Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.015
123.137.504
 
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ.
Đỗ Nguyễn

 

( Tiểu luận này được viết từ quan điểm của một độc giả đã đọc và theo bước chân sáng tạo của nhà văn Nguyễn thị Hoàng từ 50 năm).

    « Tất cả những bí mật trong tâm hồn, tất cả những trải nghiệm, tất cả những phẩm chất trí tuệ của một tác giả được ghi tạc trong những tác phẩm của            họ. »          Virginia Woolf  (1882 – 1941)

     Nhà văn Nguyễn thị Hoàng, người đàn bà tài sắc và trí thức đã chấm ngòi bút vào lọ mực « thực tại cuộc đời » để nền văn chương miền Nam Việt Nam trước 1975  đã có được cả ba mươi quyển tiểu thuyết, một hình tượng văn học cụ thể.

Chân dung nhà văn Nguyễn thị Hoàng.

    Văn chương của bà chủ yếu là do sự thúc đẩy từ tinh thần sáng tạo, có phản ánh một phần trải nghiệm  sống và tâm tư mình. Điều lạ lùng  nhất về nữ sĩ là sáng tạo của bà tự phát từ sự trưởng thành của tâm lý và  ý  thức ( Psychological  Maturity and Spiritual Maturity ), và không cần phải đọc nhiều để có thể viết.  Trong một số tác phẩm, ta thấy được dấu ấn của điện ảnh, bà yêu thích nghệ thuật này rất gần với văn chương, nhưng trên hết, tâm hồn bà có nguồn thông minh cảm xúc ( Emotional  Intelligence ) ngoại hạng cộng với sự quan sát tinh nhuệ, với tư tưởng mãnh liệt cùng khả năng sáng tác phi thường qua ngôn ngữ tiểu thuyết riêng để tạo thành một văn phong (Style) linh động uyển chuyển được dẫn dắt bởi cảm xúc và đam mê của vô thức và được kiểm soát từ phần tiềm thức cùng phần ý thức.

 

    Chừng đó tiểu thuyết, kể cả rất nhiều truyện ngắn, gần như mọi chủ đề của đời sống, thời đại, chiến tranh đều được đề cập và khai thác bởi một kiến thức sâu rộng trong từng bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Bước tiến của bà theo một hướng sáng tạo hoàn toàn độc lập đã để lại dấu ấn riêng trong sự nghiệp văn chương rực rỡ.

    Ngoài ra, bà còn sáng tác nhiều thơ trước khi viết văn và cho đến sau này, luôn với một tâm thức mới lạ và phần ngôn ngữ đặc sắc.

     Sơ lược tiểu sử : Nguyễn thị Hoàng cũng là tên thật, nguyên quán Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, đã học trung học Đồng Khánh, sống tại Nha Trang sau bậc trung học, học đại học Văn Khoa và Luật Khoa tại Sài Gòn, và làm việc một thời gian trước khi lên Đà Lạt để dạy học khoảng một năm rồi về lại Sài Gòn bắt đầu viết văn từ năm 1964 cho đến 1974. Bà đã luôn sống tại Việt Nam cho đến nay. Gần đây, năm 2020, một số tác phẩm của bà được in lại và phổ biến ở quê nhà và xuất hiện trong những thư viện ở ngoại quốc, ở kệ sách tiếng Việt. Ngoài Vòng Tay Học Trò là quyển tiểu thuyết đầu tiên rất nổi tiếng, có bốn quyển đặc sắc khác là : Cuộc Tình Trong Ngục Thất, Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Một Ngày Rồi Thôi, Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về. Ngoài ra, tập truyện ngắn Trên Thiên Đường Ký Ức đã xuất bản vào năm 1990 và sau đó là tập thơ Mây Bay Qua Trời Xưa.

                    Phần 1.   Sáng tạo và văn phong.

