DỊCH THUẬT
OSCAR WILDE
DE PROFUNDIS
( Bản dịch tiếng Việt của Đỗ Nguyễn từ bản dịch tiếng Pháp « Le Cœur à Nu » của Léo Lack, đối chiếu với nguyên tác tiếng Anh ).
Oscar Wilde là một nhà soạn kịch, nhà văn, thi sĩ danh tiếng người Ái nhĩ Lan. Ông sinh năm 1854 tại Dublin, Ái nhĩ Lan và mất tại Paris năm 1900 lúc 46 tuổi. Ông đã sống trọn đời dưới triều đại nữ hoàng Victoria, thời đại cực bảo thủ và quan hệ đồng tính luyến ái bị xem là một trọng tội.
Sinh trưởng trong một gia đình phú quý đạo Tin Lành, cha ông là bác sĩ tài giỏi và mẹ là thi sĩ; Oscar Wilde đã luôn là một học sinh ưu tú từ bé cho đến lúc học xong đại học ở Oxford, nơi ông đã tự tạo cho mình một hình ảnh công tử độc đáo trong khuynh hướng duy mỹ qua cách phục sức khác biệt đầy tính nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp, ông quyết định sống ở London, làm tổng biên tập cho báo Woman’s Daily cùng lúc sáng tác thơ và soạn kịch bản … Ông lập gia đình với Constance Lloyd, một phụ nữ xinh đẹp quyền quý đồng thời là người ái một văn chương của ông vào năm 1883 và có hai con trai là Cyril và Vyvyan. Sau đó, Wilde gặp Robert Ross (Robbie), một chàng trai trẻ, nhà báo vào năm 1886, người bạn rất yêu thương ông và sẽ trung thành nhất với ông cho đến sau này.
Oscar Wilde vào năm 1879
Năm 1891, Oscar Wilde gặp Lord Alfred Douglas (Bosie), một thi sĩ và cũng là nhà thể thao, Wilde và chàng trai trẻ này yêu nhau rồi thật sự sống cuộc đời buông thả không cần che giấu trước xã hội. Nhưng hầu tước Queensberry, cha của Douglas không chấp nhận mối quan hệ này và đã kiện Oscar Wilde theo đạo luật đồng tính luyến ái. Wilde bị lãnh án hai năm tù khổ sai và bị tịch thu tài sản.
Sau khi ra tù, ông qua Pháp sống một thời gian ở Normandie rồi về Paris, sống trong cảnh thanh đạm với sự giúp đỡ của bạn bè, đặc biệt là André Gide, một văn hào Pháp. Wilde đổi tên thánh là Sebastian. Năm 1900, ông qua đời vì bệnh viêm não sau khi được rửa tội bởi một cha xứ đạo Công giáo người Ái Nhĩ Lan. Ông được chôn cất ở Bagneux rồi sau đó mộ ông được rời về nghĩa địa Père Lachaise, Paris, cùng nơi an nghỉ của nhiều nghệ sĩ tiếng tăm như Chopin, Apollinaire, Marcel Proust, Jim Morisson … Sau này, khi Robert Ross chết, hài cốt sẽ được chôn cùng mộ của Wilde.
Tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde là quyển “Chân dung của Dorian Gray” mà nhân vật chính là hình ảnh của Douglas, một tác phẩm gây chấn động về mặt tư tưởng, đã là công cụ cho tòa án dựa vào những yếu tố đầy tính cách đồng tính luyến ái để buộc tội ông. Ngoài ra, Wilde đã viết nhiều kịch bản, thơ và truyện cho trẻ em. Lúc ở trong tù, ông đã thực hiện “ De Profundis ”, một lá thư dài ông viết cho Douglas để bộc lộ nỗi đau đớn bị hủy diệt tất cả, từ thanh danh, đời sống cho đến tâm hồn chỉ vì tình yêu vô biên ông đã có với chàng trai trẻ. Tác phẩm này sẽ được in và phổ biến bởi Robert Ross.
Nhà thờ không chấp nhận con người nghệ sĩ và cách sống của ông nhưng những năm sau này, tòa thánh Vatican đã đưa ra nhận định : “ Oscar Wilde là một thiên tài vĩ đại, người của những cảm xúc lớn mà đằng sau những trang viết đầy ánh sáng và tấm mặt nạ phù phiếm là sự am hiểu sâu sắc về những giá trị bí ẩn của cuộc sống.”
