Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.139.505
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 8)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Về Hóa Châu thăm Phùng Bích ,tôi đi chuyến nầy có thể là cuối cùng, khó có dịp trở lại. Ngôi nhà gia đình Phùng Bích cách nhà tôi năm phút đi bộ , đã ghi dấu nhiều kỷ niệm của chúng tôi. Bước qua khỏi hai trụ vôi rêu phong, hòn non bộ lớn nằm chếch bên phải ở một góc vườn.Trông thấy hòn non bộ, kỷ niệm xưa sống dậy mãnh liệt trong tôi.Đó là hình ảnh một góc núi với ngọn đèo giữa khoảng rừng trời thơ mộng. Ngày đó, cách đây mười năm, Phùng Bích học lớp Đệ Ngũ và nói với tôi ,đó là Đèo Ngang. Tiết lộ nầy đã một thời làm trái tim tôi xao xuyến và xúc động. Nguyên nhân lúc học bài giảng văn Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, Phùng Bích đã tạo mối đồng cảm sâu sắc giữa chúng tôi.

 

            Vì học bài nầy trước Phùng Bích,tôi đã tra cứu tài liệu nên biết rõ Đèo Ngang. Khi Phùng Bích đề nghị một chuyến du lịch thăm Đèo Ngang, tôi bật cười và giảng cho cô bé biết.Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn giữa hai tĩnh của Bắc Thường. Chúng ta phải chờ đến khi chiến tranh ủy nhiệm Giao Thường chấm dứt, cầu Hiền Mẫu bắt qua sông Bến Thủy không còn là ranh giới của hận thù, lúc đó chúng ta mới ra thăm Đèo Ngang được. Đèo Ngang là ranh giới giữa Đại Việt với Chiêm Thành. Trên bản đồ thời Pháp Lang Sa, tên Đèo Ngang là Porte d’Annam. Đèo Ngang vượt xa về vẻ đẹp nên thơ trữ tình so với những ngọn đèo hiểm trở khác của Giao Thường. Đèo Ngang là nơi tạo cảm hứng cho các văn nhân thi sĩ thời xưa, là ngọn đèo lịch sử đã đi vào ca dao. Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát... đã lưu dấu tại đèo Ngang và để lại những tuyệt phẩm thơ cổ, trong đó bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan nổi tiếng nhất. Tôi nhớ khi giảng ngang đây, tôi nói rằng, Qua Đèo Ngang là bài thơ Đường luật hay nhất lịch sử văn học Giao Thường …

            Từ một mong muốn ngây thơ của Phùng Bích, tôi đã vô tình ghi vào tâm trí cô bé một dấu ấn tình cảm.Đến dịp ông thân sinh thuê thợ xây hòn non bộ, Phùng Bích năn nỉ cha thiết kế con  Đèo Ngang trên đó, làm thế nào để khi nhìn ngắm có thể tưởng tượng ra cảnh trí thơ mộng do Bà Huyện Thanh Quan bày ra. Nhất là hình ảnh “ Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác ven sông rợ mấy nhà” mà cô bé tưởng tượng ra trước mắt .Phùng Bích đã theo sát công việc của bác thợ nề để không bỏ sót hình ảnh chú tiều bằng ngón tay út đang đốn cũi dưới chân núi.

            Buổi chiều hôm người thợ bàn giao hòn non bộ, Phùng Bích đã ghi vào Nhật Ký như một điểm nhấn quan trọng nhất trong đời.Chúa nhật tuần lể đó, vừa thấy tôi lấp ló ngoài cỗng ngõ, Phùng Bích nhí nhảnh vụt chạy ra kéo tay tôi đến góc vườn. Tôi  ngu ngơ không hiểu chuyện gì. Cô bé mới chỉ tay lên hòn non bộ ríu rít kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tôi hiểu ngay mọi tình tiết, im lặng đứng nhìn và quay qua mỉm cười nói với  cô bé : đúng là công trình thế kỷ…Chúng tôi không quên giây phút nầy, nhưng còn một kỷ niệm đáng nhớ hơn vào một dịp cắm trại.