    « Cuộc đời thật, cuộc đời được khám phá và khai sáng, cuộc đời được sống một cách tràn đầy, đó là văn chương ».   Marcel Proust (1871- 1922)

    « Và nếu tôi không chắc chắn về sự mãnh liệt của trí tuệ, tôi hoàn toàn biết chắc về sự mãnh liệt của trái tim tôi. »     Virginia Woolf (1882 - 1942)

    Trước khi đọc Nguyễn thị Hoàng, độc giả không hề chuẩn bị cho mình một tâm thế nào nhưng sau khi gấp lại một tác phẩm, chúng ta cảm thấy một điều gì lạ lùng trong con người mình, một đổi khác âm ỉ, như sóng ngầm trong lòng biển sâu … Trong khuynh hướng phát triển văn học nghệ thuật siêu thực của thời đại, sáng tạo của bà đầy tính phá cách, mới lạ từ sự phát triển tư duy của mô hình văn hoá giáo dục Pháp và Việt đều có hệ thống ý thức tốt như một thế quân bình phải có. Phía sau những trang chữ sang trọng lãng mạn là những suy tưởng truy vấn về cuộc đời ; phía trong tâm hồn và thể xác của từng nhân vật là những phức tạp cũng như chân thực của bản thể con người. Nhà văn luôn để lại trong hồn người đọc chút dư vị của một cuộc tình lỡ, cho người đọc cảm nhận được nỗi khắc khoải của tuổi trẻ và cô đơn, nỗi đau phận người trong thời chiến, hoặc ta sẽ có cái nhìn khác về một khía cạnh nào đó của đời sống, khát vọng được chạm tay vào hạnh phúc, được sống trạng thái tâm hồn của một nhân vật … Văn chương của bà, khuấy động bởi xúc cảm để tỏ lộ từng nét đẹp, từ cảnh sắc cho đến tâm tư hoặc cách sống, cho đến tình yêu, mối quan hệ giữa người và đời, gợi cho chúng ta nỗi suy tưởng về cuộc đời và phận người cũng như những bất an của thời đại điêu linh … như nhận định của bà rằng : « Qua tiểu thuyết, người đọc sống lấy mình bằng xúc động và đồng cảm với tác giả ».

 

    Đi vào văn chương của Nguyễn thị Hoàng, thể loại văn chương thể hiện một hàm lượng tri thức, một hiện thể tinh thần, là bước vào thế giới tâm tưởng bí ẩn của người đàn bà đài các thanh lịch, với sự tinh tế của từng trạng thái tâm hồn được bộc lộ bởi sự rung cảm tột độ. Nhà văn nắm bắt chiều sâu nội giới từ những truy vấn nội tâm lặng thầm âm ỉ và khốc liệt trong sự tồn tại của con người khát vọng sống với đam mê,  với mọi tâm thức và mọi kiểu sống.

 

   « Tôi muốn đóng một lúc tất cả những vai trò của con người, bất kể đàn ông hay đàn bà, có thể thực hiện và đóng góp vào đời sống. Và vì vậy, không bao giờ cảm thấy được sống đủ nếu thiếu một trong ba sinh hoạt : gia đình, xã hội, nghệ thuật. Điều khó khăn là làm thế nào cho một công việc của mình lại có kết quả tốt đẹp cho cả ba phía đó : tài chánh đầy đủ cho gia đình, ảnh hưởng tốt đẹp cho xã hội, giá trị lâu dài cho văn chương ». (Buổi Nói Chuyện của Nhà Văn Nguyễn thị Hoàng, trích từ Tạp chí Nghiên cứu Văn học, tháng 7 năm 1971, nguồn Blog Liễu Trương- Viết và Đọc).

 

     Với bản thân và đối diện với cuộc đời, nhà văn có sự báo động thường trực của ý thức,  ý thức về chuyển động của thời gian và những hiện thể trong không gian sống. Từ khả năng quan sát tinh nhuệ, mọi chủ đề của đời sống muôn mặt, lớn rộng và phức tạp đều được bà đề cập đến, mọi tình huống đều được nói đến, mọi chi tiết về những tâm trạng đều được khảo sát, phân tích, diễn tả một cách khéo léo nghệ thuật, bằng quan điểm thẩm mỹ riêng, trạng thái nào cũng được bà khoác lên một màu sắc lãng mạn, đẹp, đớn đau, ray rứt, như từng phút giây sống đều có giá trị riêng và được sống một lần duy nhất. Một cách nhận thức sâu sắc và chân thực về ý nghĩa của sự tồn tại mong manh phận người.

