Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.134
123.140.466
 
Lời trần tình ( phần 13)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

 

DE  PROFUNDIS

OSCAR  WILDE

 

     

     Việc người tù và bản thân họ thì ít quan trọng thôi, nói cho đúng vì họ không có sự hiện hữu thật sự. Chỉ có tinh thần là đáng kể. Sự trừng phạt bị chà đạp theo cách làm lặng đi thay vì khơi ra vết thương, tất cả như ta có thể làm bằng lòng từ thiện theo kiểu bánh mì có thể trở thành đá trong bàn tay người được nhận. Có thể nào cậu hiểu được rằng sự đổi khác được thực hiện nơi đây - không trong những nguyên tắc, vì chúng được xác định bởi một luật lệ sắt thép, nhưng trong tinh thần của sự diễn tả - khi tớ nói với cậu rằng, nếu tớ được trả tự do hồi tháng năm năm ngoái, như tớ đã định, tớ đã rời nơi đây và thú nhận, cũng như với những nhân viên, một niềm cay đắng và nỗi ghét hận có thể sẽ làm ngộ độc cuộc đời mình. Và tớ đã chịu đựng một năm tù ngục, nhưng rồi một tình cảm nhân đạo cư ngụ ở nhà tù này với tất cả bọn tớ, khi rời nó, tớ sẽ nhớ mãi mãi những tấm lòng tốt mà tớ đã nhận được ở đây từ gần như tất cả mọi người, ngày được thật sự tự do, tớ sẽ cám ơn nhiều người và để có chút gì cho mình, tớ sẽ xin họ nhớ đến mình.

      Chế độ nhà tù tuyệt đối sai lầm. Tớ sẽ đánh đổi bất cứ điều gì để cải cách nó ngay lúc sẽ ra khỏi chỗ này. Tớ  có ý định làm thử. Nhưng không có gì trong thế giới này có thể mang nhiều dấu vết như tinh thần nhân đạo - tinh thần của tình yêu, tinh thần của Christ, nếu không cải tạo cái chế độ đó, thì ít ra làm cho dễ chịu hơn, mà không quá nhiều cay đắng trong lòng.

     Tớ cũng biết rằng ngoài kia có nhiều điều tuyệt diệu dang chờ đón mình, những gì mà thánh François d’Assise gọi « gió là anh tôi và mưa là chị tôi » - hai điều đáng yêu -, những cửa kính của các tiệm hay cảnh mặt trời mọc của những thành phố lớn. Nếu tớ làm một danh sách liệt kê ra tất cả những gì khác thì tớ chẳng rõ sẽ phải ngừng ở đâu, bởi vì, Thượng đế đã tạo ra vũ trụ cho tớ cũng như cho bất kỳ ai. Có thể tớ sẽ ra khỏi đây với điều gì mà tớ đã không hề sở hữu trước kia. Tớ khỏi cần nói cậu cũng biết, với tớ, sự cải cách tư tưởng cũng hoàn toàn vô nghĩa và cũng hạ đẳng như sự cải cách thần học mà thôi. Nhưng còn việc dự định trở nên tốt hơn chỉ là âm bản rất ít khoa học, để trở thành một con người sâu sắc hơn là điều ưu tiên cho những kẻ đã chịu khổ. Và tớ tin rằng mình sẽ trở thành thế. Cậu sẽ có thể phán xét bởi chính cậu.

     Nếu lúc tự do, một trong những người bạn mở tiệc và không mời, tớ cũng chẳng màng. Tớ có thể hoàn hoàn vui sướng một mình. Với tự do, những loài hoa, những quyển sách và ánh trăng, ai không hoàn toàn vui sướng chứ? Hơn nữa, tiệc tùng chẳng còn là gì nữa với tớ cả khi đã cho quá nhiều để còn có thể lo nghĩ đến điều đó. Mặt này của đời sống đã chấm dứt với tớ, thật may mắn, tớ dám nói đấy. Nhưng nếu họ đóng cửa nhà lúc gia đình có tang, tớ sẽ tìm đến xin họ cho vào để chia buồn. Nếu họ cho rằng tớ không xứng đáng để khóc với họ thì đó là một điều hổ thẹn ghê gớm nhất, sự khinh miệt khủng khiếp nhất có thể chà đạp tớ. Tớ có quyền khóc cho nỗi đau đớn phần mình. Và kẻ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ, lấy phần đau đớn của mình để nhận thức được sự tuyệt diệu từ điều này và từ điều kia sẽ liên hệ ngay với những gì thánh thiện cũng như sẽ được gần gũi với bí ẩn của Thượng đế.

