Trời mờ mờ, lảng vảng những đám mây đen. Có thể trời sẽ tiếp tục mưa lớn nữa. Ba đứa chúng tôi lấy cơm vắt ra ăn, lo trời mưa, lo đoạn đường sắp tới. Ban chiều hỏi thăm mấy người khách đi ngược lại, chúng tôi đoán được phần nào những khó khăn đang ở phía trước.
Ái là người biết lo, tính toán rất kỹ, ghé vào tai tôi:
- Mình đã qua quãng đường có bom nổ chậm, còn đoạn đường có pháo và trực thăng biệt kích. Năm tiếng đồng hồ nữa mình tới trạm.
Dũng hồn nhiên chẳng lo nghĩ gì. Khi nãy trùm vải mủ đánh một giấc no nê rồi, giờ đang nằm ngửa trên đống ba lô, đập muỗi xoành xoạch, ngâm nga: "Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Đông ơi! Nước chảy xuôi dòng…"
- Lo buộc lại dây bòng cho kỹ để chút nữa chạy pháo tuột văng hết đồ đạc, ở đó mà Vàm Cỏ Đông!
Dũng cười, vẫn tiếp tục hát. Tôi và Ái lui cui coi lại đồ đạc.
Tai họa đã đến với chúng tôi thật bất ngờ.
- Đoàn đồng chí Châu có đó không?
Một giọng phụ nữ trẻ, không quen, nghe đanh và chắc bỗng vang lên ở cạnh tôi. Tôi giật nẩy mình:
- Có.
Ánh đèn pin mờ vì mặt kính bị bọc trong vuông vải, xoẹt lên. Giao liên. Nếu không có cái giọng trong và cao thì thật khó đoán ra đó là một cô gái. Kiểu ăn mặc thật kỳ dị. Quần ni-lông đen dài ống hẹp, kêu loạt soạt. Áo rộng thùng thình, thắt bên trong túi đạn AK ôm ngực rách bờm xờm. Khuôn mặt nhỏ sâu hút giữa mảnh khăn rằn trùm kín gáy, cổ và mái tóc. Chiếc nón rộng vành to chụp trên đầu. Khẩu AK đeo trước ngực chĩa họng súng đen ngòm về phía chúng tôi.
Dũng vẫn không ngồi dậy cười cười:
- Ái chà! Xạ thủ AK số một nghen!
- Giỡn hớt cái gì vậy, đồng chí?
Dũng trố mắt, toan đáp lại, song tôi đã chặn bằng một cái đẩy tay.
- Các đồng chí có giấy thông hành không? - Vẫn cái giọng xẵng sớm ấy.
- Có. Nhưng giấy của chúng tôi trạm bên kia giữ, tưởng đưa cho các đồng chí rồi chớ?
Cái đầu nhỏ lúc lắc:
- Chỉ có giấy giới thiệu của trạm chớ có giấy thông hành đâu.
Tôi chợt nhớ ra. Chúng tôi từ đơn vị đi công tác, đáng lẽ trạm vừa rồi phải cấp giấy, song không hiểu sao lại đùn cho trạm tới cấp.
- Các đồng chí chịu khó trở lại lấy giấy thông hành - Cô gái nói - Chuyến sau đi vậy. Trạm chúng tôi không nhận khách đi đường không có giấy.
- Chị Oanh ơi!
Một thằng bé từ phía sau len đám khách đi tới, cũng khăn trùm bịt mặt, nón vải, chỉ khác trên cái lưng ngắn ngủn tha một cái bòng to tướng.
Chúng tôi gặp Oanh "hắc" rồi đây. Vừa đi đến đầu đoạn đường dây này, chúng tôi đã nghe tiếng Oanh "hắc", cô giao liên rất "nguyên tắc". Chắc những giai thoại chúng tôi được nghe có thêm thắt ít nhiều, song giờ đây rõ ràng cô ta đang gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi. Chúng tôi năn nỉ, các bác khách đi đường và đồng chí giao liên trạm kia cũng xúm vào nói giúp chúng tôi. Ai cũng nóng ruột, sắp tới giờ pháo bắn rồi. Dũng ức lắm song bị tôi ém ngồi nín khe, nói nhỏ chỉ tôi nghe: "Thây kệ, không cho đi cũng đi theo. Đi sau năm bảy thước cô ta làm gì được mình."