    Từ chủ đề tình yêu trong hoàn cảnh nghiệt ngã  (Vòng Tay Học Trò, Bóng Người Thiên Thu ) cho đến tình yêu, những cảnh ngộ của hôn nhân trong bối cảnh chiến tranh (Đất Hứa, Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Cuộc Tình Trong Ngục Thất, Ngày Tháng Đầu Đời ) từ các mặt của cuộc sống giới trí thức trưởng giả, tài tử điện ảnh  ( Tình Yêu Địa Ngục, Bây Giờ Và Mãi Mãi ) cho đến lựa chọn trong dằn vặt của người tu nữ giữa đời thường và tu hành  ( Cho Những Mùa Xuân Phai ), ẩn ức không thành lời ( Bọt Biển ), uẩn khúc, nung nấu của hiện hữu cô đơn và dửng dưng ( Tiếng Gọi ) hoặc người hoạ sĩ trong khắc khoải tình yêu và sáng tạo,  ẩn dụ  về  tình yêu và  cõi chết ( Cánh Cửa Đen, Tan Theo Sương Mù ), tâm hồn ngây thơ của người con gái mất trí ( Miền Trú Ẩn ) cho đến vấn đề đồng tính nữ, bà là nhà văn đầu tiên đã đề cập đến chủ đề này ở thời  đại mà xã hội Việt Nam chưa biết đến một Virginia Woolf của Anh quốc : truyện ngắn  Mùa Xuân Lá Vàng đặc biệt được diễn tả với ngòi bút cực kỳ tinh tế và gợi cảm.  Cho đến sau này, bà có thiên về chủ đề tâm linh (Tình Yêu Của Đấng Trời, Hồn Muối) …

   Nguyễn thị Hoàng dùng ngòi bút để tả chân những tâm trạng mẫu đời và đời sống tâm thức và vô thức là chủ yếu. Bắt đầu nuôi nấng một ý tưởng, là một ánh sáng loé lên, theo bà, đây là điều quan trọng hơn là độ dày của quyển truyện ; ý tưởng đó lớn dần cho đến lúc phải bắt đầu viết. Nếu là truyện ngắn, nhà văn viết từ đầu đến cuối cho xong không ngưng nghỉ nhưng truyện dài thì viết bất cứ lúc nào, có khi ngừng một thời gian rồi viết tiếp. Xong một truyện ngắn, tâm trí nhà văn  nhẹ nhõm hơn là lúc kết thúc một truyện dài. Bà say mê làm việc trong sự bận rộn không ngừng nghỉ : « Không kịp nhìn lại để phân đoạn, cắt xén, thêm bớt bất cứ chỗ nào thì làm sao có thể sửa ý và lời, nhận định lại dù chỉ một lần những gì vừa viết để có thể đổi thay … Cứ như thế, truyện này rồi đến truyện khác, lúc nào cũng tấp nập, hối hả, quay cuồng. » (Phỏng vấn của tạp chí Văn, 1973) (Nguồn Blog Liễu Trương, Viết và Đọc).

    Nhà phê bình Thụy Khuê chia các sáng tác của Nguyễn thị Hoàng làm hai khuynh hướng :  Hiện Thực Huyền Ảo và Hiện Thực Hiện Sinh ( Réalisme Fantastique và Existentialisme ). « Hiện Sinh hiểu theo nghĩa đơn thuần nhất là  triết học tìm hiểu con người, con người Đang Sống ».

