Tròn 33 tuổi Lý Hữu Lương đã xuất bản 4 đầu sách. “YAO” là tập thơ thứ ba và là tác phẩm thứ 4 của anh. Sinh năm 1988 tại Yên Bái, Lý Hữu Lương là con em dân tộc Dao. Tốt nghiệp Trường Đại học Chính trị Bộ Quốc phòng, tức Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh (theo cách gọi thân mật của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà báo trong Quân đội từng học ở mái trường này), anh là người lính Quân khu 2, vùng phên dậu của Tổ quốc. Vừa công tác vừa đam mê sáng tạo, Lý Hữu Lương trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2014 đến nay, anh là Biên tập viên Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Thiển nghĩ, với cây bút nhà nghề như Lý Hữu Lương, không hiếm câu tứ mượt mà. Song trong “YAO”, anh đã sử dụng ngôn ngữ hết sức mộc mạc, nhiều phương ngữ, thổ ngữ, cho ta thấy tâm hồn anh thấm đẫm tình yêu cội nguồn. Tên tập thơ là ấn tượng đầu tiên. Theo anh, “YAO” mượn âm tiếng Hán, ý nói dân tộc Dao của anh. Thì ra, xuất phát từ tình yêu tộc người và xứ sở, người lính ấy đã hụp lặn trong đời sống và kho tàng văn hóa người Dao, khai thác chất liệu cho tập thơ này.
Ta nghe anh tâm sự về làng Dao của mình: Chúng tôi đi đâu cũng mang khuôn mặt của làng/ Gọi sớm chiều bình yên xênh xao đầu núi/ Sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa/ Chúng tôi đo đời mình bằng tiếng chuột rúc/ Chúng tôi được dạy cách đi xa/ Cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng/ Chảy từ ngàn năm thiên di/ Trong huyết quản những đôi chân phạt lối. Có thể nói, chuột là con vật “sống chung” với nhà nông. Người Dao tin rằng, tiếng chuột rúc như báo trước sự may mắn: Chúng tôi đo đời mình bằng tiếng chuột rúc, câu thơ đầy ám gợi. Qua những cuộc thiên di, người Dao tự mình tạo lấy đường đi, biết cách sống cùng mặc khải, khai mở những điều thiêng liêng, thâm u, tĩnh lặng của núi rừng. Yêu Dao tộc, anh luôn biết ơn người mở lối và hứa với tiền nhân: Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi/ Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm/ Ngực nóng từng lần thơm trước gió/ Mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi (Khuôn mặt làng).
Một nghi lễ quan trọng với đàn ông là lễ cấp sắc, còn gọi lễ đặt tên, ban tên. Người Dao quan niệm, người đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để biết điều phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương. Lễ cấp sắc, do vậy đã trở thành một tập tục, làm phong phú đời sống tinh thần của người Dao. Giúp họ nhận thức về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm trước gia đình và xã hội, biết vượt qua khó khăn, hướng tới ngày mai tốt đẹp. Bày tỏ tình yêu với mỹ tục này, nhà thơ viết: Gọi nhau về trong lễ ban tên/ Người cho ta sinh thêm một lần nữa… (Cấp sắc).
Chái bếp, nơi ghi dấu những kỷ niệm khó quên trong ký ức mỗi người. Khi khói chiều bảng lảng trên mái cọ, mái gianh, nền trời phơn phớt mầu lam làm lòng ta ấm lại. Nơi ấy cha thường gác quả bầu khô làm ống nỏ, mẹ treo ngô bắp, treo thịt rừng phơi khô để dành. Chái bếp còn là không gian duy trì ngọn lửa tình cảm, hơi ấm gia đình trong mỗi cuộc đời. Nhà thơ không lưu luyến, không yêu thương làm sao được: Chái bếp vườn nhà cha gọi tên/ Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái…/ Tiếng ngô giòn tiếng mẹ giòn hơn/ Cho tôi về chái bếp nhà tôi (Chái bếp).
Tìm hiểu quá trình hòa nhập của người Dao, ta thường nghe nói về các bức thư viết theo thể văn vần, còn gọi là “Tín ca” và “Tín ca thiên di”. Nhà thơ viết: Lũ chúng tôi dại khờ/ Lũ chúng tôi hiền từ/ Lấy cỏ cây làm linh vật/ Thờ tổ tiên để mà nhớ/ Cố thổ nằm nơi đâu/ …Mỗi khi hơ tay lên bếp lửa/ Thấy trước mặt là cố hương. Phải chăng, ngọn lửa tình yêu Dao tộc cháy lên trong anh, những khát khao am tường lịch sử thiên di. Kết nối các“Tín ca” ấy, tình yêu cố hương, sự tri ân tiền nhân dồn nén trong anh, bật lên những xung lực tinh thần: Dao thắt lưng hồn muôn trùng/ Đi. Đi thôi. Ngựa hí rồi (Bài ca thiên di).
