Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.127
123.141.401
 
Tro
Hoàng Xuân

 

“Tro” là tiếng địa phương quê tôi, ngôn ngữ chính thống là cây cọ. Tro quê tôi đã bao đời gắn bó với từng con người, từng số phận. Sinh ra có lá tro, thân tro che chở, nhà ở được lợp bằng lá tro, khi mất đi lấy lá tro bọc thân xác và lợp mồ cũng bằng lá tro. Sống một đời thanh bạch dưới tán tro, ăn hạt tro để thay cơm hằng bữa và chết về cõi vĩnh hằng cũng được tro bao bọc, chở che.Tro như một người bạn tri kỷ. Tro là linh hồn của quê hương. Tro là điểm tựa cho ai yếu mềm. Tro vững vàng giữa bão dông. Tro yêu kiều trong mắt người lữ thứ. Rất may mắn khi tôi được sinh ra giữa làng tro. Có lẽ cái danh xưng Hố Tro quê tôi cũng được sinh ra từ ý nghĩa ấy.

 

Lợp nhà lá tro

 

Ngày bé, tôi đã từng ngồi giữa tán tro để nô đùa, để được chụp ảnh, để được tắm mát tâm hồn tuổi thơ. Thủa cha ông chúng tôi vườn nhà thường rộng, tro được trồng bao bọc tứ phía, căn nhà lợp bằng tro ở chính giữa. Trong trí tưởng tượng hôm nay, nhà nhà e ấp dưới tán tro, trông thật thanh bình và man mác tình quê. Và thời bấy giờ, nhà nhà có cây tro, làng làng đều có cây tro.

Tình làng nghĩa xóm trở nên thân thuộc cũng nhờ tro. Ngày ấy, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, làm nhà bằng tre nứa và lợp mái bằng lá tro. Lúc đầu, lá tro được trao đổi theo kiểu hàng đổi hàng, nghĩa là hai ba nhà sẽ đổi nhau lợp mái, mỗi nhà thường lợp cách nhau 1 năm. Nhà này lợp thì lấy lá của các nhà kia, và cứ xoay vòng như thế năm này qua năm khác, mùa xuân này qua mùa xuân khác, tình làng nghĩa xóm cứ thế mà thêm gắn bó. Thời gian sau, bắt đầu xuất hiện “nhà ngói cây mít” thì tro cũng có phần tăng giá và thay đổi luật chơi, nên mất dần kiểu “hàng đổi hàng”và chuyển sang hình thức trao đổi bằng mua - bán. Lá tro nếu lợp dày sẽ có thời gian là 3 đến 4 năm mới lợp lại, còn lợp thưa thì tầm 2 năm phải lợp lại. Nếu ai khéo “chói” thì cũng sẽ thêm một năm, nhưng khi lá tro đã bị sâu sẽ nhanh hỏng và đến mùa mưa thì tha hồ soong, nồi, chậu, chảo “hứng nước”, câu nói “thứ nhất vợ dại trong nhà/thứ hai nhà dột/thứ ba nợ đòi” cũng xuất phát đó. Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, từ thời hàng đổi hàng cho đến sau này đều phải nhờ đến bà con xóm giềng đi lấy lá tro rừng. Một đội quân “mượn” thế là cơm đùm, cơm nắm đi từ gà gáy canh hai qua tận “rú Bắc” và trở về lúc hoàng hôn buông xuống. Lá tro rừng chặt ra, cứ 5 ngọn làm thành một “tráp”, ai khỏe có thể mỗi bên 10 tráp, dùng “đòn xóc” xóc thành “triêng” gánh về sau khi đia qua bao dốc, bao đèo, bao sông, bao núi. Dù chỉ là làm giúp nhưng ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi và rất nhiệt tình. Sau khi đưa về lại thêm công đoạn “cặp” lá. Lá được cặp bằng que tre cật với lạt giang gọi là “hom”. Tất cả đều được lấy từ núi rừng trên dãy Hoành Sơn. Tre để cặp lá thường chọn những cây vừa độ vàng óng vừa thẳng. Để có được những chiếc “hom” cặp lá, nhà tôi cũng nhờ những người có kinh nghiệm trong làng. Cậu Huy là người hay được nhà mời nhất, bởi lẽ cậu vừa cẩn thận, vừa chẻ những chiếc “hom” đẹp, đúng “bài”, hay giúp đỡ người khác và đặc biệt cũng là người rất nghiện nước chè xanh. Bát nước chè xanh với vài cũ khoai lang luộc, thế là một buổi sáng cậu đã chẻ xong hàng trăm chiếc hom. Chẻ xong hom, xong lạt thì đến công đoạn “cặp”. Cặp lá cũng là một nghệ thuật, nếu cặp trái bài sau khi lợp xong nếu mùa mưa thì sẽ “dột”, do đó nhất thiết phải cặp đúng mặt lá, nghĩa là cặp làm sao để các múi lá ngắn lên trên, tấm lá dài phẳng nằm phía dưới. Một cành lá tro đúng kích thước là cặp 5 cánh tro, 5 cánh tro mặc định nhưng lại tượng trưng như thể 5 cánh của một ngôi sao. Cặp xong lá gia chủ thường xếp thành chồng để cho lá chín và có phần khô dần, việc này vừa giúp lá phẳng dễ lợp, vừa giúp lá nhẹ dễ trao lên trên mái nhà. Khi lợp sẽ có năm bảy người lên trên mái thành hàng ngang, nhưng nhất thiết có  một người phải ở dưới để “trao” lá bằng sào.

