Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)
(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)
|
|
Tác phẩm Mùa Xuân Olympic - Olympischer Fruhling của Spitteler chỉ được dân chúng Thụy sĩ và Đức biết đến khi tái bản vào năm 1909. Nhưng mỗi năm và đặc biệt từ khi kết thúc chiến tranh (lần thứ I), nó càng lúc càng được mọi người chú ý và số lượng phát hành càng tăng không ngừng. Đây là một con số đáng lưu ý đối với một thiên sử thi 600 trang, được viết bằng thể loại thơ, nói về những vị thần ở Olympus, người đọc phải đọc hết tập đồng thời cũng gây sự nhàm chán cho họ. Nhà văn này, trong nhiều thập niên đã hiến dâng tất cả năng lực của mình cho một công trình đồ sộ như vậy.
Ông đã không làm điều gì để làm suy yếu những tương phản này. Trái lại, ông đã cố tình chọn một đề tài và cách tiếp cận chắc chắn để gây hoang mang và gây cảm giác khó chịu cho những độc giả có thiên hướng khác nhau hay nền giáo dục và sở thích khác nhau, khi họ cố gắng hiểu được một thế giới đầy thi vị mà ông đã mở ra trước mắt họ. Từ đầu, ông đủ táo bạo để khiêu gợi đức tính kiên trì của người đọc phải đi theo ông đến cuối những con đường kỳ lạ của ông, những con đường không chỉ được soi sáng bằng chuỗi hành động liên tục và rõ ràng mà cả những độc thoại lẫn đối thoại của những vị anh hùng, tất cả đều mang kịch tính cao mặc dù cốt truyện là sử thi. Người đọc thành thạo nhận ra những dấu vết của Homer, nhưng điều bất ngờ là ông dẫn người đọc đến một mục tiêu không được biết trước và không bao giờ đoán được.
Nhưng suy cho cùng thì giữa Olympus của Homer và thần thoại mang phong cách riêng của Spitteler có sự tương phản gay gắt và nổi bật! Không gì có thể bất công hơn là lời chỉ trích rằng ông thích lôi cuốn những nhà ngữ văn và những môn đồ uyên thâm khác bằng những ẩn dụ bí hiểm và những biểu tượng thâm thúy vay mượn từ tư tưởng và sự hiểu biết của họ. Cách mô tả những vị thần Olympic và những anh hùng, những huyền thoại và sấm truyền của ông họa hoằm lắm mới làm chúng ta nhớ lại một trong những văn phong hay lối diễn đạt của thi sĩ triết gia Hy Lạp lão luyện này. Có thể chúng không những được bắt nguồn từ những tìm tòi mới nhất bằng sự uyên thâm về kinh điển, mà còn bằng cách trích dẫn những chứng cứ đáng tin cậy của nhà thơ vào bất cứ hình thức thể hiện nào mang tính phúng dụ. Spitteler không bắt chước bất cứ ai, không bắt chước ngay cả Goethe khi nhà thơ này cố gắng hóa giải sự đam mê của người theo chủ nghĩa lãng mạn và sự cân bằng kinh điển trong những chiếc mặt nạ của Faust và Helen trong tác phẩm Faust.
Thần thoại của Spitteler là hình thức biểu hiện hoàn toàn cá nhân, nó phát triển một cách tự nhiên nằm ngoài sở học của ông và nó diễn đạt tình trạng lộn xộn đang tồn tại của những nhân vật sống chật vật mà ông gợi lên để miêu tả chúng theo mức độ của khả năng sáng tạo lý tưởng, miêu tả những nỗi thống khổ, những hy vọng, và những ảo tưởng tan vỡ của con người, những thăng trầm của từng vận mệnh khác nhau trong cuộc đấu tranh tự nguyện chống lại cảnh nghèo túng đã được an bài.
Thật đầy đủ để nói rằng cuộc đời lỗi lạc của các vị thần Olympic và các thần vũ trụ, tự biểu thị niềm hoan lạc và những thử thách về sức mạnh, kết thúc trong nỗi tuyệt vọng mang khuôn mặt của kẻ vong ân bạc nghĩa, dâm loạn, ác đức và khốn khổ. Herakles, con trai của thần Zeus, được cha, người thân và bè bạn trang bị cho tất cả tài năng toàn hảo, nhưng cùng lúc mang gánh nặng bị Hera, hoàng hậu của các vị thần, nguyền rủa và ghen ghét, phải rời ngọn Olympic để hoàn thành nghĩa vụ bạc bẽo của lòng thương hại và can đảm trên mặt đất.
Những vị thần Olympic, với những kỳ công và những cuộc phiêu lưu của họ, những cuộc chiến đấu thắng lợi và những cuộc cãi vả lẫn nhau, thực tế là những siêu nhân mà nhà thơ quí trọng vì họ có khả năng chế ngự những ý thích chớm nở và lòng khát khao của họ.../