(Đọc bài thơ Làng Nguyệt* của Từ Sâm)
May mắn thay cho ai sinh ra và lớn lên luôn có làng để thương về. Bởi trong tâm thức người Việt, làng là điểm tựa tinh thần, là nơi cuống nhau ta chôn, là nơi nấm mồ tiên tổ, là huyết mạch cuộc đời. Linh hồn, tâm thức người Việt gắn với làng. Bởi thế mà người con xa xứ tha phương không có nỗi niềm nào day dứt xót xa hơn nỗi nhớ thương làng. Từ Sâm trong muôn vàn cách trở ấy đã dâng tặng làng, dâng tặng đời bài thơ Làng Nguyệt. Cùng rất nhiều ghi chép, hồi ức, câu chuyện và nhiều bài thơ khác về làng, Làng Nguyệt là một phần trong tình yêu đau đáu Từ Sâm dành cho quê hương.
Mạch cảm xúc của Làng Nguyệt dẫn người đọc đi trong nỗi nhớ theo dòng thời gian; từ suy tư về gốc làng đến những kí ức đằm sâu thao thiết và ngưng đọng cuối là ước mong ngàn đời được tan chảy/ hóa thân trong bầu khí quyển làng quê. Bài thơ như được bao bọc trong sương, một thứ khói sương xa xăm buồn nhớ giăng mắc mỗi sớm mỗi chiều, chạm đến ẩn ức người viễn xứ.
Tìm về cội nguồn xa xưa của làng, Từ Sâm chọn bắt lấy hai yếu tố: tên làng, giếng làng. Tên làng có từ đâu? Mạch sống làng có từ đâu? Những vỉa tầng văn hóa được khám phá từ câu hỏi ấy:
“Những tiền nhân ngày đầu mở đất
đêm thao thức cùng trăng…
đặt Nguyệt áng – tên làng?
và tìm được trong hoang vu – mạch nước
nên giếng làng – tên gọi – giếng Hoang? ”
Trả lời ngẫm ngợi trăn trở về gốc làng bằng hai câu hỏi mang tính giả thiết, có lẽ với tác giả, đó là giả thiết có tính đúng cao nhất. Hay tâm hồn thi nhân đã đồng điệu với tiền nhân trong dòng chảy của hồn đất hồn quê? Hành trình mở cõi về phương Nam của người Việt trong muôn trùng gian khó và cay đắng vẫn vút lên vẻ đẹp tài hoa. Cho nên làng mang tên Nguyệt Áng. Một áng Trăng. Từ Sâm gọi một cách thân yêu: làng Nguyệt. Tên làng đẹp quá. Tên làng là cả một niềm mơ. Không thể nào không nhớ tới Nguyệt ca của Trịnh Công Sơn : Từ trăng xưa là nguyệt, lòng tôi có đôi khi/ Tựa bông hoa vừa mọc, hân hoan giây xuống thế…
Nếu tên làng là đặc điểm để nhận diện, phân biệt làng ở bên ngoài thì mạch nước là vận mệnh, là sự sống, là vận khí của làng ở bên trong... Giữa một vùng đất đồng nước phèn và mặn, mạch nước ở giếng Hoang ngọt mát trong lành, là nguồn sống của làng Nguyệt bao đời. Tinh hoa trời đất hội tụ trong cõi thực và cõi thơ. Gốc làng cũng chính là hồn làng. Đoạn thơ vừa là niềm trân trọng, lòng biết ơn vô bờ, niềm cảm phục của Từ Sâm với tiền nhân, vừa ẩn chứa niềm tự hào thầm kín.
