Việc Ricard và nhóm luật sư của New Hardy đã thỏa thuận các điều kiện luật pháp quốc tế như thế nào không được ghi chép ở đây. Tôi tìm hiểu thể chế trung lập của Thụy Sĩ và Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế ICRC (ICRC : International Committee of the Red Cross) để giúp giải đáp các sự kiện thực tế xẩy ra ở New Hardy. Thật vậy, sau ngày viện trưởng Ricard trở về, một văn phòng đại diện ICRC xuất hiện bên cạnh phòng làm việc của ông . Đây là thời điểm mở đầu cho nhóm người Hóa Châu chúng tôi đổi đời. Tôi vui mừng gặp người chú Nghiên có mặt trong văn phòng nầy. Chú tôi trong nhóm người đầu tiên được ICRC phỏng vấn vào làm việc. Ông đã học chương trình Pháp ngay từ nhỏ trong trường Pellerin, giao tiếp rành tiếng Pháp, mặc dù người ta không đòi hỏi điều kiện nầy.Một lần trong phạm vi gia đình, chú tôi đã nhắc lại các chi tiết rõ ràng trong quy chế ICRC …Chú tôi nói rằng ICRC giữ vai trò đại diện cho New Hardy làm việc thường xuyên với phía Bắc Thường. Ông nhắc lại lời François Bugnion ,Giám đốc Luật pháp và Hợp tác Quốc tế của ICRC : “ICRC không tố cáo công khai những vi phạm mà ICRC biết được, điều này là do kinh nghiệm thu được qua hàng trăm năm và hơn thế nữa, có thể thuyết phục hoặc đối thoại bí mật với những kẻ hiếu chiến.Nói cách khác,ngoại giao nhân đạo là phương tiện hữu hiệu nhất để ngăn cản các thế lực hiếu chiến buộc họ phải chấm dứt những việc làm phi pháp ...”
Văn phòng ICRC xuất hiện bên cạnh phòng viện trưởng Ricard khiến khung cảnh làm việc của New Hardy mang vẻ bí mật. Không biết do đâu người ta xì xầm to nhỏ, những là ông nầy từ rừng vô ngồi trong phòng ICRC, ông kia từ vùng xôi đậu phía Tây khuôn viên New Hardy ung dung vào ngồi trong căn-tin uống cà-phê… Chúng ta phía bên ni cách ly với vùng xôi đậu hoặc vùng sâu kháng chiến, thường tưởng tượng ra đủ thứ hình dáng,cử chỉ, lời nói của người bên tê một cách khác lạ. Chỉ đến khi trực tiếp gặp họ, tôi nhận ra không có gì để phân biệt người của hai phía. Như ông Ngãi nầy, người đang trả lời mọi câu hỏi tò mò của người khác một cách tự nhiên như những lời đính chính.
“ Như tui đây,” Ông Ngãi phân trần. “ ngày ngày cũng ăn, uống, sống và chờ đợi.Chờ con cháu từ chiến trường trở về lành lặn, chờ chiến tranh chấm dứt, gia đình Nam Bắc đoàn tụ. Chỉ có khác là mình ở đâu phải tuân theo luật lệ ở đó…”
“ Ông đến đây bằng cách nào ?” Tôi hỏi.
“ Có người làm việc trong Hội Hồng Thập Tự cho đi.” Ông không nói rõ người làm việc nầy thuộc phía nào.
“ Lạ quá, cứ thấy ông ngồi đây nhiều lần,không biết ông làm gì .” Tôi lại hỏi.
“ Hỏi tui như vậy, tui cũng có thể thắc mắc muốn biết anh làm gì ở đây ?” Ông Ngãi cắc cớ hỏi lại tôi.
“ Tôi viết báo. Nếu ông kể chuyện của ông tôi sẽ viết lại rồi đăng lên báo, ông có chịu không ?”
“ Chuyện gì anh muốn biết ?”
“ Bất cứ chuyện gì ông muốn kể .”
