Phần 3. Ý Thức Nữ Quyền từ giá trị của người phụ nữ, cá tính nhân vật, bối cảnh của sáng tạo trong văn xuôi của Nguyễn thị Hoàng.
Theo học giả Phạm Quỳnh, sau một thời gian dài là 50 năm, tác phẩm văn chương nào vẫn còn được đọc thì đó mới là tác phẩm thật sự có giá trị văn học. Thời gian là thước đo giá trị của tác phẩm văn chương bởi qua từng thời đại, người ta mới được thấy rõ dần tính tư tưởng của một sáng tạo từ những chuyển động của văn học nghệ thuật và những đổi khác, tiến bộ của đời sống xã hội.
« Nguyễn thị Hoàng là một tác giả của Văn Học Nữ Quyền, Vòng Tay Học Trò rất xứng đáng để được liệt kê là một tác phẩm cực kỳ quan trọng của văn học đương đại là văn học của nữ quyền Việt Nam. »
(TS Trần Ngọc Hiếu, Đại Học Sư Phạm Hà Nội - Việt Nam. VN, Cộng Đồng Thông Tin Đối Ngoại – tháng 6, năm 2021)
Nhà văn Trịnh Thanh Thủy : « Tác phẩm Vòng Tay Học Trò ra đời như một cuộc nổi loạn, đạp đổ hàng rào luân lý, đạo đức truyền thống. Câu chuyện xoay quanh những suy tư giằng xé giữa tình yêu, tình dục và đạo đức của một cô giáo và một anh học trò. »
(Ý Thức Nữ Quyền Trong Tác Phẩm Của Các Nhà Văn Nữ 1954-1975. Nguồn Tiền Vệ, 2014).
Từ nửa trước thế kỷ 20, ở Việt Nam, trong sự phát triển văn học nghệ thuật, người phụ nữ viết văn không có một thế mạnh nào của thời đại khi mà tại các nước phát triển, những nhà văn nữ đã được nhìn nhận sự làm việc và xây dựng tư tưởng với khuynh hướng tiến bộ với sự tranh đấu mạnh mẽ của họ.
Có thể bắt đầu từ Anh quốc bởi nhà văn nữ cũng là nhà phê bình văn học Mary Wollstonecraff (1759-1797) là người đã khởi công một cách can đảm khi kêu gọi : “ Thời điểm đã đến cho một cuộc cách mạng trong đặc tính của phụ nữ. Đã đến lúc người ta phải trả lại cho phụ nữ phẩm giá của họ và để cho họ, như một thành phần của nhân loại, đóng góp vào sự cách tân thế giới.” (A Vindication of Rights of Women, 1792 ).
Sau đó, cũng ở Anh là Jane Austens (1775- 1817), chị em Brontë, Charlotte, Emily và Anne vào đầu thế kỷ 19 cho đến Virginia Woolf (1882- 1941) khi bắt đầu viết đã phải ký tên của nam giới.
Tại Pháp, những gương mặt nữ sĩ quan trọng có thể kể là Georges Sand (1804-1876), Colette ( 1873-1954), nữ triết gia văn sĩ Simone Weil (1909-1943), Marguerite Duras (1914-1996), Simone de Beauvoir (1908- 1986)…
Mary Wollstonecraft
Virginia Woolf Marguerite Duras
Ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã có như một phác thảo, thức tỉnh, mang tính xã hội, khách thể, chưa hoàn toàn định hướng nhưng những nữ thi sĩ của ta từ khuynh hướng lãng mạn như Tương Phố, Vân Đài, Ngân Giang, Mộng Tuyết, Anh Thơ … đã mang đến cho thi ca một thanh sắc khác lạ và đẹp dịu trong văn học từ sáng tạo của họ, với ít nhiều bản lãnh cho đến Thụy An (1916- 1987) với tiểu thuyết Một Linh Hồn, Nguyễn thị Vinh ( 1924 – 2020) của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, rồi sự có mặt thật sự của những nhà văn nữ trong một tâm thế mới, trên văn đàn của miền Nam là Nguyễn thị Hoàng cùng Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Lệ Hằng. Họ đã vào cuộc, mang đến cho diện mạo văn học sự hoàn hảo bằng bản sắc giới tính của họ, viết với tính chủ thể từ quan điểm tự nhận thức và tìm hiểu khám phá con người mình và cuộc sống, xã hội. Cho đến nay, trong văn chương Việt Nam đã chỉ có sự phát triển ý thức đơn điệu của nam giới và tính thống trị tư tưởng của họ.