    Khuynh hướng Hiện Thực Hiện Sinh : Vòng Tay Học Trò, Vào Nơi Gió Cát, Cuộc Tình Trong Ngục Thất, Đất Hứa …

    Khuynh hướng Hiện Thực Huyền Ảo : Tan Theo Sương Mù, Mê Lộ, Dấu Chân Bãi Cát, Ngày Qua Bóng Tối, Trời Xanh Trên Mái Cao …

    Tuy nhiên Thụy Khuê nhận định rằng  « khuynh hướng sáng tác của nhà văn Nguyễn thị Hoàng là Tự Nhiên vì không có gì chứng minh rằng nhà văn đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hay tiếp xúc với những giòng văn học này. »  ( Nguồn : Bài viết Nguyễn thị Hoàng người yêu muôn thuở. Blog Thụy Khuê. thuykhue.free.fr )

    Điểm nổi bật và giá trị nhất trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng cách xử dụng ngôn ngữ tiểu thuyết, tiếng Việt đương nhiên, nhưng ngôn ngữ Việt qua bút pháp của bà là nét độc đáo và là một sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn riêng biệt khác thường. « Cung cách thể hiện một hiện thể » có tính trừu tượng, mơ hồ là sự khởi đầu của nhận thức.

    Dù rất sát với thời cuộc, từ những diễn biến của thực tế, tác giả với thiên tài sáng tạo,  từ ngôn ngữ hiện thực dẫn dắt người đọc vào những tình huống và cảnh sắc thực hòa lẫn với mộng, đầy hình tượng và âm thanh từ bút pháp văn phong kỳ lạ, uyển chuyển và linh động, và ngôn ngữ trừu tượng được áp dụng khi diễn tả những nghịch lý của hiện thể vô thường khiến người đọc luôn ngỡ ngàng, bị lôi cuốn vào những thế giới nửa thực nửa ảo.

    Sự sáng tạo của bà  nhanh và vô cùng linh động từ cảm nhận, vẽ ra một bức tranh tổng hòa về vũ trụ của riêng mình với cách kể chuyện không cho người đọc có cảm giác đó chỉ là câu chuyện mà khiến cho ta thấy mình như tham dự vào  bối cảnh đó. Văn phong của bà khai thác tận cùng sự phong phú độc đáo là nét đẹp của tiếng Việt. Một tư tưởng, một hình ảnh dù rất đơn sơ, rất thật cũng được thẩm mỹ hoá một cách tự nhiên đến tài tình.

    Với bà, « Văn chương phải là yếu tố tiên quyết cho một tác phẩm văn chương. Ngôn ngữ, âm điệu, cách xử dụng như kiếm báu, dẫu rèn đúc hay lưu truyền thì hiệu lực vẫn không do chính nó mà từ kiếm khí, cách khác, là cung cách thể hiện một hiện thể. »  (Phỏng vấn của Mai Ninh, Hợp Lưu, 2003).

    Từ ngữ trong các tác phẩm văn xuôi của bà là một kho chứa cả một gia sản cực kỳ phong phú luôn gây kinh ngạc với những thuật ngữ, những cụm từ cho đến cấu trúc câu lạ lùng, đa dạng, tiếp nối không ngừng; tất cả tạo nên một văn phong độc đáo mới lạ và thật linh động, lãng mạn, đầy hình tượng trong cách tả, cách kể chuyện vô cùng uyển chuyển lôi cuốn người đọc vào tác phẩm với cảnh ngộ và cảm thức của nhân vật từ tâm thế của người viết.

    « Tất cả đã rụng tàn rồi có phải? Như mùa hè đã phai màu và không còn tới nữa một lần. Như tuổi thắm tôi cũng vút bay theo, những gót chân vui mừng cuống quýt trên lối yêu mê khờ dại ngẩn ngơ, bay theo những tảng nắng ngất ngây thơm, những tiếng cười giọng nói, những gặp gỡ xa lìa, những bất ngờ và chấm hết. Có phải. » (Một Ngày Rồi Thôi).

