Ông Ngãi giới thiệu tôi theo nhóm công tác Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (ICRC : International Committee of the Red Cross) vào một ngôi làng trước đây là ấp chiến lược của Nam Thường. Hai vòng rào cũ, dù bị xóa bỏ, vẫn còn hằn vết tích một thời trực thuộc Nam Thường.Vòng ngoài nguyên gốc bằng dây kẽm gai, tre hoặc bụi gai, nay chỉ còn vương vãi những sợi thép và các đống đất lô nhô bên các lũy tre. Vòng trong trước kia đắp đất, trên gắn kẽm gai, nay chỉ còn thấp thoáng hình ảnh cũ với cỏ hoang mọc loang lỗ trên các mô đất. Tôi không nhận ra dãy hào sâu khoảng hơn một mét cắm chông nhọn của ấp cũ. Các chòi canh hoặc các cỗng ra vào ấp hoàn toàn bị đập bỏ không còn dấu vết.
Ngôi làng nầy thuộc vùng xôi đậu, ban ngày người dân Nam Thường vô ra bình thường, cung cấp hoặc trao đổi thuốc men vật dụng từ các khu phố Hóa Châu, ban đêm ấp hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của dân quân địa phương thuộc phe Bắc Thường. Buổi sáng vào làng khoảng mười giờ, trời xanh mây trắng vắt vẽo trên đầu núi, tôi gặp dân làng rải rác trên các rẽo đất hẹp, xóm nhỏ hoặc bên các thửa ruộng còn trơ đất hoang sau mùa gặt. Lúc đoàn công tác ICRC vào ngôi đình giữa làng, tôi gặp một cậu bé trên dưới mười tuổi và hỏi nó biết ông Ngãi ở làng nầy không. Nó cho biết mẹ nó là chị ông Ngãi. Hỏi ra mới biết ban ngày cậu bé, vẫn đi bộ sáng sớm đến học lớp Nhất trường Tiểu Học An Sinh cách ấp nầy 8 cây số. Nhận ra nó có thể kể vài chuyện lạ gì đó trong ấp xôi đậu , tôi hỏi nhà ở của bé đi bộ về có xa không. Nó hào hứng, nói với tôi, để cháu đưa chú về gặp mẹ cháu. Mẹ cháu cần gởi quà cho bà con ở Hóa Châu nhờ chú mang về được không ?Tôi hỏi quà gì, nó nói mấy gói sim rừng.Tôi gật đầu làm như đồng ý để có dịp tiếp xúc với người dân ấp xôi đậu.Người mẹ rất vui được gặp dân kinh thành ghé thăm.Tôi chào bà và hỏi người nhà đi đâu hết. Tôi không phải đối mặt với những gì gọi là bí mật trong căn nhà mái ngói tường xiêu nầy.Hình như gia đình hai mẹ con đã sinh sống dưới bóng của “hoàng triều” quen thuộc xa xưa. Họ có liên hệ gì đó với phe ruồng bố ban đêm, chỉ là nạn nhân của người dân Nam Thường một cỗ hai tròng. Thấy cậu bé hướng mắt nhìn chăm vào mình như chờ đợi điều gì, tôi cười cười, nói đùa :
“ Cháu làm du kích được chưa ?”
“ Cháu chưa đến tuổi du kích.” Cậu bé cười đáp.
Nghe nó định nói gì đó, bà mẹ tiếp lời như thay nó nói chuyện với tôi. Bà không ngần ngại kể hết câu chuyện nuôi giấu cán bộ ngày xưa ở vùng xôi đậu nầy thời còn dưới quyền cai trị đêm ngày của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.