Thời đại biến động và chiến tranh là một trong những nguyên nhân dữ dội đã lôi thốc người phụ nữ ra khỏi môi trường sống tinh thần cũ. Những nhà văn nữ này đã khẳng định được vị trí quan trọng của họ qua cách sáng tạo bạo dạn, mỗi người một cách diễn tả về tình yêu và đời sống tình dục trong bối cảnh xã hội phức tạp và thời chiến. Họ được độc giả mọi tầng lớp đón nhận với thái độ tích cực, nơi miền Nam, phần địa lý mà người dân dần được khai phóng tư tưởng trong quá trình hiện đại hoá văn học nghệ thuật. Đặc biệt đông đảo độc giả nam giới, khá tiến bộ và phóng khoáng trong tư tưởng, đã “ đánh hơi ” thấy ngay mùi lạ, có cái nhìn tò mò hí hửng và thưởng thức một cách thú vị thể loại văn chương đột phá này như được chiêm ngưỡng những bức tranh khoả thân, mặc cho những phản bác của phe bảo thủ.
Trong cuộc truy vấn với bản thể từ lúc bắt đầu được định hình nhân cách cho đến lúc bước vào đời sống, bằng trí tuệ, nội tâm, khát vọng; một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và tinh tế, với hướng sống cách mạng tư tưởng, có đủ ý thức không thể không biết và không hề nhầm lẫn về những giá trị của con người mình. Từ những chuyển biến trong thế giới nội tâm và cảnh ngộ đến lúc đương đầu cuộc truy lùng rượt đuổi dồn dập của định mệnh, Nguyễn thị Hoàng đã giúp chúng ta thấu hiểu một quan điểm mới về sự hiện hữu của người phụ nữ và cải thiện chỗ đứng cũng như vai trò của phụ nữ trên bậc thang giá trị thật sự của họ trong xã hội cho đến sau này, đó là chứng tích tâm thức của bệ phóng cho hướng tư duy của người phụ nữ.
Nguyễn thị Hoàng đã sống tuổi trẻ ở thời đại người phụ nữ cần được giải phóng khỏi áp lực của xã hội và khẳng định cá tính, có quan điểm về thời cuộc và văn học nghệ thuật theo tính đương đại, hướng về chủ nghĩa siêu thực, giòng nghệ thuật ý thức cách mạng, khai thác những ẩn giấu trong sâu xa của vùng tiềm thức để sáng tạo văn chương, thể hiện một cách nguyên vẹn những hiện thể từ sự trưởng thành trí tuệ và tâm hồn. « Phải cảm thấy mình đang sống cuộc đời chính mình lựa chọn và điều khiển ».
Từ đây, người phụ nữ cầm bút đối phó với mọi tình huống, mọi vấn đề của thời đại và cuộc đời đã dần tạo được một thế đứng quan trọng trong lãnh vực văn chương, bắt đầu xây dựng được lịch sử tư tưởng độc lập trên nền tảng tri thức hiện đại. Từ ý thức sáng tạo, với sức mạnh trí tuệ biểu lộ qua ngôn ngữ, văn chương của bà mang tính nữ quyền ẩn chứa trong cá tính của các nhân vật nữ, dù cho lúc sáng tác, nhà văn không hề nhìn đó như một dự tính hay mục đích. Bà không hề nghĩ đến điều này. Theo Goethe, thi hào người Đức (1749-1832) thì trong sáng tạo nghệ thuật, một toan tính nào dù nhỏ cũng là một cách giết chết nghệ thuật và làm hại tác phẩm.
