Dịch thuật
OSCAR WILDE
DE PROFUNDIS
Cuộc sống mới này, mà thỉnh thoảng tớ thích gọi thế vì tình yêu cho Dante, chắc chắn không phải là một cuộc sống mới nào cả, mà đơn giản chỉ là một sự nối dài, một sự phát triển và biến đổi của cuộc đời tớ đã tạo dựng. Lúc còn ở Oxford - tớ nhớ một buổi sáng tháng sáu năm nào tớ lấy bằng cử nhân -, tớ đã nói với một trong những người bạn, trong lúc bọn tớ băng qua những thung lũng nhỏ đầy chim muông, rằng tớ muốn nếm tất cả những trái cây của vườn thế giới và tớ sẽ vào đời với đam mê trong hồn. Như thế, sự thật, tớ đã sống. Sự nhầm lẫn duy nhất của tớ là đã tự hạn chế mình một cách độc quyền vào những cây trái phía bên có ánh nắng chiếu của khu vườn và tránh né phía vườn bên kia, u tối buồn bã. Sự phá sản, nỗi hổ thẹn, sự nghèo túng, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng, nỗi khổ đau, ngay cả nước mắt, những lời đứt quãng thoát ra từ bờ môi đau đớn, niềm ân hận khiến như ta bước đi trên gai nhọn, lương tâm lên án, nỗi nhục nhã trong ta là một hình phạt, sự bại liệt trùm lên ta tro tàn, nỗi kinh hoàng khoác lên người vải bố và bỏ mật đắng vào nước uống. Tất cả những điều này làm tớ hãi hùng. Và chỉ vì tớ đã cương quyết không nhìn nhận gì cả nên bây giờ tớ bị cưỡng bức phải nếm chúng lần lượt, để ăn no nê suốt một mùa không thêm thức ăn nào khác.
Không trong một giây nào tớ cảm thấy hối tiếc cho những hạnh phúc đã sống. Tớ đã sống hết mình, như thế ta cần phải làm cho những gì ta làm. Không có một thú vui nào tớ chưa nếm thử. Tớ đã ném viên ngọc của hồn mình vào cốc rượu vang và đã bước theo tiếng sáo trên con đường nhung lụa và được nuôi dưỡng bằng mật ong. Nhưng nếu tiếp tục sống như vậy sẽ là một lầm lẫn. Phải biết giới hạn. Tớ phải đi tiếp con đường của mình. Nửa kia của khu vườn cũng có những bí mật của nó đối với tớ.
Tất cả những điều đó như đã được báo trước và hình dung trong những quyển sách tớ viết, trong Hoàng tử Hạnh Phúc chẳng hạn, rồi trong Ông Hoàng Trẻ cũng thế. Đặc biệt trong đoạn vị giám mục nói với cậu trai trẻ quỳ gối : « Có phải kẻ đã gây ra khốn khổ không hiền lành hơn cậu hay sao ? », câu nói mà lúc viết, dường như chỉ là một câu nói. Điều này cho thấy rằng, có một phần lớn ẩn giấu trong phong cách thuộc về thiên mệnh của ta, như một sợi chỉ màu hồng, được luồn vào tấm choàng vàng ánh của Dorian Gray. Ở bài Bình Luận Trong Vai Trò Nghệ Sĩ, điều này cũng được thấy dưới muôn màu sắc. Trong Tâm Hồn Con Người Dưới Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa, ta lại thấy nó được phơi bày ra trong những ngôn từ chỉ có thể quá dễ hiểu mà thôi. Đấy là một trong những điệp khúc mà những motif lập lại làm từ Salomé một đoạn nhạc và cho nó một hình thức đều đặn của bản thi ca. Điều đó được nhập thể trong bài thơ văn xuôi của người đàn ông trong hình ảnh bằng đồng của « Niềm Vui Chỉ Trong Giây Lát », phải là hình ảnh của « Nỗi Đớn Đau Bất Tận ». Không thể là gì khác được. Trong mỗi thời gian của cuộc đời, chúng ta chính là điều mà chúng ta sắp trở thành, không kém gì điều mà chúng ta đã từng như thế trước đó. Nghệ thuật là một biểu tượng vì con người là một biểu tượng.
