Đã đón 10 mùa Xuân, 10 cái tết trên chiến trường, nhưng tôi chẳng bao giờ nguôi quên mùa xuân trên đỉnh Hòn Chè năm ấy.
Hòn Chè điểm cao 918, thuộc xã Cát Sơn, nằm phía tây huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Xung quanh Hòn Chè, có các làng Hội Sơn, Thạch Bàn, và có nhiều xóm như: Sơn Khê, Sơn Hậu, Sơn Tượng, Sơn Mã... Hòn Chè nằm trong hệ các dãy núi liên hoàn, có các đỉnh: Hòn Nhọn, Hòn Nọc, Hòn Tre, Hòn Che...
Dưới chân Hòn Chè, có suối La Tinh chảy qua. Nơi đây là khu rừng nguyên sinh chạy dài, núi rừng trùng điệp. Trong lòng Hòn Chè, có những hang động, khe suối. Đó là một địa thế hết sức lợi hại. Tự ngàn xưa, là cơ sở trú ẩn cho những người yêu nước, những tổ chức cách mạng, thời trứng nước hoạt động. Đây còn là quê hương của nữ Đô đốc Vũ Thị Đức, người có công diệt đồn Giác Khẩu khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc.
Trong kháng chiến chống Pháp, có các chí sỹ, các nghĩa quân yêu nước đã xây dựng căn cứ địa ở đây. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, đây là nơi ẩn náu của cơ quan tỉnh ủy Bình Định, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5, và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Ở đây, cả ta và địch đã cố giành giật núi Đầu Voi, để lập đài quan sát. Núi Đầu Voi cách đỉnh Hòn Chè không xa. Núi Đầu Voi (còn gọi Đèo Ngụy) có vị trí hết sức quan trọng, nó án ngự đường xuống khu Đông. Bộ đội, du kích thường đi dọc hành lang đông tây, không thể không qua Đèo Ngụy về Hòn Chè, Hội Sơn. Kẻ địch cũng đóng quân và phục kích tại đây. Bộ đội và du kích ta hy sinh tại nơi đây không phải là ít. Chính lúc này, ngay sát nách Hòn Chè có hơn 500 cán bộ đang dự Hội nghị tập huấn, tổ chức tại hang đá Tỉnh ủy. Hội nghị gần chư tập trung những cán bộ chủ chốt của tỉnh, triển khai chiến dịch Xuân Hè. Và hình như, kẻ địch đã đánh hơi được. Chúng cho Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) nổi tiếng hung ác, đổ quân bao vây, định cất vó ta, ngay tại đỉnh Hòn Chè...
Thế trận đang rất căng thẳng. Cả hai bên bí mật đan cài thế trận, giăng bẫy rình rập, chờ tiêu diệt nhau. Tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng đạn pháo, rền vang cả núi rừng. Nhưng chúng không thể ngăn cản bước thời gian, khi mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước đang về...
Chiều 30 tết 1971, tôi và đồng đội đang trực chiến trên chốt Hòn Chè, thì bỗng nhiên đại đội phó Đạt Thanh bí mật băng qua con đường dày đặc bom đạn địch, leo lên chốt. Anh có vẻ hồi hộp, truyền lệnh:
- Cậu khẩn trương về ngay cơ quan! Gặp anh Lạc chính trị viên đại đội, có việc gấp!
Tôi hơi lo lắng và hững hụt. Rõ ràng là việc rất khẩn, anh ấy mới băng qua bom đạn, đến đây truyền đạt. Nhưng việc khẩn ấy, là việc gì? Và bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu ý nghĩ một lúc ùa đến trong đầu. Sao trận đánh đang diễn ra ác liệt vậy, nơi đây đang cần người, mà các ông lại kéo mình về? Mình đang bẻ bông hoa rừng sáng nay trên đường lên chốt, chuẩn bị cùng anh em đêm nay đón giao thừa trên này mà? Hay mình đánh đấm chưa tốt lắm, khiến các ông định thay người? Mà có thấy ai lên thay mình đâu? Hay Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh, bố nuôi mình, sợ mình chết trận, lại kéo mình về dưới đó?
