Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.149.379
 
Ánh trăng lóng lánh
Trần Thanh Giao

Thời chống Pháp, cơ quan tôi đóng trong những khu vườn xanh um cây trái, ven các con sông vùng U Minh của bán đảo Cà Mau. Năm đó, khắp chiến khu ở Nam Bộ vang lên bài hát Đánh về thành, vì kháng chiến đang chuyển sang giai đoạn "chuẩn bị tổng phản công". Tôi được điều về một tổ để biên soạn những tài liệu tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội, qua sách báo nước ngoài, rồi in ấn và ngụy trang khéo léo đưa về thành.

 

Người cùng làm việc với tôi là Vân. Đó là một nữ sinh trường Gia Long, vào chiến khu sau phong trào Trần Văn Ơn. Tôi biết Vân từ hồi ở Sài Gòn, cô gái đeo kính cận, tóc uốn bồng, khá nổi trong các đợt đấu tranh. Vân không phải là tổ trưởng, nhưng vì là "ma cũ" nên mọi việc ban đầu tôi đều phải dựa vào cô.

 

Lúc đó, máy bay Pháp cũng hoạt động mạnh, có lần đuổi bắn một đàn trâu ngoài đồng, nên Vân đề nghị cơ quan cất cho chúng tôi một cái chòi ở cuối liếp dừa trong vườn má Năm để đưa hết tài liệu ra đó, vừa bảo quản phòng tránh, vừa yên tĩnh làm việc. Cơ quan chấp thuận ngay vì phải nói rằng khắp các cơ quan kháng chiến Nam bộ lúc đó, hiếm đâu có một kho tài liệu quí như vậy. Suốt mấy hôm liền, Vân và tôi è ạch khuân cả chục thùng sách báo từ nhà má Năm ra cái chòi cuối vườn. Tôi nhường Vân đi trước vì nghĩ đi phía trước nhẹ và thoải mái hơn. Nhưng Vân không chịu, bảo cứ thay phiên nhau, mỗi người đi trước một lần. Tính Vân là vậy, cái gì con trai làm được thì con gái cũng làm được, "bình đẳng" mà! Cũng vì tính đó mà buổi chiều, anh chị em ra rạch tắm rửa, hễ con trai leo lên cầu "lông-giông" xuống nước thì Vân cũng làm theo y hệt, không bao giờ chịu thua. Cơ quan sắm một bộ tông-đơ, dao kéo để anh em hớt tóc cho nhau, Vân cũng tập hớt tóc, và tôi là người đầu tiên bị Vân đè ra, "sởn đầu"! Thế nhưng, chẳng mấy lúc, Vân trở thành người thợ hớt tóc đẹp nhất cơ quan, đến anh Tám thủ trưởng, một anh sinh viên theo Việt Minh từ đầu ở Hà Nội, rồi về Nam tham gia cướp chính quyền, đã từng giữ chức tham mưu trưởng mặt trận Sài Gòn hồi "mùa thu rồi, ngày hăm ba" cũng đưa đầu cho cô cắt! Còn tôi, khỏi phải nói, hễ thấy tóc tôi vừa lên xanh, thì nàng liền đè đầu ra mà hớt!

 

Buổi sáng, cái chòi cuối vườn lao xao trong ánh nắng sớm, xuyên qua các kẽ lá. Nhìn lên: mấy con sóc vô tư đang nhảy nhót cắn vào phần non gần cuốn trái dừa, cái đuôi xinh đẹp, cong cong cứ phất lên phất xuống. Tôi nhìn Vân, tủm tỉm cười. Vân ngừng tay soạn sách, ngó tôi qua cặp kính cận:

- Cười cái gì?

- Cười cái đuôi con sóc! Cứ đè người ta ra mà hớt tóc. Còn tóc của mình, ai hớt cho? Ở đây không có tiệm uốn tóc đâu nghe.

Vân đưa tay vuốt mái tóc bồng mấy năm qua đã duỗi ra gần hết, phủ đầy vai, nhoẻn cười:

- Kệ nó! Chừng nào dài quá, lấy kéo cắt ngang.

- Lúc đó, sẽ giống như con sóc mất đuôi!

Vân nhìn ra gốc dừa, đôi mắt cận như dài dại… Rồi cô nói:

- Thôi. Làm tiếp đi.

