Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.032
123.137.660
 
Cô độc trong nhà và cuộc trò chuyện với mẹ
Nguyễn Anh Tuấn

 

 Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết. Thế là hắn đương nhiên thành đối tượng bị cách ly chính thức, bắt buộc, chịu sự quản lý nghiêm ngặt, hoàn toàn mất tự do và bắt đầu nuôi mặc cảm là con sâu lớn hóa thân Samsa của F. Kafka bị nhốt trong phòng mình! Với kinh nghiệm hàng ngày “buôn dưa lê” với đủ họ hàng, bè bạn thân sơ về chữa Covid-19 và các biến thể của chúng, vợ hắn trang bị như người phun thuốc trừ sâu công cộng mang lên cho hắn hàng đống thuốc các loại, cùng lời dặn dò người lâm bệnh như với một cậu học trò mẫu giáo khiến hắn ong hết cả tai. “Vâng, vâng ạ, biết rồi, biết rồi” – “Im! Ông không được nói gì cả, bắn hết vi trùng ra rồi”… Hắn đang vắt óc nghĩ ra thứ ngôn ngữ kịch câm (chứ không phải phim câm tức là thứ “phim điếc”) để đối phó, thì may thay, được yên ổn trong vài tiếng đồng hồ - dù sau đó bị “tra tấn” trên Zalo hình, cũng đỡ phần nào nỗi khổ nhục bởi sự lo lắng săn sóc thái quá của một kiểu “tình yêu mệt mỏi”…

 

Nhưng sống vào thời của những người “tham sống sợ chết”, hắn cũng chịu khó thực hiện khá nghiêm chỉnh các “phác đồ” dân gian trị F0 do bà xã sưu tầm xào xáo mà cái nào cũng “hiệu nghiệm” như quảng cáo - nào là xịt họng Xuyên tâm liên, dung dịch vệ sinh mũi Vesim, nước Listerine, thuốc Multivitamin, nào là viên nhộng Xuyên tâm liên,nước Natri Clorid, viên kẽm, xông lá, v.v. Khổ nhất là thỉnh thoảng bị đòi đè ra chọc mũi, hắn buộc phải thông minh đột xuất và lên giọng hệ trọng: “Này, nhỡ ra là đồ ngoáy của bọn Việt Á đang trôi nổi thì sao? Lợn lành chữa thành lợn què! Tiền mất tật mang! Với lại giờ thiên hạ bỏ kiểu đo mũi phập phù đó rồi, không chính xác nữa!” Thế là tạm thoát cái vụ chọc ngoáy. Song vụ mua máy đo nồng độ ô-xy máu mới gây ra cãi nhau. “Tôi là thằng thở như bò ấy, cần gì phải đo vớ vẩn!” – “Đừng chủ quan nhé! Anh Thơm đấy, vẫn thở bình thường, ra viện mới biết là thiếu ô-xy nặng!” Đưa ông hàng xóm - chồng của cô bạn “buôn dưa lê” hạng nặng ra thì hắn đành chịu xuống thang một lần, để minh chứng bằng thực tế cho rõ ràng!

 