Anh Đạt Thanh giục tôi đi gấp. Anh còn bảo tôi giao cho anh cả khẩu M79, khẩu AR15, và cả chiếc máy bộ đàm, những chiến lợi phẩm mà tụi tôi mới thu được của bọn Nam Hàn chiều qua. Anh tự mang những chiến lợi phẩm ấy theo về...
Lòng tôi nặng trĩu ấm ức, không mấy vui vẻ trở về. Vừa bước chân vào cửa hang, đã thấy Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh và chính trị viên đại đội Lạc đứng đợi ở đó rồi. Cả hai có vẻ sôt ruột. Thấy tôi, Tư lệnh bước đến, trìu mến tay phủi bụi trên lần áo của tôi. Bụi bay mù mịt cửa hang, vì đã hơn tuần rồi ở trên chốt, tôi không tắm rửa. Bụi đất, mồ hôi, máu đồng đội, làm cho bộ quân phục dày cộm, khô cong lại, chỉ khẽ đụng đến là khói bụi bay ra mù mịt. Cử chỉ của Tư lệnh bố nuôi, làm lòng tôi ấm lại, và bình tĩnh đôi chút.
Chính trị viên Lạc nói ngay:
- Cậu chuẩn bị gấp cho vài tiết mục văn nghệ. Đêm nay đón giao thừa trong cơ quan Sư bộ, nhé?
Tôi đang quá bất ngờ, thì Tư lệnh cười, bảo:
- Cố gắng gọn nhẹ. Nhưng phải hay!
Giờ thì những ấm ức, lo lắng khi còn trên chốt, lại thay bằng niềm vui và những lo lắng mới. Gọn nhẹ nhưng phải hay, là một yêu cầu cao và khó trong nghệ thuật đối với chúng tôi lúc này. Tôi đang chạy thoáng trong đầu những nội dung chương trình gọn nhẹ, thì Tư lệnh nói thêm:
- Đêm nay còn có các anh bên Tỉnh ủy, và các cố vấn Bắc Triều Tiên tham dự nữa đó! Nhớ khẩn trương nhé?
Tôi đứng lặng như trời trồng. Bao câu hỏi dồn đến trong ý nghĩ. Sao ở chốn địch và ta đan cài, rình rập, giăng bẫy rất nguy hiểm, lại tổ chức văn nghệ đón xuân? Mà tham dự toàn các cụ cốp hết sức quan trọng? Kẻ địch Ngộ nhỡ, tình báo địch đánh hơi được, tổ chức hỏa lực lớn tập kích vào lòng hang, thì đối phó ra sao? Sau những câu hỏi đó đi qua, tôi lại thấy tẽn tò cho mình. Được điều về nhận nhiệm vụ quan trọng khẩn cấp, thì tưởng cấp trên thay người! Lại thấy choáng ngợp niềm tự hào. Không ngờ, một thằng lính quèn như mình, mà được các ông giao cho một công việc trọng đại, nặng nề mà thiêng liêng như vậy!
Mừng vui và sự tự hào cá nhân cỏn con, không át được sự lo lắng trong tôi. Trông thâm tâm, tôi vẫn ánh ảnh sự nguy hiểm. Kẻ địch đang sát nách ta, may ra chỉ 400m đường chim bay là cùng. Sao các ông lại liều lĩnh tổ chức chương trình đón Xuân kỳ lạ vậy? Tôi buột miệng hỏi Tư lệnh cha nuôi:
- Không sợ lộ sao, thủ trưởng?
Ông điềm tĩnh cười, bảo:
- Hang sâu lắm! Không nghe gì đâu! Đã tổ chức thực nghiệm rồi. Một số anh em vào sâu trong đó, bắc tay hét thật to, nhưng người ở ngoài vẫn không nghe thấy gì!..
Lặng một lúc, ông lại nói tiếp những điều suy tư, như thể nói một mình:
- Chúng ta phải đón một cái tết vui vẻ. Phải thể hiện tinh thần lạc quan trong chiến đấu của người lính trận. Đó là một phẩm chất quý giá của người lính cụ Hồ, ta không thể để mất. Dù đạn bom ác liệt, dù cái chết rình rập kề bên, nhưng không thể nào dập tắt được sức sống mãnh liệt của mùa xuân đất nước, của người chiến sỹ Sư đoàn 3 anh hùng...