Vân và tôi sắp xếp và làm danh mục lại hết sách báo, toàn bằng tiếng Pháp, từ những sách kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê-nin, các tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp, của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa in bằng tiếng Pháp, đến các tiểu thuyết nổi tiếng của Ê-ren-bua, Sô-lô-khốp, Pha-đê-ép, Xi-mô-nốp, Pô-lê-vôi… Cơ quan tôi có một đường dây cung cấp sách báo rất đặc biệt: Pa-ri - Sài Gòn - U Minh. Có tờ báo của Phòng thông tin quốc tế cộng sản xuất bản ở Pra-ha thì một tuần sau, Vân và tôi đã được đọc và làm fiche dưới tán dừa xanh của vườn má Năm ở vùng U Minh Nam Bộ. Má Năm không biết tiếng Pháp, nhưng khi cơ quan xin chỗ cất chòi cho chúng tôi, thì má hiểu ngay đó là những thứ mà kháng chiến đang hết sức quí.

 

Bảng danh mục sách báo làm xong, Vân và tôi dựa vào đó tìm đề tài soạn các tài liệu về công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, chính sách kinh tế mới của Lê-nin.. theo hướng xã hội chủ nghĩa. Và chúng tôi cũng không ngờ bảng danh mục đó làm cho các anh bên Xứ ủy, Chi hội Văn nghệ và nhiều cơ quan Nam bộ khác trở thành khách thường xuyên của chúng tôi…

.

.      .

Buổi chiều, ăn cơm xong, nếu không có họp hành hay vui chơi văn nghệ, tôi thường trở lại chòi sớm. Một phần vì ban đêm tôi phải ngủ canh chòi, phòng mưa gió thì kịp thời chăm sóc kho sách báo, nhưng cái chính là để đọc tiểu thuyết. Vân thì lại càng khoái đọc tiểu thuyết hơn. Có điều cô không đòi bình đẳng với tôi trong việc ngủ canh chòi. Đơn giản là cô sợ… ma! Thế đấy. Lội bưng, đặt trúm bắt lươn cho bữa ăn hàng ngày, tôi vác mười ống trúm, cô cũng vác mười; đỉa cắn cô nhổ nước bọt vô tay cầm đỉa vứt ra như tôi, chẳng la hét như vài chị em khác… Tóm lại là như con trai. Chỉ phải cái tội sợ ma! Tuy vậy, vì mê tiểu thuyết nên cô cũng hay ra chòi.

 

Chúng tôi thường đọc chung một cuốn tiểu thuyết và Vân hay giành đọc trước. Pa-ri sụp đổ của Ê-ren-bua dày nửa gang tay thì ngắt ra từng phần, mỗi đứa một gốc dừa vườn má Năm, ngấu nghiến đọc. Khi trời tối không còn nhìn thấy chữ thì vào chòi, thắp lên cái đèn làm bằng chai dầu gió (khi nào không dùng, vặn chặt nút chai, cho vào ba-lô, không sợ dầu rỉ ra quần áo), hai đứa chụm đầu vào, lại đọc. Mỏi quá thì nằm lên các thùng sách, cũng là giường của tôi ban đêm, hai mái đầu châu vào dưới ánh đèn, lại đọc. Khi ăn cơm chung với anh chị em trong cơ quan, Vân và tôi thường nhắc Ma-đô (nữ nhân vật trong Pa-ri sụp đổ), nhắc Đa-sa và Tê-lê-ghin (trong Con đường khổ ải của A. Tôn-xtôi), hay nhắc Pa-ven và Tô-ni-a (trong Thép đã tôi thế đấy của N. Ốt-trốt-xki)… Điều kỳ diệu là anh chị em trong cơ quan không ai ghen tị với chúng tôi. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi cứ ngẩn ngơ về một thời mà con người ta đối với nhau thật là tuyệt diệu… Đó là một bí mật góp phần làm nên thắng lợi của kháng chiến mà cho đến nay, vẫn còn đang đợi chờ khám phá…

 

Qua chuyện kể của Vân và tôi, các anh chị em biết tiếng Pháp trong cơ quan liền mượn sách đọc. Còn ai không biết tiếng Pháp, chúng tôi thay phiên nhau, buổi tối, "tái bản mồm" cho các bạn ấy nghe. Đến nỗi một chú giao liên, mới học chữ, cũng nhập cuộc Pa-ven với Tô-ni-a chẳng kém Vân và tôi. Chúng tôi đọc sách đến khuya, rồi tôi soi đèn pin, đưa Vân đi suốt khoảng vườn, trở vào nhà má Năm.

