừa nhận. Như vị lãnh đạo ngành dân tộc học lúc đó phát biểu trong một cuộc hội thảo về thành phần dân tộc năm 1973 ở Hà Nội, lời tự báo cần phải được xác định lại bằng công tác nghiên cứu dân tộc học (Bế V. Đẳng 1975: 86). Quan điểm này được khẳng định lại trong một bài viết khác của cùng tác giả vào năm 1978. Ông viết, "Mặc dù quần chúng nhân dân có quyền tự giải đáp câu hỏi về thành phần dân tộc của mình nhưng đối với chúng ta điều đó không có nghĩa là sự tự báo tự nhiên. Tự báo tự nhiên như nhiều trường hợp đã thấy gây ra sự lẫn lộn về thành phần tộc người … " (Dẫn trong Nguyễn V. Thắng 2002: 99). Nhiều năm sau đó, Đặng Nghiêm Vạn đã khẳng định lại quan điểm này khi ông viết rằng tôn trọng ý thức tự giác dân tộc của một cộng đồng người không có nghĩa là chấp nhận để cho cộng đồng người đó đưa ra một tuyên bố có tính chất tự phát. Thay vì vậy, lời tự báo phải là một sự chọn lựa được thông tin đầy đủ và đặt cơ sở trên những phát hiện khoa học (Đặng N. Vạn kgn: 19). Ngoài ra, có nhà nghiên cứu nhận xét rằng trong thực tế, không phải lúc nào ý thức tự giác dân tộc cũng được tôn trọng triệt để (xem Nguyễn V. Thắng 2002: 98-100; Nguyễn K. Tụng 2002: 113).
Một số nhà nghiên cứu đặt vấn đề vận dụng tiêu chí này như thế nào cho đúng trước sự kiện thực tế là thành viên của một dân tộc có thể thay đổi ý thức tự giác dân tộc của mình "vì quyền lợi kinh tế, chính trị hoặc là do mặc cảm tự ti …" (Nguyễn K. Tụng 2002: 113). Ví dụ, ở huyện Ba Vì, một số người Việt tự báo là người Mường vì người Mường được chính quyền địa phương cho hưởng một số ưu đãi như được tự do nấu rượu, không phải đóng học phí cho con đi học, học sinh được nâng điểm khi dự thi vào các trường trung cấp hay đại học (sđd.: 113-4). Nguyễn Văn Thắng đã kể lại quá trình những người Việt họ Trịnh ở tỉnh Lạng Sơn tự nhận là người Miểu để được hưởng những chính sách ưu tiên của nhà nước khi khu tự trị Việt Bắc được thành lập vào năm 1956 (2002: 100). Bùi Minh Đạo cũng nêu nhận xét tương tự và đưa ra những ví dụ sau: có tình trạng mà tác giả gọi là "thiểu số hóa người Kinh" ở một số vùng thuộc tỉnh Bắc Giang; một bộ phận người Thái và người Khơ Mú ở Tây Nghệ An muốn tự báo là người Ơ Đu; một số hộ gia đình người Gia Rai và Xơ Đăng ở Tây Nguyên muốn tự báo là Rơ Măm hay Brâu (2003: 20).
Trong phát biểu khai mạc cuộc hội thảo tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 10-2002 về những tiêu chí xác định lại một số dân tộc ở Việt Nam, ông Viện trưởng Viện Dân tộc học cho biết Viện Dân tộc học (đặt trụ sở tại Hà Nội) thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đang thực hiện một dự án nghiên cứu của Chính phủ nhằm điều tra xác định lại một số thành phần dân tộc trong nước. Ông cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án là cụ thể hóa ba tiêu chí xác định thành phần dân tộc đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là có giá trị . Có lẽ đây là một thách thức lớn đối với những người lãnh đạo việc thực hiện dự án này, bởi vì các nhà nghiên cứu có vẻ dễ đồng ý với nhau về nguyên tắc phải dùng cả ba tiêu chí hơn là về nội dung cụ thể của từng tiêu chí.
ª
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
Bế Viết Đẳng
1975 "Về danh mục các dân tộc thiểu số ở miền bắc nước ta." Trong Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền bắc Việt Nam. Viện Dân Tộc Học chủ biên. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 71-97.
1984 "Sự phân bố dân cư, lược sử các thành phần tộc người và truyền thống dựng nước, giữ nước." Trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía nam). Viện Dân Tộc Học chủ biên. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 26-44.
Bùi Minh Đạo, chủ biên
2003 Một số vấn đề giảm nghèo ở các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Dự thảo luật Dân tộc lần thứ 7. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, bản đánh máy, không ghi ngày.
Đặng Nghiêm Vạn
kgn "Ethnic identification in Vietnam: Principles and processes" (bản tiếng Anh do Ronal Proschan dịch). Bản thảo.
2003 Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam đa tộc người. Bản thảo.
Đề cương giới thiệu luật Dân tộc và những vấn đề cần lấy ý kiến. Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, bản đánh máy, không ghi ngày.
Hoàng Lương
2002 "Những tiêu chí tạo nên một tộc người". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 62-73.
Khổng Diễn
2002 "Một số vấn đề về xác định lại thành phần dân tộc ở Việt Nam". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 1-15.
Kozlov, Victor I.
1980 "The classification of ethnic communities: the present position in the Soviet debate." Ethnic and Racial Studies 3 (2): 123-139.
Lưu Hùng
2002 "Về tiêu chí xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam hiện nay". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 59-61.
Mạc Đường
2003 "Trao đổi về tiêu chuẩn xác định thành phần dân tộc". Tạp chí Dân tộc học, số 1 - 2003, tr. 65-67.
Nguyễn Khắc Tụng
2002 "Bàn về tiêu chí xác định thành phần các dân tộc Việt Nam". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 111-115.
Nguyễn Văn Lợi
2002 "Vấn đề ngôn ngữ trong việc xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 16-37.
Nguyễn Văn Thắng
2002 "Thành phần tộc người nhóm Miểu và vấn đề áp dụng các tiêu chuẩn phân loại tộc người". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 90-102.
Nông Quốc Chấn và Huỳnh Khái Vinh, đồng chủ biên
2002 Văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
Phan Hữu Dật
1975 "Về quá trình phát triển các tộc người ở miền bắc Việt Nam." Trong Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền bắc Việt Nam. Viện Dân Tộc Học chủ biên. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 136-80.
2002 "Bàn thêm về tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam". Trong kỷ yếu Hội thảo bàn về tiêu chí xác định lại thành phần một số dân tộc ở Việt Nam. Viện Dân tộc học - Viện Ngôn ngữ học, tr. 41-44.
Stalin, J.V.
1953 Works, tập 2. Moscow: Foreign Languages Publishing House.
Trần Hữu Tiến, Nguyễn Ngọc Long, và Nguyễn Xuân Sơn
2002 Quan hệ giai cấp - dân tộc - quốc tế. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.