Mới hôm qua, buổi chiều đi làm về tôi nhận được cùng một lúc khá nhiều thư, trong đó có hai lá thư riêng, một từ Việt Nam gởi qua, còn một bên Úc.
Những thư đóng dấu mộc của thành phố Santa Ana, hay thuộc quận Cam thì đã quá quen thuộc với gia đình tôi vì nó thường lệ đến vào mỗi cuối tháng, đó là giấy báo cáo, hoặc có thêm một vài tin tức mới của Sở Xã Hội về chương trình dành cho những người đi làm, vừa được hưởng trợ cấp nhờ vào con nhỏ.
Hai thư sau, tự dưng gây cho tôi một niềm vui, và thoáng qua đó tôi chợt nghĩ đến hai người đã nhớ đến mình, còn viết thư cho mình.
Thư từ Việt Nam là của anh Nguyên. Cuối năm 81, tôi được ra khỏi tù, về ghé Huế thăm vợ con chừng một tháng rồi bay vào Sài Gòn tìm việc làm để kiếm sống. Tôi sống bằng nghề bán báo dạo và bán chui những loại sách cũ của Sài Gòn trước 75. Đó là khoảng thời gian vợ chồng tôi xa cách vì sinh kế, nhưng sau bốn năm cuộc sống ổn định, tôi trở về lại Huế ở luôn đó cho đến ngày được đi theo chương trình HO qua Mỹ.
Nhà tôi ở nằm ngang lưng con dốc. Bên cạnh , nhìn qua hàng rào kẽm gai là khu đất rộng trồng rau cải và các thứ hoa màu phụ của chùa Diên Biều. Con đường dốc từ ngoài đường cái dẫn sâu tới tận hồ nước , trên con dốc này ở quãng thấp có khu nhà tập thể, bồn nước máy, bỏ trống một đoạn chừng hai chục mét đến nhà tôi, đối diện bên kia là nhà anh Nguyên, còn nhà anh Quảng nằm phía trong miếu thờ.
Khi trở về Huế, tôi vẫn tiếp tục nghề buôn sách hợp tác với anh Phong , chủ nhà xuất bản Sông Hương. Hằng ngày, tôi nhận hàng của đại lý chất vào trong thùng giấy đạp xe qua Đại Nội, buôn bán đến trưa rồi chạy lên các lăng và ở lại đó cho đến khi vãn khách thăm viếng mới quay về nhà.
Nơi tôi ở thuộc về vùng ngoại ô nhưng cảnh sinh hoạt ngày cũng như đêm đều đông vui như một thị trấn. Quanh đây có quán cà phê, tiệm bi da, những hàng quán ăn uống. Vì gần nhà, nên anh Nguyên, cả anh Quảng nữa, chúng tôi thường hay gặp nhau ở lối đi chung trên con đường dốc. Hồi đầu, gặp mặt chào hỏi đôi ba câu chiếu lệ thôi. Nhưng lâu ngày, tình lối xóm trở nên thân, gần gũi nhau đến đỗi quen từ giọng nói đến cách sống, cách sinh hoạt trong gia đình. Hai anh Nguyên và Quảng là người miền Bắc, bộ đội phục viên. Tôi , người miền trong này lại có thời gian đi cải tạo. Tuy thấy rõ một khoảng cách, nhưng cái tình xóm giềng vẫn trên hết. Và, tôi nhận ra rằng, hai anh rất quý mến tôi. Bên hai anh, lúc nào có đám giỗ, bữa nhắm rượu là qua tìm tôi. Còn chỗ nhà tôi trở thành Câu lạc bộ cờ tướng, mỗi tuần gặp nhau một lần.
