Nguyễn Thanh bước vào văn đàn vào những năm đầu của thập niên sáu mươi khi tôi còn ở một cõi hư vô nào đó. Với tôi, ông thuộc thuộc thế hệ tiền bối, rồi những năm gần đây tôi được tiếp cận với những bài viết của ông dưới các bút hiệu khác nhau như: Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình…và khi tôi có vinh hạnh “ngồi chung chiếu” với ông ở một sân chơi VHNT vanchuongviet.org. Thế rồi kẻ hậu bối như tôi được tiền bối kết nối qua fb nên tôi có cơ hội giao lưu với ông nhiều hơn. Vì thế tôi đã có gần đủ những tác phẩm của ông xuất bản từ 1963 đến nay.
Đọc Nguyễn Thanh tôi vô cùng cảm phục và kinh ngạc trước một cuộc đời nặng lòng với con chữ- được bộc lộ toàn diện ở nhiều lĩnh vực.Với một chặng đường dài hơn sáu thập kỷ cầm bút, Nguyễn Thanh là người đam mê nghệ thuật, tâm huyết với chữ nghĩa.
Để minh chứng cho điều đó, chúng ta hãy lần lượt khám phá từng lĩnh vực hoạt động nghệ thuật của ông. Ở lĩnh vực nào ông cũng đã để lại những thành tựu đáng ghi nhận.
Trước tiên hãy nói về vai trò nhà giáo:
Ông đam mê chữ nghĩa. Đậu tú tài toàn phần kép: Toán và Văn chương- Sinh ngữ, Cử nhân Văn khoa và đã qua ban Cao học văn chương (năm III) Tại đại học văn khoa Sài Gòn (1975) ông học tốt nhiều môn nên ông đã trở thành giáo viên chính thức dạy các môn: văn học, ngoại ngữ và mỹ thuật ở một số trường trong đó ngôi trường nổi tiếng của vùng đất Tây Đô như Trường THPT Phan Thanh Giản. ( Theo thông tin bìa 2 tập truyện và ký của Nguyễn Thanh: Người Vợ Hai Lần Cưới- Nxb Văn hóa văn nghệ quí 1/2011).Được học hành, được đào tạo toàn diện là may mắn của ông nhưng phải có sự nổ lực của bản thân rất lớn. Đặc biệt khi ông hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dĩ nhiên phải có ít nhiều năng khiếu trời cho cùng với đam mê cháy bỏng. Tôi nghĩ rằng: dạy tốt được một môn là đã quý rồi, mà ông dạy từng ấy môn quả là đáng nể. Tất nhiên khi được phân công môn này môn khác tùy nhu cầu của đơn vị giáo dục. Chính vì lẽ đó mà ngoài nhà giáo ra ông còn kiêm rất nhiều “nhà” khác: Có thể gọi ông nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật …đều đúng cả. Ông có duyên với thơ từ rất sớm, từ khi mới là cậu bé
12 tuổi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) Nguyễn Thanh đã làm thành thạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Làm thơ tức cảnh trong một buổi học văn, bên ngoài trời mưa tầm tả:
MƯA RƠI
Lạnh lẽo ngàn cây gió giật giờ
Đì đùng sấm nổ dạ buồn mơ
Chim non run rẫy lòng tê tái
Hoa muộn rã rời cành xác xơ
Dăm khách lữ hành lê bước nặng
Phương trời chiến sĩ nhớ con thơ
Vì ai bao kẻ dầm mưa bụi
Chống nước, xây đê giữ cõi bờ.
Bài thơ của ông được thầy giáo khen. Đó là niềm vui đầu khuyến khích ông đến với niềm yêu thích văn chương. Khi lên thành phố trọ học, chàng sinh viên có điều kiện mở rộng tầm mắt, sáng tác nhiều hơn hồn thơ của ông có dịp trải lòng lai láng hơn:
Thành phố lên xuân cả bốn mùa
Mai đào không đợi sắc hoa phô
Lưng trời chưa có bầy chim én
Xuân cũng theo về năm ngón thơ
(Ra tỉnh học làm thơ- Ngũ Lang)
Chúng ta thử đến với thể thơ năm chữ của ông qua một vài khổ thơ trong bài: Bao Giờ Anh Trở Lại.