Cuối cùng rồi cũng giải quyết được ổn thỏa. Oanh "hắc" nhận chúng tôi sau một hồi quần cho chúng tôi một trận mướt mồ hôi về nguyên tắc giấy tờ khi đi đường. Đồng chí giao liên đưa chúng tôi đi bắt tay từ giã, nói nhỏ vào tai tôi: "May cho mấy anh, mọi khi tụi tui đành chịu dẫn khách lộn về".
Tôi cười thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ mà phải lộn lại thì thà nằm đây chịu ăn pháo còn hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi lại được Oanh "hắc" chiếu cố đến như vậy?
Mọi người vây thành vòng tròn để nghe phổ biến các tín hiệu. Oanh "hắc" và chú bé đứng giữa, to ngang, đầu xù xù. Oanh dặn đi dặn lại chuyện buộc chặt đồ đạc, chuyện qua bãi pháo, phải vượt hết sức nhanh và khi gặp trực trăng hay biệt kích phải bình tĩnh nghe theo lời hướng dẫn:
- Các đồng chí bám sát nhau. Đường tối dễ lạc. Nghe bom chậm phải lập tức nằm ngay xuống. Nếu có tình huống biệt kích bộ hay trực thăng soi phải lập tức nghe lệnh tôi.
- Làm như ông tướng! - Dũng ấm ức ra mặt. Tôi cũng lo. Tình hình đoạn đường rất căng thẳng, vậy mà dẫn đường lại là một cô gái và một chú bé. Khách không biết đường sá gì cả, lại không có súng, lực lượng chiến đấu chỉ có một khẩu AK của đường dây.
- Thôi ta đi! - Oanh ra lệnh và tạt qua bên. Chúng tôi đi sau cùng.
- Trong các anh, có ai cần giúp gì không? - Cô gái hỏi. Sự săn sóc thật bất ngờ. Song Dũng đáp lại lạnh lùng:
- Cám ơn! Tụi tôi còn đủ sức…
Con kinh nhỏ nằm giữa hai sông Vàm Cỏ, phơi mình trên cánh đồng lầy lội rộng mênh mông. Mùa này lòng kinh chỉ có ít nước. Có lẽ cách đây không lâu, ven kinh có nhà cửa dân cư đông đúc, thấy còn sót lại dấu vết những cọc, mảnh vỡ, nền nhà nham nhở, vườn tược xơ xác. Những lỗ pháo chằng chịt khắp đó đây, lỗ cũ, lỗ mới chồng chất, tạo cho mặt đất những hình thù kì lạ. Hàng tràm thẳng tắp ven bờ, gãy nát. Thỉnh thoảng, lại có một người ngã chúi vì vấp phải gốc tràm gãy.
- Đi mau lên chút nữa các đồng chí ơi. Chỗ này tụi nó bắn pháo dữ lắm đấy!
Oanh đi sau cùng đoàn khách lên tiếng thúc. Cô ta quen đường, vậy mà nhiều khi cũng vấp té chúi nhủi.
Không gian bỗng yên lặng một cách kỳ lạ. Trong chiến đấu, những giờ phút đó xuất hiện trong đầu óc của chiến sĩ là giờ phút căng thẳng nhất. Mọi sự nghe ngóng đang được căng ra đến độ để chờ đón một sự biến đổi đột ngột. Tiếng bước chân đi nhanh. Tiếng gạt lá rột rẹt. Tiếng ho bị ém lại.
Chúng tôi đang đi dưới tầm của đạn pháo. Chúng tôi không muốn song vẫn phải hồi hộp mong chờ những giờ phút bị pháo bắn tới.
- Mình đã đi qua được hơn nửa chặng đường pháo rồi - Oanh động viên chúng tôi - Mọi khi, giờ này tụi nó bắn rồi. Không bắn đây thì cũng bắn cặp con kinh bên kia.
Tôi nhìn theo hướng Oanh chỉ, chưa kịp nhìn thấy gì bỗng nghe tiếng hú kinh hồn.
- Rầm! Rầm!
Tôi ngã chúi xuống.
- Chạy! - Oanh hét lên.
Mọi người quàng lên nhau chạy tuôn ào ào trong tràm.
- Ráng chạy ra khỏi khúc này. Nó còn bắn lẻ, còn xa lắm. Nhưng sắp mở đầu rồi đó!
