Mấy hôm nay trên mạng xã hội Facebook xuất hiện câu hỏi của nhà thơ Tung Nguyen (Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng đang sống ở Canada) người hơn mười năm trước đây đã phỏng vấn nhiều nhà thơ trong nước, và xuất bản thành tác phẩm “Thơ Đến Từ Đâu.” Câu hỏi:
“Có ý kiến của Võ Tòng Xuân và những người khác bỏ Tết âm lịch, để cho văn minh. Tôi thấy không đúng. Không biết các bạn nghĩ sao?”
Ông Võ Tòng Xuân là một Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, từng là hiệu trưởng nhiều trường đại học ở miền Tây. Chuyện ông giáo sư vận động bỏ Tết âm lịch này không phải mới đây. Năm 2005 ông đăng trên báo chí một bài viết “Tết Hội Nhập” kêu gọi bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Tây. Lý do được đưa ra là người Việt nghỉ Tết Ta quá nhiều ngày, quá lãng phí thời gian và của cải của xã hội, với nhiều tập quán lỗi thời, không văn minh.
Số người phản đối ý kiến này rất đông, nhưng cũng có người hưởng ứng, thậm chí có người “vẽ” thêm những lý do khác như Tết Ta là Tết của Tàu không phải Tết truyền thống của người Việt, và rằng muốn hội nhập kinh tế với thế giới thì ta phải bỏ Tết Ta để ăn Tết Tây cho phù hợp với thời đại văn minh, để đất nước có cơ hội phát triển, vân vân.
Các lý do sau này không phải do giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra, chỉ là của một vài kẻ ăn theo nói leo, không hiểu mình nói điều gì. Tuy vậy, suốt 17 năm qua, cứ mỗi lần Tết sắp đến trên mạng xã hội Facebook lại có người xới vấn đề này lên. Nhưng trong số những người bài bác hay ủng hộ ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân dường như chưa có một nhà nghiên cứu văn hóa văn minh nói chung nào lên tiếng. Tức là cần có những người có thẩm quyền tri thức về tất cả các mặt liên quan của vấn đề như văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, vân vân, để có thể nói lời quyết định chung cuộc (to have the final say). Vì ngay cả vị Giáo sư tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, hiệu trưởng nhiều trường đại học như giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn còn lẫn lộn giữa Tết cổ truyền và cách người ta ăn Tết. Ông gộp chung hai thực thể này làm một rồi bực bội, chán nản, đòi bỏ Tết cổ truyền, một trong những sự kiện quan trọng trong năm biểu lộ nhiều nhất tinh thần (hay bản sắc?) dân tộc.
Tết chỉ là một mùa tiết như các mùa tiết khác trong năm. Chỉ vì mùa tiết này xảy ra và đánh dấu trọn một vòng quay của trái đất quanh mặt trời, kết thúc vòng quay cũ, bắt đầu vòng quay mới của hành tinh Trái Đất trong không gian, tự nó không xấu hay tốt, không văn minh hay hoang dã gì cả. Con người không thể gạt bỏ hay thay đổi sự kiện này được. Người ta có thể xóa bỏ, thay đổi, hay sửa chữa cách đón nhận sự kiện này mà thôi. Và đó không phải là chuyện khó.
Một số dân tộc trên thế giới có tập quán đốt pháo mừng năm mới. Nhưng người Việt đốt pháo suốt năm trong mọi dịp quan hôn tang tế, nhất là trong những ngày Tết. Tập quán này tiêm nhiễm từ văn hóa Tàu trong thời Bắc thuộc, gần như trở thành một phong tục và kéo dài hàng ngàn năm. Thế mà đến đầu năm 1995, thời Thủ tướng Võ Văn Kiêt, thay vì cấm người ta cưới hỏi, cấm người ta ăn Tết, nhà nước có lệnh cấm đốt pháo. Tiếng pháo dứt ngay và luôn từ đó. Vẫn cưới hỏi, vẫn ăn Tết, nhưng không có tiếng pháo. Không những người ta không dám đốt pháo nữa mà còn không dám sản xuất, tàng trữ hay vận chuyển pháo. Những người vi phạm sẽ bị phạt, thậm chí có thể bị tù. Ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân không chính xác, thay vì kêu gọi/đề nghị tổ chức cách ăn Tết hợp lý ông lại đòi hỏi điều không thực tế là bỏ Tết cổ truyền, một sự kiện thiêng liêng của dân tộc đã có từ nhiều ngàn năm qua, thay bằng Tết Tây, một sản phẩm văn hóa ngoại lai phục vụ một số thị dân đã ít nhiều hỏng chân khỏi nền tảng dân tộc. Lời kêu gọi của ông giáo sư đã kéo dài 17 năm mà không có kết quả.
Ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân tưởng là nhắm vào lợi ích kinh tế và giúp cải tạo kinh tế của đất nước, mà bỏ qua hay không biết đến các giá trị tinh thần cực kỳ quan trọng của người dân Việt. Ông không biết Tết là một dịp không những để người ta sau một năm dài bươn chải làm ăn khắp nơi trở về sum họp với gia đình mà còn là dịp “sum họp” tinh thần giữa người sống và những người thân yêu đã qua đời; để con cháu cúng kính nhắc lại công ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất núi. Đó cũng là dịp người trong xóm làng thăm hỏi lẫn nhau, biểu lộ tình làng nghĩa xóm. Ngày Tết đâu phải chỉ để ăn và chơi như ông có thể nhìn thấy qua lớp trẻ con hay lớp thanh niên mới lớn bị văn hóa ngoại lai “bắt làm con tin.”
Mấy năm gần đây, ngày Tết dương lịch được tổ chức rôm rả với nhiều trò vui chơi và màn bắn pháp hoa ở các thành phố lớn, nhưng nhiều ngày trước đó có người Việt nào cảm thấy lòng mình rộn ràng náo nức, quét dọn sơn phết nhà cửa, lau chùi đánh bóng đồ thờ tự để “đón rước ông bà” dịp cuối năm và đầu năm mới không? Có ai đi làm ăn xa nôn nóng thu xếp công việc để về xum họp với gia đình trong Tết dương lịch không? Không có. Tuyệt nhiên không. Trái lại, người ta chỉ coi đó là những ngày nghỉ lễ, để nghỉ ngơi hay đi chơi bời đây đó. Nó là một sự kiện văn hóa ngoại lai, không tạo ra một rung động tinh thần nào trong tâm tư người Việt.
Lý lẽ của Giáo sư Võ Tòng Xuân kêu gọi bỏ Tết âm lịch là; người ta nghỉ việc để ăn Tết lâu quá, các hoạt động kinh tế ngưng trệ và các cơ hội có thể vuột qua không được nắm bắt. Nhưng ông giáo sư không nhận thấy những năm gần đây nhà nước có xu hướng cho người dân nghỉ lễ dài ngày. Những ngày lễ lớn, như Tết Dương lịch, 30/4 và 1/5 nhà nước “xoay sở” thế nào đó để người dân được nghỉ tối thiểu 4 ngày. Ngày Tết cổ truyển người dân được nghỉ đến 8 – 9 ngày hoặc có thể lâu hơn. Đó là một cách kích cầu kinh tế. Người dân có được nhiều ngày nghỉ, họ mới đi du lịch nơi này nơi kia, có dịp ăn tiêu mua sắm, giúp thúc đẩy sự sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước, kinh tế mới có cơ hội phát triển, ngân sách nhà nước mới có tiền.
Giáo sư Võ Tòng Xuân là một nhà trí thức lớn, không ai nghi ngờ trình độ tri thức của ông về chuyên môn. Ông rất giỏi về cây lúa. Nhưng khi ông đề nghị bỏ Tết âm lịch để được văn minh, thì e có điều gì đó đáng ngờ về trình độ nhận thức của ông về… văn minh.
VĂN MINH là gì?
Văn Minh (文 明) là hai từ Hán Việt, thường được sách vở định nghĩa:
Văn (文) : là vẻ đẹp.
Minh (明) : Sáng, như trong sáng, sáng suốt.
Tóm lại: Văn minh là vẻ đẹp trong sáng. Nhưng nói như thế thì mơ hồ quá.
