Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
785
123.196.642
 
Trong đám mây có một vầng trăng
Từ Sâm

 

“Một nửa vầng trăng không còn sáng trong ta
một nửa tình em ra đi cùng ngày tháng
sao ngày xưa trăng tròn làm chi..”

 

Trong “không gian” khác nhau, cảm giác “ăn” cũng khác nhau. Đọc thơ như “cảm” món ăn vậy, có lúc, “cái ngon” của chữ lặng lẽ “chồm ra” đối thoại với chính mình...

 

Khi đọc lại “Những bông hoa trên cát” - 1979, “Gửi những ngọn sóng”-1986 và ”Thế giới bàn tay trái”-1990 vv…của anh (nhà thơ Hoàng Vũ Thuật) để tìm (thấy) “không gian” những bài thơ ra đời. Biết cây lúa đã qua mùa nước lũ hay mùa hạn khô, ta có cảm giác khác nhau khi “cầm”  bát cơm  của người làm ra nó…       

 

Đọc “Sao ngày xưa trăng tròn làm chi” in trong tập “Đám mây lơ lửng-2000” có tứ thơ lạ, ngỡ anh mới viết, nhưng anh đã viết cách đây 25 năm.

 

Trong tập này, theo thiển ý của tôi, anh dành cho tình yêu, hoặc tình yêu lúc ẩn nấp, lúc thấp thoáng trong “trăng” nhiều hơn các tập khác. Trăng lúc ghé vào, lúc nằm lại trong các bài “Vầng trăng hiền thục”, “Gửi trái tim”, “Trái tim ngốc nghếch”, “Sao ngày xưa trăng tròn làm chi”, “Những bài thơ anh viết”.

 

Đó là những bài tôi yêu thích.

 

Khi Hoàng Vũ Thuật bẻ đôi chiếc nạng trên “lối đi cũ”, sau cơn đau trộn lẫn thể xác tinh thần để nhập vào “Đám mây lơ lửng”. Và, thơ anh cũng thể ...

 

Vài lời không đủ chuyển tải nội dung đề cập, lấy một vài ví dụ để dẫn.

 

Tiếng “Cu gù trưa nay Hà Nội” là một bài thơ hay theo lối viết “truyền thống” (anh viết từ thập kỷ 80 thế kỷ trước). Ta nghe tiếng cu gù đọng lại từ bắp sữa ngô non, nghe tiếng lốc cốc mõ trâu rụng xuống chiều quê. Hoặc trong bài “Làng”, nhà thơ dẫn đi từ con đường nhỏ vào con đường lớn, có nếp nhà xưa ngơ ngác trước nếp nhà mới mọc lên như đứa trẻ ngỡ ngàng lần đầu ra phố. Tôi yêu “không gian” ngơ ngác ấy của anh.

 

Nhưng đến bài “Sao ngày xưa trăng tròn làm chi”, mạch cảm xúc đã chuyển vào nội tâm, lời thơ thoát

khỏi “cảnh thực” bên ngoài. Câu thơ như tình yêu say giấc, như khói đồng ấm áp mùa đông. Câu thơ bay lên bằng “đôi cánh thiên thần” và đậu xuống trong tiếng chuông nhà thờ dịu nhẹ. Ta nghe nhịp đập trái tim thổn thức.

 

Tiếng chuông ngày xưa chưa tắt thì tiếng chuông nguyện cầu cho câu thơ kiếp sau đã ngân lên…

 

Tôi thích sự lắng sâu “Hoàng Vũ Thuật”. Lời thơ phảng phất như nỗi buồn day dứt, như người bạn lặng lẽ kề bên mà người đọc (như tôi) “chập chững” nhận ra “không gian” của nó.

 

“ta cày xới giữa đêm trường thăm thẳm

câu thơ như quả dại rừng sâu
như mái chèo bỏ sông đi biền biệt
như dòng chữ vẹo xiêu vật vã cơn đau”

 

Tôi tự hỏi “Sao ngày xưa trăng tròn làm chi” không nói về sự chia xa tình yêu lứa đôi trong nuối tiếc mà nói về người làm thơ với nàng “Thơ”. Nàng “Thơ” với mối tình “xưa cũ”, câu thơ “cũ” mà nhà thơ phải “dứt tình” chia tay. Đó là nửa vầng trăng còn lại hay một nửa tình em.