Ngày lợp nhà, gia chủ cũng thường chọn ngày đẹp, đẹp ở đây là nhắm chừng trời oi bức, hoặc đang độ khô hanh. Thông thường cũng vào dịp cuối năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, với ý nghĩa lợp nhà thời gian này thì ăn tết sẽ có “nhà mới”, khi tết về cho gia chủ cảm giác ấm cúng hơn. Ngoài ra, theo truyền thống quê hươnglợp nhà vào thời gian này sẽ ít bị sâu ăn lá tro.Quan niệm từ ông bà xưa để lại rằng, lợp xong mà có “trộ” mưa trút xuống thì năm ấy gia chủ sẽ làm ăn thuận lợi, trời đất gió mưa thuận hoà...

Trước khi bắt đầu lợp, chủ nhà dậy từ gà gáy để nấu một nồi nước chè xanh thật to, thật đặc và một nồi khoai hoặc sắn luộc thật thơm ngon ngây ngất mùi lá rứa. Buổi lợp nhà rôm rả cả một xóm nhỏ, ai cũng cười nói, ai cũng hăng say nhiệt tình. Vừa lợp vừa bày những trò tiêu khiển thật vui, ví như cuộc nhau cứ lợp xong một đường lá thì uống một bát nước chè. Ấy vậy mà có người đã uống tới những 20 bát nước chè xanh chỉ trong một buổi sáng. Đồng nghĩa với ngôi nhà ấy lợp 20 đường lá, uống càng nhiều bát nước chè xanh thì nhà lợp càng dày. Lợp xong nhà, tráp xong nóc là lúc ông mặt trời đứng bóng, cũng có khi đó là lúc chiều tà. Bữa cơm thân mật với rượu quê dưới ngôi nhà vừa lợp, ai nấy đều ấm lòng và chúc cho gia chủ một năm làm ăn mưa thuận, gió hòa, người người yên vui.

Lợp nhà bằng lá tro đã trở thành kí ức đẹp. Đó là khoảng thời gian tuổi thơ tôi đã đi qua, đã chứng kiến. Trong số những con người của những buổi “lợp nhà” ngày ấy, người còn, người mất. Nhưng những kỉ niệm ân tình gắn bó với tro, với hồn làng quê như thế thì sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức tôi.

 

Thức quà của đồng nội

 

Cây tro, hạt tro như một thức quà của đồng nội. Tro gắn liền với máu thịt những phận người suốt đời lam lũ trên quê hương nơi “núi đồi cùng vươn vai đứng dậy”. Ngoài việc nhờ người đi rừng lấy lá, còn nhờ người giỏi trèo, giỏi chặt mỗi khi “hàng đổi hàng” hoặc sau này là mua và bán. Lúc bấy giờ, ông Ngự quê tôi là người rất có kinh nghiệm việc này. Do đó, ai cũng gọi ông, nhờ ông. Và ai gọi, ai nhờ là ông sẵn sàng làm giúp với những nụ cười hiền khô nơi khóe mắt mà không một lời chần chừ, ái ngại. Ông trở thành “lá bùa hộ mệnh” cho xóm làng trong việc chặt lá tro lợp nhà. Lá tro dùng để lợp nhà với chan chứa những bát nước chè xanh nghĩa tình nơi miền sơn cước. Thủa thiếu thời, bắt đầu vào lớp 1, lũ trẻ chúng tôi năm nào cũng nộp khi thì 5 ngọn, khi 10 ngọn đồng nghĩa với 1 đến 2 tráp lá tro cho nhà trường, để vừa lợp phòng học, nhà ở cho thầy cô. Lúc đầu nộp nguyên ngọn, về sau nhà trường nhờ phụ huynh cặp lại thành cành. Người lợp thường là phụ huynh học sinh có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi đã học, chữ nghĩa đã lớn dần lên dưới mái trường một thời như thế. Song phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt” vẫn không ngừng nở rộ trong mỗi nhà trường. Không ít thầy cô giáo đã trải qua bao gian lao, vất vả để ươm chữ cho chúng tôi nên người. 