Mùa đông ở Huế trời hết sức lạnh, vừa mưa, có những ngày mưa suốt từ sáng sớm đến chiều tối vẫn không ngưng tạnh. Tới mùa mưa, công việc bán sách chậm, nên mỗi tuần, tôi chỉ đi đôi ba chuyến hàng. Thời gian tôi ở nhà nhiều, sau buổi chiều rảnh việc, hai anh thường qua bên tôi chơi ngồi uống trà, trò chuyện. Hết chiến tranh, nhưng đôi lúc bỗng dưng nhớ lại thời gian qua, tôi chợt bàng hoàng như một người mất trí. Vậy nên, tôi muốn quên, không thiết tha gợi nhắc nữa. Nhưng hai anh bạn, vào buổi chiều mùa đông bên ngoài mưa rả rích, lại nhớ đến những ngày tháng rời bỏ miền Bắc, vượt Trường Sơn đi vào miền Nam. Đó là những ngày vô cùng khổ cực vì đói ăn, bệnh tật, và chịu đựng đạn bom ngoài chiến trường mà hầu như trong giọng nói cũng như lời kể lại một cách chân tình khiến tôi nghĩ rằng những kỷ niệm về chiến tranh đối với người lính khi đã nhớ, thì không muốn mình thêm hay bỏ bớt đi một chi tiết nào cả, trong ý tưởng đó những hình ảnh chiến tranh sẽ làm con người lớn lên theo lịch sử. Tôi cũng như hai anh bộ đội phục viên này đều là những kẻ may mắn còn sống sót.
Anh Quảng làm nghề tìm trầm. Mỗi chuyến anh đi chừng độ một tháng, rồi về nhà, sau chừng hai tuần nghỉ lại khăn gói lên đường. Những chuyến về của anh, thỉnh thoảng có trong ba lô một vài con thịt rừng. Với anh Quảng, tôi nhận ra nơi anh một con người kiên trì, dũng cảm. Còn anh Nguyên, có vẻ là con người giàu tình cảm nên tôi luôn thấy lộ trong cặp mắt anh một niềm hoài nhớ xót xa. Anh hay gợi những kỷ niệm ngoài chiến trường, không phải vì thích bom đạn, sự chém giết, hay điên cuồng với sự chiến thắng từ bên phía miền Bắc. Với anh, thương nhớ chiến tranh cũng chỉ bởi cảm khái thiên nhiên, muốn nó gây cho mình một thứ ngôn ngữ rung động thật lãng mạn. Anh Nguyên hay đọc thơ cho tôi nghe. Những bài thơ trong thời kháng chiến lúc nghe anh đọc lên, tôi rất xúc cảm. Anh thuộc hết bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phan Tiến Duật, và anh hát rất hay bài Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận. Ngày tôi chuyển trại từ miền Nam ra Bắc, xuống Cảng Hải Phòng rồi tiếp chuyến xe lửa lên vùng Tây Bắc, lúc mờ sáng tàu đi qua Việt Trì, tôi đã nhìn thấy sông Thao. Ngày tôi rời khỏi trại giam Tân Lập trên chuyến tàu từ Phú Thọ về Hà Nội, khi qua cầu Long Biên nhìn xuống thấy nước sông Hồng dâng lên đập rào rạt vào chân cầu, tôi chợt nhớ những lời ca trong bài hát này, và chính tôi cũng đã cất tiếng hát cho mình nghe, rồi sau này, tôi được anh Nguyên hát cho nghe toàn vẹn cả bài. Và, không chỉ hát hay thôi, anh Nguyên cũng sành sỏi ngón đàn khi anh chơi Tây Ban Cầm. Tiếng đàn của anh, nghe lạ, phảng phất một nỗi u hoài. Dưới mái hiên, anh ngồi một mình. Khi tiếng đàn ngân lên, vọng sang nhà tôi bỗng dưng nó làm tôi đứng yên, lòng chùng xuống, lắng nghe. Trong lúc nghe, tôi chờ đợi một sự manh nha, chờ đợi một bóng dáng nào đó hiện lên. Bên này, tôi vẫn đứng nhìn sang mà lặng im không đến gần anh. Bên kia, mái tóc anh phủ kín những dòng âm thanh trôi theo tiếng đàn. Rồi một lần đó như tôi mong đợi, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện tình của anh, và bài nhạc Gửi người em gái của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là cả sự gói ghém thân thương mà đến hôm nay, anh vẫn đợi chờ.
Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến cầu Hiền Lương chờ em
Em nhẹ bước mà đi
Giữa khung trời xanh ngắt
Tình ta hết dở dang
Khi tôi nghe được những lời tâm sự qua tiếng nói của anh, qua những lời của bài nhạc anh hát, và khi tôi hiểu nỗi niềm xúc cảm chân thật của anh vẫn ngóng đợi tin người yêu qua tiếng đàn trong buổi chiều, bỗng dưng, anh cũng làm cho tôi nhớ đến một mối tình xưa của riêng mình.
