Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
545
123.365.963
 
Lời trần tình (phần 8)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

OSCAR  WILDE

DE  PROFUNDIS

   

      Một tuần sau đó, tớ đã được chuyển đến đây. Lại ba tháng trôi qua và mẹ tớ qua đời. Hơn ai hết cậu là người biết tớ thương và kính phục bà sâu đậm đến độ nào. Cái chết của bà là một chấn động kinh khủng mà tớ, chẳng khác gì một ông vua của ngôn ngữ, đã không tìm ra được tiếng nào để diễn tả nỗi buồn và sự hổ thẹn của mình. Ngay vào những ngày thành công nhất của sự phát triển nghệ thuật, tớ cũng sẽ không thể tìm được những lời của nỗi buồn không diễn tả được để đỡ lấy gánh nặng tôn nghiêm hoặc đi theo một điệu  nhạc mang dấu vết của đám rước cao quý đó.

     Cha mẹ đã cho thừa hưởng một cái tên mà nó đã làm cho tớ vinh danh, không những trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật, khảo cổ và khoa học ; mà còn trong lịch sử của đất nước và cuộc cách mạng của nó có tính cách quốc gia. Cái tên đó trở thành một điều thấp hèn và là trò cười cho thiên hạ. Tớ đã chôn nó vào bùn vĩnh viễn khi giao nó cho những kẻ thô bạo để nó trở nên bỉ ổi và cho những kẻ ngu ngốc để làm từ nó một cái tên hiệu của sự điên rồ. Điều mà tớ đã đau khổ và còn đang đau khổ, không bút mực nào có thể viết hết được. Không giấy nào có thể chứa đựng hết. Vợ tớ, dù đang đau ốm như vậy, luôn tốt với chồng, lo sợ tớ được tin buồn từ những lời đồn xấu, đã lặn lội từ Genoa đến Anh quốc để đích thân báo tin cho tớ một cách khéo léo về sự mất mát vô vọng này. Những tin nhắn đầy tình cảm gửi đến từ những người còn gắn bó với tớ. Và ngay cả những người không quen tớ một cách riêng tư cũng viết để chia buồn khi biết tớ bị một nỗi đau khổ như thế. Cậu là người duy nhất giữ im lặng. Không một tiếng. Không một lời nhắn. Thái độ như vậy, hơn hết nên nói điều Virgile nói với Dante về chuyện cuộc đời của những kẻ không có tình cảm sâu đậm thì không thể làm những điều cao quý.

 

    Ba tháng nữa lại trôi qua. Bảng ghi nhận hạnh kiểm và việc làm treo ngoài phòng giam mang tên tớ và bản án, cho tớ biết về thời gian.

