Hồ Thác Bà nhìn từ Thủy Tiên Sơn Động
Du khách bên nhà máy thủy điện Thác Bà
Du khách trên đảo - Nhà nghỉ Paradise Islands
Yên Bái không chỉ có “thiên đường” của những thửa ruộng bậc thang trập trùng tựa như muôn ngàn dải lụa mềm mại thướt tha, uốn lượn quanh co bên những triền núi cao giữa đại ngàn hùng vĩ của miền Tây Bắc trong mỗi mùa lúa chín hay mỗi kỳ nước đổ ở Mù Căng Chải mà còn có một kỳ quan “Hạ Long” vừa phóng khoáng vừa kỳ bí giữa mênh mông của núi, của đồi còn chất chứa nét hoang sơ xôn xao trong sóng nước mênh mang với muôn ngàn cảnh sắc mơ mộng, huyền ảo của sơn thủy hữu tình nằm trên địa phận của hai huyện Yên Bình và Lục Yên: Hồ Thác Bà.
Trưa cuối xuân. Bỏ lại những cơn mưa và cái rét nàng bân của ngày hôm trước, bầu trời Thác Bà dường như trong và xanh trở lại nhưng cũng thực sự chưa được quang đãng, ấm áp hẳn. Chúng tôi xuống thuyền, rời cảng Hương Lý, bỏ lại thành phố sau lưng bao ưu phiền với những ồn ào của dòng đời bất tận để tiến ra phía lòng hồ, hướng về phía nhà máy thủy điện đến với một miền non xanh nước biếc như thể chốn bồng lai. Con thuyền đưa chúng tôi quanh co theo những con lạch, vòng vo dưới những chân đồi san sát như bát úp, nhấp nhô trên mặt nước, xanh mướt bóng cây nhưng cũng lộ ra những ngấn nước bao quanh còn tươi màu son nâu mà cỏ hoa chưa kịp lan phủ. Bồng bềnh cùng con thuyền trên mặt nước, chẳng mấy chốc, theo hướng mũi thuyền, lòng hồ bát ngát bắt đầu hiện ra trước tầm mắt thật kỳ thú. Cứ vậy, theo cùng với đó, cái nóng giao mùa của những tia nắng hanh hao cuối xuân cũng giảm dần để nhường chỗ cho bầu không khí mát mẻ, trong lành và hình như có phần hãy còn lành lạnh của hồ nước trong xanh khiến mọi người ai nấy đều trở nên phấn chấn, sảng khoái và không kém phần phấn khích. Tiếng máy nổ giòn giã, đều đều thả nhịp đẩy con thuyền lướt nhẹ trên sóng biếc trong xôn xao nắng, xôn xao gió của tiết trời đang chẩn bị sang hạ.
Mê mải trong nắng xuân, con thuyền đưa chúng tôi tiến dần ra lòng hồ để du ngoạn trên sóng nước dạt dào, mênh mông. Trong khoảng bao la của đất trời sông núi, những đám mây đang “vắt nửa mình” sang hạ dường như cũng còn rất đỏng đảnh; lúc xanh, lúc trắng, bồng bềnh, phiêu lãng như thể dong chơi trên mặt nước để tận hưởng cho hết vẻ đẹp xuân thì của biển hồ hãy đang còn xuân sắc. Thuyền càng vươn xa, không gian và cảnh hồ càng hiện lên huyền diệu. Cả một vùng thủy tú trên miền non cao mở ra trong tầm mắt vô cùng thơ mộng và trữ tình khiến cho tất cả mọi người ai nấy dường như quên hết cái mỏi, cái mệt của chặng đường hơn một trăm năm mươi cây số để thỏa sức thu vào tầm mắt đủ đầy những nước non muôn trùng diệu vợi của cảnh sắc hương trời mùa xuân; của sông nước lung linh, huyền ảo trong một màu xanh mát, dịu hiền. Giữa mênh mông của sóng nước màu ngọc bích, biển hồ Thác Bà hiện lên với muôn trùng sóng biếc lăn tỏa trong với những nhấp nhô núi, nhấp nhô đồi và chạy ra miên man tứ phía. Ngắm nhìn biển hồ mênh mang ta đâu chỉ nghe thấy ngàn năm linh khí bồi tụ của đất trời mà còn ân cảm biết bao công sức, trí tuệ của những chàng Sơn Tinh thời hiện đại cùng ân tình của đồng bào hai huyện Yên Bình và Lục Yên khi phải từ bỏ những “bờ xôi ruộng mật” của ông cha để làm thành “một Thác Bà reo gọi điện sông Đà”.
Có lẽ, mấy chục năm trước, chẳng ai ngờ cái con sông Chảy man dại và dữ dằn theo mùa một thời đã biến thành một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam. Hồ ấy với công trình thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thủy điện cùng biết bao huyền thoại từ thủa khai thiên lập địa với những tên động, tên hang, tên núi, tên làng ... xen lẫn lớp lớp trầm tích văn hóa của người Việt cổ ẩn chứa trong những di chỉ khảo cổ hang Hùm nằm bên lưu vực sông Chảy hay những di vật công cụ thời kỳ đá mới ở lòng hồ địa phận Lục Yên và những câu chuyện kể về những chiến công vệ quốc của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trong cuộc kháng chiến chông Nguyên – Mông xâm lược ở châu Thu Vật năm 1285 còn truyền lại trong ký ức của người bản địa đã làm thành một sức hút đầy quyến rũ đối với bất kỳ ai đã một lần biết đến đất này.
Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh thăm thẳm với muôn ngàn con sóng lăn tăn nối nhau chạy về phía chân trời mờ xa càng khiến cho cảnh sắc đất trời và biển hồ trở nên thơ mộng quá đỗi. Đắm chìm trong hương sắc nước hồ mùa xuân và cuốn theo lời kể của bác chủ thuyền tốt chuyện, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về cái sự rộng lớn, mênh mang của hồ trên núi. Thì ra, diện tích mặt nước của hồ phủ rộng gần hai trăm năm mươi cây số vuông, trải dài trên gần một trăm cây số, chứa khoảng từ tám đến chín tỷ mét khối nước. Hồ Thác Bà quả là không nhỏ. Cái hồ và công trình thủy điện kỳ vĩ này từng nổi tiếng một thời và được nhiều người biết đến là một kết quả của tự nhiên kết hợp với đôi bàn tay, khối óc tuyệt diệu của con người Việt Nam vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt tay vào chinh phục “nguồn than trắng vô biên” để tiến hành điện khí hóa và công nghiệp hóa phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Giờ đây, biển hồ và công trình thủy điện Thác Bà “vang bóng một thời” có thể đã khiêm nhường để lại sự vĩ đại cho những hồ và công trình thủy điện khác nhưng dấu ấn vàng son một thủa vẫn còn đó, đâu đã dễ phôi pha.
Miên man trong những nghĩ suy giữa hiện tại và quá khứ của Thác Bà đã khiến tâm trí ngược dòng thời gian. Trở về với khởi điểm của những năm sáu mươi của thế kỷ trước, có nghĩa là trước khi trước khi đắp đập chặn sông làm thủy điện, cái vùng nước non nhất mực trữ tình nhưng cũng vô cùng hung dữ này của Yên Bái từng được truyền tụng với hai dải nước liên hoàn đêm ngày gầm gào, không ngừng không nghỉ, tung bọt trắng xóa; dòng chảy tưởng như xô đá để trút nước tựa như từ trên trời cao xuống hạ giới, ầm ầm chảy xiết, khiến đất trời vang vọng. Hai dải nước ấy chính là hai ngọn thác hùng vĩ mà người bản địa thường gọi là Thác Ông và Thác Bà. Hai ngọn Thác Ông và Thác Bà ấy song hành với dòng sông Chảy hoang dã như một cô gái Di gan đưa nước về hợp lưu với sông Lô để xuôi dòng tìm đường về biển lớn. Nhưng, thế rồi, một ngày đẹp trời năm 1971 (ngày 5 tháng 10), con đập và công trình thủy điện với sự trợ giúp của người Nga được hoàn thành, hai ngọn thác hung dữ một thủa và dòng sông Chảy man dại kia đã vĩnh viễn nằm yên dưới mặt nước trong xanh để làm thành một biển hồ mênh mông đêm ngày lăn tăn sóng gợn nhẹ nhàng, êm đềm soi bóng và tưới mát cho hơn một ngàn ba trăm quả đồi lớn nhỏ xanh rợp bóng cây, làm chim bay mỏi cánh cùng biết bao đồng ruộng dưới miền hạ lưu.
Bây giờ, những dữ dằn của Thác Ông, Thác Bà không còn nữa. Nó đã một đi không trở lại; lặng lẽ, chìm sâu dưới lòng hồ mênh mang sóng nước dịu êm. Thác Ông và Thác Bà chỉ còn trong ký ức và huyền thoại gắn liền với những tên cầu, tên hồ... Có lẽ, để nhớ về hai ngọn thác, người ta đã đặt tên hồ và công trình thủy điện là Thác Bà còn Thác Ông được dùng làm tên cho một cây cầu ở cách đó không xa. Âm vang, vẻ đẹp cùng sức sống của những ngọn thác và đôi bờ sông Chảy một thủa vẫn còn đó và dư sức mê dụ lòng người trong những huyền thoại về những kỳ tú của tạo hóa trên miền non xanh hữu tình sông nước.
Tạo hóa và đôi bàn tay tuyệt diệu của con người Việt Nam đã làm nên không ít những biển hồ. Cách Thác Bà không xa là hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) cũng nổi tiếng là một “Hạ Long trên núi” của xứ hoa lê. Nhưng cứ kỹ càng mà xét hẳn ta sẽ nhận ra đó là hồ của núi còn Thác Bà là hồ của đồi. Không giống hồ thủy điện Na Hang, nước xanh ngăn ngắt kẹp cứng các vách đá dựng đứng. Hồ thủy điện Thác Bà, dòng trong ngọc bích âu yếm, ấp ôm những chân đồi thoa son một cách dịu dàng để rừng xanh nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước long lanh. Cứ vây,nhẹ nhàng trong đắm mê, nước hồ Thác Bà suốt bốn mùa thủy chung với một màu xanh ngọc. Sớm chiều lấp lánh ánh mặt trời lung linh, đêm về thăm thẳm in hình trăng sao trong âm vang của muôn tiếng trùng rả rích. Dường như cái cái chất Di gan của dòng sông Chảy ở nơi thượng nguồn Hà Giang và suốt hành trình qua Lào Cai và đến khi nhập vào Yên Bái, nằm trọn trong lòng hồ cũng đã bị phôi pha đi ít nhiều; cái mạnh mẽ, hoang dã đã thuần hơn để trở nên dịu hiền, mộc mạc. Xem ra biển hồ mênh mông kia giống như một nàng sơn nữ hiền thục đang say giấc nồng giữa nơi rừng thẳm núi cao nhưng cái nét phóng khoáng, hoang dại của một thời vẫn còn chất chứa, ẩn hiện đâu đó trong cái dáng vẻ bí ẩn nhưng chất chứa sự lãng mạng, mộng mơ khiến cho biển hồ đêm ngày lai láng, quyến rũ, mê muội lòng người.