Có trên 1.600 người từ nhiều nơi ở trong và ngoài nước đã kéo đến xem lễ tổng kết trại điêu khắc quốc tế “Dấu Ấn An Giang” được tổ chức tại chân núi Sam, Châu Đốc, An Giang hôm 10-12…
Bà H. Ann Mellan, Phó Thủ Tướng Canada, thay mặt cho Chính phủ Canada và Ngài Thủ tướng Paul Martin, nói: “Tôi gửi lời chào mừng đến trại điêu khắc “Dấu ấn An Giang”, nơi có ba người Canada từ thành phố quê hương Alberta của tôi tham dự trại. Họ đã đưa văn hóa Canada đến Việt Nam và đó là món quà nghệ thuật văn hóa tinh thần. Và họ đã tiếp thu những giá trị quí báu mới nơi mà họ đã được tiếp xúc”.
Sau hơn 40 ngày miệt mài lao động nghệ thuật, dầm mưa, dãi nắng, trên công trường trại điêu khắc “Dấu Ấn An Giang”, 62 nhà điều khắc quốc tế và Việt Nam tham gia (32 nhà điêu khắc nước ngoài đến từ 16 nước như Mỹ, Nga, Áo, Pháp, Úc, Canada, Đức, Ha Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Palectine, CH.Sec…) đã bền bỉ khoan, cưa, đục, đẽo, mài, go, đánh bóng… thổi hồn vào những khối đá nặng hàng tấn để biến chúng trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo, gợi cảm, triết lý và tâm linh.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc, trưởng ban điều hành trại, cho biết, có tất cả 68 tác phẩm nghệ thuật của 62 tác giả được sinh thành tại trại này. Đó là tâm huyết và tài năng nghệ thuật của từng nghệ sĩ được thể hiện sinh động, phong phú, đa dạng và đầy ngẫu hứng sáng tạo. Nhiều tác phẩm chuyển tải những tình cảm đặc trưng về lịch sử, cuộc sống và văn hóa riêng và chung của trái đất. Các tác phẩm này đều được chế tác từ đá Thất Sơn (đá địa phương) và đá Thanh Hóa (miền Trung Việt Nam) có chất lượng cao, chịu được mưa nắng theo thời gian. Chung qui, các tác phẩm đã tôn vinh cuộc sống, quan hệ giữa con người với con người, giữa gia đình và xã hội cộng đồng, con người với loài vật, thiên nhiên… đồng bằng sông Cửu Lon, Việt Nam và thế giới.
Kinh phí trại điêu khắc này do Ban quản lý Khu di tích Miễu Bà Chúa Xứ núi Sam tài trợ (3 tỷ đồng), vận động tài trợ (2 tỷ đồng) và từ ngân sách tỉnh An Giang và thị xã Châu Đốc (gần 2 tỷ đồng). Có trên 100 công nhân địa phương phục vụ các nghệ sĩ và nghệ nhân; họ lo lều bạt, giàn giáo, dụng cụ cầm tay, bảo hộ lao động, xe cẩu, xe tải… Nhà điêu khắc Dương Đình Chiến, vừa là trại viên vừa là Phó ban điều hành trại phụ trách chuyên môn, nói: “Bốn mươi ngày trôi qua, có biết bao điều để các nhà điêu khắc học hỏi kinh nghiệm của nhau, chia sẻ tình cảm trong nghệ thuật, dạy cho nhau tiếng của nước mình… Nhiều người miệt mài sáng tác, tay chân xơ cứng, không ít người bị miễng đá văng rách da”.
Ông Alan Gallet, nhà điêu khắc Ai-len, đại diên cho các nhà điêu khắc nước ngoài, phát biểu trong ngày lễ bế mạc trại. Ông nói: “Bốn mươi ngày qua đối với chúng tôi là những ngày vui. Đặc biệt là việc phục vụ sáng tác, tôi cho là rất tuyệt vời. Chúng tôi đã từng tham gia nhiều trại sáng tác điêu khắc trên thế giới nhưng chưa bao giờ thấy đông trại viên tham dự như vậy. Ở đây chúng tôi sống với nhau như trong một gia đình, được giao lưu văn hóa, được chia sẻ kinh nghiệm, được ăn chung bàn, được ngồi chung thuyền và chưa bao giờ chúng tôi thấy sự hiếu khách, tình thân thiện của người dân địa phương như ở đây. 68 tác phẩm này sẽ được các nhà điêu khắc tặng lại cho địa phương”.
Các nhà điêu khắc đã đi tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của vùng đất biên cương An Giang như làng cá bè Châu Đốc, làng Chăm An Giang, rừng tràm Trà Sư, Lâm viên núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu chứng tích lịch sử Ba Chúc, biển Hà Tiên…và giao lưu với sinh viên Đại học An Giang. Nhiều người rất thích mặc áo bà ba, quàng khăn rằn “đặc sản” của người dân đồng bằng sông nước. Họ cũng thích thưởng thức những món ăn dân dã như cá tra nấu canh chua chấm nước mắm, ăn cơm bằng đũa. Nhiều người lần đầu tiên biết ăn món cá lóc nướng trui gói bánh tráng.
Do trại sáng tác nằm ở chân núi Sam nơi thờ chùa Bà Chúa Xứ linh thiêng hàng năm thu hút hàng triệu khách hành hương về cúng bái mà nhiều nhà điêu khắc nước ngoài cũng tập đi chùa khấn vái, ăn chay. Nhà điêu khắc Mok Tom Burke (Canada) sau nhiều lần đi chùa Bà Chúa Xứ, đã làm một bàn thờ bằng đất sét và mỗi sáng trước khi bắt tay vào việc là thắp ba nén hương khấn vái đất trời Bảy Núi. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó ban quản trị Miếu núi Sam, thành viên ban điều hành trại, nhân dịp ngày cưới con gái mình (ngày 9-12-2005) đã mời các trại viên tham dự đám cưới cốt ý để cho người nước ngoài “ăn đám cưới” của người Việt Nam cho biết.
68 tác phẩm điêu khắc của lần này, cùng với số tác phẩm của kỳ trại lần trước (tổng cộng 100 tác phẩm), sẽ được giữ gìn kỹ lưỡng tại công viên vườn tượng điêu khắc, đặt tại khu vực núi Sam với diện tích năm héc ta với kinh phí đầu tư xây dựng vườn tượng trên 10 tỷ đồng. Và đây sẽ là điểm tham quan du lịch cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi họ đến Châu Đốc.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, thành viên ban chỉ đạo trại, nói: “Đây là vườn tượng với qui mô lớn nhất Việt Nam, là một bộ sưu tập văn hóa được tổng hợp từ nhiều trường phái nghệ thuật điêu khắc trên thế giới”.
Những ngày qua, tại trại điêu khắc này, nhiều người xa lạ đã biết yêu thương nhau hơn. Nhà điêu khắc Kees Buckens (Hà Lan) đã tuyên bố kết hôn với cô Masamai Aihara (nhật) sau khi bế mạc trại./.