Âm nhạc của người Khơme Nam Bộ là một loại hình sớm định hình phát triển. Nó phản ánh mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa, biểu hiện tình cảm, tính cách, tư duy cấu trúc thẩm mỹ của người Khơme Nam Bộ. Cuộc sống lao động hàng ngày đã phần nào ảnh hưởng đến sự sáng tạo trong việc chế tác các loại nhạc cụ. Nhiều loại nhạc cụ mang dáng của con thuyền, như đàn thuyền Runet êk, Kông thom, Kong tôết, và Runet dek. Ngoài ra, còn các nhạc cụ: Trơ sơ loa, Hơpân, Krap... đều là sản phẩm làm từ chất liệu thiên nhiên.
Trước đây có một số nhà nghiên cứu xếp các nhạc cụ của người Khơme Nam Bộ thành hai dàn nhạc: dàn nhạc dân gian và dàn nhạc lễ.
Dàn nhạc lễ (phlèng pưn pết)
Từ xa xưa dàn nhạc này chỉ dùng trong các dịp lễ, đám của nhà chùa hoặc tư nhân, sau đó nhà chùa lại cất giữ, bảo quản. Dàn nhạc này gồm:
Nhạc cụ gõ: được xem như là nhóm chính yếu. Nhiều trường hợp chỉ cần một nhạc cụ gõ cũng có thể thực hiện được những yêu cầu, chức năng của sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhạc cụ gõ có các loại:
Đàn Runet êk được cấu tạo bằng các thành tre dài khoảng 0,5m được đẽo gọt, xếp liền kề nhau. Có hai sợi dây xuyên qua các thanh tre, đặt lên một cái giá theo hình thuyền. Người biểu diễn hai tay cầm dùi gõ theo giai điệu của bài ca, âm thanh của đàn phát ra như giọng trầm của nữ.
Đàn Runet thung cũng có cấu tạo, kiểu kích âm như Runet êk. Khác là chất liệu làm bằng gỗ, và âm thanh như giọng trầm của nam.
Đàn Kông thom chất liệu bằng đồng. Đó là những chiếc cồng có kích thước to nhỏ khác nhau, xếp liền kề nhau đặt trên một cái giá đỡ hình bán nguyệt. Phương pháp kích âm là hai tay cầm dùi có mấu (hoặc đầu dùi buộc dây cao su) để gõ.
Xkor thom là trống bịt da hai mặt (cao khoảng 0,6m). Dùng hai dùi gõ lên mặt trống.
Xomphon loại trống da hai mặt, kích cỡ tương tự như trống Xkor thom. Trống đặt nằm ngang trên một chiếc giá đỡ phương pháp kích âm là cầm hai dùi gõ trên hai mặt trống.
Runet dek cấu tạo kiểu dáng tương tự như đàn Runet êk nhưng chất liệu tạo đàn là sắt. Phương pháp tác động âm thanh là cầm hai dùi gõ (dùi theo hình thức búa gỗ).
Trưng cấu tạo từ chất liệu sắt nó có hình dáng tương tự như chiếc cồng nhỏ, không có thành, giữa núm có một lỗ nhỏ xỏ dây cầm. Kích thước của Trưng có nhiều loại, có loại đường kính 0,1m; 0,15m; 0,2m hoặc lớn hơn. Nhưng thường 0,1m hoặc 0,15m... Phương pháp tác động âm thanh là hai tay cầm hai chiếc Trưng (chũm chọe) đập vào nhau.
Nhìn chung các loại nhạc cụ gõ thường để trên các giá đỡ theo hình thuyền hoặc đường dây cung và có trang trí hoa văn rất đẹp. Đặc biệt là hai phía của các đàn theo hình thuyền thì thường có tạc, khắc các hình vũ nữ Khơme nhảy múa với nhiều tư thế, tạo hình khác nhau.
Nhạc cụ hơi
Srolai pưupét như loại sáo trúc của người Việt.
Nhìn chung biên chế dàn nhạc của người Khơme Nam Bộ thường không ổn định, nó tùy thuộc vào điều kiện của từng phum sóc. Dàn nhạc đầy đủ gồm: Âm thanh chất liệu đồng (đàn kông thom), âm thanh chất liệu sắt (đàn Runet dek), âm thanh chất liệu da (trống Xkor thom, Xomphon), âm thanh từ chất liệu gỗ, tre (đàn Runet thung, Runet êk), âm thanh chất liệu trúc (sáo Srolai pưupet) được kết hợp với nhau.