Không ngờ, tôi nhận được thư anh Nguyên. Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày hôm đó, ở Huế, tôi lên đường trong một buổi sáng mưa lạnh, đến lúc này, ngồi đây một mình chợt nghĩ đã mười năm.
Trước khi mở thư anh đọc, ngoài phong bì tôi thấy đóng con dấu mộc Hà Nội. Không hiểu sao, Hà Nội lại khiến tôi liên tưởng đến thủ đô Budapest với thơ Thanh Tâm Tuyền
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Ôi cuộc tình duyên Budapest
Anh Nguyên không còn ở Huế nữa. Tôi cũng không ngạc nhiên, tự hỏi sao mà anh biết được địa chỉ tôi bên này. Rồi tôi lại tự trách mình đã quá vô tình không viết thư thăm anh khi đặt chân qua tới Mỹ.
Ra Hà Nội, gia đình anh Nguyên ở huyện Từ Liêm. Cháu Xuân, con gái đầu của anh đã vào Đại Học, còn anh và chị Lụa, hai vợ chồng đều làm công nhân một xí nghiệp chuyên sản xuất đồ nhựa những mặt hàng gia dụng và đồ chơi trẻ em. Về anh Quảng, hoàn toàn bặt tin. Ba căn nhà trong lối xóm gần nhau, chỉ còn lại căn nhà của tôi dùng làm nơi thờ tự, còn nhà hai anh Quảng và Nguyên đã bán cho chủ khác.
Lá thư anh Nguyên viết giấy học trò, tôi đọc không bỏ sót một hàng chữ nào. Nội dung thư với tình cảnh hiện tại của gia đình anh, hai vợ chồng, ba đứa con, đã sống ở Hà Nội ra sao, tôi hiểu và lòng tự nhiên phân vân. Tôi tự nghĩ, mình nên gởi cho anh chị một chút quà nhỏ để gọi là tấm lòng của người bạn ở xa.
Buổi chiều hôm nay tôi đi làm về sớm. Giờ này, nhà còn vắng, chỉ có tôi và thằng cu con tôi đang ngồi làm bài tập trong phòng.
Tôi đứng dậy, định làm một ly cà phê uống vì cảm thấy trời lạnh. Tôi đi ngang phòng con tôi nhìn vào thấy nó đang ngồi chăm chỉ làm bài, tôi yên lòng. Bỗng tôi lên tiếng hỏi:
-Trường có gởi giấy tờ gì không con ?
Ngừng viết, nó ngẩng đầu đáp:
-Dạ không.
Tôi xuống bếp đun nước sôi, chừng năm phút sau trở lên nhà với ly cà phê mùi thơm bốc khói. Tôi nhấp vài hớp cho ngon miệng, xong cầm lá thư của H., thay đổi chỗ ngồi rồi mở ra đọc. Lá thư viết trên giấy pelure màu xanh, bỗng dưng nó như cánh bướm bay trở về bên tôi bóng dáng người em gái ngày xưa.
Cuối mùa hè năm 70, tôi rời khỏi quân trường Thủ Đức với 15 ngày nghỉ phép về thăm gia đình ở Quy Nhơn sau đó, đi Quảng Ngãi trình diện đơn vị Sư Đoàn 2 đang trú đóng tại đây. Cùng đến đơn vị này có hai mươi bạn khác nữa, tôi không nhớ hết tên.
Quảng Ngãi là một tỉnh nhỏ giữa miền Trung, trong thị xã, những phố chính đều nằm dọc theo con đường trên quốc lộ I. Ngoài con đường chính này, có thêm vài ba con đường nhỏ lưa thưa nhà ở, và mấy con đường này đều dẫn ra vùng ngoại ô, hay tới các làng mạc. Và cuộc sống của người dân ở đây khá bình lặng. Vào buổi chiều tối, sinh hoạt vui nhộn hơn nhờ có đông lính tráng trong Sư đoàn, và các quán ăn, các quán cà phê cũng mở cửa đến khuya.
Tôi và những bạn đồng khóa chờ đợi ở Sư Đoàn một tuần, được thảnh thơi đi dạo phố chơi, vào quán bi da hay quán cà phê, sau đó, đến ngày nhận đơn vị , chúng tôi hết thảy đều ra Trung đoàn. Tôi cùng bốn bạn nữa đến Trung đoàn 5 ở Quảng Tín. Tới đây, cũng sau ít ngày chờ, mấy anh em lại đi ra các tiểu đoàn.