 

            Thời niên thiếu chúng tôi cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Nội Thành.Một dịp cắm trại xa tận núi Thiên Ấn, tôi bị cảm lạnh lúc trời chập choạng tối. Cô bé Bích bên trại thiếu nữ biết tin, vụt chay qua trại thiếu nam của tôi. Phùng Bích cầm sẳn chai dầu Nhị Thiên Đường, vô tư và nhanh nhẹn, kéo tấm tent trong ba-lô của tôi trãi rộng giữa cỏ và xoa dầu bóp trán người bệnh. Cả chục em đoàn sinh ngơ ngác đứng nhìn, rồi một huynh trưởng ghé thăm lên tiếng khen ngợi.Câu chuyện tuổi thơ chỉ có thế nhưng đã ăn sâu vào tâm khảm người trong cuộc, một phần do bọn trẻ chứng kiến hoạt cảnh hôm đó nâng lên thành giai thoại.Lúc chúng tôi chập chững bước vào tuổi biết yêu, câu chuyện nhỏ không còn là giai thoại, nó trở thành thực tế không chối cải được. Vào một dịp thuận tiện, Phùng Bích đã không ngần ngại giao tập nhật ký dày cộp cho tôi.Nhật ký viết gì tôi đều đọc hết, nội dung nói gì – dĩ nhiên chỉ hai chúng tôi biết. Người ta thêu dệt đủ điều chuyện tình cảm của chúng tôi  đến nỗi họ lấy bài thơ Tình Tuyệt Vọng do Khái Hưng dịch từ nguyên bản tiếng Pháp  Sonnet của Félix Arvers một thời được chúng tôi trao nhau đọc , làm đề tài đàm tiếu, không mấy hay ho. Thực tế, bài thơ nầy lại là sợi dây ràng buộc chúng tôi mạnh hơn. Tôi biết Alexis Félix Arvers (1806 -1851) là nhà thơ Pháp. Năm 25 tuổi tập thơ Mes heures perdues của ông xuất hiện nhưng chỉ có bài  Un secret (Điều bí mật) trong đó là bài thơ duy nhất nổi tiếng. Trong nền văn học Pháp, Félix Arvers được xem là "Nhà thơ của một bài thơ duy nhất". Bài Un secret được viết dưới dạng một bài Sonnet tuân theo cấu trúc và luật gieo vần khắt khe, nên cũng thường được gọi là Sonnet d'Arvers (Bài Sonnet của Arvers). Xin ghi lại một kỷ niệm của chúng tôi.

           

NGUYÊN BẢN TIẾNG PHÁP

(không có tựa)

 

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère,

Un amour éternel en un moment conçu :

Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,

Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.

 

Hélas !j'aurai passé près d'elle inaperçu,

Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire.

Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,

N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.

 

Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,

Elle ira son chemin, distraite et sans entendre

Ce murmure d'amour élevé sur ses pas.

 

A l'austère devoir, pieusement fidèle,

Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle :

« Quelle est donc cette femme ? » et ne comprendra pas.

 

Dịch nghĩa :

Tâm hồn tôi có điều sâu kín, đời tôi có sự bí mật

Một mối tình vĩnh cửu đã nảy sinh trong thoáng chốc :

Nỗi đau này không hy vọng, nên phải câm nín

Và người đã gây ra nó không hề biết

Than ôi !tôi đi qua gần nàng mà nàng không để ý,

Luôn ở bên cạnh nàng mà vẫn lẻ loi.

Và tôi vẫn sẽ đi hết đời mình trên cõi thế,

mà không dám cầu xin gì cũng như không nhận được gì

 

Về phần nàng, dù Thượng đế đã ban cho

tính hiền thục và dịu dàng,

Nàng sẽ đi con đường của mình,

lơ đãng và không nghe thấy

Lời thì thầm của tình yêu vọng lên từ bước chân đi.