 

Có những đêm trăng sáng, ánh trăng chảy tràn trên cành lá trong vườn, chúng tôi ngồi cạnh nhau dưới gốc dừa, bên con mương nước triều dâng đầy, nói đủ thứ chuyện. Ngoài sách, cái chuyện Vân thích nói nhất là điện ảnh! Cô say sưa phân tích các cảnh trong phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ do cô đào Mỹ Esther William đóng vai Mi-la-đi mà chúng tôi đều đã xem hồi còn ở Sài Gòn. Cô cũng nói với tôi về tình yêu, và theo tiêu chuẩn yêu đương của cô thì… đẹp trai là số một! Cô cũng nói về tình bạn mà theo cô, có những mặt còn quí hơn cả tình yêu. Cô hỏi tôi có tin rằng ở đời này, có thể có tình bạn giữa nam và nữ, lâu dài, bền chặt không? Tôi bảo là tôi tin, nhưng quả thật là chưa thấy nó ở ngoài đời cũng như ở trong sách. Để thí nghiệm, cô đưa tay cho tôi và bảo tôi hãy cầm lấy tay cô!

 

Ôi chao ôi! Đây là lần đầu tiên tôi cầm tay một cô gái cùng lứa tuổi, cùng học vấn, cùng sở thích… mà lại xinh đẹp nữa mới chết tôi! Cổ tay cô tròn lẳn, mịn màng, da thịt mềm và mát rượi! Cả người cô, bên cạnh tôi, dưới ánh trăng lóng lánh, toát lên vẻ xinh đẹp, dịu dàng, và mùi thơm con gái mới lớn dậy lên khiến đầu óc tôi quay cuồng, lảo đảo. Cô nói:

- Mình làm bạn với nhau lâu dài nhé? Bền chặt nhé? Đừng để một ý nghĩ gì khác trong đầu nhé? Chịu không?

Tôi còn có ý nghĩ gì khác trong đầu cho được vì lúc đó, tôi đã "hồn bất phụ thể" rồi! Cô nhắc lại:

- Sao? Vân không ép đâu nhé. Hễ chịu thì nói chịu. Còn không thì nói không. Dân chủ mà!

Tôi phải gọi ba hồn bảy vía của mình về, và nói:

- Ờ… ờ… chịu chớ! Hay quá chớ!

Cô cười bảo:

- Ngoéo tay đi!

Tôi làm theo như cái máy. Cô chỉ lên ánh trăng lóng lánh:

- Có ông trăng tròn vườn má Năm làm chứng đó nghe!

Tôi chưa bao giờ được đọc ở đâu cái sự nam nữ chỉ trăng thề ước như thế này! Thì Vân đã quay sang, nhìn vào mắt tôi, cười hỏi:

- Sao? Có xúc động gì không?

Nghe câu hỏi đó, tôi tỉnh ra ngay. Tôi đáp gọn:

- Có gì đâu mà phải xúc động!

Vân cười, đưa tay rờ vào tim tôi. Nó đập lại bình thường. Vân cầm tay tôi đặt vào ngực mình, bộ ngực căng và ấm! Cô nói:

- Vân cũng vậy. Mình sẽ là bạn tốt của nhau. Suốt đời!

.

.      .

Một đêm, mải mê đọc tiểu thuyết, đến lúc đèn sắp cạn dầu, tôi giật mình xem lại đồng hồ thì thấy đã gần một giờ sáng. Tôi sửa soạn đèn pin, giục Vân về nhà má Năm. Ngoài trời, mưa rả rích. Ếch nhái, ễnh ương kêu uềnh oang. Bên kia liếp dừa, những bụi cây thấp đang quơ cành lá. Một quả dừa sóc ăn bỗng nhiên rơi đánh soạt trên nóc chòi, khiến Vân giật nảy mình… Vân tọt vào chòi, ngồi bó gối, rụt cổ nói:

- Ngại về quá…

- Ngại gì?

- Ờ… sợ…

- Có tôi đưa đây mà.