Nhưng điều hắn phấp phỏng lo sợ là những cuộc cãi cọ quanh chiến sự Nga - Ukraine sẽ nổ ra trong ngôi nhà này, ngôi nhà bé nhất trong ngõ song cũng được gọi là “ngôi nhà hạnh phúc” hay “ngôi nhà tạm hạnh phúc”, hay “hạnh phúc trong giờ nhất định”. Tuy vậy, nhờ giời, cuộc cãi cọ bằng điện thoại, bằng lời la hét ném từ tầng trên xuống tầng dưới tới độ mạt sát, lăng mạ nhau bởi cái vụ thời sự nóng kia - như hắn nghe được từ bên hàng xóm - đã không xảy ra với vợ chồng hắn. Cũng bởi cô ta mệt nhoài với việc nhà, với con cái, với mẹ hắn đang nằm liệt, và cả với hắn nữa, nên chẳng còn hơi sức đâu quan tâm đến thời cuộc. Nhưng nếu cô ta mà biết được hắn đã bị ném cả một “rổ đá” từ hạ cấp bẩn thỉu nhất đến thâm thúy cay độc nhất sau khi đưa lên FB tấm hình bé gái Nga đẫm nước mắt chắp tay cầu xin người lớn đang làm chiến tranh - nghĩa là rất “trung dung” - thì nhất định cô ta sẽ nhảy dựng lên, không phải vì cô ta hay người nhà bên ngoại thuộc phe “gây chiến tranh”, “ủng hộ kẻ đầu têu chiến tranh”, mà là vì - theo “ngôn ngữ kinh điển” của cô ta: “Ông đừng dính đến chuyện phản biện gì gì hết, đi ngược lại chính thống! Con gái ông sắp thi đại học rồi đấy, ảnh hưởng tới nó, nó oán ông cả đời!”

 

Ngẫm lại, và nếu thật thà để khai báo với cô ta thì cái “phản biện” cao nhất của hắn chỉ là lên án việc phá rừng, và nói về quá khứ của một số vị Nhân văn giai phẩm là bạn hoặc đối tượng hâm mộ của bố hắn, giờ đã được an ủi hết bằng giải thưởng Nhà nước! Mới có thế mà đã xù lông nhím lên, còn nếu như cô ta đọc được “âm mưu” của hắn trong việc dạy dỗ hai con gái hắn, thì không biết chuyện động trời gì sẽ xảy ra. Hắn phải tìm cách làm ra vẻ “ngoan ngoãn” nghe lời vợ mà không trở thành kẻ dối trá - điều khiến hắn hao tâm tổn sức không ít, trước hết là vì mẹ hắn…

Hôm qua, vợ hắn cho xem lướt hình ảnh mẹ lở loét thân dưới vì nằm nhiều, và mếu máo: “Bà đau đớn lắm!” Hắn cố gắng tự kiềm chế, không muốn tình thế bi thương vốn đang đe dọa gian nhà nhỏ bị đẩy thêm lên, và thầm biết ơn vợ. Mấy hôm trước, theo sáng kiến của vợ, hắn đã thay thế các bản nhạc không lời mẹ hắn yêu thích bằng toàn bộ những lời tụng A di đà Phật theo nhạc du dương và Kinh Di Đà siêu độ trong chiếc đài cũ có gắn thẻ nhớ. “Mẹ thích lắm, mắt cứ sáng lên dù chẳng còn biết ai với ai nữa”. Ừ, nếu đấy là hình dung riêng của cô ta thì cũng tốt, và hắn có dịp tự chứng minh rằng: hắn không phải là kẻ vô vị chỉ suốt ngày đọc - viết vô bổ, mà còn làm được cái việc mang tính kỹ thuật khá tinh vi chỉ đàn ông mới làm nổi! Nhưng lối AQ này hóa ra đã hết “date”, mất hiệu nghiệm…

 

