Có một số người do thói quen, do quán tính, do lười nhác, hay do... cái gì thì có trời mà biết, thích tự đóng khung mình vào một mô hình nào đó. Thấy người ta cách tân, người ta mới mẻ, người ta lạ, người ta hiện đại... thì cứ lắc đầu quầy quậy, cứ nhắm mắt bưng tai, cứ “em chã...”, mà khư khư cái lối mòn sáo, chữ nghĩa dở hơi, niêm luật hẹp hòi... Rồi dè bỉu, chê bai, mắng mỏ người ta bằng đủ các thứ “thuật ngữ” nào là văn đánh đố, văn tắc tị, văn chợ giời, văn lai căng, văn chửi đổng... rồi văn tục, văn dâm, văn gãi ngứa, văn mất vệ sinh, văn đạp đổ...
Những người này gọi là: “dị ứng với cái mới”.
Lại bị xếp vào hàng: “bảo thủ”
Lại bị đo bằng tính từ: “lạc hậu”
Lại có một số người do ngấy món cũ, do thích tìm tòi, do ưa của lạ, hay do... cái gì thì cũng có trời mà biết, không muốn tự đóng khung mình vào một mô hình nào đó. Thấy những cái đỉnh cũ đã có khối kẻ ngự rồi, nay dù có múa may, khua khoắng hết cách thì cùng lắm cũng chỉ mon men tới gấu quần, gấu áo người ta. Chứ còn trèo hẳn lên mà ngự trên những cái đỉnh ấy thì xem ra khó lắm. Bèn quẳng hết cả đi, tự mình (hoặc rủ rê nhau) lập ra những “đỉnh” mới lạ lẫm hơn, mờ mịt hơn, bí hiểm hơn... Rồi cũng tức khí mà chê mắng những kẻ không đi cùng đường với mình bằng đủ các thứ “thuật ngữ” nào là văn cũ rích, văn học trò, văn kể lể, văn miễn phí, văn xào qua xào lại... rồi văn sáo, văn mòn, văn Tàu, văn nhai lại...
Những người này gọi là: “dị ứng với cái cũ”.
Lại được xếp vào hàng: “cách tân”
Lại được đo bằng tính từ: “thời thượng”
Ấy là toàn căn cứ vào phần “nổi” của cái “tảng băng” văn chương mà chia ra như thế. Chứ còn phần “chìm” của cái “tảng băng” ấy (theo cách nói của Ernest Hemingway - hình như thế) thì chẳng mấy ai bàn bạc hay ngó ngàng tới làm gì. Cứ như thể văn chương tất tần tật hiện ra ở mặt chữ. Còn đằng sau chữ đương nhiên là... giấy trắng, ngoài ra không còn chi hết. Kẻ rách việc dù có đốt đèn, hay soi kính hiển vi cũng đừng hòng tìm thấy mảy may.
Đã chia làm hai phe tân, cổ, tất có chuyện vác chữ nghĩa “choảng” nhau, mang lý sự ra bẻ nhau, rồi dẫn chứng Đông thế này, Tây thế nọ... rồi hò hét, đốp chát... (lạy giời, đừng có đả kích, vu vạ, hay mạ lỵ nhau... là được rồi). Làm cho văn đàn khi thì nóng bức, náo nhiệt như một đám mổ bò, lúc lại mát mẻ, rì rào như tằm ăn rỗi. Thật là một bức tranh sinh động và đầy triển vọng.
Một “trận đấu” không giới hạn thời gian, không chia thành hiệp, lại lẫn lộn “cầu thủ” với “trọng tài”. Khi thì thấy toàn cầu thủ, khi lại chỉ thấy trọng tài. Biến ảo như ma, vừa thấy là cầu thủ, thoắt cái biến thành trọng tài. Chỗ này đang “đóng vai” trọng tài, chỗ kia lại “biến” thành cầu thủ... Chỉ tội nghiệp cho “khán giả”, vừa rối rít, vừa tít mù, chẳng biết cổ vũ cho “đội” nào, cứ gọi là xoay như chong chóng. Vừa chợt cảm thấy có “quân địch” đâu đây, đến khi nhắm mắt lại, mở mắt ra, lại thấy toàn... quân mình cả.