Bosie yêu mến,
Sau chuỗi ngày trông ngóng vô vọng, tớ đã quyết định viết cho cậu, về cái lợi của cậu cũng như của tớ, vì thật khốn khổ cho tớ khi nghĩ mình phải lãnh đủ hai năm dài tù ngục mà sẽ chẳng nhận được một dòng nào từ cậu, chẳng một tin tức, cũng chẳng một lời nhắn nhủ nào trừ những gì làm cho tớ khổ não …
Tình bạn bi thảm tàn khốc của chúng ta đã chấm dứt với tớ bằng sự phá sản và hổ thẹn cực kỳ, nhưng mà kỷ niệm của tình thân ái cũ vẫn còn trong tớ và làm nẫu ruột với ý tưởng rằng sự gớm ghiếc, nỗi chua chát và sự khinh bỉ có thể đã chiếm hết cả chỗ của tình yêu trong tim tớ! Và bản thân cậu, tớ tin là, sẽ cảm thấy trong lòng cậu rằng viết cho tớ thì vẫn hơn là trong lúc tớ tiều tụy trong cô đơn của nhà tù mà cậu cứ lo in những thư từ của tớ không cần xin phép hay đề tặng những bài thơ mà chẳng thèm hỏi gì tớ … Người đời đâu cần hiểu gì về những từ ngữ của đau đớn và đam mê, của sầu hận hay tàn nhẫn, điều mà cậu chọn lựa để có câu trả lời cho riêng cậu mà thôi.
Trong bức thư này tớ phải nói về cuộc đời của cậu cũng như cuộc đời của tớ, về dĩ vãng và tương lai ; những gì ngọt ngào trở thành chua chát và những đắng cay có thể sẽ trở thành hoan lạc, tớ đoan chắc là nhiều điều tớ nói đến sẽ làm tổn thương ngay cái thói huênh hoang của cậu. Nếu cậu có cảm giác bị buộc tội một cách phi lý, cậu hãy nhớ giùm cho là chỉ vì những lỗi lầm mà người ta có thể bị hàm oan! Nếu có điều gì xảy ra làm cho cậu rưng rưng nước mắt, khóc như thể ta khóc lúc bị ở tù, không những ban đêm mà ngay cả ban ngày hay bất cứ lúc nào có thể khóc. Đấy là điều duy nhất có thể cứu rỗi cậu đấy! Nếu cậu than thở với bà Bô cậu như đã từng làm, về việc tớ khinh rẻ cậu trong lá thư của tớ gửi Robbie để mà, vì những lời nịnh nọt của bà, bà còn hỗ trợ thêm cái tự ái của cậu thì cứ xem như cậu sẽ hoàn toàn lạc lối đấy! Nếu cậu cho rằng sự tạ tội là sai lầm thì cậu sắp thấy đấy là cả trăm lần và cậu sẽ vẫn như hồi đó thôi! Cậu có còn ngụy biện được hay không như cậu đã nói với Robbie trong câu trả lời của cậu rằng tớ đã « bồi thêm cho cậu những hổ thẹn nhục nhã »? Ra thế! Cậu đã chẳng có gì gọi là tiến bộ trong đời này ngoài cái thói thích nhậu nhẹt! Tiến bộ là mục đích của tri thức đấy! Cậu lại còn bào chữa là cậu đã « quá trẻ » lúc tình bạn của bọn mình bắt đầu à? Khuyết điểm của cậu không phải là biết ít quá mà là biết khá nhiều về cuộc đời này.
Buổi đầu tiên của tuổi dậy thì, sự phát triển một cách nhạy cảm của nó, ánh sáng trong trẻo tinh khiết của nó, niềm vui chứa đầy những hồn nhiên và ngóng đợi, đã xa khuất cậu rồi! Bằng một bước chân nhẹ nhàng và nhanh chóng, cậu đã đi từ Mộng Mơ đến Thực Tế. Con suối với những gì lúc nhúc trong đó đã bắt đầu hấp dẫn cậu đó mà … Đấy chính là nguồn cội của những khó khăn làm cậu phải nhờ vả đến tớ và tớ thì chẳng hề thận trọng khôn khéo như người đời, mà chỉ bằng tình thương và lòng tốt, tớ đã đến với cậu đó thôi!
