Thế là tôi đã thực sự bỏ nghề, quay về sống chung với mẹ nơi căn nhà cũ trong một ngõ hẻm xóm chợ Vòng Nhỏ, ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm tuổi ấu thơ. Ngày tôi xách va-li rời đoàn hát, anh Nghĩa - người yêu của tôi, lặn lội đò xe xuống đón tôi tận bến diễn cuối nắm tay tôi khuyên nhủ những lời sau cùng:
- Thảo à, em không thể cố gắng một thời gian nữa sao? Diễn viên sân khấu là cái nghề mà em đã ước mơ từ nhỏ, sao lại bỏ nó một cách dễ dàng như vậy?
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi ! - Tôi nói.
- Thảo có nghĩ rằng một ngày nào đó em sẽ hối hận?
Tôi cúi xuống xách va-li lên, cương quyết:
- Không, không bao giờ!
Anh Nghĩa nhìn tôi, thoáng u buồn lẫn trách móc, không nói gì thêm, chúng tôi im lặng trên suốt quãng đường ra bến đò.
Tôi hiểu anh Nghĩa. Anh là một cán bộ văn hóa rất tâm huyết với nghệ thuật, yêu tôi từ tình yêu sân khấu, không muốn tôi rời xa ánh đèn màu. Nhưng anh đâu hiểu được những ngày gian nan, cực khổ của tôi trên đường lưu diễn, nỗi tuyệt vọng chán chường khi thấy khán giả đến với sân khấu mỗi ngày một thưa vắng. Những ngày ngồi ở trường Cao đẳng Sân khấu, tôi vẫn nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành một ngôi sao sáng trên sàn diễn, lộng lẫy như một bà hoàng đón nhận những lời hoan hô, chúc tụng của mọi người. Nhưng thực tế khác xa, tôi hụt hẫng rơi xuống đáy vực. Hai năm theo đoàn hát nhỏ của tỉnh lẻ miệt mài đi diễn ở vùng sâu, tôi đã phải sống lây lất, vất vả với đồng lương không đủ sống, phải bán dần số vàng của mẹ tôi cho để may quần áo, sắm son phấn. Ngôi sao rực rỡ tôi mơ ước ngày càng bị mây đen phủ che mù mịt.
Phải nhanh chóng trở về thành phố tìm một nghề nghiệp ổn định. Tôi trăn trở nhiều sau mỗi đêm diễn, quyết định rồi không bao giờ hối hận.
Tôi trở về sống với má đã gần tròn tháng, lao vào học may mà lòng ngổn ngang bao nỗi nhớ. Nhớ tiếng nhạc xập xình gọi mời khán giả, nhớ tấm màn nhung màu tím than lay động, nhớ ánh đèn màu chớp tắt. Nhớ những bạn diễn cùng chia sẻ ngọt bùi, cay đắng. Nhớ cả những gương mặt hiền lành, phúc hậu của các bà mẹ quê, ánh mắt long lanh của các em bé hướng về sân khấu bằng tất cả tấm lòng say sưa, mến mộ. Tôi cầm cây kéo tập cắt may mà miệng cứ hát lảm nhảm những vở mình đã diễn. Mẹ tôi nhìn tôi lắc đầu thở dài bỏ ra nhà sau...
*
* *
Người ta gọi bà là bà Tư Cô Đơn vì bà sống thui thủi một mình trong căn nhà lá nhỏ ở cuối hẻm. Bà trạc bảy mươi tuổi, thân hình còm cõi, dáng đi hơi khom vì tuổi già, nhưng bước chân vẫn còn nhanh nhẹn, mắt vẫn sáng, nhất là khi nhìn thẳng người đối diện, toát lên tình cảm nồng nàn. Mỗi sáng, bà xách bị đi quanh chợ nhặt bất kỳ thứ gì có thể bán được cho những điểm thu mua phế liệu, chiều quay về căn nhà nhỏ của mình. Bà Tư đến sống ở xóm này khoảng sáu bảy tháng nay, chỉ với chiếc va-li nhỏ trên tay và một chiếc giỏ bàng đựng vài bộ quần áo cũ. Nói là va-li chứ thật ra đó chỉ là một chiếc thùng gỗ nhỏ sắp mục, bản lề đã rỉ sét. Bà xin ở đậu chái nhà ông Thòn chủ vựa khô ở đầu hẻm. Mưa gió tạt ướt, bà phải rúc vào góc tường ngồi co ro, mặt mày tái xanh vì lạnh. Bà con trong xóm thương tình hùn tiền cất cho bà căn nhà lá nhỏ chỗ đất hoang cuối hẻm. Vài người hiếu kỳ hỏi thăm gia cảnh, bà Tư chỉ lắc đầu bảo mình không có chồng con gì cả, bà con nghe vậy hay vậy, chẳng ai có thì giờ tìm hiểu lai lịch bà già lượm đồ phế liệu.
