Dường như dù thuộc thế hệ nào đi nữa thì ai ai cũng luôn chở nặng trong lòng mình những hồi ức, những hình ảnh, những trò chơi của thời thơ ấu. Những hồi ức đó có thể là những buổi chiều tắm sông cùng lũ bạn nghịch ngợm nhảy "ùm" từ trên ngọn cây xuống nước, có thể là những buổi vắt vẻo trên lưng trâu, mái tóc vàng hoe và khét rẹt mùi rơm, mùi nắng. Cũng có thể kí ức tuổi thơ là những buổi đi học về, rủ nhau hái trộm cây trái nhà ai, gai cào rách áo. Người ta có thể bắt gặp trong cõi kí ức mơ hồ như màn sương mỏng manh ấy một thời gian, không gian, hoặc giả một ngọn gió nồm hay một mùi hương, một hình ảnh, một khúc nhạc bất chợt làm ta nhớ về, nơi ấy, cảnh ấy, những con người thuở ấy.
Không như bây giờ trẻ con toàn dùng đồ điện tử, đồ chơi cao cấp hoặc chăm chú vào những chiếc smart phone, trẻ con thời của chúng tôi chỉ toàn chơi những thứ đồ chơi "tự thân vận động": những chiếc lá mít trở thành con trâu có đôi sừng ngúc ngắc, bẹ lá dừa trở thành con châu chấu, chiếc quạt, những chiếc xe được chế tạo từ hắc ín, bọ xít quay cánh chạy vù vù, những ống tre nhỏ với ít trái sân trái muối trở thành súng ống trong trò đánh trận giả...
Tuổi thơ ngày ấy sống trong khó khăn thiếu thốn nên phải chăng trong cái khó cũng ló những cái khôn. Để bây giờ đôi lúc nhìn con trẻ bây giờ chăm chú dán mắt vào chiếc smast phone tôi vẫn thầm lắc đầu thương cảm. Có thể trẻ con giờ được sống trong môi trường tiện nghi đầy đủ hơn nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy dường như chúng còn thiếu một cái gì đó của sự hồn nhiên trong sáng tạo, những trò chơi vận động cả trí óc lẫn thể chất.
Ngày xưa ấy mỗi lần mạ đi chợ về, con bé ốm nhom da ngăm vì dang nắng suốt ngày là tôi lại mong ngóng nhất khi soạn giỏ đồ của mạ là những con thú được làm từ bột lọc. Chúng sặc sỡ lung linh đầy sắc màu và được tạo thành nhiều con vật, đồ vật khác nhau như nải chuối, mâm ngũ quả, con gà, con trâu, con chó, con ngựa, kể cả từ khi bộ phim Tây Du Kí du nhập vào tâm hồn những đứa trẻ Việt Nam thì cũng từ đó hình ảnh chú khỉ Tôn Ngộ Không,Tam Tạng, Sa Tăng, Trư Bát Giới được nặn bằng bột lọc cũng được ra đời để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của lũ trẻ.
Những con thú bằng bột ấy được nhào nặn rất khéo léo và cứng cáp, lũ trẻ vẫn thích bày ra chơi trong trò chơi đồ hàng. Đôi khi chơi chán đến khi con chó bị gãy mất một chân, hoặc chú gà trống bị sứt mất cái mào nhưng vì tiếc và thích quá đến nỗi không thể vứt được. Bọn trẻ bèn nghĩ ngay đến bếp lửa của mạ và bỏ vào nướng ăn. Mặc dù chúng chỉ dám lén mẹ nướng thôi chứ có mẹ là thế nào cũng bị mẹ la. Mẹ bảo rằng những con bột ấy được nhuộm bằng phẩm màu nên để ngoài chơi thôi kẻo ăn vào mất vệ sinh, sẽ bị ho lao. Mẹ tôi doạ thế! Nhưng trước mùi thơm của những con bột khi nướng lên bao giờ cũng rất hấp dẫn với chị em chúng tôi nên hầu như đứa nào cũng đã từng hơn một lần nuốt vào bụng thứ đồ chơi bằng bột lọc dân dã ấy. Những con bột được chúng tôi nướng chỗ thì cháy xém, chỗ thì còn sống nhưng sao hồi ấy đối với chúng tôi nó ngon vô cùng, thích thú vô cùng.
