Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.145.486
 
77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh “Khúc ru trầm” thơ nhạc Hòa Thanh
Võ Quê

 

     Nhiều người cho rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giàu tính nhạc, những giai điệu đậm chất trữ tình. Đó là lợi thế để thơ anh được nhiều nhạc sĩ phổ thành những ca khúc hay được nhiều người yêu thích. Tôi nghĩ, điều cốt lõi ấy trong thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh có sức lan tỏa, đã chạm tới tận trong thẳm sâu trái tim của người đọc. Từ đó, thơ anh dễ tạo đà cho các nhạc sĩ tìm thấy chính mình, gặp lại bóng dáng quê hương, bản quán của mình từ nỗi lòng những người con xa xứ…

 

     Không dễ gì 77 bài thơ được nhiều nhạc sĩ thành danh thuộc nhiều thế hệ trong nước và hải ngoại phổ thơ anh, trong đó không ít nhạc sĩ tài hoa như Phan Huỳnh Điểu, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Thế Bảo, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoài An, Võ Hoài Phúc…, họ đã giao hoà giai điệu với tiếng lòng thổn thức cùng hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh suốt mấy chục năm qua. Có thể nói Khúc ru Trầm đã lập một kỷ lục mới, được xem là một bản hòa thanh tuyệt vời giữa thi ca và âm nhạc xưa nay hiếm.

 

     Trong tình hình thơ lạm phát hiện nay, đó là chưa nói đến các loại hình thơ cách tân, đổi mới đang dày đặc trên các trang mạng xã hội hiện nay. Vậy sao 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong Khúc ru trầm lại được nhiều nhạc sĩ tên tuổi đồng cảm, đồng tâm để giao hoà thành những ca khúc đẹp, họ nâng cánh cho những bài thơ viết về làng quê bao đời cơ cực của anh với “cây đòn gánh cong đời mẹ/ chiếc nón cong vành dâu bể/ cho đời con được thẳng ngay”. Nhiều bài hát phổ thơ của anh đã đi vào lòng người như bài Qua đò nhớ mẹ, Ký ức làng quê, Đêm xa làng, Sông chỉ một dòng… đã vang lên trong không gian nghệ thuật, bền bỉ với thời gian, chứa chan trong lòng những người yêu thơ nhạc. Trong bài Hồn thơ dâng sóng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết giới thiệu Khúc ru trầm, ông đã có nhiều nhận xét rất tinh tế: “Sở dĩ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có duyên được nhiều nhạc sĩ chú ý đến vậy, có lẽ do hồn thơ Hạnh dâng sóng nhạc, sinh ra bao giai điệu dập dồn như sóng biển Tiên Sa xô dạt vào bờ bãi sông Hàn từng giây, từng phút. Điều hết sức thú vị là có những bài thơ của Hạnh được đến hai, ba nhạc sĩ cùng phổ thành ca khúc.” Bài thơ được nhiều người phổ thành giai điệu mà nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhắc đến là thi phẩm Làng. “Làng” giữ nguyên tên trong ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; “Làng” thành “Ký ức làng quê” với nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh và“Làng” hóa “Làng trong tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm.

 

      Một khía cạnh khác rất quý hóa, đáng trân trọng là thơ Nguyễn Ngọc Hạnh còn được nhiều nhạc sĩ phổ từ hai thi phẩm trở lên: Nguyễn Trần Đức Anh, Nguyễn Cường, Trọng Đài, Huỳnh Ngọc Hải, Đinh Gia Hòa, Quỳnh Hợp, Quang Khánh, Phạm Đăng Khương, Trung Kim, Trọng Lưu, Quỳnh Lệ. Dương Văn Lợt, Nguyễn Xuân Minh, Võ Hoài Phúc, Nguyễn Đình Thậm, Huỳnh Văn Tấn. Đặc biệt nhạc sĩ Trọng Đài đã phổ đến 10 ca khúc từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Và đặc biệt, cả 3 tác phẩm mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đều đoạt giải thưởng cao của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

 

     Mỗi bài thơ được cất lên từ nỗi niềm, tâm trạng của thi sĩ khi bắt gặp sự tương giao đồng điệu cũng những kĩ thuật tiết tấu, giai điệu, thanh âm riêng biệt của từng nhạc sĩ, thi phẩm ấy sẽ trở thành khúc nhạc giao hòa của những tâm hồn đồng điệu. Tôi đã từng rung động, xúc cảm khi được nghe các các ca sĩ trình bày những bài hát phổ nhạc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trên hệ thống phát thanh, truyền hình VOV, VTV và trên các trang mạng xã hội; điều mà xưa nay tôi đã từng bắt gặp trong thơ anh, đó là tình yêu đắm say dành cho thơ qua sáng tác của mình, qua những việc làm đầy tâm huyết, trí tuệ vì thơ bằng hữu bốn phương. Giờ đây khi đọc Khúc ru trầm tôi lại cảm nhận thêm một Nguyễn Ngọc Hạnh “đắc nhân tâm” khi được giới văn nghệ sĩ, công chúng yêu văn học trong và ngoài nước quý trọng, mến mộ.

 

     Chính từ sự “đắc nhân tâm” ấy mà bên cạnh nội dung 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Tuyển tập Khúc ru trầm còn xuất hiện 3 bài viết rất giá trị của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Phan Văn Minh, Nguyễn Thị Thu Thủy và sự trình bày mỹ thuật cho tập sách rất công phu của những người nổi tiếng: Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa, họa sĩ Đặng Tiến ký họa chân dung các nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với 4 bức tranh thơ vẽ từ ý thơ Nguyễn Ngọc Hạnh… Bằng tấm lòng quý mến của các thân hữu văn nghệ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từ Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Khúc ru trầm được xem như một quy tụ độc đáo, đầy tình yêu mến của các nghệ sĩ tài hoa đã tạo nên một Khúc ru trầm với nhiều sắc thái lung linh, nhiều năng lượng quý báu, phong phú, đa dạng, súc tích nội dung, bắt mắt từ trong ra ngoài tác phẩm...

 

     Năm 2022 vừa mở ra những trang đời mới. Xin mừng vui cùng Khúc ru trầm của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đang ngân lên từng vọng âm đẹp trước thềm xuân. Cuộc đồng hành, hòa thanh thơ - nhạc mong sẽ được kết nối, lan tỏa tình yêu cùng tri âm cung đàn muôn điệu…

Võ Quê.

- Hình kèm bài: Bìa Khúc Ru Trầm (NXB Hội Nhà Văn). Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh.

 

 

Võ Quê
Số lần đọc: 630
Ngày đăng: 23.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Ukraine - Nguyễn Đức Tùng
Từ mấy “chân dung tự họa” của thi sĩ Hoàng Cầm… - Nguyễn Anh Tuấn
Phiêu bồng về “Ngày ấy Kon Tum” - Đào Duy An
Văn nghệ khai Xuân - Từ Sâm
“Thơm xứ thần kinh” gửi gió thanh tao - Võ Quê
Thơm tho biết mấy, ngọt lành… - Võ Quê
“Thương quê những nỗi niềm” - Võ Quê
Gặp gỡ trên đường dài mộng mị - Trần Trung Sáng
Tập truyện Bên Đời của Trần Thế Phong - Hoài Niệm Quê Hương. - Trần Yên Hòa
Biên khảo 'Marie Curie, một đời hy sinh cho khoa học' của Nguyễn Thế Tài - Thy An
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)