Nếu có thể đạt đến điều đó hoàn toàn, điều thực hiện mới sau này sẽ là một sự đầy đủ cuối cùng cho cuộc đời nghệ sĩ của tớ đấy. Bởi vì cuộc đời nghệ sĩ là một sự phát triển đơn giản của tính cách con người. Và sự khiêm tốn nơi người nghệ sĩ, là cách chấp nhận thẳng thắn tất cả mọi kinh nghiệm, cũng hệt như tình yêu, nơi anh ta, một cách đơn giản là ý nghĩa của vẻ đẹp biểu lộ với nhân loại thân xác cùng tâm hồn của nó. Trong Marius l’Épicurien, Pater tìm cách giảng hòa cho đời sống nghệ sĩ và tôn giáo, theo hướng sâu xa, êm dịu và khắc khổ của ngôn từ. Nhưng Marius không là gì khác hơn một khán giả, một khán giả lý tưởng, rất thực, được cho « nhìn ngắm cảnh tượng của đời sống với những xúc cảm tương tự », điều mà Wordsworth định nghĩa như mục đích thực sự của nhà thơ, tuy nhiên đó chỉ là một khán giả quá bận rộn với vẻ thanh lịch của những ghế ngồi của chính điện để quan sát rằng đó là cái chính điện của nỗi đau đớn mà anh ta đang nhìn ngắm.
Tớ thấy một quan hệ thân mật và khẩn cấp hơn giữa đời sống thật của Christ và đời sống thật của nghệ sĩ. Và tớ cảm nhận một niềm vui lớn khi nghĩ rằng, từ lâu mà nỗi đớn đau làm từ nó những ngày đời tớ và lôi kéo tớ theo đoàn xe của nó, tớ đã từng viết trong « Tâm Hồn Con Người Dưới Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa » rằng ai muốn sống một cuộc đời như Christ thì phải tuyệt đối là ngài ; và tớ đã lấy loại người, không chỉ là người chăn trừu trên một ngọn đồi hay tên tù nhân trong khám, mà cả họa sĩ, là người thấy được thế giới là cả một sự dàn trận cho những màu sắc, và thi sĩ là người đối với anh, vũ trụ là một tiếng ca. Tớ chợt nhớ đã có lần nói với André Gide, khi bọn tớ ngồi ở một quán café Parisien rằng sự siêu hình chỉ tặng cho tớ rất ít lợi lộc và đạo đức thì chẳng cho gì hết, trong khi lời nhỏ nhất của Platon hoặc Christ có thể biến chuyển ngay lập tức trong phạm vi nghệ thuật và tìm thấy ở đó sự toàn vẹn. Cách khái quát hoá này cũng sâu sắc như một thông điệp.
Không những chúng ta nhận thức được ở Christ về quan hệ rất sát từ tính cách với sự hoàn hảo, trong đời sống, thiết lập những phân biệt thật sự giữa những biến động cổ điển và lãng mạn, mà còn cả căn bản của bản chất đồng nhất với căn bản của người nghệ sĩ : một sức tưởng tượng mãnh liệt và mênh mông. Ngài làm dấy lên, trong mọi phạm vi của những mối liên lạc con người, mối thiện cảm tưởng tượng này, trong lãnh vực nghệ thuật, là bí mật độc nhất của sáng tạo. Ngài hiểu bệnh cùi của người cùi, bóng tối của người mù, nỗi khốn khổ tàn bạo của kẻ muốn sống cho lạc thú, sự nghèo nàn kỳ lạ của kẻ giàu có. Bây giờ thì cậu phải hiểu, đúng không, khi mà cậu viết cho tớ lúc tớ đang ốm nặng : « Lúc cậu không ở trên bệ tượng của cậu, cậu chẳng có gì hay hớm cả ! Lần tới nếu cậu ốm là tớ sẽ chuồn ngay!», cậu ở xa lắm cái sự thật của người nghệ sĩ, điều mà Mathew Arnold gọi là « Bí mật của Jésus ». Cả hai sẽ dạy dỗ cho cậu hiểu là điều xảy đến cho người khác sẽ là điều sẽ xảy đến cho chính bạn, và nếu cậu cần có một câu châm ngôn để đọc từ bình minh cho đến hoàng hôn, cho niềm vui cũng như cho nỗi buồn, hãy khắc lên tường nhà cậu, để nó được vàng óng bởi mặt trời và ánh bạc bởi vầng trăng, những chữ sau đây : « Tất cả những gì xảy đến cho người khác sẽ xảy đến cho chính bạn! ». Và nếu có ai đó hỏi cậu câu này có ý nghĩa gì, cậu có thể trả lời rằng nó được « ở trong trái tim của Jésus và khối óc Shakespeare ».
