Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.198.089
 
Dọc đường văn nghệ (phần 75) Nguyễn Thị Minh Kiên, cô giáo, người thơ bên dòng sông Lam xứ Nghệ…
Trần Dzạ Lữ

 

 

“Một thầy,cô giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần “- John Steinbeck.

Câu nói trên tôi trích dẫn của tiểu thuyết gia John Steinbeck(Người Mỹ) để dành tặng cho cô giáo dạy văn giỏi Nguyễn Thị Minh Kiên bên dòng sông Lam xứ Nghệ bởi cô là người” đưa đò” biết bao nhiêu học sinh qua bến bờ trưởng thành với trí thức ,tri thức từ một tâm hồn ăm ắp lễ nghĩa và nhân văn.

Cô giáo không chỉ dạy văn giỏi mà còn là một người vợ mẫu mực, người mẹ hiền hậu, rất biết vun vén hạnh phúc gia đình để căn nhà nở đầy hoa yêu thương và cũng biết trân quý bà con, anh em, bè bạn lúc giao tiếp với họ bằng bàn tay thân ái.Không chỉ vậy, cô còn là một người thơ xứ Nghệ trữ tình qua những vần thơ rất đổi hồn vía mà tôi từng đọc và yêu thích.

Quen biết cô em gái này qua trang web HX cũng hơn mười mấy năm.Dù khác thế hệ, nhưng tôi và cô luôn lắng nghe và thấu hiểu nhau.Đó chính là sự đồng cảm văn nghệ hiếm hoi ở những tâm hồn biết quý trọng văn chương và không ngừng đam mê văn học trên mỗi bước đi của thời gian.

Sau công việc dạy học, chăm sóc gia đình là cô sáng tác, đâu chỉ có thơ mà cả văn và luôn những bài cảm nhận văn học tinh tế, sâu sắc khơi gợi cho người đọc hình ảnh tuyệt vời của cô gái sông Lam đang bước dần về phía Chân-Thiện- Mỹ.Tôi nhớ ai đó đã nói:” Gặp tri âm đã khó mà gặp tri kỷ còn khó hơn nhiều lần” Thật vậy, tình anh em bè bạn giữa tôi và cô giáo dạy văn trong lành như Nắng Thuỷ Tinh( nhạc Trịnh Công Sơn)Mười mấy năm, Minh Kiên chưa hề rời bỏ sự quan tâm trước tác của tôi và tôi cũng thế,luôn đọc bài của cô một cách trân trọng dù là thơ hay văn ( trong lúc đó có một số người kết bạn rồi rời đi một cách chóng vánh bởi mục đích của họ không phải tương tác thơ văn)

Mong tình cảm anh em chân tình vẫn còn đầy như sông, như biển giữa một cuộc bể dâu trần thế quá dài lâu…

Tôi rất vui khi giới thiệu thơ của cô giáo dạy văn nơi sông Lam xứ Nghệ:

 

 

TA VẪN LÀ TA, YÊU ĐẾN VÔ CÙNG!

 

Xin gửi vào đêm những ước muốn, khát khao

Những nhọc nhằn chưa bao giờ ngơi nghỉ

Xin gửi luôn những điều ta giấu kỹ

Ru ta vào giấc ngủ an nhiên

Xin gửi vào đêm những trằn trọc, ưu phiền

Những rối lòng hôm nay ta nhặt được

Để sáng mai khi mặt trời thức giấc

Ta vẫn là ta, yêu đến vô cùng!

Xin cứ là ta như cây cỏ giữa đồng

Đêm vẫn bình yên dù cả ngày nắng đổ

Dù con dế có tự tình cùng gió...

Ta vẫn là ta, yêu đến vô cùng!

 

MÙA XA NỖI NHỚ CÓ ĐẦY

 

Tháng chạp ra đi vội vã

Mùa đông rớt lại bên thềm

Cây bàng chênh chao lá đỏ

Cầm mình đón đợi mùa sang

Em cầm bao nhiêu là nắng

Bơ vơ suốt dọc xuân thì

Lạc trong một thời xa vắng

Trao người lại hóa mưa rơi

Em cầm bao nhiêu là nhớ

Nồng nàn bỏng rát đôi tay

Dù mùa qua mùa vẫn đợi

Mùa xa nỗi nhớ có đầy?

 

TAY EM

 

Cho anh nắm lấy tay em

Bàn tay rưng rức thỏa miền nhớ xa.

Bàn tay không trắng nuột nà

Mà em níu giữ năm xa tháng gần

Mân mê chi những đường gân

Xanh xao một kiếp tảo tần sớm hôm.

Bàn tay che giấu nỗi buồn

Che mong manh để lời thương dặt dìu

Bàn tay vời vợi niềm yêu

Đong ngày thành nhớ tím chiều đầy vơi

Đừng buông tay nhé người ơi!

Cùng nhau đi hết một đời yêu thương.

 

EM HÁT ANH NGHE

 

Em gửi cho anh một chút mùa thu

Bởi sang đông không còn heo may nữa

Hương hoa sữa nồng nàn trong hơi thở

Nhớ về anh, em hát khúc giao mùa

Em hát anh nghe câu hát đò đưa

Câu ví dặm rằng mình thương, mình nhớ

Rằng thương nhau nên gừng cay muối mặn

Ai sai đường...em giận vẫn còn thương

Em hát anh nghe câu hát vấn vương

Trong mắt ai với một mùa thu cũ

Em hát anh nghe bài ca người thiếu nữ

Ươm vui buồn dệt kín những vần thơ...