Không chỉ trong Vòng Tay Học Trò mà cả trong nhiều tác phẩm khác, tính cách của từng nhân vật nữ ở một thời điểm mà người công dân nữ còn ở trong tâm thức giới hạn về giới tính, người nữ sĩ chưa được có chỗ đứng vững vàng của người nghệ sĩ sáng tạo trong một xã hội còn nhiều định kiến, bất bình đẳng … nhà văn đã có cái nhìn phóng khoáng và trải nghiệm sống phong phú, vào thời điểm xã hội Việt Nam còn nặng về đạo lý Khổng Mạnh. Trong khi tại những quốc gia tây phương, từ ý thức triết học hiện sinh, sự nhận diện và khảo sát tìm hiểu cá nhân và thể xác con người trong đời sống hiện thực, ý thức nữ quyền đã khởi phát và được hình thành dần một hệ tư tưởng.
Khuynh hướng văn học nghệ thuật của thế kỷ 20 là Siêu Thực - Surréalisme và Hiện Sinh - Existentialisme.
Trong bài viết về Chủ Nghĩa Siêu Thực trong Văn Học ( Paris, tháng 10- 1999), nhà phê bình Thụy Khuê giải thích theo nghĩa của sáng tạo văn học nghệ thuật :
“ Siêu Thực đến từ triết học phân tâm của Freud, coi Vô Thức như chủ thể của sáng tạo, Siêu Thực là hiện thân của Mộng, đề cao vai trò của Mộng. Hiện Sinh, trong quan điểm của Jean Paul Sartre, bác bỏ Vô Thức của Freud, coi Ý Thức mới là chủ thể của sáng tạo. Hiện Sinh là Hiện Thân của Ý Thức, của Thực.
Siêu Thực và Hiện Sinh vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau. Cả hai tìm đến tự do như cứu cánh của sáng tạo, cùng chi phối sáng tác văn học nghệ thuật, không những ở Pháp mà còn ảnh hưởng đến văn học nghệ thuật toàn cầu. ”
Chủ thuyết Siêu Thực được sáng lập và duy trì bởi André Breton (1896 - 1966) văn thi sĩ người Pháp, trong thập kỷ này, cũng tại Pháp, một cách sáng tạo khác đã thật sự hình thành : Hiện Thực Huyền Ảo (Thần Kỳ), tức Réalisme Fantastique - Magical Realism, nhưng trước đó, khuynh hướng này đã được viết bởi Frank Kafka, nhà văn người Áo- Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc ( 1883- 1924) và Georges Luis Borges, nhà văn người Á Căn Đình (1899-1986).
Vào năm 1970, Nguyễn thị Hoàng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã sáng tạo sản phẩm tinh thần đặc sắc Tan Theo Sương Mù ( viết tại Osaka, Nhật) theo cách Hiện Thực Huyền Ảo.
Nhưng Nguyễn thị Hoàng đã xác định sáng tạo của bà Tự Phát và Độc Lập vì không hề được đọc nhiều do sự khắt khe của gia đình, (chính bà cũng không hưởng ứng giòng sách dịch thuật của văn chương ngoại quốc). Bà cũng không được am tường thật sự về những khái niệm của các bước chuyển động văn học nghệ thuật : “ Tôi chẳng hiểu hiện sinh là cái quái gì! ”
Vậy chỉ có thể hiểu rằng một cách gián tiếp, từ nền tảng văn hoá giáo dục là Pháp và Việt, có sự trưởng thành một cách đương nhiên về ý thức và tâm sinh lý của người nghệ sĩ, bắt đầu tất cả từ nhận thức về cách thay đổi tư tưởng ít nhiều của tầng lớp trí thức theo sự tiến bộ tất yếu của phát triển tri thức toàn cầu qua văn học nghệ thuật.