Trên thực tế, chỗ đứng của Jésus là với những thi sĩ. Tất cả quan niệm của ngài về tình người được sinh ra từ trí tưởng tượng, điều duy nhất có thể cho phép. Đối với ngài, con người cũng như Thượng Đế đối với kẻ có đức tin. Ngài là người đầu tiên nhìn thấy sự thống nhất giữa những giống người chia rẽ nhau. Trước ngài đã có Thượng đế và loài người. Ngài duy nhất nhìn thấy, trên đỉnh cao nhất của nhân đạo, chỉ có Thượng Đế và con người là đáng kể. Và nhờ vào khuynh hướng thần bí của thiện cảm, cảm thấy rằng Thượng Đế và con người nhập thể vào ngài, ngài tự xưng rằng, tùy theo tâm trạng, là Con của Thượng Đế hay Con của Người. Hơn bất cứ ai trong lịch sử, người đánh thức trong chúng ta trạng thái tuyệt vời mà tính mơ mộng luôn luôn gọi đến. Vẫn còn trong tớ là điều gần như không tưởng được rằng một người nhà quê trẻ tuổi ở Gallié đã tưởng tượng mình có khả năng mang trên vai gánh nặng của toàn thể nhân loại : tất cả những ai đã sống và đau khổ cùng tất cả những ai còn sống và đau khổ - những trọng tội của Nero, Casear Borgia, Alexander VI và Heliogabale, đã là hoàng đế La Mã và giáo sĩ của Mặt Trời, những nỗi khổ của những người mà tên họ của họ là đội lính và chỗ ở là giữa những mộ phần, những quốc gia bị đàn áp, trẻ con làm việc trong nhà máy, những kẻ trộm cắp, những kẻ ngoài vòng pháp luật, những người câm nín trong phẫn nộ mà sự im lặng chỉ được Thượng Đế nghe thấy - và không chỉ tưởng tượng mà còn hoàn thiện nó một cách khả quan, như thế ngay lúc này đây, tất cả những ai liên hệ với tính cách con người mình, ngay cả họ không nghiêng mình trước bàn thờ hay quỳ gối trước giáo sĩ, sẽ khám phá bằng một cách nào đó rằng sự xấu xa của tội ác họ làm sẽ được xoá bỏ và vẻ đẹp của sự đau đớn họ có sẽ được thể hiện.