     Bạn bè lại đến thăm, như thường lệ, tớ chất vấn họ về cậu. Họ cho tớ biết cậu đang ở trong villa của cậu tại Naples và sắp cho xuất bản một tập thơ. Cuối câu chuyện, tình cờ hiểu được mình sẽ là người được đề tặng. Tin này làm tớ buồn nôn. Không một lời, tớ lặng lẽ trở về phòng giam, lòng đầy khinh bỉ. Cậu làm sao mà đã có thể mơ tưởng đến chuyện đề tặng tớ một tập thơ mà không thèm hỏi trước ý tớ? Mơ tưởng à? Tớ đã nói thế? Tại sao cậu lại dám sự làm một điều như thế cơ chứ? Cậu sẽ trả lời rằng thời gian tớ còn vĩ đại và tiếng tăm, tớ có ưng thuận để cậu đề tặng một trong những tác phẩm đầu tiên của cậu không đã chứ? Tớ đã chấp nhận, chắc chắn, như tớ đã tôn trọng tất cả mọi người trẻ tuổi trong nghệ thuật khó khăn và đẹp đẽ của văn chương. Sự tôn trọng đó là một niềm vui cho người nghệ sĩ, và càng thú vị gấp bội khi đó là một người trẻ tuổi. Những cành trúc đào héo tàn khi những bàn tay cằn cỗi hái chúng. Chỉ riêng tuổi trẻ có quyền đeo vương miện cho người nghệ sĩ, và đấy chính là sự ưu tiên của nó. Tuổi trẻ biết rõ điều đó! Nhưng những ngày bi đát và tồi tàn rất khác những ngày vĩ đại và tiếng tăm. Cậu còn học được rằng sự giàu có, lạc thú và thành công được làm từ mầm mống bỉ ổi và thớ sợi tầm thường, rằng nỗi đớn đau là điều nhạy cảm nhất trong mọi điều của đời sống. Không gì thức giấc trong thế giới của suy tưởng và thời gian mà không làm rung lên nỗi đau đớn sống động, khủng khiếp, mặc cho những nhịp đập tuyệt diệu của trái tim. Chiếc lá vàng mỏng manh run rẩy bạt theo chiều gió thô bạo mà mắt nhìn không thể thấy. Nỗi đau đớn là một vết thương rỉ máu bởi bất cứ bàn tay nào đụng vào trừ bàn tay của tình yêu ; và ngay cả bàn tay của tình yêu cũng có thể làm cho nó rỉ máu trở lại mặc dù nó không còn buồn khổ.

 

    Cậu đã viết cho tên cai ngục ở Wandsworth để hỏi phép tớ xin đăng lên những lá thư tớ viết trong tờ Mercure de France, « móc nối với tờ Fortnightly Review » tiếng Anh. Tại sao không viết cho cai ngục ở Reading để hỏi xem tớ có chấp nhận làm người được cậu đề tặng thơ hay không? Sự diễn tả mà cậu lấy làm sung sướng thì quả là quái đản! Có phải một phần là vì tớ đã cấm báo chí đăng lại những thư từ mà bản quyền thuộc về tớ một cách tuyệt đối? Và phần khác, cậu tưởng rằng có thể hành động theo ý cậu đồng thời giấu nhẹm tớ? Bởi tớ sẽ hay tin quá muộn để có thể can thiệp? Sự thể đơn giản vì chuyện tớ là một thằng mất danh dự, khánh tận và nằm trong khám đã như khuyến khích cậu, nếu thực sự cậu muốn đề tên tớ ở đầu quyển thơ của cậu, như ban bố cho tớ một phước lành, một danh dự, một ưu đãi : đúng như thế ta phải mở lời với những kẻ đắm chìm trong khốn cùng và tủi nhục.

 

    Một nơi mà đớn đau ngự trị là vùng thánh địa. Một ngày nào đó ta sẽ hiểu điều này muốn nói gì. Cho đến giờ đây, cậu chưa biết gì về cuộc đời đâu. Chỉ Robbie và những người bản chất như thế mới có thể hiểu được mà thôi. Khi từ nhà tù, người ta dắt tớ đi giữa hai cảnh sát đến trước toà án xử những người phá sản. Robbie đợi trong hành lang tối tăm dài dằng dặc để có thể, trước đám đông, bằng một cử chỉ đơn giản và tình nghĩa, trong im lặng, dở mũ một cách trịnh trọng, trong lúc còng đeo ở tay, đầu cúi xuống, tớ đi ngang anh ấy. Con người phải lên đến trời cho những điều nhỏ hơn điều đó. Cũng ở trong tinh thần này và với cùng tình yêu đó mà những vị thánh quỳ gối để rửa chân cho những người nghèo và nghiêng mình đặt nụ hôn trên má người cùi hủi. Tớ đã chẳng bao giờ nhắc nhở anh ấy phải làm như thế. Cho đến nay, tớ vẫn mù tịt chẳng hiểu anh ấy có biết là tớ hiểu rõ cử chỉ đó hay không. Không phải là một điều mà ta có thể trả lại bằng lời cám ơn cho thích ứng với cách thức của từ ngữ. Tớ gìn giữ nó nơi bệ thờ trong trái tim mình. Tớ giữ nó ở đấy như một món nợ bí mật mà mỗi lần nghĩ đến lại cảm thấy hạnh phúc, tớ sẽ chẳng bao giờ trả nổi. Nó được ủ hương thơm và biết bao nước mắt để làm mùi hương đó sống mãi. Trong khi đạo đức đã không cứu tớ, triết lý như vô hiệu, sự an ủi chỉ để lại trong miệng tớ cái gu của tàn tro xám, kỷ niệm về cử chỉ ưu ái này, lặng lẽ và đáng quý, cử chỉ của Tình Yêu, đã khơi cho tớ một giếng sâu của lòng thương, đã làm hoa hồng nở giữa sa mạc, đã rứt nỗi đắng cay của cô độc và lưu đày cho tớ được hòa điệu với trái tim lớn đầy thương tích của nhân loại. Khi nào tự cậu hiểu được về cử chỉ này của Robbie, không những chỉ đẹp mà còn là tất cả những gì có ý nghĩa và mãi mãi có ý nghĩa với tớ, có thể cậu sẽ hiểu được rằng như thế nào và trong tinh thần nào cậu đã dám sự đòi đề tặng tớ thơ phú của cậu.