Dù sáng tạo phù hợp với thời đại, bà đã tự bứt nhổ gốc rễ của thời đại để mặc nhiên bước tới bằng thiên tài cô đơn của mình. Thời đại chưa bước kịp theo trên con đường nghệ thuật của người nghệ sĩ từ khởi điểm của sự hình thành một giòng nghệ thuật cách mạng ý thức, tư tưởng của bà đã tự trưởng thành một cách độc lập tự do rồi tự động vượt thoát khỏi hệ tư tưởng của nền văn học bảo thủ, để viết về những nhân vật nữ với khuynh hướng tự lập trong cuộc sống, chủ động trong tình yêu, trong những quyết định táo bạo về đời thường, ngay cả việc bất cần dư luận để sống một cách vũ bão, đương đầu với định mệnh, chọn lựa phương thức tồn tại như một số người trẻ cùng thế hệ. « Một đời sống tự trách nhiệm lấy chính đời mình trước lương tâm và định mệnh. »
Mức độ độc đáo của một tác phẩm được xác định bởi sự mãnh liệt của cá tính các nhân vật. Một tác phẩm tồn tại lâu dài phải có một giá trị tâm linh khẳng định phẩm chất nội tâm nhân vật.
Nguyễn thị Hoàng góp phần cách tân văn hoá từ một quan điểm riêng và khác biệt đến một hướng đi mới, với một tâm thức lạ và thẳm sâu, với vốn liếng tri thức, trải nghiệm sống tự do và bản lãnh sáng tạo đã mở đường hình thành khuynh hướng nữ quyền. Vô tình, bà đã xây dựng một lịch sử tư tưởng qua những nhân vật nữ thể hiện sức mạnh tinh thần tự giải phóng cá tính và phơi bày mọi chiều kích của nhân cách, tự vượt thoát thân phận khỏi những hạn chế, đè nén, giả tạo của xã hội mà họ không thoả thuận.
Nhân vật nữ trong văn xuôi của bà sống cuộc đời mình và trách nhiệm với tương quan người tình hay người chồng, vong thân trong nghịch cảnh để duy trì sự tồn tại của cuộc sống chung, ngay cả vào những lúc đời sống và sự chết không còn biên giới. Họ là những người làm chủ tư tưởng dù trong thể chất phụ nữ, là sức chịu đựng vượt bực của tinh thần, sự kiên trường của đá kim cương, là ánh sáng của pha lê, âm thầm, sáng tỏa và đau đớn. Sức sống mãnh liệt và sự vận dụng chức năng tư tưởng của nhà văn để viết về nhân vật nữ đã luôn là biểu tượng của nỗi cô đơn và niềm kiêu hãnh dù có những lúc gục ngã vì ảo tưởng vỡ tan, có lúc quằn quại trong suy tưởng về sự phi lý của hiện hữu, có lúc bế tắc tuyệt vọng trước những hữu hạn của phận người, của cảnh ngộ, hoặc có lúc phải nuốt lệ chìu lụy một người đàn ông mà họ yêu.
« Đào thêm đường hầm, thoát ra bằng những lối thoát không thể có, và gọi lên thân phận, ngoi lên đọa đày, bất khuất. », « … như Kiều đã nhận chịu, như Kiều đã khóc than. Ta làm ra định mệnh. Hay định mệnh làm ra ta? » ( Cuộc Tình Trong Ngục Thất ).
Tâm trạng người đàn bà trẻ khát vọng tình yêu tuyệt đối, vẻ đẹp toàn bích ngoài tầm tay trong những cuộc độc thoại nội tâm giằng xé chính là những truy vấn trong ý thức về sự hiện hữu và mối tương quan của « cái tôi » và tình yêu trong cảm thức cô đơn của con người.
« Trâm nhận ra mình say mê ảo ảnh đó, và nàng có ảo giác là đang hóa thân, đã hoàn toàn biến thành hai trong cùng một xác thân một số kiếp. Trong những giây phút kỳ ảo đó, Trâm nhận ra mình thích cô đơn vì chỉ yêu mình, yêu chính mình. Tình yêu như một huyền nhiệm không thể hiểu được … Tôi tự đầy đủ cho tôi và tôi là đối tượng tuyệt đối của chính mình. » (Vòng Tay Học Trò)
Người đàn bà đi tìm chồng trong chiến tranh, để biết người quân nhân vừa tử trận, cùng lúc gặp một người lính khác cùng tâm trạng tuyệt vọng, người đàn bà tưởng còn được sống tình yêu. Đó là sự khát vọng sống của con người mãnh liệt hơn tuyệt vọng và cái chết.