“ Thằng anh nó mới có nhiều chuyện, chứ nó bây chừ chưa có chi.” Bà bắt đầu câu chuyện. “ Nhà tui khi xưa từng có một căn hầm bí mật đào phía dưới bàn thờ ông cố. Thằng anh nó có nhiệm vụ mang cơm cho cán bộ, sau nầy nó kể lại cho mấy ông ký giả gì đó ghi để đọc trên Đài Phát Thanh Bắc Thường. Nó nói buổi sáng trước 10 giờ nó lên nhà, thường thấy cán bộ không biết từ đâu, ra ngồi chồm hỗm dưới gầm divan đọc tài liệu chữ nhỏ li ti như con kiến trên mảnh giấy chỉ bằng bàn tay. Tui biết đó là tài liệu bắt buộc cán bộ phải học để mỗi tối đi tuyên truyền cho dân quê các làng trong vùng. Căn hầm tại nhà nầy không phải chỉ nuôi giấu một ông, mà thay đổi liên tục. Có thể đêm nầy ông A ghé ngủ thì đêm sau ông B thay phiên. Tui phải canh đúng giờ khoảng từ nửa đêm, chờ một bóng ma lủi thủi bước rất nhẹ vào hiên nhà phía sau gần giếng nước, mở nhẹ cửa đưa bóng ma vào nhà dẫn đến căn hầm…”
“ Nuôi giáu cán bộ, bác không sợ sao ? ” Tôi hỏi.
“ Không nuôi cũng không được.” Bà phân trần.” Ông nhà tui là con địa chủ to trong làng, có hơn mấy chục mẫu ruộng của ông nội để lại. Mấy ông cán bộ nầy có xa lạ chi mô, hầu hết là những người sống trong vùng biết rõ nhà tui. Một hôm bất thình lình có người vào nhà kêu gọi giúp nước, đánh đuổi thực dân. Sau hôm đó,gia đình tui bị một phen hoãng sợ. Nửa khuya tối trời có một nhóm vài ba người không biết từ chỗ mô xuất hiện, bắt loa gọi đích danh tên nhà tui là đại địa chủ có nợ máu với nhân dân. Sợ quá, sáng mai, nhà tui tìm đến cậu em ở làng bên hỏi cách giải quyết. Cậu Ngãi, tên cậu em, là cảm tình viên của phía cách mạng. Chỉ cần chừng đó, vài bữa sau cậu Ngãi dẫn theo một người bạn có vẻ trí thức ăn nói dễ nghe, khuyên nhà tui nên bán bớt ruộng đất, nếu không, khi cách mạng thành công sẽ bị đấu tố, tịch thu. Cuối cùng, ông nầy dặn tui nếu có ông A, ông B cán bộ đề nghị giúp nuôi thì phải tỏ ra hăng hái, nhiệt tình. Nếu dụ dựa thiếu tinh thần hợp tác, e ông nhà sẽ không ở yên.Vậy là căn hầm bí mật được đào bên dưới bàn thờ ông cố vào một đêm tối trời mưa như trút nước…”
Nói xong một hồi, thấy tôi muốn thắc mắc gì đó, bà kể tiếp : “ Nhưng được lòng bên ni thì mất lòng bên tê. Bên ni bên tê bên nào cũng có chỉ điểm.Nhà tui bị bắt giam vào lao Hóa Châu, bị tra tấn dư chết thiếu sống, trở về thân tàn ma dại. Mà đâu phải lao tù một lần. Bị xét hỏi lên xuống năm bảy bận, trả lời không xuôi bị tống giam lại hai lần nữa.Ruộng vườn nhà tui bán lần bán hồi hết.Đến khi ấp chiến lược bị phá, gia đình tui trở thành vô sản.Sống mất hồn mất vía. Con mèo sờ sờ đó mà người ta bảo đó là con chó, mình cũng phải nói là con chó…”
“ Bác nhà đâu rồi ?” Tôi hỏi .
“ Nhà tui theo vợ hai lên sống trên kinh thành Hóa Châu. Chuyện nầy tui đồng ý, cho phép nhà tui tự do...”
Tôi thoáng nghĩ ông nhà nầy giải quyết rất gọn chuyện gia đình.Tiền bán hàng chục mẫu ruộng, ông mang lên thành phố sống với vợ lẽ và chia cho mẹ con vợ cả một số vốn ở lại vùng xôi đậu để giữ lấy nếp nhà. Cũng có thể do mưu mẹo của cậu Ngãi bày cho ông anh…
Thấy tôi ghi chép sổ tay nhiệt tình quá, bà mẹ không muốn dài dòng :
“ Chú khỏi viết. Để tui cho chú cuốn cassette ghi chương trình đọc chuyện trên Đài Phát Thanh Bắc Thường. Con tui hắn kể hết cuộc đời hoạt động của hắn. Chú mặc sức mà viết.Tui không cần băng cassette ni, vì đã có nhiều bức thư hắn gởi với nét chữ quen mắt và những tấm ảnh giá trị của hắn .”