“ Anh có chọn lọc những gì tui nói không ? ”
“ Tôi chỉ viết những gì không gây hận thù cho hai phía, đó là tôn chỉ làm việc của một phóng viên New Hardy. Tôi nói như vậy, ông có cảm thông không ?”
“ Đây, anh xem.” Không trả lời tôi trực tiếp, ông Ngãi kéo tay áo bên trái lên tận nách, để lộ ra một vết sẹo lún sâu xuống thịt. “ Chưa kể tui phải đi bằng nạng trong nhiều năm trước khi không dùng nạng,phải đi cà thọt…Thương tật lu bù, chiến tranh ác liệt quá. May còn phước đức ông bà mới ngồi đây…”
Ông ta nói quanh co , tôi vẫn không hiểu ông làm cái củ gì ở đây (tôi mượn lời nhà văn Lê Tất Điều). Rất chán.Ai nhìn ông cũng biết ông là người thương tật mà.
“ Bị thương nhiều vậy, ông có về hưu không ?”
“ Giải ngũ chứ gì ?”
“ Đúng.”
“ Giải ngũ,về làng tui không làm gì hết mặc dù người ta giao việc cho tui.”
“ Ông không sợ kỷ luật sao ?”
“ Kỷ luật gì với người đã ra khỏi hàng ngũ”
“ Vậy về làng, ông sinh hoạt thế nào với bà con ? ”
“ Tui tình nguyện khi nào có hội họp làng xã, tui sẽ lên kể chuyện chiến trường mua vui cho bà con.” Ông Ngãi sực nhớ.
“ Chuyện chiến trường sao mua vui được. Đó là chuyện máu xương đồng đội và tiếng rên la đau đớn…”
“ Phải biết cách kể thế nào cho bà con cười…”
“ Có phải ông đóng kịch không ?”
“ Tui chưa hề đóng kịch nhưng có tật thích nói chuyện vui.”
Nghe ông nói thế tôi nghĩ ngay đến nhà thơ Thanh Tịnh, người đã khai sinh ra hình thức độc tấu vào các dịp lễ hội của quân đội Bắc Thường. Nó thường là một bài văn ngắn, có tính chất tự sự, hoặc đề cập đến những vấn đề thời sự và xã hội. Ngôn ngữ độc tấu thường giản dị pha chút dí dỏm. Khi diễn xuất, nói là chính, còn ngâm hay hát hò chỉ là phụ...
“ Xin lổi, trước khi đi kháng chiến, ông đã học trường nào ?”
“ Tui có bằng Diplôme D’Études Primaires Supérieur .”
Đúng là ông Ngãi đã chứng minh việc tôi thoáng thấy dấu hiệu đặc biệt nơi con người ông, quả không sai .Nghe ông nói có bằng cao đẳng tiểu học của Pháp-lăng-sa, tôi làm bộ bâng quơ nói :
“ Trop Parler est nocif .”
“ Anh đừng thử tui vô ích. Trop Parler est nocif nghĩa là nói nhiều có hại. Ý anh muốn hỏi tui, thích nói nhiều như vậy không sợ bị lỡ mồm vạ miệng chứ gì ?”
“ Ôi… Ông thông minh rành đời quá. Tại sao lại vào sống trong vùng xôi đậu ?”
“ Chú em (ông đổi ngay cách xưng hô) không có khả năng hiểu cuộc chiến Giao Thường nầy. Nó kỳ cục lắm. (Ông kéo đầu tôi đến gần miệng , nói nhỏ : trong bưng biền chán khối chi trí thức học giả, nhưng có khi nào những người nầy được gọi là trí thức học giả đâu. Phải chờ đến thời điểm đặc biệt có tổng kết, đánh giá khi đó những người nầy mới có danh xưng theo tiêu chuẩn nào đó. Nhưng tui chỉ nói với anh ở đây thôi.)
“ Tôi hiểu rồi. Họ cho ông đi theo vào đây vì ông có thể nói chuyện với người ngoại quốc bằng tiếng Pháp trong New Hardy và Hội Hồng Thập Tự chứ gì ?”