Tôi tôi thấy vững tâm, mạnh dạn hỏi:
- Có các anh chị văn nghệ bên Ban chính trị tham gia không, thủ trương?
Ông ta lắc đầu, vẻ hóm hỉnh, bảo:
- Chỉ có Ban tham mưu thôi! Mà chương trình văn nghệ đón giao thừa, cũng chỉ giao cho Vệ binh thôi!..
Tôi liếc mắt vào một góc hang, thấy nồi bánh chưng đang sôi ùng ục. Chị Chánh hành chính cơ quan đang lom khom vừa thổi vừa quạt khói.
Tư lệnh nhìn qua, dặn chị Chánh, chị Ngọc:
- Bánh chín, nhớ mang gấp lên cho anh em trên chốt trước, nhé?
Rồi ông cho tay vào bâu, lôi ra 2 bao thuốc Tam Đảo. Có lẽ là phần tiêu chuẩn tết của ông. Giao thẳng cho chị Chánh, bảo:
- Khi có người mang bánh lên chốt, thì đem lên biếu anh em trên đó!..
Giữa khoảng sân rộng trong hang, nơi các anh định chọn làm sàn diễn đón giao thừa, tôi thấy anh Phong y sỹ và một vài người đang cặm cụi loay hoay cắt hoa giấy, đính lên cành cây rừng, tựa cành mai chưng tết. Trong hang, không khí ngày tết đã bắt đầu rộn ràng.
Tôi giật thột nhìn đồng hồ. Bây giờ đã là 9 giờ sáng. Chỉ còn mấy tiếng nữa, làm sao kịp được đây? Đầu rối tung rối mù, với biết bao câu hỏi đặt ra: Chọn tiết mục gỉ đây? Gọn nhẹ mà hay, chỉ có múa hát, thêm một tiểu phẩm hài sâu sắc nữa là đủ. Bài hát nào? Ai hát? Nhạc cụ gì kèm theo nữa? Dẫu vẫn biết các ông quá tin vào tôi, vì tôi đã từng mấy lần làm chương trình cho đơn vị. Và Tư lệnh Quang lại hiểu và tin tôi hơn ai hết, bởi trong dịp Hội thi Văn nghệ toàn Sư đoàn, thì đại đội Vệ binh của mình vinh dự dành giải nhất, với những tiết mục đó đều do tôi sáng tác. Nhưng lần này thời gian quá eo hẹp. Anh em Vệ binh đang tham gia chiến đấu ở xa không thề về kịp. Thật quá nan giải. Tôi quyết định sử dụng những tiết mục sẵn có, như tiết mục tủ của đại đội Vệ binh...
Tôi và chính trị viên Lạc tức tốc vọt xuống tổ nữ trinh sát. Lạy lục cúc bái mãi mấy o, mới xin được hai cái quần đen cũ đã rách. Tôi xé ra nhờ mấy o ấy khâu lại thành chiếc váy. Rồi lấy vỏ bạc bao thuốc lá Salem, cắt dán trang trí những hoa văn đặc trung. Thành váy phụ nữ dân tộc. Lấy tre vót tròn, làm một số vòng bạc, kiềng bạc, hệt trang sức của các cô gái vùng cao. Còn lấy vải dù, cắt làm ô che trông như thật...
Tiếp đến, tức tốc điều ngay cậu Tĩnh ở trung đội 1 về. Tĩnh quê Hà Tây, xinh trai trắng trẻo. Lại có khuôn mặt và dáng vóc con gái, ấn vào vai nữ trong bài "Trước ngày hội bắn" và vũ đơn bài "Hoa chăm pa". Lại điều ngay cậu Nho quê Thanh Hóa, vào vai vở kịch múa "Câu cá bắt giặc", do chính tôi tự sáng tác và biên đạo. Về nhạc cụ, tôi vừa thổi Acmonica vừa đệm Mangdolin, cậu Biên thổi sáo. Thế là đủ rộn ràng cho một chương trình văn nghệ dã chiến...