Chỗ đứng của Christ là ở giữa những thi sĩ theo ý tớ. Thật ra, Shelley và Sophocle là những người đồng hành với ngài. Nhưng suốt cuộc đời của Christ là bài thơ tuyệt vời nhất. Cho « tình thương và sự kinh hoàng », không có gì gần gũi trong tất cả bi kịch Hy Lạp, sự trong sáng tuyệt đối của nhân vật chính dựng lên toàn cảnh cuộc đời ngài bằng đỉnh cao của nghệ thuật lãng mạn, mà nỗi đau khổ của Thèbes và dòng họ Pélops không đáng kể bởi chính sự ghê rợn của họ và chỉ định cho thấy Aristote có lỗi khi biện luận là, trong đạo luật nghệ thuật bi kịch, không thể nào chịu đựng được cảnh tượng một người thân sống trong đau đớn. Không trong Eschyle cũng chẳng trong Dante, những bậc thầy đau khổ trong yên lặng, cũng không trong Shakespeare, con người tinh khiết nhất trong tất cả mọi nghệ sĩ vĩ đại, cũng không trong tất cả mọi huyền thoại và bí ẩn dân tộc Celte, nơi mà mọi vẻ đẹp của nhân loại được toát ra dưới màn nước mắt và nơi đời sống con người không hơn gì một đóa hoa, không một điều gì, bởi tính đơn giản duy nhất của tình cảm liên kết một cách thân mật với sự thăng hoa của hiệu quả bi đát, có thể bằng được, ngay cũng không gần được cảnh tượng cuối cùng của Niềm Đam Mê của Christ : bữa ăn với những người bạn đồng hành, mà trong số đó đã có một người bán ngài vì tiền ; niềm khắc khoải trong khu vườn cây Ô liu yên tĩnh soi sáng bởi ánh trăng, người môn đệ giả dối phản bội đến gần ngài với nụ hôn, một người ngài còn tin tưởng chắc chắn sẽ xây cho một căn nhà để trú ngụ trong lúc tiếng gà gáy vang trong bình minh ; sự chịu đựng của ngài, chấp nhận tất cả, và hơn nữa những cảnh tượng như cảnh tổng giám mục Chính thống giáo xé áo ngài trong cơn giận, và vị quan toà hỏi xin nước trong vô vọng để rửa đi vết máu vô tội làm từ ngài màu đỏ của nhân vật lịch sử, buổi lễ đeo vòng hoa đau đớn. Một trong những điều tuyệt vời nhất trong mọi niên đại : sự hành hình trên thánh giá của người Vô Tội diễn ra dưới mắt người mẹ và những đồ đệ ngài yêu quý, cái chết kinh khủng mà ngài cho nhân loại biểu tượng lâu dài nhất ; rồi cuối cùng xác người được tẩm liệm trong phần mộ của người giàu có, được quấn bằng những vải Ai Cập và ủ những hương thơm đắt giá như thể ngài là con trai của Hoàng Đế. Nếu ta xem những điều đó theo quan điểm nghệ thuật, ta chỉ có thể mang ơn cơ quan phục vụ tối thượng của nhà thờ bởi cảnh tượng một bi kịch không vấy máu : sự trình bày bí ẩn, phong cách giảng đạo, trang phục, ngay cả những cử chỉ, từ niềm đam mê Chúa của họ, đã luôn là một nguồn vui và niềm xúc động cho tớ để nhớ lại rằng ta tìm lại được sự sống sót sau cùng của đoàn hợp ca Hy Lạp, đã từng biến mất khắp trong mọi nghệ thuật, trong những bản thánh ca trợ giúp vị linh mục khai trương buổi lễ tại nhà thờ.