“ Đúng.Nhưng tui cũng muốn tìm thăm chú em đồng hành tên là Trác Lập nghe nói đang sống trong làng trung lập nầy .”
“ Ông nói lại tên Trác Lập. Có đúng là Trác Lập không ?”
“ Tui lặp lại : Trác Lập”
“Anh ruột tôi cũng có tên Trác Lập. Tôi là Trác Bạt .”
Có chuyện trùng tên ? Ông Ngãi và tôi thẩn thờ một hồi lâu. Tôi đưa tay ra dấu tính tiền căn-tin.
“ Ông ngồi đây chờ tôi vào sắp xếp công chuyện. Tôi sẽ dẫn ông vào gặp Trác Lập xem sao .”
Trông thấy ông Ngãi, Trác Lập ứa nước mắt. Đúng rồi. Trác Lập giới thiệu ông Ngãi với mẹ tôi :
“ Má còn nhớ cậu Ngãi không ?” Mẹ tôi không trả lời Trác Lập, mà phân bua với ông Ngãi :
“ Trác Bạt nó chỉ biết lo học rồi lao theo công danh sự nghiệp ở nơi khác, không biết chuyện gì xẫy ra trong gia đình nầy.”
Theo lời mẹ tôi, ông Ngãi không xa lạ gì. Ông thường hay đến nhà trò chuyện với ba mẹ tôi khi Trác Lập gặp nạn.Để an ủi, giải thích, và nhất là giải thoát Trác Lập khỏi tù tội do tham gia đình công bãi khóa. Như vậy ông Ngãi có dính líu đến các phong trào phản chiến.Cách nói chuyện duyên dáng dí dõm của ông đã thu phục con người khó tính của Nghi ông ,cha tôi.
“ Cậu Ngãi ở lại dùng cơm nghen ?” Mẹ tôi nói.
“ Chị để em ra hỏi người ta coi sao .” Nói xong , ông Ngãi quay trở ra căn-tin và hối hả vào phòng đại diện ICRC. Khi trở lại, ông báo tin …
“ Họ cho biết chỉ được phép quanh quẩn trong phạm vi làng Trung Châu đến ba giờ chiều phải trở về.”
Bữa cơm dọn ra. Có thể gọi đây là bữa cơm thân mật đối với những người trong gia đình, trừ tôi ra, vì tôi không hề thấy và biết gì về ông Ngãi cũng như không hề biết chuyện Trác Lập tham gia phong trào phản chiến. Hai người nầy đã có thời gian gắn bó nhau qua hoạt động nửa bí mật nửa công khai mà tôi cố tránh xa. Đây là nguyên nhân Trác Lập bị Nam Thường đẫy vào Trung Tâm Huấn Luyện Địa Khố mà trước đó gia đình không ai hiểu chuyện. Cha tôi phải mất nhiều tiền của và công khó mới đưa được Trác Lập về sống trong làng trung lập nầy. Chuyện nầy tôi sẽ nói nhiều hơn khi đề cập đến cuốn tự truyện Trác Lập viết và lén lút bán cho một ký giả ngoại quốc.
Chứng kiến người nhà đối xử với ông Ngãi không khác gì bà con thân ruột, tôi cũng xưng hô anh em với ông tự nhiên như đã quen từ lâu. Bàn chuyện thời sự với ông Ngãi là gãi đúng chỗ ngứa của ông đồng thời mang đến cho người đối diện nhiều kích mở hứng thú. Tôi vốn là thanh niên hiền lành không muốn thấy hận thù Nam Bắc, luôn luôn ấp ủ ước mơ được nhìn thấy Giao Thường trở thành nước trung lập như Thụy Sĩ. Ngồi với ông Ngãi, ước mơ kia trỗi dậy.
“ Anh Ngãi biết không ” tôi vào chuyện “ thời sinh viên tụi em thường tranh luận về thể chế chính trị Giao Thường”.
“ Nội dung tranh luận là gì ?” Ông Ngãi hỏi.
