Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
990
123.137.326
 
Lời trần tình (phần 14)
Đỗ Nguyễn

 

 

Dịch thuật

 

DE  PROFUNDIS

 

OSCAR WILDE

 

 

     Một hôm khác, còn nhớ chứ, cậu nài nỉ tớ mời hai thằng bạn cậu ăn trưa ở Café Royal, mà một trong hai đứa đối với tớ hoàn toàn lạ mặt. Tớ cũng đồng ý và thể theo lời yêu cầu của cậu, đã gọi một bữa ăn đặc biệt đắt tiền. Thế là chúng tớ sai bọn nhà hàng điệu đến một tay chuyên gia về rượu vang. Thay vì đến ăn nhậu vui vẻ, cậu cử người mang đến cho tớ một lá thư chửi bới trong lúc bọn tớ đợi cậu đã cả nửa tiếng đồng hồ. Tớ đọc vội hàng đầu tiên, thấy ngay là có điều gì đấy không ổn, bèn đút lá thư vào túi quần đồng thời giải thích với hai thằng kia rằng cậu đang bị chóng mặt và phần còn lại của lá thư cho thấy triệu chứng đó. Thật ra, tớ chỉ đọc hết nó lúc thay quần áo buổi chiều, để đến ăn ở Tite Street. Cứ cho là đang ở giữa đống bùn này chăng nữa, tớ tự hỏi một cách buồn rầu ray rứt là tại sao cậu có thể viết những bức thư làm tứa nước miếng ở miệng một kẻ mắc chứng động kinh làm gì? Tên đày tớ báo cho biết cậu đang ở dưới sảnh và rất mong muốn gặp nhau năm phút. Tớ cho nó xuống mời cậu lên. Cậu hớt hải đi vào, mặt xanh mét, vẻ hãi hùng, tham khảo tớ và xin tớ giúp cho, vì cậu vừa được tin tòa án ở Lumley, đến hỏi cậu ở Cadogan Place và lo cho vụ cậu đã có vấn đề ở Oxford, hay một nguy hiểm nào đó đang dọa dẫm cậu. Tớ trấn an cậu và nói nếu có liên quan gì đến chuyện ấy, chắc chỉ là hoá đơn của bọn bán hàng thôi. Tớ giữ cậu lại ăn chiều và cậu ở lại cả buổi tối với tớ. Cậu đã chẳng thèm nói gì đến lá thư khả ố cậu đã viết và tớ cũng không buồn nhắc đến nó. Một cách đơn giản tớ xem nó như một triệu chứng khốn khổ của một thằng tồi. Không một ám chỉ nào khác được. Viết một lá thư tàn tệ cho tớ vào lúc 2 giờ rưỡi và ba chân bốn cẳng chạy đi tìm tớ để van xin sự giúp đỡ vào lúc 7 giờ 15 cùng một ngày là một sự việc toàn toàn thường tình trong kiếp sống bi thảm của cậu đấy thôi.

    Trong một vụ kiện như thế, cũng như bao nhiêu vụ kiện khác, cậu vượt xa ông Bô cậu đấy. Trong những lá thư phẫn nộ mà ông ấy gửi cho cậu được đọc ở phiên tòa, chắc là tự nhiên ông cảm thấy xấu hổ nên giả vờ khóc. Nếu những lá thư ông nhận từ cậu được đọc bởi luật sư của ông, mọi người sẽ còn phải thấy được sự kinh hoàng và ghê tởm đến đâu. Không những riêng về cái style mà cậu đánh bạt được ông trong « cái trò chơi của ông » mà còn trong cách tấn công, cậu đã vượt trội hơn ông một cách ngon lành. Cậu chơi bằng những điện tín và những cartes postales. Tớ đoán chừng đáng lẽ cậu phải dành cách đày ải này cho những người như Alfred Wood, đó là nguồn lợi duy nhất mà họ có. Cậu không nghĩ thế sao? Điều mà, đối với anh ta và những người như vậy, là một nghề nghiệp, với cậu là một thú vui, và thú vui rẻ tiền. Và cậu đã không từ bỏ thói quen gớm ghiếc viết những lá thư nguyền rủa sau khi tất cả những gì đã xảy đến cho tớ chỉ vì những thư từ và cho những thư từ. Cậu còn giữ thói quen đó cho một trong những tính hoàn hảo của cậu và cậu xử dụng nó cho bạn bè tớ, những người tốt với tớ trong những ngày dài tù ngục, như Robert Sherrard và nhiều người khác nữa. Thật hổ thẹn cho cậu. Khi Robert Sherrart biết được rằng tớ không muốn cho cậu in ấn gì bất cứ bài báo nào về tớ trong tờ Mercure de France, với thư hay không. Đáng lẽ cậu phải biết ơn anh ấy đã đảm bảo cho những ý nguyện của tớ về phương diện này và ngăn cản không cho cậu bắt nạt tớ cho tớ thêm buồn hơn là cậu đã gây ra. Cậu hãy nhớ lại một lá thư viết về người bảo hộ và vô văn hoá của cậu đòi một « fair play » cho một người tầm thường, sẽ thích hợp hoàn toàn đối với một tờ báo tiếng Anh. Nó làm tồn tại những tập tục già cỗi Anh quốc trong thái độ với những nghệ sĩ. Nhưng  ở Pháp, một cái giọng điệu như thế sẽ phơi bày tớ thành kỳ quái và cậu thành đáng khinh. Tớ không thể  cho phép một bài báo nào đăng mà không rõ mục đích, không khí cũng như phong cách đề cập đến chủ đề. Trong nghệ thuật, những ý đồ không có một  giá trị tối thiểu nào cả. Những nghệ  thuật xấu là kết quả của những ý đồ tốt đấy.