Mấy năm trước, có một đêm hắn thức trắng trông mẹ nằm viện, lúc gà gật mơ màng, hắn hồi nhớ tựa cuốn phim dài chiếu chậm cả một thời thơ ấu êm đềm, phủ trong tiếng đàn như lạc từ Thiên thai xuống trần gian của mẹ - cũng là cô giáo của mấy anh em hắn… Sực tỉnh, hắn hùi hụi tiếc rẻ. Lần này, ở chốn “biệt lập”, có thể hắn sẽ tìm lại được giấc mơ hiếm hoi ấy chăng? Nhớ chuyện mẹ từng là cô giáo dạy nhạc của hắn và mấy em hắn, hắn bỗng nhớ cái “sự kiện” khá đặc biệt trong đời học trò: hắn đã “rơi” vào một lớp cấp hai toàn con ông cháu cha loại chót đỉnh, trong khi hắn chỉ là con của một ông “Lưu Bị” - tức cán bộ lưu dung; chắc bởi mẹ là giáo viên hiền lành của trường, có anh trai là nhạc sĩ tên tuổi đã đóng góp một số bài hát cách mạng được đánh giá tốt, nên hắn mới được “đặc cách” chiếu cố vào một lớp “con cưng”, “hạt giống đỏ” của trường? Không bao giờ hắn biết được điều này. Nhưng có chuyện hắn còn nhớ rõ: trong lớp, hắn kết thân với cô con gái một ông tướng, được cô ta mời đến nhà chơi. Cô ta quý hắn, trước hết bởi hắn là con cô giáo dạy nhạc, và đó cũng là động lực của lòng dũng cảm để hắn bước vào ngôi biệt thự thâm nghiêm có cổng sắt lớn phủ hoa tigôn quanh năm đóng im ỉm, và tự tin thưởng thức những đồ ăn đãi bạn mua ở Tôn Đản mà mẹ con hắn nằm mơ cũng không thể biết tới. Hắn cũng liều mạng mời cô ta đến nhà. Cô đến thật, và bản năng trong sáng của tuổi quàng khăn đỏ đã thú thực: “Tớ rất mê tiếng đàn của cô (tức mẹ hắn). Tớ đã đề nghị bố mẹ tớ mời cô dạy thêm đàn cho tớ tại nhà… Nhưng… Bố mẹ và các cô các bác tớ bảo: Con phải có gia sư dạy thêm đàn là giảng viên học nước ngoài về, mà phải là Đảng viên cơ… Cậu đừng buồn cho tớ nhé!” Hắn chỉ thấy chạnh buồn cho thân phận mẹ con hắn, nhưng nghe nói vậy, hắn bỗng hiểu là hắn đã vô tình được bài học thấm thía về việc cần phải nghĩ tới người khác trước đã… Hắn kể cho mẹ nghe nguyện vọng đáng yêu của bạn, song không nói vế thứ hai, bà vui lắm, và tới nhờ anh trai ở Nhạc viện tìm hộ mấy giáo trình Piano nước ngoài in rô-nê-ô, chuẩn bị đón cô học trò yêu tiếng đàn của bà… Sau đó, vì sự ngây thơ, hồn nhiên, và bận bịu chuyện gia đình, bà chẳng nhớ tới chuyện này nữa, và hắn thì thoát được một lần bất đắc dĩ phải nói dối. Hắn cứ định tới một lúc nào đó, vui chuyện sẽ kể lại hết cho mẹ. Nhưng giờ thì muộn rồi…

 