Đã một thời, thiên di là cách để người Dao tồn tại, vượt bao sông suối, núi rừng hiểm trở. Bao người bỏ mình vì đói khát và bệnh tật, đó là những ký ức còn phủ màu sương khói: Vạn thước đất dưới chân bươn bải/ Vạn mảnh nương mà đói cạn mùa trăng/ Nước mắt rơi đầy ngày thiên di truyền thuyết. Song, dù đi nơi đâu, thứ mà họ mang theo, ngoài những đồ vật để thờ tiên tổ là phong tục, lễ nghi, nghề nghiệp và trang phục... Nhà thơ bày tỏ: Anh hãy nghe máng nước đổ bên hiên/ Sớm mai em gái gọi đi hái bông đỏ/ Đem về khâu thành bông nhỏ khăn tay/ Đội trăm năm lam chướng cõi này (Lam chướng). Người Dao trồng bông trên núi để xe sợi, dệt vải và tìm lá cây để nhuộm màu. Do quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, no đủ và may mắn, nên trang phục của người Dao chủ yếu là màu đỏ. Bằng sự tinh tế, với những nét riêng không thể lẫn vào đâu, người Dao có thể vượt qua mọi trở ngại nơi “sơn lam chướng khí”, xây dựng cuộc đời. Không đắm đuối cùng bản thổ, nhà thơ không thể viết lên những câu thơ vừa day dứt vừa da diết như vậy.
Không cam chịu sự đè nén của phong kiến phương Bắc, người Dao phải thiên di qua hàng thế kỷ. Chỉ có ý chí chinh phục và tình yêu thương đã giúp họ xoa dịu nỗi đau thân phận của tộc người, đoàn kết vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tình yêu thương ấy được nhà thơ bày tỏ: Người Dao mình…/ Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay/ Ăn trăm năm bồ hóng trên vách/ …Không biết giận cái nhỏ/ Không tham nghĩ cái lớn/ Thương sức mình núi chật/ Mà nghĩa tình thủy chung/ Người Dao mình/ Bằng đầu gối bò trên đá/ Bằng cái đầu đi trên núi/…Mài cho sắc rựa rìu mở lối/ Mấy trăm năm/ Người Dao mình/ Những hồn đựng quả bầu khô trên vai/ Lầm lũi dáng người/ Trôi trôi như lá vàng mái tóc (Người Dao). Sức mạnh tình yêu thương của tác giả lan tỏa trong thơ, càng khẳng định ý chí ấy của tộc người, cần được nâng niu, trân trọng: Bằng đầu gối bò trên đá/ Bằng cái đầu đi trên núi/…Mài cho sắc rựa rìu mở lối…
Người Dao tự gọi mình là Kìm Miền, Kìm Mùn tức người rừng, là con cháu của Bản Hồ (Bàn Vương), một nhân vật huyền thoại rất thiêng liêng, qua đó họ muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là tiếng lòng thao thiết của nhà thơ: Bằng giọng kể từ mấy trăm năm trước/ Như tự thuở Bàn Hồ cắp đầu giặc về dâng/…Người rừng/ Những nấm mồ tan vào bụi lau rừng nứa/ Cuộc đồng sàng dị biệt của đất và đá/… Trong tiềm thức của chúng tôi là những lời ca páo dung…/ Người rừng/ Trở mình trước mê sảng hoàng hôn (Người rừng). Người Dao về với tổ tiên là về với núi rừng. Rẫy nương, hốc đá cũng là nơi thổ canh của họ. Khoảng cách âm dương không hề cách trở, và trong cuộc đồng sàng dị biệt của đất và đá ấy, đọng lại trong tiềm thức những câu hát páo dung giản dị, khẳng định sức sống khi người rừng/ trở mình trước mê sảng hoàng hôn. Lời ca páo dung, người rừng đã ru bao giấc ngủ của ngàn xưa nhưng hôm nay, nhà thơ bùi ngùi: Những đứa trẻ chết vì xì ke/ Những đứa trẻ chết vì xe cộ/ Những đứa trẻ chết không già/ Những ông già áo vải/ Những bà già áo nâu/ Mồm nhai trầu và quệt lên cay đắng/ Trong những hốc mắt sâu…
Trước khi rời cố quốc, người Dao đã đứng lên chống lại sự đàn áp của phong kiến phương bắc. Đến Việt Nam dù đường biển hay đường bộ, khi ngược về các châu phủ miền núi, theo tập quán, người Dao lập làng ven suối: Viết cho dân tộc tôi/ Những phận người cỏ dại/ Cho những kim miền/ Chao cõi ngày buồn như mặt đá. Qua hàng thế kỷ, niềm tự hào và tình yêu dân tộc thấm sâu trong mỗi làng bản, trong tâm hồn mỗi người Dao. Tôi tìm một dấu chân/ Tôi thấy một vòng hoa/ Tôi tìm một dấu chân/ Tôi thấy một thiên di/… Thở để mây trôi/ Cười để buồn đi hết/ Tên ta trong bụi lau/ Hồn ta nơi vạt mía/ Cố hương chỗ ta nằm. Và đó cũng chính là điều mà nhà thơ dụng công trong tác phẩm: Dân tộc tôi đi/ Trên những con đường rừng/ Có màu lá/ Màu mây/ Màu nước mắt/ Và máu (Viết cho dân tộc tôi).
