Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.118
123.145.296
 
Từ lột vỏ bóng tối đến hiển thị hiện thực
Nguyễn Thánh Ngã

 

(Đọc Hiển Thị - tập thơ Phạm Minh Châu - NXB Hội Nhà văn 2021)

 

Có ai đó đã nói: "Điều đáng quý nhất của con người là tình bạn". Tôi và Phạm Minh Châu có duyên văn chương và tình bạn. Khi anh "Lột vỏ" để trở thành một nhà thơ hiện đại, tôi ủng hộ anh. Bởi kẻ dám vướt qua chính mình mới có thể làm nên điều gì đáng kinh ngạc.

Và tôi kinh ngạc khám phá vẻ đẹp của tư tưởng PMC qua Hiển Thị. Thơ Hiển Thị không phải để nhìn thấy ngay, mà hiển thị qua lung linh con chữ. Sự nghiền ngẫm khiến ta bật ngộ nhiều điều, nên thơ PMC là loại thơ triết luận, phải suy nghĩ rồi mới cảm được.

Quả thật, thơ PMC phải "lột vỏ" mới có thể tiếp cận. Đây là điều mà thơ mặt phẳng không có, người lười đọc sẽ bỏ qua. Chỉ có ai thật sự là người yêu thơ, muốn dự phần vào cuộc sáng tạo của tác giả, mới thích thú hân thưởng vẻ đẹp ngôn từ và tư tưởng thơ chứa đựng trong đó. Lúc ấy, cái lớp vỏ hào nhoáng của ngôn từ đã được tách ra, cốt lõi thơ mới hiển thị. Giống như lõi cây quý, nằm dưới đáy sông lâu năm được trục vớt, tất sẽ tạo được sự kỳ diệu...

Thơ PMC là thế, khi nhìn ngắm, những âm vang sẽ bay lên khiến màng nhĩ bạn rung động. Sự rung động không vần điệu. Nó vừa hiện đại vừa thâm sâu, người đọc day dứt mãi không thể chối từ cái hay, cái đẹp mà thơ mang lại.

Vậy Hiển Thị là gì? Có thể sẽ có người đọc buông tập thơ xuống và nói "chỉ có rối chữ, chứ làm gì có hiển thị..." Vì thế, chúng ta nên hiểu rằng, đọc thơ PMC như cách uống cà phê, phải biết nhấm nháp chứ không phải uống như nước lọc. Từng ngụm cà phê, có đắng đót, chua cay mặn chát, và ngọt ngào trộn lẫn hương vị thơm ngon trong từng cung bậc thưởng thức. Cảm xúc sẽ len lỏi trong hồn ta, đến lúc nào đó ta mới phát hiện ra:

             Xới ngược thời gian

             Trôi câu hát...

                        (Điều không thể)

Thơ không những xới ngược thời gian, mà còn đi trước thời gian. Xem ra làm thơ đâu có dễ, phải đủ sức đào xới ký ức tâm mình, nguồn mạch mới hiện ra. Phải đón trước tương lai như một dự báo, hay tiên tri. Tất cả những cái đó là để làm gì? Chỉ để trôi câu hát....Đó không phải vu vơ. Đó là lẽ tất nhiên. Hiểu được cái tất nhiên là thơ. Trịnh Công Sơn viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..." Nội hàm thơ PMC tuy khác, nhưng vẫn có chút tương tự là để cho trôi đi, cuốn đi... Thơ chịu số phận cô đơn hơn câu hát bay bổng, thăng hoa, nên PMC đã thốt lên:

             Ta chỉ muốn giam mình trong ô cửa

             Dừng chân loài thú đi hoang

                         (Chỉ là mơ)

Nếu chịu giam mình thì đâu có hiển thị. Tưởng là tiêu cực, nhưng thật ra rất tích cực, cả trong dừng chân loài thú để "người hơn" là một dấu hiệu vô cùng tinh tế, mà thơ có sứ mệnh phải gánh vác:

              đêm - tiếng côn trùng rả rích

              lời khẩn cầu từ phía không gian

              giấc mơ nào thực

              giấc mơ nào tan

              giấc mơ nào hoài bảo

              sự mong đợi sẽ là hư ảo

              đêm sáng rồi sao không mở cửa ra?