“ Một thế giới mông lung, ngoài cả sự sống và sự chết, tỏa ra từ hai ánh mắt giao nhau, siêu lạc, mất hướng. Con đò bây giờ hình như tới một khúc sông khác, vắng lặng buồn tẻ hơn … Bến cũ đã xa rồi. Bờ nào mới không trông thấy trong tương lai, dù chỉ là ước mong và nghĩ tưởng.” (Tuần Trăng Mật Màu Xanh)
Và người đàn bà muốn cứu rỗi người lính bằng tình yêu của mình : « Nàng kéo Đông lại, khuất sau cánh cửa dưới bóng xanh rợp của những tán lá khế giao nhau ngoài trời chiếu vào, choàng hai tay qua lưng Đông, trìu mến, ân cần, dịu dàng, quen thuộc, như một người vợ ôm chồng từ xa xôi mưa gió tìm về với mình, và kiễng chân cho cao bằng Đông, nàng ghé hôn lên môi Đông một nụ tình đầu tiên đằm thắm, gắn bó. » ( Tuần Trăng Mật Màu Xanh )
Người đàn bà đau khổ vẫn không mất lòng tự trọng, khi đối diện với sự phản bội của người tình trẻ, trong tận cùng nỗi đau, vẫn có bản lãnh, tỏ ra yêu chiều, chăm sóc, chỉnh sửa áo quần, đưa thêm tiền cho anh ta đi chơi với cô gái nào khác. (Vòng Tay học Trò)
Nguyễn thị Hoàng nhìn thấy, chạm đến, nhận xét, quan sát và sống cảm xúc của mình, bằng cách thưởng thức sâu sắc từng trạng thái tâm hồn của mình, tiêu cực cũng như tích cực, để diễn tả bởi văn chương, tất cả đều được khoác lên một vẻ đẹp của nghệ thuật, của thi ca và biến đổi tất cả tình huống thành những sắc màu và âm thanh làm phong phú cuộc đời.
Cho đến người đàn bà đi tìm cái chết từ những ẩn ức không thể biểu lộ vẫn trong một tâm thế đầy tự chủ và lôi cuốn : « Tôi thả tôi về với biển … Sóng tấp bờ lớp lớp mênh mang, Ngà khoan thai bước vào giải nước đen, nghe tiếng bọt sóng tan lao xao xa mãi trên bờ. » ( Bọt Biển )
Sáng tạo của Nguyễn thị Hoàng không phải là sự vận chuyển trọn một đời tư vào tác phẩm để xây dựng một thế giới cá nhân. Hình bóng và tư tưởng của nhà văn chỉ ẩn hiện qua nhiều nhân vật nữ, rất khác biệt và đầy chất nghệ sĩ, vừa ngọt ngào vừa gai góc, vừa trầm lặng vừa sôi nổi với một chút ngang tàng thách thức từ lòng tự trọng và kiêu hãnh, thể loại phụ nữ cá tính mãnh liệt, đam mê nhưng không hề bạc nhược dù bản chất họ yếu đuối, đa tình đa cảm pha lẫn nét trẻ thơ vì là phụ nữ, và thông minh, có trình độ, có đời sống nội tâm sâu sắc, đồng thời là phụ nữ hiện đại và đầy lôi cuốn trong tự tính hồn nhiên.
Một nhà văn trước tiên là một con người đã sống những bi kịch và những nỗi đau riêng trong thảm kịch vĩ đại của cuộc đời, cùng với con người phụ nữ của họ chừng như còn trải qua bao thống khổ trong luyện ngục để ngộ được những khổ nạn của cuộc hành trình miệt mài, bất chấp thách thức đùa cợt của định mệnh, đối phó với mọi tình huống mà vũ khí duy nhất là sức mạnh nội tâm.