Tôi tìm hiểu bà Tư Cô Đơn kỹ như thế bởi một lý do: Bà Tư biết hát!
Đầu tiên tôi nghe thằng Út em tôi kể:
- Bà Tư Cô Đơn hát hay hết xảy nghen chi Hai! Già rồi mà giọng lảnh lót như mấy cô đào hát trẻ. Nhiều bữa về sớm, bả ngồi trước hiên nhà hát cho tụi con nít trong xóm nghe đến khuya lơ khuya lắc, có khi còn dạy tụi nhóc hát nữa!
- Em có đến nhà bà Tư lần nào chưa? - Tôi hỏi.
- Có! - Thằng Út đáp - Nhà trống trơn, chỉ có chiếc trang thờ và cái thùng gỗ nhỏ lúc nào cũng khóa rất kỹ!
- Chắc có vàng trong đó! - Tôi nói đùa.
Thằng Út trề môi:
- Có đồ quý đã không đi lượm bọc mủ!
Hôm sau thằng Út kể chuyện:
- Hồi hôm em theo tụi nhóc tới nhà bà Tư chơi, thấy nhà đóng cửa mà còn ánh đèn, tụi em men tới nhìn vô kẽ vách... Ngộ lắm chị ơi!
- Sao? - Tôi sốt ruột hỏi.
- Bà Tư vừa múa vừa hát!
- Múa hát với ai?
- Một mình! Đốt nhang khấn vái rồi mới múa, ngộ quá không!
Tôi không hiểu nổi hành động lạ lùng của bà già. Thằng Út thì cười hề hề:
- Em nghĩ chắc bả khùng quá phải không chị Hai?
Người cao tuổi thường quẩn trí, huống chi bà Tư sống trong cô đơn, triệu chứng tâm thần rất dễ xảy ra.
Một hôm anh Nghĩa nói với tôi:
- Em có biết nghệ nhân Tư Son không? Đó là một nghệ sĩ hát bội tiền bối, một ngôi sao sân khấu trước năm bốn mươi lăm, cùng thời với các tài danh Ba Út, Năm Đồ, Hai Nhỏ, Ba Sáng...
Tôi ngạc nhiên:
- Em không biết. Nhưng anh hỏi để làm gì?
Anh Nghĩa nói:
- Nghệ sĩ Tư Son vào những thập niên bốn mươi nổi tiếng cả nước với lớp tuồng 'Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ'', cho đến hôm nay chưa ai diễn lớp tuồng này hơn bà. Hội sân khấu thành phố vừa điện xuống gặp anh cho biết là sau thời gian lưu lạc tha phương, bà Tư Son đã trở về sống ở vùng chợ Vòng Nhỏ này là quê hương của bà. Hội đề nghị anh cố tìm gặp bà để ghi lại lớp tuồng quí báu ấy vào băng hình để lưu lại cho thế hệ sau!
- Toàn bộ nghệ sĩ từ già đến trẻ có nghề nghiệp khá của cả hát bội lẫn cải lương ở xứ này em rành hết, không có ai tên Tư Son cả. Ông cán bộ văn hóa của em không hoàn thành nhiệm vụ rồi!
Anh Nghĩa buồn so, không cười nổi trước lời bông đùa của tôi. Hơn tuần sau, anh lại tìm đến tôi, nét mặt hân hoan chìa ra trước mặt tôi một tấm ảnh, nói:
- Đây là ảnh của nghệ sĩ Tư Son chụp cách đây ba năm lúc bà còn bán hàng rong ở chợ Trà Vinh.