Chợt nhớ đến một câu chuyện diễn ra từ thời thượng cổ. Có hai người tự dưng rách việc nổi hứng cãi nhau chí choé. Anh nào cũng nhất định rằng cái đình làng mình to hơn đình làng của anh kia và ngược lại. Cãi nhau mãi không ai chịu ai, cuối cùng phải đưa lên quan để phân xử. Quan cũng chịu không biết phân xử ra sao. Làm cách nào mà bê hai cái đình ấy đặt cạnh nhau để ngắm nghía, so sánh cho được. Có người bảo sao không dùng thước để đo. Chao ôi cái sự thước tấc trên đời, xem ra cũng chỉ tương đối mà thôi. Đến những vật sờ sờ ra như nhà cửa, vườn tược... mỗi lần đo lại một lần kết quả. Huống chi cái đình làng, nó lại nằm trong tâm khảm người ta. Thước tấc kia nếu lúc nào cũng làm được mọi điều cho ra nhẽ, thì câu chuyện cái đình ấy, đâu có còn truyền lại tới ngày nay. Vì thế mà hai kẻ rách việc kia, cho đến tận bây giờ, có nhẽ vẫn còn đang... cãi nhau.
Người viết bèn đem câu chuyện ngộ nghĩnh trên kể cho một bác nhà thơ xưa nay vốn rất hăng phê bình, rất hăng vừa “tranh” vừa “luận”... với người ta nghe rồi bảo: “không khéo cái chuyện thơ phú hay dở của bác, xem ra cũng từa tựa... cái đình làng”. - Bác phản đối: “Tôi đem lý luận, thi pháp, sự khách quan... ra để đánh giá. Chứ có đem thơ của tôi ra so sánh với thơ của họ đâu...” Chao ôi! bác không đem cái “đình” của mình ra so sánh. Nhưng một khi đã bảo “đình” của người ta bé nghĩa là đã có cái “đình” của bác lấp ló ở đâu đó rồi. Thậm chí nếu bác có rộng lượng mà khen cái “đình” của người ta “to”, thì người nghe cũng phải mặc nhiên hiểu rằng cái “đình” của bác còn... “to” hơn thế nữa.
Chuyện đến đây có người hỏi: “Vậy trên đời không có gì là ngã ngũ cả hay sao?”. Xin thưa có đấy. Khi Đức Khổng Tử chia thiên hạ ra làm hai hạng: quân tử và tiểu nhân, có người muốn tuyển cái đám dưới quyền của mình toàn là quân tử, bèn lần lượt dắt từng người đến trước mặt Phu tử mà hỏi rằng: “Thưa Phu tử, người này là quân tử hay tiểu nhân?” - Trả lời: “Là quân tử!”. cả ngàn người, đều một câu trả lời như vậy. Học trò thấy thế bèn thắc mắc: “Thầy bảo trên đời có hai hạng quân tử, tiểu nhân, sao cả ngàn người thầy đều bảo là quân tử, ch lẽ kẻ tiểu nhân ít đến thế sao?”. - Trả lời: “ở đời chia ra quân tử, tiểu nhân cũng tự nhiên như Trời, Đất chia ra âm dương vậy. Hễ có âm thì tất có dương và ngược lại. Có phải do căn cứ vào to hay bé, tốt hay xấu, giỏi hay ngu, thật thà hay lưu manh... gì mà chia ra đâu. Đây là việc mà con người không can dự vào được. Tách ra một đám toàn quân tử, thì đám ấy lại tự nhiên chia thành quân tử, tiểu nhân. Ngược lại, tách ra một đám toàn tiểu nhân, thì đám ấy cũng lại chia ra tiểu nhân, quân tử y như thế. Biết việc làm của người ta là không tưởng, thì trả lời thế nào cũng được mà thôi...”
Té ra loài người theo như Phu Tử lại có gì giống như... thanh nam châm có hai cực Nam, Bắc. Có chặt đôi ra, thì mỗi nửa lại chia ra: Nam, Bắc. Không cách nào tách riêng hai cái giống Nam, Bắc ấy ra được. Chúng vừa tách bạch, rõ ràng, lại vừa đeo chặt vào nhau. Thật là một quy tắc thú vị, tuy có lúc cũng hơi... buồn phiền một tý.