Tiếng Anh, “văn minh” là (being) civilized. Theo Từ điển Longman Dictionary of Contemporary English, “a civilized society is well organized and developed, and has fair laws and customs” (một xã hội văn minh được tổ chức và phát triển tốt, có luật pháp và phong tục công bằng.)
Nước ta có phải là “một xã hội được tổ chức và phát triển tốt, có luật pháp và phong tục công bằng” không? Cho dù có điều gì không được như thế, nguyên nhân cũng không phải là do ăn Têt cổ truyền.
Còn “một nền văn minh” (civilization) được từ điển Wikipedia định nghĩa: “is a complex society that is characterized by urban development, social stratification, a form of government, and symbolic systems of communication (such as writing)” (Một nền văn minh là một xã hội phức hợp với đặc tính là có sự phát triển đô thị, phân tầng xã hội, có một hình thức chính quyền và các hệ thống mang tính biểu tượng để giao tiếp (chẳng hạn như chữ viết)
Hãy xem, xã hội chúng ta:
Có phát triển đô thị không? -Có.
Có phân tầng xã hội không? -Có.
Có chính quyền không? -Có.
Có chữ viết để giao tiếp không? –Có
Thế thì xã hội Việt Nam đã có văn minh mặc dù ăn Tết âm lịch.
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: “Văn minh 1. d. Trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng.”
Theo nghĩa này, Việt Nam đã là một nước văn minh chưa? Tết cổ truyền có phải là một sản phẩm “văn hóa tinh thần với những đặc trưng riêng” của Việt Nam không? Sao phải gạt bỏ một “tài sản ‘tinh thần với những đặc trưng riêng,” như Tết cổ truyền, thì mới văn minh?
Một số người hưởng ứng lời kêu gọi của giáo sư Võ Tòng Xuân “hô hoán” rằng Tết âm lịch là Tết của Tàu, ta không nên theo văn hóa của kẻ thù phương Bắc. Nhưng có phải âm lịch là lịch của Tàu không?
Thứ lịch mà ngày nay người Việt và người Tàu đang dùng, và ngày Tết dựa trên lịch này gọi là Tết âm lịch, nên nhiều người tưởng ta dùng lịch của Tàu. Thực ra, nó không phải lịch của người Tàu mà cũng không phải hoàn toàn là âm lịch.
Âm lịch (Lunar calendar) là lịch pháp dựa trên sự chuyển động của mặt trăng quanh trái đất trong 29,5 ngày (gần một tháng). Dương lịch (solar calendar) là lịch pháp tính toán theo sự chuyển động của trái đất vòng quanh mặt trời trong khoảng thời gian 365 ngày và ¼ ngày (một năm). Lịch mà ta và Tàu dùng ngày nay là sự kết hợp tài tình và kỳ diệu của Âm lịch và Dương lịch, tính toán và phối hợp chuyển động của cả mặt trăng và mặt trời, nên được gọi là Âm-dương lịch (Lunisolar Calendar). Vì Âm-dương lịch là sáng tạo của nền văn minh nông nghiệp để phân định đúng mùa tiết, thời vụ, khí hậu mưa nắng, nóng lạnh, trăng tròn trăng mới ảnh hưởng nước lớn, nước ròng, cho người làm nông nên nó cũng được gọi là Nông Lịch (Agro/Agricultural calendar).
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Thiền sư Thích Trí Siêu) trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, và tác giả Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận cho rằng vào thời đại Hùng Vương người Việt có thể đã dùng lịch pháp Ấn Độ.
Ấn Độ và khu vực Đông Dương, nhất là nơi sau này là Việt Nam, là quê hương của cây lúa nước. Người Việt là một trong những chủ nhân sớm nhất của nền văn minh nông nghiệp trong đó có nền văn minh lúa nước. Nông lịch là kết tinh tri thức của nhiều thế hệ người làm công việc trồng trọt để làm đúng mùa vụ, phù hợp thời tiết, và bảo đảm năng suất sản phẩm của mình.. Trong khi đó người Tàu vốn thuộc nền văn minh du mục, họ có thể dùng Dương lịch (solar calendar) để biết ngày nào trong tháng, tháng nào trong năm thôi, họ có cần nông lịch làm gì đâu! Thế nên thứ nông lịch người Tàu đang dùng hiện nay đâu phải là sản phẩm do tổ tiên họ phát minh! Cho nên dù ở sát nách họ, và bị họ đô hộ, nhưng ta không "mượn" lịch của họ. Có người “bạo miệng” nói: khi chuyển sang định cư làm nông nghệp, người Tàu đã cướp lịch pháp của người Viêt, tuy có vẻ “nói khống” vô bằng, nhưng xác suất đúng có lẽ không phải là bằng không.