Sau biến cố Mậu Thân, tình hình chiến sự miền Nam ngày càng lan rộng nên khi gắn bó với đời quân ngũ, tôi gần như chẳng còn chút mộng ước nào về tương lai, nhất là với ước vọng chiến tranh chấm dứt sớm để được sống cuộc sống bình yên, từ đó, tìm kiếm công việc làm hoặc là đi học hành trở lại. Ngày tháng tuổi trẻ của tôi như một chiếc phao trôi bềnh bồng, bất định.Tôi không cảm thấy lo âu về chiến tranh, cũng không nghĩ rằng, mình thực sự yên tâm cho đời sống của mình. Tôi hoàn toàn với sự tạm bợ. Tôi đã 26 tuổi, thật muộn màng với đời lính. Ở tuổi tôi, nhiều bạn đã có gia đình, vợ con. Cha mẹ tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó nhưng thấy tôi cứ lận đận, bất hạnh nên không quan tâm lắm. Khi hồi nhớ lại những kỷ niệm cũ của mình, tôi cảm thấy buồn muốn quên, nhưng muốn quên lại không thể quên được. Tôi nhận ra nó ám ảnh tôi như một cơn ác mộng. Những bạn học cùng lớp với tôi thời tiểu học, trung học, hầu hết đều thành đạt trên đường đời về học vấn, công việc làm, ngay cả bị đi lính như tôi cũng có cấp bậc ngon lành.
Tôi đến Tiểu đoàn, hậu cứ nằm trên một đồi dốc cách xa Trung đoàn đến gần cây số. Và, chỉ một hai ngày xong thủ tục về quân số, nhận quân trang, súng đạn, tôi theo chuyến bay trực thăng tiếp tế lên vùng hành quân.
Căn cứ West là nơi Tiểu đoàn đang đóng quân. Đây là một quả đồi rộng, có bãi đáp trực thăng ghép bằng những tấm ghi, bên dưới thung lũng có con suối nhỏ, cách xa đó là các làng mạc thưa vắng nhà ở. Ở triền dốc đằng sau, qua hai vòng rào kẽm gai, mình bẫy, có con đường dốc dẫn xuống quận lỵ nằm gần bên một ngôi chợ. Và, từ nơi đây nhìn về hướng Đông cách xa mấy quả đồi là căn cứ của Tiểu đoàn bạn, đều mang tên Mỹ, vì trước đây là những căn cứ của người Mỹ xây dựng .
Tôi không biết rõ quân số thực dụng của Tiểu đoàn là bao nhiêu, chỉ biết trong Đại đội của tôi quân số gần được 100. Ngày đêm ở ngoài tiền đồn, thời gian đầu không mấy có những cuộc chạm súng lớn, chỉ có vài lần đụng độ nhỏ với đám du kích địa phương.
Nơi đây là tiền đồn, với núi rừng bao quanh căn cứ nên tôi nhiều lúc vẫn thèm có được ngày đi phép về thăm nhà, hoặc có được những ngày Tiểu đoàn về căn cứ dưỡng quân để xả láng mấy ngày vui chơi trong thị xã. Ước mơ nhỏ của tôi chỉ chừng đó, và thời gian tôi ở đơn vị trong hai năm, một đôi ngày phép, một kỳ dưỡng quân cũng đã có được và giờ đây nhớ lại lòng tôi cảm thấy vui, xen lẫn niềm xúc động khi biết mình vẫn nhớ tên những chiến hữu có một thời ở chung đơn vị.
Nhà H. ở đầu phố chính trên con đường vào thị xã. Căn nhà không mấy rộng bề ngang, nhưng khá dài ở phía sau, có một khoảnh vườn nhìn ra cánh đồng trống. Nhà H. không đông người, chỉ có một bà cụ già và hai chị em. Nhà H. ở, còn là một cửa hiệu buôn bán sách giáo khoa và một ít loại tiểu thuyết. Hiệu sách không bề thế, nhưng cũng bán được và đem thêm chút lợi tức trong gia đình. H. dạy học môn tiếng Anh ở trường nữ trung học trong thị xã.