Vẫn thành tâm chung thủy với nghĩa vụ khắc khổ

Khi đọc những dòng thơ toàn nói về nàng như thế này, nàng sẽ hỏi:

"Người phụ nữ nào đó vậy ?" và sẽ không thể hiểu ra.

 

MY SECRET

 

translated by Henry Wadsworth Longfellow

My soul its secret has, my life too has its mystery,

A love eternal in a moment's space conceived;

Hopeless the evil is, I have not told its history,

And the one who was the cause nor knew it nor believed.

 

Alas! I shall have passed close by her unperceived,

Forever at her side, and yet forever lonely,

I shall unto the end have made life's journey, only

Daring to ask for naught, and having naught received.

For her, though God has made her gentle and endearing,

She will go on her way distraught and without hearing

These murmurings of love that round her steps ascend.

 

Piously faithful still unto her austere duty,

She will say, when she shall read these lines full of her beauty,

"Who can this woman be?" and will not comprehend.

 

TÌNH TUYỆT VỌNG

(bản dịch Khái Hưng)

 

Lòng ta chôn một khối tình,

Tình trong giây phút mà thành thiên thu

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,

Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi !người đó ta đây !

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân !

Dẫu ta đi trọn đường trần,

Truyện riêng dễ dám một lần hé môi.

Người dù ngọc nói hoa cười,

Nhìn ta như thể nhìn người không quen.

Đường đời lặng lẽ bước tiên,

Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

Một niềm tiết-liệt đoan-trinh,

Xem thơ nào biết nói mình ở trong.

Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng,

" Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây ? "

 

            Tôi đã lưu ý Phùng Bích : Thật ra, bài thơ dịch của Khái Hưng ban đầu không xuất hiện riêng lẻ mà nằm trong truyện ngắn TÌNH TUYỆT VỌNG của Khái Hưng. Trong truyện này người đau khổ vì yêu là thi sĩ Văn Châu, một lần đi làm phù rể cho bạn, chàng bỗng đem lòng yêu ... vợ bạn !  " Chàng không hiểu vì cớ gì, nhưng mới thoạt trông thấy cô dâu là chàng đã đem lòng yêu ngay, cái yêu vô nghĩa lý, nhưng nó mạnh mẽ vô chừng, tưởng như hai người vốn sẵn duyên kiếp từ đời nào, đã hẹn hò cùng nhau ở kiếp nào mà đến bây giờ mới gặp gỡ." Sau ngày cưới đó, ngày ngày Văn Châu vẫn đến chơi nhà bạn, " trong lòng chôn một mối tình vô lý". Năm năm sau, nhân một buổi tiệc đêm Noel cùng với vợ chồng người bạn và hai người khác nữa, thi sĩ mới có cơ hội thú nhận " tôi phạm một tội nặng lắm " mà bạn chàng hiểu ngay là tội khả ái, là ái tình tuyệt vọng ! Được bạn thông cảm an ủi "vậy thì anh cứ yêu, cứ yêu như anh đương yêu. Yêu như thế không có tội gì hết, mà người chồng dẫu có biết cũng chỉ thương anh chớ không ngờ vực anh đâu", thi sĩ Văn Châu mới đọc cho các anh các chị nghe bài đoản thi tôi dịch của Arvers ra quốc văn.

 

            Trên đây tôi đã kể vài kỷ niệm quá khứ của mười năm trước .Giờ đây đã trưởng thành, tôi đến thăm Phùng Bích với một vai trò khác hẳn.Vào nhà, tôi gặp người mẹ, không thấy Phùng Bích đâu.

“ Thưa bác, cháu ghé thăm hai bác và Phùng Bích. Sáng mai cháu vào Thủ Phủ .”Tôi lên tiếng.