Tôi nhìn sững bức ảnh. Chẳng lẽ mình lầm? Không! Quả quyết tôi không thể lầm được. Người trong ảnh chính là bà Tư Cô Đơn.
*
* *
Anh Nghĩa lui tới thuyết phục nhiều lần, bà Tư vẫn không đồng ý nhận lời.
Bà nói:
- Đó là hồi trẻ, bây giờ bà già rồi, gối mỏi chân run, diễn làm sao bằng hồi xưa!
- Chỉ cần bà thể hiện được những yếu tố kỹ thuật trong diễn xuất cho con cháu học tập. Mong bà cố gắng... - Anh Nghĩa nằn nì.
Bà Tư ngồi ở ngạch cửa, mặt cúi đụng gối, những nếp nhăn như sóng xô trên vầng trán xanh xao.
Tôi ngồi xuống lên bà, nói thêm vào:
- Cháu cũng muốn lắm bà ơi, bà ráng diễn truyền kinh nghiệm lại cho lớp trẻ chúng cháu, kẻo bị mai một!
Bà Tư suy nghĩ hồi lâu rồi đứng lên, bước đến đốt nhang cắm lên trang thờ, miệng lâm râm khấn vái:
- Lạy tổ nghiệp! Cả đời con theo hát bội, được tổ nghiệp phù hộ ca diễn thành công. Nay mấy em mấy cháu muốn được người đi trước truyền nghề, con không thể từ chối... Cầu xin tổ phù hộ cho con đủ sức lực để diễn lại miếng nghề của tổ ban cho lần sau cuối trước khi theo ông theo bà...
Bà Tư xá ba xá rồi trang trọng cắm nhang lên bàn thờ tổ. Xong, bà quay về phía anh Nghĩa, nói:
- Bà nhận lời nhưng cần thời gian nửa tháng để tập dợt. Sau đó cháu quay lại nghe!
Anh Nghĩa mừng như bắt được vàng, cám ơn bà Tư rối rít. Trước khi ra về, anh trao cho tôi một số tiền, dặn dò tôi thay anh chăm sóc cho bà Tư chu đáo trong thời gian bà tập luyện. Tất nhiên là tôi không từ chối, còn cảm thấy thích thú khi nghĩ đến những ngày sắp tới được sống cận kề người nghệ sĩ tiền bối vang danh một thời...
*
* *
Tối hôm ấy, tôi đến thăm bà Tư lúc đêm đã khuya. Vầng trăng thượng tuần tỏa ánh sáng nhợt nhạt lên xóm nhà lá quạnh hiu, nghèo nàn.
Tôi mang theo một túi bánh ngọt. Bà Tư trải chiếc đệm rách lên mảnh sân chật hẹp trước nhà. Chúng tôi cùng ngồi ăn bánh, ngắm trăng chuyện vãn. Giọng bùi ngùi bà Tư kể cho tôi nghe cuộc đời cầm ca của mình:
- Thuở nhỏ, bà mê hát bội lắm! Cứ mỗi lần đến lệ Kỳ Yên, ghe hát tới, đình làng nổi lên tiếng trống chầu trong lòng bà rộn lên một niềm vui khó tả, chỉ muốn ba chân bốn cẳng chạy bay lên đình xem gánh hát sắm tuồng. Cha mẹ mất sớm, bà ở đợ giữ trâu cho ông hội đồng. Mỗi lần gánh hát về, sớm muộn gì bà cũng phải chịu những trận đòn lằn ngang lằn dọc vì mê ra đình coi đào kép, bỏ trâu ăn lúa. Không thể tả cho cháu nghe được cái cảm giác kỳ lạ trong những lần đầu tiên bà được hướng mắt nhìn lên sâu khấu. Dưới ánh sáng đèn măng-xông, những ông hoàng bà chúa xuất hiện trong tiếng trống tiếng kèn, xiêm y rực rỡ. Rồi những điệu múa đẹp mắt, những giọng ca tiếng hát lảnh lót vút lên. Tâm hồn bà bỗng bị cuốn hút vào một cõi huyền hoặc đầy sức quyến rũ. Thế là nửa đêm hôm ấy, cái đêm ghe hát nhổ sào đi xứ khác, bà đã trốn ông hội đồng đến ở đợ cho Bầu Thắng để được theo gánh hát. Công việc của bà mỗi ngày là giặt quần áo, đút cơm cho con ông bầu và làm bất cứ việc gì ông sai biểu. Có hôm nhiều việc quá bà làm không xuể bị ông nhiếc mắng, đánh đập, bà nhẫn nhục chịu đựng hết mọi điều khổ sở chỉ để được theo gánh hát.