Hôm đó, một ngày chủ nhật có nắng ấm. Đêm hôm trước, một trận mưa lớn kéo dài cả tiếng đồng hồ. Từ căn cứ Trung đoàn, tôi và nhiều anh em trong đơn vị đón xe ra thị xã kiếm quán ăn sáng, cà phê. Sau đó, tôi lang thang một vòng, trên đường đi tìm kiếm có ai quen trong thị xã này, hoặc một bạn nào đó ở xa mới về đây. Tôi thả bộ dọc con phố, vừa đi, vừa hút thuốc. Trên phố, đông xe cộ qua lại, bất chợt tôi có ý nghĩ đón xe đi Đà Nẵng, và thời gian chơi ở đó đến tối có thể tìm được xe nhà binh đi quá giang để trở lại đơn vị, hoặc cùng lắm, sáng sớm đón xe đò vừa vào kịp giờ có mặt.
Nhưng rồi, ý định của tôi bỗng dưng thôi ngay khi ngang một hiệu sách nhỏ, mắt nhìn vào trông thấy một cô gái đang ngồi ở quầy cúi mắt đọc truyện, có vẻ mê say đến lúc thấy tôi đi vào nàng mới ngừng đọc. Tôi chào cô gái với nụ cười thiện cảm, và chắc chắn, tôi sẽ làm nàng vui khi tôi có thể mua một cuốn sách, hoặc một thứ loại bút giấy, phong bì thư chẳng hạn.
Đằng sau quầy sách là những dãy kệ. Ở phía ngoài bày sách giáo khoa, sách biên khảo, bên trong là hầu hết là sách truyện.
Trong cửa hiệu chỉ có tôi và cô gái, nắng ấm từ bên ngoài tràn vào và sáng thêm ánh sáng trên lối đi ra đến nhà sau. Tôi bước nhẹ qua từng hàng kệ, tìm kiếm, vừa đọc những tựa sách trưng bày. Thật là vui khi tôi tìm thấy một cuốn sách cũ bìa đã vàng ố , cuốn Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Cuốn này in đã lâu, chưa tái bản lại, nên các hiệu sách lớn không thấy có.
Khi tìm ra được cuốn sách mình muốn đọc, tôi vui, nhưng không quá hấp tấp vội vàng, vẫn cẩn thận coi lại từng trang xem có bị xé bỏ hoặc thiếu không. Đây là sách còn sót, không phải sách của người đọc rồi đem gởi nhờ bán lại. Và, giá ở bìa được xóa đi để ghi giá mới. Tôi đọc thấy giá mới cũng phải chăng, không quá đắt. Tôi cầm cuốn sách trên tay, rồi lại để mắt tìm cuốn khác.
Cô gái ngồi ở quầy, quần áo mặc trong nhà rất giản dị, mái tóc thả vai, có cặp mắt thật đẹp . Tôi đưa sách cho cô tính tiền. Cô lật coi bìa sau rồi nói giá tiền để tôi trả.
Tôi đưa tiền, cô yên lặng kéo ngăn hộc thối tiền lẻ. Trong ít giây thật gần, tôi được nhìn rõ gương mặt cô gái. Cuốn truyện để trên quầy cô đang đọc là cuốn Tình Yêu Thánh Hóa của nhà văn Doãn Quốc Sỹ .
Khi tôi nhận tiền thối, cô nói lời cám ơn. Tôi hỏi:
-Ở đây cô không có sách truyện cho thuê.
-Dạ em cũng đang tính thực hiện.
Phút đầu tiên gây mối thiện cảm là tôi được nghe tiếng của cô nói. Tôi lặng im nhìn, và ngay lúc đó cũng bắt gặp cô nhìn lại tôi.
-Đơn vị tôi ở căn cứ Tuần Dưỡng.
-Vâng.
-Tôi có mua một ít sách truyện thường mang đi hành quân đọc trong giờ rảnh.
-Ông bị động viên, sao không xin biệt phái ?
-Không phải đâu, tôi không là công chức hay nhà giáo.
-À, ra vậy. Ở trường em dạy, có hai người bị động viên được biệt phái.
-Có thể hai anh bạn cùng khóa với tôi.
-Hai anh mới ở quân trường về.
-Vậy là khóa của tôi rồi.
-Có lẽ như ông nói.