Tôi nhớ, đêm đón giao thừa trong hang lần đó, chỉ hơn 10 người. Có hai cố vấn Bắc Triều Tiên, nghe đâu cấp thượng tá, đại tá gì đó. Có ông Tám Lý, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Có ông Mai Tân, Chính ủy và ông Huỳnh Hữu Anh- Tư lệnh tiền phương Quân khu 5. Ngoài ra, có chính trị viên đại đội Vệ binh Trần Văn Lạc, Đại đội phó Trinh sát Nguyễn Như Hoàng. Có anh Trần Ninh, tài vụ và chị Chánh kể toán cơ quan Sư đoàn bộ. Còn có một vị khách nữa, ấy là chị Ngọc ở ban Quân báo Sư đoàn...
Trong hang đá rộng, giờ khắc giao thừa thiêng liêng đã điểm. Mọi người lắng tai nghe Bác chúc tết, qua cái đài Soni. Sau đó, mọi người rót rượu mời mọc chúc tụng nhau năm mới. Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh không quên thắp mấy que hương, lên bát hương nơi bàn thờ có ảnh Bác. Hương này được chị Ngọc mua dưới vùng địch tạm chiếm, thu dấu đưa lên đây, được coi như báu vật quý giá trong giờ khắc giao thừa.
Sau báo cáo của chính trị viên đại đội Trần Văn Lạc, nói về tinh thần chiến đấu dũng cảm và kết quả đánh địch của anh em chúng tôi trên chốt Hòn Chè. Và theo sự chỉ dẫn của anh Lạc, tôi mang số chiến lợi phẩm thu được của bọn Nam Triều Tiên gồm: 1 khẩu M79, 1 khẩu AR15 và 1 máy bộ đàm, trao tặng cho hai cố vấn Bắc Tiều Tiên. Hai ông thích thú, cầm ngắm nghía hồi lâu. Có một ông đưa lên mắt ngắm như đang bắn. Sau đó một ông cười và nói:
- Chúc mừng chiến công của các đồng chí!
Rồi các ông tặng cờ "Đơn vị đánh lính Nam Triều Tiên giỏi". Tất cả những chuyện này, tôi hiểu và biết được qua lời của thông dịch viên. Tiếp đến, các ông rót rượu mời anh Lạc và tôi. Tôi khi đó chẳng biết uống rượu, cũng gắng gượng, vì để lấy hên, và vì đó là giọt vui đầu xuân năm mới...
Tiếp đến chương trình đang được hồi hộp mong chờ, ấy là các tiết mục văn nghệ đón xuân. Mở đầu, tôi hát bài "Ủa xị hung xị" bằng tiếng Trung Quốc, vì bài này hồi học cấp 3 các thầy tập cho, tôi đã thuộc lòng. Hình như các ông Triều Tiên cũng biết tiếng Tàu, họ vỗ tay rồi đứng dậy cùng tôi hát. Họ còn nhẩy múa, cùng ôm nhau. Ông Quang, ông Nam Tân và mọi người cùng vỗ tay tán thưởng. Không khí đêm giao thừa trong hang đá, diễn ra thiêng liêng, ấm áp. Như được sưởi ấm mấy lần, xua tan cái lạnh lẽo, tối tăm tĩnh mịch đêm ba mươi.
Tiếp đến, hai ông cố vấn cùng biểu diễn bài võ thuật Triều Tiên đặc sắc và hết sức điệu nghệ, rập ràng. Những cú đá, cú đấm mạnh, những cú chặt chém vào không khí nghe păng pắc, nhanh nhanh đến hút hồn.
Tôi hết sức ngỡ ngàng và lạ lẫm. Sau này mới biết, quân đội Triều Tiên ai cũng đều biết võ, ai cũng có võ. Mỗi người khi vào lính, phải biết hai môn võ thuật, đó là Karratedo và Techcondo...
Tiếp đến Tĩnh và tôi biểu diễn bài "Trước ngày hội bắn" Tĩnh nhập vai cô gái Thái rất đẹp. Với làn da trắng, khuôn mặt thân hình dễ thương như con gái, dưới chiếc ô chung chiêng, trong bộ váy được trang trí theo kiểu dân tộc và giọng hát trong trẻo trời phú, Tĩnh đã làm cho mọi người nín thở. Động tác, lời ca, âm nhạc quyện vào nhau, như một sáng núi rừng rộn rã: Tiếng chim rừng chào mừng bình minh... Lại thêm Trần Khởi trong vai nam, với chiếc khèn và điệu múa uyển chuyển khá hấp dẫn. Khiến cho mọi người vỗ tay thán phục không dứt.