Tôi nhận cuộn băng cassette dù biết rõ mục tiêu Đài Phát Thanh Bắc Thường không phải dành cho tôi. Để khai thác dịp may hiếm có, tôi dò hỏi bà mẹ có lần nào bà vào sâu trong một làng hoàn toàn thuộc chính quyền cách mạng không. Bà nói đã từng theo cậu Ngãi vào làng An Mật nằm sâu trong vùng núi Rậm. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tôi hỏi ý kiến bà mẹ có thể giúp tôi vào làng An Mật được không. Bà suy nghĩ một hồi lâu, bảo tôi phải báo trước một tuần để bà hỏi ý kiến cậu Ngãi. Nhưng chắc chắn một điều,tôi phải có giấy tờ chứng minh là nhân viên ICRC và ở trong nhóm công tác nhân đạo. Tôi sẽ có dịp hành nghề báo chí hấp dẫn, hào hứng…
Cám ơn bà mẹ, tôi quay qua hỏi cậu bé :
“ Cháu nhảy Sol-La-Sol giỏi lắm phải không ? “
“ Không. Cháu chỉ xem người ta nhảy thôi.” Cậu bé kể. “ Ở đây không tổ chức múa hát. Mỗi lần có tin, bọn cháu bốn năm đứa phải băng đồng lội ruộng đến coi hát múa tận làng Triều Đẫu.Làng nầy toàn cả dân cách mạng. Buổi ca múa khi thì tại sân đình làng, khi thì tại vườn nhà ông Bưởi Thính, có lần diễn ra giữa đám ruộng hoang .Vui lắm. Buổi múa hát nào cũng căng hình ông râu xồm và ông sói đầu trên cao…” Nó nói vậy tôi cũng biết đó là hình những ông nào rồi.
“ Coi nhiều lần, cháu có thuộc bài hát nào không ?” Tôi hỏi xem nó nhớ gì.
“ Chú hỏi chi lạ rứa ?” Nó hỏi lại.
“ Chú muốn nghe bài hát có hay không. Nếu cháu hát chú nghe, chú sẽ thưởng quà …” Tôi khuyến khích cậu bé.
“ Cháu chỉ biết hai bài thôi.” Và nó cất tiếng hát. Nghe qua tôi nhớ ngay đó là hai bài hát trong các hoạt cảnh Cấy Lúa và điệu nhảy tuyên truyền tình hữu nghị ,như ngày nào tôi đã biết tại quê làng cũ.
Tôi hỏi bà mẹ ở đây có tiêu dùng đồng bạc Nam Thường không, bà bảo cán bộ cũng có tiền nầy trong túi.Trước khi rời khỏi nhà, tôi tặng bà mẹ và cậu bé một ít tiền đồng Nam Thường.
Cậu bé đưa tôi trở lại sân đình. Nhóm công tác ICRC cũng làm xong công việc nhân đạo…
***
Với tâm trạng sãng khoái, tôi mở băng cassette và tập trung lắng nghe “thằng anh con bà mẹ vùng xôi đậu” kể về đời hoạt động của hắn trên Đài Phát Thanh Bắc Thường. Lắng nghe để gạn lọc và lấy ra các chi tiết đời thường. Những thông tin về quân sự, chính trị đọc trên Đài nầy, không cần nghe tôi cũng có thể biết được người ta nói gì.