Khuya nay anh đi rồi
Bao giờ anh trở lại
Ngậm ngùi buổi chia phôi
Trái tình chưa kịp hái
…
Phút bên nhau ngắn ngủi
Hãy rót cạn tâm tình
Ly cà phê đã lạnh
Đừng để em một mình
…
Hãy hôn nhau lần cuối
Say đắm như lần đầu
Cho xác thân ngây dại
Và tình thắm muôn thu.
Và khi ông trải lòng với thể thơ bảy chữ với những câu thơ. Trong mạch tâm sự có chân dung tự họa của Nguyễn Thanh hiện ra là nhà thơ đa cảm, lãng mạn có tâm hồn nghệ sĩ thực thụ và là họa sĩ và cả nhạc sĩ nữa:
Ta đã yêu từ tóc chớm xanh
Đêm đêm thức trắng chép thơ tình
Đón hương góp gió muôn phương lại
Mà suốt đời ta vẫn độc hành!
Mộng lẻ một mình ta với ta
Nửa khuya tàn mộng lệ chan hòa
Bao giờ tìm được người tri kỷ
Như Tử Kỳ xưa gặp Bá Nha
Cầm cọ pha sơn để quét dầu
Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu
Thuốc tàn rượu cạn cà phê hết
Nét vẽ chưa lên màu nhạt màu
Tiếng dế râm ra trỗi nhạc vườn
Mê hồn nghệ sĩ đắm say hương
Ôm đàn mong phổ bài ca dịu
Cung thứ tê lòng ngập nốt thương
…
Đời gió mưa từ thuở tóc xanh
Chông chênh như một dấu than mành
Người thương xa vắng ghe sao vắng
Nên suốt đời ta mãi độc hành!
Điểm qua một số thành quả mà ông gặt hái được trong hơn 60 năm cầm bút: Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm văn chương gồm: Thơ, truyện ngắn, truyện ký, cảm nhận văn chương, dịch thuật và cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí.
Về dịch thuật: Ông đã dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới dầu thế kỷ 20 như: Thái Can, Hồ Dzếnh Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… chuyển ngữ sang tiếng Anh, Tiếng Pháp và ngược lại ông chuyển ngữ từ thơ của các nhà thơ nổi tiếng ở nươc ngoài sang tiếng Việt như thơ của William Shakespeare, Robert Louis Stevenson, Lord Byron, John Milton, Henry wadsworth Longfellow…trong tác phẩm Love poems Translated by Nguyen Thanh. Đặc biệt tập thơ Đời và Thơ của BS Huỳnh Bá Thành được ông chuyển ngữ: Việt_ Anh- Hoa – Pháp, NXb hội nhà văn quí 1/ 2021.
Ở lĩnh vực âm nhạc ông sáng tác được nhiều ca khúc.Các nhạc phẩm của ông đã được xuất bản. Đó là tập ca khúc Thương Hoài với 34 nhạc phẩm (Nxb âm nhạc, quí III/ 2013). Trong đó có các bài như: “Lắng động tâm tư”, “Sau Lời Thơ Giã biệt”… là giai điệu buồn chứa đựng nỗi ưu tư, khắc khoải gửi gắm niềm tâm sự riêng mang. Nhìn chung nhạc của ông ca từ đẹp, giai điệu nhẹ nhàng,tha thiết chậm rãi khi mãnh liệt hào hùng, lúc sôi nổi vui tươi… mang âm hưởng miền Tây Nam Bộ, đậm nét liêu trai, lãng đãng thơ mộng của xứ Tây Đô. Những nhạc phẩm, hay những bức tranh của Nguyễn Thanh lúc này lúc khác, làm tái hiện cả một khung trời kỷ niệm, cho những tình yêu đôi lứa, hướng đến niềm hi vọng hạnh phúc tươi xanh. Bầu trời Tây Đô quê anh xanh trong, làn gió nhè nhẹ, những phiên chợ nổi, đủ màu sắc cây trái …tất cả, không gian đời thực đẹp đi vào thơ, nhạc họa của Nguyễn Thanh một cách ấn tượng. Về hội họa ông đã vẽ nhiều bức tranh được công chúng yêu thích hội họa đón nhận.