 

    Và Robert Sherard không phải là người độc nhất mà cậu gửi đến những lá thư gay gắt chua cay chỉ vì họ ngó chừng đến những ý nguyện của tớ chứa đựng gì và tình cảm của tớ liên hệ đến những việc này : sự in ấn những bài báo về tớ, sự đề tặng thơ của cậu, sự đình hoãn các thư từ và hiện diện của tớ cũng như mọi điều như thế. Cậu đã phá vỡ một số thứ và còn đang dự tính quấy nhiễu  gì thêm  nữa đây.

    Tình cảnh rùng rợn mà tớ sẽ ở trong đó nếu, từ hai năm nay nơi tù ngục kinh khủng này, tớ chỉ đã tin tưởng vào cậu là bạn, điều này có bao giờ cậu nghĩ đến hay không? Có khi nào cậu cảm thấy mang ơn chút nào với những người có lòng tốt không giới hạn, sự tận tâm vô bờ bến, niềm vui làm giảm hộ tớ đi cái gánh nặng đen đủi này, rồi họ viếng thăm tớ rất thường xuyên, viết cho tớ những lá thư đầy thông cảm, lo cho những việc của tớ, tổ chức cho tớ đời sống trong tương lai, ở cạnh tớ trong lúc tớ bị đè nặng vì những lời dèm pha cay độc và ngay cả sự ngược đãi? Ngày nào tớ cũng cám ơn Thượng Đế đã cho tớ những người bạn khác ngoài cậu. Tớ chịu ơn họ tất cả. Những quyển sách tớ hiện có trong phòng giam này là tiền túi của Robbie bỏ ra mua cho tớ đấy. Cũng như những quần áo mới mà tớ sẽ mặc khi được trả tự do. Tớ không  xấu hổ khi nhận những quà đến từ tình thương và lòng gắn bó. Tớ hãnh diện vì nó. Nhưng có khi nào cậu nghĩ đến bạn tớ, như More Adey, Robbie, Robert Sherad, Frank Harris và Arthur Clifton, đã thế nào với tớ, không tiếc gì cả từ những an ủi, giúp đỡ, thân thương tình cảm? Tớ cho rằng đời nào cậu nghĩ đến được điều ấy. Nếu cậu có được một sự tưởng tượng tối thiểu, cậu sẽ biết không phải chỉ có một người đã tỏ ra có lòng tốt từ khi tớ bị tống giam, trước những người mà cậu sẽ phải hãnh diện quỳ xuống để lau giày cho họ : từ anh gác dan chào tớ mỗi sáng và chúc tớ ngủ ngon mỗi tối ( điều chẳng liên quan gì đến việc làm của anh ta ) đến những người cảnh sát khiêm tốn, với cung cách giản dị và vụng về, tìm lời an ủi tớ trên đường đi ra tòa án, lúc tớ trong trạng thái suy sụp tinh thần trầm trọng, cho đến anh trộm khốn khổ nhận ra tớ là ai lúc đi ngang sân nhà tù Wandsworth, thì thào với tớ bằng cái giọng khàn khàn của người tù từng bị chịu đựng sự im lặng bắt buộc lâu ngày : « Tôi thương bác. Khó khăn cho những người  như  bác hơn là cho những kẻ như chúng tôi. »

     Cậu có đủ tưởng tượng để thấy được như thế nào tấn bi kịch hãi hùng của tớ khi quen biết gia đình cậu hay không? Để thấy bi kịch nào cho người có một địa vị cao, danh tiếng, một điều quá quan trọng để mất đi? Không có một ai là người lớn trong gia đình cậu đã không có cách góp phần vào sự phá sản của tớ, ngoài Percy, một  người con trai thật sự tốt.