Tuy nhiên suốt cuộc đời của Christ - ngần ấy đau đớn và vẻ đẹp có thể nhận định được trong những ý nghĩa và những bộc lộ của chúng - trong thực tế là một điệu ca trữ tình, dù nó có cho sự tháo gỡ tấm màn của nhà thờ bị xé rách, những sầu thảm phủ tràn mặt đất hoặc hòn đá lăn đến tận cửa mộ phần. Ta nghĩ đến ngài như một lần người đã tự diễn tả về mình, như về người chăn cừu đi lang thang trong thung lũng với đàn trừu của mình, tìm kiếm cánh đồng xanh hay dòng suối mát, như một người ca sĩ dự định xây những bức tường cho vùng thánh địa từ âm nhạc của mình, như một người tình muốn sống cho tình yêu nhưng vũ trụ quá bé. Những gì màu nhiệm từ ngài hiện ra cũng tuyệt diệu và tự nhiên như bước chân mùa xuân về đến. Thật không khó khăn chút nào để tin rằng thế nào là sự đáng quý của tính cách ngài, rằng chỉ có sự hiện diện của ngài mới có thể mang đến được yên bình cho những tâm hồn khắc khoải và những ai chạm được vào y phục hay bàn tay ngài đều đã quên được những đau khổ riêng, hoặc lúc ngài đi ngang con đường lớn của cuộc đời, những người chưa từng thấy gì về bí mật của đời sống bỗng nhìn thấy ngài rất rõ, và những ai khác vốn điếc trước mọi âm thanh trừ tiếng gọi của lạc thú, chợt nghe thấy lần đầu tiên giọng nói của tình yêu và thấy nó như tiếng nhạc sáo của Apollon ; hoặc những mê muội xấu xa lẩn trốn khi ngài đến gần, những người có cuộc đời buồn tẻ thiếu trí tưởng tượng đã chỉ là một loại người đã chết đứng bật dậy ra khỏi mộ khi nghe thấy tiếng gọi của ngài ; rồi lúc ngài giảng đạo trên núi, quần chúng quên cơn đói khát cùng những ưu tư của cõi đời, và tất cả những bạn bè nghe ngài nói chuyện lúc ngồi ở bàn ăn, những món ăn tầm thường trở nên ngon lành, nước lã bỗng có vị của rượu vang tuyệt hảo, khắp nhà như tràn đầy mùi hương hoa đồng nội.
Renan, trong « Cuộc Đời của Jésus » - quyển kinh Phúc Âm thứ năm quý giá này, theo Thomas gọi, - có nói ở đâu đó rằng sự bổ sung lớn của Christ là đã tạo được tình thương yêu sau khi chết cũng như lúc còn sống, và chắc chắn, chỗ của ngài là ở giữa những nhà thơ, ngài là hướng đạo cho những người yêu nhau. Người thấy rằng tình yêu là điều bí mật đầu tiên của nhân loại, điều bí mật mà những người khôn ngoan tìm kiếm, và cũng chỉ nhờ vào tình yêu mà ta có thể đến gần trái tim của người cùi hay đến gần chân của Thượng Đế.
Và trên tất cả, Christ là một cá nhân chủ nghĩa tối thượng. Tất cả cũng như sự chấp nhận nghệ thuật của mọi kinh nghiệm, khiêm tốn chỉ là một cách bộc lộ. Tâm hồn con người là điều mà Christ luôn tìm kiếm. Ngài gọi nó là « Vương quốc của Thượng Đế » và tìm thấy nó trong mỗi chúng ta. Ngài so sánh nó với những vật nhỏ, một cái hạt bé bỏng, một nắm hạt mầm, một viên ngọc. Vì ta chỉ ý thức được tâm hồn mình một khi đã giải phóng được tất cả những đam mê lạ lùng, mọi văn hoá đã thu thập, mọi sở hữu từ bên ngoài, xấu hay tốt.
Tớ đã cưỡng lại tất cả với một ý chí ngang tàng và rất nhiều phiến loạn vốn ở trong bản tính mình cho đến khi chỉ còn lại một điều độc nhất trong vũ trụ : Cyril. Tớ đã mất tên tuổi, địa vị, hạnh phúc, tự do, tài sản. Tớ là một tù nhân và rất nghèo, nhưng tớ còn lại một kho tàng tuyệt vời : đứa con trai đầu lòng. Bỗng nhiên, luật pháp tước đoạt nốt. Đó là một đòn kinh khủng đến nỗi không biết làm gì hơn, tớ quỳ sụp và khóc nói : « Thân thể của một đứa trẻ như thân thể một vị Thánh, con không xứng với cả hai ». Giây phút này như vừa cứu tớ. Tớ thấy cách giải quyết tốt nhất là chấp nhận tất cả. Từ đó, thật lạ lùng, tớ cảm thấy mình như hạnh phúc hơn. Đương nhiên, đấy là cõi hồn mà tớ vừa đạt đến trong tinh chất sau cùng của nó. Trong nhiều lãnh vực, đã là kẻ thù của nó, nhưng tớ lại tìm thấy nó đang đợi mình, như một người bạn. Khi ta có được mối liên hệ với hồn mình, nó làm cho ta trở nên đơn giản như đứa trẻ. Như thế, Christ nói, chúng ta phải thực hiện.