Tốt nghiệp phổ thông, vào cái thời “Nhất Y nhì Dược tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua”, xét lý lịch bố chỉ là dân vẽ tranh vui “ăn theo” mấy ông Nhân văn Giai phẩm, hắn may mắn được nhét vào đại học Sư phạm. Đọc được nỗi buồn thất vọng của hắn vì thừa điểm đi học nước ngoài mà bị “bỏ qua” một cách bất công như thế, mẹ hắn đã nói với hắn những điều có sức mạnh hơn mọi lời động viên an ủi, bằng tiếng đàn và lời hát của bà từng tràn ngập tuổi thơ anh em hắn - khúc dân ca Ý “Giấc mơ triệu phú”: “Đến bao giờ em mới sang sông tìm anh/ Đến bao giờ cây mới bên sông lại xanh…” Tiếng đàn và giọng hát ấy theo các em hắn cùng mẹ về nhiều nơi sơ tán, và theo hắn lên chốn rừng xanh núi đỏ trong thân phận “giáo khổ Tây Bắc”. Những năm sống ở “Thị trấn buồn ngủ quên trong mây núi”, hai loại thư hắn mong nhất là thư cô học trò vừa bay khỏi trường cấp ba mà hắn không dạy buổi nào song nhất quyết gọi hắn là “thầy”, và thư mẹ. Tuy là ưu tiên mong mỏi thứ hai, song thư mẹ mới là thế giới bình yên, ấm áp thật sự của hắn lúc xa nhà, giữa bao khổ cực, đói khát. Tiền lương trích ra dành dụm mang về, đưa mẹ thì mẹ cầm vui vẻ, song khi hắn đi, mẹ lại dúi nguyên vẹn vào ba lô cho hắn… Chuyển vùng về Thủ đô, với tấm thân tàn tạ và đặc biệt là cái bộ tiêu hóa gần thành “phế phẩm” bởi nhiều năm ăn độn bo bo, ngô, sắn, mì đen, người chăm lo trực tiếp cho hắn chỉ có mẹ - “nội tướng” của một gia đình nhà giáo-nghệ sĩ nghèo chỉ trông vào tem phiếu cán bộ “đại trà”. May nhất là hắn được hưởng tiêu chuẩn 24kg gạo - trong khi số đông là 13kg, bởi hắn “lạc vào nghề Đào Giếng hả” (đạo diễn) như lời ông trưởng phòng Tổ chức người miền trung ở cơ quan mới - nên cũng là sự đóng góp đáng kể cho gia đình vào cái thời Giá - Lương - Tiền khủng khiếp… Những lần hắn đi làm phim xa, mẹ đã làm sẵn cho hắn những gói ruốc, thịt rang mặn không mỡ. Những lúc hắn ở nhà, mẹ thu gấp quần áo của hắn cẩn thận đến nỗi lắm khi hắn phải gào lên với mẹ đang chơi đàn ở tầng trên: “Quần đùi áo may ô của con mẹ cất đâu, mẹ?” - khiến hàng xóm cũng phì cười. Thấy hắn đổ vỡ hạnh phúc gia đình, bởi “thế là mợ nó đi Tây”, mẹ hắn buồn ra mặt, nhưng không hề than vãn với bất kỳ ai. Bà chơi đàn xong, chỉ biết ôm con mèo rồi mong các cháu nội - ngoại tới thăm. Hiểu được nỗi niềm của mẹ, nhất là khi bố hắn mất, hắn đã đồng ý lấy một cô sinh viên của hắn - sau gần hai mươi năm ly hôn sống độc thân, khi thấy mẹ và cô ấy quyến luyến nhau… Từ khi hắn có con gái đầu lòng với cô vợ hai, mẹ hắn như được uống thuốc “hồi sinh” của Trời - Phật, bà chăm cầu kinh hơn. Sớm sớm, bà chải đầu kỹ lưỡng như cô gái Hà Thành thời trước, rồi mở đàn chơi các bài sonata quen thuộc của F. Schubert, R. Schumann, W. Mozar, sau đó tập các trích đoạn mới trong các cuốn luyện hòa âm Piano do chị họ hắn - một cô giáo kiêm pianis tặng, mà bà bảo dành dạy cho cháu gái nội gần gũi nhất của bà. “Cháu gái nội gần gũi nhất của bà” ấy, hiện đang chúi mũi vào chuẩn bị thi tốt nghiệp cuối cấp PTTH và ôn thi Đại học, vừa nãy gọi điện cho hắn bảo in cho hàng đống tài liệu ôn tập, gọi zalo hình mà chỉ lấp ló nửa khuôn mặt xinh xẻo, như xấu hổ với bố; và hầu như lúc nào cũng thế, như buổi mặc áo dài trắng nữ sinh đi hội trường, chiếc áo dài mà nó rụt rè xin tiền bố mua dấu mẹ, bố giơ máy ảnh chụp thì quay ngoắt người đi, khiến hắn bực lắm… Chính bà là người hầu như duy nhất đã đưa đón nó suốt thời học mẫu giáo tư, và nổi danh là phụ huynh đưa cháu đến lớp sớm nhất và đóng học phí sớm nhất! Thỉnh thoảng nó lẻn vào phòng bà, nắn bóp cho bà vội vã, như không muốn cho ai nhìn thấy tình cảm của nó với bà - đúng là cái tuổi “nửa trẻ con nửa người lớn dở hơi” như mẹ nó vẫn trách yêu! Còn đứa em gái, bằng tuổi cô bé Nga chắp tay cầu khẩn hay cô bé Ukraine gầy gò đói ăn ôm bông lúa trước ngực trên Quảng trường Kyiv, thì tính tình thực hiếu động, thỉnh thoảng la hét như người thực thi công án Thiền thời vua Phật Trần Nhân Tông, nó cũng được bà chăm bẵm từ lúc cất tiếng khóc đầu tiên. Hôm qua, lúc mẹ và cô giúp việc lau rửa cho bà, nhìn thấy vết loét cơ thể bà, nó khóc òa không dấu diếm… Khi gọi Zalo hình cho hắn, nó thường gẩy biểu tượng “Ha Ha” hàng loạt lên, kèm tiếng cười vô tư trong trẻo như pha lê khiến hắn chợt thắt lòng nghĩ tới đôi mắt đẫm lệ của em bé Nga nọ - nguyên nhân hắn bị ném đá…