- Nhưng mà, về bây giờ… Thôi cứ giăng mùng lên, ngủ đi. Vân ngồi đây đọc sách tiếp.

Tôi cười:

- Đèn sắp hết dầu, không đọc được nữa đâu.

- Hay là… Vân ngủ lại đây.

- Không được đâu… Có một cái mùng thôi…

- Chẳng sao. Mình là bạn tốt của nhau mà. Đúng không?

- Đúng. Nhưng mà…

- Sợ kiểm thảo hả? Kiểm thảo thì mình nói: mạnh ai nấy ngủ. Sự thật là vậy. Có gì mà sợ.

- Nhưng chẳng ai tin.

- Mình tin là được rồi. Sự thật là sự thật thôi. Đâu có gì qua được sự thật. Đúng không?

Vừa nói, Vân vừa lục ba-lô tôi, lấy mùng ra, y như là cái mùng đó của cô vậy. Vân trải chiếu, giăng mùng lên trên nắp những cái thùng gỗ chứa sách báo. Vân lấy mấy cuốn sách kê đầu, vào nằm trước, còn nói:

- Rộng quá trời nè. Cứ vô ngủ đi.

Đèn đã hết dầu. Ngọn bấc cháy lụi, nở ra những đốm hoa đỏ. Tôi không còn cách nào khác, đành vào nằm chung, lòng hoang mang với bao ý nghĩ. Vân nói:

- Lạnh đó. Mền đâu? Lấy ra đắp.

Vừa nói vừa làm. Cô lấy tấm đắp, trùm lên cho cả tôi. Cuối cùng, Vân bảo:

- Ngủ đi. Đừng có suy nghĩ gì hết.

Chẳng mấy chốc, hơi thở của Vân đã đều đều. Cô ngủ thật rồi. Một giấc ngủ hồn nhiên, trong sáng và đầy tin tưởng bên cạnh tôi.

Tôi không thể nào ngủ được. Đầu óc căng ra với bao nhiêu là giả thuyết. Cô đang vờ ngủ? Cô muốn thử thách tôi? Cô đã yêu tôi? Giả thuyết nào cũng đều có lý và cũng đều vô lý. Chẳng lẽ sự thật chỉ đơn giản là cô tin ở tình bạn hồn nhiên, trong sáng? Chẳng lẽ sự thật chỉ có vậy thôi sao?

Tôi nằm bên cạnh cô, không dám cục cựa. Tiếng ễnh ương trong khu vườn vắng đêm mưa càng vang to, vừa thôi thúc, vừa đe dọa… Cuối cùng, tôi quyết định: Ngủ!

Chiều hôm sau, anh Tám thủ trưởng cơ quan gọi hai chúng tôi lên. Anh hỏi Vân trước:

- "Chú" Vân, đêm qua "chú" không về nhà má Năm à? (Các anh trong cơ quan hay gọi Vân là "chú").

- Dạ… đêm qua… mưa quá…

- Vậy "chú" ngủ ở đâu?

- Dạ, ở ngoài chòi.

Ánh mắt anh nghiêm lại, nhìn thẳng vào Vân. Bất ngờ, anh hỏi:

- Hai đứa ngủ chung?

Vân gật đầu, đáp tỉnh bơ, không hề lúng túng:

- Dạ, hai đứa ngủ chung.

Anh cau mày, giọng hơi cao:

- Sao lại như vậy?

- Dạ, vì chỉ có một cái mùng. Chúng em là bạn tốt của nhau mà… Ngủ là ngủ thôi mà. Có gì đâu anh.

Tôi gật đầu xác nhận:

- Dạ, đúng vậy, anh Tám!

Đôi mày anh hơi giãn ra. Hình như anh đang cố kìm một nụ cười. Anh hỏi:

- Hai chú là bạn tốt của nhau: tốt lắm! Mà… hai chú có… yêu nhau thì… cũng tốt thôi. Nhưng hai chú phải nhớ: Mọi việc đều phải có phép tắc, lễ nghĩa. Mình là người cách mạng, càng phải có phép tắc, lễ nghĩa. Hơn nữa, mấy chú đã lớn, hai mươi tuổi đầu rồi, đâu có phải là con nít. Đừng có đùa giỡn kiểu đó. Nguy hiểm lắm!