Mỗi ngày lớn lên, ta mang ân huệ với mẹ cha, làng xóm, cao hơn là ông bà tổ tiên, khai sơn lập quốc. Viết cho mỗi ngày tôi lớn lên cũng là cách biểu đạt tình yêu, sự tri ân, là chiều sâu giá trị văn hóa của người con Dao tộc. Tự hào kế thừa những tinh hoa văn hóa và ý thức cội nguồn, nhà thơ gửi gắm: Tôi viết cho mỗi ngày tôi lớn lên/ Trên mảnh đất này/ cằn khô gót ông bà/… Tôi viết cho mỗi ngày tôi lớn lên/…Ký ức là những chuyến thuyền/ Vượt biển/ Băng rừng/ …Tôi viết cho ngày tôi lớn lên/ Để mình thuộc những vốn xưa còn sót/… Để góp một lời thương với xót/ Những phận người núi thẳm rừng thiêng (Ngày tôi lớn lên).
Như trên, páo dung là điệu hát mang chứa giá trị văn hóa của người Dao. Hãy nghe nhà thơ phô diễn tình yêu của mình: Đuôi mắt/ cong lá ngô non/ Cứa vào ai mà sắc lẹm/ Páo dung em hát mấy câu rồi/ Ơi à/ bên đồi này con trai/ Ơi à/ bên đồi này con gái/ chúng nói thương nhau/ tay kéo vào thung/ tiếng cười cứ dài theo mó nước/ Ơi à/ hoa quế nhà ai treo cửa/ để thơm/ thơm mấy lối về. Quế là loại cây gắn bó lâu đời, được ví là “linh hồn” của người Dao, là thứ “vàng xanh” mà bố mẹ hồi môn cho con khi thành gia thất. Nói đến quế là nói đến một đời sống sung túc, ấm no hạnh phúc: hoa quế nhà ai treo cửa/ để thơm/ thơm mấy lối về (Páo dung em hát mấy câu rồi). Ở một thi phẩm khác, tác giả còn cho ta biết: Khúc páo dung mẹ gửi cho ta/ Không có lời kẻ vong quốc (Thượng cổ).
Và đây, về làng/ ngang những cung đường gồ ghề sống trâu/ gặp ruộng bậc thang ngày ngày mẹ gieo hạt/ Mỗi sáng em tôi chân trần lên lớp/ Hoa tam giác mạch nở ngăn ngắt tím. Về làng, tác giả cảm nhận quê hương mình qua bức tranh tương phản: Một bên là những cung đường gồ ghề sống trâu/ gặp ruộng bậc thang ngày ngày mẹ gieo hạt. Và kia, em tôi chân trần lên lớp/ hoa tam giác mạch nở ngăn ngắt tím. Câu thơ gợi cho ta nhiều suy nghĩ, dẫu biết phong tục đi chân trần của người Việt đã lưu truyền khá lâu, nhưng mỗi sáng em tôi chân trần lên lớp, có gì đó làm ta khó cầm lòng… Tam giác mạch là loài hoa mỏng manh nhưng phong sương, khoe sắc giữa bạt ngàn núi đá, tượng trưng cho sức sống của kim miền. Tuy nhiên, chúng ta nói quá nhiều/ chúng ta làm quá ít/ chúng ta học rất nhiều/ chúng ta lần lượt ra đi. Thói quen “nói nhiều làm ít”, người có học “lần lượt ra đi”, rũ quê mình như manh áo rách/ không ai dám mặc nơi phố thị (Chân trần). Không đau đáu với xứ sở, với tộc người, làm sao tác giả có thể viết lên những câu thơ đầy trở trăn như vậy!