 

Đêm nay, lại một đêm cô độc giữa không gian mất ánh sáng càng trở nên chơi vơi, trống trải, hắn chợt nhớ lại tâm trạng khổ sở, hoảng loạn, đau đớn và nhục nhã của anh chàng Samsa cho tới chết cũng không hiểu vì sao bị hóa thân thành con sâu lớn đáng sợ ngay trong phòng mình; và chuỗi cười lúc nãy của con bé tựa chùm hoa đăng giúp hắn thấm thía: hắn hạnh phúc hơn Samsa gấp vạn lần, vì hắn có điều dễ thương để nhớ, chứ không phải là sự ghẻ lạnh kinh tởm của gia đình anh ta… Nhưng chùm hoa đăng đó cũng bất ngờ rọi sâu vào quá khứ buồn của hắn. Không hẳn tất cả là buồn, song cơ bản là buồn, cái buồn của kẻ “đa sự”,“khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Buồn vì chưa kịp thực hiện, và không biết bao giờ mới có thể thực hiện nổi, cái mà hắn gọi là “chương trình riêng giáo dục các con gái”, sau khi hắn bàng hoàng ngộ ra cái hệ thống giáo dục hiện tại mà các con hắn đang bị thống trị, là hệ thống giáo dục đã hư hỏng tới tận đáy, đã thối rữa tới độ không chịu nổi – như các vết lở loét của con sâu khổng lồ Samsa sau những ngày bị ông bố ném táo vào người… Một anh bạn trẻ hắn mới quen trên mạng xã hội, một thầy giáo dạy văn có lương tâm đã bị gạt bắn ra ngoài “guồng quay” chính thống của nó, từng buồn bã nói với hắn: “Anh ạ, bây giờ việc học trở thành một sự đày đọa, đó là nền giáo dục không có con người. Nó vận hành như một cỗ máy vô hồn được lập trình trước, cứ băng băng lao đi trên đường ray, và sẽ nghiền nát tất cả những gì nó đụng phải”. Hắn thốt nhiên trò chuyện thầm với anh bạn trẻ đáng kính trọng nọ: phải, cái hệ thống ấy đã tạo ra những thế hệ cười cợt, khinh miệt những người còn biết rỏ lệ xót xa căm giận trước giọt nước mắt của em bé Nga kia, thậm chí còn lạnh lùng đưa ra những bức ảnh nhà cao tầng bị tàn phá ở một thành phố Ukr. với lời bình luận ác độc: “Dân Urk. tự dàn dựng ra thôi để ăn vạ thế giới!”; cái hệ thống đã nặn ra những lũ trẻ run rẩy quỳ sụp trước thần tượng “Diva” nước ngoài, khóc thảm thiết trước sự ra đi của một người giàu có giới showbiz nội địa, song lại nhìn nỗi thương tâm và bất hạnh của đồng bào mình như nhìn người ngoài hành tinh đến; cái hệ thống đã sản sinh những đứa con trai và con dâu coi mẹ đẻ và mẹ chồng là thù địch với đủ âm mưu khốn nạn sau khi không nhờ vả gì được nữa về vật chất, như cảnh ngộ mà người chị cùng cơ quan từng khóc hết nước mắt kể với hắn…