Thật bi đát khi có rất ít người sở hữu tâm hồn họ trước khi chết. « Không có gì hiếm hoi hơn cho con người, Emerson nói, là làm một việc tốt cho bản thân anh ta ». Hoàn toàn đúng vì phần lớn con người không là chính họ. Tư tưởng của họ là ý kiến của người khác, đời họ là sự bắt chước, đam mê của họ là được chỉ định. Christ không chỉ là người của chủ nghĩa cá nhân tối thượng, ngài còn là người theo chủ nghĩa cá nhân đầu tiên trong lịch sử. Người ta đã dự định làm từ ngài để trở thành kẻ từ tâm tầm thường giống như những kẻ từ tâm đáng ghê sợ ở thế kỷ thứ XIX, hoặc người ta xếp chỗ cho ngài như người từ bi ở giữa những kẻ thiếu văn hoá và đầy tình cảm. Ngài không thật sự là người nọ cũng như không như người kia. Thông thường, những người nghèo khó, những kẻ bị nhốt trong tù, những người khiêm tốn, những kẻ khốn cùng, làm cho ngài thương xót ; nhưng ngài còn cảm xúc lớn hơn cho những kẻ giàu có, những kẻ vinh thân phì gia không có lòng, cho người mất tự do và trở thành nô lệ cho những thứ đó, những người ăn mặc sang trọng và sống trong những cung điện. Dường như đối với ngài, tài sản và lạc thú là bi kịch lớn hơn sự nghèo khó và những đau khổ. Về lòng từ tâm, ai là người rõ được hơn ngài đấy là khuyng hướng, không là ý chí, nó xác định chúng ta và ta không thể hái những trái nho trên những cây gai và những quả vả trên những cây hoa cúc.
Sống cho người khác không phải là mục đích lương tâm hoặc định nghĩa của Christ, cũng không phải là sự tin tưởng của ngài. Khi ngài nói : « Tha thứ cho kẻ thù của các bạn » không phải là cho tình yêu kẻ thù mà cho chính tình yêu của chính bạn, vì tình yêu đẹp hơn thù hận. Khi ngài khuyên người trai trẻ mà ngài cứu rỗ: « Hãy bán tất cả những gì anh sở hữu và cho hết người nghèo! » không phải điều kiện sống của người nghèo ngài nghĩ đến mà là hồn của chàng trai, tâm hồn bị hỏng đi vì sự giàu có. Trong quan niệm sống của ngài về cuộc đời, ngài nhận dạng cho người nghệ sĩ rằng bởi quy luật không thể tránh khỏi của sự hoàn thiện của họ, người thi sĩ phải ngợi ca, người điêu khắc phải nghĩ đến chất đồng và người họa sĩ phải làm từ thế giới tấm gương của những cảm nhận của anh ta, cũng như không thể tránh được, cây đào phải nở hoa vào mùa xuân, cây lúa mì phải chín vàng lúc mùa gặt và vầng trăng, trong thời hạn của nó, phải đổi dạng từ hình cái khiêng thành hình lưỡi liềm và từ hình lưỡi liềm thành hình cái khiêng.