Dàn nhạc dân gian
Nhạc cụ gỗ:
Trống Xayam có hình dạng gần như chân voi gọi là trống chân voi. Đầu to có đường kính khoảng 0,3m hoặc 0,35m, đầu nhỏ không bịt da có đường kính khoảng 0,15m. Trống dài khoảng từ 0,6m đến 0,8m. Người ta thường dùng hai bàn tay vỗ lên mặt trống hoặc dùng khuỷu tay đánh trống.
Hơpâm là kloại nhạc cụ gõ độc đáo của người Khơme Nam Bộ. Đó là hai chiếc gáo dừa khô. Người ta cầm hai chiếc gáo dừa đập vào nhau để tạo ra tiết tấu, âm thanh.
Krap gần như phách của người Việt. Phương pháp tác động âm thanh là tay điều khiển hai thanh tre đập vào nhau.
Nhạc cụ kéo gồm: Trô sơ lea có hình dáng, cấu tạo, chức năng cách kích âm giống như nhị, hồ của người Việt.
Nhạc cụ gẩy: Khưm là nhạc cụ cấu tạo từ chất liệu gỗ và dây tơ, hình dáng, kiểu, kích thước, tính năng tương ứng như đàn nguyệt của người Việt.
Nhạc cụ hơi: Khlui có hình dáng, kiểu, kích thước, tính năng tương ứng như sáo trúc của người Việt.
Ngày xưa nhạc cụ của người Khơme Nam Bộ phân thành dàn nhạc dân gian và dàn nhạc lễ, nhưng ngày nay, trong thực tế ít có sự tách biệt đó mà thường là đan cài hỗn hợp. Các nhạc cụ tham gia vào mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khơme. Tùy từng hoàn cảnh và điều kiện thực tế mà người dân sử dụng các nhạc cụ vốn có ở địa phương của từng phum sóc.
Trong nghệ thuật ca hát của người Khơme Nam Bộ được các nhà nghiên cứu chia thành ba loại: Hát, hò, đọc tụng.
Hát còn gọi là Chòm riêng, trong hát lại chia nhỏ thành những loại phản ánh theo các chủ đề khác nhau, nhất là hát theo ngành nghề. Đề tài về lao động thì rất phong phú sinh động. Các hoạt động về lao động phần lớn đã đi vào ca hát của người Khơme Nam Bộ. Hát lao động về các công việc có: Hát quăng chài (Chriêng bong som nanh); Hát chặt gỗ (Chriêng cap chlơ); Hát bổ củi (Chriêng puốc); Hát chăn tằm (Chriêng chinh chôm neang); Hát quay tơ (Chriêng rê quay sơt); Hát dệt vải (Chriêng don bare); Hát đập, dệt chiếu (Chriêng thbai côntel); Hát thợ mộc (Chriêng cheang chhơ); Hát thợ gốm (Chriêng smon chnăng); Hát đi săn (Chriêng pren bo banch); Hát đâm cá (Chriêng khăc kooper).
Hát nghề nông có: Hát nhổ mạ (Chriêng dok Somnăm)
Hát trong tục cưới có: Hát chú rể đến nhà gái (Chriêng dom rây phơlưk tok); Hát mở rào (Chriêng baikhon Chongday); Hát quét chiếu (Chriêng Bos Kântel); Hát cắt, rắc hoa cau...
Hát sinh hoạt có: Hát trữ tình; Hát đối đáp; Hát sinh hoạt.
Hò: Người Khơme gọi là Bon tô bót. Hò có nhiều điệu như hò đua thuyền, hò kéo dây, hò hái sen. Hò gắn bó với những hoạt động của con người trong lao động.
Đọc tụng còn gọi là hát lễ. Đây là nét độc đáo trong kho tàng hát dân gian của người Khơme Nam Bộ, bởi nó gắn bó với nghi lễ, sinh hoạt văn hóa chùa. Chùa của người Khơme là nơi sinh hoạt văn hóa lễ nghi của Phật giáo, trong nghi lễ Phật giáo hình thức đọc tụng (hát lễ) là một nhu cầu cần thiết không thể thiếu vắng.
Nhìn chung nghệ thuật ca hát Khơme Nam Bộ là một kho tàng văn hóa vô giá tồn tại bền vững trong nhân dân và là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa của người Khơme Nam Bộ.
Trích www.vanhoanghethuat.org.vn