Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.143.928
 
Dran! Mùa hoa Quỳ vàng!
Vương Kiều

 

 

Một buổi sáng tháng 7/1977 khi tôi đang làm việc ở đội xe thì Trần-Nhơn xuất hiện, tay mang túi xách. Tôi ngạc nhiên :  : :* A ! Nhơn.

  • Tôi dẫn bạn ra quán cà phê, nhìn sắc diện của Nhơn là tôi biết rồi, Nhơn nói mấy lâu đi cuốc đất làm thuê mà không cuốc nổi bây giờ mình lên Ban-Mê-Thuột,trên ấy có sư Đoan, hiệu trưởngtrường Bồ-Đềmình xin sư dạy học. Thời củi châu gạo quế, với   trí đạo của Nhơn, con đường dạy học là lối thoát duy nhất để Nhơn kiếm sống.

  •       Nhơn ở cùng tôi trong Thánh Thất Cao-Đài ba hôm, tôi chuẩn bị hành trang cho Nhơn ít nhiều để lên đường. Trước ngày Nhơn về Nha-Trang, Nhơn tặng cho tôi tác phẩm của thiền sư Tuệ-Sỹ : LÝ HẠ [ LÝ-TRƯỜNG- CÁT 790 – 816 ] Thiền sư Tuệ-Sỹ có một thời lên Đà-Lạt lang thang với Trần-Nhơn trên những đồi thông, trước khi giã từ đã tặng cho Nhơn tác phẩm còn trong bản thảo, đánh máy trên giấy pelure. Tôi đã đọc tác phẩm ấy, thế giới thi ca gọi Lý-Hạ là quỷ tài sánh ngang cùng Lý-Bạch tiên tài, đến nay tôi chỉ còn nhớ mấy câu thơ nỗi lòng của Lý-Hạ qua lời dịch của thầy Tuệ-Sỹ :

Ba năm xa em rồi

một ngày về quá nửa

rượu lục linh đêm nay

cùng đảy sách ngày cũ

 cốt bệnh sống là hay

 chuyện đời như không có

 bày nhất lục gieo chơi

hỏi làm chi trâu ngựa ?

 

Trường-An có chàng trai

hai mươi đầu đã bạc

Lăng Già treo trước án

Sở Từ đeo sau vai.

 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 Quạ khóc mang đạn về

  nước ải lừa in bóng

  gió Tần dải mũ bay

  ra đi nhiều hẹn ước

  trở lại buồn trắng tay

  nuốt khổ chào lân lý

  trông gương lệ chảy dài

 

      Từ Thánh Thất Cao-Đài thôn Quàng-Lạc đi ra đội xe khoảng cây số hơn, sáng chiều tôi đi về trên con đường cỏ cây hoa lá tươi cười ấy. Gần bến xe có một căn nhà gỗ rộng thênh thang, có tầng trên, cổng vào là một giàn hoa giấy nở thắm. Một chiều trên đường về, tôi nhìn xuống dòng Đa-Nhim thì một bóng hình mặc chiếc áo len vàng sẫm, quấn xà-rông của cô gái Thượng, nàng từ bờ sông bước lên, tôi nhìn nàng . . . lòng tôi chưa bao giờ bay bổng như thế, nàng đẹp, đẹp đến nỗi như một huyền thoại. Tên của nàng là To Prong Nai-Sương, con gái của tộc trưởng To Prong-Hiu, ông du học ở Thụy-Sĩ, qua các triều đại của VNCH, ông là bộ trưởngBộSắc Tộc, bởi lẽ dân tộc K hor, Chu-Ru ở Tây-Nguyên đều thần phục ông, nên mọi chế độ muốn an định vùng núi rừng đều phải qua tinh thần lãnh đạo của ông. Thậm chí khi To-Prong Nai-Thương, chị ruột của Nai-Sương lấy chồng, Phó Tổng-Thống VNCH thời ấy là ông Trần-Văn-Hương phải đáp trực thăng từ Sài-Gòn lên Đơn-Dương dự đám cưới.