Dũng vướng bòng vào một nhánh tràm gãy. Ái nắm giựt mạnh. Rẹt, rách một góc. Quai bòng đứt.
Chạy qua được quãng đường nguy hiểm mất mười lăm phút, mệt tưởng đứt hơi. Oanh cho lệnh nghỉ. Mọi người nằm ngửa ra cỏ thở hào hển. Cách đó không xa lắm, trên đoạn đường mà chúng tôi vừa vượt qua, đạn pháo tiếp tục trút xuống ào ào, mặt đất không ngừng rung chuyển. Tiếng Oanh:
- Các chú, các anh tranh thủ nghỉ lấy sức. Qua được một chỗ găng rồi. Hút thuốc nhớ bụm kỹ, đồng trống lắm.
Trời mờ mờ. Oanh và thằng bé ngồi hơi xa một chút, lấy cơm ra ăn thì thầm nói chuyện. Ái nằm gối đầu lên bòng cằn nhằn Dũng về chuyện khi nãy. Tôi thiu thiu ngủ lúc nào không biết.
- Dậy! Dậy!
Xung quanh mọi người lao xao chuẩn bị lên đường đi tiếp. Trước đây chỉ mấy phút, góc đồng hoang vắng này còn im ắng, giờ náo nhiệt vì những bước chân lạo xạo đi lại. Dũng buộc lại dây bòng cẩn thận hơn.
Từng người ngụy trang kỹ bằng cỏ tranh, nhánh tràm, đi cách xa nhau, theo con đường mòn lượn quanh co giữa cánh đồng, bỏ lại sau lưng con kinh nhỏ không tên kỷ niệm về trận pháo vừa rồi. Xa xa sông Vàm Cỏ Đông với những chùm hỏa châu treo lơ lửng làm ửng sáng từng chập bước chân đi.
Lại cũng thằng nhỏ è ạch cái bòng đi trước. Oanh "hắc" với khẩu tiểu liên khoác trước ngực, đầu xù xụ khăn nón đứng bên đường đếm từng người khách đi qua, lá cỏ ngụy trang làm hình thù cô ta càng kỳ dị hơn, như một con cá rô xòe vây. Dũng vốn đã ác cảm đặt luôn Oanh "cá rô".
- Thằng nhỏ mang bòng nặng muốn chết, cô ta lớn xác lại đi không. Cá rô thấy ghét quá! - Dũng lầm bầm.
Đã quá ba giờ. Đêm tàn khuya giữa cánh đồng vắng thật quả là êm ả. Cảnh vật cũng mòn mỏi: sao thưa đi, nhạt hơn trên bầu trời tím phớt, tiếng gió thổi nhẹ nhàng hơn, tiếng bước chân đi, tiếng ri rỉ của dế kêu trong cỏ cũng lặng trầm hơn. Sương xuống ướt đất. Sương như từ dưới lòng đất đâm lên, quyện thành những cuộn khói trắng chấp chới như những bóng ma bay lượn. Những vạt tràm tươi phủ kín trắng toát dựng cặp đường đi như những bức tường khổng lồ sừng sững. Bóng của những người đi trước, đi sau chập chờn.
- Trực thăng!
Có tiếng ai kêu thét, trong chớp mắt cả đoàn đứng sựng lại lắng tai nghe, vẫn chưa phân biệt được tiếng máy bay với tiếng cây cỏ rì rào.
- Nghe kỹ lại coi, in như tiếng gió - Tiếng một bác già, thận trọng.
- Trực thăng đó, hướng Kiến Tường - Oanh nói.
Đã thấy ánh đèn đỏ lừ của hai chiếc trực thăng chấp chới từ phía Đông Nam, nơi có vừng ánh lớn dạ lên nền trời của thị xã.
- Nó lên phía mình đó!
- Cứ đi! Đi nhanh! Nếu nó bắn, chú ý đừng tạt vô các cụm tràm.
- Chạy mau đi!
Đám trực thăng đảo một vòng trên đầu, động cơ nổ rầm rầm choáng óc. Đoàn khách tản mác nằm rạp xuống, cố tìm cách lánh xa các cụm tràm.
- Chạy mau ra khỏi chỗ này, Châu ơi! - Ái và Dũng cùng hô lên một lượt.
