Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.198.332
 
Bản trường ca huyền mặc khởi sinh từ loài hoa thiêng
Tống Phước Bảo

 


Tôi đọc “Hoa Linh Thảo” (Nxb Hội nhà văn, 2021) - một trường ca đồ sộ của PGS.TS, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu mất đứt hai tuần. Một cuốn sách mà ngay từ khi tôi nhận được, nhà thơ đã nhắn em chịu khó đọc nhé. Vâng, phải thật chịu khó, phải kĩ càng và chậm rất chậm. Tôi đọc từng dòng thơ nối liền không chấm phẩy, bằng tâm thế háo hức và chiêm nghiệm. Rất nhiều lần tôi dừng lại, gấp trang sách đánh dấu, và mông lung những điều ảo diệu trong đầu. Quả thật trường ca này vốn chẳng thể hời hợt đọc, dễ dãi sang trang hoặc ngấu nghiến từng câu chữ. Với Hoa Linh Thảo, phải là một sự thưởng lãm đúng nghĩa của thi ca.

Những dòng thơ đầu tiên hiện lên khi PSG.TS, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cùng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam sang Ấn Độ dự Lễ hội Ngôn ngữ và Văn chương Kolkata vào đầu xuân năm 2014. Đến tận 7 năm sau, cũng vào một mùa xuân, ông hoàn thành trường ca. Quãng thời gian đủ để thấy sự nghiêm cẩn và chắt chiu đến tinh cất trong câu chữ, trong ý niệm và cả sự giác ngộ về minh triết.
 

Trong một lần trò chuyện qua điện thoại, tôi đánh bạo hỏi thử có phải khi viết, có những lúc ông như nhập đồng, thoát xác phàm tục để nhìn đời bằng một vị thế khác, một sự thăng biến nào đó. Ông chỉ cười nhẹ tênh bảo rằng có thể vậy. Bởi có những khi, câu chữ ào ạt trào dâng mà ngay cả ông cũng chẳng thể biết mạch nguồn ấy từ đâu có được. Chỉ biết tin vào phần số đã đưa ông đến với “Hoa Linh Thảo” và dường như cũng chính trường ca này quyết chọn lấy ông mà dệt nên số phận của nó.

Hoa Linh Thảo lần đầu tiên xuất hiện trong thơ ông là trong bài thơ Hoa Linh Thảo viết ngày 15.5.1995 và được trao giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ cùng năm đó. Loài Hoa Linh Thảo đến với ông trong một đêm trăng sớm khi còn nhỏ. Hình ảnh đó như neo hẳn vào kí ức ông, như một miền thiêng nào đó cần khai phá, cần chạm đến và viết lên. Để rồi trong một hôm dậy sớm và dạo vườn hoa của khu dinh thự chuyến đi đầu xuân 2014, ông bắt gặp giữa sương sớm những bông hoa lạ khẽ khàng xòe cánh tỏa hương. Huyền ảo và mặc khải, như chính lời ông nói trong “Lời tựa” của tập trường ca. Chính nét đẹp thoát trần ấy chạm vào miền thiêng ẩn nấu trong tâm khảm của nhà thơ, thôi thúc ông viết nên những câu thơ mà tôi tin khi bạn hữu duyên có được tập trường ca này cũng phải thán phục trước bậc kì tài dụng ngữ:
 

“… hoa như thể là người
người như thể là hoa
thi nhân và Hoa Linh Thảo
dạt dào niềm đắm đuối
 nồng nàn miền cỏ thơm
khắp đất đai đồng bãi gò đồi thôn dã sườn non vách núi vực sâu rừng thẳm bờ bến bãi nổi sông ngòi khe suối ao chuôm đầm hồ ngất ngây linh hương chứa chan nức nở…”  (tr.23)
.
 