Là một vùng đồng bằng nằm giữa núi và biển, làng Nguyệt nghiêng mình như một vành trăng, khuyết phía Tây, bồi bên Đông. Nơi đây có ba dòng họ chính cùng một miếu thờ chung, cùng dựng nghiệp làng:
làng ba họ- ba chân kiềng chụm lại
Nguyễn-Từ -Lê- nhang khói một miếu thờ
nằm hai phía chở che vuông cạnh
hướng gió nam về…
hướng gió nồm lên …
lưng dựa Trường sơn
chân bước ra biển cả
nắng chưa kịp lùi bão lụt đã kề bên
Ngoảnh về phía Tây là trập trùng núi biếc, phía Đông là biển cả mênh mông; làng Nguyệt thuộc dải địa hình hẹp nhất của đất Việt là một vùng đầy gian khó nhọc nhằn, đầy thiên tai bất trắc. Nhưng làng Nguyệt thật khí phách, thật kiên cường: “lưng dựa Trường Sơn/ chân bước ra biển cả”. Hình ảnh tựa núi gợi ra vẻ vững chãi. Còn bước ra biển cả là khát vọng, là ý chí vươn xa. Người làng Nguyệt vốn được biết đến bởi sự thông minh, ham học, tính cách khí khái, giàu khát vọng. Trong gian khó, người vừa cần mẫn dựng làng, vừa mạnh mẽ tự tin bước ra thế giới, lan tỏa tinh thần của làng.
Phần lớn bài thơ là những mảnh ghép của nỗi nhớ đồng, của kí ức tuổi thơ.
đồng như mảnh vá màu sương khói
sông như trôi thong thả cánh buồm
tiếng chim hót xôn xao từ rú Rậm
tiếng cuốc kêu thăm thẳm cồn Đồng
trưa trâu đằm sóng mơn man bàu Chỉnh
tôm búng theo đàn hoàng hôn thả bàu Su
tiếng cá quẫy bàu Kiệt ngày trở gió
tiếng ếch gọi bầy sàn sạt ruộng Trưa
trên mái tranh chim sẻ về làm tổ
cu roộc ru trưa trên luỹ tre làng
đom đóm như sao sa mùa gặt
chuồn chuồn vừa bay vừa ngủ mơ màng
Đoạn thơ họa nên một bức tranh khung cảnh làng quê. Không gian nền là ruộng. Những mảnh ruộng miền Trung manh mún như dệt, như vá thành tấm áo làng. Chảy dọc bức tranh là sông Long Đại đến đoạn này đã hóa êm đềm. Cùng với đồng, sông, ruộng là bàu, cồn. Và một sinh quyển đồng trỗi dậy đậm đặc sống động trong từng câu chữ. Đó là chim, cuốc, sẻ, cu roộc, là tôm, cá, ếch, là đom đóm, chuồn chuồn… Kí ức lần giở/ nhìn ngắm/ lội vào/ trằn mình/ ôm lấy những tên đất thân thương, yêu dấu : bàu Chỉnh, bàu Su, bàu Kiệt, cồn Đồng, cồn De, ruộng Nà, ruộng Trưa, Đùng điềm, rú Rậm … Trong tâm tưởng luôn ngoảnh lại phía cội rễ, gốc gác, nỗi làng hót, kêu, quẫy, gọi, bật lên. Ôi làng của thuở xa xưa ! Nỗi nhớ chất chứa trong trường từ láy/ từ ghép/ điệp âm: thong thả, xôn xao, thăm thẳm, mơn man, sàn sạt, mơ màng, hoàng hôn, đom đóm, sao sa, chuồn chuồn… trùng trùng kéo về như bao bọc con người. Nỗi nhớ nối con người với làng. Làng nối con người với dân tộc, với đất trời miên viễn. Hai câu thơ cuối giãn ra với nhiều thanh bằng mềm mại “đom đóm như sao sa mùa gặt/ chuồn chuồn vừa bay vừa ngủ mơ màng” như ru ta chìm vào cái yên ả thanh bình êm ái ngàn đời làng quê.
