Khắp nơi trên quê chị đang hân hoan chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản.
Thành phố nơi chị sống được mệnh danh là xứ sở chùa chiền những ngày này như sáng bừng hẳn lên. Sau hai năm cơn đại dịch bùng phát bao lần cuối cùng niềm náo nức mong chờ của những Phật tử cũng được trở lại với những sự chuẩn bị cho ngày Khánh Đản thành kính và tôn nghiêm.
Gia đình chị vốn tôn kính đạo Phật. Cách một rặng tre là ngôi chùa Thiên Hòa, một ngôi chùa cổ đã hơn trăm năm tuổi. Chị nhớ vào mỗi ngày rằm tháng tư, vào lúc 10 giờ trưa những hồi chuông trống bát nhã vang vọng. Chị thích chơi quẩn quanh gần đó để hít hà mùi nếp đồ xôi thơm thơm, mùi chè ngọt ngào thoảng nhẹ theo gió. Trong tiếng chuông mõ ngân nga, chị nhắm mắt đọc theo thầy những đoạn kinh chị đã thuộc, lòng vô ưu trong ánh nắng chiếu soi những bông hoa xuyến chi, tuổi thơ chị lớn lên trong những hồi chuông công phu, những tiếng chuông trống chậm rãi trầm đều như thế.
Chị được mẹ cho đi chùa từ hồi nhỏ. Ở đó, ngôi chùa Tường Vân là mái ấm Gia đình Phật Tử chị sinh hoạt từ bậc Oanh vũ đến lúc lên bậc Thiếu nữ. Nơi đây đã cho chị một tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng, chị được tiếp xúc với những bậc chân tu đạo hạnh trong vườn hoa phật pháp. Và nhất là chị được thấm nhuần những giáo lý của Đức Phật ngay từ tấm bé với Ngũ giới của Đức Phật dành cho người Phật tử: "Không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu."
Chị thích lắm mỗi dịp rằm tháng tư về, không khí gia đình chị luôn rộn ràng hẳn lên. Ông chị thường hay đi quanh vườn chọn những cây tre già và thẳng nhất. Ông chặt về và tỉ mẩn ngồi vót thành vô số những nan tre mảnh mai. Rồi ông đạp xe ra phố mua rất nhiều giấy thủ công xanh đỏ vàng tím. Ông loay hoay cắt dán, chị em chị ngồi chung quanh phụ ông làm những bông tua trang trí. Những chiếc lồng đèn ông làm luôn là niềm háo hức của lũ trẻ mỗi dịp Khánh Đản về. Đôi khi ông còn làm thêm để cho mấy đứa con nít, chúng thích thú cầm đi chơi khoe khắp xóm thôn. Chòm râu ông bạc trắng, tính tình hiền hậu nên ông rất được lòng từ người trẻ đến người già. Ông bảo, mua ngoài chợ cũng có lồng đèn, nhưng ông thích tự tay vót tre dán giấy để làm nên. Ông muốn để gia đình có không khí ngày lễ Phật đản, rồi ông vừa làm vừa kể chuyện sự tích Phật Thích Ca, gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên... Những mẫu chuyện cứ thế thấm dần, chảy vào tâm trí, nuôi dưỡng tâm hồn chị em chị sớm biết lắng lòng lúc tiếng chuông ngân, biết rũ lòng từ tâm trước những phận đời cơ hàn khốn khó. Trưa rằm, là con gái nên chị vẫn hay được bà và mạ dạy cho nấu chè xôi dâng cúng Phật. Trước hiên nhà ra ngoài ngõ, những chiếc đèn lồng ú và đèn lồng trái bí đầy màu sắc đung đưa theo gió, quyện mùi chè xôi thơm lừng, chị em chị được mạ cho ăn những chén chè sau khi cúng Phật xong, mạ bảo hưởng lộc Phật là sẽ học giỏi lắm đó.
Thấm thoắt bao mùa Phật đản trôi qua trong đời, những lo toan bộn bề cuộc sống cuốn chị rời xa những giờ phút đi sinh hoạt Gia đình Phật tử. Chỉ có tiếng chuông, mùi chè xôi quyện làn khói hương trầm mỗi buổi trưa rằm ấy là chị không bao giờ xao lãng trong trí nhớ. Chiều nay, chị lên thăm nhà, đón chị là hai đấng sanh thành mái tóc đã điểm sương. Trên bàn thờ di ảnh ông chị vẫn chòm râu bạc trắng nhìn chị với nụ cười đôn hậu. Chị ra vườn chọn cây tre già suôn thẳng nhất, chị vót thành những chiếc nan tre và mua những tờ giấy thủ công xanh đỏ vàng tím. Hai con trai chị thấy vậy cũng lăng xăng cắt trang trí lồng đèn phụ mạ. Bên kia rặng tre, tiếng chuông trống bát nhã chùa Thiên Hòa đã ngân lên từng hồi nhịp nhàng chậm rãi, mùi chè xôi theo gió phảng phất đâu đây. Ông đang nhìn chị mỉm cười.