Tiếng nói là linh hồn của đời sống, là nét văn hóa của một dân tộc. Tình yêu tộc người không thể thiếu tiếng nói của dân tộc đó. Nhà thơ không chỉ dành cho ngôn ngữ Dao một tình yêu đơn điệu, anh biết phải làm gì để khám phá, bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói của dân tộc mình: Dân tộc tôi/ Người khôn rảnh lời/ Dẫu có khổ thì thịt da đen cháy/ Bằng tiếng nói/ Giữ hồn cốt tổ tông mình/ Cha mẹ nuôi con mọc răng/ Ru bằng páo dung/ Truyền cho con tiếng nói/ Bằng cột, vì kèo dựng lên mái/ Bằng tiếng dân tộc mình/ Đi trăm phương còn giữ gốc/ Tiếng nói dân tộc mình/ Những lớp/ Những hoa/ Nở dầy/ Miếng trầm trong thân dó! (Tiếng nói dân tộc tôi). Thực tế, không phải cây dó nào cũng cho trầm. Từ những tác động gây tổn thương nào đó, cây dó huy động kháng thể để đối phó. Quá trình xung năng của “cuộc chiến bảo vệ” ấy, đã tạo ra khối trầm trong thân dó. Và khi đã hình thành, miếng trầm tự biết phải làm gì có ích cho đời: Tiếng nói dân tộc mình/ Những lớp/ Những hoa/ Nở dầy/ Miếng trầm trong thân dó! Tới đây, giọng điệu tình yêu thổ ngữ trong anh hào sảng lắm thay!
Những cung bậc trong YAO, không thể thiếu tình yêu cha mẹ: Tôi mơ giấc trở về/ Giữa làng tôi/ Ôm lấy mẹ tôi và hát/ Mặc ngoài trời mưa tuôn/ Núi trầm buồn mây phủ/ Tôi mơ hạt giống của trời/ Đầy no từng giấc ngủ…/ Hai núi hai vai/ Mây trắng huy hoàng. Là người con bản Dao mặc áo lính, cô đúc trong anh là tình yêu Tổ quốc, làng quê, tộc người... Trái tim anh còn nóng rãy tình yêu thương, tôn kính mẹ cha. Không chỉ mơ giấc trở về/… Ôm lấy mẹ tôi và hát. Ta còn thấy rõ hơn khi bài thơ vào kết: Hai núi hai vai/ Mây trắng huy hoàng (Giấc mơ).
Chứng kiến chuỗi tình yêu và tâm sự của anh: Người làng không biết ta là nhà thơ. Đơn giản, danh xưng không có trong từ điển tộc người. Mà, trời cho ta làm thơ, để ta lấy lân tinh của đêm làm ánh sáng/ vẽ sương bãi thành sóng rợm chân trời/ Trời cho ta làm thơ/ vỗ về những người tuổi trẻ/ mang ơn những người tuổi già/…bài thơ này để lạy tạ tổ tiên/ bài thơ này để lạy tạ mẹ ta/ bài thơ cho những người vừa đi vừa lau nước mắt/ những người đi xa khỏi cõi linh hồn (Phả hệ).
Với ngôi nhà thân yêu, cả năm khổ thơ đều mở đầu bằng câu: “Qua một con dốc nữa sẽ đến nhà tôi”. Trìu mến đến lạ! Mỗi lần qua một con dốc, lòng mênh mang tâm trạng. Nhưng rồi, cũng từ tình yêu ấy, anh quả quyết thú nhận: Ta bú mớm nên một đời khờ dại/ Lòng không ra khỏi cái thung nghèo (Nhà tôi). Thế đó, con người phải vượt thoát, phải dấn thân nhưng “cái lòng” thì vẫn gắn bó, đeo đẳng anh, người con của làng.
Thơ Lý Hữu Lương giàu hình tượng, giúp ta đam mê lật mở truyền thuyết và thực tại đời sống người Dao. Để, từ tình yêu Dao tộc, cho ta những khao khát khám phá tới những tộc người khác trong đại gia đình Việt. Đọc và hiểu thơ anh không dễ, bởi phong thái rắn rỏi, giàu chất liệu vùng cao, nhất là về đời sống tộc người, thổ ngữ, phong tục, sinh hoạt văn hóa và canh tác… đòi hỏi phải có sự trải nghiệm. Để thay cho lời kết, tập thơ YAO vừa ra đời đã được công chúng nhiệt tình đón nhận.
_____________
(*)Đọc “YAO” của Lý Hữu Lương - NXB Hội Nhà văn 2021)