 

      Ngày ấy khi Nai-Sương trong thanh cảm đón nhận sự tôn thờ sắc đẹp của tôi thì một buổi chiều tôi lang thang từ thôn Lac-Thiện về, sau lưng tôi có tiếng lóc cóc của chiếc xe ngựa, xe chậm chậm đi qua, tôi nhìn thì thấy Nai-Sương ngồi trên xe ấy, nàng nở nụ cười với tôi, đôi môi đẹp hơn cả đóa hoa hồng, và nụ cười ấy đã cho tôi được phép vào nhà nàng. Lạ thật ! Chị em của Nai-Sương ai cũng một trời nhan sắc, người chị đầu là To Prong Nai-Kim, vợ của chánh-án sắc-tộc Đà-Lạt, thời đất trời thay đổi ông đã vượt biên qua Mỹ.

      Chị Nai-Kim đằm thắm, hiền hòa, quán xuyến mọi việc trong nhà lo cho mấy em, còn chị To-Prong Nai-Thương, đẹp, đức hạnh như cô gái Huế, chồng chị là kỹ sư nông nghiệp, người dân tộc K hor, Nai-Sương còn một cô em út, là Magaret, Magaret năm tôi gặp chỉ mới 14 – 15 tuổi, nhưng anh hoa đã phát tiết, không thua gì Nai-Sương.

      Vào một buổi sáng tháng 3/1978, tôi ở ngân hàng Thạnh-Mỹ về bến xe thì thấy Nai-Sương đứng trước phòng bán vé, tôi đến hỏi nàng :

  • * Em đi đâu mà đứng đây ?

  • Nàng đáp :

*    Em đau răng định lên Đà-Lạt khám nhưng không có xe.

  •        *Em đợi đây để anh vào đội xem sao !

Tôi nhìn quanh bến xe thấy có khoảng 20 – 25 khách, vào xem bảng phân tài phân chuyến thì chỉ có xe ca 54 chỗ mới phục vụ được, thế là tôi lấy lệnh điều xe, ký lệnh ông Hồng-Văn-Lân, chủ xe 54A – 1554 cho xe đến bến phục vụ hành khách. Khi ông Hồng-Văn-Lân lái xe đến rồi, khách mua vé đã lên xe, tôi vào báo với đội tôi lên công-ty, thế là tôi xách cặp ngồi sau lưng nàng. Xe lên tới Đà-Lạt thì trời đã trưa, Nai-Sương bước xuống xe, có lẽ cái răng làm nàng đau nhức nên khuôn mặt không vui, tôi đi theo nàng nói :

*  Trưa rồi em đi ăn cơm với anh !

      *   Em đau răng quá không ăn được đâu !

      *  Vậy khám xong chiều em có về không ?

      *  Có, chiều em về.

  •       *  Thì anh cho xe đợi em.

Đà-Lạt, mọi con đường mọi góc phố đều là kỷ niệm của tôi, tôi tìm thăm Huy, thăm Nhàn, lang thang cho đến tận chiều để đợi Nai-Sương. 4g 30 – 5g chiều rồi mà không thấy bòng nàng, ông Hồng-Văn-Lân đến hỏi tôi :

      *  Ông đội cho xe rời bến chưa ?

tôi nói :

  • Ráng đợi chút nữa.

Nhìn hành khách thì thầm với nhau tỏ vẻ khó chịu, tôi nói với bác tài thôi cho xe xuất bến.

   Tình yêu và tình bạn là hai ý nghĩa sống của đời người, những năm ở Đơn-Dương, tôi có những tình bạn mà cho đến nay vẫn tìm gặp nhau. Người bạn đầu tiên tôi kết thân là nhạc sĩ Phan-Bá-Chức, Chức có những sáng tác để đời như bài “ Quê Hương “ phổ thơ Giang-Nam “ “ Tình Quê “ phổ thơ Hàn-Mặc-Tử. . . tuyệt vời nhất là bài “ Trách Phận “ dân ca nẫu Bình-Định, mỗi lần Chức ôm đàn hát bài nầy, anh em cười ngã cười nghiêng, cười ra nước mắt với bi hài của bài hát. Rồi qua Phan-Bá-Chức tôi đã quen Trần-Minh-Triền, Thân-Đình-Châu, ba người bạn nầy đều tốt nghiệp sư phạm Qui-Nhơn,  lên dạy ở Đơn-Dương trước 1975. Thủa ấy Phan-Bá-Chức là hiệu trưởng trường tiểu học Đơn-Dương, Trần-Minh-Triền hiệu trưởng trường tiểu học Lac-Thiện, còn Thân-Đình-Châu thì dạy ở Ka-Đô.