Có thể nói, trường ca “Hoa Linh Thảo” như dòng chảy tiếp nối cho trường ca Phồn Sinh (Nxb Hội nhà văn, 2018). Cốt lõi của “Phồn Sinh” là giao hoan, là hoan lạc. Điều này được nhà thơ viết trong trường ca “Hoa Linh Thảo” một cách lộng lẫy, tưng bừng, đầy thanh thoát như một điều thiêng liêng rực rỡ nhất của loài người:

“…khởi thủy là giao hoan
thủy giao là bản sắc
truyền sinh là lựa chọn
sinh sôi là thần kỳ
nảy nở là tuyệt mỹ
tình yêu là hoa
nhục dục là quả
mọi bông hoa đều là sắc hương
mọi quả đều chất chứa hạt mầm
tình yêu là cầu vồng
tình dục là dụi nước
tình dục thăng hoa sóng sánh bay lên
tình yêu hào quang chập chờn ảo ảnh
tình yêu mang đến một môi sinh
tình dục gieo những mầm sống
đó là khởi sinh
đó là tiếp biến thần kỳ sự sống…”(tr.185-186).


Trường ca “Hoa Linh Thảo” không chỉ đồ sộ với 288 trang thơ mà còn mang đến cho người đọc một biên độ giãn nở tối đa của nhiều vỉa tầng nghĩa trong câu chữ. Sự chiêm nghiệm hồn chữ cứ chấp chới ẩn hiện trong xác chữ. Thấy chữ đó hiểu nghĩa đó, nhưng chỉ cần ghép trọn câu, hay đọc tổng thể đoạn thơ lại là trùng điệp lớp nghĩa đan cài vào nhau. Người đọc như thấm đẫm triết lý từ vị PSG.TS triết học tinh tế truyền tải vào bản trường ca này.

“…hỡi những đóa hoa thần thánh xứ sở Kolkata
hãy để triết học nói về ta về chân lý
nghĩa là đúng sai
hãy để tôn giáo nói với ta về niềm tin
nghĩa là thiện ác
hãy để thơ ca nói với ta về thẩm mỹ
nghĩa là xấu đẹp

đúng sai thiện ác xấu đẹp đều là sự sống
sự sống nghĩa là thiêng liêng
cái sai chỉ là cái đúng
cái thiện chỉ là cái ác
cái xấu chỉ là cái đẹp
ở một tâm thức khác
tâm thức đa nguyên
ở nhân tâm nhất toàn
ở khởi sinh vũ trụ …”(tr. 248).

 

Đọc và ngẫm, rồi lắng lại trong lòng mình một loài hoa thiêng, một trường ca uy nghiêm, một cuốn sách đầy chiêm nghiệm. Một đêm gần cạn cùng của năm 2021, nhiều chấp niệm trong tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng. Thể như câu chữ ông đả thông những ẩn ức, bí bách của một phẩn tuổi trẻ tôi.

So với ông, tôi cũng chỉ là một thế hệ hậu bối đang chập chững viết lách, nên những cảm nhận hôm nay dành cho tập trường ca “Hoa Linh Thảo” kì thực bằng xúc cảm rất bản năng. Vẫn biết sẽ còn nhiều non nớt vụng dại và khập khiễng để nói trọn vẹn lòng mình với tập trường ca này. Nhưng như tôi đã nói, nếu hữu duyên có được tập trường ca “Hoa Linh Thảo”, tin chắc bạn đã bắt đầu ngộ ra nhiều lẽ đời lấp lánh sau những con chữ tinh cất của vị PSG.TS nhà thơ này./.

 

Tống Phước Bảo
Số lần đọc: 479
Ngày đăng: 21.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lý thuyết văn chương - Võ Công Liêm
Phạm Công Thiện - “Bay đi những cơn mưa phùn” - Phan Văn Thạnh
Tình yêu thương tộc người trong “Yao” của Lý Hữu Lương (*) - Nguyễn Tiến Nên
Cảm thức - Võ Công Liêm
Tháng Hai. Lấy mực ra và khóc! - Lê Đức Thịnh
Cảm nhận về vài địa danh ở vùng đất La Gi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo “La Gi đất xưa…” của Phan Chính - La Thụy
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ ( Phần 3). - Đỗ Nguyễn