Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.833
 
Dòng sông Hoài – dòng đời chảy suốt trong thơ
Hoàng Lộc

 

Chân dung tinh thần một nhà thơ hiện ra ở hệ thống thi ảnh, phong cách, tư tưởng…  làm nên nét cá biệt, không nhẫm lẫn với tác giả khác.

Nếu Trịnh Công Sơn bất tử với “con tinh” yêu thương, nghiễm nhiên hiện ra qua ca từ “một cõi đi về”- nhạc thì Hoàng Lộc bất biến với “kiểu yêu”- thơ về Hội An, một cõi  riêng mình.

Tôi dõi theo thơ Hoàng Lộc, tìm tòi cái chưa biết hết ( trước 75 ) lần dò với cái vừa biết vừa ngạc nhiên ( sau 75 ) để rồi cứ chần chừ, ngần ngừ đến lúc tâm đắc, thích thú quyết định chọn hai chữ “kiểu yêu” theo lối khẩu ngữ Quảng Nam để vừa dí dỏm vừa nghiêm cách gọi tên giọng thơ khó lẫn này.

Có thể nói không ngoa : không ai yêu Hội An “kiểu yêu” như Hoàng Lộc.

Có một dạo, tôi định vị thơ Hoàng Lộc là kiểu thơ tình - học trò, những bài thơ tình mãi mãi xao động, ám ảnh lòng người cả hồn lẫn phách - như thơ Phạm Thiên Thư với chất hồn nhiên, mơ hồ, xa vắng, không nguôi không phai :

Dáng em nho nhỏ 
Trong cõi xa vời
Tình ơi tình ơi

………..

Nhưng rồi tôi thấy chưa thỏa đáng. Đọc đi đọc lại tập thơ mới nhất “Ngắn ngắn tình si” của Hoàng Lộc mới nhận ra không chỉ, không phải thế.
Không phải cả với mảng thơ tình nam nữ‘thơ thất tình’ mà đúng ra nên gọi thơ ‘thất tình…lục dục’ đời thường, nghĩa là thêm cái nộ, cái ố vào cái yêu, cái oán thán tình đời. 
Hoàng Lộc cũng như mọi người, khi yêu và được yêu tất có được một vị Bồ Tát của riêng mình, cho riêng mình nhưng rồi đến lúc cay đắng nhận ra :

Bồ Tát là em mà cũng vào bệnh viện
Cũng ngủ khì trên chiếc giường hộ sinh

Chính lúc ấy, cơn thịnh “nộ”, cuồng lên một chút, tạo nên chất ‘du côn’,  gọi thẳng các mệnh phụ phu nhân đem ‘tình địch’ ra khoe chồng mà câu thơ hiền lành Hoàng Lộc bỗng gân guốc, hay một cách dữ dằn.

Nhưng rồi chính Hoàng lại tự nhận :

Nương tử ơi hời nỗi niềm thơ dại
Đã tự coi mình là vợ câu thơ

Tôi lại bị lạc hướng tìm.
............................
Đành trở về Hội An, tha thẩn với nỗi niềm trở đi trở lại trong thơ của Hoàng.
Câu ca dao Quảng Nam có từ xưa như một gợi ý :

Cầm cân xuống Phố mua vàng
Gặp anh giữa đàng 7 lượng còn 3

Cái  ‘chết sửng’ 7 còn 3 của cô gái khi xuống Phố làm tôi sực tỉnh.

Chính là tại chàng trai Phố ‘hút hồn’, tại cô gái quá nhạy cảm hay do phẩm chất vốn có, nguồn linh cảm của người Hội An trước những sự thay đổi của thời thế đã ‘vận’ vào câu ca dao?  

Tôi tìm thêm vài câu dân ca nữa để minh chứng :

Con cá lý ngư lặn về bể bắc.

…………….
Tìm anh như thể tìm chim,

Chim bay biển bắc em tìm biển đông.

…………….
Vì cớ gì con cá, con chim lại về bể bắc, biển bắc ?

……………

Con chim, con cá lẻ bầy, lẻ đàn nói bóng gió sự ly tán do thời cuộc của những gia đình người Nhật, người Hoa với thân nhân người Việt ở Hội An, một cuộc bể dâu do chính con người gây ra chăng ?

Nhưng còn có một cuộc bể dâu khác theo nghĩa đen từ chính thiên nhiên. Tại những cồn cát.

Ôi cồn cát - cát cồn - Cửa Đại

Để tang điển thương hải trong ta

Tôi đã nhiều lần ngồi thuyền máy từ Hội An đi Cù Lao Chàm, quanh quẹo, loay hoay tránh những đụn cát mà mất đến mấy giờ liền, dẫu lúc nước lớn. Phải chờ con nước. Đợi chờ con nước cũng như đợi người… khổ nhọc lắm. Cảnh và tình… lạ mà quen, quen mà lạ. Đợi một giờ, đợi một ngày, đợi một đời… tôi dần ngộ ra: Nguồn sáng, nguồn sống cho thơ Hoàng Lộc nằm tất cả ở đây, chỗ con sông rẽ nhánh :

Sao sông Thu có nhiều nhánh lỡ
Mà nhánh buồn hung ghé Hội An ?

Ngã ba sông đã hóa ngã ba lòng.