Tôi nhớ báo chí Nam Thường thỉnh thoảng bàn về tương lai thể chế chính trị của đất nước nầy. Mấy tay gọi là cấp tiến có người hăng hái rộng miệng ca tụng chế độ Quân Chủ Lập Hiến lúc Bảo Vương còn ngồi trong Nội Thành.
“ Mới đầu , tụi em nói về Quân Chủ Lập Hiến .”
“ Quân chủ lập hiến có hai loại khác nhau.” Ông Ngãi nhanh chóng nhập cuộc ,“ là hành pháp và nghi lễ. Quân chủ hành pháp là một thể chế chính trị và xã hội mạnh mẽ, nhà vua nắm giữ quyền lực đáng kể ,mặc dù không tuyệt đối, do bị giới hạn bởi hiến pháp và quốc hội do dân bầu . Trong quân chủ nghi lễ, mặc dù nhà vua vẫn có nhiều ảnh hưởng về xã hội và văn hóa, nhưng giữ rất ít hoặc không có quyền lực thực tế hay ảnh hưởng chính trị trực tiếp (*).Rồi sao nữa ?” Ông Ngãi phân tích rành rọt và hỏi tôi.
“Tụi em tranh cãi nên chọn thể chế quân chủ lập hiến nào cho Giao Thường ? Nhật, Anh hay Thái Lan ? Ngày đó, em vẫn nghĩ sẽ có chuyện thay đổi thể chế chính trị Nam Thường. Tụi bạn hỏi em nếu Nam Thường theo quân chủ lập hiến,em sẽ chọn kiểu Nhật hay Anh quốc ?.Em lắc đầu ...”
“ Hoàng gia Nhật Bản ,” Ông Ngãi giải thích, “ là chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới.Theo Kojiki và Nihon Shoki, Nhật Bản được thành lập bởi Hoàng gia vào năm 660 trước Công nguyên bởi Hoàng đế Jimmu .Thiên hoàng Jimmu là Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản và là tổ tiên của tất cả các Thiên hoàng sau nầy. Theo thần thoại Nhật Bản, ông là hậu duệ trực tiếp của Amaterasu ,nữ thần mặt trời của đạo Shinto bản địa, thông qua Ninigi, ông cố của ông.” Một giây sau, ông Ngãi hạ giọng :
“ Giao Thường không có truyền thống nầy. Hơn nữa, Giao Thường không có một Minh Trị Thiên Hoàng”.
“ Quân chủ lập hiến Anh quốc thì sao ?” Tôi hỏi.
“ Lập Hiến kiểu Anh cũng không được, vì dân trí Anh khác với dân trí Giao Thường…” Ông Ngãi nói.
“ Trong nhóm em có một sinh viên luật rất giỏi.” Tôi cho ông Ngãi biết. “ Hắn nêu ý kiến, có thể chọn quân chủ lập hiến Thái Lan, phù hợp với tâm thức Giao Thường Đông Nam Á. Quốc vương được công nhận là Nguyên thủ quốc gia,là người đứng đầu lực lượng vũ trang,cũng là người ủng hộ Phật giáo và bảo vệ đức tin. Nhà vua đóng một vai trò có ảnh hưởng trong mỗi vụ việc, thường làm trung gian hòa giải giữa các đối thủ chính trị đang tranh chấp. Trong số các quyền lực quốc vương Thái Lan giữ lại theo hiến pháp, có quyền bảo vệ hình ảnh của quốc vương và cho phép ông đóng một vai trò quan trọng trong lãnh vực chính trị. Nó mang lại những hình phạt hình sự nghiêm khắc đối với những người vi phạm. Nói chung, người dân Thái Lan rất tôn kính đức vua. Phần lớn ảnh hưởng xã hội của ông bắt nguồn từ sự tôn kính này và từ những nỗ lực cải thiện kinh tế xã hội do gia đình hoàng gia thực hiện.”
“ Chú em nghĩ thế nào về ý kiến của người bạn kia ?”