     Tớ nói đến bà Bô cậu với một sự cay đắng nào đó, và tớ khuyên cậu hết sức hãy đưa bà xem lá thư này, nhất là cho cái tốt của cậu. Nếu quá khó khăn cho bà để đọc một bản cáo trạng thế này cho một trong những con trai bà, thì bà hãy thử nghĩ xem, mẹ tớ, một cách trí thức, người đã có chỗ đứng cạnh Elisabeth Barrett Browning, và trong lãnh vực lịch sử là cạnh bà Roland, mẹ tớ đã chết với trái tim vỡ nát vì đứa con trai, mà nghệ thuật và thiên tài của nó đã làm bà hãnh diện và bà đã luôn nhìn thấy đó là đứa con nối dõi xứng đáng với một cái tên cao cả, giờ đã bị kết án với hai năm tù khổ sai. Cậu hãy hỏi tớ bằng  cách nào mẹ cậu đã góp phần vào việc hủy hoại tớ. Tớ sẽ nói  cho cậu biết. Hệt như  cậu đã gồng mình đổ hết lên đầu tớ những trách nhiệm vô đạo đức, mẹ cậu đã gắng sức trút vào tớ những trách nhiệm đạo đức đối với cậu. Thay vì nói chuyện thẳng  với cậu về chủ đề cuộc đời cậu như một người mẹ phải làm, bà luôn viết cho tớ với tính cách tâm sự, yêu cầu tớ với sợ hãi và van nài tớ đừng nói gì với cậu cả. Cậu thấy chỗ đứng của tớ ra sao khi bị ở giữa mẹ cậu và cậu. Bà cũng có lỗi, phi lý và bi thảm như tình thế tớ bị xếp chỗ như giữa cậu với bố cậu thôi. Vào tháng 8 năm 1892 và ngày 8 tháng 11 cùng năm đó, tớ có hai buổi trò chuyện dài với bà về cậu. Trong hai  dịp này tớ  đều hỏi tại sao bà không nói chuyện thẳng với cậu.  Mỗi lần bà đều trả lời : 

« Tôi ngại lắm vì nó nổi giận điên lên dù chỉ là một nhận xét nhỏ ». Lần đầu tiên thì tớ biết cậu quá ít để có thể hiểu được bà muốn nói gì, lần thứ hai thì tớ biết cậu quá nhiều để hiểu hoàn toàn. (Giữa hai thời gian đó cậu mắc bệnh vàng da, bác sĩ cho cậu đi nghỉ dưỡng một tuần lễ ở Bournemouth và cậu cương quyết đòi tớ đi theo, vì cậu rất ghét phải ở một mình.). Nhưng đáng lẽ phận sự đầu tiên của một người mẹ là phải không sợ nói chuyện một cách nghiêm túc với thằng con cưng chứ! Nếu mẹ cậu làm thế về việc cậu ở trong cái ngõ cụt mà bà biết vào tháng 7 năm 1892 và dẫn dắt cậu thú nhận với bà, mọi điều cuối cùng đã đỡ hơn nhiều cho cả hai. Tất cả những  đàm thoại bí mật với tớ đều vô ích. Để làm gì những tờ giấy bạc gửi liên tục với chữ « Thư Riêng », van xin tớ đừng mời cậu đến ăn tối thường xuyên quá, dưới mỗi lá thư đều đề thêm P S : « Trong mọi trường hợp, Alfred phải đừng biết gì về điều tôi viết cho anh nhé! »  Kết quả tốt nào có thể có với cách liên lạc như thế? Cậu đã chẳng bao giờ đợi được mời đến ăn tối? Chẳng bao giờ à ? Cậu chén mọi bữa với tớ như thể tự nhiên thôi. Nếu tớ có nhắc nhở gì là cậu cứ trả lời thế này : « Tớ không ăn với cậu thì tớ ăn với ai đây chứ? Cậu có tưởng tượng được là tớ phải về ăn ở nhà không đã? » Chẳng thể cãi vào đâu được. Và nếu tớ tuyệt đối từ chối không cho cậu ở lại ăn cùng thì cậu hăm dọa sẽ làm loạn lên, và cậu  đã chẳng thiếu dịp làm thế.