     Cũng có thể một yếu tố sâu sắc hơn đã đi vào nghệ thuật không kém đã đi vào đời tớ, một đơn vị lớn nhất trong đam mê, sôi nổi hơn trong những thôi thúc của bản thân. Không phải sự phong phú, mà sức mãnh liệt là mục đích thực của nghệ thuật hiện đại. Trong nghệ thuật, ta không ưu tư đến thể loại nữa, với một ngoại lệ là điều ta phải làm. Tớ không thể, có cần nói không, để những khổ đau của mình vào bất cứ một trong những hình dạng nào tự chúng đã có. Nghệ thuật chỉ bắt đầu nơi mà sự mô phỏng chấm dứt. Nhưng một điều gì đã đi vào tác phẩm của tớ, một hạnh phúc lớn nhất của từ ngữ, có thể, hoặc những nhịp điệu phong phú hơn, hoặc những hiệu quả lạ lùng hơn, hay một thứ tự kiến trúc đơn giản hơn, hay, ít ra, một vài chất lượng nghệ thuật.

      Khi Marsyas bị « lột đi phần nào trên cơ thể » - della vagina del membre sue - một trong những câu mặc nhiên nhất mà Dante đã dùng - ông bị mất đi khả năng ca hát, những người Hy Lạp kể lại. Apollon chiến thắng. Cây đàn lyre đã thắng cây sậy. Nhưng có thể những người Hy Lạp đã lầm lẫn. Tớ nghe được, trong nhiều tác phẩm hiện đại, tiếng than của Marsyas : nó đắng cay trong Beaudelaire, ngọt ngào và than thở trong Lamartine, bí ẩn trong Verlaine, nó ở trong những khúc nhạc được thâu lại của Chopin, trong những gương mặt phụ nữ không được thỏa mãn của Burne Jones. Ngay cả Mathew Arnold, từ tiếng ca của Calliclès nói về « khúc khải hoàn của cây đàn ru êm và đầy lôi cuốn » và của « chiến thắng vĩ đại cuối cùng » trên một giọng điệu trong trẻo của vẻ đẹp thi ca, cũng đã không miễn trừ điều đó ; trong sự khốn cùng và ngờ vực tiềm ẩn nhiễm vào những câu thơ, từ Goethe đến Wordsworth đã đều không thể giúp được gì cho tiếng kêu đó, dù họ đã lần lượt theo dõi, và lúc họ muốn kêu than cho Thysis hay ca ngợi Scholar Gypsy, chính là cây sậy họ phải cầu đến để thông dịch ra sự phát âm. Nhưng cho dù chiếc mũ đỏ thần thoại đại diện cho nền cộng hòa im lặng hay không, tớ sẽ chỉ biết im lặng. Sự diễn tả đối với tớ cũng cần thiết như với những chiếc lá và những cánh hoa trên những cành màu đen của loại cây mọc lên trên những bức tường của nhà tù và lay động trong gió.

    Giữa nghệ thuật của tớ và nhân loại bây giờ là một vực nước xoáy lớn. Nhưng giữa tớ và nghệ thuật, vực nước đó không hề hiện hữu, hay ít ra tớ hy vọng thế.

    Những số phận khác nhau được trao cho mỗi người chúng ta. Tự do, lạc thú, mọi điều linh tinh khác, đời sống thoải mái đã là phần thưởng của cậu, và cậu không xứng đáng với nó. Phần của tớ là sự nhục nhã công khai, những ngày dài tù ngục, nỗi khốn khổ, niềm hổ thẹn, sự khánh tận, và tớ không xứng đáng, hay ít ra là chưa xứng đáng. Tớ còn nhớ đã nói thường xuyên rằng tớ tin mình có thể chịu đựng được một bi kịch thật sự nếu nó được khoác vào một chiếc áo choàng màu hồng và một chiếc mặt nạ của nỗi đau đớn cao thượng, nhưng khía cạnh gớm ghiếc của chủ nghĩa hiện đại là nó khoác lên bi kịch những trang phục của hài kịch, theo cách những sự thật quan trọng của đời sống có vẻ tục tĩu, hay thô bỉ, hay mất cả style. Điều này tuyệt đối đúng theo tân thời. Có thể đã luôn như thế với đời sống thực tế. Người ta luôn nói những kẻ tử vì đạo dường như bị khinh bỉ trong mắt những khán giả. Thế kỷ thứ XIX không thoát khỏi thông lệ đó.