 

Không, hắn phải quyết tâm sống, tồn tại, để tìm cách bảo vệ các con gái hắn thoát khỏi cái “guồng quay” vô cảm và bắt đầu lộ rõ sự vô lương kia, như hắn đã/ sẽ bảo vệ chúng tránh khỏi những sự du côn, đểu cáng, bất lương đang tràn ngập ngoài đời… Nhưng phải khéo léo, để khỏi bị vu là “thế lực thù địch”, còn trong gia đình không bị mang tiếng là “thằng điên khùng”… Hắn đọc, xem và giảng dạy không ít về sự cô độc trong văn chương, phim ảnh, nhưng có lẽ trong lần “biệt lập” này, hắn mới bắt đầu nghiệm ra một cách cay đắng thế nào là sự cô độc, cô độc ngay trong nhà mình, giữa những đồ vật và các giá sách quen thuộc… Vợ hắn, một trái tim vàng, hẳn thế rồi. Song cái môi trường đại học mấy năm rồi tới môi trường dân sinh bị ngộ độc ngày một nặng ngót hai chục năm qua đã không thể giúp cô ta vượt qua mọi rào cản để đi sâu vào trái tim rớm máu của hắn, để mặc hắn tự dãy rụa, chới với, vươn lên, tự vượt thoát… Nhưng biết đâu như thế lại là tốt, là cần thiết! Bởi hiểu ra nguồn gốc sự ngộ độc, có khi cô ta sẽ không còn thanh thản để giữ được sự trong lành sau những năm được sống bên mẹ hắn, được cảm hóa bằng tình thương và lòng trắc ẩn của người tựa Phật bà Quán Âm - không phải bằng lời, mà bằng sự chăm chút, nhẫn nại hy sinh cho người thân qua muôn nỗi đắng cay nhọc nhằn, bằng nỗi đồng cảm với thế nhân qua tiếng đàn và giọt lệ rỏ trên những trang tiểu thuyết giấy đen xì mà hắn mang về…

 

Người hắn có thể trò chuyện lúc này, để bộc bạch hết nỗi lo lắng, niềm hy vọng, những dự định lớn nhỏ - trong đó tiêu điểm là việc giáo dục các con gái hắn trong giai đoạn chúng cần tới sự giáo dục đó nhất, người ấy chỉ là mẹ hắn. Dù giờ đây, bà đã hoàn toàn đắm chìm trong sương mù sâu thẳm của một ký ức không hình thù, không màu sắc, nhưng trong thâm tâm, hắn vẫn tin là mẹ nghe thấy hết, hiểu được hết những gì mà từ đáy lòng người con trai cả muốn gửi gắm và mong chờ câu trả lời nơi mẹ…

 

Hà Nội, ngày thứ 20 Nga xâm lược Ukraine

 

(Tranh minh họa của Họa sĩ Phương Ngọc)

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 717
Ngày đăng: 24.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nội trú - Võ Công Liêm
Sương khói quê nhà - Võ Anh Cương
Khu vườn trồng hoa - Nguyễn Chí Kham
Về trong lá úa - Nguyễn Chí Kham
Đón xuân trên đường - Phan Tấn Uẩn
Hà Nội Penthouse - Hải Âu
Đôi bạn - Nguyễn Đại Duẫn
Giờ trước Giáng Sinh - Mỹ Ca
Đàn bướm quanh chân ngựa - Nguyễn Chí Kham
Vẫn còn hương nhãn - Đặng Chương Ngạn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)