Tranh thủ lúc trực thăng chưa bật đèn soi, đoàn khách vụt đứng dậy cố chạy tạt ra khỏi vòng. Chúng bắt đầu bắn. Những dây đạn lửa dày đặc, to, đỏ lòm, ngòng ngoèo tung ra từ hai bên họng súng sáng rực. Hỏa tiễn phóng ào ào như giông bão. Tràm gãy rôm rốp, đạn bay líu nhíu dày đặc. Chiếc trực thăng chỉ huy bỗng vọt lên cao bật đèn pha, tôi chạy được mươi thước vội nằm bẹp xuống. Dưới ánh sáng đèn, Dũng nằm cách tôi không xa, cái bòng trăng trắng lòi một góc ra ngoài mí lá ngụy trang. Ái chạy lạc đâu mất. Ánh đèn pha sáng như ban ngày, quơ đi quơ lại tìm kiếm.
Một loạt AK nổ ngay ở sát tôi và tiếng Oanh "hắc" la lớn:
- Bé! Dẫn mấy chú chạy đi!
AK lại nổ mạnh hơn vào đội hình máy bay, bắt chúng bay cao hơn, xa hơn, nhưng chúng cũng đã phát hiện được điểm súng bắn trả, cả ba chiếc lồng lộn châu lại bắn và phóng hỏa tiễn dồn dập.
AK lại nổ từng chập chỗ này chỗ kia khác nhau như để chọc tức đám trực thăng, chúng lồng lộn phát điên lên gầm thét đuổi theo. Trận chiến không cân sức kéo dài…
*
* *
Trạm giao liên nằm nép dưới những gò đất có cảm giác như bị bỏ quên trên đoạn đường đầy nguy hiểm và hiu quạnh này. Mỗi gò đất là một ổ chiến đấu, đầy đủ công sự, hàm ếch vững chắc. Những bụi cây sim, cây mua rậm rạp che phủ lên mái chòi dựng vội vàng che ánh nắng gay gắt của thảo nguyên.
Tôi tỉnh dậy, đầu nóng ran. Nắng trải vàng chiếm gần hết căn lều. Đồ đạc trong lều bừa bộn: bòng quần áo, xen-tuya Mỹ, dép râu đầy sình đất, nón, ca muỗng vứt lộn trong mớ đưng ẩm ướt lót nằm. Bếp dã chiến đào trước cửa lều, lõng chõng nước mưa đêm qua với mớ cỏ khô ướt nhẹp, cháy sém. Ái, Dũng ôm nhau ngáy khò khò ở góc lều, quần áo rách toạc, những vết xước máu đã khô lại.
Chân Dũng bị một vết thương khá nặng. Đêm qua trên đường về trạm, Dũng phải dựa vào vai tôi, nhảy lò cò rất khó nhọc. Không rõ bị cây xóc hay đạp phải miểng bom pháo. Vết thương cần phải rửa, băng lại, chiều nay mới có thể đi được. Trạm không giữ khách ở lại vì địa hình lúc nào cũng có thể bị đánh cóc bất ngờ. Tối nay là sẽ có người đến đón. Trạm trưởng, một bác già giọng nhẹ nhàng thông báo cho chúng tôi mọi chuyện trước lúc phân tán về các lều nghỉ.
Một người chỉ cho chúng tôi lều quân y, mái đưng còn mới đỏ ló ra sau vạt cây xanh của một gò mối khá lớn ở cách chúng tôi không xa. Những quần áo nhiều màu, những khăn có tua tỉ mỉ treo ở một dây phơi bên ngoài. Lều trông gọn ghẽ. Mái lều được cắn xén kỹ, có vách vừng bằng cỏ ghép. Qua các lỗ vuông thoáng hơi chúng tôi nhìn thấy một cô gái tóc đen và ngắn. Cô gái tiếp chúng tôi cởi mở. Tôi đỡ Dũng ngồi nghiêng trên chiếc giường độc nhất của căn lều. Thằng nhỏ dẫn chúng tôi đi đêm qua đang ngủ say sưa trên nệm cỏ ở gốc trong cùng của lều. Tiếng ngáy của nó nghe đều đều rộn rã.