Đêm đêm, bà ẵm con ông bầu đứng nép sau cánh gà theo dõi các tuồng hát đến thuộc lòng không sót một chữ, cô đào anh kép nào sắm tuồng ca múa ra sao bà nhớ như in. Bà nhìn họ mà thèm thuồng chẳng biết bao giờ mình mới được bước lên sâu khấu như thế. Một hôm, bà vừa ngồi giặt đồ vừa cất tiếng ca nhạc theo lớp ''Điêu Thuyền bái nguyệt'', chẳng ngờ ông Sáu Nu, thầy đờn của gánh hát nghe được. Ông khen bà có giọng bát hay. Từ đó mỗi lúc rỗi rảnh ông Sáu gọi bà tới chăm chút chỉ dạy từng bài bản. Ông còn bảo vợ mình là đào Ba Nở chỉ cho bà điệu bộ đào thương, đào võ. Ông Sáu Nu là người thầy đầu tiên trong nghề mà suốt đời bà không quên.
Vận may đến với bà thật bất ngờ. Hôm ấy, cô Hai Thu đào chính của gánh gây lộn với bà bầu bỏ về nhà. Buổi chiều, khán giả kéo tới sân đình đông nghẹt chờ xem vở "Phụng Nghi Đình". Bầu Thắng kêu trời như bộng vì chẳng có ai sắm vai Điêu Thuyền thay đào Hai Thu. Cuối cùng thầy Sáu Nu mạnh dạn đề nghị ông bầu cho bà và vai ấy. Bầu Thắng tròn mắt: ''Cái gì? Con Tư Son... Con nhỏ ở đợ sắm vai Điêu Thuyền? Bộ ông Sáu giỡn với tôi sao chớ?''. Thầy Sáu Nu bình tĩnh đáp: "Ông bầu cứ tin tôi, thất bại tôi chịu tội!" Thế là đêm ấy bà được lên sâu khấu, thực hiện niềm ước mơ sau ba năm dài khổ luyện. Đào Ba Nở cho bà mượn áo mão và đích thân vẽ mặt cho bà.
Đến lớp diễn, trống kèn thúc giục mà bà vẫn đứng chết trong cánh gà không dám bước ra. Đào Ba Nở đứng sau lưng giục: "Ra tuồng đi, Tư Son!". Hai chân bà như đóng đinh xuống sàn gỗ phải chờ đến lúc cô Ba Nở xô nhẹ mới ra sân khấu được. Nhìn xuống khán giả, tim bà đập thình thịch chẳng khác tiếng trống chầu. Tuồng tích bà đã thuộc nằm lòng mà lưỡi cứ ríu lại không ca hát được. Bà định bỏ chạy vào hậu trường, chợt nhìn thấy thầy Sáu Nu đang ôm đàn kìm ngồi dưới sân khấu ngước mắt lên. Ôi, ánh mắt ấy có bao giờ bà quên được! Ánh mắt vừa thương yêu, vừa hờn trách, vừa có sức mạnh cổ vũ bà vững tin hơn bao giờ. Thế là bà lấy lại bình tĩnh cất tiếng hát, xoay người trong một điệu múa cô Ba Nở đã dạy. Khán giả bên dưới vỗ tay rào rào tán thưởng. Bà hứng chí ca hát càng lúc càng hay hơn, múa càng đẹp hơn, vào vai Điêu Thuyền giỏi hơn cả đào Hai Thu... Màn nhung khép lại, thầy Sáu Nu và cô Ba Nở chạy tới ôm lấy bà: "Ôi Tư Son... Tài năng sân khấu đây rồi!''. Bà chẳng biết làm gì hơn là òa lên khóc vì sung sướng. Năm ấy, bà tròn mười sáu tuổi.