Điều giá trị nhất về bình diện nữ quyền trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng là mỗi nhân vật nữ với cá tính riêng biệt dù được miêu tả trong một nội dung với từng bối cảnh khác nhau nhưng phải hiểu một nhân vật nữ trong văn chương của bà không còn ở trong một chiều kích hạn hẹp cá nhân là « cái tôi » với những vấn đề riêng tư mà họ là biểu hiện cho cuộc đời và thân phận người nữ trong một xã hội, một thời đại, từ ánh sáng của trí tuệ, từ ý thức tiến bộ trong quá trình tiến triển của giòng nghệ thuật ý thức cách mạng, qua đó để thể hiện sự dũng cảm của tinh thần đòi quyền chủ động đời sống.
Người phụ nữ trong Trâm ( Vòng Tay Học Trò ) có một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với một cõi hồn khao khát yêu thương, « thèm sống thèm yêu tột cùng » đến đã được « thay đổi sau cách mạng cuộc đời và nổi loạn tâm hồn » cùng lòng kiêu hãnh và tính tự lập để tự gầy dựng cho bản thân một cách sống riêng, không bước vào lối sống tầm thường, con đường mòn của thiên hạ, vận dụng khả năng để khai thác mạch sống, phải tự tìm cho mình một lối thoát : « Phải đập vỡ tất cả để xây dựng lại … phải sống với bản chất đam mê của loài thú rừng thức giấc …»
Và Nguyện của Một Ngày Rồi Thôi « … vừa kiêu hãnh, vừa tủi hờn vô cớ là đời sống bên ngoài, vòng vây quen thuộc eo hẹp và tầm thường không đủ dung chứa mình. »
Người vợ trong Ngày Tháng Đầu Đời : « Em không quản ngại bổn phận và nhiệm vụ của mẹ cho con, của vợ cho chồng, của đàn bà với gia đình mình »
« Cướp lấy từng phút giây sống, cướp lấy từng trăm năm chết, cướp lấy nước mắt và nụ cười, cướp lấy hạnh phúc và thương đau, trong vòng quay vô tình của con tụ tôm cua rùa cá ». ( Cuộc Tình Trong Ngục Thất ).
Giữa thời cuộc đau thương, người đàn bà vẫn khát khao cứu rỗi người lính chết mòn trong tuyệt vọng, còn tưởng sẽ tìm được lại màu xanh cho tương lai : « Và nàng đã về giữa lúc anh đang chết. Đang chết. Ngày mai, trong căn nhà cổ im vắng này, dưới vòm trời còn xanh dịu này, tuần trăng mật sẽ bắt đầu cùng với mùa xuân. » ( Nhung trong Tuần Trăng Mật Màu Xanh ).
Trong chiến tranh, tình yêu và sự sống vượt lên tất cả. Đó là điều chân tình và bi thảm cho con người và riêng cho người đàn bà, « Mầm mống và bản thể cuộc đời này là gầy dựng và sinh tồn trong bất khuất … Bây giờ nàng đã đến chân vạn lý trường thành. Và nàng đã tìm thấy xương da hạnh phúc đời mình nguyên vẹn.» (Cuộc tình trong Ngục Thất).
Điểm quan trọng khác về nhà văn là trong ý thức nữ quyền, về mặt chủ thể (subject ), Nguyễn thị Hoàng đã thể hiện cả chủ thể sáng tạo lưỡng tính (androgynous). Trong nhiều tác phẩm, dù tiểu thuyết hay truyện ngắn, bà đã vượt ranh giới, đặt mình vào vị trí của nhân vật nam, thái độ nhập thân (embodiment) một cách hoàn toàn ý thức như sự cải trang ( masquerade) để phân tích, diễn giải tâm sinh lý và hoàn cảnh sống của người nam, dẫn đến trạng thái hoà hợp cân bằng, toàn thể, thích ứng với nhân vật nữ như một điều phải có từ bản thể uyên nguyên. Đó là một phức thể rất khó để diễn đạt khi nhà văn phải “sống” tận cùng con người của từng nhân vật nhưng bà đã thực hiện văn chương với tài năng và bằng việc làm đầy tính nhân bản, như Nguyễn Du đã vay mượn nước mắt và thân phận nàng Kiều để biểu hiện những thống khổ của mình. Hiện tượng này tuy lạ nhưng phát xuất từ nhiều yếu tố như lịch sử, chính trị, xã hội, văn hoá …
Một nhà văn là một người đa nhân cách, có cái nhìn đa chiều và nhìn về mọi hữu thể đa dạng một cách sắc sảo. Họ tạo nên những nhân vật với từng cá tính riêng phù hợp với vai trò nhân vật đó. Trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng, có mọi nhân vật với mọi cá tính và nhà văn sống tận tụy thiết tha trong mỗi nhân vật của mình, bởi những xúc cảm sâu xa và chân thật để tỏ lộ tường tận mọi chi tiết nội tâm cho đến hành động trong từng bối cảnh.
