Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.140.869
 
Xuân tình thời Vãn Đường
Đỗ Nhựt Thư

 

            Tuần rượu vui xuân đã ngà ngà, thời thế cũng đã vui, rượu bia khắp xứ, gần như toàn dân Việt uống tràn cung mây.

 

Mấy lão gàn lại lộ cái đuôi bản năng gốc.

- Này, ngày xưa lễ giáo nghiêm khắc thế, các cụ có dám viết về cái dục không hè? Hâm khiêu khích.

    Chảnh ưu tư: - Đạo đức tuỳ thời thế mà quy định nhưng làm sao thắng được bản năng, tôi nghĩ vua quan thì được cưới nhiều bà còn dân gian thì thoải mái chuyện nam nữ lắm, chỉ có văn chương vốn thanh cao nên tránh né thôi.

    Phớt cười cười: -  Tui đọc nghìn bộ sách cả thanh lẫn tục nên biết có việc này nói các ông nghe chơi:

    Tiên sinh Hàn Ốc sinh khoảng năm 844 thời Vãn Đường, một thi nhân nỗi tiếng mà đã làm bài thơ ‘Ngũ canh’ khiến dư luận kinh hãi, ông nào biết đọc nghe thử.

    Cả bọn trố mắt ốc, Gàn dục: - Làm bộ hoài, đọc nghe coi.

    Phớt khủng khỉnh: - Mở lỗ tai mà nghe đây nè các khứa lão:

Vãng niên tằng ước Úc Kim sàng

Bán dạ tiềm thân nhập động phòng

Hoài lý bất tri kim điền lạc

Ám trung duy giác tú hài hương

Thử thời dục biệt hồn câu đoạn

Tự hậu, tương phùng nhãn cánh cuồng

Quang cảnh toàn tiêu trù trướng tại

Nhân sinh doanh đắc thị thê lương.

    Lão Hâm chậm rãi: - Ừ, để tui diễn giải thử: năm xưa từng hẹn lên giường với Úc Kim, nửa đêm lén đến động phòng, ôm nhau (mê đắm quá) không biết đến trâm rơi, trong tối chỉ nghe mùi đôi hài, muốn đi nhưng hồn đã mất, từ đó gặp nhìn nhau như điên cuồng, cảnh ấy bây giờ không còn, nhưng mang suốt đời nỗi buồn thảm, lạnh lẽo. Ha … ha …, gái lén đến để đưa, sướng quá, rồi nàng mơ tưởng miết, không được nữa, buồn bã cả đời. Đó, thấy chưa? Cứ bảo thời xưa thanh cao lắm. 

    Mấy lão nghệch mặt, Chảnh liến láu: - Vừa rồi bọn mình đã nói về chuyện ấy trong thơ các cụ nước mình, vậy Việt Nam ta hâm quá hì.    

    Hâm vốn sành Hán Nôm lão cười cười: - Các nhà Nho Việt Nam ta xơ cứng lắm, thôi, để dịp khác ta bàn. Nghe tiếp đây nè: nữ sĩ  Đỗ Thu nương cũng sống vào thời cụ Hàn Ốc mà đã khuyên chồng như thế này trong bài Kim lũ y đến giờ còn được truyền tụng, xin đọc lại hầu quý vị:

Khuyến quân mạc tích kim lũ y

Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì

Hoa khai kham chiết trực tu chiết

Mạc đãi vô hoa không chiết chi.

   Phớt cười: - Bài này tui quá rành, đại ý là khuyên chồng đừng tiếc cái áo (công danh) quý, hãy quý tuổi xuân, hoa vừa nở thì bẻ đi, chứ để hoa tàn thì bẻ làm chi nữa. Ô hô! Thời Nho giáo nghiêm cẩn thế mà họ vẫn vượt lễ giáo nói lên cái nhu cầu bản năng của con người. Đáng phục! Đáng phục!

- Thôi đi mấy lão khờ, lý thuyết và thực tiễn cách nhau trời vực, chỉ có người trí mọn mới khư khư tin vào bề trên mà giữ giới. Như bà Đỗ Thu nương tác giả bài thơ nỗi tiếng trên. Bà là một tiểu thư tài sắc, không may thân phụ bị tù phải vào lầu xanh làm một kỹ nữ nhưng giữ danh tiết chờ bậc quân tử, hừ … hừ … Hâm lúng túng.

    Gàn chớp lời: -  Vì thế Lý Kỳ - Tiết độ sứ Trấn Hải, một phiên vương, lão nghe danh tìm đến, say mê liền bỏ cả ngàn vàng mua nàng về làm tỳ thiếp, hì …

- Rồi sau đó bà ra sao? Chảnh thách đố.

    Hâm vỗ trán: - Thời đó nhà Đường thoái trào, suy vi. Lý Kỳ chết, thê thiếp bị nhập cung, bà được Đường Hiến Tông sủng hạnh, phong quan cho bà để làm bình phong gặp gỡ. Đó! Các ông thấy chưa? Vua mà lấy vợ của thần, lễ nào chứ?

    Các lão ngớ người, lau nhau: - Rồi sao nữa?

    Gàn tranh lời: - Hiến Tông mất sớm, Mục Tông lên thay. Lúc ấy Đỗ Thu nương mới 30 tài sắc đã chín. Mục Tông lại mê đắm mà sủng hạnh bà như vua cha, phong chức: Bảo mẫu kiêm gia sư cho một Hoàng tử.

    Cả  bọn sôi lên: - Quái! Quái! Khó tin quá!

 

Có tiếng chén bát xô động dưới nhà, lão Hâm nâng chén: - Chúng mình còn may không đến nỗi như Trần Tạo mời bạn và cả kỹ nữ về nhà uống rượu bị vợ ghen, được Tô Đông Pha tặng thơ:

             Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên*

    Thôi! Giải tán được rồi mấy cha.

 

      2018

 

---

* Bỗng nghe sư tử Hà Đông gầm

  Chiếc gậy vung lên lên khiến lòng ngơ ngác

 

                                                                       

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 568
Ngày đăng: 03.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng chạp trong tôi - Phan Trang Hy
Trò chơi dân gian trẻ em chỉ còn trong ký ức? - Trang Thùy
Về nơi sinh Quán - Phan Văn Thạnh
Huế - ngày đang nghiêng rót những giọt cuối cùng tháng chạp - Bùi Hoàng Linh
Qua sông dìm đò - Đặng Xuân Xuyến
Đêm trắng Giáng Sinh - Võ Công Liêm
Cuốn sách đầu tiên - Nguyễn Đức Tùng
Những ngày dính ‘F không’ - Phạm Nga
Trách móc - Hải Âu
Tìm hiểu đời sống xã hội Sài Thành và các tỉnh qua tác phẩm của Lương Minh & Các Ngọc - Hoàng Thị Bích Hà