Về thể loại phê bình, ông có bài đăng trong Kiến Thức ngày nay số 1108: Tựa đề: Thế Nao Là Bài Thơ Hay? Tôi tâm đắc với những kiến văn của ông khi đưa ra những nhận định rất có sức thuyết phục: “ Bài thơ ( thi phẩm) là chủng loại nghệ thuật mang tính cảm xúc và trí tuệ đỉnh cao, xếp hàng đầu trong các bộ môn nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn chương thi ca là mô hình ngôn ngữ được nhiều người thích nhưng hiểu và quan niệm về thơ thì mỗi người không giống nhau”…
“Bài thơ hay dù chưa thực sự là tuyệt bút được quan niệm phải đáp ứng những yếu tố cơ bản về chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Với người cầm bút ngoài đam mê bẩm sinh, kiến thức văn hóa tích lũy từ kiến thức kinh điển học hỏi ở trường lớp và nhiên liệu sống thực từ cuộc đời kèm theo ít nhiều tài năng trời cho. Người viết thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết giàu tính hư cấu, rất cần óc tưởng tưởng nhạy bén và vốn sống phong phú vì sáng tác là: “ Đi tìm cái đẹp trong tự nhiên”.
Những vần thơ hay như những sợ tơ vàng hay những viên kim cương trí tuệ được tinh kết trong một trạng thái xuất thần thật đồng bóng như được thần linh mặc khải cho người làm thơ. Đó là mạch cảm xúc dạt dào, nguồn cảm hứng chỉ xuất hiện nhất thời trong khoảnh khắc hiếm hoi nhất định mà không thường xuyên. Do vậy thơ hay không phải lúc nào cũng làm được dù là một thánh thi” (Tạp chí KTNN số 1108 trang 8, 9 và trang108) phát hành ngày 20/5/2021.
Ông cũng đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, truyện ký.
Truyện ngắn giàu tính hiện thực, theo khuynh hướng tả chân. Người ta nói “văn là người” quả không sai
Trong truyện ngắn và ký, với giọng văn giản dị chân thành và dễ hiểu, nghĩ sao nói vậy. Ông đã hóa thân vào nhân vật. Và người đọc nhận ra một Nguyễn Thanh: Ham học từ nhỏ, sau mê với chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa… tính tình thẳng thắn, trọng nhân nghĩa, đậm đà tình cảm với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò…Đọc văn truyện của ông ghi dấu nhiều kỷ niệm với người thân, họ hàng, làng quê yêu dấu, với bạn bè văn nghệ sĩ…
Và đó là thầy giáo Nguyễn Tấn Thành yêu nghề, tận tụy với nghề. Một Nguyễn Thanh là tín đồ của văn chương, nặng lòng con chữ, say mê với văn học nghệ thuật khi ông truyền tải cái hay cái đẹp, khơi dậy niềm yêu thích văn chương đến với học trò. Một Nguyễn Thanh với cuộc đời từng trải, chịu không ít gian truân, vất vả nhưng tinh thần mạnh mẽ, cầu tiến, nhiệt tâm, sống có trách nhiệm trong công tác chuyên môn và cả trong nghiên cứu, sáng tác.
Bạn đọc nhấn vào đây để hiểu thêm về Nguyễn Thanh qua tiểu sử văn học của ông.
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=98
Sài Gòn, ngày 17/12/2021