     Trong bi kịch đời tớ, tất cả đã tởm lợm, bi thảm, ghê rợn, hạ đẳng. Bộ đồ tù nhân của chúng tớ đủ cho thấy sự thô bỉ ra sao. Bọn tớ là những thằng hề của sự đau đớn. Bọn tớ là những thằng làm xiệc với trái tim vỡ nát. Bọn tớ được chỉ định một cách đặc biệt để gợi sự hài hước. Từ London, tớ bị đưa đến đây ngày 13 tháng 11 năm 1895, hôm đó, từ 2 giờ đến 2 rưỡi, tớ đã phải đứng ở thềm ga trung tâm tại nhà ga Clapham với bộ đồng phục tù nhân, còng ở tay, giương ra trước mọi con mắt. Người ta lôi tớ từ nhà dưỡng bệnh đi không một lời báo trước. Tớ trở thành cảnh tượng lố bịch nhất. Lúc mọi người nhìn thấy tớ, họ cười. Mỗi chuyến xe lửa đến làm đám người đông thêm. Sự thú vị của họ lên đến tột đỉnh, và điều đó, trước khi biết tớ là ai, khi biết được, họ còn cười với tính cách thoả mãn nhất. Trong nửa tiếng đồng hồ, tớ chịu trận như thế dưới cơn mưa một ngày xám tháng mười một, vây quanh là đám đông chế nhạo mình.

     Trong suốt một năm tiếp theo sự kiện này, ngày nào tớ cũng khóc đúng vào giờ trong cùng khoảng cách thời gian. Không phải là một điều bi đát mà cậu có thể tin. Đối với người trong tù ngục, nước mắt là một phần của đời sống hàng ngày. Một ngày trong tù ngục không khóc là một ngày tim ta chai cứng lại chứ không phải là một ngày trái tim hạnh phúc đâu.

 

     Thế nhé, giờ đây, tớ bắt đầu thật sự chứng tỏ được sự hối tiếc nhất cho những kẻ đã nhạo báng tớ hơn là cho chính mình. Đương nhiên, lúc họ thấy tớ, tớ không sừng sững trên bệ tượng của mình mà đang bị bêu xấu. Nhưng chỉ có một bản chất thiếu tưởng tượng mới có thể chỉ chú ý đến người ở trên bệ cao. Một bệ cao rất có thể là một điều phi thực. Một sự bôi nhọ là một sự thật kinh khủng. Đáng lẽ họ phải biết diễn giải sự đau đớn thì hơn. Đằng sau nỗi đau đớn, tớ đã nói, luôn chỉ là nỗi đớn đau. Sẽ nhẹ nhõm hơn nếu nói rằng, đằng sau nỗi đau đớn, mãi có một tâm hồn. Và chế riễu một tâm hồn đau khổ là một điều ghê tởm. Đời của những kẻ đó chẳng hay hớm gì. Trong kinh tế của thế giới, từ một sự đơn giản lạ lùng, ta chỉ nhận được những gì người ta cho, và những ai không có đủ trí tưởng tượng để nhìn xuyên qua được cái phong bì chứa đựng những gì mà cảm thấy thương hại, sự thương hại nào ta có thể cho đi, nếu không phải là sự khinh bỉ ?

    Tớ không thuật lại cách thức mà tớ đã bị chuyển đến đây để người ta có thể hiểu được đến độ nào tớ đã khó khăn để rút ra từ sự trừng phạt không gì khác ngoài nỗi cay đắng và niềm tuyệt vọng. Tuy nhiên tớ phải làm và bây giờ tớ có những lúc quy hàng và nhẫn nhục. Cả một mùa xuân có thể bị giấu trong một cái chồi đơn giản và sát mặt đất, cái tổ chim sơn ca có thể chứa niềm hân hoan báo tin bước chân của biết bao bình minh hồng thắm. Có phải như thế mà tớ vẫn còn có vẻ đẹp của đời sống được chất chứa trong một vài khoảnh khắc của sự khuất phục và hổ thẹn. Tớ có thể, trong mọi trường hợp, đi theo con đường của sự phát triển riêng của mình và, cùng lúc chấp nhận tất cả những gì đã xảy đến với mình, để làm cho mình được xứng đáng.