Cậu phải đọc cho hết lá thư này đấy nhé, dù rằng mỗi một chữ đối với cậu có thể là cái nhiệt kế của người bác sĩ mổ làm cháy da thịt hay đấy là con dao bén làm chảy cả máu. Cậu cứ nghĩ đi : thằng điên dưới mắt thánh thần rất khác với thằng điên trong mắt bàn dân thiên hạ! Thằng nào hoàn toàn u tối trước sự thịnh hành của nghệ thuật trong tính cải cách của nó hay những sắc màu tư tưởng trong sự thăng hoa của nó, nguồn thơ Latin hay điệu nhạc du dương nhất của hệ thống âm thanh Hy Lạp, ngành điêu khắc ở trung tâm Ý Đại Lợi hay tiếng ca nữ hoàng Anh quốc đều có thể chứa đựng sự tinh xảo đáng quý nhất … là thằng điên thật sự, là thằng mà các thánh đức khinh rẻ và loại bỏ, là thằng chẳng hiểu biết gì về chính bản thân nó ráo trọi! Tớ đã là cái thằng ấy quá lâu. Cậu cũng đã chẳng hơn gì. Đừng như thế nữa! Đừng sợ sệt gì cả! Thói xấu xa tột đỉnh là sự nông cạn. Tất cả những gì được thấu hiểu đều tốt. Hãy hiểu rằng đối với cậu điều khổ sở nhất là đọc, và với tớ, điều kinh khủng nhất là viết. Những quyền lực vô hình đã luôn rất tốt cho cậu. Chúng đã cho phép cậu được nhìn thấy những hình thức kỳ lạ và bi đát của cõi sống như những bóng mờ của pha lê. Cậu không thấy được cái đầu của loài sứa biến thành hòn đá sống trong gương soi. Cậu đã bước đi một cách thư thái giữa những loài hoa. Nhưng tớ đã bị tước đoạt cả một thế giới tuyệt vời của màu sắc và của sự chuyển hoá.
Tớ sẽ bắt đầu tất cả bằng cách nói cho cậu biết rằng tớ đang tự sỉ vả mình ghê gớm. Trong cái nhà giam nhỏ xíu tối om om này, với bộ vó thằng tù khổ sai, mất danh dự và sạt nghiệp, tớ đang tự dằn vặt mình đây! Qua những đêm dài phiền muộn rối loạn và bất an ; qua những ngày dài đơn điệu đau khổ. Tớ oán trách mình. Tớ ân hận đã để cho cái tình bằng hữu không có chút gì là tương đương về tri thức, một tình bạn - mà mục đích thực sự đã không phải là sự hình thành và chiêm ngưỡng những gì hoa mỹ - chế ngự hoàn toàn đời tớ. Ngay từ đầu, giữa chúng ta đã là một vực thẳm. Cậu đã lười như hủi hồi còn ở trung học và cậu còn lười hơn lúc vào đại học. Cậu đã không hiểu nổi rằng một nghệ sĩ, nhất là một thằng nghệ sĩ độc đáo như tớ, có nghĩa rằng thằng nghệ sĩ mà cái chất lượng của tác phẩm tùy thuộc vào sự mãnh liệt thêm của từng nhân vật, đòi hỏi cho sự phát huy tính chất nghệ thuật của nó, một tính cách chung về tư tưởng, một bầu không khí của trí tuệ, sự bình lặng thanh thản và nỗi cô đơn. Cậu trầm trồ tác phẩm của tớ khi nó được hoàn thành. Cậu lấy làm hoan hỉ với thành công sáng chói về những tác phẩm của tớ đêm đầu tiên và những yến tiệc linh đình tiếp theo đó … Cậu tự hào lắm, và đương nhiên, khi được làm bạn thân của một nghệ sĩ tài hoa đến thế, nhưng cậu không thể hiểu được những điều kiện cần thiết cho sự sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật là gì? Tớ chẳng cần dùng những lời phóng đại của thuật hùng biện mà chỉ là những từ ngữ của sự thật tuyệt đối thôi : nếu tớ nhắc nhở cậu rằng, trong suốt thời gian tụi mình ở cạnh nhau, tớ đã chẳng hề viết nổi một dòng nào, điều đó thật chính xác, đúng không nào? Dù cho ở Torquay, ở Goring, ở London, Florence hay bất cứ nơi nào khác, cuộc đời tớ, lúc nào có cậu một bên, xem như hoàn toàn bế tắc. Và ngoại trừ thỉnh thoảng những lúc thật hiếm hoi, tớ rất tiếc phải nói rằng, cậu đã cứ luôn ở cạnh tớ.