-Khóa của tôi, số giáo chức biệt phái rất nhiều.
Cô gái rời quầy hàng, đến bàn rót nước mời tôi uống. Cái cung cách thật tự nhiên, thân thiện, làm tôi hết sức cảm mến.
Tôi nói cám ơn lúc đưa tay đỡ chén nước.
-Cô dạy ở trường nam hay nữ ?
-Em dạy ở trường nữ.
-Chắc cô dạy học cũng đã lâu ?
-Em ra dạy học cũng ba năm rồi.
-Khi ra trường, cô dạy học ở đây luôn.
-Không, em dạy học ở Quy Nhơn năm đầu tiên, xong mới ra ngoài này.
-Cô có dạy học Quy Nhơn ?
-Vâng, một năm thôi.
-Gia đình tôi đang ở đó.
-Vậy à. Ở khu phố nào ông ?
-Nhà tôi ở gần phi trường.
-Em biết dãy phố đó. Còn em, ở trọ nhà người quen trên phố Gia Long.
-Gia đình ở đây nên cô về.
-Dạ.
Sau một buổi sáng gặp gỡ, chuyện trò thân mật như hai người bạn, cứ mỗi lần Tiểu đoàn về dưỡng quân tôi lại có dịp tới hiệu sách của H. Tôi và H. rất hợp ý nhau về những cuốn sách truyện mình đọc. H. cũng coi tôi như một người anh. Tôi thường gọi bằng tên lúc nói chuyện với H. Vẫn xưng em với tôi, và trong câu chuyện lúc nào cũng giữ một giọng nói chân tình, thành thật. Tôi cảm thấy càng mến H., nhưng có chút ái ngại. Tôi cũng không hỏi chuyện gì về tình cảm riêng tư của H. Bên nhau như thế này cũng đủ cho tôi cảm thấy cuộc sống thật đáng yêu. Và rồi, sau đó là những ngày trở lại căn cứ hành quân, mỗi sáng chiều ở nơi núi rừng, mỗi đêm trong bóng tối mắt hướng tìm về những ánh đèn xa xôi có một nơi là mái nhà ở của cô gái, tôi nhớ H. vô cùng. Nhưng bao lần gặp, tôi chẳng dám tỏ bày, hay ướm thử trong ngụ ý một đôi lời. Tôi đứng bên H và được nghe tiếng H. nói, chừng đó ý nghĩa đối với tôi có một cái gì mà mình nên cảm nhận và giữ lấy cho nàng một cảm tưởng vẫn tốt đẹp.
Vậy là, cô em gái chỉ muốn cho tôi niềm vui nhỏ bằng đôi mắt đẹp và tiếng nói rất thanh tao. Tôi cũng thấy, vòng tay của mình quá nhỏ hẹp.
Ngày tôi rời quân trường về đơn vị Trung đoàn đến nay là đã hai năm ba tháng.
Cuối tháng 11 năm 72, tôi nhận được lệnh thuyên chuyển về vùng 2, lên Quân Đoàn II. Tôi rất mừng, vì không còn ở trong đơn vị chiến đấu nữa mà được làm văn phòng.
Tôi có được một tuần nghỉ phép. Tôi sẽ vào Quy Nhơn ở với gia đình tôi trong kỳ nghỉ này, sau đó lên Pleiku. Nhưng tôi rất muốn dành trọn vẹn một ngày ở bên H. để cùng vui buổi chuyện trò, để gợi nhắc những ngày tháng cũ, và sau cùng, được nói những lời nhớ nhung khi chia tay trong ước mơ ngày gặp lại.
Tôi sắp sẵn những ý tưởng của mình trên đường đến nhà H. Buổi sáng trời mưa nhẹ hạt, nhưng lòng vẫn thấy vui trong hy vọng được gặp H. lúc này. Bỗng dưng, tôi hoàn toàn hụt hẫng vì thấy hiệu sách đóng cửa. Tôi thoáng nghĩ, chắc H. có giờ dạy ở trường, đến trưa mới về nhà. Tôi vẫn đứng đó, ngần ngừ, vừa lo ngại trong lúc mưa bắt đầu nặng hạt. Tôi tính bỏ đi, vừa lúc ấy, một cô gái về đến dừng xe đạp trước nhà. Gặp tôi, Vân em của H. rất ngạc nhiên, rồi cho tôi biết ngay là H. đi Sài Gòn mười ngày nữa mới về. Tôi cảm thấy một nỗi mất mát tuy nhẹ nhàng, nhưng thật đau đớn.