Đồng tựa lưng vào núi, nên thương đồng còn là nhớ núi, nhớ rú, nhớ ngàn. Nơi ấy ta ra đời và lớn lên nên nỗi nhớ thương làng chính là thương cha nhớ mẹ. Sinh cảnh làng, gia cảnh người làng những năm tháng ấy gắn liền với cái đói nghèo khổ cực. Làng, cha mẹ và nghèo đói quyện vào nhau. Lời thơ day dứt niềm cảm thán:
câu hát mẹ tôi “thứ nhất Đồng nai thứ nhì hai huyện “
sao tháng giêng về đói cả lời ru ?
Những ngày đói khổ đến cả lời ru em/ ru con cũng thắt thẻo, lời thương lời yêu cũng nhọc nhằn. Mẹ tất tả với hai vồng rau muống chạy chợ Cổ Hiền; Cha đẫm mồ hôi với gánh củi từ rào Trù rào Đá. Quen thuộc và thương làm sao cảnh cha cày mạ cấy roọng su ngập nước, đồng cồn nẻ chân chim! Vậy mà lòng người con thơm mãi mùi bánh rán mỗi hôm chờ mẹ đi chợ về, ngọt vị dâu thanh cha giắt bên bó củi! Dư âm tuổi thơ, hương vị tuổi thơ đọng mãi trong lòng mà năm tháng không thể phôi pha.
Cái đói khổ dai dẳng đeo đẳng người Việt hàng trăm năm hiện lên cụ thể hữu hình trong hình ảnh những đứa trẻ quê :
ngày chưa rạng ra Đùng điềm mót lúa
tối ôm củ khoai hà
ngủ cạnh đùn rơm
ngày hai bữa vơi lưng cháo loãng
lén đổ nước thêm…
nồi cháo cho đầy…
mẹ nghèo nên khô khan dòng sữa
tôi uống nước giếng làng pha bột sắn , bột khoai
tôi lớn lên , làng thêm vất vả
cây sau vườn đứng dựa vào nhau
mái tranh dột chưa một lần thay mới
và thời gian – sương khói cũng pha màu
Thơ nghiêng về kể. Những mảnh nhớ ghép thành tháng năm, thành tuổi thơ, thành một phần đời. Nối vào nhau đằng đẵng mỏi mòn cũ kĩ. Đến cả những cái cây neo giữ hồn làng, hồn người cũng đứng dựa vào nhau - gầy gò, khẳng khiu, ngoi ngóp, bám víu lấy sự sống. Làng buồn quá, như một bức tranh khổ rộng với những gam màu xám hắt hiu, như bóng chiều mùa đông đổ mãi xuống ngày.
Kí ức về làng làm hiện lên lịch sử dân tộc Việt một thời - đói khổ, chiến tranh, li biệt:
trọn cuộc chiến tranh
bom nổ hố sâu tôi nằm võng cạn
tiếng khóc biệt ly át tiếng bom gầm
bao căn nhà không bao giờ đỏ lửa
những đứa trẻ một đời không tiếng mẹ ru đêm
làng thổn thức đêm đêm người ra trận
những hồn thiêng lặng lẽ trở về
Những câu thơ chứa tiếng khóc thầm nghẹn ngào. Nỗi đau, nỗi mất mát của chiến tranh trước hết và cao hơn hết là nỗi đau sinh mệnh, nỗi tử biệt. Nỗi đói nghèo sẽ qua, nhưng nỗi đau mất người thân thì ở lại đời đời. Đặc biệt ám ảnh là những căn nhà không đỏ lửa, những đứa trẻ không lời mẹ ru đêm. Cái thiếu khuyết tận cùng của sự sống (lửa), của tình yêu (mẹ) ấy thì điều gì có thể bù đắp được?