 

     Chỉ có thể thú nhận với cậu rằng không trong một trường hợp nào tớ chấp nhận điều đó. Cứ cho rằng trong một điều kiện nào khác điều cậu xin sẽ làm tớ vui lòng thì lần này tớ từ chối cho cái lợi của cậu, không kể đến những tình cảm riêng tư của tớ. Tập thơ đầu tiên của một chàng trai trẻ, vào mùa xuân cuộc đời, tặng cho nhân loại, phải giống như mùa xuân hoa nở, như loài hoa đào của cánh đồng Magdalen hay tiếng hót loài chim tu hú trên cánh đồng Cummor. Nó phải đừng vương vấn một bi kịch khủng khiếp và chấn động, một scandal chấn động và khủng khiếp như thế. Nếu tớ để cho tên mình là nguồn tin cho quyển thơ này thì đấy sẽ là một lầm lẫn nghệ thuật trầm trọng ; điều đó sẽ vây quanh tác phẩm một bầu không khí băng hoại, và trong nghệ thuật hiện đại, không khí mang một sự quan trọng ra sao! Và đời sống hiện đại thật phức tạp được hình thành từ nhiều quan hệ. Đấy là mũi có hai tên  phân biệt của nó. Để thực hiện được mũi tên thứ nhất, phải có một không khí tinh vi đầy màu sắc, gợi hình và nghệ thuật phối cảnh. Và mũi tên thứ hai, phải có một cảnh phông. Chính vì thế, tại sao ngành điêu khắc đã dừng lại ở một nghệ thuật tiêu biểu ; tại sao âm nhạc là một nghệ thuật tiêu biểu và tại sao văn chương đã luôn và mãi mãi sẽ là một nghệ thuật tiêu biểu tối thượng.

 