   « Nhưng mà những người ấy, trong xe tang kia, đã già cỗi và mỏi mê có lẽ, không muốn nhìn mặt mùa xuân nữa, không muốn nhìn thấy những xâu xé tan hoang của thành phố tủi hờn này nữa … Bây giờ thì Đông sống lại đó. Như mùa xuân cũng vừa tới trong vườn phơi phới lộc non. Sống lại và ngẩn ngơ trong trái tim nàng cũng vừa mới lớn rộn ràng thao thức … » (Tuần Trăng Mật Màu Xanh).

   « Những phút giây vừa rồi choáng đến như một làn chớp sáng, bây giờ đã mất tăm dấu tích, không còn gì ngoài những cảm xúc lặng lẽ buồn rầu còn vương vất trên tóc da, những cảm xúc mỗi lúc một phai mờ dần và Chiêm lắng nghe nỗi buồn nào tan vào cõi không nào trống lốc … Có thật không … Ánh sáng xanh ngát của trăng thanh lồng nắng lụa nào long lanh chập chờn qua từng làn kính thủy tinh óng ả. Và bốn bề hoa lá xanh ngắt thời gian buông rèm hư không. Không ai trên đó. Nơi yên tĩnh và mênh mông ngự trị. » (Đất Hứa).

    « Chập choạng đâu đây là bóng hoàng hôn chụp xuống hoang tàn. Đâu đây là tiếng vỗ cánh của loài dơi khát thèm bóng tối. Đâu đây là hình hài xương tủy trắng xóa dưới trăng mờ … Nằm chờ đêm qua. Nằm ru khoảng cách. Nằm ru mộng buồn. »  (Cuộc Tình Trong Ngục Thất).

    Và khi người lính khóc : « Em cũng đã từng nhìn thấy anh khóc, cách khác, trong hai tay em, trong mắt nhìn em, trong đời sống em bỗng dưng diễm lệ huy hoàng với những giọt buồn thánh thiện. » (Vết Sương Trên Ghế Đá Hồng).

    Một style độc đáo với năng lực ngôn ngữ thần thánh vừa mãnh liệt vừa êm dịu, vừa đằm thắm nồng nàn, được dẫn dắt cùng một lúc bởi cả lý trí lẫn xúc cảm.

    « Nhưng trong vẻ ngẩn ngơ của anh, Nhung tìm thấy vẻ bừng tỉnh kỳ diệu. Vẻ bừng tỉnh của lá non dưới vầng trời nắng mới đã dâng đầy, hơi xuân đã pha lên bầu trời rạng rỡ, và anh đang tắm ngất ngây trong thinh không cao vút đó, với hai con mắt nhìn mình chiếu lại, lau khô cho khắp những dấu vết, những thương tích mỏi mê tàn lụi cũ. » ( Tuần Trăng Mật Màu Xanh).

     Văn phong riêng, hoàn toàn độc lập một nhà văn tài năng thiên bẩm, một style hoàn toàn mới lạ so với thời đại 1960, chính điều này đã làm cho văn chương của bà, nếu không áp thời gian vào, trở thành một dạng kinh điển hiện đại mà giá trị của nó được xác định bằng năm tháng, thêm vào đó là sự đi trước thời đại trong tư tưởng của một thiên tài có tính prophecy, mà người ta chỉ có thể thưởng ngoạn, không thể noi theo, kiểu giống style của Antoine de Saint-Exupéry (1900 - 1944) luôn gây kinh ngạc với tư tưởng tế nhị cao thượng, và Romain Gary (1914 – 1980) sắc sảo, không thiếu phần độc đáo. Trong văn chương Pháp cũng có những style phong phú như của Victor Hugo ( 1802- 1885) hoặc lạ thường của một nhà văn nữ khác là Marguerite Duras ( 1914- 1996) mà người ta cũng có thể bắt chước (pasticher, parodier).