            “ Bác có nghe Phùng Bích nói. Cháu không còn ở Hóa Châu nữa sao ?Bích nó sắp về rồi.Nó qua trường nộp hồ sơ tuyển dụng gì đó. Cháu ngồi đây chơi…”. Bà mẹ Phùng Bích nói .

            “ Cháu vào Thủ Phủ học. Bác trai đâu rồi bác ? ” .Tôi  hỏi thăm bác trai và bước về phía bộ tràng kỷ kê trước bàn thờ, ngồi nhìn quanh quất như ôn lại những kỷ niệm. Bà mẹ quay xuống nhà bếp. Như trăm, ngàn bà mẹ cố đô dịu dàng, bà mẹ của Phùng Bích hiền lành dễ mến với áo lụa màu mỡ gà, quần đen mỏng, tóc  bới củ hành miệng luôn mỉm cười đôn hậu…

            Phùng Bích xuống xe, dẫn chiếc Vélo  Solex vào hiên nhà.Chiếc xe tôi đã  nhìn quen mắt. Vừa dựng xe lên hiên, Phùng Bích bước vào cửa, ra dấu bảo tôi bước theo về phía góc vườn. Cô nàng vào phòng ăn xách hai chiếc ghế gỗ ra đặt xuống đó .Chúng tôi ngồi gần nhau.Phùng Bích lộ vẻ buồn thấy rỏ… bỗng hai hàng nước mắt trào ra không kềm chế được. Tôi quýnh lên không biết phản ứng thế nào, vội cầm hai tay Phùng Bích bóp chặt. Cô nàng xúc động kéo ghế sát vào tôi,vùi đầu lên vai tôi.Lần đầu tiên tôi biết thế nào là nụ hôn của tình yêu… Sau một hồi chờ tình cảm lắng xuống,để xua tan nỗi buồn của Phùng Bích, tôi đứng dậy xách chiếc ghế đến ngồi trước hòn non bộ. Phùng Bích làm theo. Cô nàng như sực tĩnh, đứng dậy giướng mắt nhìn vào cái gọi là Đèo Ngang của nàng.

“ Nhớ ông tiều phu dưới Đèo Ngang không ?” Phùng Bích nhắc lại.Đây là hình ảnh Phùng Bích từng gán cho tôi, gọi tôi là tiều phu. Vì trước đây,có lần chúng tôi đứng chuyện trò bên hòn non bộ, Phùng Bích chỉ tay vào một chú tiều bằng ngón tay út, bảo tôi là một tiều phu. Lúc đó,tôi đã tĩnh bơ trả lời,tôi là một  tiều phu độc đáo, và sẳn dịp tôi hỏi nàng có biết tôi sẽ vào Thủ Phủ đốn cũi luôn , không ở đây nữa ?

“  Biết một cách lờ mờ” . Nàng trả lời “ cứ tưởng Trác vào lãnh phần thưởng xong rồi về …Thủ Phủ chắc phải vui hơn ở đây” . Phùng Bích nói và nhìn vào mắt tôi .Tôi cứ tự nhiên, bảo nàng, vào Thủ Phủ chỉ lo đốn cũi thôi.

            Tôi cho Phùng Bích biết hiện giờ tôi có một người bạn Mỹ tên là Ron.Thật ra tên đầy đủ của anh ấy là Ronald Dickson Woodroof. Ron là một nghiên cứu sinh, một ký giả chuyên nghiệp, qua học tại Trường New Hardy, được phân công làm phụ giảng, dạy tôi nói, nghe tiếng Anh và chương trình báo chí trung học trước khi tôi học chương trình báo chí đại học. Ron sẽ kèm tôi đến khi nói, nghe, đọc, và viết được cả luận án tiếng Anh luôn. Chúng tôi trao đổi vài ba câu chuyện nội trú về bác sĩ gia đình, ăn ở nội trú, sinh hoạt…Phùng Bích đứng dậy, bước vào nhà bếp, bảo tôi cứ ngồi đây. Thật ra , nàng vào bếp xắn tay áo làm món bún thịt nướng đã ướp sẳn hồi trưa, món ăn tôi rất thích…

            Bày xong món ăn lên bàn, Phùng Bích ra mời tôi. Tôi lặng lẻ bước vào. Một bầu khí rưng rưng xúc động bao quanh chúng tôi…Tôi muốn bữa ăn diễn ra vui vẻ, lên tiếng khen Phùng Bích nấu ăn giỏi, vì bác gái từng cho tôi biết cô nàng biết làm nhiều món ăn truyền thống rất ngon.