    Tập thơ nhỏ của cậu phải phản ánh một không khí của đảo Sicile và Acardie hơn là màu đen ngòm hôi hám của hàng ghế những kẻ phạm tội hay vẻ ngột ngạt của nhà tù khổ sai. Hơn nữa, sự đề tặng của cậu không những, theo cái nhìn nghệ thuật là một cái gu dở, đối với những quan điểm khác thì quả là chướng mắt. Nó như sự tiếp nối về thái độ của cậu trước và từ khi tớ bị bắt giam, nó cho ta cảm tưởng đấy là một dự tính điên rồ về sự ba hoa khoác lác, một điển hình của tính anh hùng rơm được mua bán với giá bèo ở những con đường xấu hổ. Về phần tình bạn của tụi mình, Némésis đã nghiền nát cả hai thằng như những con ruồi. Tặng thơ trong lúc tớ nằm khám như có vẻ là một cố gắng vô lý của sự đối ứng khùng điên trong những thư từ ghê tởm mà cậu viết cho tớ dạo nào - lúc mà tớ mong mỏi cậu đừng bao giờ trở về nữa - và cậu có dịp để vui hưởng sự tự cao tự đại của mình. Việc đề tặng này không có hiệu quả tốt như cậu mong muốn đâu, tớ thành thật đấy. Nếu cậu tham khảo tớ, tớ sẽ khuyên cậu hãy trì hoãn việc in ấn thơ lại đã, nếu điều đó làm cậu bực bội, thì hãy in nó theo kiểu vô danh đã, rồi một khi cậu đã kiếm được một số bạn bè nào đó ái mộ bài ca của cậu - những thằng bạn xứng với cậu - hãy khua lên và tuyên bố : « Những đóa hoa mà các bạn đang chiêm ngưỡng, tôi đã là người gieo hạt đấy! Này đây! Tôi tặng nó cho kẻ mà các bạn đang nhìn như một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, như một kẻ lưu đày, tôi tặng nó cho những gì tôi yêu, ngưỡng mộ và tôn sùng nơi hắn ! » Nhưng cậu đã chọn nhầm phương pháp và thời điểm. Phải có sự tế nhị trong tình yêu cũng như trong văn chương. Cậu thiếu  hẳn điều đó.

 