  Ka-Đô cách bến xe khoảng 18km, thời người Nhật bắt đầu làm thủy điện Đa-Nhim thì một số dân Dran được di dời vào lập nghiệp ở đây sống chung với các bản làng người Thượng, vùng đất nầy là rừng và núi được mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng nên đất đai phì nhiêu, bốn mùa đơm hoa kết trái, dân sống ở đây yên bình, no đủ. Từ Ka-Đô đi vào thêm vài cây số là bản làng Tutra của dân tộc K hor, Phan-Bá-Chức và Thân-Đình-Châu có đồng nghiệp là thầy Sơn dạy học ở đó. Một hôm thầy Sơn ra Dran rủ chúng tôi vào Tutra uống rượu cần.

  Đường vào bản làng Kà-Răng-Chớ, Tutra phải băng qua rừng qua suối, ở đây núi đồi trùng điệp, có một đỉnh núi cao vút nhìn lên trông tựa như đầu con hổ nên người Thượng gọi đó là nùi Hổ với nhiều truyền thuyết quanh đỉnh núi nầy. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức rượu cần, thầy Sơn có những người bạn dân tộc K hor, họ vui vẻ đón chúng tôi với hai ché rượu cần, chúng tôi chẳng ai biết nói tiếng K hor, Chu-Ru nhưng những bạn Thượng nầy nói tiếng Kinh rành rõi nên bữa uống rượu ấy thật chan hòa, thấm đượm vị rươu cần đắng ngọt, say say không thua gì rượu truyền thống của người Kinh..

  Bữa uống rượu cần quý hiếm ấy tôi đã gởi tặng bản làng Kà-Răng-Chớ bài thơ :

 

 BƯỚC  QUAN  SAN

 

 

Bước quan san

ta về Kà-Răng-Chớ

núi rừng xưa vang hưởng tiếng hùm thiêng

xuân bản Thượng ta đi mùa hoa nở                          

đêm vương hầu người tộc trưởng liên hoan

 

Bên ghềnh đá núi cùng ta ngó mặt

gió Xuân Thungang dọc thổi qua đầu

rừng núi Hổ vang tiếng gầm lãnh chúa

 của ngàn năm bộ lạc hỡi ! Thương đau.

 

Nầy tráng sĩ bao năm trời lận đận

quán ly khách chưa mỏi gối giang hồ

 đất ta sống với rừng xanh tư lự

 nỗi u hoài mong ngóng phút thiên thu.

 

Chiều mưa xuân thương miền Kà-Răng-Chớ

có ta về người kiếm khách Đông-Châu

kèn trống giục mộng lòng xưa hồ hải

 kiếm cung ơi ! Thúc gọi bước chân hành.

 

 Rừng núi Hổ vang tiếng gầm lãnh chúa

  trời Ka-Đô bàng bạc bóng chim hoàng

  ôi ! Vạn lý quan san thời chiến quốc

  ta về đây cho rừng Hổ vươn xanh.

 

 Hổ gầm vang đón mừng ngày ta tới

rượu cần ơi ! Nghiêng ché buổi tương phùng

 bàn tay ngọc xin dâng lòng kiếm khách

 sáng ngày mai hồ hỡi ! Bước quan san.

 

 

  Nhà thơ Phạm-Cao-Hoàng [Phạm-Công] cũng xuất thân từ trường sư phạm Qui-Nhơn cùng khóa với Chức, Châu và Triền. Họ là bạn thân của nhau, Phạm-Cao-Hoàng trước 1975 dạy học ở Trạm-Hành, Đơn-Dương. Chính ở nơi đây năm 1974 nhà thơ đã xuất bản thi phẩm “ Tạ Ơn Những Giọt Sương “. Theo Thân-Đình-Chau thì nhà thơ phải bán chiếc honda để trả tiền in. Trong tác phẩm ấy, bài “ Cuối Năm Ở Trạm-Hành “ đi vào lòng bạn bè sâu đậm hơn hết .