“ Em hỏi lại người bạn,liệu Bảo Vương trong Nội Thành nhà ta, có được dân chúng tôn kính như vua Thái Lan không ? Người bạn bảo,cậu nên nhớ, khi Bảo Vương đến tỉnh nào,dân chúng cũng tôn kính vua như quốc vương Thái Lan…”
“Bảo Vương là một ông vua vong quốc do nước khác đặt lên ngai vàng.” Ông Ngãi kết luận.
“ Kể cho vui vậy thôi, chứ em cũng không mặn mà gì với Quân Chủ Lập Hiến. Em chỉ ước mong Giao Thường trở thành nước trung lập như Thụy Sĩ.”
Tôi không ngại nói rõ ước mơ nầy với ông Ngãi. Không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người bày tỏ ý nguyện muốn Giao Thường là một nước trung lập như Thụy Sĩ. Một nước nhỏ như Giao Thường đứng giữa các thế lực đế quốc Đông, Tây, với thể chế trung lập là giải pháp hay nhất tránh được tai nạn chiến tranh xâm lăng gây đau khổ cho nhân dân Giao Thường. Lịch sử cho thấy Giao Thường là một đất nước chìm đắm trong chiến tranh liên miên,không cho người dân sống ổn định…
Nhiều người cho rằng do yếu tố địa chính trị, Giao Thường không thể nào theo chế độ trung lập. Người khác nêu ý kiến , hay nhất là biến Giao Thường thành một tiểu bang của cường quốc nước lớn nào đó. Câu chuyện nầy làm một số người khác nữa đặt vấn đề, nếu làm một tiểu bang Phương Tây tại sao không là một khu tự trị của đế quốc Phương Đông. Sự thật lịch sử đã đặt Giao Thường vào một định mệnh không cách nào vùng thoát được. Nhưng tôi lại có suy nghĩ riêng, lịch sử dành cho Giao Thường số phận nghiệt ngã, đều do chính con người Giao Thường tạo nên. Niềm ước mơ Giao Thường trở thành nước Trung Lập của tôi, cao đến mức, khi chọn đi du lịch thế giới chuyến đầu tiên trong đời, tôi đã chọn Thụy Sĩ. Tôi cũng từng đề nghị ba mẹ tôi chọn Đại Học Montreux của Thụy Sĩ cho em gái tôi du học. Đến Genève , tôi bước ngay tới trạm xe bus điện lấy vé đi thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tôi vui mùng chụp được bức ảnh đứng trước cỗng trụ sở nầy. Tôi đã mang bức ảnh trưng bày nhiều lần trên các phương tiện truyền thông để nhắc lại kỷ niệm khó quên, có ý nghĩa lớn đối với tôi. Du lịch Châu Âu, tôi đã cuốc bộ hơn mười ngày trên các đường phố xinh đẹp thanh bình của nhiều thành phố Thụy Sĩ bất kể giá sinh hoạt ở đây đắc gấp hai lần Paris – nơi tôi chỉ có hai ngày thăm viếng.
Ông Ngãi dường như đã hiểu hết gan ruột tôi, bèn cho tôi một câu kết :
“ Giao Thường ta không có xám, chỉ có trắng hoặc đen thôi.” Trác Bạt nhớ nhé.
(Còn tiếp)
-----------------------
(*)Thế giới có bao nhiêu nước theo quân chủ lập hiến ? Tìm hiểu, được biết Quân chủ lập hiến hành pháp chỉ có tám quốc gia: Bhutan, Bahrain, Jordan, Kuwait, Liechtenstein, Monaco, Morocco và Tonga.Quân chủ lập hiến theo nghi thức còn gọi là các nước tân cộng hòa có đến 30 nước : Andorra, Antigua và Barbuda, Úc, Bahamas, Barbados, Bỉ, Belize, Campuchia, Canada, Đan Mạch, Grenada, Jamaica, Nhật Bản, Lesotho, Luxembourg, Malaysia, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thái Lan, Tuvalu và Vương quốc Anh.
Trụ sở Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế tại Thụy Sĩ (ICRC Internet)