    Tớ đã nghiên cứu về chủ đề này để cậu có thể thông suốt nó và hiểu tại sao tớ lại viết ngay cho Robbie bằng lời lẽ khinh miệt cậu như thế, tại sao tớ lại cấm ngặt cậu về việc đề tặng thơ và đã muốn rằng sự phán xét của tớ về lỗi lầm của cậu được sao lại một cách cẩn thận và gửi cho cậu. Tớ cảm thấy rằng đã đến lúc để cho cậu nhác thấy được cũng như nhìn nhận và hiểu được một chút về điều mà cậu đã làm. Sự mù quáng có thể đi xa đến độ trở thành thô bỉ và nếu không có gì rút cái sự đờ đẫn của nó đi thì một bản chất thiếu hẳn tưởng tượng sẽ tự hoá đá thành một sự vô cảm tuyệt đối, đến nỗi trong lúc thể xác ăn uống nhậu nhẹt và sảng khoái vui thú thì tâm hồn, mà nó chính là chỗ cư ngụ, có thể chết hoàn toàn, như trường hợp Branca d’Oria của Dante. Hình như thư của tớ đến đúng lúc. Để cho tớ có thể nhận xét, nó rơi vào tay cậu như một « coup de foudre ». Trong thư gửi cho Bobbie, cậu tả mình như bị « tước bỏ hết quyền hạn của tư tưởng và diễn đạt ». Nhìn bên ngoài, cậu như chẳng nghĩ gì được tốt hơn là viết cho bà Bô cậu để mè nheo. Đã đành, với sự mù quáng của người mẹ luôn tốt bụng với thằng con cứ gây đau khổ cho mình, bà ban bố cho cậu mọi an ủi mà bà có thể tưởng tượng để dỗ dành ru ngủ cậu, tớ thấy thế, cho cậu đắm chìm vào trạng thái cố hữu khốn đốn và bệ rạc ; về những gì liên hệ đến tớ, bà bắn tin cho bạn bè tớ là bà rất « tức giận » về sự lãnh đạm tớ đối với cậu. Nói cho ngay, không phải chỉ với bạn tớ bà đã tâm sự về nỗi bất mãn này mà ngay cả với những người không phải là bạn tớ cũng thế - số người này còn đông hơn, tớ có cần nhắc cậu nhớ cho không đã? - Và tớ được họ cho biết về mọi sắp đặt bố trí cho cậu và gia đình cậu, vì thế mà một phần lớn cảm tình, với lý do tách biệt tài nghệ và nỗi đau khổ cùng cực của tớ, đáng lẽ lớn dần lại biến  hẳn trong tớ. Người ta nói với nhau thế này : « À đầu tiên hắn ta tính bỏ tù ông bố già nhưng thất bại, giờ đây hắn nhắm vào cậu con trai vô tội và than vãn cho sự thảm bại của mình. Ta tha hồ chê cười hắn !». Tên tớ được đọc lên lúc mẹ cậu có mặt, nếu bà không có một lời buồn tiếc nào cho cái phần - không phải là không đáng kể - bà thấy về sự sụp đổ trong gia đình tớ, nếu bà giữ im lặng, tớ không lầm đâu, thì kể cũng phải lẽ mà thôi. Về phần cậu, bây giờ cậu không nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho cậu về mọi phương diện là viết thẳng cho tớ và can đảm nói với tớ về điều cậu có hoặc tưởng tượng có để nói ? Đến nay đã gần một năm tớ viết thư đó cho Bobbie. Cậu chỉ biết, trong suốt thời gian qua, « như bị tước đoạt mọi quyền hạn về tư tưởng và diễn đạt ». Tại sao đã chẳng viết gì cho tớ? Thư của tớ đã cho phép cậu thấy tất cả cách cư xử của cậu đã làm tổn thương và xúc phạm tớ một cách sâu sắc. Hơn nữa, cậu đã thấy tình bạn của tụi mình cuối cùng bị phơi bày ra trước mặt cậu dưới sự thật của nó bằng một cách loại trừ tất cả những gì minh bạch. Lúc trước tớ nói hoài là cậu làm hại đời tớ. Cậu đã luôn cười. Ngay từ lúc  tụi mình bắt đầu  có quan hệ, Edwin Levy, thấy được cách dùng thủ đoạn của cậu để làm tớ phải chịu đựng mọi phiền toái, và ngay cả những chi tiêu về sự rủi ro vướng víu của cậu ở Oxford, nếu phải giải thích như thế, vì việc ấy mà ta đã phải xin ý kiến và sự giúp đỡ của ông, ông đã khuyên tớ cả tiếng đồng hồ là hãy lờ cậu đi kể từ bây giờ, cậu đã cười lúc nghe tớ kể lại cuộc đàm thoại đó, ở Bracknell. Lúc tớ kể cậu nghe rằng ngay cả tên con trai đau khổ nọ, cuối cùng đã đến ngồi cạnh tớ, ở hàng ghế cho người bị kết tội, đã hơn một lần cảnh cáo tớ rằng, để hủy diệt tớ hoàn toàn, cậu sẽ còn tàn độc hơn với bất cứ thằng tuổi dậy thì hạ đẳng nào mà tớ đã quan hệ chỉ vì ngu ngốc. Cậu đã cười, nhưng với vẻ không vui … Khi một vài người bạn của