Vân xụ mặt xuống:

- Em chỉ buồn ngủ thôi chớ thiệt tình em không muốn đùa giỡn.

Tôi đỡ cho Vân:

- Dạ, đúng vậy, anh Tám!

Anh hơi mỉm cười:

- Thôi, được rồi. Không được làm vậy nữa. Nhớ chưa? Còn nếu… có gì khác hơn tình bạn, thì phải báo cáo với tổ chức và giữ cho đúng phép tắc, lễ nghĩa… Lúc đó, tổ chức còn giúp cho chớ không ngăn cấm… Chỉ có điều.. các chú phải suy nghĩ: ta đang "chuẩn bị tổng phản công"…

Vân phì cười, đáp luôn:

- Dạ không, anh Tám. Chúng em là bạn tốt của nhau thôi mà!

Sau bữa đó, Vân vẫn ra chòi đọc sách hoặc tán chuyện với tôi. Chỉ có điều là cứ đúng mười giờ, dù mưa, dù gió, cô vẫn giục tôi đưa cô về nhà má Năm.

Tuy vậy, thỉnh thoảng chúng tôi cũng có đi công tác chung hay đi vào rừng U Minh lấy củi, theo sự phân công của cơ quan. Hai đứa một chiếc tam bản, vi vu sông nước khắp vùng U Minh, đi giữa bạt ngàn màu xanh của lá dừa nước mọc dài dọc các dòng sông không bao giờ dứt. Ban đêm, ghé nhà dân ngủ nhờ, chủ nhà sẵn lòng giành cho "chú thím" cái phản ở chái bên. Hoặc vào rừng lấy củi thì qua đêm trên một chòi đáy trống trơn giữa rừng đước heo hút, cạnh bờ sông mà nước rút ròng ra biển đổ cuộn xoáy ào ào. Những đêm như vậy, Vân cứ tự nhiên vào mùng, nằm kế bên tôi, ngủ yên cho tới sáng, vì nằm riêng, Vân "sợ ma không ngủ được"!

 

Lắm lúc tôi tự hỏi: hay Vân không phải là con gái?! Có lần, tôi muốn "khám phá". Nhưng tôi vội xua ngay ý nghĩ đó: Anh đang có một cái ly bằng pha lê, trong vắt, lóng lánh ánh mặt trời, anh lại toan đập nó ra để xem nó được cấu tạo bằng chất gì hay sao?

 

Hơn hai năm trôi qua như thế, và rồi thắc mắc của tôi cũng được giải đáp. Tối hôm đó, tôi đang nằm đọc sách bên ngọn đèn dầu thì Vân ra chòi tìm tôi,vẻ xúc động lắm. Vân gỡ cuốn sách trên tay tôi, lôi tôi ra gốc dừa, kéo tôi ngồi xuống kế bên. Đó cũng là một đêm trăng sáng. Vườn dừa tràn ngập ánh trăng. Vân hồi hộp nói:

- Vân biết… yêu rồi!

Tôi cũng hồi hộp chẳng kém. Mãi tôi mới hỏi được:

- Mà.. Vân yêu ai?

- Yêu anh Lâm!

Tôi như bị một cú trời giáng! Anh Lâm hơn chúng tôi dăm tuổi, là cán bộ hoạt động nội thành, chẳng có địa vị gì cao, người khiêm tốn, ăn nói nhỏ nhẹ. Thỉnh thoảng anh về "Nam bộ" họp cùng với rất nhiều các anh có chức vụ cao, tên tuổi lừng lẫy… Thiếu gì người để Vân lựa chọn. Lần này anh Lâm về họp, hội nghị tan, anh được giữ lại làm cán bộ ở cơ quan… Nhưng tôi dần dần hiểu ra: anh Lâm có đôi môi đỏ, nụ cười rất có duyên, tướng mạo thư sinh, rất là đẹp trai. Đúng tiêu chuẩn của Vân rồi! Và tôi hết thắc mắc: đơn giản là mình chẳng đẹp trai! Tôi bình tĩnh lại:

- Có thật không?

- Thật chứ! Anh Lâm vừa nói anh yêu Vân và hôn Vân rất lâu.

Vân say sưa kể cho tôi biết cảm giác khi lần đầu được hôn, chuyện có khi người ta chẳng kể cho ai, dù là với bạn gái thân nhất.