Cho nên:

Ngắn ngắn tình si
Ngàn đời không phai

Lòng ta hiu hiu
Ngàn năm không tiêu

Dám hỏi tại ai ?
Tại:

 Cát Cồn Cửa Đại

 Tại cuộc bể dâu
 Khôn khôn dại dại

 Tại lời đá vàng
 Shogun Phù Tang

 Tại tàu Đông Ấn
 Thương thuyền Hòa Lan ?

 Tại con sông Hoài
 Sông Thu lẩn thẩn ?

…………..

Trở về với thơ, cái thoáng chốc trần gian nhưng đủ sức ôm bọc quá khứ và cũng theo David Bohm quá khứ càng gần thì sự ôm bọc càng được kỹ càng hơn. Và nếu nói như Wordsworth “thơ là xúc cảm mãnh liệt được hồi tưởng trong sự bình tâm” ( recollected in tranquillity ) thì sông Hoài thấm đẫm trong ý, trong tình, trong câu, trong chữ, hiển hiện mọi bài thơ, mọi thời, suốt đời thơ Hoàng Lộc :

Hội An trong trí cả trong lòng
anh-góc-trời thương anh-long-đong
em khua tiếng guốc cầu Lai Viễn 
mà sóng sông Hoài dậy bến sông

( Lại nhớ Hội An )

ngày tứ xứ đã ra chiều phiêu lãng
biết quê ai không thể quê mình
anh đã gặp bao nhiêu dòng sông lớn
mà sông Hoài cứ thăm thẳm trong anh

( Gởi tặng Hội An )

……………

Đã từng có một Con Sông Hoài - thương mãi - tác nhân - được vinh danh cho một thời hiển hách của Đàng Trong để rồi con sông ấy lại là chứng nhân, nạn nhân 'đứng hình' ngậm ngùi trước sự bất lực - địa chính trị - kinh tế của chính mình.

Nhưng chính ở đây đã xảy ra sự bù đắp đầy nghịch lý. Xuất hiện Con Sông Hoài khác. Con sông Hoài - văn hóa,  đến lượt mình không cam tâm nhìn thời thế đổi thay. Con Sông Hoài - văn hóa, một mình lội ngược dòng thăng hoa cuộc sống. Đến là cảm động!

Sự Bất lực do cả lịch sử và cuộc thương hải tang điền - Cát Cồn Cửa Đại - đã tìm được cách diễn đạt để trở nên nên đầy Sanh lực trong thế giới nghệ thuật - Hoàng Lộc, cái sanh lực làm bằng năng lượng nén - thời thế thành nghịch lý, nghịch lý nghệ thuật của tiếng thở dài -‘thở dài kiểu yêu’.

Chính  tiếng thở dài -‘thở dài kiểu yêu’- đã tạo nên cái vị thơ Hoàng Lộc, vị Hội An - Phố Cổ, vị Sông Hoài, vị hoài niệm không lẫn vào đâu được : chữ nghĩa dung dị hiền lành như nụ cười luôn nở trên đôi môi 'hàm... tếu' của chủ nhân mà cứ cuốn hút người ; nụ cười không một thoáng kiêu bạc dẫu đã phải lưu lạc, phiêu bạt một đời. Những câu lục bát - thất ngôn - thơ mới, đậm đà, đạm nhưng nồng, nhớ nhung, cảm động, đơn mộc như cái dao tre mà người Quảng Nam ở Sài Gòn vẫn dùng để ăn bánh bèo. Mà phải ăn tại Chợ Bà Hoa - Ngã Tư Bảy Hiền. Ăn trong nỗi nhớ quê, nhớ người mới càng thấm thía tình đời, tình người:

bánh bèo với cái dao tre

xẻ tư chén bánh cùng chia phận người
không than mang tiếng chịu lời 
chỉ than không thể trọn đời với nhau 

 

12.2016
QUẢNG NGUYÊN 
Xem lại bổ sung

04.2020 – 04.2022

_____________________________________________

THUỞ CHỢ BÀ HOA

 

 

chợ Bà Hoa ở Bảy Hiền 
ai theo buôn bán cùng em một thời? 
một thời ta cũng lơi bơi 
ghé vô ăn chén bánh bèo Quảng Nam
chợ chào liếng giọng đồng hương 
xa quê nghe cũng bớt buồn nhớ quê 
bánh bèo với cái dao tre 

xẻ tư chén bánh cùng chia phận người
không than mang tiếng chịu lời 
chỉ than không thể trọn đời với nhau 
vậy mà em đã đi đâu 
bỏ hoang cái chợ ngõ tư Bảy Hiền?

 

Hoàng Lộc
Số lần đọc: 511
Ngày đăng: 02.05.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một giọng thơ lạ về tình yêu - Yến Nhi
Trong đám mây có một vầng trăng - Từ Sâm
Thơ và thủ pháp nghệ thuật “Lạ hóa” - Yến Nhi
Nguyễn Thanh – một con người tài hoa ở nhiều lĩnh vực - Hoàng Thị Bích Hà
Thái Hạo, tiếng nói mới, vang rền - Nguyễn Đức Tùng
Thơ tình bên sông của Hoài Quang: nỗi đau xé lòng - La Thụy
Dưới bóng Thiền - Phan Văn Thạnh
Bài thơ “Phiên chợ dào san” của Trương Hữu Thiêm - Đặng Xuân Xuyến
Cảm xúc cành củi mục, thơ Xuân Ly Băng - La Thụy
Đọc hai bài thơ hay “La vang đất mẹ” của Xuân Ly Băng và “tha la xóm đạo” của Vũ Anh Khanh - La Thụy