Bà Tư ngừng kể, bưng ly nước nhấp một miếng thấm giọng, ngước lên nhìn vầng trăng thật lâu như để tìm về những kỷ niệm xa xăm. Rồi trầm giọng kể tiếp:
- Mười tám tuổi, bà đã trở thành ngôi sao. Cả nước đều biết đào Tư Son. Miếng tuồng ''Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ'' của bà đi đâu cũng được mọi người tán thưởng. Người Pháp nhiều lần định mời bà sang nước họ biểu diễn nhưng chưa có dịp vì bà bận lưu diễn quanh năm. Nhưng rồi cuộc đời ngôi sao sân khấu có nhiều niềm vui cũng lắm nỗi buồn. Hằng đêm, khi cánh màn nhung khép lại, bà đã choáng ngợp trong những tràng pháo tay liên tục tưởng chừng không bao giờ dứt. Hằng chục công tử túi giắt những xấp bạc dày cộm, tay ôm bó hoa tươi đầy hương sắc tìm tới bà. Nhưng cuộc đời của một ngôi sao dường như chẳng của riêng ai. Họ đến rồi lại đi để cuối cùng bà vẫn cô đơn ôm nỗi buồn, thổn thức nhìn sàn diễn vắng tanh trong những đêm khuya.
Cho đến một hôm, bà soi gương thật kỹ và bắt gặp đuôi mắt mình hiện lên những dấu chân chim. Bà giựt mình nhận ra nhan sắc mình đã tàn phai dù sau mỗi lớp diễn vẫn còn đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt. Bây giờ thì hết rồi! Cuộc đời thật phù du! Bà lặng lẽ rời sân khấu thật đúng lúc khi biết mình không còn thu hút được khán giả. Cái đêm cuối cùng đứng trên sân khấu mới buồn làm sao. Nước mắt bà cứ tuôn đầm đìa trôi cả son phấn. Bà tự hỏi: ''Nước mắt của vai diễn hay chính là dòng lệ từ trái tim mình?''
Giọng bà Tư bỗng nghẹn đi, tôi cũng im lặng lắng nghe tiếng nấc trong tim người nghệ sĩ tuổi về chiều. Bà lần bàn tay gầy guộc run run nắm lấy tay tôi:
- Cháu nói cháu cũng là đào hát phải không?
- Dạ! Nhưng... cháu đã bỏ nghề rồi!
- Sao lại bỏ nghề?
- Sân khấu bế tắc không có khán giả, làm sao sống nổi?
- Nhưng còn lòng đam mê nghề nghiệp? Cháu không còn yêu thích nghề hay sao?
Tôi không biết phải trả lời bà Tư thế nào, cúi gầm tránh cái nhìn của bà.
Tiếng bà Tư lẫn trong tiếng thở dài:
- Còn nỗi buồn nào hơn nỗi buồn của một người diễn viên không còn sàn diễn...
*
* *
Sau những phút giây tâm sự tôi mới hiểu hết tấm lòng của nghệ sĩ Tư Son. Ngày ấy, bà ngồi trong đống tiền. Nhưng bà không thể yên tâm hưởng thụ giàu sang khi chung quanh mình vẫn còn nhiều người đói khổ. Làm được bao nhiêu bà chẳng ngần ngại gởi một phần tiền tặng viện mồ côi, trại tế bần, giúp đỡ người cùng quẫn hoặc tương trợ những bạn đồng nghiệp nghèo khó. Bà không hề nghĩ đến việc dành dụm để lo cho bản thân mình lúc về già. Chính vì thế giờ đây bà thành kẻ trắng tay. Âu đó cũng là lẽ thường tình đối với một tâm hồn đầy xúc cảm giàu lòng nhân ái với con người như bà.
Tôi nói:
- Từ ngày mai anh Nghĩa kêu cháu sang đây nấu nướng, giặt giũ để bà có thì giờ dợt lại lớp tuồng kịp ngày thu hình.