Kể từ đó, mỗi lần đi "tâm sự" với anh Lâm về, Vân thường tìm tôi, say sưa kể chuyện… Nhưng cũng từ đó, Vân tránh mọi va chạm với tôi và dứt khoát không nhận sự phân công của cơ quan đi công tác hay đi kiếm củi chung với tôi nữa. Lý do thì mọi người trong cơ quan đều rõ và đều ủng hộ Vân, kể cả tôi.

.

.      .

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Vân và tôi tập kết ra Bắc, làm việc ở hai cơ quan khác nhau, nhưng đều ở Hà Nội. Anh Lâm được phân công ở lại miền Nam.

 

Hai năm đầu ra Hà Nội, chiều thứ bảy nào tôi cũng đến với Vân. Chúng tôi đưa nhau ra "Bắc Kinh phạn điếm" ở ngay Bờ Hồ, ăn cơm chiên Dương Châu uống nước đá lạnh, khẩu vị ăn uống của chúng tôi giống hệt nhau. Rồi đi xem xi-nê. Vân nức nở khen phim Ô-ten-lô của Y-u-xkê-vích: "Đạo diễn thế mới là đạo diễn!" Ngày chủ nhật thì đi Bờ Hồ, la cà các công viên, vườn thú, cho đến tận đêm thì chia tay trước chỗ Vân ở, như ngày xưa, tôi đưa Vân mỗi đêm về nhà má Năm… Trong các cuộc đi chơi, Vân giành phần chi tiền. Mỗi khi tôi cố trả, Vân giằng lấy: "Đưa đây! Mấy anh chi tiền không biết tính toán!" Mùa đông, dân miền Nam mới ra Bắc, tôi hay cóm róm vì lạnh. Vân nhìn thấy, chẳng nói. Một hôm, tôi đến đón, Vân lôi tôi vào phòng riêng, quẳng ra cái áo len màu xanh nước biển: "Mặc vào coi có vừa không?" Tôi mặc xong, khen áo không đo mà vừa khít, đan rất đẹp. Tôi trả tiền len: "Mấy cái vé xi-nê thì chẳng sao, nhưng mười cuộn len, với lương chúng mình, đâu có ít!" Vân cười: "Bạn tốt mà tặng nhau cái áo không được sao? Hay muốn nghỉ chơi?" Tôi phải chịu thua.

 

Hai năm nặng nề trôi qua. Không có thống nhất. Một tối thứ bảy, cơm Bắc Kinh xong, Vân không muốn xem xi-nê, kéo tôi ra vườn hoa Con Cóc, nơi đây thường vắng vẻ. Vân nói:

- Vân đã gửi thư, theo một đường dây chắc chắn, về cho anh Lâm. Vân xin anh hãy… giải lời thề… Vân muốn anh được tự do…

Vân nấc lên, gục đầu, khóc ướt một bên vai áo tôi…

Mấy năm sau, Vân lấy chồng. Chồng Vân là anh Sĩ, lớp các anh sinh viên Hà Nội, theo Việt Minh rồi về Nam chiến đấu, anh giữ chức vụ mà Pháp gọi là "colonel Việt Minh" (quan năm Việt Minh). Hồi kháng chiến, anh cũng thường về "Nam bộ" họp và hay gặp chúng tôi. Lúc đó, anh đã có vợ và thường gọi đùa chúng tôi là "hai thằng con nít"! Nhưng bây giờ, anh thành người tự do, quay về nghề bác sĩ. Anh là một bác sĩ chuyên khoa khá nổi tiếng. Nhưng điều quan trọng nhất: anh rất đẹp trai!

 

Anh Sĩ làm giám đốc một bệnh viện lớn ở Hải Phòng nên đưa Vân theo về thành phố cảng. Chúng tôi ít gặp nhau hơn. Tuy vậy, mỗi lần về Hải Phòng công tác, tôi đều đến ở nhà Vân, ít nhất cũng là một hôm. Có bữa, anh Sĩ trực đêm, chúng tôi ở nhà nói chuyện mà đợi anh. Quá nửa đêm, anh Sĩ ở bệnh viện về, mở cửa vào phòng, thấy chúng tôi vẫn còn nói chuyện thì anh cười bảo:

- Hai người này chắc tới khi chết mới chịu thôi nói chuyện!