Hồi ấy, mỗi lần có tiếng lanh canh vang lên trong xóm là chúng tôi xớn rớn cả lên, đó là tiếng lục lạc của chú bán đồ chơi dạo. Trên chiếc xe đạp, chú chất vây quanh vô số đồ chơi sặc sỡ đầy màu sắc, chủ yếu là những đồ chơi bằng nhựa như những chiếc xe, chiếc kèn, trống cơm, những bộ nồi niêu xoong chảo bé tí, chiếc giỏ đi chợ hoặc có cả những chiếc mũ của chú hề mỗi lần sắp đến Giáng sinh. Những thứ ấy chúng tôi có thể mua hoặc đổi bằng những đồ ve chai hoặc thậm chí là bao lông vịt đã được phơi khô. Nhưng ngày ấy có tiền để mua những món đồ chơi ấy không dễ và không phải lúc nào nhà cũng sẵn có những thứ ve chai ấy để mà bán. Do vậy nên có những lần đứa con gái tinh quái là tôi đã từng cắt đi đôi quai dép nhựa đang mang để xin mạ mua cho đôi dép mới, thế là tôi nghiễm nhiên hợp thức hoá đôi dép cũ để đổi lấy chiếc kèn thổi tò tí te trước ánh mắt thèm thuồng của tụi bạn trong xóm. Nhưng cuộc đời lại có câu "đi đêm lâu ngày cũng gặp ma" và thế là có lần hành vi "mờ ám" của tôi được mạ bắt nằm úp mặt xuống phản rồi tặng cho mấy cây roi quắn đít.
Nói thiệt, hồi nhỏ tôi luôn luôn là một đứa trẻ không thiệt thà. Mỗi lần chơi trò chơi chẵn lẻ ăn sợi su (dây chun) tôi đều bí mật nhét gọn sợi su vào giữa hai ngón cái và trỏ và lòng bàn tay tôi nắm hai sợi. Nếu bạn nói chẵn tôi sẽ xoè tay ra hết thành tất cả ba sợi, thế là bạn thua và nếu bạn nói lẻ thì tôi sẽ chỉ đưa ra hai sợi, sợi còn lại sẽ nằm im thin thít giữa hai ngón tay trỏ và cái của tôi. Cứ thế suốt cả mùa chơi dây su tôi đã thu hồi về phía mình không biết bao nhiêu là dây su, tôi đã tự hào và lấy làm đắc chí về những sợi dây su được bện thật to và thật dài. Tôi tự cho mình là thông minh lắm lắm.
Những khi mùa hạ giếng Chùa thường khô, chúng tôi thích nhất là đi chực nước để được bày ra những trò chơi trong đó thích nhất là trò chơi năm mười. Ở đó có những ngôi mộ với những nhà bia thật to có khi hai ba đứa trẻ trốn vào được trong đó. Thế là chúng tôi lém lỉnh đổi áo cho nhau khi người thua đang úp mặt vào tường đếm 5-10-15-20... ngày nào cũng quá quen chiếc áo đó là áo đứa nào nên đứa thua chỉ nhìn vào áo để gọi tên. Nhưng áo đứa này mặc hôm nay lại là áo của đứa khác nên cả đám còn lại chạy ùa ra "nạp", thế là vẫn thua tiếp. Giờ nghĩ lại thấy "ác" dễ sợ nhưng mỗi lần gặp nhau kể chuyện chẳng đứa nào còn hờn trách đứa nào vì có lẽ ai cũng đã từng "thông minh, tinh quái" như vậy nên cười huề cả làng.
Những trò chơi dân gian thuở ấy, tuy rất giản đơn nhưng đó là những trò chơi bổ sung cho trí tuệ và thể chất. Nó góp phần rèn luyện thân thể và thúc đẩy khả năng tính toán hữu ích cho não bộ. Dòng đời biến thiên, những trò chơi dân gian ngày ấy gắn liền những câu hát đồng dao giờ đã dần vắng bóng, theo đó có rất nhiều nghề đã bị thất truyền mà những nghệ nhân tạo hình con bột cũng là một ví dụ. Chỉ thỉnh thoảng trong những dịp lễ hội như Tết, Festival... đôi khi bắt gặp những người bán tò he (tò he có xuất xứ từ miền Bắc và có nhiều người vẫn nhầm lẫn tò he với những con giống bột), tuy nhiên cũng rất hiếm.
Khi viết bài này tôi nghe được một thông tin quý báu là Hà Nội đang có nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã và đang say mê phục dựng và bán những con giống bột ở phố Hàng Mã. Đó là một tín hiệu vui cho những ai luôn sống trong hoài niệm và biết nâng niu những giá trị, những cái hay, nét đẹp của nền văn hoá truyền thống Việt.