 

Câu thơ hiện ra gương mặt hay một vầng “trăng” không bao giờ khuất…

 

Khi thấu nỗi đau và sự cô đơn của người “nhả chữ”,

tôi càng hiểu thêm khi anh viết về quan niệm thơ của mình, “thơ - vân động hay đứng yên”.

 

Xin trích dẫn bài thơ mà tôi yêu thích, được đề cập trong nhận định nói trên

 

SAO NGÀY XƯA TRĂNG TRÒN LÀM CHI

 

Hoàng Vũ Thuật

 

Một nửa vầng trăng không còn sáng trong ta
một nửa tình em ra đi cùng ngày tháng
sao ngày xưa trăng tròn làm chi

sao ngày xưa em nói cuộc đời này dài lắm
ta hằng tin dù đời có ngắn
tình như nước chảy đến ngàn sau

 

câu thơ mang bóng dáng thiên thần
hạ cánh xuống cõi trần muôn kiếp trước
và vầng trăng chứng nhân duy nhất
ánh sáng thiêng liêng rọi hết mọi nẻo đường
câu thơ hiện ra gương mặt em
một vầng trăng không bao giờ khuất

 

ta quay về bờ sông xưa con đường xưa
dòng sông con đường dài hơn ngày trước
tiếng chuông nhà thờ ngày xưa chưa tắt
tiếng chuông nguyện cầu câu thơ kiếp sau

ngày xưa trăng tròn canh thâu
em vẫn nói cùng ta cuộc đời này dài lắm

 

ta cày xới giữa đêm trường thăm thẳm
câu thơ như quả dại rừng sâu

như mái chèo bỏ sông đi biền biệt
như dòng chữ vẹo xiêu vật vã cơn đau
ta vẫn hằng tin đời dù gang tấc
tình như nước chảy đến ngàn sau

 

bây giờ gió thổi ngược tàu cau
bây giờ mưa bay về trời mưa không rơi xuống núi
một nửa vầng trăng cánh diều đứt dây
còn một nửa tan ra từng mảnh

sao ngày xưa trăng tròn làm chi
sao ngày xưa em nói cùng ta cuộc đời này dài lắm?

 

In trong tập “Đám mây lơ lửng – NXB HNV 2000”

 

 

Từ Sâm
Số lần đọc: 645
Ngày đăng: 08.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ và thủ pháp nghệ thuật “Lạ hóa” - Yến Nhi
Nguyễn Thanh – một con người tài hoa ở nhiều lĩnh vực - Hoàng Thị Bích Hà
Thái Hạo, tiếng nói mới, vang rền - Nguyễn Đức Tùng
Thơ tình bên sông của Hoài Quang: nỗi đau xé lòng - La Thụy
Dưới bóng Thiền - Phan Văn Thạnh
Bài thơ “Phiên chợ dào san” của Trương Hữu Thiêm - Đặng Xuân Xuyến
Cảm xúc cành củi mục, thơ Xuân Ly Băng - La Thụy
Đọc hai bài thơ hay “La vang đất mẹ” của Xuân Ly Băng và “tha la xóm đạo” của Vũ Anh Khanh - La Thụy
Nguyễn Hưng Quốc, gây sự với hư không - Nguyễn Đức Tùng
Linh hồn xứ sở trong Mưa rửa bùn - Bùi Thị Diệu
Cùng một tác giả
Luyến (thơ)
Làng (thơ)
Khuyết (thơ)
Ảo (thơ)
Nợ em (thơ)
Tôi (thơ)
Sắn (thơ)
Ghép (thơ)
Chị (thơ)
(thơ)
Thằng Tít-rằn (truyện ngắn)
Gánh (thơ)
Nụ hôn trầm tích (truyện ngắn)
Cổ phần đêm 30 (truyện ngắn)
Gửi trái tim (tiểu luận)
Văn nghệ khai Xuân (điểm sách)
Mùi của bếp (tạp văn)
Mùi của bếp (phê bình)