Tôi nghe Vân nói trong cảm giác cứ chập chờn, mơ hồ. Tôi cũng không vào nhà, mà lặng lẽ dời bước.
Trời mưa lớn. Tôi đi bộ trên con đường lớn trong thị xã, tìm đến một quán cà phê. Tôi vào quán gọi cà phê uống, hút thuốc hết điếu này, đốt điếu khác.
Từ ngày đó, cho đến khi cuộc chiến miền Nam thảm bại, tôi không gặp lại H. và cũng chẳng được tin tức gì về người em gái của mình. Vậy mà, sau bao nhiêu năm xa cách tưởng chừng đã quên, bất ngờ tôi lại nhận được lá thư của H. Trong lá thư này, H. muốn dành cho tôi sự ngạc nhiên đến thư sau, khi nhận thư hồi âm của tôi nàng sẽ cho tôi biết vì sao ở phương trời xa nàng hay biết được địa chỉ tôi ở bên này.
Thật là hạnh phúc, chiều nay được nhớ lại một quãng đời và tuy hiện giờ xa cách nhưng nhờ vào kỷ niệm thân thương đó mà chúng tôi cùng nhận ra nhau, và giờ đây đang nhớ nghĩ đến nhau.
Vợ tôi tên Ly. Năm 1954, gia đình Ly di cư vào Nam định cư ở Quảng Trị. Nhà Ly và nhà tôi cùng nằm trên một dãy phố gần nhà ga. Nhà Ly nằm phía dưới, gần ngã tư quốc lộ I, còn nhà tôi đối diện với tháp nước, nơi đó, mỗi chuyến tàu đi hoặc đến đều ngừng lại trong mười lăm phút để lấy nước. Cả gia đình tôi và Ly cũng đều nghèo nên ngoài giờ học, chúng tôi còn giúp thêm việc gia đình. Vào lối sáu giờ chiều thường có hai chuyến tàu đi và đến cuối ngày, tôi cùng bọn trẻ nhỏ sống ở ga trong đó có Ly nữa thường lên ga bán hàng quà rong. Ly rất vui tính, khá nhanh nhẩu và có giọng nói hay nữa. Từ buổi đầu gặp nhau ở đó, rồi chúng tôi trở nên thân nhau. Hai chúng tôi, thường bán hàng giúp nhau, nếu bên Ly bán hết hàng quà sớm thì phụ bên tôi, ngược lại, chuyến nào tôi xong sớm thì cũng bán giúp cho Ly. Sau khi tàu rời ga, đó là chuyến tàu cuối cùng trong ngày thì chúng tôi về nhà, và tiền bán được đưa cho mẹ. Ly kém tôi hai tuổi , học sau một lớp nhưng nàng không gọi tôi bằng anh mà chỉ tên thôi. Tôi cũng vậy. Sự quen biết hàng xóm nên chúng tôi thỉnh thoảng đến nhà chơi. Đôi khi, Ly nhờ tôi giảng giúp bài toán làm ở trường, còn Ly sang bên tôi chơi, cô hay giúp mẹ tôi nhặt rau, và cùng trò chuyện với bà. Thời kỳ đó, hai chúng tôi rất tự nhiên. Rồi chỉ ở Quảng Trị hai năm, gia đình Ly vào Nha Trang. Buổi sáng ấy chủ nhật, cả gia đình Ly lên tàu, và hai chúng tôi từ biệt nhau trong nỗi buồn ngơ ngác của tuổi thơ.
Khi con tàu chuyển bánh chúng tôi vẫy tay, giây phút đó, cả tôi và Ly cùng hiểu rằng, ngày gặp lại không bao giờ có, ở nơi chốn này hoặc là chốn khác.
Thế nhưng, duyên số là trời định. Nhờ vào hai chữ đó của ông trời nên chúng tôi gặp nhau khi tuổi đời đã lớn. Tôi tình cờ gặp Ly trong một buổi tối Trung thu ở nhà người bạn. Mới đầu còn ngờ ngợ, sau khi vui chuyện chung giữa mọi người, bất ngờ nhớ lại và chúng tôi nhận ra nhau, vừa cảm động, rồi thật vui trong cái bắt tay hội ngộ.