Tiếp đến chị Ngọc hát một bài gì đó, lại bằng tiếng Trung Quốc. Té ra, người nữ quân báo này biết được nhiều thứ tiếng, và đã từng lọt vào hoạt đông trong hàng ngủ sỹ quan địch, kể cả bọn tướng tá quân đội Nam Triều Tiên.
Khép lại chương trình, là vở kịch múa "Câu cá bắt giặc". Vở múa kịch câm, dí dỏm và hài hước. Nội dung nói lên tinh thần mưu trí dũng cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của thiếu niên miền Nam anh hùng. Vở múa kịch câm đã thật sự làm cho mọi người, đặc biệt hai cố vần Bắc Triều Tiên, thích thú. Đến nỗi, sau tiết mục đó, hai ông muốn tự diễn lại, đóng lại để khắc sâu. Một ông giả làm chú bé câu cá, còn ông kia vừa thổi Acmonica vừa bước chân, như tên Mỹ đang rình rập, bước lại gần...
Sau buổi diễn, chị Ngọc, chị Chánh, anh Ninh, dọn bánh chưng ra ăn. Một đêm đón giao thừa ý nghĩa và trọn vẹn. Mọi người lại cùng chạm cốc, chúc mừng nhau. Ông Tài, anh Lạc, anh Hoàng, chị Ngọc, chị Chánh, Trần Ninh và cả mấy chúng tôi, lại lục tục bì bõm lội suối, sang hang đá Tỉnh ủy chúc mừng các thủ trưởng bên ấy. Và bọn tôi cũng bị bắt hát mấy bài. Tôi ngâm bài vè "Mẹ Suốt"...
Đang hát, chợt nghe tiếng súng nổ giữa chừng. Vậy là bọn địch tập kích chốt rồi! Tiếng súng con, tiếng lựu đạn nổ vang cả rừng núi. Mọi người vớ lấy súng, sẵn sàng chiến đấu. Anh Lạc và anh Thanh phân công một mũi đánh thọc lên cao điểm Hòn chè. Trận đánh chớp nhoáng, ta tiêu diệt một trung đội lính Nam Triều Tiên, phá hủy 2 khẩu cối 81, buộc bọn chúng phải co lại...
Sáng hôm sau, lại tổ chức một đoàn dẫn hai cố vấn Bắc Triều Tiên đi quan sát địa hình. Đoàn đi có Tư lệnh Huỳnh Hữu Anh, Đại đội phó Trinh sát Nguyễn Như Hoàng, Đại đội phó Vệ binh Đạt Thanh, anh Thực công vụ, và tôi, cùng vài đồng chí trinh sát nữa. Chúng tôi đi dọc hành lang đông tây, xuống Hòn Chè, đạp thẳng xuống Hội Sơn, leo lên Đèo Ngụy. Đèo Ngụy lúc này, bọn địch đang ở phục, nhưng đã có trinh sát của ta đi dọn đường trước. Chúng tôi chọn một khối đá cao để làm đài quan sát. Ở đây nhìn thấy cả đồng bằng, nhìn thấy cả sân bay Phù Cát, nhìn rõ được quận lỵ Phù Mỹ.
Tôi đặt ống nhòm nhìn bao quát một lượt. Xung quanh là núi rừng trùng điệp, bao la. Dầu chiến tranh đang giai đoạn khốc liệt, dù bom đạn địch ngày đêm trút xuống hủy diệt, băm nát và cày xới mặt đất. Nhưng màu xanh, lộc nõn của mùa xuân đất nước bất tử, đang rao rực sinh sôi nơi đây. Xung quanh, những khóm bông rừng vô tư đua nhau nở, hương dâng lên ngạt ngào, át cả mùi khét lẹt của bom đạn địch. Nhìn xuống đồng bằng, nơi làng quê xóm mạc, thấp thoáng những những mái tôn buồn. Mơ hồ những ngọn khói bay lên rụt rè sợ hãi. Ở đó, biết bao mẹ già, bao con trẻ, bị giam hãm trong các ấp chiến lược, hẳn đang trào nước mắt ngậm ngùi, khi mùa xuân còn ở phía xa vời...