Cứ lấy một thí dụ trong bao nhiêu thí dụ khác, tớ nhớ như in rằng vào tháng chín năm 1893 tớ đã thuê một căn hộ đầy đủ tiện nghi chỉ để làm việc mà không bị quấy rầy vì tớ đã thất hứa trong hợp đồng với John Hare, người mà tớ đã hứa viết cho một vở kịch và hắn đã thôi thúc tớ viết cho xong. Trong suốt tuần lễ đó, cậu đã giữ khoảng cách. Tụi mình đã bất đồng ý kiến (chẳng vì lý do nào, thật tình mà nói) về vấn đề giá trị nghệ thuật bản dịch « Salomé » của cậu. Thế là cậu đã chẳng ngần ngại gửi cho tớ những bức thư khả ố về chủ đề này. Trong suốt tuần lễ đó, tớ cứ cặm cụi viết và hoàn thành mọi chi tiết, đến nỗi sau này nó trở thành cảnh một của kịch bản « Anh Chồng Lý Tưởng ». Rồi ngay tuần lễ thứ hai thì cậu lù lù xuất hiện và hầu như tớ đã phải bỏ dở công việc. Sáng nào tớ cũng đến quảng trường Saint James vào lúc 11 giờ 30 để có điều kiện suy nghĩ và viết để khỏi bị sự đứt quãng khó tránh được ngay trong chỗ ở của mình dù là thật yên tĩnh. Nhưng dự định này xem như không. Vào ngay giữa trưa, cậu lại tạt qua, ở lại và hút thuốc, nói chuyện tào lao cho đến 1 giờ 30 là lúc tớ phải đưa cậu đi ăn trưa ở Café Royal hay ở Berkeley. Bữa ăn trưa, được tưới bằng rượu mạnh, thông thường kéo dài đến 3giờ 30. Rồi cậu rút về White’s Club khoảng một tiếng, đến giờ uống trà, cậu lại xuất hiện, rồi ngồi đợi đến lúc thay đồ để đi ăn tối.
Ăn tối với nhau tại nhà hàng Savoy, nghĩa là ở Tite Street. Mình chỉ chia tay vào lúc nửa khuya, bởi vì ăn tối ở Willis ý nghĩa rằng phải tôn vinh cái ngày tuyệt diệu đó!
Trong ba tháng liền, đấy là mỗi ngày tớ sống, trừ đúng có bốn ngày cậu ra ngoại quốc mà thôi. Tất nhiên sau đó, tớ đã phải băng qua tận Calais để rước cậu về. Đối với một thằng đàn ông tính khí như tớ, thật đấy là một cảnh sống vừa rởm đời vừa bi thảm.
Bây giờ thì cậu phải hiểu giùm, cậu phải thấy cho là cậu không có khả năng sống một mình, cái thói khăng khăng hạch sách sự chú tâm và thời giờ của kẻ khác vào cậu, sự thiếu tập trung tri thức tuyệt đối một cách khó khăn ; cái khổ ấy (mà tớ tin là không gì khác hơn), cho đến giờ, là sự ngăn cản khiến cậu không thể đạt được « phẩm chất Oxford » cho những gì thuộc về tri thức. Tớ muốn nói, bởi cậu đã chưa bao giờ có khả năng xử lý một cách tao nhã những tư tưởng, mà chỉ biết diễn tả một cách thô bạo, tất cả những điều này, liên quan đến những khao khát và lợi lộc của cậu cho đời sống chứ không vì nghệ thuật, đã là cái hại cho sự mở mang kiến thức của cậu cũng như tác phẩm nghệ thuật của tớ … Khi tớ so sánh tình bạn của tớ và cậu với tình bạn của tớ cùng những bạn trẻ hơn, như John Gray và Pierre Louys, tớ cảm thấy xấu hổ quá! Cuộc đời thật sự của tớ, cuộc đời thanh cao hơn, là với họ và những người như họ.
( còn tiếp )