Hồi ấy, Trần Hữu Dũng đi xe đạp sườn ngang, sáng sáng chiều chiều hay tạt qua nhà tôi trên đường Thích Quảng Ðức rủ uống cà phê luận chuyện văn chương. Ai đó nói cái đẹp cứu rỗi nhân loại, nhưng có điều chắc chắn là thơ ca cứu rỗi Dũng. Dũng từ bỏ chuyên môn kỹ sư nông nghiệp để làm thơ.
Những ngọn tháp ngủ quên trong cánh rừng trầm thuỷ
Vương quốc Phù Nam sót lại những mảnh gốm vỡ, vỏ ốc…
Ðất Óc Eo nhớ eo óc tiếng gà
Có khi nào em lên đồng múa lại khúc hoang ca?
(Tháp Mười) (*)
Một vùng quê
Trần Hữu Dũng dù có dùng dằng gì đi nữa cũng không thể thoát ra khỏi cái chất Nam Bộ đặc sệt của anh. Từ khẩu khí đến hình ảnh trong thơ anh ướt đẫm chất đồng bằng.
- Ðiên điển, điên điển vàng đến rối lòng
Bập bềnh trôi nổi theo mùa lũ đồng bằng nước trắng xoá
- Em chèo xuồng ba lá chống trời nuôi hy vọng
Vớt chùm bông quàng cổ, xuống câu hò vắt ngang cánh rừng tràm
(Thủ thỉ với bông điên điển) (*)
Trần Hữu Dũng quê ở huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, sống, trưởng thành và làm việc ở Sài Gòn nhưng trong anh vẫn giữ đậm chất dân dã ruộng đồng.
Tôi mở cánh cửa mùa màng
Chiều đồng bằng dài hun hút câu hò
Sông Cửu Long trôi trôi ngập tràn bờ bãi
- Nhớ làm sao bếp lửa réo cơm sôi
(Những cánh cửa) (*)
Thì cứ thử ngồi với anh đi. Cách ăn vận tuềnh toàng, cách nói huỵch toẹt ruột ngựa, cách uống nhiệt tình không thể không làm bạn cảm kích. Hình như tóc không hề chải, áo không hề ủi, giày không hề mang. Không ai biết đó là anh kỹ sư nông nghiệp từng một thời công tác ở Sở Nông Nghiệp TPHCM.
Từ vần điệu đến phi vần điệu
Năm 1973, tác phẩm đầu tay Thơ Trần Hữu Dũng trình làng khi anh chưa đầy 20 tuổi (Nhà Xuất bản Con Ðuông- Sài Gòn) . Sau 1975, Dũng vẫn viết đều nhưng mãi đến 1990 mới cho ra tập Dọc đường nhặt lấy nụ cười (Nhà Xuất bản Trẻ), rồi Truông gió (Nhà Xuất bản Trẻ 1992). Có lẽ tôi là một trong những người có điều kiện đọc thơ Dũng nhiều. Hồi còn làm biên tập cho tờ Văn Nghệ Sông Bé, tôi nhận khá nhiều thơ của Dũng. Anh gởi đăng báo và cả dự thi thơ Sông bé rồi đoạt giải nữa đấy.
Anh trần truồng giữa bầy sao ngơ ngác
Hồn nhiên tạo dựng thế giới riêng
Có điều gì giục giã có điều gì nghiệt ngã
Máu ứ đầy hồn sao thơ cứ xanh xao
(Nhà thơ- Truông gió)
Thơ của Dũng đi từ trực giác đến cảm xúc. Không có dấu vết của tri giác. Thơ của Dũng đi từ câu đơn nghĩa đến đa nghĩa, đi từ vần điệu đến phi vần điệu. Thơ của Dũng mãi hoài là sự tìm tòi cái mới, là sự rung cảm của sáng tạo.