Tôi chỉ muốn biết sinh hoạt đời sống bình thường bên trong khu chiếm đóng của Bắc Thường…
“ Bắt đầu thời thiếu nhi, tôi được người của Bắc Thường đưa vào rừng, dưới chân núi Sim, để gặp tổ công tác.Họ giảng lý do vì sao tôi phải vào đội. Khoảng 9 tháng sau, họ làm lễ kết nạp. Địa điểm kết nạp là một đám cỏ tranh vài mét vuông được ép bẹp xuống dưới chân núi Sim. Tôi đứng dưới cờ và tuyên thệ, trở thành một thiếu nhi hoạt động cho Bắc Thường.Tôi vẫn nhớ mãi lời dặn của người hướng dẫn: "Khi tuyên thệ em nhớ là đọc lời tuyên thệ xong, thì hô xin thề 3 lần, nhưng nhớ là đọc nhỏ thôi, không thì lính trên núi Sim có thể nghe được…". Kể từ đó, tôi được mấy anh Bắc Thường giao nhiệm vụ. Với tuổi 11, tôi có thể lân la tìm hiểu thông tin về quân đội Nam Thường, vẽ bản đồ nhà nào có người theo Bắc Thường, nhà nào có người trong quân đội Nam Thường, các tin tức mới lạ ở địa phương… Biết thông tin nào tôi báo cho cậu Ngãi để cậu làm việc theo hệ thống. Công việc của tôi rất dễ vì gia đình tôi không có ai theoBắc Thường, cậu Ngãi cũng không bị nghi ngờ gì. Nhưng rồi rủi ro ập đến.Cán bộ Bắc Thường dẫn hai đứa tôi vào rừng học lớp cảm tình đoàn. Trước khi ra khỏi rừng, anh nầy nhờ người bạn mang về khu phố Hóa Châu sửa cái đồng hồ Nhật bản . Khi trở về thì bị bại lộ, người ấy bị bắt giam ở nhà lao huyện Bến Trong, bị đánh đập, tra khảo. Đây là dịp cán bộ đưa ra nhiều mưu mẹo để những người nhỏ tuổi như tôi có cách ứng phó. Nếu bị bắt cứ khai là bị rủ đi chơi, không biết gì hết!
Tiếp tục công việc được giao, tôi và một người bạn phối hợp thực hiện.Chúng tôi được giao nhiệm vụ chuyển tủ sách của một gia đình để đưa vào khu giải phóng Bắc Thường. Làm thế nào đưa tủ sách này qua các trạm gác?Chúng tôi bọc sách trong túi nylon rồi nhét vào giữa những bao phân heo. Hai đứa thồ, đẫy các bao phân trên xe đạp.Tới trạm , lính gác chận lại, nghi ngờ, dùng cây thọc vào những bao phân làm bốc mùi hôi, hết chịu nổi,họ cho hai đứa tôi qua trạm. Đội công tác khen chúng tôi can đảm, thông minh ,đã hoàn thành nhiệm vụ. Được khen, nhưng cũng bị chê trẻ người nông nổi không hỏi ý kiến cấp trên.Nguyên hai đứa tôi bàn nhau lấy cắp khẩu súng lục của ông xã trưởng. Ông này là cha của một người trong nhóm bọn tôi. Chúng tôi thường tụ tập vui chơi với nhau, và qua người này nắm thông tin về ông xã trưởng. Khi đến nhà ông này, bọn tôi biết được vị trí khẩu súng ông ấy cất giấu. Chuyện lấy cắp khẩu súng không có gì khó. Chúng tôi hăm hở mang súng về giao cho tổ trưởng. Đâu ngờ, đã không được khen, còn bị phê bình rất nặng .Vì làm như vậy, rất dễ bị lộ gây nguy hiểm cho cả bọn.Nghe xong, hai đứa tôi sợ quá, tìm cách trả súng về chỗ cũ. Khổ nỗi trả về còn khó hơn lấy cắp. Rất may chúng tôi cũng qua được . Một bài học nhớ đời!
Tôi nhớ có lần đội công tác báo là sắp có chiến dịch, đánh trận lớn. Họ yêu cầu trong làng chuẩn bị một con heo để làm lương thực. Một bà mẹ đã nuôi một con heo thật to để dành cho đội công tác. Thế rồi ,vào một đêm, tôi không nhớ chính xác ngày nào, tổ công tác vào làng, ghé nhà bà ấy lấy heo. Nhưng con heo to quá, mà bắt đi thì sợ heo kêu sẽ bị lộ. Nên anh tổ trưởng lấy khẩu K54 đưa sát vào lỗ tai heo,nẻ một phát .Tiếng nổ đanh gọn vang lên, họ mang heo rời ấp trong đêm tối. Gia đình bà ấy lo lắng suốt đêm ,không ai ngủ được. Trời vừa mờ sáng, cả nhà bà dậy sớm đi kiểm tra coi đêm qua có còn dấu vết gì để lại thì xóa gấp. Thấy những vệt máu của heo chảy từ nhà tới suốt chặng đường đi, bà đã lấy cát khỏa lấp mọi dấu vết. Có lẻ do tiếng nổ chat chúa, lính Nam Thường ở bót gác ấp chiến lược đã phát hiện ra thủ phạm. Qua phân tích điều tra họ biết được gia đình bà ấy chính là nơi liên hệ với Bắc Thường .Khi họ báo cáo cho cấp trên về một gia đình đã cung cấp heo cho du kích thì tổ chức cũng đưa bà ấy di tản ngay trong đêm. Khi vào đến chiến khu, bà ấy mới biết bót gác báo cáo trên máy vô tuyến PRC-25 nên tổ công tác đã dò được sóng vô tuyến để nhận thông tin này và kịp thời đưa bà thoát nạn. Câu chuyện nầy tôi nghe bà ấy kể lại khi vào chiến khu.