            Phùng Bích biết tôi không thực sự khen chuyện nấu ăn của nàng, chỉ muốn biết thông tin về nhiều thanh niên ở các làng quê xa thành phố, không nhập ngũ động viên phía bên nầy, thì phía bên kia cũng lôi vô rừng, trở thành du kích, nằm vùng. Nàng công nhận tôi xa Hóa Châu cũng buồn, nhưng sắp bước đi trên con đường rộng thênh thang.Câu nói thật lòng của Phùng Bích mở ra một chân trời mới, làm tôi nhớ thời tiểu học , chúng tôi rất thích hai bài học thuộc lòng của nhà giáo Nguyễn Bá Học viết trong tập Lời Khuyên Học Trò. Đó là Chí Mạo Hiểm và Hai Con Đường. Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì…(Chí Mạo Hiểm) hoặc  “ Đường trên là đường ….. còn hương thơm để lại, đường dưới là đường của những bọn ngu si dốt nát đã đi qua, còn ô danh để lại… (Hai Con Đường).Chúng tôi thường dùng mấy câu trong hai bài trên để tự khuyên mình và trêu chọc bọn ngu si dốt nát…

            Bầu không khí đã vui trở lại. Phùng Bích bật nắp một lon Coca Cola trao cho tôi và bật nắp một lon khác cho mình…

            Như sực nhớ, Phùng Bích “à” lên một tiếng,nhắc lại bài báo nàng đã đọc nói về tác giả Bên Lề Cuộc Chiến. Bài báo phê bình người đề xuất cấp học bổng cho tôi, cố vấn Thibault, là tên thực dân cuối mùa.Ông ấy viết Bên Lề Cuộc Chiến nhưng không đả động gì đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên đất nước đã nuôi dưỡng đùm bọc ông. Ông bảo nước nầy có một thời kỳ mang quốc hiệu là Đại Ngu.Chỉ có thế, nhưng nhiều người gán cho ông tội khinh miệt dân Giao Thường và gọi ông là tên thực dân cuối mùa. Tiếp xúc với Thibault, tôi không thấy cái nghĩa tiêu cực gì trong chuyện nầy và nói với Phùng Bích , hình như Hồ Quý Ly đặt tên nước là Đại Ngu. Tóm tắt, người Giao Thường có thành kiến về Thibault nên nhận xét không đúng…

            Bà mẹ của Phùng Bích xuất hiện với nụ cười hiền, cầm theo hai dĩa trái cây đặt giữa bàn ăn…

             Tôi lật tay xem đồng hồ, đứng dậy chăm chú nhìn  Phùng Bích thầm bảo nàng sẽ viết thư khi vào Thủ Phủ. Xin phép bà mẹ ra về.Vừa bước xuống bậc thềm, tôi  đụng mặt ông thân sinh của Phùng Bích. Bà mẹ nhanh chân bước ra kể hết đầu đuôi câu chuyện của tôi cho bác trai nghe. Ông gật đầu khen ngợi và chúc mừng tôi gặp nhiều điều tốt đẹp…