 

    Kết quả nào người ta có thể chờ đợi từ những thư như mẹ cậu đã gửi cho tớ nếu không - điều đã xảy ra - cái việc ngu ngốc và tàn bạo đổ lên đầu tớ mọi trách nhiệm về tinh thần? Tớ chẳng thiết lục lọi ra những chi tiết để chứng minh về sự nhu nhược của mẹ cậu và sự thiếu can đảm thật ghê rợn cho chính bà, cho cậu và cho tớ ; tớ không muốn nói gì nữa cả, nhưng chắc chắn, lúc bà nghe được bố cậu đến tận nhà tớ làm một « xen » ghê tởm và gây ra một scandale công cộng, bà có thấy được không cơn khủng hoảng cấp bách và nghiêm trọng để tránh việc này ? Nhưng tất cả bà có được trong đầu là ngăn cản tớ qua cái giọng rống lên của George Wyndham để đề nghị tớ … gì cậu biết không? Cắt đứt với cậu từ từ ! Như thể tớ đã cắt đứt với cậu từ từ ! Tớ đã thử chấm dứt tình bạn của tụi mình bằng mọi cách có thể, đến nỗi đã rời bỏ nước Anh và để lại một địa chỉ ma ở ngoại quốc trong hy vọng phá vỡ được mối liên hệ đã trở thành tổn hại, đáng ghét và sạch túi. Cậu tưởng rằng tớ đã chỉ có thể cắt đứt với cậu « từ từ » à ? Cậu  tưởng rằng điều này sẽ thoả mãn ông Bô cậu chắc? Cậu biết rõ  là không. Điều mà ông ta muốn không phải là tình bạn tụi mình dừng lại, mà một “xì căng đan” giữa công cộng. Vì thế cho nên ông cố gắng hết sức. Tên của ông ta không được hiện lên mặt báo từ nhiều năm rồi. Ông ta thấy đây là cơ hội để xuất hiện trước dân chúng Anh quốc trong một vai trò hoàn toàn mới mẻ, vai trò  của một ông bố nhân từ. Điều này tô thêm vẻ trào lộng cho ông. Nếu tớ cắt đứt được hẳn với cậu thì ông ấy sẽ thất vọng lớn, và sự nổi tiếng nho nhỏ mà vụ ly dị thứ hai, rất khích động từ nguồn gốc đến tận chi tiết đã chỉ mang lại cho ông một chút an ủi hời hợt mà thôi. Từ chỗ đó ông mong mỏi trở thành nổi tiếng, trong trạng thái tinh thần hiện tại của quần chúng Anh, nếu tự phong làm tay vô địch về đức hạnh, như ta vẫn nói, là cách chắc nhất để trở thành một nhân vật lịch sử trong một lúc nào đó. Về cái quần chúng mà, trong một vở kịch tớ soạn, tớ nói rằng nếu ta là Caliban trong nửa năm, ta sẽ là Tartuffe cho nửa năm còn lại, và ông Bô cậu thì ta có thể nói, cả hai nhân vật đều nhập vào được cả đấy, và được miêu tả như một người đại diện xứng đáng nhất của sự trong sạch dưới hình thức hung hăng  và  độc đáo  nhất.

    Tuyệt giao « từng bước một » với cậu chẳng để làm gì cho dù điều đó là có thể thực hiện được chăng nữa. Giờ đây cậu có cảm được rằng chỉ có một điều để làm cho mẹ cậu là yêu cầu tớ đến gặp bà, với sự có mặt của cậu và anh cậu để tuyên bố một cách dứt khoát rằng tình bạn này phải tuyệt đối chấm dứt? Hẳn bà đã tìm thấy ở tớ một sự nâng đỡ nhiệt tình và trước mặt Drumlanrig  và tớ, bà không hãi sợ gì để nói chuyện với cậu. Nhưng bà đã không động đậy. Bà sợ trách nhiệm và tính đổ hết lên đầu tớ. Bà có viết một thư cho tớ, thật thế. Trong lời nhắn ngắn ngủi này, bà hỏi xin tớ đừng gửi cho bố cậu cái thư báo của luật sư quyết định sẽ rút lui. Bà hoàn toàn có lý. Thật lố bịch cho tớ khi tham khảo luật sư và muốn được họ che chở. Nhưng bà đã xoá hết kiến hiệu của thư khi kèm theo một P. S : « Bất cứ giá nào Alfred phải đừng biết là tôi viết cho anh thế nhé! » Cậu thì đang sung sướng với ý tưởng thấy tớ gửi đi những thư từ kiện tụng cho bố cậu như thể chính tay cậu làm. Tớ đã hành động theo sự khuyến khích của cậu. Tớ đã không thể nói cho cậu biết rằng mẹ cậu phản đối kịch liệt việc này, bởi tớ bị ở trong cái nghịch thế là do lời hứa danh dự với bà là không bao giờ nói với cậu về những thư bà viết, lời hứa mà  tớ  đã  giữ  riệt lấy một  cách ngu xuẩn.