Những bối cảnh trong các tác phẩm của bà được diễn tả bởi ngữ cảnh tuyệt vời, vẽ ra những bức tranh chân thực của tác phẩm văn chương và nhất là cảnh sắc, nét mỹ miều để lại ấn tượng cho độc giả.
Thông qua một tác phẩm văn học, độc giả có thể dựa vào những bối cảnh xây dựng về mặt xã hội được định hình bởi văn hoá, những bối cảnh được xây dựng về mặt thời đại được định hình bởi lịch sử. Lịch sử luôn được tái hiện dưới hình thức văn học nghệ thuật. Nguyễn thị Hoàng là nhà văn góp phần không nhỏ giúp độc giả nhìn lại dấu vết của chiến tranh một thời.
Bối cảnh xã hội và văn hoá là điểm quan trọng vì ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm mà tác giả mong muốn độc giả tiếp nhận. Độc giả có thể hiểu được nhân vật sống với nền văn hoá nào và những giá trị của xã hội đó.
Cảnh sắc trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng là nét đẹp đa dạng, từ phong cảnh lãng mạn u trầm của một Đà Lạt núi rừng cho đến một Huế lặng thầm, một Sài Gòn nồng nàn huyên náo đến sóng biển Nha Trang cho đến bối cảnh huyền ảo của nước Nhật, nét đẹp ngọt dịu của Đài Loan … Chưa một nhà văn nào có thể viết hay đến thế về bối cảnh là nền cho tình yêu và những trạng thái tâm hồn. Bà thổi hồn vào nhân vật cũng như rót tình cảnh sắc bằng ngôn ngữ gợi cảm và tinh tế của riêng mình.
“ Con đường rừng và một buổi hoàng hôn nào đó. Rặng hoa đào và bóng dáng mùa xuân. Mười ngón tay em và những chiếc áo len màu. Miệng em cười và lời yêu thương ngọt ngào không nói …” (Vòng Tay Học Trò).
“ Làn nước lấp lánh trắng xoá trôi giạt bàng hoàng dưới bãi. Mặt biển mềm và óng ả như những tấm kim tuyến bạc thêu chỉ hồng dưới mặt trời chiều. Màu xanh phơi phới của nền trời ngẩn ngơ cúi xuống. Những hòn đảo mờ mịt xa xanh. Những cánh buồm trắng ngoài khơi như bướm trắng im lìm trên nền kim tuyến bạc.” ( Vùng Trời Trên Biển ).
“ Những sợi khói mong manh xám nhạt vươn lên từ những mái nhà nâu thẫm gờn gợn từng vết rêu mốc lâu đời. Nắng chiều vàng thắm trải dài mênh mông từ thung lũng lên đồi cao. Cỏ cây rực rỡ như những tấm thảm nhung dắt kim tuyến. Tiếng một con chim cu văng vẳng từ sau rừng vọng lại như từng nốt đàn mơ hồ thánh thót đệm vào ca khúc vi vu mơn trớn của gió chiều trong rừng thông.”
“ Nắng vàng đã nhạt. Vòm trời thấp xuống âm u và nàng bỗng dưng cảm thấy tất cả nỗi lạnh lùng tê dại của đời cô quạnh chụp xuống hai bờ vai yếu đuối.”