Kẻ viết những dòng này vốn rất sợ “mang tiếng” là lạc hậu, lại sẵn hâm mộ cách tân. Một hôm đi xem thi hoa hậu, thấy các nàng ai cũng xinh đẹp như Thuý Kiều, mê mẩn đến nỗi ù tai hoa mắt, đầu ngoắt đi, ngoắt lại như con đông tây bởi ngắm nàng nọ lại tiếc nàng kia(!). Hiềm nỗi mình người trần mắt thịt, khó mà phân biệt rạch ròi rằng ai đẹp hơn ai. Chợt nghĩ giá như bên cạnh mỗi “Thuý Kiều” kia, có một nàng... “Thị Nở” làm nền cho thì ngay lập tức, sự xấu đẹp trở nên minh bạch biết dường nào. Từ đó mới “ngộ” ra một điều sở dĩ gọi là “Thuý Kiều”, bởi trên đời luôn có... “Thị Nở”. Không có các “Thị Nở” thì cũng không có các “Thuý Kiều” và ngược lại. Cái “đẹp” cần bao nhiêu thì cái “không đẹp” cũng cần bấy nhiêu. Các “Thuý Kiều” đừng có giận dỗi nhé. Nói thực, các “nàng” không những phải biết ơn sự “tồn tại khách quan” của các “Thị Nở”, mà còn phải hiểu rằng “vai trò” của các “Thị Nở” trong cuộc sống này cũng có trọng lượng... tương đương các “nàng” đấy, không kém một phân.
Thế rồi quanh quẩn cứ tưởng cái sự “ngộ” kia của mình là mới mẻ, là ghê gớm lắm. Té ra có người đã thấu hết cái lẽ ấy từ... hơn hai ngàn năm về trước. Vị Lão Tử đó được suy tôn là người khôn ngoan nhất cổ kim cũng đáng thôi, khi Ngài “bảo” rằng: “hữu vô tương sanh, nan dị tương thành, trường đoản tương khuynh...”. Thật là đơn giản đến... kinh dị. Hai khái niệm “có” và “không” cùng sinh ra một lúc, sở dĩ bảo rằng “có” bởi vì có cái sự “không”, nếu không thế thì lấy gì so sánh... Tương tự như vậy đối với “dễ, khó”, “dài, ngắn”... cả cái sự “đẹp, xấu”, “hay, dở”, cũ, mới”, “giầu, nghèo”, “no, đói”, “bảo thủ, cách tân” vân vân và... vân vân, cũng... rứa mà thôi. Phép “biện chứng” ấy đúng với tuốt tuột vạn sự trên đời.
Lẩn thẩn thế mà có khi lại hoá hay. Sự đời đâm ra... nhẹ như lông hồng. Các bác văn hay xin đừng mắng chúng em làm ra văn dở. Nếu không có văn dở chúng em, thì văn các bác so với cái gì mà hay ho đến thế. Các bác “cổ điển” cứ yên tâm mà thành “cổ điển”, bởi đã có cả thế hệ “cách tân” đây rồi. Ngay những anh (chị) cách tân già non, bánh tẻ... đủ loại kia, cũng nhờ có những bậc “cũ xì” mà mình thành ra mới, thành ra thời thượng đấy thôi. Mà chắc gì thời thượng được bao lăm, biết đâu sáng mai mở mắt ra, đã thấy mình lạc hậu thì sao? Có khi đấy lại là điềm may cho cả một nền văn hiến. Cái “tuyệt đối” là sự cáo chung của mọi nền văn minh. Chính cái “tương đối” kia mới làm cho nền văn minh sống động, có khi lao nhanh về phía trước, có khi giật lùi... nhưng chẳng bao giờ đứng im một chỗ. Tất nhiên, tiến tới cái hay, cái mới luôn luôn là mong ước của tất thảy mọi người.
Tóm lại là ta “cần” cho nhau lắm lắm. Vậy thì... hỡi những quý vị “hay” và các quý ngài “dở”, hỡi những quý vị bảo thủ và các quý ngài cách tân... hãy nắm tay nhau, nào ta cùng... tiến lên!
10/2004
Ghi chú: Bài này đã đăng trên E-van với đầu đề: “Lại chuyện mới cũ” do E- van tự đặt, không phải của tác giả.
Tất cả những bài đăng trên SCL do chính tác giả gửi.(SCL)