tớ, thận trọng hơn hoặc kém bố trí hơn, báo động hoặc bỏ rơi tớ vì tình bạn tớ có với cậu, cậu đã cười một cách khinh bạc. Lúc ông Bô cậu viết cho cậu lá thư phỉ báng về tớ và tớ đã nói cho cậu hay về điều tớ nhìn thấy là tớ chỉ như một cái cớ đơn giản của sự tranh cãi giữa hai người và rằng một sự đau khổ lớn sẽ chụp xuống tớ do lỗi cha con cậu, cậu đã cười khan. Nhưng tất cả đã xảy ra như tớ đã dự đoán, ít ra là về hậu quả. Cậu không viện được cớ nào để không nhìn thấy sự việc ra sao. Vậy tại sao đã không viết cho tớ? Vì hèn nhát? Vì thiếu lương tâm? Tại sao? Việc tớ đã phẫn nộ với cậu và đã diễn tả sự phẫn nộ của tớ lại thêm một lý do nữa để viết cho tớ. Nếu cậu thấy thư tớ viết là có lý, đáng lẽ cậu phải viết. Nếu cậu thấy nó ít nhiều sai trái, đáng lẽ cậu cũng cứ viết. Tớ đã đợi một bức thư. Tớ đoan chắc cuối cùng cậu sẽ thấy rằng nếu một sự gắn bó cũ, một tình yêu được luôn chứng thực, cả ngàn hành động tốt đẹp không được đền đáp mà tớ đã phung phí cho cậu, cả ngàn món nợ tình nghĩa mà cậu chẳng hề mang ơn, nếu tất cả những thứ đó không là gì với cậu cả, thì bổn phận đơn giản, cho là sự bội bạc nhất của tất cả những liên hệ giữa hai con người, đáng lẽ cũng đã khuyến khích cậu viết cho tớ chứ. Cậu không thể viện lẽ đã tưởng một cách nghiêm túc rằng tớ chỉ được cho phép nhận những thư từ về công việc của gia đình. Cậu biết rất rõ rằng mỗi mười hai tuần một lần, Robbie gửi cho tớ một bản tóm lược những tin tức của văn chương. Bởi tinh thần của văn chương, sự bình luận ngắn gọn một cách thông minh, nét bút nhẹ nhàng, thiết tưởng không có gì đáng mến hơn những thư của anh ấy. Thế mới là thư chứ! Chúng tạo cho bạn cảm giác như một người đang nói chuyện với bạn, chúng có chất lượng của một « causerie intime » theo tiếng Pháp. Và với cách tế nhị chứng minh sự tôn trọng của anh ấy với tớ, anh gợi đến lúc thì sự bình luận, lúc thì khuynh hướng trào lộng, lúc thì bản chất của vẻ đẹp hoặc văn hoá của tớ, nhắc nhở tớ bởi hàng trăm cách tế nhị rằng đối với bao người, tớ đã là trọng tài ngày đó cho phong cách của nghệ thuật, trọng tài tối cao cho một số người, anh chứng tỏ sự tinh tế trong tình yêu cũng như trong văn chương. Những lá thư của anh là sự kết nối tớ và thế giới huy hoàng phi thực của nghệ thuật mà tớ từng là hoàng đế, và đáng lẽ vẫn còn là hoàng đế nếu tớ đừng để mình bị lôi kéo vào thế giới tồi bại của những đam mê bệ rạc và thiếu hoàn thiện, những thèm muốn không phân loại, những khát vọng không giới hạn và những gì gọi là tà dục. Lúc này, tất cả những điều đó cho thấy rằng cậu chắc chắn có khả năng hiểu được, hay ít ra tưởng tượng được, cho những lý do đơn giản của sự tò mò về tâm lý, sẽ thú vị cho tớ nếu có tin tức cậu hơn là biết từ Alfred Austin cậu thử in một tập thơ, hoặc George Street thử giữ tiết mục bình luận về kịch bản của tờ Daily Chronicle, hoặc bởi ai đó muốn phát âm những lời tán tụng mà không bị cà lăm, bà Meynell đã từng được mệnh danh là phát ngôn viên những lời sấm truyền mới mẻ của style này.

 

( còn tiếp)

 

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 620
Ngày đăng: 09.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
1922 Jacinto Benavente (Tây Ban Nha, 1866 – 1954) - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Tác phẩm "Suối Nguồn Tâm Thức" Một Đời Thơ của nhà thơ Thái Tú Hạp - Trần Yên Hòa
Lời trần tình ( phần 5 ) - Đỗ Nguyễn
Anatole France (Pháp, 1844 – 1924) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 4 ) - Đỗ Nguyễn
1920 Knut Hamsun (Na-uy, 1859 – 1952) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 3 ) - Đỗ Nguyễn
Dọc đường văn nghệ (Phần 64) Lưu xông pha (Hoài diễm từ): tâm trạng cùng cực cô đơn - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)