 

     Người ta đã nói và cho rằng tớ quá cá nhân chủ nghĩa. Bây giờ tớ phải như thế còn hơn lúc nào cơ. Tớ phải rút từ chính mình ra nhiều hơn bao giờ và đòi hỏi từ cõi đời ít hơn bao giờ. Thật ra, tớ sạt nghiệp chỉ vì thiếu tính cá nhân chủ nghĩa chứ không phải tại tính quá độ. Hành động duy nhất nhục nhã, không tha thứ được và đáng khinh của đời tớ là để cho mình đi kêu gọi sự giúp đỡ và bảo vệ của xã hội chống lại ông Bô cậu. Theo cái nhìn cá nhân chủ nghĩa, một tiếng kêu cứu như thế là sự đáng tiếc, nhưng viện cớ nào để có thể chống lại một người như ông ấy? Một cách đương nhiên, khi bật được sức mạnh của xã hội, trong khi xã hội kình lại tớ, cho rằng : « Mi đã sống trong suốt thời gian qua, thách thức những luật lệ của ta và bây giờ mi kêu gọi đến những luật lệ này để bảo vệ mi à ? Luật sẽ chỉ áp dụng một cách nghiêm khắc cho mi mà thôi. Hãy đầu hàng luật pháp mà mi cầu khẩn! ».

 

     Hậu quả là tớ vào tù. Và tớ chịu khổ một cách cay đắng sự chua chát và nỗi ô nhục cảnh xảy ra trong ba phiên tòa ; bắt đầu từ toà cảnh sát, tớ trông thấy ông Bô cậu quơ tay để gợi sự chú ý của quần chúng ( chưa kể  tai hại của những âm mưu bên ngoài ) như thể không ghi nhận cái dáng ông ta như người chăm sóc những con ngựa, đứng dạng hai chân, tay nắm chặt lại, môi dưới chìa ra, cử chỉ lố bịch đầy thú tính. Ngay lúc ông ta đã đi ra khỏi tầm mắt, tớ còn thấy ông ta hiện diện, và những bức tường tối tăm của căn phòng rộng của toà án và vẻ riêng của ông ta cho tớ cảm giác chồng chất những cái mặt nạ của gương mặt hằn in lại. Chắc chắn không một thằng đàn ông nào ngã gục một cách tồi tệ như tớ và bởi công cụ tồi tệ như thế. Tớ nói trong một đoạn nào đó của Dorian Gray rằng « một con người không thể quá thận trọng trong sự lựa chọn kẻ thù của mình.» Tớ đã không mường tượng được rằng một kẻ bị xã hội ruồng bỏ sẽ làm từ hắn một kẻ khác.

    Thúc giục, bắt buộc tớ kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội là một trong những lý do làm tớ khinh bỉ cậu rất nhiều, và khinh bỉ chính mình đã nhượng bộ cậu. Việc cậu đã không đánh giá được con người nghệ sĩ của tớ thì hoàn toàn có thể tha thứ được. Đấy là vấn đề thuộc về bản chất và cậu không thể làm gì hơn. Nhưng đáng lẽ cậu phải biết giá trị của tớ trên phương diện cá nhân. Điều này thì chẳng cần gì đến văn hóa cả. Nhưng cậu không làm được, như thế là mang đến thêm một yếu tố vô văn hoá trong một kiếp đời đã luôn được bênh vực về cái điều này, trong một lãnh vực nào đó, đã hoàn toàn tách hẳn nó ra. Yếu tố vô văn hoá trong đời sống hẳn không ngự trị trong tính không có trình độ hiểu biết về nghệ thuật. Những con người đáng quý cỡ như những người đánh cá, những  người chăn cừu, những thợ cày, những người nhà quê và khác nữa, họ không biết gì về nghệ thuật và họ là chất muối cho quả đất này. Kẻ vô văn hoá là kẻ cho những động cơ của xã hội mượn sự yểm trợ của mình, mù quáng, nặng nề, gượng ép, và không nhìn nhận được sức năng động khi hắn ta có được sự hiện diện chính mình là một con người, hoặc là một cách suy nghĩ.