     Cậu không thấy bà có lỗi đã không nói chuyện một cách trực tiếp với cậu và sự liên hệ bí mật với tớ là tai hại? Không ai có thể trút bỏ trách nhiệm của mình lên đầu người khác như thế. Những trách nhiệm này rốt cuộc cũng luôn trở lại với người có phận sự mà thôi. Theo nghĩa duy nhất của đời sống, theo triết lý duy nhất - trong phạm vi mà người ta có thể cho cậu mượn một triết lý -, rằng tất cả những gì cậu làm, người khác phải trả giá : tớ không có ý muốn nói không chỉ theo cái nhìn về tài chánh - đấy chỉ là sự áp dụng thiết thực của triết lý cậu có trong đời sống hằng ngày - nhưng theo nghĩa  rộng hơn và đầy đủ hơn, là sự chuyển giao trách nhiệm. Cậu  đã nghề quá rồi. Đấy là một thành công đến một điểm nào đó. Cậu đã buộc tớ dự định một hành động vì cậu quá biết không cách nào ông Bô cậu tấn công bản thân hay cuộc sống của cậu, rằng tớ sẽ bênh vực cả hai trong mọi khả năng của tớ và sẽ hứng lấy mọi gánh nặng mà người ta trút lên vai tớ. Cậu đã hoàn toàn có lý. Ông Bô  cậu và tớ, cho những mục tiêu khác nhau, đã  làm đúng y như những gì cậu toan tính.

 

    Và tuy thế, không phải là cậu đã thật sự tự giải thoát được mình đâu. « Lý thuyết của chú bé Samuel », như ta vẫn thường gọi để tóm lược, chỉ tuyệt vời khi mà nhân loại biết chung chung vậy thôi. Và có thể nó xoá đi được nhiều khinh bỉ ở London và vài nỗi cay độc nào đó ở Oxford, nhưng đơn giản chỉ vì có rất ít người biết cậu trong hai thành phố này, trong mỗi nơi cậu đã để lại dấu vết mỗi lần ngang qua. Ngoài cái đám đó, thế giới xem cậu như chú bé ngoan hiền suýt sa ngã, bị xô đẩy bởi tên nghệ sĩ vô đạo đức và trụy lạc, nhưng được cứu thoát đúng lúc bởi ông bố đầy tình phụ tử.  Điều này rất hữu hiệu. Nhưng dù vậy cậu biết rằng cậu chưa hề được thoát thân. Tớ chẳng muốn nhắc đến một câu hỏi ngu ngốc, đương nhiên, được xử lý với cách khinh thường bởi  sự buộc  tội và  bởi lão chánh án. Không ai xem đó là quan trọng. Chỉ có về cậu là tớ muốn nói đến mà thôi. Một ngày nào đó, bằng chính mắt cậu, cậu sẽ phải xem xét lại cách  cư xử của cậu. Cậu không và cậu không thể mãn nguyện được về cách mọi điều đã xảy ra. Một cách kín đáo, cậu phải tự cảm thấy với nhiều hổ thẹn. Cho mọi người nghe thấy sự đồng thanh láo xược là điều cốt yếu, nhưng thỉng thoảng, khi cậu một mình, không có thính giả, cậu sẽ phải hất cái mặt nạ của cậu ra, để có thể hít thở, tớ nghĩ thế, nếu không  cậu sẽ chết ngạt mất đấy.

     

(còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 582
Ngày đăng: 14.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình ( phần 13) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 12) - Đỗ Nguyễn
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
1922 Jacinto Benavente (Tây Ban Nha, 1866 – 1954) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)