                             (Đêm sáng rồi sao không mở cửa ra)

"Mở cửa ra" là hành trình của sự vận động không ngưng nghỉ, chứ đâu phải muốn mở là mở được. Phải trải qua nhiều hoài bảo, nhiều hư ảo giữa thực và tan mới mở được cánh cửa hồn mình, hòa nhập vào ánh sáng chung quanh, để thấy:

               Thiên nhiên thức dậy

               Là hành trình rửa mặt

                             (Gởi thân vào lá)

Câu thơ thật khôn ngoan, nếu không nói là tinh quái. Cả một hành trình của giấc mơ là phải "rửa mặt". Ta nghe như gáo nước lạnh tạt vào câu thơ. Tỉnh táo và bừng sáng cả không gian. Và thiên nhiên thức dậy là một nhận thức có tính khái quát, nhưng đã hiển thị ra những hiên tượng:

                Ta biết

                gió không phải về từ núi

                không phải về từ bên kia đại dương

 

                gió về từ không khí

                từ vận hành tự tạo

                tự nhiên đã cho bốn mùa

                nắng, khô, mưa, bão

                cuộc đời đã cho bốn điều

                sướng, vui, đau, khổ

                tình yêu cho điều hạnh phúc

                sao lắm lúc tim đau

 

                ta nghĩ,

                rồi một ngày nếu không còn ánh sáng

                vạn vật sẽ trộn vào nhau không màu

                tôn giáo không cần tín đồ

                bởi sự tranh giành đã bị nuốt chửng

                hố đen khổng lồ mở cửa

                hoá sinh tìm đến sự giải mã

                ma quỷ ẩn mình trốn trong áo thầy tu...

                                 (Hiển thị)

Bài thơ như bức tranh tượng trưng, phơi ra ánh sáng. Họa sĩ - thi sĩ đã vẽ cả không gian trong đường nét duy lý, cả những chấm phá phi logic trộn lẫn sắc màu của đời sống tâm linh. Nghệ thuật của bức tranh chỉ là cái cớ, "nếu không còn ánh sáng/ vạn vật sẽ trộn vào nhau không màu" hoặc "tôn giáo không cần tín đồ..." vv... Nhà thơ đã mượn hình ảnh ấy, để nói về bức tranh xã hội loài người. Đó là lòng tham, sự đau khổ và mê tín thống trị, đã làm cho "hố đen khổng lồ mở cửa", và nó nuốt chửng những gì đẹp đẽ, quý giá nhất của con người. Phải chăng, đây là cách "hiển thị" của PMC? Hiển thị bằng tư duy duy lý, lấy gió làm nguồn sức mạnh, có năng lực vô hình, mềm mại đẩy ra ánh sáng lớp "ma quỷ ẩn mình trốn trong áo thầy tu..." Tuy dùng hình ảnh tôn giáo, nhưng tuyệt nhiên không phải nói về tôn giáo, mà có thể áp dụng cho mọi lãnh vực trong cuộc sống. Câu thơ như một cảnh báo về "chiếc áo không làm nên thầy tu", mà còn ẩn chứa sâu xa những vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhà thơ đã dùng hình ảnh về đôi mắt để gợi suy:

                 Hỡi ai, thử nhắm mắt lại

                 Sẽ nghe tâm mình thổn thức

                             ( Vùng giáp mặt)

Nhắm mắt, tức không nhìn bằng đôi mắt thịt, mà nhìn bằng tâm thức, bằng trí tuệ. Vì thế PMC luôn đề cao ngôn ngữ thơ bằng một "phác họa" rất đắc như sau:

                 Xé toạc ý nghĩ

                 Chiêm nghiệm sự trần truồng

                             (Phác họa)

Trần truồng đây là sự thật. Một sự thật trần truồng đến thế mà có người vẫn không nhìn thấy, cho nên vai trò của thi ca luôn được tiếp diễn trong cõi người. Bằng cách này hay cách khác, thơ làm cho ý tưởng thăng hoa, đắp bồi những thiếu sót, cạn cợt mà làm giàu cho trí tưởng:

                 Tư duy heo may

                 Nhắm mắt để nhìn thật sạch

                             (Nghiệp)

Tôi nhớ W. Gof đã nói:"Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp". Hai câu thơ trên chính là cách trưởng thành trong tĩnh lặng, mới có thể dùng "tư duy heo may" mà nhập vào mùa thu - mùa đẹp nhất của đời người, để nhận diện ngọn gió phương Bắc the thắt như thế nào! Và "nhắm mắt để nhìn thật sạch" là thủ thuật cấu tứ giác quan, thị giác tĩnh lặng thì cái nhìn của trí tuệ mới trong sáng làm sao...

Viết đến đây, tôi chợt nhận ra nhà thơ luôn là người hướng thượng. Họ chắt lọc máu thịt, chất xám của mình thành thơ, rồi truyền rao, dâng hiến cho cuộc đời. Bởi có lúc dường như muốn gác bút, thì cảm xúc lại bật khóc:

                Tưởng rồi sẽ gấp lại những trang thơ

                Nhưng cảm xúc bật thành tiếng khóc

                Và con chữ hiện hình...

                                 (Sớm mai thức dậy)

Đời cầm bút nhọc nhằn, mà vật chất đem lại không bao nhiêu. Nhưng nhà thơ đã gánh lấy nợ thi ca, giống như một thiên sứ truyền rao thông điệp cuộc sống. Anh không thể bứt ra khỏi vùng phủ sóng của nó, nên nghiệp dày đeo đẳng. Cho tới hôm nay, sự hiển thị như sóng trào dâng cho những "con chữ hiện hình" đi tới bến thi ca.

Thật thế, PMC vừa vất vả vật lộn với con chữ, vừa phải cho con chữ hiện hình. Và để làm nên hình nên vóc, là cả một quá trình rèn luyện, hoài thai và sinh nở đứa con tinh thần. Đặc biệt, tôi luôn chú ý cách lập luận độc đáo, ngắn gọn mà nội hàm sâu sắc của thơ PMC:

               Úp mặt vào nhau

               Hương thơm một thuở

               Ngật ngưỡng

               Úp lưng vào nhau

               Thế là chia ly...

                            (Vô hình)

Nhà thơ đã dựng nên một hiện thực: "úp mặt và úp lưng", là hai tập hợp không bền vững, hai mặt của cuộc đời đối lập lẫn nhau. Hiển thị đã cho người đọc thấu rõ, nhận chân sự thật để sống đẹp đẽ hơn, thoát khỏi những trì trệ cho niềm vui tràn ngập tâm hồn. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng bạn đọc thơ dễ hiểu bạn chỉ hiểu được một ít thôi. Trong khi đó, với thơ khó hiểu (không phải thơ tắt tị) bạn sẽ nhận được rất nhiều điều thú vị. Bởi nhờ trí tưởng tượng, thơ luôn bắt đầu mà không có kết thúc...

                                    Sài Gòn tháng 10. 2021

                                         

          

 

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 729
Ngày đăng: 13.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đỗ Quyên, cho ta khóc một hệ người - Nguyễn Đức Tùng
Từ Anh hùng “Ilia Muromet” tới quái vật “Levia Than” - Nguyễn Anh Tuấn
Bài thơ “Lửng đèo tình khúc” của Phạm Thành - Đặng Xuân Xuyến
Phạm Ngọc Thái với bài thơ viết theo thuyết bản mệnh của Kinh thánh - Đào Viết Minh
Một vài cách hiểu về bài Haiku “trái mận chín” của Nguyễn Đức Tùng - Trần Hạ Vi
Thơ Đỗ Trung Lai và những cảm thức về mùa thu… - Trần Hoài Anh
Nguyễn Linh Khiếu, nếu ta có một nắm đất - Nguyễn Đức Tùng
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tập ''Dòng Thiêng'' của Nguyễn Linh Khiếu - Lê Nam Linh
Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử - Phạm Ngọc Thái
Phạm Ngọc Thái và thiên tình ca mùa thu - Tuyết Thúy
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)