Âm dương lịch, tức thứ nông lịch ta đang dùng không phải là lịch của Tàu đâu, yên tâm rồi nhé.
Còn những kẻ to tiếng cho rằng “muốn kinh tế hội nhập với quốc tế thì Việt Nam phải bỏ ăn Tết cổ truyền để ăn Tết Tây” như nhiều quốc gia giàu có hùng cường trên thế giới, thì ở trên tôi gọi họ là người thuộc dạng ăn theo nói leo, không hiểu mình nói gì. Họ thường lấy nước Nhật làm ví dụ. Nước Nhật sau khi bại trận trong thế chiến II, đã không mất nhiều thời gian để phục hồi sức mạnh kinh tế, và nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau nước Mỹ. Tôi cho rằng với tinh thần yêu nước, tinh thần kỷ luật và ý chí tự cường của người Nhật, dù ăn Tết Tây, tết Tàu gì họ cũng vẫn trở thành một quốc gia giàu mạnh như thế. (Hiện nay tuy bị Trung Công giành vị trí thứ hai, nhờ tổng gộp GDP trên gần một tỷ rưỡi dân, nhưng thực chất GDP bình quân đầu người Trung Quốc năm 2020 chỉ vào khoảng 10.500 USD, trong khi GDP bình quân đàu người của Nhật năm 2020 là 41.637 Đô la Mỹ). Ăn Tết Tây chỉ là một sự tình cờ trùng hợp, chớ không phải là nguyên nhân mang lại sự hưng thịnh cho họ. Những người lấy nước Nhật làm gương về chuyện ăn Tết Tây đã cố tình làm ngơ không đề cập đến Triều Tiên.
Cho đến năm 1989, Triều Tiên cũng ăn Tết dương lịch như các nước Tây phương, và họ “hội nhập kinh tế và giàu có” ra sao thì không nói ai cũng biết. Từ năm 1989, Kim Jong-Il quay lại ăn Tết âm lịch cho đến nay. Tình trạng vẫn vậy, Triều Tiên không nghèo hơn. Trong khi đó Đài Loan và Nam Hàn ở ngay bên cạnh vẫn ăn Tết âm lịch từ xưa cho đến nay, ai nói họ không “hội nhập”? Trung Cộng, quốc gia gần một tỷ rưỡi dân sắp hất Mỹ ra khỏi vị trí kinh tế hàng đầu thế giới để chiếm chỗ, cũng vẫn ăn Tết âm lịch đó. Thì sao?
Ở Châu Âu, cho đến khi khi bức tường Berlin sụp đổ các quốc gia Đông Âu vẫn ăn Tết dương lịch theo truyền thống Tây phương từ hàng ngàn năm trước, nhưng kinh tế vẫn lẹt đẹt, người dân trong nước vẫn nghèo đói thiếu thốn. Chỉ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, họ trở lại và gia nhập Liên hiệp Châu Ấu thì mới khá lên được.
Vấn đề không phải là ăn Tết âm lịch hay dương lịch. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Đất nước giàu hay nghèo, tiến bộ lay lạc hậu, cường thịnh hay suy nhược là do tài năng lãnh đạo của những người điều hành đất nước, và do thể chế chính trị có thuận tiện hay không.
Năm ngoái, bình luận dưới một bài viết trên Facebook (không nhớ của ai) có tựa đề: "Muốn kinh tế hội nhập cần bỏ tết âm lịch," tôi đã viết:
“Nói bỏ tết âm lịch để kinh tế hội nhập với thế giới thì cũng ngây thơ như nói sửa hướng bếp theo phong thủy hay đặt hướng mồ mã để phát giàu sang vậy.”
Một người bình thường dốt nát có thể nói như thế, nhưng một giáo sư Tiến sĩ thì không nên.