Ngó quanh chỉ thấy rừng tiếp rừng

một trời sương trắng phủ mùa đông

những bông quỳ nở cùng hơi bấc

quê nhà tan với khói sương tan.

 

 

Mẹ ạ ! Con đang ở Trạm-Hành

 trời đang mùa rét lạnh căm căm

 cuối năm vượn hú trên kè đá

 con hát nghêu ngao hát một mình.

 

Con bước lang thang bước dặm trường

 nhủ lòng đâu lại chẳng quê hương

  ở đâu cũng dưới trời thương nhớ

  một bóng cò lặn lội ven sông.

     . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

  Cuối năm ừ ! Sắp hết năm rồi

  nơi đây còn một bóng con thôi

  ngó quanh nào biết đâu phương hướng

  quê nhà nghe xa lắc mẹ ơi !

 

   Hồi tôi chưa về Đơn-Dương, tôi thường đi con đương Hai-Bà-Trưng để ra phố Hòa-Bình, trên đường ấy có ngôi trương nữ trung học Domaine Marie rất đẹp, kiến trúc về giáo dục mà người Pháp đã dựng xây. Nhiều khi tôi thấy một chàng trai mặc veston, đeo kính cận, lưng gù gù, mắt cứ nhìn xuống trông như buồn ngủ. Sau nầy qua lời Phan-Bá-Chức thì đó là Phạm-Cao-Hoàng lên thăm nhà bố mẹ vợ ở đường Hai-Bà-Trưng và Chức còn diễn tả theo kiểu bi hài của nhạc sĩ : Phạm-Công còn có biệt danh là Công gù, Công ngủ, Công ngu. Công gù, Công ngủ thì đúng rồi, còn Công ngu thì tôi nghĩ chắc nhà thơ bị tình lừa, tiền lừa gì đây. Mấy mươi năm sau khi Thân-Đình-Châu từ Úc về, chúng tôi ngồi với nhau nhắc lại những kỷ niệm thời Đơn-Dương, tôi có hỏi Châu :

  • *  Phạm-Công, con người trí tuệ thầm lặng vây sao gọi là Công ngu ?

Châu đáp :

  •   *  Không phải Công ngu, đó là khi Phạm Công chuyển lên dạy ở Trạm-Hành thì chẳng khác nào như Ngu Công trong truyện cổ tích Trung-Hoa đi dời núi. Châu còn cho biết vợ Phạm-Công tên là Cúc Hoa, tình đời có nhiều chuyện thật lạ, Phạm-Công – Cúc Hoa là trường thơ chữ nôm của Việt-Nam, nói về tình nghĩa sâu đậm của vợ chồng, dẫu cuộc đời có dâu bể bao nhiêu nhưng trọn đời trọn kiếp vẫn thủy chung với nhau.

   Ngày chủ nhật tháng 6/1978, Chức và Châu rủ tôi vào Đức-Trọng thăm Phạm-Cao-Hoàng đang dạy học ở đó, chúng tôi tìm đến phòng trọ của Phạm-Công – Cúc Hoa khoảng 10g sáng.

Phạm-Cao-Hoàng ngạc nhiên khi thấy bạn đến, vội trải chiếu pha trà mời bạn rồi đi qua hàng xóm, lát sau nhà thơ khệ nệ bưng một trái mít để đãi bạn, Phan-Bá-Chức cười ngặt nghẻo, vội lấy cái cặp của tôi mở ra, nhà thơ trố mắt nhìn, trong cặp của tôi lúc đó xếp lớp cà ngàn đồng, tôi lấy mấy tờ nhờ nhà thơ đi mua gà mua rượu. Chị Cúc Hoa hiền hòa, đức hạnh , chúng tôi phụ với vợ chồng Phạm-Công làm gà, làm mồi rồi dọn ra giữa sân trước phòng.

   Chúng tôi đang cụng ly chuyện trò thì có một người đàn bà dân tộc Thái chân cao chân thấp tự nhiên đi tới vui cười chào hỏi chúng tôi. Phạm-Cao-Hoàng rót rượu mời bà, bà uống xong đi tới đi lui rồi nói :

  • Tôi sẽ coi tương cho ba cậu nầy.