Hồi ức làng và chiến tranh dừng lại ở hình ảnh người ra trận/ hồn thiêng trở về. Nhịp thơ hài hòa mà ý thơ trái nghịch: ra đi thì hữu thanh (thổn thức) mà trở về thì vô thanh (lặng lẽ). Lời thơ/ ngữ âm trái nghịch (thổn thức – lặng lẽ/ ra trận – trở về) mà ý thơ/ ngữ nghĩa đồng nhất: người của làng Nguyệt ra trận vì làng vì nước, thì trở về hóa thân vào hồn thiêng của làng, là người con của làng vĩnh cửu.
Tinh hoa trời đất biểu hiện ra ở con người. Bài thơ dành riêng một đoạn để viết về những phận người làng Nguyệt:
người cầm súng một đời nơi lửa đạn
người chong đèn theo sách canh khuya
người gửi lại xương tàn nơi quê lạ
người thành danh -tiến sĩ - vinh qui
bùn đất cũ theo người về quê mới
hạnh phúc bắt đầu từ nước mắt chia ly
Mỗi người một phận số. Từ Sâm chú ý tới những phận số rời làng. Người cầm súng, người đèn sách; người mất kẻ còn; người nằm lại nơi viễn xứ, người vinh qui bái tổ… Nếu người ở lại góp phần gìn giữ văn hóa làng, nếp làng thì có lẽ, những người rời làng góp phần nối dài, mở rộng, làm giàu có và phong phú thêm vốn văn hóa ấy. Tinh thần làng Nguyệt nằm trong mỗi phận người, lại là tổng thể những phận người.
Tháng bảy, “làng như tổ ong mùa hoa trái” mỗi năm đến ngày giỗ tổ ông cha. Trong đời sống tâm linh người Việt, ngày giỗ làng có ý nghĩa kết nối rất lớn: người được nối với người, buồn vui nối với buồn vui; người được nối với làng, với sợi dây neo tình nghĩa, với cội nguồn. Tháng bảy của làng Nguyệt trở thành thời điểm “hồn núi sông hội tụ” và nối dài mãi tới muôn sau.
Người xa làng, xa cây nhưng luôn nhớ cội. Nhà thơ thương mãi bóng song thân:
nơi mẹ tôi nằm sương khuya còn lạnh
nơi cha tôi nằm nắng quái chiều hôm
Và nuôi lớn khôn nguôi nỗi khát được trở về:
ở phố thị giấc mơ tôi chia nửa
như gió vẫn reo tìm chẳng thấy buồm
tôi chỉ ước khi mình là hạt bụi
đậu xuống phù sa nơi cây lúa quê nhà
trăm lời hứa chỉ là mộng ảo
xin hãy một lần nâng mảnh đất làng ta
Bối cảnh của nỗi ước là “phố thị” (từ “phố thị” trong bài thơ như một người đi lạc). Nơi ấy không phải là quê, nơi ấy nhà thơ chẳng thuộc về. Cho nên câu thơ dùng dằng chia nửa bởi những mến yêu duyên nợ. Người mơ giấc mơ “khi mình là hạt bụi/ đậu xuống phù sa nơi cây lúa quê nhà”, lại thuộc về ruộng đồng xứ sở dấu yêu. Mỹ cảm của Từ Sâm luôn nghiêng về phía đồng, hồn neo nơi bông lúa, đậu chốn mùa màng. Về với quê là an nhiên, tự tại, hiền hòa. Về với quê là nguồn cảm hứng tâm hồn bất tận. Về với quê là giấc mơ sau chót và lớn nhất cuộc đời.
Làng quê dấu yêu! Nơi tạo tác, che chắn, là điểm tựa tâm linh của mỗi người.
Làng Nguyệt dấu yêu! Nơi tiếng lòng Từ Sâm đồng vọng trong tiếng thơ thao thức. Bề bộn với rất nhiều suy tư trăn trở, bài thơ Làng Nguyệt đã nối dài và mở rộng kí ức về làng, đánh thức bản thể cội nguồn sâu kín và mãnh liệt trong mỗi chúng ta.
* [Nguồn bài thơ Làng Nguyệt:
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10336]