***

            Vào Thủ Phủ bận rộn nhiều thứ, vừa lo học vừa làm việc kiếm tiền.Tôi chưa có thư nào cho Phùng Bích.Lá thư nàng gởi, không làm tôi ngạc nhiên. Điều tôi  chú ý nhất trong thư là câu hỏi tại sao  tôi chú trọng đến chuyện tiền bạc trong văn chương. Trong thư trả lời, tôi  không có ý biện minh, tranh cải hoặc tránh né gì về vấn đề nầy, chỉ muốn giải thích rõ để Phùng Bích hiểu. Nàng ở Hóa Châu, học gì làm gì , tôi biết hết, vì nhóm bạn cũ vô ra  Hóa Châu – Thủ Phủ đưa tin. Tôi chỉ viết thư khi cần thiết. Điều Phùng Bích quyết định không chọn thi Sư Phạm mà chỉ học văn khoa ngành triết và ngoại ngữ theo tôi là hợp lý, mặc dù đây là ngành học truyền thống của xã hội Hóa Châu. Sau khi xong văn khoa, Bích nhận một chân phụ giảng trong phân khoa triết của Đại học và dạy Anh văn tại trường trung học.Tôi tán đồng cách Phùng Bích chọn theo con đường đó. Nhưng lý do chính tôi viết thư nầy là, trả lời  thắc mắc chuyện tiền bạc trong nghệ thuật. Tôi  muốn nói riêng với Bích chuyện nầy . Trước khi hành nghề phóng viên, tôi đã chuẩn bị trước.Phải học làm nhà báo.Thực tập nghề báo. Đó là công sức đầu tư cho các tác phẩm văn chương nếu người phóng viên muốn trở thành nhà văn sáng tạo hửu ích sau nầy. Phải chuẩn bị trước những gì muốn viết mới có thể mang lại lợi nhuận đáng kể. Tôi không muốn lên án những người gọi là cai thầu văn nghệ của Thủ Phủ. Chỉ tội nghiệp cho những chàng trai bị lóa mắt bởi cái hư danh được có thơ, truyện đăng trên các tạp chí văn học nghệ thuật. Được ông cai thầu nào đó đưa vào danh sách Những Cây Bút Trẻ, thế là những chàng trai nầy bỏ hết công sức vào sáng tác, tưởng mình là những tác giả Nobel văn chương. Họ chưa một lần nhìn lại cái túi rỗng không một đồng xu , mơ mơ màng màng trong cái ảo giác nhà văn , quên cả thân tàn ma dại bên ly cà-phê đen và điếu thuốc rẻ tiền…Tôi  rất buồn phải nói ra như vậy để Bích hiểu tại sao tôi xem chuyện viết lách phải được lên kế sách như một doanh nghiệp - như trong bài tôi đã viết trên tạp chí Văn Cầm mà Bích đã nhắc đến…Để Bích dễ nhận ra lý do chúng ta đề cập chuyện tiền bạc, chắc Bích cũng biết ba nhà văn nổi tiếng thế giới là những triệu phú, đó là J.K Rowling, John C. Maxwell và Arianna Huffington. Chỉ cần vài giờ viết mỗi ngày những nhà văn, nhà báo này có thể tạo ảnh hưởng của mình bằng tài năng và kỹ thuật xử dụng ngôn ngữ, giúp họ trở thành triệu phú và nổi tiếng hơn cả những ngôi sao màn bạc. Tôi đưa ra rất nhiều ví dụ để chứng minh , khi đã bỏ công sức đầu tư vào tác phẩm, tác giả phải nhận được thành quả đền đáp xứng đáng. Nếu không làm được như vậy, xem như không thành công, hay nói cách khác tác giả không có thực tài.(xem Phụ Lục 2 : Nhà văn và Tiền Bạc )

            Cuối thư,tôi báo tin Đại Học New Hardy đang tìm người có đủ khả năng nhận việc…

(Còn tiếp)

Ảnh Đèo Ngang Xưa (đầu thế kỷ 20)

Alexis Felix Arvers

1806-1851

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 657
Ngày đăng: 03.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 5) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 4) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 3) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Kỳ 2/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Kỳ 1/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Vòng tay hư ảo (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)