Tiếng nổ giòn tách vỏ, giống tiếng khóc em mất má
Cây bông gòn xổ lòng bay trắng xoá
Chịu mùa tang
Nỗi buồn riêng, nỗi buồn quê nhà em đó
(Cây bông gòn xổ lòng) (*)
Dũng có nhiều bạn thơ. Anh trân trọng tình cảm những bạn thơ như trân trọng giá trị nhân cách của chính anh. Bạn là ta mà ta cũng là bạn. Nhiều bạn thơ cũng có thái độ trân trọng một nhân cách thơ như Dũng. Anh là một cây bút tiêu biểu của thế hệ sáng tác trưởng thành sau 1975 của TPHCM. Anh viết đều. Không câu nệ đề tài.
Ai giấu dòng sông chảy xiết trong tiếng hò đồng ruộng
Sao giọng cô tư nghe nghèn nghẹn
Mưa tí tách rơi trên bụi chuối sau hè
Tôi nhìn trộm vào đôi mắt má- âm u bầu trời lộn ngược
(Câu hò đồng ruộng) (*)
Và yêu…
Bây giờ, thơ tình của Dũng sao chứa nhiều phiền muộn, mất mát. Gã đàn ông sống hồn nhiên như cây cỏ đó một hôm nhận ra tình yêu là trái đắng. Tình yêu là vết dao đâm vào tim.
Người yêu đội nón ra đi một năm rồi
Trái tim tôi còn rỉ máu tươi
(Em có kịp đến sớm mai?) (*)
Tính cách mạnh mẽ tuôn trào như núi lửa của Dũng một chiều hôm chợt cảm thấy nhỏ nhoi cô đơn vì lẻ bạn.
Thương là thương người ấy
Ðầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều
(Thương là thương người ấy) (*)
Tôi lật hết tập Lá thông non & em trăng sương mù không tìm thấy nụ cười trong tình yêu như những ngày đầu của Dũng.
Ngồi phiêu diêu nơi quán cốc
Hát thầm bài ca tình yêu
Hoà âm hạnh phúc đầy ánh sáng
Cô gái dạo chơi kia ơi em có nhận ra.
(Lời hoa- Truông mây)
Bao năm bạn với nhau, ít khi thấy Trần Hữu Dũng bình phẩm về một hồng nhan, về một cuộc tình. Thế nhưng trong thơ anh lại là con người khác. Nếu ngoài đời anh sống hết mình bao nhiêu thì trong thơ anh cũng yêu hết mình bấy nhiêu.
Trong cuộc tình
Thật thà
Tôi yêu em trút hết lòng
Xây mãi lâu đài cát dập dì nơi biển
Công dã tràn- có mà điên
Em bỏ đi cười duyên dáng
(Thật thà) (*)
Gã đàn ông bụi bặm Nam Bộ mà anh có sao đâu ngỡ như không biết buồn ấy có lúc cũng lộ diện trái tim yếu ớt của mình.
Người đàn bà và con mèo
Ðỏng đảnh và bội bạc
Trái tim tôi đầy vết xước cào
(Tám biến tấu về con mèo) (*)
Tôi không biết là Dũng muốn an ủi ai hay là tự an ủi mình khi nói những dòng này.
Vết bỏng đầu đời tình yêu
Hỏi ai không có bao giờ?
(Vết bỏng đầu đời) (*)
Người không biết thua ai, không biết cúi đầu trước ai, không biết nhường nhịn ai cuối cùng trong tình yêu là người thua thiệt.
Thiêu rụi trí nhớ
Anh lầm lũi
Vẽ đi vẽ lại
Bức tranh tình mộng du
(Nhịp sống căng phồng) (*)
Nhưng tôi tin những bài thơ tình của Dũng sẽ bổ sung vào kho tàng thơ ca và làm rõ hơn hai chữ tình yêu.
Tháng 10-2005
(*): Trích từ tập thơ Lá thông non & em trăng sương mù của Trần Hữu Dũng, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tháng 9-2005