Nhưng Christ cũng chưa hề nói với mọi người : « Hãy sống cho người khác! ». Ngài đã cho ta quan sát rằng không có sự khác biệt nào giữa cuộc đời người khác và chính cuộc đời chúng ta. Như thế ngài đã cho con người một tính cách khuyếch đại, một tính cách khổng lồ. Từ lúc ngài có mặt, lịch sử từng cá nhân một trở thành lịch sử của nhân loại. Văn hoá, một cách chắn chắn, đã làm mãnh liệt thêm tính cách con người. Nghệ thuật đã cho chúng ta những tinh thần đại chúng. Những người có thiên tài về nghệ thuật đi lưu đày cùng Dante và học được cay đắng biết là bao bánh mì của kẻ khác và bao nhiêu khó khăn trên những bậc thang để trèo. Họ đạt được một lúc yên ổn, trầm tĩnh của Goethe, nhưng chỉ biết được quá rõ tại sao Beaudelaire đã từng kêu với Thượng đế :
Thượng đế! Hãy cho con sức mạnh và can đảm,
Để mặc niệm thể xác cùng trái tim trong sạch…
Có thể từ niềm đau riêng của họ, họ trích dẫn những lời thơ của Shakespeare sự bí mật của tình yêu để được giống như thế ; họ ngắm nhìn cuộc sống hiện đại bằng đôi mắt mới mẻ bởi họ đã từng được nghe một trong những Nocturne của Chopin hay có trong tay những đồ vật nghệ thuật của Hy Lạp, hay đã đọc câu chuyện về niềm đam mê của một người đàn ông nào đó chết đi vì một người phụ nữ đã chết có mái tóc ánh vàng và đôi môi đỏ hạt lựu. Nhưng thiện cảm của một bản chất nghệ thuật đi một cách cần thiết đến con người đã tìm thấy sự diễn tả của nó. Bằng chữ hay bằng màu sắc, bằng nhạc hay bằng cẩm thạch, đằng sau những mặt nạ vẽ một bi kịch của Eschyle hay bởi vài ống sáo của người chăn trừu xứ Sicilian, con người và lời nhắn nhủ của họ phải đã thể hiện.
Đối với người nghệ sĩ, sự diễn tả là cách duy nhất cho phép họ nhận thức về cuộc đời. Với họ, những gì câm nín đều đã chết. Nhưng đối với Christ thì không thế. Với một sức tưởng tượng vĩ đại và thần thánh làm ngập tràn chúng ta đến gần như kinh hãi, ngài lấy toàn vũ trụ làm vương quốc của sự không thể diễn tả, thế giới không tiếng nói của nỗi đau đớn, và tự ngài làm từ đó người phát ngôn. Những người tớ đã nói đến, những người câm lặng dưới áp bức, và « sự im lặng chỉ được nghe thấy bởi một mình Thượng Đế », ngài đã chọn họ làm anh em. Ngài mong mỏi được làm đôi mắt cho người mù, đôi tai cho người điếc và tiếng thét trên môi người nào đã bị cứng lưỡi. Sự mong muốn của ngài là được làm cái kèn để thổi đến trời xanh cho hằng hà sa số những người không thể làm ai nghe tiếng nói của họ. Và cảm nhận được, với bản chất nghệ sĩ, cuả người có nỗi khổ và niềm đau là những cách nhờ đó ngài có thể thực hiện quan niệm về vẻ đẹp và khái niệm của ngài, rằng một ý tưởng chỉ có giá trị khi nó nhập thể và trở thành hình ảnh, ngài làm từ chính ngài hình ảnh của Người và sự Đau Đớn, và cũng như chừng đó mà ngài đã lôi cuốn và chế ngự nghệ thuật như chưa có một vị thần Hy Lạp nào thành công được về điều này.
Bởi vì những thần Hy Lạp, ngoài những tứ chi mỹ miều, trắng và đỏ hồng, không thật sự như họ có vẻ thế. Vầng trán dô của Apollon như cái đĩa mặt trời hiện lên sau một ngọn đồi lúc bình minh, những bàn chân giống đôi cánh chim buổi sáng; nhưng chính ông đã tàn nhẫn với Marsyas và giết những đứa con của Niobe. Trong những cái khiêng bằng sắt là mắt của Pallas, ông ta không chút thương tình với Arachne. Sự tráng lệ và những con công của Hera là những gì duy nhất sang trọng của bà. Và cha của các vị thần này cũng chỉ có quá nhiều gắn bó với những con gái loài người. Hai gương mặt gợi hình một cách sâu sắc nhất trong huyền thoại Hy Lạp chính là, về tôn giáo, Demeter, một nữ thánh địa cầu không có gì dính líu đến những Olympians, và về nghệ thuật, Dionysus, con trai của một người đàn bà chết vào lúc ông được sinh ra đời.