Vân dí dỏm đáp:

- Biết đâu đó… Ai đi trước thì chờ. Chớ "qua bển" mà không người nói chuyện, buồn, chắc chết thêm một lần nữa!

Anh Sĩ đành chịu thua, giục chúng tôi đi ngủ. Anh bảo tôi nằm ở giường. Còn vợ chồng anh thì trải chiếu ra nằm dưới đất. Vừa giăng mùng, anh vừa đùa tôi:

- Nằm đó ngủ đi, nghe. Người cách mạng phải giữ đúng phép tắc, lễ nghĩa!

.

.      .

Hai miền thống nhất, chúng tôi đều trở về Sài Gòn. Bận bịu công tác và mưu sinh, chúng tôi ít gặp nhau, nhưng tin tức về nhau thì luôn "cập nhật". Vân chỉ có một cháu gái, học rất giỏi, năm nào cũng là học sinh xuất sắc, hết cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi được học bổng sang Pháp học trường y. Tôi cũng vợ con đề huề. Thỉnh thoảng, gặp nhau tại một buổi họp, tôi và Vân lại ríu rít mừng, Vân bỏ chỗ đến ngồi cạnh tôi, thì thào nói chuyện. Tan họp, ra về, các cô bạn của Vân vặn hỏi: "Ai đó?" Vân nhìn tôi, đáp đủ nghe: "Người bạn thân nhất thời kháng chiến". Có bữa, tình cờ gặp nhau ở giữa đường, Vân rối rít gọi tôi, dắt vào một quán nước, tất nhiên là phải khá sang và chúng tôi liền "cập nhật" mọi tin tức về nhau. Cả hai đều mừng vì ai cũng có gia đình yên ổn, con cái ngoan, làm việc tốt. Vân cười nói:

- Chỉ có một điều chắc hết đời cũng không làm được…

- Gì đó?

- Làm đạo diễn điện ảnh!

Chúng tôi đều phá lên cười. Vân tủm tỉm:

- Cái nghề giữ sách của mình ở U Minh hóa ra lại là một cái nghiệp…

Bởi vì Vân là phó giám đốc một thư viện vào loại lớn nhất nước ta. Vân nói: "Hay quá há! Mà cũng buồn cười nữa!"

Những tháng đầu tôi mới về Sài Gòn, anh Lâm có tìm đến gặp tôi. Tôi ôm chầm lấy anh, mừng rơi nước mắt. Nước mắt anh cũng thấm ướt vai áo tôi. Anh già đi nhiều, vẻ người khắc khổ, quần áo chứng tỏ anh không giàu. Đôi môi đỏ của anh ngày xưa, giờ thâm đen vì khói thuốc lá! Anh ở lại đấu tranh, làm thầy giáo, rồi bị bắt, rồi đứt liên lạc… Anh kể:

- Hồi mới hòa bình, mình có tìm về nhà Vân, ra mắt. Bố Vân mất, mình đến để tang suốt ba ngày, như con trong nhà. Đến khi nhận được thư Vân, mình mang đến cho bà già xem, và cáo biệt từ đó. Nhưng mà, cậu biết không, cho đến bây giờ, mình vẫn không lấy ai, tuy biết rõ là Vân đã có chồng. Một người như vậy đáng cho ta ấp ủ hình ảnh trong tim mình suốt đời. Phải không, cậu?

Tin tức về Vân hiện nay, anh đều biết cả, không cần hỏi tôi. Anh biết chỗ ở của Vân, nhưng không bao giờ đến thăm. Anh nói: "Tôi không muốn để Vân ở vào thế khó xử. Tôi tự coi mình đã biến mất khỏi cuộc đời Vân. Và nếu không có tôi trong cuộc đời Vân thì tốt cho Vân biết bao!" Tôi vội nói: "Không phải vậy đâu anh!" Nhưng nước mắt lại chảy ngược vào lòng tôi, vì quả thật, từ khi Vân lấy chồng, chúng tôi không khi nào nhắc đến anh nữa.

Bắt tay tôi ra về, anh cười méo xệch, vỗ lưng tôi:

- Phải chi tôi được như cậu, để có thể gặp Vân…

.

.      .

Dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến năm nay, "cơ quan cũ" có tổ chức cho anh chị em chúng tôi về lại U Minh, thăm nơi xưa chốn cũ, thăm những người mẹ đã bảo bọc cho chúng tôi kháng chiến…

 

Lên xe, tôi và Vân vẫn ríu rít bên nhau như ngày xưa. Anh Tám, thủ trưởng cũ, cười giơ cả chiếc cằm móm mém và hai hàm răng đã rụng gần hết:

- Hai cái đứa này! Lúc nào cũng như con nít!

Vân chọc anh:

- Dạ, con nít, nhưng đã góp phần "chuẩn bị tổng phản công!"

Mọi người trên xe cười nghiêng ngửa.

Đến nơi. Cảnh vật thay đổi nhiều quá, tôi không thể nào nhận ra. Sông như hẹp lại, cạn đi, đường phẳng lì, trơ trụi. Không còn cây bình bát ở ven sông, một cây mọc hoang nhưng trái nó, giống trái mảng cầu là quà vặt của chúng tôi những ngày kháng chiến…

Má Năm đã mất, trong xóm, rất ít người còn nhớ chúng tôi. Còn lại vài người lúc đó lên mười, giờ đã ngoài năm mươi tuổi. Nhưng tình cảm thì vẫn mặn nồng khi họ thấy chúng tôi thắp nhang tạ ơn, và nghe chúng tôi nhắc lại ông bà, cô bác họ… mà nước mắt lưng tròng…

Vân cầm tay tôi, lén dắt nhau ra vườn, chỗ cái chòi đầy kỷ niệm ngày xưa… Chẳng còn dấu tích gì. Lớp dừa xưa đã được thay bằng lớp cây mới, mập mạp hơn, màu lá xanh mướt hơn. Vân đứng ngẩn ngơ nhìn cảnh cũ. Tôi sắp một câu mà chắc không có dịp nào khác hơn để hỏi Vân:

- Vân này, nếu đêm hôm đó, tôi cứ… liều mạng thì Vân tính sao?

- Tính sao à? Chuyện "nguy hiểm chết người" như vậy mà tới lúc đó mới tính thì có họa là điên! Phải liệu trước chớ…

Tôi lấy làm lạ:

- Liệu trước thế nào?

- Liệu trước là nó có thể tới.

- Vậy sao! Nếu nó tới thật thì sao?

- Nếu tới thật thì… cứ để nó tới chớ còn sao nữa! Ngốc vừa thôi chứ!

Trời đất ơi! Tôi như người đứt dây từ chín tầng mây rơi phịch xuống đất. Sự đời chỉ đơn giản vậy thôi sao? Thế thì cái ly pha lê, trong vắt, của tôi chẳng lẽ cũng vỡ tan luôn một cách đơn giản vậy sao? Tôi ấp úng:

- Nghĩa là… Vân cũng…

Vân cười, phẩy tay:

- Thôi. Không xét lại. Mất cái này, được cái khác. Đừng tiếc nữa…

Có thể là Vân nói đúng. Chúng tôi đã được cái trước đây chúng tôi tin là có mà chưa thấy đâu cả. Bây giờ, chúng tôi đã tận mắt thấy. Mà thấy đủ các màu xanh đỏ tím vàng làm nên ánh sáng trắng xuyên suốt pha lê… Nhưng tôi vẫn lo: sau này, "qua bển", trở lại làm người tự do, hai đứa tôi cứ mãi huyên thuyên rồi có lúc lại thành… "hai thằng ngốc"!

Buổi sáng hôm đó, trời không có trăng! Nhưng ánh trăng trong vắt đang chảy tràn qua vòm lá xanh, lóng la lóng lánh, như cái đêm trăng Vân ngoéo tay tôi và nói: "Có ông trăng trong vườn má Năm làm chứng!
Trần Thanh Giao
Số lần đọc: 2229
Ngày đăng: 09.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phục sinh - Dương Minh Tâm
Dạ khúc - Huỳnh Anh
Cho một niềm tin - Trần Hà Lý Thái Bạch
Dấu nặng - Thu Nguyệt
Giáng Sinh Trắng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sóng của hồ - Thu Nguyệt
Cuộc viếng thăm một chiều mưa - Nguyễn Xuân An
Những vì sao sáng - Phạm Trường Yên
Sui gia - Lương Hiệu Vui
Một thóang mùa xuân - Trần Nhật Vy