 

Ngoài lá tro lợp nhà, lợp trường, lợp nhà văn hoá cọng đồng, hạt tro như một thức quà không thể nào quên. Hạt cây tro đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ của những ai đã sống xa quê. Đã một thời “ăn hạt tro chống đói”. Mỗi năm, khi đến mùa gió bấc tràn về, những cơn rét ngọt lên lỏi trong từng thớ tóc của người dân quê tôi, cũng là lúc bước vào mùa hạt tro. Do ăn nhiều hạt tro, trông ngóng hạt tro mà cha ông ta đã đúc kết thành câu để nói về thời tiết với đại ý “được mùa tro lo mùa rét”. Nghĩa là năm nào tro được mùa thì năm ấy dự báo sẽ có rét đậm, rét hại. Câu nói tích lũy từ việc trồng tro, ăn hạt tro này đã rất đúng với ngày xưa, bây giờ do biến đổi khí hậu nên có lẽ cũng chỉ đúng được một phần mà thôi. Song đó cũng là một cách dự báo thời tiết rất đặc biệt, rất tự nhiên, dựa vào tro để dự báo thời tiết.

 

Để có được một bữa ăn từ tro, thấy thì đơn giản nhưng hoàn toàn không đơn giản chút nào. Tro sau khi hái xuống, dùng rổ rá được đan bằng tre nứa để “xóc”. Xóc cho vỏ tro tách ra khỏi phần thịt bên trong. Nước được đun nấu ở nhiệt độ khoảng 40 độ C hoặc theo kinh nghiệm nước nóng ở mức độ vừa phải mà ta vẫn sờ tay vào được. Sau đó cho hạt tro vào khuấy đều và bắt đầu “xầm”. Cũng như bao gia đình khác, ngày xưa mẹ tôi thường nhóm lửa để nấu cơm, nấu nước, nấu cám lợn. Khi lửa lớn có than thì được lấy ra xa và đặt nồi hạt tro lên đó rồi “vần” để cho nồi nóng hâm hẩm xung quanh. Cứ xoay, cứ vần như thế đến khi nào hạt tro được “xầm” chín thì thôi. Nói là thế, nhưng không phải ai cũng làm được, mà phải có “bí quyết” mới thơm ngon, béo ngậy. Cái lạnh se se, một nồi hạt tro chín thơm lừng ăn kèm với nước mắm nhỏ thì ngon phải biết. Càng có bí quyết, tro càng ngon, càng béo, càng quyến rũ lũ trẻ chúng tôi một thời sau những giờ tan học trở về nhà. Hôm nay, nơi chốn đô thành, được thưởng thức những hạt tro, lòng tôi lại trĩu nặng ân tình với quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nơi tôi đã sinh ra dưới gốc tro, chơi đùa dưới tán tro, nằm chiếc võng kẽo cà kẽo kẹt buổi trưa hè bên gốc tro, nghe tro thì thầm kể chuyện với bao câu chuyện ân tình của làng quê, của con nước thượng nguồn sông Gianh suốt đời thầm thì với đất, với người dân quê tôi.

Giữa bộn bề của cuộc sống hôm nay, được trở về quê hương, trèo lên cây tro hái quả cũng là một hạnh phúc, một hạnh phúc bình dị trong trái tim những người con xa xứ.

 

 

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 668
Ngày đăng: 10.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng chim hót trong vườn Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Tết Huế - trong dòng chảy bất tận của thời gian - Bùi Hoàng Linh
Cà phê, một chân dung vui vẻ ngày Xuân - Phạm Nga
Xuân tình thời Vãn Đường - Đỗ Nhựt Thư
Tháng chạp trong tôi - Phan Trang Hy
Trò chơi dân gian trẻ em chỉ còn trong ký ức? - Trang Thùy
Về nơi sinh Quán - Phan Văn Thạnh
Huế - ngày đang nghiêng rót những giọt cuối cùng tháng chạp - Bùi Hoàng Linh
Qua sông dìm đò - Đặng Xuân Xuyến
Đêm trắng Giáng Sinh - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)