Nguyễn Thị Minh Kiên

Và dưới đây là bài cảm nhận của Minh Kiên về thơ tôi:

 

MẸ ƠI! CON LỠ YÊU NGƯỜI!THƠ TRẦN DZẠ LỮ - NGUYỄN THỊ MINH KIÊN Cảm nhận:

 

Đúng như chị Khảo Mai nói: "Tình yêu không có khái niệm thời gian nên dù ở tuổi nào tình yêu cũng làm cho chúng ta thảng thốt và tác giả Trần Dzạ Lữ đã thảng thốt với chính mình":

Mẹ ơi! Con lỡ yêu người

Chạm vào tâm khảm nhau rồi,nhớ thương

Mở đầu bài thơ là thán từ "Mẹ ơi" cho ta thấy được đối tượng trữ tình trong bài thơ là mẹ. Mẹ- luôn là nơi bình yên nhất để con bày tỏ nỗi niềm vui, buồn, hờn, giận...cả những niềm đau hay hạnh phúc của cuộc đời. Và điều mà nhà thơ muốn bày tỏ lại là "Con lỡ yêu người". Phải chăng đó là lời thú tội? Vì tình yêu đó có gì là tội lỗi "lỡ"- ngoài dự định của con.

Long lanh đôi mắt đen tròn

Thêm câu hát cũ, cháy lòng...con đây!

Nhưng vì đôi mắt đen tròn, câu hát cũ ấy đã làm “cháy lòng...con đây”. Yêu đến độ cháy lòng thì không còn gì có thể hơn được nữa.

Mùa về hun hút...,đâu hay

Ngoài kia trời cứ lay phay mưa dầm?

Thấy người thả tóc đầu sông

Lại thương tóc mẹ trắng bông bưởi rồi...

Khi đã yêu thì tất cả tâm trí, niềm thương nỗi nhớ đều dồn về nơi ấy- nơi “trời cứ lay phay mưa dầm”. Hình ảnh người ấy thả tóc đầu sông gợi trong con nỗi nhớ thương về người mẹ tóc “trắng bông bưởi”. Câu thơ như một sự so sánh và khẳng định về tình yêu mà con đã dành cho hai người phụ nữ: Mẹ và người ấy. Đó là hai người phụ nữ chẳng thể thiếu trong cuộc đời của con. Thật là tinh tế và sâu sắc khi bộc lộ tình yêu của mình với một người con gái và không làm chạnh lòng mẹ. Đó là dù con có yêu thương người nhưng trong con vẫn nguyên vẹn tình yêu dành cho mẹ.

Đêm nay ra đứng nhìn trời

Mẹ ơi! Con lỡ yêu người xứ xa

Trái tim chừ cũng mù lòa

Đâu soi tận đáy cứ tha tình về!

Lời thơ thật tha thiết khi tiếp tục bày tỏ nỗi nhớ nhung người “xứ xa” như là sự day dứt. Bởi trái tim “mù lòa” không thấy được điều mà lí trí nhận ra. Lí lẽ của con tim khác với lí trí là vậy. Câu thơ ẩn chứa một sự dằng xé giữa tình yêu và lí trí: “Con lỡ yêu người xứ xa”.

Một mai không có, có gì

Cũng da diết đến cả khi đói lòng...

Mẹ ơi! Con mắt nhãn lồng

Cớ sao giống mẹ hút hồn đời con ?

Và con đã chấp nhận một tình yêu của con tim “mù lòa” xem như đó là một niềm an ủi những khi buồn, cô đơn. Con biết đó là sự chấp nhận ngây thơ, dại khờ vì “con là trái ấu chưa tròn” nên:

Nhớ người khắc khoải canh thâu

Ngày mai dối mẹ ... qua cầu tìm em!

Bài thơ “Mẹ ơi! Con lỡ yêu người” là một lời thú tội đầy thảng thốt, bộc lộ tình yêu cháy bỏng không thể nào cưỡng lại được. Đúng là trái tim, tình yêu không có tuổi. Cảm ơn nhà thơ Trần Dzạ Lữ- một lần nữa cho bạn đọc được thưởng thức một bài thơ tình, sâu sắc đầy cảm xúc. Đọc bài thơ mà cứ ngỡ thời mình còn mười tám, đôi mươi vậy!

Nguyễn Thị Minh Kiên

Nhớ 4 câu tứ tuyệt tôi viết về xứ Nghệ:

Chưa về đó 1 lần, nhưng mường tượng

Những câu hò ví dặm mát sông Lam…

Ơi quê hương, chính là nơi ta sống,

bằng tâm hồn của đất hoá yêu thương…

Đấy là lời kết của bài viết này vậy.

 

 

( Xuyên Mộc 12.2021)

Hình ảnh: Cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Minh Kiên

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 625
Ngày đăng: 04.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Pleiku! Đêm ba mươi tết - Vương Kiều
Dọc đường văn nghệ (Phần 74) Nguyên Bình, người siêng năng luyện chữ để tìm vui thú trong văn chương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 73) Đinh Ngọc Diễm Thư, nhà thơ xứ An Giang - Trần Dzạ Lữ
Quán hớt tóc - Nguyễn Đức Tùng
Hải hành mùa đại dịch 9 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hải hành mùa đại dịch 8 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tết ở Trường Sơn Tây - Nguyễn Đại Duẫn
Tết sắp về! Tôi lại nhớ Tết xưa. - Hoàng Thị Bích Hà
Dọc đường văn nghệ (phần 71) Trịnh Công Truyền, người mê thơ, thích hát & rất giàu tình cảm - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 72), Bích Mai Phan : giọng thơ lạ mà rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)