Bà Tư lắc đầu cương quyết:
- Không! Bà tự lo cho mình được! Bà muốn suốt thời gian tập dợt, đừng ai quấy rầy mình. Đúng ngày hẹn, cháu và Nghĩa hãy đến!
Tôi không dám cãi lời bà, từ hôm ấy không đến chỗ bà. Tôi cũng không thấy bà xách bị lang thang trong xóm nữa. Bà đang miệt mài ôn lại miếng nghề ngày cũ.
Còn ba ngày nữa đến hẹn thu hình. Anh Nghĩa tới lui với tôi, hai đứa nôn nóng nhưng không dám đến nhà bà Tư, sợ bà giận lại hỏng việc.
Chiều hôm ấy thằng Út hớt hải chạy về báo tin:
- Hồi trưa thím ba Sồi đi thăm mộ chồng tình cờ thấy bà Tư Cô Đơn ngất xỉu trong nghĩa trang...
Tôi hoảng hốt:
- Trời, bà Tư có sao không?
- Thím ba đưa bả vô nhà thương rồi!
Tôi hiểu bà Tư vô nghĩa trang làm gì. Đám trẻ con trong xóm hay bu lại quấy phá nên bà tìm một chỗ yên ổn để tập tuồng. Tôi chạy ngay vào bệnh viện. Bà Tư đang nằm thiêm thiếp, hơi thở mệt nhọc. Tôi đưa tay sờ lên vầng trán giá lạnh, xanh xao. Bà Tư giương ánh mắt phờ phạc nhìn tôi môi run run như nói điều gì nhưng không thốt được thành tiếng.
Hôm sau, bà Tư xin xuất viện về nhà. Anh Nghĩa bảo tôi bám sát để lo cho bà. Buổi tối, bà tươi tỉnh hẳn, ngoắt tôi lại gần nói:
- Biểu thằng Nghĩa tối mai cứ thu hình theo dự định.
Tôi nói:
- Không, bà đang bệnh, cần nghỉ ngơi!
- Bà khỏe nhiều rồi, diễn được mà! Đừng cãi bà!
Bà bảo tôi xách chiếc hòm gỗ đến bên cạnh, lần túi lấy chìa khóa. Nắp thùng được mở ra. Tôi sững sờ nhìn vào bên trong. Bộ áo mão đi hát ngày xưa bà xếp ngay ngắn cẩn trọng. Những hạt kim tuyến đính trên áo lấp lánh trong không gian lờ mờ không đủ ánh sáng của căn chòi lá nhỏ với ngọn đèn chong hiu hắt.
Bà Tư run run đỡ lấy chiếc áo một cách trang trọng. Cố nén xúc động nói:
- Bộ đồ này ngày xưa bà mặc để đóng vai Thần Nữ!
Bà lặng lẽ nhìn chiếc áo, hơi thở dồn dập, đưa tay sờ nhẹ lên mặt vải giọng nghẹn đi:
- Đêm mai bà lại sẽ mặc nó... lần cuối cùng!
*
* *
Khán phòng Nhà Văn hóa Trung tâm đêm ấy đông nghẹt khán giả. Hầu hết là giới sân khấu trong tỉnh, cả những đồng nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh bạn. Các máy camera đã chuẩn bị sẵn.
Tấm màn nhung đang khép trong tiếng nhạc ''ngũ đối hạ'' do các nhạc công ngồi phía dưới sân khấu diễn tấu. Tôi ngồi ở hàng ghế khán giả, nôn nao, hồi hộp chờ đợi phút giây thiêng liêng trong đời nghệ sĩ Tư Son.
Lúc nãy, tôi đã đưa bà vào phòng hóa trang. Lẽ ra, tôi phải ở đó với bà theo lời dặn của anh Nghĩa. Nhưng rồi tôi đã lẳng lặng xuống ngồi ở hàng ghế khán giả. Tôi không muốn nhìn thấy bà Tư trong phòng hóa trang, tôi muốn làm khán giả được hưởng những phút bất ngờ đầy thú vị khi người nghệ sĩ ấy bước ra sân khấu.
Sau lời phát biểu của ban tổ chức, phần biểu diễn trích đoạn ''Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ'' của nghệ sĩ Tư Son bắt đầu. Bà sẽ diễn một mình cả một trích đoạn dài gần ba mươi phút.