Còn nhớ trên đường vào chiến khu, chúng tôi bị trực thăng quần sát bên trên, bắn liên hồi hơn mấy chục phút. Chúng tôi chạy núp trong vườn chuối nhà dân, suýt mất mạng. Vào căn cứ,trong lúc chờ giao liên đưa vào khuBắc Thường , công việc của tôi là tiếp tế lương thực,đạn dược cho các đơn vị chiến đấu. Những ngày ở căn cứ cho tôi nếm trải nhiều điều mới lạ. Gần như mọi sinh hoạt của tôi đều phải thay đổi: từ việc ăn, ngủ, đến tắm, giặt… Ở căn cứ không thể thắp đèn sáng như bình thường. Những cây đèn dầu bé tí làm bằng chai thủy tinh với bấc đèn làm từ viên đạn carbin, phía trên có nắp vặn. Tắm giặt thì xuống suối nước trong.Dụng cụ sinh hoạt thông thường như thau, chậu giặt áo quần, mái che sương gió để ngủ… đều dùng tấm nylong.Những bữa cơm đạm bạc đi lại chỉ có rau rừng, muối mè, đậu phộng; hiếm lắm mới được bữa thịt rừng. Tôi vẫn nhớ nhiều kỷ niệm với anh em bị thương đang điều trị ; với anh em công tác vùng địch trở về… Căn cứ nầy như một trạm tiền tiêu kết nối vùng hậu cứ với mặt trận tiền phương…
Hành trình từ căn cứ vào vùngBắc Thường phải qua nhiều trạm giao liên. Từ căn cứ, tôi phải đi suốt một ngày mới tới trạm giao liên đầu tiên. Đến trạm, ăn cơm với vài người gác trạm. Bữa cơm rất ngon với rau tàu bay nấu canh và măng rừng kho . Ngày hôm sau thì có người từ trạm giao liên khác đến đón tôi tới trạm kế tiếp.Cứ thế, trải qua khoảng năm , sáu trạm… Những người dẫn đường trở thành thân quen.
Suốt hành trình cứ phải băng qua những cánh rừng rậm, rừng chồi, trảng tranh trải dài ngút tầm mắt ở phía Nam. Rừng thâm sâu không đáng sợ bằng những lúc trên đầu bỗng gầm rú máy bay Nam Thường vãi bom đạn bất ngờ.Tôi vẫn đi xuyên qua vùng chiến sự đang diễn ra ác liệt như vậy. Ban đầu còn sợ hãi, sau thì bình thản, lúc nào cũng ở tâm thế như mỗi ngày thức dậy là ngày cuối cùng được sống. Vì thế, cứ tới trạm giao liên nào, sau khi tắm rửa, cơm nước xong, tôi lại mang đàn ra đánh cho bà con nghe như một lời cảm ơn hoặc lời chào vĩnh quyết... Cuối cùng , sau mấy tháng, tôi chính thức ở khu Bắc Thường an toàn. Mẹ tôi vẫn ở căn nhà cũ trong vùng xôi đậu trong lúc cha tôi sống âm thầm với bà vợ nhỏ trong một ngôi nhà ấm cúng của khu phố Hóa Châu…
Cuộc chiến sắp tàn, tôi được chuyển đến một lớp học đặc biệt 10 học viên để được huấn luyện trở thành giáo viên.Ngay ngày đầu tiên, đã có mặt ba thầy cô giáo được Ty Thông tin văn hóa giáo dục tỉnh cử về. Lớp học thật đơn sơ, xuất hiện dưới tán rừng,bên cạnh nhà cấp dưỡng,nhà ăn cùng một quản lý và một cấp dưỡng. Tổng cộng 16 con người ấy vừa dạy vừa học, vừa sản xuất, vừa làm bất cứ công việc gì có thể giúp nhân dân.Tôi nhỏ tuổi nhất lớp lại mang bệnh sốt rét kinh niên. Có lần đang giữa buổi học, cái lạnh sốt rét bỗng nổi lên, tôi lăn kềnh ra giữa lớp, cả lớp vội lấy thuốc cho tôi uống và trùm mền lên. Qua cơn sốt rét, tôi lại ngồi dậy học tiếp. Sau lần ấy, tôi đến lớp bao giờ cũng mang kè kè theo chăn mền,còn thuốc ký-ninh thì để sẳn túi áo. Sắc mặt tôi lúc nào cũng tái mét, đúng “chính hiệu” là dân sốt rét. Trong lớp, cũng có hai người khác bị sốt rét nhưng họ lớn tuổi kinh nghiệm hơn tôi, biết chăm sóc bản thân hoặc sức đề kháng cao nên không vật vã nhiều như tôi .