Tưởng là một tối đó thôi, như chỉ là sự quen biết sơ giao. Nhưng rồi, trong một dịp khác sau lần đầu hai tuần lễ, tình cờ vào thư viện, tôi nghe tiếng người gọi, rất ngạc nhiên tôi nhận ra Ly và suốt buổi chiều tôi ngồi nói chuyện với Ly cho đến giờ thư viện đóng cửa. Trong câu chuyện, chúng tôi trở về lại với kỷ niệm của những ngày niên thiếu ở Quảng Trị, và hình ảnh thân thương của bao nhiêu kỷ niệm ở đó làm chúng tôi cùng cảm thấy hạnh phúc. Hai người đứng dậy ra về khi thư viện đóng cửa, sau đó, chúng tôi mời nhau vào quán giải khát, tiếp nối câu chuyện với bao nhiêu sự quý giá của thời gian dành cho. Rồi từ giã dưới bóng đêm có ánh đèn chiếu sáng, tuy nói lời giản dị thôi nhưng trong cặp mắt niềm mơ mộng thật nhiều tràn ngập như cả dòng nhạc, và tôi có được địa chỉ của Ly trước khi rời bước về nhà. Một tuần sau vào ngày nghỉ cuối tuần, như lời hẹn tôi đến thăm Ly. Tôi rất hồi hộp, và lấy được sự tự nhiên khi thấy bóng nàng xuất hiện, nàng giới thiệu với những người trong gia đình, điều quan trọng là nhắc với ba mẹ nàng về những ngày tháng cũ ở Quảng Trị để hai người có thể nhớ. Rồi, ở phòng khách, nàng và tôi trò chuyện bắt đầu cảm thấy đây là buổi chiều đánh dấu cho một sự kiện quan trọng. Và, đúng như vậy, câu chuyện buổi chiều đó là sự ràng buộc để Ly và tôi lấy nhau.
Giờ đây, tôi đang sống trong sự hồi tưởng, và nó chợt đến như sự còn sót một cơn mưa cuối mùa. Tôi chợt tự hỏi, ở đâu là bóng dáng người em gái trong nhạc Đoàn Chuẩn, trong tiếng đàn của Nguyên.
Những ngày ở xa H. tôi vẫn không nguôi quên, tôi vẫn nhớ tiếng nói, nhớ đôi mắt như một kỷ niệm vĩnh cửu. Không hiểu sao, vì nỗi nhớ đó, tôi bỏ đi không mơ ước theo con đường văn chương nữa. Tôi rời bỏ nó, lãng quên, nhưng rồi khi tôi lấy Ly làm vợ, không ngờ người bạn đời của tôi lại là một nhà thơ.
Ly, vợ tôi là một con người có tâm hồn thơ. Hai lá thư nhận được chiều nay như gợi nhắc tôi nhớ tới những ngày hè, nhớ tới một đất nước, nhớ tới một quê hương, nơi đâu cũng có dòng sông cả. Trong lúc này, trời đã tối, và hơn lúc nào hết tôi đang bồn chồn mong đợi có Ly về. Có một người vợ, đôi lúc mình nhận ra hình ảnh cuộc đời có cái không đổi thay được trong tâm hồn, đó là tuổi trẻ. Tôi đang sống một thời tuổi trẻ khác. Trong thời tuổi trẻ đó tôi yêu H., và được hạnh phúc một người con gái như Ly dành cho tôi.
Ngày hôm đó ra đi, thấm thoắt tôi và Ly cùng hai đứa con đã định trên đất Mỹ, vùng quận Cam đã mười năm. Năm nay mùa xuân lại sắp trở về. Hôm qua, trên báo Văn Học tôi có thấy một bài thơ của Ly. Lời thơ rất nhẹ như mưa, nhưng đầy nỗi dạt dào của một mối hoài cảm. Ly sáng tác thơ, lấy bút hiệu là Hạ Ly Hương. Với bút hiệu này tôi thấy lạ, hỏi Ly, nàng nhìn tôi cắn môi cười suy nghĩ một lúc lâu. Rồi nàng nói, không một do lai nào cả, chỉ tình cờ nhớ đến một câu thơ có tên nàng
mưa hạ ly hương nước ngược dòng