Trống kèn nổi lên thúc giục tấm màn nhung hé mở. Cả khán phòng hướng về sàn gỗ - cái thế giới kỳ diệu tách biệt hẳn với cuộc sống đầy lo toan, bận bịu của đời thường. Kìa! Thần Nữ đã xuất hiện, lộng lẫy xiêm y với những nét vũ đạo tuyệt vời. Bà Tư Cô Đơn đó ư? Bà già xách bị đi lượm phế liệu có phép mầu hóa thân thành một nhân vật kỳ diệu đến thế? Những nếp nhăn trên gương mặt đã được khỏa lấp bởi lớp son phấn và cách hóa trang khéo léo. Giọng nói khàn đục, mệt mỏi bình thường được âm nhạc chấp cánh vút cao. Cái lưng khòm như thẳng lên, đôi tay đôi chân như khỏe lại khi hòa nhập vào những động tác vũ đạo truyền thống ngoạn mục. Nhất là ánh mắt! Cái thần của người diễn viên kỳ tài ấy là chính từ ánh mắt. Ánh mắt toát lên bao yêu thương, oán giận, tủi nhục, khổ đau. Ánh mắt như một thỏi nam châm cuốn hút trái tim khán giả vào số phận nhân vật. Nghệ sĩ Tư Son đang chứng minh vai trò "bà hoàng" trên sàn gỗ bằng tất cả bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, điêu luyện của mình.
Xen độc đáo nhất là phút giây bế tắc, tuyệt vọng của Thần Nữ trước sự cứng rắn của Phàn Lê Huê. Nghệ sĩ Tư Son đã diễn tả nỗi vật vã, đớn đau của nhân vật khi bị đẩy đến tột cùng của bi kịch đang đấu tranh để cứu mạng sống cho chồng hay giữ lấy sinh mạng của chính mình thật xuất sắc. Bất ngờ, bà quỳ thụp xuống, rút ngũ linh kỳ giắt sau lưng ôm vào ngực... Điệu nhạc ''Nam biệt'' trỗi lên đau thương, dìu dặt. Nghệ sĩ Tư Son vừa chạy bằng gối đến van xin nhân vật tưởng tượng Phàn Lê Huê bằng tình cảm oằn oại, đớn đau, oán trách, cất tiếng hát xé lòng:
"Bớ Tiết lang!
Én quy Nam giã từ nhạn Bắc,
Phút chia lìa ruột thắt từng cơn...
Bớ Mẹ!
Thân này đành thác cho xong,
Linh kỳ dâng cứu mạng chồng tiếc chi!
Bớ Mẹ! Bớ!"
Tiếng trống nhạc dồn dập. Thần Nữ vẫn bò vòng sân khấu bằng gối để van xin. Tiếng hát vẫn vút cao nhưng uất nghẹn.
''Bớ Mẹ!
Linh Kỳ con trẻ trao tay
Âm dương đôi ngã từ đây đoạn lìa!"
Tiếng gào xót xa của Thần Nữ hòa với những miếng vũ đạo nhuần nhuyễn thể hiện phút giây đớn đau trước khi lìa dương thế…
Nghệ sĩ Tư Son gục xuống trong những tràng pháo tay tưởng chừng bất tận. Tiếng nhạc đã dứt. Khán phòng sáng lên. Những đóa hoa tươi của khán giả đang sẵn sàng trao tặng kèm bao lời chúc tụng, ngợi ca. Nhưng bà vẫn nằm đó, bất động trên sàn gỗ. Thần Nữ rút ngũ linh kỳ, báu vật gắn liền với mạng sống của mình để cứu chồng. Hay chính nghệ sĩ Tư Son, trong đêm diễn cuối đời này, đã rút tất cả sinh lực còn lại đến cạn kiệt để làm bùng cháy ngọn lửa nghệ thuật trong những thước phim tư liệu để lại cho đời...
Khi đưa người nghệ sĩ tài hoa ấy đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã gục đầu vào vai anh Nghĩa thổn thức:
- Cùng một kiếp tằm nhưng so với bà Tư Son, em tầm thường quá, phải không anh?