   Nói xong bà nhìn xuống dĩa thịt gà rồi nhìn Thân-Đình-Châu phán bằng cách nói lái :

  • Cuộc đời cậu nầy là “ o cái giằng “

Rồi nhìn Phan-Bá-Chức bà phán :

  • Đời cậu nầy thì “ Ôn cái lằn “.

   Đến lượt bà nhìn tôi ngập ngừng nói :

  • Lẽ ra đời cậu là “ Âu cái đằng “ nhưng tôi khuyên cậu nên vào chùa mà ở đi.

Tâm tôi lúc ấy rúng động, trong lòng nghĩ “ hiện nay mình đã ở trong Thánh Thất Cao-Đài “ rồi.

Bà người Thái ấy đã đoán trúng tướng mệnh của ba anh em chúng tôi. Thân-Đình-Châu trong năm ấy vượt biên qua Úc,  chẳng khác nào được “ O Cái Giằng “còn Phan-Bá-Chức về sau Ông Nguyễn-Công-Khế, tổng biên tập báo Thanh-Niên tuyển chọn giữ chức Trưởng Ban Văn-Hóa Văn-Nghệ của báo và thời gian ấy Chức gặp rất nhiều người đẹp đúng như bà người Thái đã đoán mệnh.

Còn tôi, một lần nữa số đoạn trương lại tìm đến. Tháng 7/1978 tôi bị trục xuất khỏi Đơn-Dương đưa về quê hương,  rồi bị lưu đày lên rừng núi Bình-Điền cuốc đất trồng khoai trồng sắn, giữ bò tới ba năm bốn tháng.

    Âu cũng là như lời cụ Nguyên-Du đã phán :

Đoạn trường là số thế nào

                                  bày ra thế ấy vịnh vào thế kia

Thân-Đình-Châu là người bạn chí tình, khi định cư ở Úc được năm bảy năm, nhớ bạn ở Đơn-Dương, chàng đã gởi về món quà phân chia cho bạn bè mỗi người một ít. Cũng mới đây thôi, có lần Châu hỏi tôi :

  • Hồi qua thăm Phạm-Cao-Hoàng mi tiền đâu mà nhiều thế ?

Tôi đáp :

  • Đó là tiền thu phí của đội xe chưa kịp chuyển khoảng lên công-ty. . .

 

Ông họa sĩ Đinh-Cường, một đời vẫn trọn tình với Đơn-Dương. Cuối năm 2013 ông từ Mỹ về, đã cùng nhà thơ Nguyễn-Dương-Quang, chủ khách sạn Bông Hồng nằm gần cuối đương Duy-Tân – Đà-Lạ, đã cùng nhau về Dran nơi khởi đầu sáng tạo của ông những năm tuổi trẻ và ông đã bàn với Nguyên-Dương-Quang thực hiện tuyển tập Dran “ Tự Tình Cùng Sương Khói “, trong ấy quy tụ những văn nghệ sĩ từng sống, từng đến Đơn-Dương và đã để lại tác phẩm của họ về khói sương, núi rừng lạ lùng nơi ấy như : Thi sĩ Nguyễn-Đức-Sơn, nhạc sĩ Trịnh-Công-Sơn, họa sĩ Trịnh-Cung, nhà thơ Phạm-Cao-Hoàng, nhà văn Nguyễn-Đạt, nữ sĩ Kiều-Lam . . .

Tuyển tập được phát hành vào tháng 5/2015.

                                                                                      

 

 

 

 

 

 

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 513
Ngày đăng: 11.05.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Văn Hóa Đọc” phương Nam có tự bao giờ ? - Phan Văn Thạnh
Mốc ơi em ở đâu rồi! - Trang Thùy
Bước hành hương lặng lẽ - Nguyễn Thỵ
Trận chiến Luỹ Thầy - Đào Duy An
Từ bé Cosette đáng thương tới con gián Samsa đáng sợ - Nguyễn Anh Tuấn
Bến đỗ nào cho em? - Hoàng Thị Bích Hà
Viết, trong bóng rợp của người cha - Nguyễn Tường Thiết
Khi còn chiến tranh là còn hy vọng - Trương Văn Dân
Hành trình đến tự do - Trần Hạ Vi
Lan man về Thơ, như một sự phi-vật-chất - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)