    Người ta đã nhận thấy cái rởm đời của tớ khi tổ chức tiệc tùng mời những thành phần xấu xa trong đời này và đã lấy họ làm bè bạn để vui thú. Nhưng động lực chính là nghệ sĩ đã làm tớ phải giao thiệp và biến họ thành những người được truyền cảm và được khuyến khích một cách tuyệt vời. Đấy là cách tiếp đãi long trọng những con beo. Một nửa thú vui ngự trị trong sự nguy hiểm. Tớ chứng tỏ được điều phải chứng tỏ là làm một người chiêu dụ những con rắn, như lúc họ kéo con trăn ra khỏi đống vải màu hay cái rổ tre và bắt buộc nó, theo sự chỉ đạo của họ, kéo ra chiếc áo chụp của nó và lay động nó trong không gian như một loại thủy mộc lay động trong dòng nước. Đó là những con rắn lấp lánh nhất trong những con vàng óng, nọc độc của chúng thuộc vào sự hoàn hảo của chúng. Tớ đã không biết rằng, lúc chúng cắn mình, là lúc chúng nghe theo điệu nhạc của ống sáo cậu dùng và theo dấu hiệu của bố cậu. Tớ không cảm thấy xấu hổ đã quen biết họ, họ cũng vô cùng thú vị. Điều làm tớ xấu hổ là bầu không khí vô văn hoá mà cậu lôi kéo tớ vào. Khuynh hướng nghệ sĩ của tớ là ở cạnh Ariel và cậu buộc tớ phải chống cự với Caliban. Thay vì làm những tác phẩm đẹp đẽ như Salomé, Bi kịch Florence, Nữ thánh Courtisane, tớ thấy mình giận dữ gửi đi những lá thư dài kiện tụng bố cậu và kêu gọi đến hệ thống mà tớ đã luôn kình chống lại. Clibbor và Atkink tỏ ra thánh thần trong cuộc tranh đấu chống lại đời sống, họ là khách mời cho một cuộc phiêu lưu lạ lùng. Dumas père, Cellini, Goya, Edgar Allan Poe hay Beaudelaire đã hành động như tớ. Điều bỉ ổi nhất tớ nhớ lại là những lần hẹn có sự tháp tùng của cậu với luật sư Humpheys, vào những lúc đó, trong ánh đèn leo lét của căn phòng tối, tụi mình tuôn ra những lời dối trá với vẻ nghiêm trọng với lão hói này cho đến lúc tớ cảm thấy muốn rên lên vì ngao ngán. Đấy là tớ thấy mình đi đến đâu sau hai năm kết bạn với cậu, ngay trung tâm của sự Vô Văn Hoá, rất xa những gì đẹp đẽ, tuyệt vời, sáng chói, mạnh mẽ. Tớ đã vô địch trong sự tôn trọng về phẩm hạnh. Từ những nguyên tắc trong cuộc sống đến đạo đức trong nghệ thuật. « Thế mới biết những con đường xấu đã đưa ta đến đâu. »

    Và điều đối với tớ kỳ cục là cậu đã thử bắt chước ông Bô cậu trong những cá tính. Tớ đã không thể hiểu được tại sao ông ta đã là một cái gương cho cậu thay vì là một sự cảnh cáo, nếu không lúc hai người đàn ông ghét nhau, đã có một sự tương đồng giữa họ. Tớ cho rằng, bởi một luật lệ lạ lùng của tính ác cảm với những gì tương tự, hai người ghét nhau không phải vì khác biệt nhau về nhiều điểm, mà bởi trên nhiều điểm nào đó, họ rất giống nhau. Tháng 6 năm 1893, lúc cậu rời Oxford không bằng cấp và với những món nợ, nhưng xuất sắc đối với một người có ông bố lương lậu như ông Bô cậu, ông này bèn viết cho cậu một lá thư rất tàn tệ, dã man và chửi loạn. Lá thư mà cậu gửi trả lời còn tệ hơn về mọi thứ, và đương nhiên còn kém để mà dung thứ cho hơn, trái lại, cậu còn tỏ ra cực kiêu hãnh vì nó. Với vẻ tràn trề tự mãn, cậu nói với tớ, tớ nhớ rất rõ rằng cậu đã nói có thể đánh bại ông Bô cậu « với trò chơi của ông ta .» Thật thế! Nhưng trò chơi thế nào chứ! Cuộc thi tài ra sao! Cậu đã chế nhạo ông ấy và châm biếm lúc ông rời nhà của người anh họ, nơi ông ở tạm, để viết cho ông kia, từ một khách sạn gần đó, những lá thư tồi tàn nhất. Cậu cũng làm hệt như thế với tớ.

   Cậu chén bữa trưa với tớ ở nhà hàng, thường xuyên cậu dằn dỗi hoặc giở chứng gây sự trong bữa ăn, rồi cậu xéo đến White ‘s Club để viết cho tớ một trong những bức thư bẩn thỉu nhất. Sự khác biệt duy nhất giữa ông Bô cậu và cậu là sau khi tống được lá thư đó đến tay tớ bằng một người đưa tin đặc biệt, cậu xuất hiện ở căn hộ của tớ vài giờ sau đó, không phải để xin lỗi, mà để xem tớ đã đặt bữa ăn chiều ở Savoy hay chưa, nếu không thì vì lý do gì khác đã chứ? Đôi khi, cậu còn xuất hiện trước khi thư của cậu được tớ đọc nữa cơ.

 

(còn tiếp)

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 609
Ngày đăng: 07.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình (phần 12) - Đỗ Nguyễn
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
1922 Jacinto Benavente (Tây Ban Nha, 1866 – 1954) - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)