Cô cứu thương lần tay mở những lớp băng quấn quanh vết đứt của Dũng, tôi ngồi ngó quanh. Mọi vật dụng trong lều được xếp đặt ngăn nắp chứng tỏ chủ nhân của nó là người sống có nề nếp. Trên chiếc bàn con đặt ở sát đầu trên của chiếc giường, một chồng các quyển sổ và một đống thư, báo gói đang tháo dở. Đây cũng là nơi phát hành của trạm, có lẽ cũng là trách nhiệm thứ hai của cô gái cứu thương này. Cô gái còn trẻ lắm. Mặt trái xoan, gò má bầu tròn màu nước da rám nắng. Cằm hơi nhọn, mắt lim dim mơ màng. Chân mày nhỏ, mảnh dẻ, hai hàng mi thưa và cong. Mái tóc ngắn, đen nhánh, sợi nhỏ và dịu dưới chiếc khăn sọc màu trứng sáo chảy trên hai bờ vai tròn, chiếc áo bà ba tím, đôi bàn tay ngắn với những ngón nhỏ mềm mại, nhẹ nhàng. Dưới lớp áo bó sát, lồng ngực nở căng của cô phập phồng theo nhịp thở. Đôi lúc chân mày cô hơi cau lại, đôi môi tròn chúm chím xuất hiện những nét trẻ con nũng nịu toát ra vẻ trong trắng trẻ trung. Một cô gái xứ đồng đơn giản, khỏe mạnh, không trang sức, gọn gàng trong bộ trang phục xoàng xĩnh song gây được ấn tượng tươi mát giữa đồng cỏ bao la.
Không ngớt lo nghĩ về số phận của Oanh, tôi thầm so sánh hai người. Cô gái này là một nhà chuyên môn, một bàn tay dịu hiền. Còn Oanh là một nữ tướng. Không còn ai có thể chê Oanh trong vai trò người hướng dẫn vượt qua đoạn đường nguy hiểm. Oanh đã làm được và làm xuất sắc nữa.
Cô gái đã thu dọn xong dụng cụ để vào một góc chúng tôi vẫn ngồi nán lại, một phần vì muốn hỏi thăm về Oanh, một phần vì cảm tình đột nhiên qua giây phút ngắn ngủi với cô. Đoán được phần nào tâm trạng đó, cô gái hơi e thẹn, sửa lại dáng ngồi trên nệm cỏ, vuốt lại mí tóc xõa trên trán, đôi mắt đen của cô nhìn tôi với vẻ quen thuộc. Rồi bỗng hỏi:
- Hai anh hồi hôm về lúc mấy giờ?
- Năm giờ.
- Về sớm đó. Có nhiều đoàn khi qua được sông là trời đã hửng nắng.
Dũng cười:
- Chạy vắt giò lên cổ mà hỏng mau sao được. Đi đường như vầy thì qua chừng mười trạm, tụi tui cũng trở thành dũng sĩ chạy đua cấp ưu tú chớ chẳng phải chơi!
- Còn tụi tui thì ngày nào cũng chạy. Vậy chắc đã thành dũng sĩ hết rồi? - Cô gái cũng cười. Cô đăm đăm nhìn Dũng, rồi đột nhiên hỏi:
- Anh là anh Dũng phải không?
Câu hỏi bất ngờ làm Dũng ngớ người chưa hết ngạc nhiên thì cô ta đã quay sang tôi:
- Và anh là anh Châu chớ gì? Còn một anh nữa đâu?
Tôi trả lời như một cái máy:
- Còn ngủ đằng nhà khách. Mà sao cô lại biết chúng tôi? - Tôi băn khoăn hỏi, chợt thoáng thấy trong giọng nói và cử chỉ của cô có những nét quen quen. Dường như tôi đã gặp cô một lần ở đâu, không lâu lắm. Không, tôi chưa hề gặp cô lần nào cả. Con người ấy mà đã gặp thì chắc khó quên một cách dễ dàng như vậy.
Đến lượt cô gái sửng sốt. Vẻ ngạc nhiên của cô không giấu giếm nên càng lộ ra ở đôi mắt đen láy mở to và khuôn mặt xịu xuống của cô. Cô trách chúng tôi một cách chân thật:
- Đúng các anh là khách, có nhớ ai đâu? Phải biết vậy em hỏng thèm nhìn hai anh.
Lời trách móc của cô gái làm chúng tôi càng thêm ngạc nhiên:
- Xin lỗi chị…
- Xin lỗi cái gì? Dẫn mấy anh đi suốt đêm chẳng anh nào thèm nhớ phải không? Hay anh Châu, anh Dũng còn giận chuyện khi hôm em làm khó không nhận mấy anh?