“ Đêm nay. Có thể nào đêm nay là đêm cuối cùng của một thời gian huyền thoại. Trăng ngà ngà khỏa thân giữa đỉnh trời khói xám. Bụi bờ u uất chìm sâu như vực thẳm quanh lầu. Khoảng cách mở rộng trong đêm sâu trũng giữa hai người. Trâm nhìn nét đồi mờ ảo dưới ánh trăng và bỗng thèm bỏ đi xa.” (Vòng Tay Học Trò)
Với cách tả linh động du dương qua ngòi bút trang trọng diễm lệ về một phụ nữ thanh lịch đài các :
“ Người đàn bà ngồi đó, một tay nâng tách trà, một tay tì nhẹ lên thành trường kỳ cẩn xà cừ, hai chân khép nép xếp vào nhau, tà áo đen dài ẻo lả buông xuống tận mũi hài thêu hoàng hạc lượn, mái tóc nhung đen vén cao từng lọn nhỏ và thanh trên đỉnh đầu, để hé một nét cổ trắng ngần chảy xuống khung ngực áo rộng hình vuông lấp lánh một cành huyết ngọc bên phía trái.” (Tan Theo Sương Mù).
Ẩm thực cũng là nét đặc thù của một bối cảnh văn hoá. Qua cách tả những món ăn thức uống và cách thưởng thức, nhà văn đưa người đọc thưởng thức vẻ đẹp vào những trạng thái tích cực.
“ Bữa cơm thanh đạm nhưng ngon lành, gồm một chén canh cải nấu với cá, một dĩa tôm nhỏ lột vỏ chiên bột ăn kèm với khoai chiên, một dĩa nhỏ dưa gang ướp mật rượu và đường màu mã não, những khoanh trứng gà luộc trên một dĩa xà lách thật tươi ghim từng trái táo đen, hạnh nhân và hạnh đào màu đỏ. Tất cả được trình bày trong bát dĩa bằng thứ gỗ đen, cẩn hoa và chim hạc, bướm và những cánh tùng già, những hạt cơm trắng dẻo vít lên đầu mút đũa nhẹ tênh màu đỏ thắm. ” (Tan Theo Sương Mù).
“ Những lát cá rải ra từng giải mỏng và dài như quai nón, ướp tất cả đồ gia vị như tai đinh, tai hồi, xả, lá thơm, ớt, tỏi, hành, băng sa. Trải cá lên một cái vỉ mỏng bằng tre đan, đặt vỉ trên một chậu nước giếng thật mát, có nắp thông hơi đậy bên trên, để một đêm. Ngày thứ hai là ngày làm phần nhân của món cá bằng cua gạch, tôm hùm quết nhuyễn trộn với táo tàu hột sen, vi cá, nấm hương cắt nhỏ, tất cả được vo tròn từng viên và được cuốn vào trong những lát cá mỏng đã ướp đêm qua. Cả miếng cá cuốn nhân được phết bơ và bỏ vào lò nướng. Cá đút xong là được sấy bằng nước sâm chưng đường phèn tán nhỏ suốt một đêm, và qua ngày thứ ba là thời gian cuối cùng để làm nước sốt. Nước sốt nấu bằng thịt bò, tôm cua, cà chua, hành tây trong nửa ngày, lọc lấy nước nấu lại lần nữa cho đến khi được gần đặc quánh, và đến giờ khách ăn, nước sốt được rưới lên cá đã được nướng lại lần thứ hai trong lò, và lần này khác với lần trước, lò được tráng một lớp mỏng quế bột …” ( Bọt Biển ).
Sáng tạo nghệ thuật luôn thích hợp với thời đại nhà văn sống, và tư tưởng của họ để lại ảnh hưởng cho những thế hệ sau. Các nhân vật nữ trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng, trong dằn vặt và chao đảo sự nhận diện thể xác cùng sự khai phá tâm linh, sống ở một thời đại đầy biến động, trong một xã hội nhiều hữu hạn cho phụ nữ từ mặt đạo đức, thiếu tính nhân quyền. Và qua cách sáng tạo mới lạ của văn chương, với trách nhiệm công việc, bà đã khẳng định sự hiện hữu của người phụ nữ trong toàn bộ ý nghiã của giá trị con người và con người phụ nữ ở vào thời đại 1960 và những thời đại tiếp nối.