Để cải thiện sức khỏe, nâng chất bữa ăn, các thầy giáo, giáo sinh trong lớp hay tổ chức đi bắn cá hay săn bắt thú rừng vào những lúc nghỉ học, những lúc giúp dân. Lớp học chúng tôi ngày ấy ở trong vùng có nhiều con suối, cá lội đầy dòng, con nào con nấy to 1-2 ký. Tôi thường theo giáo viên mang sung AK đi bắn cá hoặc tát cá dưới đìa. Nhớ nhất một lần, giáo viên săn ở đâu được con giộc, mang về làm đủ thứ món, ăn một bữa ngon nhớ đời. Lớp học mãn khóa sau hai tháng ! Phần lớn 10 học viên chúng tôi tỏa về các vùng quê để dạy các em thơ biết chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân. Trong tôi còn đọng lại hình ảnh dưới cánh rừng già, có một mái trường sư phạm đơn sơ…”
Nghe xong câu chuyện kể lại trong băng cassette, tôi tìm cách gặp mặt “thằng anh con bà mẹ vùng xôi đậu”. Tôi theo nhóm thiện nguyện lần trước trở lại gặp bà mẹ. Bà nhờ một giao liên dẫn đến một làng thuộc Bắc Thường, hỏi thăm, họ nói nó đã đổi qua dạy học ở một vùng khác, nếu tôi muốn biết gì, họ sẽ gọi một cô giáo đang dạy trong làng nầy.Cô ấy ở trong nhóm 10 học viên con bà ấy.
Gặp cô giáo, tôi hỏi :
“ Cô giáo về Hóa Châu lần nào chưa ?”
“ Phải có lệnh công tác .”
“ Cô giáo cần chúng tôi giúp đỡ gì không ?”
“ Ông phải hỏi lãnh đạo .”
Tôi dự tính viết một phóng sự hấp dẫn chờ dịp thuận tiện phổ biến trên báo chí Nam Thường, nhưng không thể khai thác gì được với cô gái nầy. Hỏi gì cô cũng bảo “ Ông phải hỏi lãnh đạo”. Cuối cùng, tôi đề cập đến các chiến thắng vang dội nói trên Đài Phát Thanh Bắc Thường và hỏi trường học có tổ chức liên hoan gì không, cô ta cho biết chỉ những chiến dịch lịch sử mới được “ở trên” xuống chỉ thị. “Ở trên” có nghĩa là những cán bộ cao cấp quan trọng. Tôi liền nghĩ, có lẻ chưa bao giờ cô gái nầy nghe ai nói đến cái từ “bánh vẽ” như dân Nam Thường...
“ Các buổi liên hoan văn nghệ, các cháu học sinh thế nào cũng được ăn bánh vẽ.”
“ Bánh vẽ là bánh gì ?” Cô ta hỏi lại.
“ Là loại bánh ngọt dùng để ăn trong các cuộc vui.” Tôi trả lời và cám ơn cô giáo…
Bài báo trên đây tôi đã giao cho Ban Biên Tập tạp chí Văn Cầm. Không biết chủ nhiệm Nguyễn Hiến có cho đăng không…
(Còn tiếp)