- Trời đất ơi!
Hai đứa tôi ngạc nhiên như té nhào từ trên cây xuống. Oanh! Té ra là Oanh… Oanh "hắc", Oanh "cá rô", Oanh nữ tướng cũng lại là Oanh cô gái cứu thương dịu dàng dễ thương. Tại sao lại có sự thay đổi kỳ lạ vậy?
- Cô là cô Oanh hả? Đúng thiệt không?
- Mấy anh chạy theo thằng bé em về trước, em lừa trực thăng rượt ra đồng trống mất dấu rồi về sau mấy anh nửa giờ, chưa được ngủ vì còn quần với những cái này đây.
Cô chỉ đống đồ phát hành và chiếc túi cứu thương, có cả khẩu AK nòng súng còn dính đất nhô ra sau đống bao bòng, cả cái khăn trùm đầu màu tối, chiếc mũ vải bèo nhèo vứt cạnh khẩu súng và bao đạn rách.
- Mấy anh tin chưa? Mấy anh tìm coi trạm này có thêm con nhỏ nào nữa không? - Trong một phút Oanh lại trở lại với cái vẻ "hắc" đêm hôm, song một nụ cười rạng rỡ đã làm cho khuôn mặt cô ta đổi khác ngay.
- Anh Châu, anh Dũng đừng giận em nhé! Nói giỡn chơi một chút vậy thôi mà.
Dũng lắc đầu:
- Không đâu. Từ sáng tới giờ, tụi tui băn khoăn cứ ngóng tin hoài, sợ có chuyện gì xảy ra cho Oanh. Có điều không nhớ là vì khi đêm nhìn Oanh không rõ lắm.
- Trùm bít bùng, các anh có nhìn cũng không thấy được! Em cố ý làm như vậy đó!
Câu nói vô tình của Oanh làm tôi chú ý. Cô gái nói tiếp:
- Em được phân công đi con đường đó gần như thường bữa. Nhà em trước đó ở kinh mới, chỗ mình chờ trực và chạy pháo đó. Xóm đó đông vui lắm, kinh thông hai đầu ra sông Vàm Cỏ, xuồng ghe qua lại nhiều. Cả cánh đồng ta đi qua chỗ nào em cũng biết rành. Hồi nhỏ, ba má dẫn em đi đốt tràm, đào chuột, bắt cá. Mấy anh lo cho em, em cám ơn chứ tụi trực thăng làm gì được em! - Oanh cười nói một cách hồn nhiên
Chiều hôm đó trời sụp tối chúng tôi lên đường. Người trưởng trạm già đến tận lều khách trao giấy tờ giới thiệu chúng tôi với anh liên lạc của cơ quan ra đón, trao cho tôi một chiếc phong bì nói:
- Oanh nhờ chuyển giúp lá thư này cho hòm thư các đồng chí sẽ tới. Hồi chiều cô ấy tới các đồng chí ngủ nên không gặp, trạm có chuyến đột xuất Oanh phải đi rồi.
Tôi cầm phong thư đút vào túi áo, cảm thấy như bóng dáng của cô gái kỳ lạ ấy còn phảng phất ở đâu đây. Dũng đứng cách tôi mấy bước, mặt xịu xuống thất vọng. Tôi cũng biết Dũng có ý muốn nói một câu gì đó tha thiết trước lúc chia tay với Oanh. Ái cũng tỏ vẻ buồn. Chúng tôi hình dung Oanh đang đi giữa cánh đồng hiu quạnh mênh mông tối sẫm, cùng thằng bé rảo bước trên con đường mòn nhỏ ngược lại với những vết chân lộn xộn đêm qua của chúng tôi, đi về phía những tên biệt kích, những chiếc trực thăng, qua vùng đất loang lổ dưới những nòng pháo đen ngòm nằm lì đang sẵn sàng nhả đạn. Cũng vẫn với bộ đồ chật bó, chiếc khăn tối màu và chiếc mũ vải to xù trên đầu, khẩu AK, bao đạn rách bươm nặng nề trước ngực. Trong một phút chúng tôi cùng đứng lặng đi. Mãi mãi không bao giờ có thể quên được hình bóng cô giao liên dũng cảm, trạm nhỏ nằm chơi vơi giữa lòng thảo nguyên xa xôi đã đưa chúng tôi đi trên những chặng đường…