Nhưng trong phạm vi cao quý nhất, khiêm tốn nhất, Đời Sống tự nó phát xuất ra một sự tuyệt diệu vô tận, lớn hơn cả mẹ của Proserpina hay con trai của Semele. Trong căn chòi của người thợ mộc ở Nazareth một nhân vật sinh ra đời, cao cả nhiều hơn tất cả những gương mặt tạo ra bởi sự bí ẩn và huyền thoại, và điều kỳ lạ, gửi đến thể hiện với nhân loại ý nghĩa huyền bí của rượu vang và vẻ đẹp thật sự của hoa huệ ngoài đồng như chưa từng có ai, ở trên Cithéon hoặc ở Enna, đã có thể làm được.
Tiếng hát của « Isaie » - « Bị khinh rẻ và ruồng bỏ bởi con người, sự nhân cách hoá của nỗi đau khổ và sự am hiểu về niềm đau đớn, như thế chúng ta đã lẩn trốn bộ mặt thật của mình » như hình dung được Christ, và nơi ngài mà sự tiên tri được tự hoàn tất. Một câu nói như thế phải không làm ta sợ hãi. Tất cả mọi tác phẩm nghệ thuật là sự hoàn tất một sự tiên đoán, bởi mọi tác phẩm nghệ thuật là sự chuyển đổi của một tư tưởng thành hình ảnh. Tất cả mọi con người sẽ phải là sự hoàn tất của một điều tiên đoán, bởi vì mỗi con người sẽ phải là điều thực hiện của lý tưởng nào đó, hoặc trong tinh thần của Thượng Đế, hoặc trong tinh thần con người. Christ đã tạo từ đó hình tượng và làm cho tồn tại, rồi đến giấc mơ của một nhà thơ trong sáng, lúc thì ở Jérusalem, lúc thì ở Babylone, đã nhập thể, qua từng thế kỷ, vào người mà nhân loại « mong đợi ». « Gương mặt và hình thức của ngài linh động hơn bất cứ gương mặt và hình thức ai khác ». Đó là những dấu hiệu phân biệt của một lý tưởng mới, Isaiaha ghi nhận. Và, vào lúc nghệ thuật hiểu được ở đó ý nghĩa, nó rạng rỡ lên như một đoá hoa với sự hiện diện của người mang sự thật trong nghệ thuật được diễn tả như nó chưa bao giờ được diễn tả. Bởi như đã nói, sự thật trong nghệ thuật phải chăng nó là « điều bên trong diễn tả bên ngoài, trong sự thật đó linh hồn được nhập thể và thể xác được truyền cảm từ tinh thần mà trong tinh thần đó hình thức sẽ biểu lộ »?
Đối với tớ, một trong những điều đáng tiếc nhất trong lịch sử là sự phục sinh của Christ, đã tạo ra Thánh đường ở Chartres, vòng của những huyền thoại Arthuriennes, cuộc đời của Thánh François d’Assis, nghệ thuật của Giotto và Hài kịch Thánh Thần của Dante, đã không thể phát triển theo những đường nét của nó, mà bị gián đoạn và hỏng đi bởi sự hồi sinh cổ điển cho chúng ta Petrarch, tranh nề trên tường của Raphael, kiến trúc Palladienne, bi kịch của Pháp như quy định, thánh đường Saint Paul, thơ của Pope và tất cả những gì đến từ bên ngoài và bởi một vài tinh thần gợi lại. Nhưng khắp nơi nào phát xuất trong nghệ thuật một chuyển động lãng mạn nào, bằng cách nào đó và dưới hình thức nào đó, có Christ và tâm hồn của Christ. Ta tìm thấy trong Romeo và Juliet, trong Thần Thoại Mùa Đông, trong thơ ca miền thôn dã, trong Lời Than của Người Thủy Thủ Già, trong Người Đẹp Vong Ơn và Điệu Ca Bác Ái của Chatterton.
(Còn tiếp)