     Là người rất trân trọng tính thẩm mỹ, từ đó, qua văn chương, từ những đồ vật, cách phục sức, cảnh sắc, tả về người cho đến mọi thể loại tâm trạng, hành động, cách ẩm thực, cử chỉ, sự kiện hay tình huống … Tất cả đều đẹp một cách sinh động và lôi cuốn nhờ tài năng vận dụng từ ngữ để miêu tả theo cách nửa thực nửa hư khi hơi thở và suy tưởng là hai trường khúc sống cùng nhau. Với sự tinh tế ngoạn mục để quan sát và miêu tả, tình yêu, hạnh phúc cho đến đổ vỡ chia lìa, nỗi buồn chán hay tuyệt vọng, nỗi cô đơn và khoảng trống đều mang những sắc màu long lanh quyến rũ, mờ ảo huyền bí. Nhà văn buông mình vào vòng tay của đam mê, để mặc cho nhịp tim rung động như từng hồi chuông ngân, làm vỡ ra, tuôn trào từng dòng chữ triền miên, liên tục, đứt quãng, kết nối, buông rời … Nhân vật của bà sống những thực tại ngồn ngộn chồng chất, từ đó, rạn nứt từng lớp vỏ hiện thực, phơi bày từng ý thức về tự do và bản ngã, phận người và cô đơn dưới nét đẹp duy trì của ngòi bút được dẫn dắt bởi cảm tính vô thức mãnh liệt nhưng song song đó là với lý tính của ý thức và từ tiềm thức luôn có chức năng kiểm soát để mang đến sự hình thành một tác phẩm không bao giờ thiếu tính logic.   

 

   Văn chương của Nguyễn thị Hoàng tiêu biểu cho giá trị nghệ thuật sáng tạo văn chương đa dạng trong tinh thần tự do sáng tạo nghệ thuật của miền Nam Việt Nam trước 1975, thời đại mà mỗi nhà văn sở hữu một khu đất riêng để khai thác, trồng trọt, gặt hái, trong hoàn cảnh xã hội nhiều sắc màu đối lập nhau. Bà đã dấn thân một cách toàn vẹn cho văn chương, một nghệ thuật tiêu biểu tối thượng. Sáng tạo của bà duy trì ánh sáng của nghệ thuật đó và bà đã hoàn tất xuất sắc thiên chức của một nhà văn bằng thiên tài và sự làm việc của mình từ xúc cảm và niềm đam mê ngôn ngữ, từ sự trưởng thành ý thức và tâm linh cho đến hôm nay, những trang giấy, những giòng chữ dù vương màu thời gian, dù được khoác lên một chiếc áo mới, dù bà đã từng muốn định hướng lại cho tất cả với ý thức của trách nhiệm, muốn viết khác với những gì đã viết … Văn vẫn là Người. Người đàn bà trong Nguyễn thị Hoàng cũng như văn bà viết, thanh nhã và trang trọng, với trái tim dạt dào tình cảm, sâu sắc trong suy tưởng với tinh thần sống hơn bao giờ mãnh liệt, trân quý định mệnh, yêu thương con người, nâng niu cuộc đời, mang ơn cả những khổ nạn vì trong cuộc bể dâu này, sự thắng bại hơn thua không mang một ý nghĩa nào, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, chỉ có sự khác biệt giữa điều này và điều khác, sự khác biệt giữa người nọ và người kia, sự khác biệt giữa một nhà văn đã can đảm vạch cho mình lối sáng tạo riêng và đứng vững một mình với những nhà văn chưa đủ liều lĩnh để « sống như không bao giờ chết ».

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 1841
Ngày đăng: 19.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tu thiền - Võ Công Liêm
Bàn về đi du lịch ngày Tết - Hoàng Xuân Hoạ
Bỏ tết để…văn minh. - Thiếu Khanh
Chọn tuổi xông nhà – vài lưu ý cần biết - Đặng Xuân Xuyến
Bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực - Võ Công Liêm
“Hồn mộng” Nguyễn Du trong thơ chữ Hán - Nguyễn Anh Tuấn
Tại sao “Mẹ tròn con vuông?” - Thiếu Khanh
Hồn Việt đó, trong từng con chữ Elena Pucillo - Đỗ Trường
Về câu chúc mừng cô dâu chú rể “Sắt cầm hảo hợp” - La Thụy
Vài dòng lan man về từ ghi trên thiệp cưới - La Thụy
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)